Nhập Định Là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Nhập Định Là gì

Nhập định là gì? Nhập định là khi tinh tấn dụng công, hơi thở của mình ngừng lại không còn hô hấp nữa. Đây không phải là chết, đây tức là nhập định hay còn gọi là nhập sơ thiền.

Cảnh giới lúc nhập định thì không có một chút vọng tưởng nào, trong tâm một niệm chẳng nẩy sinh, bụi trần chẳng nhiễm. Nếu có thể đi đứng nằm ngồi không sinh một niệm nào, không nhiễm ô bụi trần thì đó là lúc dụng công đấy. Không nhất định ngồi mới gọi là dụng công tham thiền. Người học Phật một khi đã Nhập định thì có thể ở trong định bao lâu tùy ý. Như 1 tuần, vài tháng, 10 năm…hoặc có khi cả vài ngàn năm như Tôn giả Ma Ha Ca Diếp hiện đang ở núi Kê Túc – Trung Hoa.

  • Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Định lực là gì.
  • Ngũ Ấm Ma là gì.
  • Ma Ba Tuần là gì.
  • Quỷ hấp tinh là quỷ gì.
  • Hành Dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
  • Cách phòng tránh Tẩu hỏa nhập ma khi thiền
Nhập Định là gì
Nhập Định là gì
*

Tuy vậy cần phải biết rằng, nhập định chỉ là cảnh giới, nó không có nghĩa là đã giác ngộ hay ra khỏi sanh tử luân hồi. “Như bậc tham thiền khi nhập định thấy định cảnh mênh mang rỗng không trong suốt, tự tại an nhàn, rồi sanh niệm ưa thích; hay khi tỏ ngộ được một đạo lý cao siêu, rồi vui mừng chấp giữ lấy, cũng đều thuộc về “có tướng.” Và đã “có tướng” tức là có hư vọng…

Khi còn ngồi thiền, còn nhiếp tâm, còn tham thoại đầu, còn nhập định xuất định, đều còn ở trong vòng phương tiện. Và thật ra cảnh nội chứng còn bước những nấc thang từ thấp đến cao. Chừng nào đến bậc vô tu, mới không còn dùng phương tiện, mới có thể nói các pháp đều không. Nếu chưa được như thế, thì một pháp nhỏ như mảy bụi cũng đều có thật; vì gần lửa còn thấy nóng, ở giữa sương tuyết còn thấy lạnh, một mũi gai nhỏ đâm vào thịt còn biết đau, đâu có cái gì là không?”

Sơ thiền này khác hẳn với sự ngủ nghỉ, quý-vị đừng cho rằng ngủ tức là nhập định. Ngủ không những là còn hô hấp, mà nhiều người còn ngáy pho pho khiến kẻ khác nghe như sấm vậy. Bởi vậy sự hô hấp của quý-vị đã ngừng hay chưa, những vị thiện-tri-thức nhìn sẽ biết ngay. Có kẻ nói rằng: “Tôi cảm thấy là tôi không còn hô hấp nữa.” Ðó tức là giả, tức là mạo xưng. Nếu mà biết thì mình vẫn chưa nhập được sơ thiền. Nên không thể đem nhãn hiệu giả ra rao bán được.

Nhập Ðịnh Là Gì? Nhập Định Không Phải Là Ngủ

Có người hỏi tôi: “Nhập định và ngủ khác nhau ở chỗ nào?” Nói sơ qua thì khi nhập định, hành giả ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, hô hấp có thể ngừng, mạch có khi không đập, trông bề ngoài như là người chết, nhưng tri giác thì vẫn có đủ. Nhập định thì ngồi yên không động, có khi trong một ngày, hay mười ngày, cho đến cả tháng. Còn như nếu là người ngủ, thì thân xiêu vẹo. đầu nghiêng ngả, hơi thở ra vào phì phò, có khi còn phát ra tiếng ngáy như sấm. Ðó là chỗ khác nhau.

Thực tập thiền cũng ví như người đi học, từ tiểu học, qua trung học, đại học, rồi tới giai đoạn nghiên cứu, sau mới được cấp bằng Tiến sĩ. Pháp môn tham thiền cũng giống như vậy, chia là bốn nấc, gọi là tứ thiền. Xin giảng sơ lược như sau:

Sơ thiền, còn gọi là “Ly sanh hỷ lạc địa”. Ðây là trạng thái đưa hành giả lìa hẳn cảnh giới chúng sanh, nên đạt được một trạng thái khoái lạc. Khoái lạc này không giống khoái lạc của phàm phu, bởi nó là công phu do tự tánh mang lại. Khi nhập sơ thiền, hơi thở ngưng lại. Ðây là nói ngoại hô hấp đình chỉ, nhưng nội hô hấp bất đầu hoạt động, giống như hiện tượng đông miên của các loài vật. Khi ấy, tâm thì trong suốt như nước, sáng như gương, soi chiếu tới bổn thể của tự tánh, nhưng vẫn hay biết là mình đương ngồi thiền.

*

Nhị thiền, gọi là “Ðịnh sanh hỷ lạc địa”. Vào trong định này, hành giả kinh nghiệm một thứ khoái lạc không gì sánh được, chính là “thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”, bởi trong cảnh giới này hành giả thấy khoái lạc quên luôn cả đói, có thể nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, chớ chấp trước vào thành tựu đó. Như quả có ý như vậy, công trình có thể tiêu tan, dễ đi vào cảnh giới ma, nên chúng ta phải cẩn thận. Trong định này, không những hô hấp đình chỉ mà mạch cũng ngưng đập. Khi nào ra khỏi định, cơ thể lại trở lại hoạt động bình thường.

Tam thiền gọi là “Ly hỷ diệu lạc địa”. Hành giả lìa sự hoan hỷ trong nhị thiền, đạt tới một thứ khoái lạc kỳ diệu không thể nói ra được, đồng thời cảm thấy hết thảy mọi thứ đều là Phật Pháp, mọi thứ đều là khoái lạc. Trong cảnh giới tam thiền, cả hô hấp và mạch đều đình chỉ, ý niệm cũng dừng lại. Khi ấy, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chẳng nghĩ phải, chẳng nghĩ quấy, một niệm cũng chẳng sanh. Tuy nhiên, hành giả cũng đừng tự hào, vì đó chỉ là một chặng trên đường tu mà thôi. Ðến được chỗ liễu thoát sanh tử hãy còn xa lắm, còn cách cả tám vạn bốn ngàn dặm đường nữa.

*

Tứ thiền gọi là “Xả niệm thanh tịnh địa”. Trong cảnh giới này, ngay cả niệm khoái lạc cũng không còn, tất cả đều bị xả bỏ và hành giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh, không còn gì phải tạo tác. Ðây cũng gọi là cảnh giới “vô vi vô sở bất vi.” Giai đoạn tứ thiền cũng chỉ là một chặng trên đường dụng công tham thiền, đừng nhận lầm tự cho mình đã chứng quả, kẻo có thể phạm vào lỗi lầm của Tỳ kheo Vô Văn, mà đọa địa ngục.

Tứ thiền vẫn còn trong phạm vi phàm phu. Phải tinh tấn dấn bước nữa, tới cảnh giới “ngũ bất hoàn thiên” mới gọi là chứng quả thánh. Vậy mà tới đây vẫn chưa giải quyết xong vấn đề sanh tử bởi chưa vượt khỏi vòng Tam giới. Ðiểm này phải nhận cho rõ, không thể mơ hồ được. 

Cách Ngồi Thiền Nhập Định

Để đến được cảnh giới của Nhập Định, người tu thiền phải giữ giới cực tinh nghiêm, ngày đêm tính tấn dụng công không giải đãi mới mong có ngày thành tựu.

Hòa Thượng Tuyên Hóa Dạy: “Người dụng công tu đạo cần có tâm nhẫn nại. Bất luận trường hợp khó khăn gian khổ nào, cũng cần nhẫn thọ. Nhẫn nại thì mới tới được bờ bên kia. Vì vậy trong khi đả thiền thất đừng nên sợ khổ. “Khổ tận cam lai” nghĩa là đắng hết, ngọt lại. Nếu mình chưa lặn xuống tận đáy, mình sẽ không bao giờ vươn lên tận chóp đỉnh. Căn nhà cao hằng ngàn trượng đều từ nơi mặt đất xây lên, không phải xây lên trong hư không. Bởi thế cần hạ thủ tham thiền nơi chốn căn bản, tức là trừ bỏ vọng tưởng. Nếu mình có thể ngừng vọng tưởng, thì lúc đó:

Tâm thanh, thủy hiện nguyệt,

Ý định, thiên vô vân. 

Nghĩa là:

Lòng trong suốt, trăng hiện bóng nước.

Ý an định, trời xanh không mây.

Khi lòng thơi thản, trăm nạn tiêu hết. Ý yên định, mọi chuyện an bình. Rằng:

*

Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý.

Tư dục đoạn tận chân phước điền.

Nghĩa là:

Tâm ngừng, niệm dứt là giàu sang thật.

Lòng tư dục cạn, ruộng phước mới chân.

Tham thiền tức là dứt hết vọng, chỉ còn sự chân thật (khử vọng tồn chân). Cũng giống như sàng cát đãi vàng vậy; ở trong cát mà tìm vàng đó là chuyện rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu mình muốn tìm vàng thì phải tìm trong cát, tất phải có lòng nhẫn nại. Quý-vị có muốn hiểu rõ Phật tánh của mình không? Muốn được minh tâm kiến tánh chăng? Vậy thì phải nhẫn nại tu hành, nhẫn nại tham thiền, nghiên cứu, lâu dần thì tất nhiên sẽ quán thông, sẽ khai ngộ; “ồ! Thì ra là vậy.”

Khi tham thiền thì mình đừng để ý đến chuyện khác, cứ một mực tham câu “Niệm Phật là Ai?” Phải tìm cho ra “Ai” đó, chỉ khi nào tìm ra rồi thì lúc đó mới ngừng tham. Công phu mình đã đến chỗ thuần thục rồi, thì tự nhiên sẽ gặt hái được kết quả tốt.

*

Khi ngồi trong thế kiết già, đem chân trái gác lên đùi phải, đem chân phải gác lên đùi trái. Ðó là vì chân trái thuộc về dương, chân phải thuộc về âm. Cho nên khi ngồi thiền, chân trái (dương) thì ở phía trên, chân phải (âm) thì ở phía dưới, đó cũng giống như là vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi (tức là âm và dương).

Tuy ý nghĩa như vậy; nhưng để cho tiện, quý-vị muốn bỏ chân trái ở dưới, chân phải ở trên cũng được; bởi vì Pháp thì không nhất định, tùy theo thói quen của mỗi người, không cần phải chấp trước một phương pháp, một tư thế cố định nào cả. Ðể chân trái ở trên chân phải là một phương pháp mà thôi, không phải là một quy luật tuyệt đối; rằng quý-vị phải tuân theo như vậy.

Nói tóm lại, kiết già phu tọa là thế mình dễ nhập định nhất. Nếu mình có thể nhập định trong lúc đi thì ngồi hay không ngồi đều không thành vấn đề. Cảnh giới lúc nhập định thì không có một chút vọng tưởng nào, trong tâm một niệm chẳng nẩy sinh, bụi trần chẳng nhiễm. Nếu có thể đi đứng nằm ngồi không sinh một niệm nào, không nhiễm ô bụi trần thì đó là lúc dụng công đấy. Không nhất định ngồi mới gọi là dụng công tham thiền.

Chuyện Nhập Định Của Các Thiền Sư: 1. Tiền Thân Của Khuy Cơ Pháp Sư

Theo Đại Đường Tây Vực Ký, Pháp Sư Huyền Trang dâng biểu tâu vua, xin phép đi Thiên Trúc thỉnh Kinh. Hồi đó nhà Ðường đương có pháp lệnh cấm chỉ việc xuất cảnh, nên biểu tấu của Sư không được vua Ðường Thái Tông phê chuẩn. Tuy nhiên, vì đã có chủ ý từ trước, bất luận có được phép hay không, cuối cùng Sư vẫn nhất quyết ra đi.

Từ Tràng An xuất phát, Sư một mình cứ nhắm phía Tây mà hướng tới.

Có một hôm, Sư đi ngang qua một hang núi, thấy trước cửa hang có nhiều phân của loài dơi. Sư nghĩ rằng trong hang này ắt hẳn không có bóng người trú ngụ, vì nếu có, thì đâu có nhiều phân dơi như vậy! Ðộng lòng hiếu kỳ, Sư đi vô hang, và chẳng đi bao xa thì thấy một hình thù quái dị, như một quái vật, trên đầu thì tóc kết lại, ở đó chim làm thành một cái tổ, trong tổ chim nhỏ kêu chíp chíp! Mặt của quái vật thì phủ một lớp bụi đất dầy, hình thù như một tượng đá, Pháp sư lại gần quan sát kỹ: hóa ra đây là một vị tu hành già, đã nhập định từ lâu.

Sư lấy khánh gõ nhẹ, dụ cho vị này xuất định, và, chờ một lúc sau lão tăng bắt đầu cựa quậy. Sư hỏi ông vì lý do gì mà ngồi ở đây. Quai hàm lão tăng nhúc nhích được một lát thì có âm thanh phát ra như sau:

*

-Tôi chờ đức Phật Hồng Dương (tức Phật Thích-Ca) xuất thế để tôi có thể giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp.

Ðến khi nghe Pháp sư nói cho hay Phật Thích Ca đã nhập Niết-bàn từ lâu rồi, thì lão tăng tỏ vẻ kinh ngạc hỏi:

– Ðức Thích-ca Mâu-ni ra đời hồi nào?

– Ngài đã ra đời trên một ngàn năm nay và Ngài cũng đã nhập diệt từ lâu.

Lão tăng nói:

– Ðức Thích-ca đã nhập Niết-bàn ư? Vậy thì tôi lại nhập định chờ đức Phật Bạch Dương (tức Phật Di-lặc) ra đời để giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp.

Pháp sư nói:

– Ông bất tất phải nhập định chờ đức Phật Di-lặc ra đời. Như vậy ông sẽ có thể bỏ lỡ cơ hội mật lần nữa. Chi bằng nay ông hãy theo tôi đi qua Chấn Ðán (tức Trung quốc). Ngày nào tôi trở về nước ông sẽ giúp tôi hoằng dương Phật Pháp.

Lão tăng suy nghĩ xong cho là có lý, bèn tỏ ý ưng thuận với lời đề nghị của Pháp sư Huyền Trang.

Pháp sư dặn dò như sau: “Cơ thể này của ông đã quá cũ kỹ, ông nên đổi qua một thân mới. Khi tới Tràng An, ông xem căn nhà nào lợp bằng ngói sắc vàng lưu ly thì tìm vào đó đầu thai. Ngày sau, khi tôi ở Thiên trúc thỉnh Kinh về, tôi sẽ đến đón ông”.

Dặn xong, hai người chia tay lên đường, người đi về hướng Ðông, kẻ về hướng Tây.

*

Năm Trinh Quán thứ 19 (công nguyên năm 645), ngày 24 tháng giêng, Ngài về tới Tràng An, với sự nghênh đón của cả mấy chục ngàn người, cả Tăng lẫn tục gia. Vua Ðường Thái Tông phái tướng quốc là Lương Quốc Công, và Phòng Huyền Linh đón tiếp Ngài. Sau này Ngài trụ trì ở chùa Hoằng Phúc làm công tác phiên dịch Kinh điển Phật giáo.

Ngài lưu học tại Ấn-độ mười hai năm, cộng với thời gian đi về năm năm, thành thử Ngài coi như là vị Tổ sư trong các Tăng sĩ du học. Kinh điển mang về Trung Hoa chứa trong năm trăm hai mươi cái rương, tính ra hơn sáu trăm bộ. Ngài cung hiến tất cả cho quốc gia. Vua Ðường vời đến triều kiến rồi ban thưởng cho Ngài.

Thoạt gặp vua Ðường, Ngài có lời mừng: “Cung hỷ bệ hạ!” Vua không hiểu ý tứ ra sao mới hỏi lại: -“Mừng về chuyện gì?”

– Mừng bệ hạ vừa có thái tử.

Vua Ðường hết sức ngạc nhiên, đáp lại rằng:

– Không có chuyện đó.

Pháp sư tự nghĩ: “Rõ ràng ta đã căn dặn lão tăng đến đây đầu thai, mà sao nay lại không thấy?” Ngài liền nhập định quan sát. Thôi rồi! Ông ta không chịu tìm cho kỹ càng nên đã đầu thai lầm vào tôn phủ của Uất Trì Cung rồi! Ngài bèn tâu lên vua đầu đuôi sự việc. Ðường Thái Tông nói:

– Hóa ra sự thể như vậy. Pháp sư độ cho y đi.

*

Ngài tới thăm Uất Trì Cung, kể rõ sự tình. Khi thoạt trông thấy người cháu của vị công thần này, Ngài vô cùng hoan hỷ, bởi trang thiếu niên trông rất khôi ngô, tỏ dạng một anh tài, sau này ắt sẽ trở thành một pháp khí lớn. Do đó Ngài mở đầu nói ngay: “Ngươi hãy theo ta xuất gia!”. Thiếu niên nghe nói tỏ vẻ không vui, đáp:

– Ðại sư nói gì? Bảo tôi xuất gia ư? Ðâu có chuyện đó được?

Nói rồi, thiếu niên quay gót bỏ đi.

Pháp sư Huyền Trang chỉ còn cách tâu lại vua Ðường, nhờ vua chu toàn cho đoạn nhân duyên đó. Ðường Thái Tông bèn hạ chỉ, ra lịnh cho cháu của Uất trì Cung xuất gia. Vị đại thần tiếp chỉ gọi cháu ra thì gặp ngay sự cự tuyệt của cháu. Y nói:

– Có lý nào như vậy! Vì cớ gì Hoàng Ðế bắt cháu phải xuất gia? Ðể cháu gặp Hoàng Ðế nói cho rõ chuyện này!

Ngày hôm sau, Uất trì Cung mang cháu ra mắt vua. Thiếu niên tâu lên:

– Bệ hạ bảo thần xuất gia, được lắm! Nhưng thần xin ba điều kiện.

Ðường Thái Tông nói:

– Ngươi muốn bao nhiêu điều kiện cũng được.

– Thần vốn thích uống rượu và không thể không có rượu. Vậy bất luận ở chỗ nào, phải có một xe chất đầy rượu cho thần.

*

Nhà vua thầm nghĩ: “Giới của kẻ xuất gia là không được uống rượu. Có điều Pháp sư Huyền Trang đã có lời dặn dầu điều kiện nào cũng ưng thuận cho y.” Vua đáp:

– Ðược! Ta ưng thuận. Ðiều kiện thứ hai là gì?

– Thần biết rằng người xuất gia không được ăn thịt, nhưng thần lại thích món này. Vậy bất luận thần ở chỗ nào cũng phải có một xe thịt tươi đi theo thần.

– Ta ưng thuận. Còn điều kiện thứ ba?

Người cháu của Uất trì Cung không thể ngờ rằng nhà vua lại chịu cho hai điều kiện y vừa yêu cầu, y nói tiếp:

– Kẻ xuất gia thì không thể có vợ, nhưng thần thì không thể thiếu đàn bà. Vậy bất luận thần ở chỗ nào cũng phải có một xe chở con gái đi theo thần.

*

Vua Ðường nghĩ bụng: “Ái chà! Ðiều kiện này làm sao mà cho được? Nhưng Pháp sư đã dặn, dầu điều kiện nào cũng chấp thuận cho y”. Nghĩ vậy, vua đáp:

– Ðược! Ta hoàn toàn chuẩn y cả. Bây giờ ngươi xuất gia được rồi!

Thiếu niên thấy không còn biện pháp nào khác để từ chối, đành miễn cưỡng nhận lời xuất gia. Cho nên, tới ngày đã định, khi y đi đến chùa Ðại Hưng Thiên để làm lễ, thì theo sau y, là một xe chở rượu, một xe chở thịt tươi, một xe chở mỹ nữ. Trong khi đó, tại chùa, cũng đã có sự chuẩn bị sẵn, nên khi nghe tin đoàn người sắp tới, tiếng chống và tiếng chuông trong chùa đều nhất tề gióng lên. Thoạt nghe tiếng chuông trống, thiếu niên bừng tỉnh ngộ: “Ồ! Ta vốn là vị lão tăng năm đó, đến chỗ này để giúp Pháp sư Huyền Trang hoằng dương Phật Pháp”. Ngay đó, y đuổi hết cả đoàn ba xe về, và không cần một thứ gì nữa.

Thiếu niên đó, sau này là Ðại sư Khuy Cơ, và được người đương thời đặt danh hiệu là Tam Xa Tổ Sư.

Chuyện Nhập Định Của Các Thiền Sư: 2. Tôn giả Ma ha Ca Diếp& Hòa Thượng Hư Vân

Theo Cuộc Đời& Đạo Nghiệp của Hòa Thượng Hư Vân: “…Nguyện đầu tiên khi trở về nước là đi tham bái núi Kê Túc, nơi tôn giả Ma Ha Ca Diếp đang nhập định đợi Phật Di Lặc ra đời. 

Tương truyền lúc tôn giả Ca Diếp vào núi, có bảy vị vua đi theo hộ tống, không đành lòng trở về, ở tại đây tu hành, thành thần hộ pháp, tức miếu Đại Vương. Tôi đi thẳng lên chánh điện của núi; trong ngôi chánh điện có thờ tôn tượng tôn giả Ca Diếp. Tương truyền, khi tôn giả A Nan đến lễ bái thì cửa đá tự nhiên mở. Thánh cảnh trang nghiêm huyền diệu. Thạch đá tự biến thành cửa đá gọi là cửa Hoa Thủ. Ngài Ma Ha Ca Diếp đang nhập định bên trong. Cửa đá lớn tựa như cửa thành, cao cả vài trăm thước, rộng hơn trăm thước. Hai cánh cửa đều đóng nhưng đường lằn giữa hai cửa hiện rõ ràng.

Hôm ấy, du khách cùng người địa phương dẫn đường đến rất nhiều. Lúc tôi dâng hương lễ bái, tự nhiên nghe âm thanh của ba tiếng đại hồng chung; người địa phương đều vui mừng lễ bái theo và nói: “Hễ mỗi lần có bậc dị nhân đến thì đều nghe tiếng chuông trống, mõ khánh vang lên. Chúng tôi đã từng nghe tiếng khánh mõ, mà chưa từng nghe tiếng đại hồng chung. Nay Sư Phụ đến đây lễ bái lại nghe tiếng đại hồng chung, chắc đạo hạnh của Ngài cao lắm.”

*

Ngài Hư Vân thành tựu Tam vô lậu học thì ai cũng biết, bởi Ngài là bậc Long Tượng trong Phật pháp. Ngài cũng nhiều lần nhập Định, hồi ký của Ngài ghi lại:

“Năm Quang Tự thứ 28(1902/03). Gần cuối năm, núi non đều đóng tuyết, hang sâu khí lạnh buốt xương. Một mình tôi đơn độc tu trì trong am tranh, thân tâm thanh tịnh. Ngày nọ, sau khi bỏ khoai vào nồi, tôi ngồi xếp bằng đợi khoai chín, tự nhiên nhập định. Qua năm mới, tôi nhập định không biết ngày giờ. Trên núi, gần am có các thầy như Phục Thành v.v…, lấy làm lạ vì sao đã lâu mà tôi chưa tới, nên đến am chúc mừng năm mới cùng tặng quà cáp. Họ thấy ngoài am đầy dấu chân hổ, mà chẳng thấy dấu chân người. Họ đi vào, nhìn kỹ, thấy tôi đang nhập định, liền đánh khánh khiến xả định.

*

Các thầy hỏi: “Thầy đã ăn cơm chưa?”

Tôi đáp: “Thưa chưa! Khoai vẫn còn trong nồi, chắc đã chín rồi.”

Mở nắp nồi ra, thấy mốc đầy cả tấc, nước đóng cứng như đá. Thầy Phục Thành chúc mừng nói: “Nhất định là thầy đã nhập định hơn nữa tháng rồi!”

Lần Ngài nhập Định khi đang giảng Kinh ở Thái Lan, năm 1907- 1908: “…Ngày nọ, khi đang ngồi thiền, tôi bỗng dưng nhập định, quên rằng mình đang giảng kinh. Tôi nhập định suốt bảy ngày. Tin này lan tràn cả thủ đô Xiêm La. Từ Quốc Vương, đại quan, cho đến thiện nam tín nữ, đều đến lễ bái. Sau khi xuất định, giảng kinh xong, Quốc Vương thỉnh tôi đến hoàng cung thiết lễ cúng dường, chí thành quy y. Quan thân sĩ thứ cùng dân chúng quy y tôi cả vài ngàn người…”

( Nhập Định là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chú Đại bi nhiệm mầu

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog