Niệm Phật tam muội là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Niệm Phật tam muội là gì

“Người niệm Phật khi đi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng duy có một định thể gọi là Niệm Phật Tam Muội. Đây là cảnh hư linh sáng lặng, vọng giác tiêu tan, hành giả duy còn trụ tâm nơi tướng hảo hoặc hồng danh của Phật. Nhưng tuy nói trụ mà thật ra vô trụ. Vì âm thanh sắc tướng đương thể như huyễn, chính đó là không.

Tướng Tam Muội ấy như thế nào? Theo Liễu Dư đại sư thì khi hành giả chuyên nhất niệm Phật, quên hết thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả thời gian không gian. Đến lúc sức cực công thuần, ngay nơi đương niệm trần vọng bỗng thoạt tiêu tan, tâm thể bừng sáng. Chứng vào cảnh giới vô niệm vô bất niệm.

Cảnh ấy như hư không mây tan, trời xanh một vẻ, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Không thấy biết mới là sự thấy biết chân thật, có thấy biết tức lạc theo trần. Đến đây thì nước bạc non xanh đều là chân đế, suối reo chim hót toàn diễn diệu thừa. Tâm quang bao hàm muôn tượng mà không trụ một pháp. Tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, đều còn đều mất, tuyệt đãi viên dung…Cảnh giới Tam Muội đại để là như thế, khó tả nên lời, duy chứng mới thể nghiệm được.”

  • Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Bản nguyện niệm Phật – Trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
Niệm Phật tam muội
Niệm Phật tam muội là gì

Cảnh giới của Niệm Phật Tam Muội

Cảnh giới của Niệm Phật Tam Muội được nói khá chi tiết trong Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Nhập Pháp giới. “Đức Vân Tỳ kheo nói với Thiện Tài Bồ tát rằng: “Ngài chứng được Niệm Phật tam muội, và đây là lời của ngài thuật lại công dụng của Niệm Phật tam muội mà ngài đã được: Ta được môn “Ức niệm nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến”.

Trong chánh định thường hiện cõi và cung điện trang nghiêm thanh tịnh của tất cả chư Phật. Có thể làm cho chúng sanh thấy Phật rồi được thanh tịnh. Làm cho chúng sanh chứng nhập trong mười trí lực của Như Lai. Thấy vô lượng đức Phật và được nghe pháp. Bình đẳng thấy tất cả thế giới. Thấy thần thông tự tại của chư Phật. Thấy công việc làm của chư Phật trong tất cả thời gian. Thấy mình luôn gần bên Phật không xa rời. Thấy Phật cao đẹp hơn tất cả. Muốn thấy đức Phật nào, thời liền được thấy. Khắp thấy chư Phật tuần tự hiện trong tất cả cảnh giới. Chư Phật nhập Niết bàn đều thấy cả.

Trong một niệm thấy rõ sự xuất hành của tất cả chư Phật. Trong mỗi thân Phật đều lớn đầy cả hư không pháp giới. Vô lượng chư Phật ra đời đều đến hầu hạ. Trong nhứt tâm, thấy rõ cả chư Phật thành chánh giác hiện ra đời thuyết pháp độ sanh. Hiện cảnh tượng nghiệp thiện ác của chúng sanh đã gây tạo cho chúng thấy để họ tự giác ngộ. Thấy Phật ngự trên tòa sen báu rộng lớn nở xòe trùm pháp giới. Thấy vô lượng thân của Như Lai trang nghiêm”

Niệm Phật Tam Muội: Lý và Sự

Hòa Thượng Trí Tịnh dạy: “Tôi nghe nhiều người đến trình bày chấp trì danh hiệu. Họ nói: “Tôi bây giờ ngộ lắm, bước đi cũng niệm Phật, làm cái gì cũng thấy có niệm Phật hết”, nghĩa là tự rõ biết mình đang niệm Phật, không khác nào người niệm Phật theo tiếng mõ, bất kỳ hành động nào cũng niệm Phật. Như vậy gọi là chấp trì danh hiệu, niệm lực liên tục. Người đó cầm cây chổi quét nhà, chứ thật ra là niệm Phật; việc quét nhà không chen vô được, vì sức niệm nó không cho vô, luôn luôn cái niệm Phật hiện ra. Đó mới gọi rằng được chấp trì danh hiệu, niệm lực liên tục không gián đoạn, cũng có thể gọi là nhậm vận niệm Phật.

Chấp trì danh hiệu, niệm lực liên tục như vậy có thời gian của nó. Nếu mình duy trì được, giữ gìn được, không cho lui sụt, qua một thời gian không biết bao lâu bất chợt nhập định vào Niệm Phật tam muội, nhất tâm không loạn. Cái đó thì không cầu được, không thể muốn được. Mình muốn được là được ở tầng bậc niệm lực tương tục, chấp trì danh hiệu. Chứ còn nhất tâm không loạn không thể muốn được; vì có ý mong cầu xen vô thì tâm đâu có nhất, không phải là nhất tâm. Người được chấp trì danh hiệu, nhậm vận niệm Phật phải trải qua thời gian không biết bao lâu, tùy thuộc vào giới hạnh của người đó thanh tịnh đến tầng nào.

*

Giới hạnh rất cần, là phương tiện giúp cho việc đó nhiều lắm. Nếu giới hạnh không thanh tịnh thì nó ngăn trở việc được Chánh định niệm Phật. Chướng ngăn ở nơi định, gọi là ngũ cái. Những chướng đó sâu hay cạn tùy theo mỗi người, người có chướng cạn mỏng thì vượt qua mau; còn người chướng sâu dầy vượt qua rất chậm.

Bất chợt được vào Niệm Phật tam muội, gọi là nhập định. Trong thời gian nhập định đó, lúc ban sơ chưa theo ý muốn của mình được, lúc mãn thì tự nhiên xuất định, cứ giữ được như vậy mà thôi. Các huynh đệ nếu dày công luyện tập được niệm lực liên tục hay còn gọi là chấp trì danh hiệu thì người đó còn cần phải xả bỏ tất cả duyên để luyện cho thành Niệm Phật tam muội nhất tâm bất loạn; vì cảnh duyên xen vào thì chướng ngại, phá hoại ghê gớm lắm.

Việc giải thoát sanh tử để trở thành bậc Hiền Thánh là việc quan trọng nhất của người tu hành. Không có việc gì quan trọng bằng. Cho nên tất cả việc gì khác cũng đều có thể buông bỏ, không nghĩ được hay mất điều gì nữa. Buông bỏ tất cả để luyện thành công Niệm Phật tam muội. Khi thành tựu rồi thì cũng phải như vậy mà luyện, nó có xuất ra thì tập cho nó nhập lại. Lần lần sẽ trở thành dễ, khi muốn nhập thì nó nhập, hễ muốn xuất thì nó xuất.

*

Có thế lực như vậy rồi, muốn nhập một giờ thì nó nhập một giờ; muốn nhập hai giờ thì nhập hai giờ, nếu muốn nhập một ngày thì nhập một ngày, muốn bảy ngày thì bảy ngày. 

Trong kinh A Di Đà nói, sau khi chấp trì danh hiệu thì được nhất tâm không loạn. Hoặc là một ngày, chớ một giờ cũng quý lắm rồi. Vì Phật không nói chi tiết nhiều, nên chỉ lấy từ số 1 đến số 7 mà thôi và lấy thời gian là ngày. Nhưng trên số 7 thì càng quý nữa, không phải hạn định chỉ bao nhiêu đó. Cho nên các vị Tổ khi nhập định, có lúc tới 21 ngày mới xuất ra.

Nhưng đừng sợ khi nhập định thân thể bị yếu. Vì định lực sẽ phát ra sự khinh an. Nếu có định thì tự nhiên phát ra sự khinh an này, gọi là thiền chi. Khinh an đó nuôi thân nuôi tâm của hành giả. Nuôi tâm là nuôi tinh thần, nuôi thân tất nhiên làm cho thân thể ngày càng khỏe mạnh hơn là mỗi ngày nuôi bằng thức ăn.

Nếu người nhập định 7 ngày khi xuất định sẽ mạnh hơn người thường trong 7 ngày ăn uống đầy đủ. Khinh an ở trong tam muội, nuôi thân và nuôi tâm có được thế lực như vậy. Cho đến nhiều vị nhập định hàng tháng hàng năm, khi xuất định thì thần thông tự tại biến hóa vô cùng, chớ không phải thường.

*

Mình đừng ngại chuyện đó. Trong kinh, Phật nói điều này rõ ràng, người được Niệm Phật tam muội, khi nhập định tự nhiên Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng đều hiện ra trước mắt người đó, và tùy ý tự tại muốn thấy đức Phật nào cũng đều thấy được. Vả lại, thấy Phật thì được nghe pháp.

Nghe Phật nói thì thiện căn công đức phát khởi, tăng trưởng; trong kinh nói là thấy Phật nghe pháp liền chứng quả Thánh. Bởi vì đó là cảnh duyên thù thắng nhất trong các cảnh duyên, làm cho mình tiêu trừ những nghiệp chướng và tăng trưởng thiện căn, đạo lực nhân đó mà tăng theo, rồi từ tam muội đó lại còn sanh ra các tam muội khác.

Do vậy, được một tam muội thì đưa đến được nhiều tam muội khác. Được một chánh định thì có thêm nhiều chánh định khác. Không phải như thiền định thế gian, hễ tu cái nào chỉ được cái đó thôi, không sanh được cái khác. Còn thiền định xuất thế gian mang đến những kết quả lạ lắm, khi được rồi thì sẽ sanh ra các thiền định khác, các tam muội khác. Bởi vì tam muội xuất thế gian lấy tâm tánh làm trọng yếu, mà không có pháp nào không phải là của tâm tánh chuyển thể lên; những tam muội cũng đều từ tâm tánh lưu xuất.

*

Do vậy, các thiền định thế gian khác với tam muội xuất thế gian, vì chủ chốt của nó là ngoại duyên, ngoại cảnh; cho nên có chướng ngại, có hạn định, có ranh giới, tức là cái nào ra cái đó, không sanh ra cái khác. Còn tâm tánh thì có đặc tánh chung nên tất cả các pháp đều có một tâm tánh. Dù là của người này, hay của người khác, thật sự cũng đồng một tâm tánh.

Cho nên khi một cái gì từ nơi tâm tánh mà thành thì nó cũng từ nơi tâm tánh đó sanh ra cái khác. Đây là cái được của nhất tâm không loạn Niệm Phật tam muội, trong cảnh đó thấy rõ Phật hiện ra, được thành tựu công đức thiện căn như thế, gọi là Sự niệm Phật tam muội, nghĩa là được tam muội về Sự.

Nếu trong khi niệm Phật được chánh định tự nhiên nó phát minh “đương niệm vẫn vô niệm”, không thể dùng lời nói diễn tả được. Đương niệm mà tại sao không có niệm? Ở đây tạm dùng lời nói như vậy, chứ không thể diễn tả được cái đó. Trong khi không có niệm mà vẫn là niệm thì đạt được lý chân không của tất cả các pháp, nghĩa là tánh chân thật của tất cả pháp.

Tánh chân thật của tất cả pháp là tánh chân không. Tánh chân không chẳng phải là không suông, không có gì hết. Do đó, không có niệm mà vẫn niệm, cũng chẳng phải không có đương niệm mà vẫn là không niệm. Tự người đó cảm thấy như thế, chứ không thể nói được.

*

Ý này được cổ đức diễn tả giống như việc uống nước. Giả sử tôi uống nước, lạnh hay nóng, ngọt hay lạt, thì chỉ một mình tôi biết thôi. Tôi có nói ra, người khác chỉ nghe chứ đâu có cảm được sự nóng lạnh, ngọt lạt. Ở đây cũng giống như vậy, đạt được Lý tam muội này chỉ người đó biết được. Nếu do niệm Phật được Sự niệm Phật tam muội, rồi đến Lý niệm Phật tam muội.

Ở đây, Lý là Lý tánh chân thật, đạt được Lý tánh chân thật đó đồng với Thiền tông gọi là đến trình độ minh tâm kiến tánh, nhưng hơn Thiền tông xa lắm. Vì sao? Trong nhà Thiền, người minh tâm kiến tánh, nhưng không thể về Cực Lạc được. Còn người đạt được “đương niệm là vô niệm” thì người đó muốn về Cực Lạc là về, không phải chờ đến chết, lúc đó tự tại lắm. Hơn Thiền tông xa ở điều đó. Cho nên, pháp môn niệm Phật bảo đảm lắm.

Bây giờ tôi lặp lại, được về Cực Lạc ở mức cao là tự tại như thế đó, nhưng ở mức thấp và căn bản thì chỉ cần có lòng tin sâu chắc và sự phát nguyện tha thiết. Về lòng tin sâu chắc, tôi nhắc lại có ba điều:

*

Một là tin lời nói của đức Phật Thích Ca. Hai là tin cõi Cực Lạc có đức Phật A Di Đà và những điều kiện vãng sanh mà Phật đã chỉ dạy. Thứ ba quan trọng nhất là tin mình có khả năng tu hành và thành tựu nơi pháp tu này. Nhưng phải nhớ hai điều trước cũng rất quan trọng.

Có nhiều người tin Phật và tin pháp của Phật dạy, lại do dự không biết mình có làm được hay không. Vậy là không được rồi! Phải tin chắc mình có khả năng làm thì mới có sự phát nguyện tha thiết. Nếu có nguyện tha thiết thì không đòi hỏi công hạnh nhiều ít, đến mức độ nào. Như phần trên đã nói, người làm ác cả đời đến lúc lâm chung chỉ tin và phát nguyện, niệm mười câu Phật hiệu cũng được sanh về Cực Lạc. Như vậy, hạnh không đòi hỏi phải đến mức độ nào, mà quan trong nhất là phải tin cho sâu, nguyện cho chắc. Có làm thì được rồi; không cần nhiều ít chi hết.

Thực hành nhiều thì đạt đến Sự niệm Phật tam muội, Lý niệm Phật tam muội, được tự tại vãng sanh và ở phẩm sen cao, nghĩa là liền vào hàng Bồ tát nào đó. Còn nếu người chỉ biết niệm Phật nhưng không nhiều, không được niệm lực liên tục, không được chấp trì danh hiệu, không được nhất tâm bất loạn, không được gì hết; người đó thường có niệm là được rồi. Nhưng tin phải sâu chắc, nguyện phải tha thiết. Hai điều đó phải nắm vững, như vậy vẫn được vãng sanh.

Niệm Phật Tam Muội là cứu cánh của Tịnh Độ

Hòa Thượng Thiền Tâm dạy: “Chỗ cứu cánh của Thiền là Chân Như Tam Muội. Điểm cứu cánh của Tịnh Độ là Niệm Phật Tam Muội. Chân Như Tam Muội như vàng khối, Niệm Phật Tam Muội như vòng, xuyến và các món trang điểm chạm trổ xinh đẹp, mà trong vòng xuyến nguyên đã có vàng. Cho nên khi chứng Niệm Phật Tam Muội, tức đã bao gồm cả Chân Như Tam Muội.

Chân Như Tam Muội chỉ thuần về mặt trí huệ. Niệm Phật Tam Muội đã có trí huệ còn gồm thêm phần phước đức. Bởi người tu Tịnh Độ cũng lấy nhứt tâm thanh tịnh làm căn bản: Trên chỗ nhứt tâm ấy lại có thêm công đức niệm Phật. Nhưng Chân Như Tam Muội với Niệm Phật Tam Muội không phải tu một đời mà chứng được, cần phải liên tục tu trong nhiều kiếp…Nhứt là chúng sanh thời mạt pháp này khó mà hy vọng!

*

Vì thế Niệm Phật Tam Muội tuy là chỗ cứu cánh của môn Niệm Phật, nhưng chỉ đứng về hàng thứ yếu. Sự cầu vãng sanh Tịnh Độ trong một đời để được bất thối chuyển, mới là tông chỉ chánh yếu cần thiết của tông này. Do đó pháp môn Niệm Phật mới có tên là tông Tịnh Độ.

Cho nên sở dĩ các bậc tu Thiền sau khi ngộ đạo, tự biết con đường chứng đạo còn xa. Lại sợ e kiếp người ngắn ngủi, khi luân hồi sang đời khác phải bị mê lạc, nên mới chuyển hướng Niệm Phật cầu vãng sanh là thế.

Niệm Phật, lễ Phật dù rằng nhọc, nhưng được thêm công đức phước báo. Đây là do công năng tu trì của hai nghiệp thân và khẩu. Như chiếc xe từ Đà Lạt về Sài Gòn: Chạy xe không tất nhiên nhẹ nhàng. Nhưng nếu huyên chở thêm bông hoa rau cải, thì đã về đến Thủ Đô mà còn được có thêm phần hàng hóa. Đem công năng siêng nhọc niệm Phật để được thêm nhiều phước báo. Đó chính là phần công và thưởng đương nhiên theo luật nhân quả, đâu có chi phải thiệt thòi? Song mỏi nhọc nếu có, chỉ là lúc mới tu. Khi niệm Phật thuần thục đến chỗ vô tâm, nào có chi là mỏi nhọc!

Bốn môn niệm Phật tam muội

Niệm Phật Tam Muội vẫn là một thể. Nhưng để đi vào định cảnh ấy, người xưa đã căn cứ theo kinh; Y nơi ý nghĩa và oai nghi hành trì mà chia thành bốn môn như sau:

1. Bát Chu Tam Muội

Bát Chu có nghĩa là Phật Lập. Hành trì môn Tam Muội này, có ba oai lực phù trợ: Oai lực của Phật, oai lực của pháp Tam Muội, và oai lực công đức của người tu.

Khi thật hành Bát Chu Tam Muội, phải lấy chín mươi ngày làm một định kỳ. Trong thời gian ấy, ngày đêm hành giả chỉ đứng hoặc đi, tưởng đức Phật A Di Đà hiện thân đứng trên đảnh mình đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Hay miệng thường niệm danh hiệu Phật, tâm thường tưởng Phật không xen hở.

Khi công thành, trong Tam Muội hành giả thấy đức A Di Đà và chư Phật mười phương hiện ra đứng trước mình khuyến tấn khen ngợi. Bát Chu cũng gọi là Thường Hành Đạo. Người tu khi đi, mỗi bước mỗi tiếng đều không rời danh hiệu Phật, ba nghiệp hành trì không gián đoạn như dòng nước chảy. Pháp này công đức rất cao, song chỉ bậc thượng căn mới kham tu trì. Hạng người trung hạ và tinh lực yếu kém không thể thật hành nổi.

2. Nhất Hạnh Tam Muội

Nhất hạnh có nghĩa là chuyên nhất về một hạnh. Khi tu môn Tam Muội này, hành giả thường ngồi và chỉ chuyên nhất quán tưởng, hoặc niệm danh hiệu đức A Di Đà. Lại tuy chỉ tu một hạnh mà được dung thông tròn đủ tất cả hạnh, nên Nhất Hạnh cũng gọi là Viên Hạnh. Từ pháp Niệm Phật Tam Muội này cho đến hai môn sau, ba hạng căn cơ đều có thể tu tập.

3. Pháp Hoa Tam Muội

Đây là một môn Tam Muội trong mười sáu Tam Muội như Kinh Pháp Hoa phẩm Diệu Âm Bồ Tát đã trần thuật. Theo ý chỉ của Thiên Thai Tông, thì ba đế viên dung là Pháp, quyền thật không hai là Hoa. Ví như hoa sen khi cánh hoa (quyền) chưa nở, mà gương sen (thật) đã thành, gương với cánh đồng thời. Nơi một đóa hoa mà gồm đủ ý nghĩa quyền và thật vậy. Nói theo tông Tịnh Độ thì tức niệm là Phật, tức sắc là tâm. Một câu niệm Phật gồm cả ba đế, nhiếp cả thật quyền. Nếu tỏ ngộ lý này mà niệm Phật, gọi là tu hạnh Pháp Hoa Tam Muội.

Khi tu môn Tam Muội này, hành giả dùng hai oai nghi ngồi và đi mà thay đổi để quán Phật hoặc niệm Phật, kỳ cho đến khi nào chứng nhập vào chánh định. Pháp nghi tu tập này lại có phần dễ hơn Nhất Hạnh Tam Muội ở trên.

4. Tùy Tự Ý Tam Muội

Pháp thức này có nghĩa là tùy tâm hoặc đi đứng, hoặc nằm ngồi, đều nhiếp niệm không rời danh hiệu đức A Di Đà để tu chứng vào Niệm Phật Tam muội. Hành nghi đây lại còn có tên là “Lưu Thủy Niệm Phật”. Ví như ngọn nước nơi dòng sông cứ liên tục chảy mãi, dù gặp cây đá ngăn cản nó chỉ dội lại rồi cũng tìm lối chảy đi.

Thông thường người tu theo môn này, cứ mỗi buổi khuya lễ Phật A Di Đà bốn mươi tám lạy, Quán Âm, Thế Chí và Hải Chúng mỗi danh hiệu đều bảy lạy, kế quỳ xuống sám hối. Rồi từ đó cho đến tối, lúc đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật. Hoặc lần chuỗi ghi số, hoặc niệm suông. Đến trước khi đi ngủ, lại lễ Phật một lần nữa và đem công đức tu trong ngày, mà phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Trong khi hành trì nếu có tiếp xúc với các duyên, khi qua rồi vẫn trở lại niệm Phật. Pháp tu này tuy tùy tiện dễ dàng, nhưng phải khéo tránh bớt duyên và có tâm bền bỉ mới mong thành tựu.”

( Niệm Phật Tam muội là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Công Đức Bảo Sơn Thần Chú

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog