Oan gia trái chủ là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Oan gia trái chủ là gì

Oan gia trái chủ là hết thảy các chúng sanh, hoặc thân sơ, hoặc hữu hình hoặc vô hình, tới đòi chúng ta trả các món ác nghiệp mà ta đã gieo trong tiền kiếp và ngay cả kiếp sống này.

  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.

Họ nếu là vô hình thì gá bám trên thân ta. Chờ ngày phước khí của ta suy hao thì báo oán: Hoặc gậy bệnh dây dưa khó chữa. Hoặc tác động vào tâm khiến chúng ta bứt rứt không không lúc nào an.

Họ nếu là hữu hình thì chính là quyến thuộc hoặc người quen thân sơ của ta. Nếu nợ mạng tất đòi mạng, nợ tiền đòi tiền, nợ gì phải trả ấy, không chút chi sai lệch. Họ khiến chúng ta sống trong lo âu, phiền muộn, cả một đời khổ hải mà chẳng biết tại sao! 

Oan gia trái chủ là gì
Oan gia trái chủ là gì

Chúng ta vô lượng kiếp đến nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Trong mỗi kiếp sống việc thiện ít làm mà việc tạo ác lại vô biên vô tận. Gây thù chuốc oán với vô lượng chúng sinh mà chẳng biết. Lại nội một ngày chúng ta tạo vô lượng vô biên tội lỗi…Vậy tội ở đâu mà tạo? Xin thưa: Trong thân khẩu ý mà ra. Vậy nên Kinh Địa Tạng dạy:

Chúng sinh ở cõi này khởi tâm động niệm không gì mà không tạo nghiệp, không gì mà không tạo tội.

Một ngày chúng ta tạo vô lượng tội mà chẳng biết

Bạn nghĩ mình suy nghĩ xấu thì ai biết, ảnh hưởng đến ai mà tạo tội phải không? Không phải thế đâu, trong vô hình đều có chư tôn Thần ghi chép lại hết cả đấy. Tuy bạn không thấy tổn hại đến ai, nhưng cần biết rằng: Chính nghiệp xấu do suy nghĩ gây ra này làm chúng ta mất dần phước báu. Phước tận tất oan gia trái chủ thừa cơ đòi nợ.

Vậy nên khi mình sa cơ lỡ vận, khi mình nay ốm mai đau. Khi gia đình chẳng thuận, con cháu khó bảo, chớ vội oán trời trách người. Trước nên hãy soi lại chính mình, sau sinh tâm sám hối. Rồi hoặc niệm Phật tụng kinh, hoặc trì chú, nương sức gia trì của Tam Bảo. Sớm tai chướng nghiệp mới mong có ngày lìa khổ.

Tuệ Tâm trích đăng những câu chuyện có thật về Oan gia trái chủ, trong sách báo ứng hiện đời, cho bạn đọc minh bạch nhân quả và hiểu sâu về Oan gia trái chủ. Nguyện bạn đọc hiểu rằng: Nhân quả không hư dối, mình làm mình chịu, chớ oán trách chi ai! Từ đó mà sớm phát tâm niệm Phật, siêu độ oan gia, cùng nương nơi Bản nguyện của đức Phật A Di Đà, vãng sanh Tây phương cực lạc, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Oan gia trái chủ đòi nợ

Trong các ác nghiệp, sát sinh là nặng nhất và hầu như ai trong chúng ta cũng phạm phải tội này. Tôi lần đầu đọc câu chuyện dưới đây, cũng dựng lông dựng tóc. Nhớ lại người chú ưa ăn tiết canh mà bị ung thu vòm họng, khối u nơi cổ chú đúng vị trí mà người ta thường cắt tiết nơi cổ ngan vịt.

Có một nông dân họ Chương bị bệnh ung thư Phổi tới giai đoạn mà cả 2 bệnh viện lớn đều tuyên bố bó tay và dặn dò người nhà nên lo chuẩn bị hậu sự cho ông.

Có người bà con của ông biết tôi hay nghiên cứu Phật lý, liền dẫn vợ ông Chương tới nhà tôi, thỉnh cầu giúp họ. Rất may là Hòa thượng Diệu Pháp đang có mặt tại đó, họ liền khẩn cầu Sư phụ từ bi cứu giúp.

Hòa thượng Diệu Pháp nói:

– Bệnh nhân nghiệp sát quá nặng, nhất là giết gà rất nhiều, có phải vậy không?

Vợ ông Chương đáp:

– Dạ đúng, chồng con ưa chiên xào, hầm, nướng. Trong làng mà có đám cưới, hỉ sự hay tang sự gì, toàn đến nhờ ông làm bếp trưởng. Đã vậy ông chê người giết gà kỹ thuật không giỏi, nên luôn giành ra tay. Mỗi lần tổ chức tiệc ổng giết mấy chục con gà, máu đỏ nhuộm hồng cả cái mương.

Vì đâu bệnh nan y đến

Hòa thượng lại hỏi:

– Các ngươi có lén giết con gà trống bự nào của nhà người ta hay không? Con gà này bụng nó lông toàn sắc vàng, mình thì mầu hồng nâu, có đuôi màu xanh lá cây đậm, toàn thân nó sáng lấp lánh. Khi nó ngẩng lên cũng hơn nửa mét, trông nó rất là hùng tráng oai vệ.

Bà Chương nghe Hòa thượng tả thì cả kinh, mặt mày thất sắc, té nhào xuống nghe một cái đụi. Bà dập đầu lia lịa, lắp bắp:

– Ôi trời ơi, thưa Bồ tát! Chúng con nào biết giết gà là có tội?

Năm đó mất mùa, ngày nào nhà cũng đói! Hôm đó có con gà trống bự của nhà láng giềng bay đến chỗ nhà chúng con. Quả thật chúng con có lén giết nó ăn. Trong năm đói kém đó chúng con còn trộm thêm lương thực của nhà nước, còn trộm cả hoa màu. Bây giờ con biết tội rồi, tất cả đều do chúng con liều lĩnh làm. Xin hãy giảm tuổi thọ con đi ạ! Con nguyện chết thay cho ông ấy!

*

Bà vợ rất chấn động tinh thần, vừa khóc vừa kể một thôi một hồi. Luôn miệng xin sám hối tội lỗi của mình. Tôi vội đỡ bà dậy, bảo bà hãy lắng nghe Hòa thượng khai thị. Sư phụ cũng đang rất cảm động. Ngài bảo:

– Sự xúc động của con vừa rồi chứng tỏ con rất chân thành và biết ăn năn. Khi trở về phải nhớ giải thích cho chồng hiểu, để ông ta biết lỗi mà khẩn thiết sám hối. Từ nay về sau cả hai tuyệt đối không được sát sinh nữa. Hãy tới chùa thỉnh bộ kinh Địa Tạng, vì chồng con sát hại gà nhiều nên phải tụng 49 biến, hồi hướng cho chúng nó. Nên nhớ là chồng con phải siêng tụng kinh Địa Tạng. Con gà trống bự mà ông ta giết là vua trong loài gà đấy!

Hòa thượng hỏi tiếp:

– Sau khi giết con gà trống ‘oai hùng’ đó xong, chồng con liền bị bệnh nhức đầu?

Bà Chương ngẫm nghĩ nhớ lại rồi khẳng định:

– Đúng, đúng vậy! Quả là lúc đó ông phát bệnh nhức đầu hai ngày, nhức bưng bưng, ăn gì cũng không nổi!

Hòa thượng nói:

– Con gà sau khi bị giết, lúc nào nó cũng theo báo trên đầu chồng bà, có lúc còn dùng mỏ mổ vào não ông. Như vậy thì làm sao mà không đau đớn được chứ? Hãy lập bài vị cho con gà đó ở trong chùa. Các con phải vì nó tụng 7 bộ kinh Địa Tạng siêu độ cho nó. Nó có thể siêu sinh thiên giới thành một con phượng hoàng!

*

Bà Chương nói:

– Chúng con không biết chữ nhiều, tụng không được thì làm sao?

– Tụng kinh là để cứu mạng cho chồng con! Không biết chữ thì có thể tra từ điển, nếu không thể tụng thì có thể thỉnh Tăng nhân tụng. Nhưng tốt nhất là chính tự mình tụng, vì công đức này đều là của mình làm nên. Phải tuyệt đối lưu ý, trong thời kỳ siêu độ, nên đoạn tuyệt tất cả thức ăn mặn. Tất cả những thứ như thịt, hành, hẹ, tỏi, rượu và thuốc hút…Toàn bộ đều phải dứt hết.

Bởi vì nếu ăn đồ hôi tanh rồi tụng kinh, thì chư thiên nhân, quỷ thần chẳng đến nghe kinh, chúng sinh sẽ không được lợi ích. Mà như vậy đối với Phật pháp cũng không cung kính. Nếu cả hai có thể nghiêm hành, tuân thủ giới luật, thì Phật, Bồ tát nhất định sẽ gia hộ cho các con.

Bà Chương lại hỏi:

– Chồng con hiện đang bệnh nguy, không biết có thể chết lúc nào. Tụng kinh như vậy có kịp không?

Hòa thượng đáp:

– Chồng con nếu chẳng giết vô số gà, thì thọ mệnh cũng chưa tận. Sát sinh là giảm thọ mà! Hãy chí thành sám hối trợ giúp ông nhà tiêu trừ tội chướng. Nếu bản thân chồng con biết thành tâm sám hối, tụng kinh niệm Phật, nhất định sẽ chuyển nguy thành an. Phải tranh thủ nắm bắt thời cơ còn lại!

*

Bà Chương liền vào bệnh viện, thì thấy chồng mình đã có thể ngồi dậy được trên giường. Hỏi thăm mới biết, ông vừa mới nôn ra ống nhổ hơn hai chén rưỡi đàm mủ. Hơi thở cũng đã thông. Bà vô cùng mừng rỡ, sẵn dịp đem lời Hòa thượng dạy, kể cho chồng nghe. Chồng bà nghe kể xong thì vừa mừng vừa sợ. Hôm sau cả hai quyết định xuất viện về nhà, họ nói với bệnh viện:

– Dù sao chúng tôi cũng hết thuốc chữa rồi.

Sau đó hai vợ chồng làm y theo lời Hòa thượng dạy. Không lâu sau, cái ông Chương bị “ung thư phổi suýt chết kia”, đã ra khỏi cửa tử trước sự ngạc nhiên của toàn Thôn.

Khi quyến thuộc là oan gia trái chủ

Đức Phật dạy rằng, con cái có bốn nhân mà đến: 1. Báo ân, 2. Báo oán, 3. Đòi nợ, 4. Trả nợ. Nếu ta may mắn được chúng đến trả nợ hoặc báo ân thì chẳng có chi bằng. Ngược lại thì quả thật là vô biên phiền não, cuộc đời chẳng một lúc nào an, ai có con hư mới thấu được nỗi khổ này!

Nếu như chúng ta nghe Phật giáo hóa, ai cũng chịu tin nhận, y pháp hành trì, thì chắc chắn sẽ chẳng gặp nhiều khổ nạn. Câu chuyện nhân quả có thực dưới đây, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về oan gia trái chủ. Về quả báo thiện ác luôn hiện hữu, theo ta như bóng theo hình.

Khi con trai là Oan gia trái chủ

Có một phụ nữ trung niên mặt mày sầu khổ, ủ ê. Tia nhìn như không còn sức lực, bà yếu ớt nói với tôi:

– Quả Hồng, tôi có một việc nan giải mong cô chỉ bảo giúp cho!

– Xin hãy nói đi ạ!

Bà chỉ vào một ông tuổi trung niên, ngồi phía sau mình giới thiệu:

– Đây là chồng tôi, chúng tôi kết hôn xong thì sinh được một trai. Do công tác bề bộn, không chăm sóc được bé nên đành nhờ bà ngoại chăm giúp. Thằng bé được một tay bà nuôi khôn lớn, nên tình cảm giữa hai bà cháu rất nồng hậu. Bởi bà quá yêu cháu, nên cái gì cũng giành làm thay, chẳng cho nó làm việc chi. Khi nó đã 8, 9 tuổi đầu rồi, mà bà vẫn rửa mặt, chải tóc, tắm táp cho nó… Thậm chí khi nó mười tuổi, lúc ăn cơm bà vẫn còn đút, khiến nó quen tật, hễ không đút thì nó không ăn. Đến khi nó 13 tuổi, bà ngoại sức khỏe suy yếu, nên chẳng lo được, đành giao nó lại cho chúng tôi chăm sóc.

Thằng bé quen ỷ lại như thế rồi, vợ chồng chúng tôi đã sớm nhận ra nên rất lo. Cũng từng khuyên nhắc hai bà cháu, nhưng vô phương sửa đỗi tệ trạng ấy. Sẵn cơ hội nhận cháu về, chúng tôi nhất quyết sửa đổi, uốn nắn thằng con để nó sống tốt hơn.

*

Chúng tôi phát hiện rằng: Hầu như mình vô phương sửa đổi con. Sáng dậy, nếu không thay y phục giúp thì nó chẳng thèm nhúc nhích. Mười ba tuổi rồi, mà cả việc đánh răng, rửa mặt chúng tôi còn phải phục vụ nó. Còn lúc dùng bữa, nếu không “dâng” thức ăn đến tận miệng thì nó không ăn.

Hiện giờ thằng bé đã 16 tuổi, nhưng chuyện rửa mặt, tắm gội v.v cũng phải do cha mẹ nó hầu, phục vụ tất! Kể cho cô nghe mà chúng tôi thực xấu hổ. Thế nhưng nó ở trường thì cư xử với đồng bạn mọi mặt đều tốt, không có gì là bất thường.

Chúng tôi rất buồn khi nghĩ đến các biểu hiện lạ lùng của con trai ở nhà. Tôi và ba nó ngày nào cũng buồn phiền, khổ đến không thiết sống! Xin cô hãy cứu chúng tôi!

Đối diện với người mẹ hình dáng tiều tụy khổ sở, lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Quán sát cảnh cha mẹ dốc hết tâm huyết dưỡng dục con, tôi hiểu ra vì sao họ phải trả báo nặng như thế này! Càng thấm thía luật nhân quả đúng là không sai mảy may, oan gia trái chủ nào ở đâu xa.

Thỉnh oan gia trái chủ

“Vào thời xa xưa, có một thiếu gia con nhà đại phú quý. Mẹ nó hết dạ cưng yêu, nâng niu như châu ngọc. Bà chăm sóc con cực kỳ chu đáo, bắt kẻ hầu người hạ lúc nào cũng phải túc trực chung quanh. Ngoài bảo mẫu bà còn cắt riêng hai nô tỳ bầu bạn, chơi đùa, hầu hạ nó. Tiểu thiếu gia được hai đầy tớ lúc nào cũng kề cận, nênnó có cảm tình nồng hậu và tin yêu họ như thân nhân mình.

Khi thiếu gia trưởng thành, vẫn yêu quý hai người và ưu ái dung túng họ.

Đôi nam nữ giúp việc lợi dụng lòng tín nhiệm của thiếu gia nên tha hồ tác oai tác quái. Họ thường trộm tiền bạc vật dụng của thiếu gia đem bán tiêu xài, ăn chơi. Số tài sản họ trộm tính ra nhiều không kể xiết. Họ chẳng có chút lòng hổ thẹn, ngược lại ngày càng quá quắt. Họ cùng lên kế hoạch “sẽ làm một mẻ to kếch sù của thiếu gia rồi trốn đi”… Nhưng mưu tính của họ chẳng được thành như ý nguyện.

Kiếp trước gieo nhân, kiếp này trả quả

Bánh xe luân hồi vần xoay. Đời này, đôi người hầu gian tham trộm cắp đồ xưa kia nay là vợ chồng. Thiếu gia thì đầu thai làm con họ. Sở dĩ họ phải nuôi con vất vả khác thường là đề trả quả báo xưa. Bởi họ thiếu nợ cậu quá nhiều, nhiều đến không thề nào tính xuể.

Riêng người mẹ tiền kiếp của thiếu gia, đời này lại sinh làm bà ngoại. Vẫn còn lưu giữ niềm yêu thương như kiếp trước. Phần đôi vợ chồng “tôi tớ”, đối với nữ chủ kiếp xưa nay thành là mẹ, họ luôn khép nép vâng lời. Họ không bao giờ dám cãi bà. Hễ mẹ phán là chỉ biết có dạ vâng, sự trọng vọng dành cho bà luôn tiềm tàng nơi họ.

Thấy bà ngoại quá cưng cháu, họ nghĩ đây là điều tự nhiên, nhưng đến sau này khi muốn quản giáo con thì đã không còn kịp nữa. Do bởi nhân xấu ác đời trước đã gieo, sang đời này đà trổ quả. Đây chính là ác báo mà hai vợ chồng cùng phải gánh chịu!

Làm thế nào khi trẻ hư

Nhìn người mẹ đang ngồi khóc, tôi khuyên:

– Không nên oán hận con mình, càng không nên chán ghét cuộc sống. Bây giờ, đã hiểu rõ ngọn nguồn nhân quả, hai vị nên chân thành ăn năn sám hối các tội mình đã tạo trong kiếp trước. Do xưa kia không làm tròn bổn phận người hầu, ngược lại còn tham trộm tài vật chủ nhân, nay hoàn trả lại hết đủ cả vốn lẫn lời. Phải an nhẫn chịu đựng!

Từ nay trở về sau, hai vị phải đến trước Phật chí thành sám hối lỗi xưa. Phải trì giới ăn chay, hằng ngày vì thiếu gia kiếp trước tụng một bộ “Kinh Địa Tạng”, hồi hướng công đức để trả hết nợ tiền khiên. Đồng thời, phải nài xin bà ngoại khuyên bảo cháu giùm: “Lớn rồi nên tự chăm sóc, tự lo! Nếu không chịu sống tự lập thì tương lai sẽ biến thành người vô dụng, thành kẻ phế thải trong xã hội!”

Nếu như bà ngoại chịu khuyên cháu, thì con các vị nhất định sẽ nghe lời. Phần hai vị phải dốc sức sám hối tụng kinh, ăn chay, tu sửa. Nếu làm được vậy thì cậu con ắt sẽ thay đổi nhanh thôi. Bởi vì bản chất cháu vốn không phải biếng lười, mà do chịu ảnh hưởng của nghiệp lực tác động nên mới không làm!

Tôi nói xong rồi, phương thuốc hay đã đưa ra, phần áp dụng thực hành là của các vị! Nếu có thể làm được như lời tôi khuyên, thì tất cả đều sẽ chuyển tốt!

Cách hóa giải Oan gia trái chủ

Thường nghe đến Oan gia trái chủ, người ta hay nghĩ ngay đến việc sắm lễ mời thầy. Vậy các thầy có thể giải được oan gia trái chủ hay không? Câu trả lời là không! Không ai có thể giúp được bạn ngoài chính bạn! Tại sao thế? Bởi Oan gia trái chủ chính là nghiệp quả bạn phải chịu khi đã gieo nhân. Bạn gieo nhân ắt gặt quả, không thể khác được, cũng như bạn ăn thì no bụng, không thể ăn giúp người khác được.

Một bậc thầy chân chính chỉ có thể giúp bạn hiểu rõ được nhân quả, việc còn lại là của bạn. Nếu bạn chân thực phát tâm sám hối, hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh trì chú, rồi hồi hướng cho Oan gia trái chủ. Dưới sự gia trì của Tam Bảo, oán kết được gỡ bỏ, đó là cách hóa giải oan gia trái chủ duy nhất, ngoài ra không có cách nào khác. Nếu một vị thầy yêu cầu bạn sắm lễ lạt, hoặc dâng cúng tiền bạc để hóa giải oan gia trái chủ, chắc chắn đó không phải là người tu hành chân chính. Xin hãy thận trọng, chớ để tiền mất tật mang!

*

Oan gia trái chủ thiên hình vạn trạng, không ai là không có, chỉ là đến lúc bạn bị đòi hay chưa mà thôi. Vì đời trước đa số chúng là kẻ bị hại, đời này đến tìm ta báo oán. Chúng ta cần tin sâu nhân quả mà phải sám hối những điều đã làm, đã tạo trong đời trước của mình. Phải vì họ mà ăn chay, niệm Phật, hoặc tụng kinh, trì chú hồi hướng. Cầu Phật lực nhiếp thọ, hóa giải, biến ác duyên giữa ta và họ thành thiện duyên.

Nếu con cái hoặc người thân quen là oan gia trái chủ, ta cần an nhẫn sám hối. Phải sửa đổi bản thân, phải đoạn ác tu thiện, thân cận Phật pháp. Làm như thế mới chiêu cảm được Phật lực gia trì, khiến công đức tăng gấp bội. Thế thì dù bị nghịch tử đến ở kề bên nhưng nếu có phúc duyên, khéo thân cận Phật pháp, thì nghịch tử kia chính là chìa khóa vàng giúp mẹ cha mở ra cánh cửa hạnh phúc: Nhờ vào sự học Phật, tu trì… khiến đôi bên cùng được lợi. Toàn gia đồng hưởng pháp lạc, biến phiền não thành bồ đề.

( Oan gia trái chủ là gì)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nghiệp Chướng là gì

37 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog