Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo nghĩa là mọi thứ đều do tâm tạo ra. Đây là một câu kệ được trích từ Kinh Hoa Nghiêm. Bài kệ này mang uy lực vô song của mười phương chư Phật, nên còn gọi là bài kệ “Phá Địa Ngục”. Nguyên văn bài kệ như sau: 

Nhược nhân dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán Pháp Giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo.

Dịch là 

Nếu ai muốn rõ biết,

Tất cả Phật ba đời,

Nên quán tánh Pháp Giới,

Hết thảy do tâm tạo.

Sách “Đường Về Cực Lạc” chép: “Vương Thị là vợ của Mã Vĩnh Dật. Ông Vĩnh Dật chuyên tu tịnh nghiệp, sự tích chép trong truyện ông Mã Vu. Vương Thị cũng y theo pháp thập niệm hồi hướng của Từ Vân mà tu trì. Thị lại thường tụng bài kệ phá địa ngục, tức là bốn câu kệ trong kinh Hoa Nghiêm: “Nhược nhơn dục liễu tri. Tam thế nhứt thiết Phật. Ưng quán pháp giới tánh. Nhất thiết duy tâm tạo”. 

Một đêm nọ, Vương Thị chiêm bao thấy chủ địa ngục đến tạ rằng: “Nhờ công đức tụng kệ của bà, nên trong địa ngục có rất nhiều tội nhơn được sanh lên Thiên đạo”. Về sau, trong khi nằm bệnh, Vương Thị niệm Phật không ngớt tiếng, mãi đến hơi cuối cùng. Cả quyến thuộc và mấy người tớ gái đồng chiêm bao thấy Thị về mách rằng: “Tôi đã được sanh về Tịnh độ!”.”

  • Vạn sự Tùy duyên nghĩa là gì.
  • A Lại Da Thức là gì.
  • Mạt Na thức là gì.
  • Vô ngã là gì.
  • Thanh  tịnh nghĩa là gì.
  • Tam Thân Phật là gì.
  • Dấu hiệu người đắc quả Tu Đà Hoàn
Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì
Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Con người là do cái gì tạo thành? Con người là do “tâm” tạo thành! Tâm không chỉ tạo ra con người mà còn có thể tạo ra mọi thứ—thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh …; vì thế mà nói rằng mười Pháp Giới đều do tâm tạo thành. Song, tâm tạo ra mười Pháp Giới thì tâm cũng có thể hủy diệt mười Pháp Giới”

Theo Phật Học Tinh Yếu: “Tất cả thế-giới do đâu mà có, và ai là tác-giả? Đó đều do tâm mà có, và duy tâm tạo ra. Từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng-sanh bởi mê chân hợp vọng, nên cấu thành A-lại-da-thức; do thức nầy mà biến ra các loại căn thân và khí thế-giới. A-lại-da tức là thức thứ tám, thức nầy chia làm hai phần: Kiến và Tướng. Kiến phần biến thành bảy thức trước, Tướng phần biến thành căn thân và khí giới; nội lục căn vì có chấp thọ nên thuộc về thân tướng phần, ngoại khí giới vì không chấp thọ nên thuộc về sơ tướng phần.

Hai món tướng phần nầy đều do tứ đại hợp thành, tứ đại là năng tạo, y chánh là sở tạo, và tám thức là chủ thể của năng biến. Tám thức nầy chia thành tam năng biến, mà A-lại-da-thức lại là động lực căn bản. Vì thế, Duy-thức nói: “Từ vô thỉ làm nhân. Và sở y các pháp. Do đây có các nẻo. Cùng sự chứng Niết-bàn”. Lại nói: “Ba cõi không có pháp chi khác, chỉ là một tâm tạo ra. Tất cả nhân-quả, thế-giới, vi-trần đều nhân tâm mà thành thể”.

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo giảng giải

Theo như trên, nếu thức biến tợ ra thế-giới, là mỗi thức riêng biến, hay là các thức chung biến? Lý nầy rất uẩn khúc, xin chia làm bốn nghĩa để giải thích:

1. Cộng trung cộng biến:

Đây là do sức thành thục của bát-thức-cộng-tướng-chủng, biến ra các tướng thế gian. Trong đây, tuy sở biến của các hữu-tình đều riêng, mà tướng tương tợ không khác.

Ví như một vùng đèn đuốc sáng tuy sự sáng ấy do từ cá biệt của các ngọn đèn hợp lại, nhưng tánh cách sáng của mỗi ngọn đèn đại để đều giống nhau, nên chúng mới tương hợp được. Như núi non do sức nghiệp Kiến-chấp của những cá biệt chúng-sanh hợp lại biến thành, sông ngòi do sức nghiệp Tham-ái của những cá biệt chúng-sanh họp lại mà huyễn hiện. Đây gọi là cộng-biến (cộng-trung). Trong tướng non sông vô chủ của cộng-biến nầy, mỗi người cho đến các loài đều có thể thọ dụng, nên lại gọi trùng lập thêm một chữ Cộng (Cộng-trung-cộng).

Ðức Thế-Tôn đã bảo: “Nếu phát minh được chân tâm, trở về nguồn giác, thì mười phương thế-giới thảy đều tiêu tan”. Từ xưa đến nay những vị tu hành đắc đạo cũng nhiều, nhưng tại sao thế-giới vẫn còn hiển hiện, hay là lời Phật nói không đúng ư?

– Thưa không! Khi người tu phát minh chân nguyên thì cảnh giới quả thật cũng tiêu tan, nhưng chỉ tiêu một phần tự-biến của mình mà thôi; cho đến người chết thác sanh về cõi khác cũng vậy. Như một vùng nhiều đèn sáng, nếu một đôi ngọn tắt mất hay bị dời đi nơi khác, thì sự sáng cũng vẫn còn, bởi hãy còn các ngọn đèn kia. Nếu quả thật mỗi chúng-sanh đều trở về nguồn giác thì tất cả cảnh giới đều tiêu tan, lẽ ấy không còn nghi ngờ chi nữa!

2. Cộng-trung-bất-cộng-biến:

Đây là cảnh tự-biến và riêng mình được thọ dụng trong tướng cộng-biến. Như một dãy núi non hay một vùng ruộng nương rộng rãi, tuy do nghiệp thức của nhiều chúng-sanh biến hiện; nhưng có một khoảnh núi hay ruộng do tự thức mình biến tạo và riêng mình được thọ dụng. Lại như một khu đô thị do nhiều lầu đài nhà cửa của nhiều người hợp lại mà thành, nhưng trong ấy có một ngôi nhà do mình kiến tạo và chỉ riêng mình được làm chủ; cảnh tự-biến trong cộng-biến là như vậy.

3. Bất-cộng-trung-cộng-biến:

Đây là cảnh sở hữu của một người mà kẻ khác có thể tạo tác và thọ dụng. Như một khu vườn đất rộng, trước tiên do một người khai khẩn và làm chủ. Sau người nầy lại cho nhiều kẻ khác mướn; những kẻ ấy có thể cất nhà cửa, trồng cây cối nơi những vuông đất mình mướn, và đều có thể thọ dụng phần tạo tác của mình. Vì cảnh tướng trong khu đất rộng ấy tuy do một người tạo lập và làm chủ, nhưng thật ra cũng do nhiều kẻ khác kiến thiết và được thọ dụng, nên gọi là cảnh bất-cộng-trung-cộng-biến.

4. Bất-cộng-trung-bất-cộng-biến:

Đây là cảnh riêng mình tạo lập và riêng mình làm chủ. Như anh thợ mộc cất một ngôi nhà, đóng những giường tủ bàn ghế tùy tự ý để cho mình thọ dụng. Những thứ nầy do anh tạo ra và chính anh làm chủ, nên thuộc về cảnh tượng bất-cộng-trung-bất-cộng-biến.

Bốn nghĩa thế gian tướng trên đây tuy có uẩn khúc, nhưng đều không ngoài những điểm: tự-biến, cộng-biến, tự-thọ-dụng, cộng-thọ-dụng.

Đến đây có một điểm nghi cần giải thích. Theo như trên đã nói thì sắc do thức biến, nhưng tại sao chư thiên ở cõi Tứ-thiền còn tâm thức, mà cõi ấy lại gọi là Vô-sắc? Vô-sắc-giới chẳng phải không có hình tướng, nhưng vì sắc chất ấy quá vi tế con mắt tầm thường không thể thấy được, nên gọi là Vô-sắc.

Như Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Tỷ căn của Bồ-Tát ngửi biết được mùi thơm nơi cung điện của cõi Vô-sắc”. Kinh A-Hàm cũng nói: “Khi Tôn-giả Xá-Lợi-Phất nhập Niết-bàn, chư thiên ở cung trời Vô-sắc rơi nước mắt như mưa!” Cho nên chỗ thấy của chúng-sanh ở hạ giới thuộc về nghiệp-quả-sắc, hiện cảnh của Vô-sắc-giới thuộc về định-quả-sắc.

*

Kinh Hoa-Nghiêm nói:

Nhược nhân dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán Pháp Giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo.

Lý Nhất thiết duy tâm tạo nầy lại có nghĩa Tự-tại-biến và Bất-tự-tại-biến. Bất-tự-tại-biến là chúng-sanh do biệt-nghiệp mà có những cảnh tướng biến hiện riêng, và bị cảnh giới ấy chi phối nên không được tự tại. Như loài Ngạ-quỷ do nghiệp tham lam bỏn sẻn, nên thấy đâu cũng là cảnh sông máu, biển lửa hay sa mạc khô khan, rồi bị khổ trong đó không được tự do.

Bởi chúng-sanh do biệt-nghiệp khiến mỗi loài có những cảnh tướng riêng như thế, nên cảnh ấy cũng gọi là Tương-vi-thức-tướng. Tự-tại-biến là bậc đắc đạo, đã phá tan hoặc-nghiệp chứng lý duy-tâm, nên có thể biến hiện cảnh tướng một cách tự tại, như chỉ cõi đất hóa vàng ròng, khuấy sông dài thành tô lạc. Đây là cảnh tùy theo chân trí mà biến chuyển, cảnh nầy gọi là Sắc-tự-tại-tướng.

Tóm lại, trong pháp-giới tất cả đều do tâm tạo, mà tâm là vật, vật là tâm, nên Đức Phật đã bảo: “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”. “

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng

Thế giới tốt hay xấu đều do một niệm trong tâm mình tạo thành. “Con người ai cũng có lòng lành thì thế giới sẽ yên trụ mãi mãi; con người có lòng ác thì thế giới sẽ hủy diệt.” Ðó là đạo lý rất hiển nhiên. Ðạo Phật dạy người ta làm điều thiện, biết rõ nhân quả. Làm điều thiện nhiều, làm công đức nhiều, cũng có nghĩa rằng đừng có tranh, đừng có tham, không mong cầu gì cả, chẳng ích kỷ, cũng chẳng tự lợi và không nói láo.

Nếu được như vậy thì thế giới sẽ từ chỗ nguy hiểm mà trở nên an ninh. Cho nên nói: “Nhất thiết duy tâm tạo.” Tức là tất cả mọi thứ đều do tâm mà ra. Tâm tạo ra thế giới, tâm cũng có thể hủy diệt thế giới. Tâm tạo ra thiên đường, tâm cũng có thể tạo ra địa ngục.

*

Gia đình là do mọi người làm thành, con người là do vọng tưởng mà thành hình. Nếu đem vọng tưởng xấu sửa đổi thành vọng tưởng tốt lành thì đó là người tốt. Nếu đem ý niệm thiện mà biến thành ý niệm xấu thì đó là người ác. Ðó là sự khác biệt giữa người ác và người lành.

Bởi vì mọi thứ đều do tâm tạo, thiên đường hay địa ngục đều do tư tưởng và nghiệp lực của mình tạo thành.

Tất cả chỉ tâm tạo: Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Vạn Pháp đều do tâm tạo ra. Ngay cả Phật cũng do tâm quý-vị tạo ra đó. Nếu tâm quý-vị tu Pháp Phật thì thành Phật đạo. Nếu quý-vị thích Bồ-tát hạnh thì tu Bồ-tát đạo, thành một vị Bồ-tát. Nếu quý-vị lòng muốn đọa địa ngục thì cứ nhắm hướng địa ngục mà tu thì tương lai sẽ đọa địa ngục. Cho nên nói: Mười Pháp-giới không rời một niệm tâm này

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo – Pháp giới Duy Tâm Tạo

Chúng sinh trong thế giới có nhiều loài khác nhau. Mỗi một vị Phật thì có quyến thuộc của vị đó; mỗi quyến thuộc lại có vô số chủng loại khác nhau. Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn các ngài thì cũng như vậy. Ðó là bốn Pháp Giới của chư Thánh, Hiền. Mình là phàm phu thì sự cách biệt giữa mình với các Thánh rất là xa, khó mà diễn bày đặng trình độ và trí huệ của các ngài.

Hiện đang nói về sáu Pháp Giới của kẻ phàm, thì trên cả là Pháp Giới loài Trời. Trời cũng có đủ thứ bất đồng. Trời, cộng thêm A Tu La và loài Người, là ba Thiện đạo. Ba Ác đạo là Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh; mỗi thứ đều có đủ thứ quyến thuộc của chúng với đủ thứ thiên sai vạn biệt. Ở mỗi loại lại còn phân ra đủ thứ chủng loại khác nhau nữa.

Mười Pháp Giới từ đâu lại? Chúng từ nơi một tâm niệm hiện tại của mình (hiện tiền nhất niệm tâm)! Cái tâm có thể tạo ra Pháp Giới, tâm có thể tạo ra vạn vật, tâm có thể tạo ra đủ thứ hình tướng, đủ thứ chủng loại: Nhất thiết duy tâm tạo- Mọi thứ đều do tâm tạo ra. Lại nói:

*

Nhược nhân dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Tam thế nhất thiết chư Bồ Tát,

Tam thế chư Thanh Văn,

Tam thế chư Thiên,

Ðại,Tiên, Nhân,

Chủng chủng A Tu La,

Chủng chủng chư Súc sanh,

Chủng chủng chư Ngạ quỷ,

Chủng chủng chư Ðịa ngục,

Ưng quán Pháp Giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo.”

Nghĩa là:

 Nếu người muốn rõ biết,

Ba đời tất cả Phật,

Ba đời chư Bồ Tát,

Ba đời chư Thanh Văn,

Ba đời chư vị Trời,

Ðại Tiên cùng với Người,

Các loại A Tu La,

Vô số thứ Súc sanh,

Vô số loại Quỷ đói,

Vô số lớp Ðịa ngục,

Nên quán tánh Pháp Giới,

Mọi thứ do tâm tạo.

Cái tâm có thể tạo ra Thiên đường, tạo ra Ðịa ngục. Tâm làm mình thành Phật, tâm có thể làm mình thành Ngạ quỷ, thành Súc sanh, đọa Ðịa ngục, thành Bồ Tát, Thanh Văn. Vì mọi thứ do tâm tạo, nên mọi thứ đều chỉ ở nơi tâm này. Nếu tâm muốn thành Phật thì Phật Pháp Giới là quyến thuộc của mình. Các Pháp Giới còn lại cũng như thế!

*

Mọi thứ không rời khỏi tâm này, vì tâm này tạo mọi thứ; cho nên các vị chú ý: đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng phải biết “khắc kỷ phục lễ” (chế phục chính mình theo đúng lễ nghĩa). Mình chỉ làm điều chân thật, không làm điều hư ngụy, cẩu thả bê bối; phải tránh trường hợp: Chỉ nhân nhất trước thác, Thâu liễu mãn bàn kỳ. (Chỉ đi sai một nước, Mà thua cả ván cờ.)

Tạo Pháp Giới của Phật thì phải có lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả; biết lợi ích chúng sinh, song không chấp trước rằng có chúng sinh. Ðừng dụng công hời hợt, tu ngoài da; phải thật sự từng bước từng bước mà dụng công.

Tại sao tôi muốn tạo Pháp Giới của chư Phật? Nếu tạo không xong thì sao?” Chỉ do tâm niệm không chuyên nhất, ý chí không kiên cố, cứ tùy theo duyên mà xoay chuyển rồi bị cảnh giới dẫn dắt, cho nên mình mới quên mất mọi chuyện: Quên mất là mình phải tạo Phật, tạo Bồ Tát, tạo bốn thứ Thánh, do vậy mình chỉ biết tạo Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh! Cho nên nói rằng: Niệm động bách sự hữu, Niệm tịnh vạn sự vô. (Tâm động thì trăm sự đều có, Tâm tịnh thì vạn sự đều không.)

*

Lại nói rằng: 

Tâm chỉ niệm tuyệt: chân phú quý,

Tư dục đoạn tận: chân phước điền!

Nghĩa là:           

Ý niệm dứt, tâm dừng, chính là giàu sang,

Lòng tư dục đoạn tuyệt, mới thật ruộng phước!

Có người hỏi: Vì sao ma không phải là một Pháp Giới?

Trả lời: Ma thì giống như bọn thổ phỉ hay là du kích, lúc nào cũng lưu lạc trong bốn phương, không có xứ sở nhất định, cũng không có người cai quản. Kẻ cướp là loài người nhưng không phải người nào cũng là kẻ cướp, cho nên không nói Pháp Giới của loài cướp. Ðạo lý này giải thích loài ma cũng tương tự như vậy.

*

Trên trời cũng có ma, trong A Tu La cũng có ma. Thành phần thiện thì thuộc một pháp giới, thành phần không thiện thì thuộc về ma giới; vì ma biến khắp cả Lục Phàm Pháp Giới, thậm chí nó có thể biến hóa, xâm nhiễm, phá phách Tứ Thánh Pháp Giới.

Phật hay ma đều là do một niệm sai biệt mà ra. Phật thì có tâm từ bi, ma thì có tâm tranh thắng. Giống như Ðề Bà Ðạt Ða là người có tâm thắng phụ rất mạnh, lúc nào cũng muốn cùng Phật đấu tranh, song Phật thì không tranh với ông ta. Ðề Bà Ðạt Ða cũng có Phật tánh, bất quá y lỡ bước lầm đường, lạc lối quá sâu, không thể quay đầu lại, nên mới rơi vào ma giới.

Theo tinh thần Ðại Thừa, Phật vì giáo hóa loài ma cho nên cũng thị hiện thân ma để giáo hóa loài ma. Ma thì biến khắp Lục Phàm Pháp Giới, nên không cần thiết phải lập thêm một pháp giới. Tuy biến khắp các pháp giới, nhưng đó là thứ giả, hư ngụy, không thật. Giống như ở đời có kẻ tự mình chiếm hòn núi, tự mình xưng Vương; giặc cướp cũng mạo xưng là quân đội, nhưng đi tới đâu là phóng hỏa giết người tới đó. Ma cũng tương tự như vậy! “

( Nhất Thiết Duy Tâm Tạo là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Lời phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ kinh điển

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog