Phàm tâm là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Phàm tâm là gì

Phàm tâm là tâm được hình thành từ toàn bộ kinh nghiệm về thấy biết được huân tập sâu vào trong tàng thức của ta, trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Phàm tâm còn gọi là “tâm thông thường”, tức nó là cái đang được bạn dùng để suy nghĩ, thấy nghe, vui buồn…Hay đơn giản hơn, nó chính là cái “trí thông thường” mà bạn gọi là “cái tôi” của chính bạn.

  • Hành dịch bện quỷ vương Lệ quỷ
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Phàm tâm là gì
Phàm tâm là tâm gì
*

Thực ra phàm tâm vốn chỉ như tay và chân, nó chỉ như là một bộ phận trong cơ thể bạn và bạn hoàn toàn có thể điều khiển được nó. Nếu bạn làm chủ và điều khiển được nó, bạn sẽ luôn được sống trong hạnh phúc. Còn ngược lại, bạn sẽ luôn sống trong đau khổ. Bởi kinh nghiệm về sự thấy biết của phàm tâm phần lớn là sai lạc!

Trên thực tế thì hầu hết chúng ta bị nó điều khiển ngày đêm. Và nó chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến ta đau khổ.

Bởi mọi vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn một khi tâm thức dựa trên những kiến thức sai lệch để đưa ra phán xét. Sau đây là những ví dụ về các suy nghĩ của cái “trí thông thường” bị sai lệch. Các tư tưởng này tự bản thân nó không gây phiền não. Nhưng khi tâm thức chấp chặt vào chúng, ứng dụng bừa bãi; Hoặc nó bất chấp mọi lý lẽ thì sẽ kéo theo phiền não ngay tức thì. Các ví dụ dưới đây cho thấy cách vận hành sai lệch của tâm thức.

Sự sai lệch của Phàm tâm

Khi ta quan sát các hiện tượng và các sự việc mới. Phàm tâm liền lục tìm trong ký ức: Nơi mà nó đã tích trữ mọi điều từ nghe, thấy, trải nghiệm đến các thói quen, quy ước và mong muốn. Sau đó nó khư khư áp đặt những quan niệm và giá trị cũ lên sự việc mới.

Rồi nếu thế giới chung quanh không thuận theo mong đợi và sự lý giải của nó. Phàm tâm sẽ trở nên khó chịu. Nó có thể than phiền hay thậm chí là nổi giận. Nó hành hạ ta, dày vò ta không ngớt về những điều mà nó cho là đúng sai. Nó như một con rận trên đầu đầy phiền toái. Nó điều khiển ta và không ngừng xúi giục ta với những hơn thua hờn giận…Nó khiến ta phiền não không yên với những điều nhỏ nhặt đến kỳ cục…

Những thí dụ sau đây cho ta thấy cách tâm thức lấy dữ liệu từ các giác quan, rồi áp dụng; Rồi đưa ra đòi hỏi và phán xét của nó, gây nên phiền não cho ta:

Sự sai lệch của Phàm tâm về giác quan

Cái thấy, nghe là cảm nhận của giác quan bị Phàm tâm huân tập từ vô thỉ kiếp đến nay tạo nên cái ta gọi là tính cách. Người đời không biết điều này nên cứ bảo là “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Xin thưa với bạn, chẳng có trời nào sinh ra tính cách của ta đâu. Tất cả đều do chính ta, duyên của ta, nghiệp của ta; Thói quen của ta và kinh nghiệm của ta được tích tụ từ vô thỉ kiếp đến nay mà thành. Chính bởi không có Huệ nhãn nên sự tích lũy kinh nghiệm của phàm tâm đa phần là sai lạc. Và bạn hãy tĩnh tâm mà nghĩ xem, có phải chính sự sai lạc này trói buộc khiến ta đau khổ hay không?

Thị giác

“Tôi quan niệm rằng chúng ta nên sống một cách ngăn nắp, thứ tự và sạch sẽ … Tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy quần áo vứt lung tung, đĩa chén bẩn, đồ đạc bụi bẩn, ngổn ngang. Tôi không thích những người thiếu ngăn nắp, thứ tự. Họ nên sống một cách sạch sẽ, khỏe mạnh hơn”.

Thính giác

“Tôi không thích nghe những lời trái tai, những tiếng ồn ào. Tôi đặc biệt khó chịu khi người ta gây ồn một cách cẩu thả, vô tình. Tôi rất bực mình khi người khác đóng mạnh cửa, lê giày dép lẹp xẹp; Hoặc khua chén lẻng kẻng, nói điện thoại to tiếng, hay trò chuyện khi xem phim trong rạp”.

Vị giác

“Tôi ăn uống khá kén chọn. Không hợp khẩu vị thì thà nhịn đói chứ không ăn. Trong bữa ăn mà thực phẩm dở, không hợp khẩu vị, tôi cảm thấy rất bực mình”.

Sự sai lệch của Phàm tâm sinh ra định kiến

Phàm tâm của chúng ta còn có khả năng làm những xét đoán phức tạp hơn dựa trên những quan sát của nó. Nó nắm giữ và dùng một số định kiến để làm méo mó những thông tin từ ngoài vào. Các định kiến thường là về sự liên hệ, giá trị, vai trò và bản thân.

Giá Trị

“Nếu mặc cái áo này ra đường, người ta sẽ cười tôi (tồi tàn, thiếu thẩm mỹ v.v…) hay người ta sẽ khen tôi (sang trọng, đẹp, hợp thời trang v.v…) Khi tôi nhìn kiểu cách ăn mặc, dáng đi và loại xe họ sử dụng v.v. là tôi biết ngay giá trị của họ”. Ở đây cái phàm tâm định nghĩa giá trị qua dáng vẻ bên ngoài và rất quan tâm đến sự khen, chê của người khác. Vì vậy, nó sẽ phiền não khi không có điều kiện trang điểm theo đúng biểu tượng giá trị cho bản thân hay cho gia đình.

Định Danh về cái Ta

“Tôi mất việc làm và tất cả tiền bạc. Tôi hoàn toàn thất bại”. Cách suy nghĩ sai lầm trên đây của cái trí làm chúng ta tưởng rằng chúng ta là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất tạo ra mọi hiện tượng và những sự vật: Biểu hiện của thành công hay thất bại trong đời mình. Điều cực kỳ quan trọng là làm sao để cái trí nhận ra và hiểu rằng: Chúng ta chỉ tham gia và không thật sự tạo ra trọn vẹn một kết quả nào cả.

Ví dụ, khi trí ta nhìn một cơ nghiệp thì chỉ nên thấy đơn thuần là “một cơ nghiệp” mà thôi. Nó không nên thấy đó là “một cơ nghiệp tôi đã tạo ra” hay “một cơ nghiệp tôi đã làm mất”; Hoặc “mình” là cơ nghiệp hay cơ nghiệp là “mình”. Cách nhìn đúng đắn này sẽ giúp chúng ta vượt qua những đau khổ liên hệ đến thành công hay thất bại; Được hay mất, vinh quang hay nhục nhã… Và cách nhìn này giải phóng chúng ta ra khỏi ảo tưởng đeo bám: “Tôi là người chế ngự và làm chủ mọi sự việc trong đời tôi” hoặc “tôi là những gì tôi sở hữu hoặc thành đạt được”.

Các mối liên hệ và vai trò trong xã hội

“Họ là người thân của tôi, họ nên giúp tôi khi tôi gặp khó khăn cần được giúp đỡ. Thế nhưng họ đã chẳng giúp tôi”. Ở đây, tâm phàm của ta định nghĩa gia đình có mối liên hệ đến một số trách nhiệm nào đó. Nếu ai không hoàn thành trách nhiệm thì nó phán xét, trách móc. “Con cái phải vâng lời, hiếu thảo với cha mẹ”. “Cha mẹ phải thương yêu đồng đều. Phải chăm sóc, lo lắng cho con cái đến nơi, đến chốn”.

Đối với tâm phàm, vai trò của con cái và cha mẹ thường gắn liền với một số trách nhiệm và đòi hỏi. Nó phán xét, trách móc và phê bình nếu những thứ này không được đáp ứng đủ. Nếu đứa con không gọi điện thoại hay thăm viếng cha mẹ, cha mẹ sẽ buồn phiền. Còn người con thì mặc cảm thiếu bổn phận và trách mình đã không làm tròn bổn phận. Sự đòi hỏi có thể đưa đến những thái cực quá đáng mà người ta không hề nhận biết.

*

Thí dụ như một trường hợp có thật mà chúng tôi biết được: Một bà mẹ đòi hỏi, cho rằng con gái mình phải báo hiếu bằng cách: Bán thân đem tiền về cho bà cờ bạc.

“Công việc của người phụ nữ trong gia đình là chăm sóc chồng, con. Công việc của nam giới là cung cấp tài chánh, tiện nghi vật chất, dạy con học”. Một lần nữa, phàm tâm gắn liền các nhiệm vụ với vai trò con người trong gia đình, xã hội. Cũng như mọi quan niệm khác: Nếu vì lý do nào đó mà có ai không đáp ứng được trọn vẹn các nhiệm vụ mà nó đã định nghĩa cho một vai trò; Nó sẽ khắc khoải, nhắc nhở, than phiền mãi vậy”.

Về mặt phàm tâm, trục trặc lớn nhất trong cuộc đời này thường là sự liên hệ giữa con người với nhau. Ta cần phải nhìn mọi người một cách chính xác. Thí dụ, ta nên nhìn người bạn đời như sau: “Đây là một con người mà trước khi gặp tôi, đã sống mấy chục năm trên trái đất này; Có những quan niệm riêng không “chính xác”; Cơ thể và tinh thần hoàn toàn biệt lập với tôi”.

Có khi nào ta chợt nhận ra là ngoài việc để làm người bạn đời của ta, người ấy còn hiện diện trên đời này với những mục đích riêng khác không? Cái nhìn này sẽ giúp tâm thức của ta chấp nhận, tôn trọng mọi người chung quanh. Được như thế ta sẽ không còn có nhu cầu buộc họ phải từ bỏ cái “không chính xác” của họ, để phải tuân theo cái “không chính xác” của mình.

Qúa khứ và tương lai vô tận của Phàm tâm 

Thường thì trí không cần dùng đến việc quán sát để làm vui vì nó luôn luôn có quá khứ và tương lai để bận tâm đến. Nguồn gốc lớn của đau khổ phát xuất từ một cái trí liên tục hồi tưởng và sống trở lại trong quá khứ, không ngừng nghỉ lo lắng và hoang tưởng về tương lai. Chúng ta thường hay bị mất cơ hội trải nghiệm ngay hiện tại chỉ vì trí ta cứ lấy sự đau đớn, sự tiếc nuối từ quá khứ để hồi tưởng và sống lại những cảm xúc ấy như một cái máy hát đĩa cũ bị vấp, bất chấp mong muốn của chúng ta là sống trong hiện tại.

Ngoài ra, chúng ta cũng sống một phần của thời tương lai bằng sự lo lắng, sự toan tính và mơ mộng hoang tưởng quá mức. Đau khổ đến ngay khi chúng ta lo lắng những việc tương lai như: Khi nào kết hôn, khi nào có con, bao giờ thì sẽ có tiền v.v. Cái trí cứ lẩn quẩn đeo đuổi những sự kiện hoàn toàn thuộc về một thời khắc khác. Rồi lôi kéo, thôi thúc ta đem chúng ra sống trong hiện tại.

Sự tai hại gây ra bởi cách vận hành rối loạn của Phàm tâm

Đây là cách mà qua sự vận hành rối loạn, tâm phàm tạo nên những đau khổ cho chúng ta:

  •  Nó bận rộn lặp đi lặp lại những phiền não từ quá khứ.
  • Nó đắm chìm trong lo lắng, sợ hãi, và lẩn quẩn mơ tưởng việc tương lai.
  • Nó khắc khoải, vật vã trong việc ứng dụng một cách cứng nhắc và bất kể lý lẽ các quan niệm, nhân sinh quan mà xã hội loài người đã đặt ra.
  • Nó phán đoán, phân tích, nhục mạ, tranh cãi, xây dựng các hình ảnh và cảm xúc của bạo động, oán hờn, ganh tị, v.v…
  • Nó cũng là tác nhân mang nhiều bệnh hoạn và đau đớn cho cơ thể vì sự miên man tai hại kia cứ liên tục chuyển tải sự nhiễu loạn của tư tưởng đến các tế bào.

Khi một người lẩm bẩm nói một mình suốt ngày thì ta cho rằng người ấy mắc bệnh tâm thần. Còn bản thân ta và tất cả mọi người còn lại thì cũng nói suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ. Khác chăng là ta nói âm thầm trong đầu, không phát thành lời mà thôi. Đây là một căn bệnh trầm kha. Nhưng vì mọi người ai cũng bị mắc phải bệnh này nên tưởng rằng đây là một trạng thái “bình thường”.

*

Điều này có nghĩa rằng thay vì ta là người chủ điều khiển cái công cụ “trí” kia thì trong thực tế: Cái trí đó đang miên man vận hành và điều khiển ta. Nó thúc đẩy từng ý tưởng, lời nói, việc làm, cảm xúc…Nó khiến ta tưởng rằng ta làm, ta muốn, ta cảm nhận hoặc ta đau khổ. Ngày nào chúng ta chưa làm chủ được tâm phàm thì chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đau khổ.

Mục tiêu ở đây không phải là bỏ quên quá khứ hay là không dự tính cho tương lai. Cũng không phải là không có ý niệm hay quan điểm. Vấn đề đặt ra ở đây là quá trình suy nghĩ đưa đến những tình trạng như trên xảy ra một cách vô thức và theo thói quen.

Khi chúng ta nói rằng chúng ta muốn vặn tắt cái trí ấy là chúng ta muốn lấy lại sự chủ động đối với quá trình đó. Chúng ta muốn vặn tắt cái công tắc tự động. Nghĩa là mục tiêu của chúng ta là phải có được khả năng chọn lựa và áp dụng. Chúng ta sẽ chọn lựa khi nào nên áp dụng một quan niệm hay một định kiến; Khi nào nên hồi tưởng việc quá khứ; Hoặc lúc nào nên dùng những hình ảnh, những cảm xúc sẵn có bên trong chúng ta.

Phàm Tâm: Thay cho lời kết

Cái trí phàm không phải là một tai họa cho nhân loại. Ngược lại – nó sẽ trở nên một bộ máy rất quý báu nếu mình biết cách dùng nó. Chúng ta cần lấy lại sự chủ động đối với cái trí; Tự giải phóng mình ra khỏi những thói quen tai hại của nó, hầu tìm được hạnh phúc lâu dài. Một khi chúng ta đã trở thành chủ nhân của phàm tâm. Chúng ta có thể vun bồi cho nó những tính tích cực như sự sáng tạo và sự tỉnh giác. Một khi chúng ta hiểu được tiến trình lý luận và diễn giải của nó; Chúng ta có thể dùng cái trí như là một công cụ để vun trồng, nâng cao tâm thức cho mình và cho người khác.

(Phàm tâm là gì – Theo Tại và Hiện)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Đại lược về Giới Luật Phật Giáo – Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog