Nhân quả nghiệp báo như bóng với hình
Pháp Giới 11 tháng trước

Nhân quả nghiệp báo như bóng với hình

Nhân quả nghiệp báo như bóng với hình, phàm đã gieo nghiệp thiện ác, dù nhỏ bằng sợi lông, cũng đều phải chịu thiện ác báo ứng, không thể khác được. Đây là quy luật vận hành của vạn pháp. Đức Phật nhìn thấy bằng Tuệ giác của Ngài rồi giảng dạy cho chúng ta biết, chớ không phải Phật pháp tạo ra Nhân quả nghiệp báo như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Ngoài thuyết giảng về sự vận hành của nhân quả nghiệp báo, Đức Phật còn dạy chúng ta phương pháp để sám hối và tu hành, nhằm chuyển hóa nghiệp lực: Chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ thành không. Tuy thế, nếu chúng ta không thực hành, dù Phật có hiện thân, Ngài cũng vô phương giúp bạn. Nghiệp ai nấy chịu, như chiếc dây vô hình ta tự buộc vào mình. Trừ chính ta ra, không ai có thể tháo gỡ giúp cho được.  Bởi vậy người học Phật cần làm lành lánh ác, rồi tự mình tu học để hưởng quả an vui giải thoát. Còn như tâm vẫn tham sân si mà lễ lạt cầu cúng, mong chuyển nghiệp thì là điều không thể nào có được!

  • Khi khẩn cấp nhớ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Sự thật về Đồng bóng.
  • Thiên Ma là loại ma gì.
  • Hội Long Hoa là gì
  • Phép thuật có thật hay không.
  • Chuyện Tâm linh có thật.
  • Bị vong nhập, chuyện giờ Thầy mới kể.
Nhân quả nghiệp báo như bóng với hình
Nhân quả nghiệp báo như bóng với hình

Lời Phật dạy về Nhân quả nghiệp báo

Tổ Ấn Quang bảo: “Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát sợ gặp ác quả nên đoạn trừ sẵn ác nhân. Do vậy, tội chướng tiêu diệt, công đức viên mãn, mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Chúng sanh thường gây nhân ác, muốn tránh quả ác, như dưới mặt trời toan trốn bóng, uổng công nhọc nhằn rong ruổi!

Thường thấy kẻ ngu vô tri vừa làm chút điều lành nhỏ nhoi bèn mong phước to, vừa gặp nghịch cảnh bèn nói làm thiện mắc họa, không có nhân quả. Từ đó, lui hối cái tâm ban đầu, quay ngược lại phỉ báng Phật pháp, nào biết ý chỉ sâu huyền “báo thông ba đời, chuyển biến do tâm”!

“Báo thông ba đời” có nghĩa là đời này làm thiện, làm ác; ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo. Đời này làm thiện, làm ác, ngay trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo. Hậu Báo sớm – trễ không nhất định. Hễ gây nghiệp quyết định không thể không thọ báo.”

Vì vậy trong kinh đức Phật dạy: “Người trộm cướp trước tiên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ súc sanh, sau mới được thân người. Khi được tái sinh vào cõi người phải chịu hai loại quả báo: Một là thường ở trong hoàn cảnh bần cùng, hai là tuy có được đôi chút tài sản mà luôn luôn bị người ta chiếm đoạt”.

Nhân quả nghiệp báo: Một con Trâu ba mạng người

Theo kinh Pháp Cú Dụ: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế. Có người lái buôn tên là Phất Ca Sa Nhân vào thành, bị con trâu cái mới sinh húc chết. Chủ trâu sợ hãi liền bán vội. Người mua dắt trâu đi uống nước liền bị con trâu từ phía sau húc chết. Người nhà chủ mua tức giận giết trâu mang bán. Có người nông dân mua đầu trâu rồi buộc dây gánh về. Nửa đường ông mệt liền treo đầu trâu lên cây rồi ngồi nghỉ. Chẳng may khi đang ngủ thì dây đứt, đầu trâu rơi xuống, sừng đâm vào người mà chết.

Trong một ngày có ba người chết. Bình Sa Vương nghe chuyện cảm thấy lạ lùng, liền đến nơi Đức Phật thưa hỏi. Đức Phật bảo: “Xưa kia có ba người lái buôn đến nước nọ. Họ thuê nhà của một bà cụ đơn độc để ở. Một thời gian, thấy cụ một mình cô quạnh, họ sanh ác tâm chẳng muốn trả tiền. Một hôm nhân bà cụ vắng nhà họ bèn thu dọn đồ đạc rồi bỏ đi. Bà cụ khi trở về không thấy khách, liền tức giận đuổi theo. Khi thấy họ, bà chẳng những không lấy được tiền, mà còn bị họ chửi mắng hết lời.

Bà cụ yếu thế không làm gì được nên nguyền rủa rằng: Nay tôi cùng quẫn khốn khổ, sao các người nhẫn tâm lừa dối. Tôi nguyện đời sau sinh ra ở nơi nào, nếu như gặp lại sẽ giết chết các ông. Đức Phật lại bảo: Bà cụ lúc bấy giờ nay chính là con trâu cái này. Ba người lái buôn ấy nay chính là ba người như Phất Ca Sa Nhân… bị trâu húc chết vậy.

Nhân quả nghiệp báo: Chớ gieo nghiệp nợ nần.

Thành Thật Luận nói: “Nếu người mắc nợ mà không trả thì đầu thai trong các loài trâu dê, hươu, nai, lừa, ngựa… để đền trả món nợ đời trước của mình”. Bởi thế cho nên trong kinh Xuất Diệu có chuyện: “Xưa trong nước Kế Tân có hai anh em. Người anh xuất gia đạt được quả vị A-la-hán; người em ở nhà quản lý giữ gìn cơ nghiệp. Người anh nhiều lần đến chỉ dạy khuyên nhủ em, bố thí, trì giới, tu thiện làm phước…Nhiều lần chỉ bảo nhưng em chẳng chịu tin nghe.

Về sau em mắc bệnh qua đời, đầu thai làm trâu, bị người ta bắt thồ muối vào trong thành. Một hôm người anh từ trong thành đi ra trông thấy, liền vì em mà thuyết pháp. Trâu nghe rồi đau buồn nhỏ lệ.

Chủ trâu thấy vậy liền nói với Đạo nhân rằng: Ông nói gì mà khiến cho trâu của tôi buồn rầu không vui như vậy?

Đạo nhân trả lời rằng: Trâu này đời trước vốn là em trai tôi. Do ngày xưa mắc nợ ông một đồng tiền muối, cho nên sanh trong loài trâu để trả nợ cho ông.

Chủ trâu nghe rồi nói với Đạo nhân rằng: Em trai của ông ngày xưa là bạn thân với tôi.

Lúc này chủ trâu liền nói với trâu rằng: Nay tôi xóa nợ cho ông. Ông không cần phải trả tiền muối cho tôi nữa. Con trâu nghe vậy liền lao xuống khe sâu. Mạng chung được sanh lên cõi Trời, hưởng phước Thiên nhân. Vì nhân duyên này, nếu như người mắc nợ thì không thể không trả”.

Nhân quả báo ứng Khẩu nghiệp vô cùng kinh sợ

Theo kinh Tạp Bảo Tạng: “ Ở nước Kế Tân có vị A-la-hán tên là Ly Việt, vào trong núi sâu tu tập thiền định. Một hôm, có kẻ mất trâu đi tìm, theo dấu vết mà đến chỗ đó. Gặp lúc ngài Ly Việt đang nấu cỏ để nhuộm y, bỗng tấm y biến thành da trâu, nước nhuộm biến thành máu trâu, cỏ nấu biến thành thịt trâu, bình bát đang ôm biến thành đầu trâu. Chủ trâu thấy rồi lập tức bắt Ngài dẫn đến chỗ nhà vua. Nhà vua liền giao cho cai ngục. Ngài ở trong ngục 12 năm, bị cai ngục bắt chăn ngựa, dọn phân.

Đệ tử của Ngài Ly Việt có năm trăm người đạt đến quả vị A- la-hán. Thế nhưng suốt 12 năm không ai tìm thấy thầy mình. Khi nghiệp duyên sắp hết thì có một đệ tử, quán sát thấy Thầy trong ngục ở nước Kế Tân. Ông ta liền đến trình bày với nhà vua rằng: Thầy tôi ở trong ngục, mong nhà vua hãy thả người ra!

Nhà vua liền sai người đến ngục kiểm tra. Sứ giả vào trong ngục chỉ thấy có một người dung mạo tiều tụy, râu tóc rất dài, chuyên chăn ngựa, dọn phân, không hề thấy có Sa Môn. Sứ giả trở về thưa với nhà vua: Trong ngục không thấy có Sa môn nào.

*

Đệ tử của Ly Việt lại thưa với nhà vua rằng: Mong nhà vua hạ lệnh rằng: Có Tỳ kheo thì cho phép ra khỏi ngục. Khi lệnh vua truyền đến, cai ngục vừa xướng lên: Vua truyền nếu có Tăng thì cho phép ra khỏi ngục. Ngài Ly Việt nghe xong râu tóc tự nhiên rơi rụng, ca sa chợt hiện trên thân. Ngài liền bay vút lên hư không, hiện bày 18 loại biến hóa. Vua trông thấy sự việc này liền rạp lạy sát đất, thưa rằng: Thưa Tôn giả, nguyện xin nhận sự sám hối của con!

Nhà vua lại hỏi rằng: Vì nghiệp duyên gì mà Tôn giả phải ở trong ngục nhận chịu khổ sở?

Ngài Ly Việt đáp: Tôi vào xưa kia cũng đã từng mất trâu. Nhân đi theo dấu chân tìm kiếm mà vu oan người ta suốt một ngày một đêm. Về sau mạng chung rơi vào ba đường ác, nhận chịu vô lượng khổ đau. Đến kiếp này nghiệp còn sót lại chưa hết, cho nên tuy đạt được quả vị La Hán mà hãy còn bị vu oan giá họa.

Vì nhân duyên này, tất cả chúng sanh nên giữ gìn khẩu nghiệp, đừng vu oan giá họa cho người. Ngài Ly Việt xưa kia đã vu oan cho người là một vị Bích-chi-Phật. Vì nhân duyên này cho nên gặp phải báo ứng như vậy”.

Kinh Pháp Hoa cũng dạy rằng: “Bài báng người tụng kinh, hoặc là thật hay là không thật, trong đời hiện tại mắc phải bệnh lở loét ung nhọt.”

Nhân quả nghiệp báo: Ba mươi hai mạng người.

Theo An Sĩ Toàn Thư: “Trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả, người thiếp nhỏ nhất của ông tên là Tỳ-xá-ly, hết sức thông minh tài trí, được vua Ba-tư-nặc thương đối đãi như em gái. Nhà ông có 32 người con, người nào cũng có sức mạnh địch nổi ngàn người. Người con út một hôm cưỡi voi đang đi qua cầu, bỗng gặp con trai quan Tể tướng, lại lấn ông ta ngã xuống cầu bị thương.

Con trai Tể tướng ôm hận trong lòng, bí mật nghĩ cách báo thù, liền chế tạo 32 cây roi ngựa bằng thất bảo, mỗi cây đều giấu dao nhọn bên trong. Xong mang đến nhà Tỳ-xá-ly, tặng cho 32 người con của ông mỗi người một cây. Sau đó lại mật tâu lên vua rằng 32 người con của ông Tỳ-xá-ly ỷ sức thiên hạ không ai địch nổi nên âm thầm có ý phản nghịch, hiện đã giấu dao nhọn bên trong roi ngựa, chờ dịp sẽ ra tay.

Vua cho người tra xét thấy đúng là có việc giấu dao nhọn trong roi ngựa nên tin lời, lập tức ra lệnh bắt 32 anh em nhà Tỳ-xá-ly chém đầu tất cả. Chém xong, lại mang 32 cái thủ cấp cho vào thùng niêm kín rồi gửi đến nhà ông Tỳ-xá-ly.

*

Cùng ngày hôm đó, ông Tỳ-xá-ly thỉnh Phật và chư tăng đến nhà thiết trai cúng dường, thấy nhà vua cho mang đến một cái thùng lớn thì nghĩ rằng chắc hẳn đức vua góp phần cùng gia đình mình cúng dường lên đức Phật, lấy làm hoan hỷ định mở ra ngay, nhưng đức Phật ngăn lại.

Sau khi chư tăng thọ trai, đức Phật vì ông Tỳ-xá-ly mà thuyết pháp. Nghe xong, ông liền chứng quả A-na-hàm. Bấy giờ mọi người mới mở cái thùng của đức vua gửi đến, liền nhìn thấy 32 cái đầu của những người con ông Tỳ-xá-ly. Khi ấy trưởng giả đã chứng thánh quả, dứt trừ ái dục nên không còn sinh tâm oán hận

Tuy nhiên, gia đình phía vợ của 32 người kia đều là các nhà đại quý tộc, nhiều quyền thế. Những người này tức giận lắm, cùng nhau tập hợp binh mã quyết tâm báo thù. Nhà vua bấy giờ hết sức kinh hãi, nhanh chân chạy trốn đến tinh xá Kỳ Hoàn là nơi đức Phật đang ngự. Quân lính các nhà kia cùng kéo đến vây kín tinh xá, chờ giết cho bằng được đức vua. Khi ấy, tôn giả A-nan liền thưa hỏi nguyên do việc này. Đức Phật dạy:

*

“Trong đời quá khứ, 32 người này cùng nhau bắt trộm một con trâu, mang về nhà một bà lão để giết thịt. Bà lão này rất vui mừng, liền chuẩn bị đầy đủ dao thớt các thứ để giết mổ trâu. Giết trâu rồi, mọi người cùng nhau ăn uống no say. Con trâu bị giết, nay chính là đức vua. Những kẻ bắt trộm trâu, nay là 32 người vừa bị giết. Lão bà tán trợ việc giết trâu, nay chính là trưởng giả Tỳ-xá-ly. Do tội giết hại, nên 32 người này trải qua nhiều đời vẫn thường bị người khác giết hại. Lão bà thấy người khác ra tay giết hại mà sinh tâm vui mừng, tán trợ, nên trải qua nhiều kiếp vẫn thường rơi vào cảnh phải đau buồn sầu khổ vì thấy 32 người kia bị giết.”

Khi đức Phật nói ra nhân duyên đời quá khứ như thế, những gia đình bên vợ của 32 người kia lập tức nguôi giận, không còn dám chống nghịch với vua, cùng xin nhận lỗi. Đức vua cũng hoan hỷ bỏ qua không bắt tội.

Việc 32 người này được sinh vào nhà giàu sang quyền quý cũng có nguyên do. Đức Phật dạy rằng: “Vào thời đức Phật Ca-diếp trong quá khứ, có một phụ nữ dùng bột hương thơm đắp lên tháp Phật để cúng dường, có 32 người cùng đến trợ giúp cho công việc ấy. Do nhân duyên đó nên những người ấy trải qua nhiều kiếp thường được sinh vào nhà tôn quý, thường làm mẹ con với nhau. Đến nay được gặp Phật, tất cả đều được dẫn dắt vào Chánh đạo.

Nhân quả nghiệp báo: Nghiệp duyên của Ngạ quỷ

Theo kinh Tạp Bảo Tạng: “Mục-kiền-liên đến bên sông Hằng, trông thấy năm trăm ngạ quỷ tụ tập đến lấy nước; có quỷ trông coi dòng nước dùng gậy sắt xua đuổi, không cho đến gần. Thế là các quỷ đi thẳng đến chỗ Mục-kiền-liên, lễ lạy dưới chân Ngài. Tất cả đều được Ngài quan tâm nên hỏi về tội lỗi của mình.

Một quỷ nói: Con thọ nhận thân này luôn luôn mắc phải sự nóng bức cháy khát; trước đây nghe nước sông Hằng đã trong mà lại mát liền hoan hỷ hướng về; nhưng uống thử một ngụm, ngũ tạng liền cháy nát, hôi thối không thể chịu được. Vì nhân duyên gì mà nhận chịu tội lỗi như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước ông từng làm thầy tướng, xem tướng lành dữ cho người; nói thật thì ít mà giả dối thì nhiều; hoặc hủy báng hoặc ca ngợi, tự xưng là biết tường tận để làm động tâm người; hoặc gạ gẫm mê hoặc lừa dối để mong cầu tiền của lợi dưỡng; làm khổ hải chúng sanh nên nay chịu ác báo.

Lại có một quỷ nói: Con thường làm đền thờ Trời đất, có con chó răng nhọn sắc màu lông đỏ trắng, đến ăn thịt con, chỉ còn có xương; sau có gió thổi đến thịt tiếp tục sanh ra như trước; rồi lại bị chó đến ăn. Khổ đau như vậy bởi vì sao?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm chủ đền thờ Trời đất; thường bảo chúng sanh giết trâu dê lấy máu cúng tế Trời đất, ông tự mình ăn thịt. Vì vậy ngày nay lấy thịt mà trả nợ trước.

*

Lại có một quỷ nói: Trên thân con luôn luôn có phân xoa đầy, lại phải ăn loại phân đó, tội lỗi này tại vì sao?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm Bà-la-môn, tà ác không trung tín. Đạo nhân khất thực, ông lấy bình bát đựng phân rồi lấy cơm đặt phía trên đưa cho Đạo nhân. Đạo nhân mang về, dùng tay ăn cơm nên phân vấy bẩn vào tay. Vì vậy ngày nay nhận chịu tội báo như vậy.

Lại có một quỷ nói: Bụng con rất to giống như cái vò, cổ họng tay chân thì nhỏ như cái kim, không thể nào ăn uống được. Vì sao khốn khổ như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm người đứng đầu thôn xóm; cậy thế mình giàu sang nên khinh khi, ức hiếp người khác; lại dành hết đồ ăn thức uống làm cho chúng sanh đói khát khổ sở.

Lại có một quỷ nói: Con thường đến nơi nhà xí muốn ăn phân dơ; có bầy quỷ cầm gậy xua đuổi, không được đến gần nhà xí; trong miệng thường hôi thối, đói khát khốn khổ không nơi nương dựa. Là vì sao như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm chủ chùa Phật. Khi có người cúng dường Tăng, ông lấy đồ vật thô thiển cho khách Tăng, đồ vật tinh túy thì tự mình sử dụng.

*

Lại có một quỷ nói: Thân con mọc lưỡi khắp nơi; lấy rìu chặt lưỡi, đứt rồi tiếp tục mọc ra mãi không thôi. Là vì nguyên nhân gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Đạo nhân; chúng Tăng sai làm nước mật, viên đường to khó tan. Ông dùng dao chặt ra, khởi tâm trộm cắp ăn một miếng. Vì nhân duyên này cho nên chặt lưỡi trả lại.

Lại có một quỷ nói: Thường có bảy viên sắt nóng, đi thẳng vào miệng con; nuốt vào bụng làm cho ngũ tạng cháy nát, lặp đi lặp lại không dừng. Vì nguyên cớ gì mà chịu tội báo như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Sa di. Lúc cắt chia quả dưa, đến nơi thầy mình.  Vì kính trọng thầy cho nên tâm thiên vị trao cho phần nhiều. Do chẳng công tâm nên nay chịu quả báo ấy.

Lại có một quỷ nói: Thường có hai vòng sắt nóng xoay chuyển ở dưới hai nách của con, thân thể bị cháy nát. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông cùng với chúng Tăng làm bánh. Do khởi tâm trộm cắp, lấy hai cái kẹp dưới hai nách, vì vậy nhận chịu khổ báo này.

*

Lại có một quỷ nói: Con có cái bướu ở cổ rất to, giống như cái vò; lúc đi vắt lên trên vai như gánh nặng; đứng lại thì ngồi lên trên. Đi lại đứng ngồi đều ưu sầu khổ sở. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm kẻ cai quản chợ búa; thường dùng cân nhẹ đấu nhỏ đưa cho người, cân nặng đấu lớn thì tự mình lấy; thường tự mong muốn được lợi lớn cho mình mà xâm phạm chiếm đoạt của người khác.

Lại có quỷ nói: Con thường có mắt phải nằm trên hai vai, ngực có mũi miệng, không có đầu. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường làm kẻ đứng đầu đao phủ. Lúc giết hại tội nhân, ông thường vui mừng trong lòng, dùng dây thừng buộc búi tóc họ mà kéo.

Lại có một quỷ nói: Thường có kim nhọn bằng sắt nóng, liên tục đâm vào nơi thân con, nhận chịu khổ đau không gián đoạn. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm bậc thầy điều phục ngựa, hoặc làm bậc thầy thuần phục voi; voi ngựa nào khó chế ngự, ông dùng kim nhọn bằng sắt đâm vào chân; lại có lúc trâu đi chậm chạp cũng dùng kim nhọn để đâm.

*

Lại có một quỷ nói: Thân con thường có lửa phát ra thiêu đốt, vô cùng đau đớn. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Hoàng Hậu. Quốc vương có người Phi được sủng ái, nên Hoàng Hậu thường ganh ghét. Một hôm nhân nhà vua đi vắng. Hoàng Hậu làm bánh có dầu mè nóng, liền tưới dầu nóng lên bụng Ái Phi. Ái phi bụng chín nát mà chết. Do nghiệp ấy nên nhận chịu khổ báo như vậy.

Lại có một quỷ nói: Con thường có làn gió xoay tròn chuyển động quanh thân con; con không thể nào tự tại tùy ý một chút nào, tâm luôn luôn buồn phiền khó chịu. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường làm thầy xem bói. Có lúc nói thật, có lúc nói xằng bậy, làm cho tâm người bị mê hoặc bất an. Do nghiệp ấy nên phải chịu quả báo này.

Lại có một quỷ nói: Thân con thường giống như cục thịt, không có tay chân mắt tai mũi… thường bị sâu bọ chim chóc ăn nuốt, khốn khổ khó chịu đựng nổi. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường cho người ta uống thuốc làm hư hoại thai nhi. Bởi vậy nên phải chịu quả báo khổ đau này.

*

Lại có một quỷ nói: Thường có cái hòm bằng sắt nóng che phủ trên thân con, làm cho cháy bỏng thật áo não. Vì nguyên cớ gì nhận chịu khổ báo này?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường lấy lưới giăng vây bắt cá chim, cho nên phải chịu quả báo này.

Lại có một quỷ nói: Con thường lấy vật tự che kín đầu mình; thường sợ người ta đến giết con; tâm luôn luôn sợ hãi không thể nào chịu đựng nổi. Là vì nguyên cớ gì như vậy?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông dâm dật, phạm vào ngoại sắc nên luôn luôn sợ người ta nhìn thấy; hoặc sợ vợ chồng của người ta bắt trói đánh chết; hoặc là sợ pháp luật quan quyền giết chết. Vì thế mà luôn luôn sợ hãi khổ sở.

Lại có một quỷ nói: Con nhận chịu thân này. Trên vai thường có bình bằng đồng, trong bình chứa đầy nước đồng sôi; tay nắm một cái thìa tự lấy rót lên đầu mình. Cả thân thể cháy khô nát nhừ, nhận chịu đau khổ như vậy thật không sao nói được. Là bởi vì có tội lỗi gì?

Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông xuất gia làm Đạo nhân, trông coi đồ ăn thức uống cho Tăng. Ông lấy sữa cất riêng. Khi có Đạo nhân phương xa đến thì không chu cấp. Họ đi rồi ông mới lấy sữa ra chia cho Tăng trong chùa. Vì sữa này là vật của thập phương, Tăng tất cả đều có phần. Nếu cất giấu tuy có phân chia nhưng không bình đẳng. Bởi vì duyên này cho nên nhận chịu tội báo như vậy”.

*

Trong kinh Thí Dụ nói: “Xưa ở nước khác có người chết, hồn vía trở về tự cầm roi quất vào thây xác. Người xung quanh hỏi rằng: Người này đã chết, vì sao lại bị quất roi?

Trả lời rằng: Đây là thân cũ của tôi. Vì tôi làm điều ác: Gặp kinh giới không đọc; trộm cắp bịp bợm, phạm thân thể vợ con của người ta; không hiếu thảo với cha mẹ; không hòa thuận với anh em; tham tiếc tiền của không chịu bố thí…nay chết đi khiến tôi đọa vào trong đường ác, đau khổ vô cùng. Vì vậy cho nên đến quất roi”.

Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Kiều Phạm Ba Đề, đời quá khứ từng làm Tỳ kheo; ở bên ruộng lúa của người ta ngắt một cành lúa, quan sát lúa chín hay sống; do làm tơi xuống đất mấy hạt, trong năm trăm đời làm trâu để đền trả”.

Tụng rằng:

Giàu nghèo khác hẳn với nhau,

Cho vay, mắc nợ trái nhau,

Đưa tiền cho vay không trả,

Kết nghiệp luôn luôn theo đuổi.

Tâm không hối hận đền trả,

Khổ báo nào có nghi ngờ,

Rơi vào trong đường ác này,

Mãi mãi không hề quay lại.

( Nhân quả nghiệp báo – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chư Tăng, Phật tử hiến máu nhân đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3)

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog