Ngũ trược ác thế là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Ngũ trược ác thế là gì

Ngũ trược ác thế là gì? “Ngũ” là năm, “Trược” nghĩa là những gì thấp kém, thô lậu nhất tích tụ lại thành cặn, ứ đọng lại. Như vậy Ngũ trược ác thế là năm sự ô trược xấu ác thiêu đốt thế gian và con người, năm sự ô trược đó là:

  1. Kiếp trược: Nếu vận kiếp đói kém xảy ra, vận kiếp dịch bệnh phát sinh, vận kiếp chiếc tranh nổi lên, thì gọi là Kiếp trược.
  2. Kiến trược: Nếu ở đời này lúc pháp hoại diệt-pháp suy tàn, Tượng pháp dần dần thay đổi, tà pháp trở lại sinh sôi, thì gọi là Kiến trược.
  3. Chúng sanh trược: Nếu các chúng sanh không biết đến cha mẹ, không biết đến Sa môn và người bề trên trong họ hàng, không tu dưỡng nhân nghĩa và đạo lý, không làm những điều đáng làm, không sợ quả báo ác nghiệp của đời nay-đời sau, không tu bố thí ban ơn, không làm việc công đức, không tu trai pháp, không trì cấm giới, thì gọi là chúng sanh trược.
  4. Mạng trược: Nghĩa là đời này đoản thọ, người cao nhất thọ được một trăm năm, đây gọi là Mạng trược.
  5. Phiền não trược: Nếu những chúng sanh ưa thích làm điều phi pháp, ham thích dao kiếm, bố thí đồ dùng chiến tranh, tranh chấp quyền lợi, đấu đá làm loạn, nịnh hót quanh co, lừa dối không thật, nói năng xằng bậy, tiếp nhận đủ tà pháp, và phát sinh những pháp bất thiện xấu xa khác, thì gọi là phiền não trược.
*

Ngũ trược ác thế gồm 2 loại: Ngũ trược ở phạm trù Thế Giới và Ngũ trược trong Thân Tâm của chúng sanh. Kinh dạy: “Vào thời tăng kiếp, khởi đầu tuổi thọ trung bình của con người được 10 năm, sau đó cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại tăng thêm được 1 năm; cứ như vậy tăng mãi cho đến khi tuổi thọ con người đạt đến 84.000 năm thì dừng.

Từ đó về sau cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại giảm đi 1 năm, cứ như vậy giảm mãi cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm là thấp nhất. Khi tuổi thọ trung bình của con người là 10 năm, lại bắt đầu tăng dần như trước. Sự biến đổi tăng giảm này cũng giống như trong năm có những lúc ngày dài đêm ngắn, lại có những lúc ngày ngắn đêm dài, cứ như vậy mà tuần hoàn mãi mãi không dứt”.

Ngũ Trược ác thế xuất hiện vào thời giảm kiếp, khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 200 tuổi. Trước thời kỳ Ngũ trược, Thế gian và tâm tánh con người đều vô cùng trong sáng và thanh tịnh. Còn trong thời kỳ ngũ trược, Thế gian và con người đều trở nên bất tịnh, cấu uế và xấu ác.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Tam giới là gì.
  • Đại thiên thế giới là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
Ngũ trược ác thế là gì
Ngũ trược ác thế là gì

Ngũ Trược Ác Thế là gì

Kinh dạy rằng: Thời ngũ trược ác thế bắt đầu khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 200 tuổi. Sau khi đức Phật nhập niết bàn và giáo pháp bắt đầu suy yếu, ma đạo sẽ vô cùng thịnh hành trong thời ngũ trược này. Vậy năm món trược ác là như thế nào?

1. Kiếp trược là gì

Xếp đầu tiên trong Ngũ trược ác thế, Kiếp trược( Kalpa-kaṣāya) là “Thời gian hoặc thời đại biến đổi hỗn loạn không ngừng.” Làm sao mà kiếp trở nên bị hỗn trược? Là vào thời kì ngũ trược ác thế, các nghiệp ác của chúng sinh làm cho kiếp trở nên bị hỗn trược.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu vận kiếp đói kém xảy ra, vận kiếp dịch bệnh phát sinh, vận kiếp chiếc tranh nổi lên, thì gọi là Kiếp trược”

2. Kiến trược

Kiến trược (Dṛṣṭi-kaṣāya). Kiến là thấy, trược là tà vạy. Kiến trược là sự thấy biết tà vạy, sai lầm: Sai cho là đúng, đúng lại cho là sai. Trong quá khứ, mọi người đều thấy mọi vật đều thanh tịnh và tinh khiết. Nhưng khi đến thời kỳ Ngũ trược ác thế, thì người ta thấy môi trường chung quanh không còn thanh tịnh và tinh khiết nữa. Kiến trược là kết tinh của năm tà kiến, lấy ngũ lợi sử làm thể. Lợi có nghĩa là nhanh, sắc bén. Ngũ lợi sử tức là năm quan niệm sai lầm: Thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, kiến thủ, tà kiến.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu ở đời này lúc pháp hoại diệt- pháp suy tàn, Tượng pháp dần dần thay đổi, tà pháp trở lại sinh sôi, thì gọi là Kiến trược.”

Thân kiến

Thân kiến là mọi chúng sinh đều chấp rằng mình có thân. Họ yêu mến thân mình.”Ta phải săn sóc thân mình, đừng để điều gì xảy đến cho tôi cả.” Họ xem thân thể mình là điều tối quan trọng. Họ muốn ăn ngon, mặc đẹp, sống tiện nghi. Họ luôn luôn xem thân thể mình như là viên ngọc quý.

Đúng rồi! Thân thể quý vị là viên ngọc quý, nhưng nếu quý vị sử dụng sai mục đích, quý vị sẽ biến nó thành một thứ chẳng khác gì hơn phân người. Sao vậy? Vì quý vị chỉ để ý đến phương diện hời hợt nông cạn bên ngoài, mà không khám phá hết được hạt ngọc chân thật bên trong tự tánh. Thế nên những gì quý vị biết tựu trung chỉ là thân xác và quý vị không thể nào buông bỏ nó xuống được. Từ sáng đến tối, quý vị chỉ bận rộn vì thân thể mình. Đó là thân kiến.

Biên kiến

Biên kiến là thích bên nầy hoặc bên kia. Nếu quý vị không nghiêng về không (vô) thì sẽ nghiêng về có (hữu). Nói chung, biên kiến là không hợp với nghĩa Trung đạo.

Giới cấm thủ

Giới cấm thủ Giới luật sẽ trở thành tệ hại khi căn cứ vào một cái gì chẳng phải là nhân mà cho đó là nhân. Những sai lầm như thế dẫn đến lối tu khổ hạnh vô ích. Trước đây tôi đã giảng giải có người bắt chước thói quen của loài bò hoặc chó, hoặc ngủ trên giường đinh, hoặc làm theo lối tu khổ hạnh vô ích. Những ai làm theo như vậy gọi là mắc vào giới cấm thủ. Họ nghĩ rằng: ‘Hãy nhìn tôi đây! Chẳng có ai làm được như tôi, các ông chẳng ai bằng tôi cả.’ Họ luôn luôn có suy nghĩ tự cao ngã mạn nầy trong tâm.

 Kiến thủ

Kiến thủ có nghĩa là chấp vào quan niệm của mình là đúng. Quan niệm sai lầm về một cái gì chẳng phải là quả mà cho đó là quả. Người mắc phải kiến chấp nầy cho rằng họ đã chứng quả trong khi thực sự họ chẳng được điều gì cả.

Tà kiến

Tà kiến là gì? Những người có tà tri tà kiến thường cho rằng không có nhân quả, bài báng chánh pháp, tự mê hoặc mình và làm cho người khác mê lầm. Năm thứ vọng kiến trên đây khiến cho tâm chúng sinh tối tăm mê loạn, tự tánh vẩn đục, cho nên gọi là ngũ trược.

3. Phiền não trược

Xếp thứ ba trong Ngũ trược ác thế, Phiền não trược là sự si mê tham đắm điên đảo, do do ngũ độn sử kết thành: Gồm tham, sân, si, mạn và nghi.

Tham là chỉ cho sự tham muốn một cách không thể thỏa mãn được những cảm giác dễ chịu. Quý vị thường tham muốn những gì mình thích.

Sân là không thích những điều mình cảm thấy khó chịu.

Si là những vọng tưởng điên rồ.

Mạn là lòng tự mãn và kiêu ngạo, cảm thấy rằng “Ta là bậc nhất.” và “Chẳng có ai bằng ta.” Người ngạo mạn thường không lịch sự đối với người khác.

Nghi là nghi ngờ chánh pháp, thay vì vậy lại thích tà pháp. Không tin vào chánh pháp nhưng lại tin vào các pháp không chân chính.

Đây là ngũ độn sử, tạo thành thứ trược thứ ba tức là phiền não trược. Sự có mặt của ngũ độn sử nầy đã tạo nên vô số phiền não. Theo Luận Địa Trì: “Nếu những chúng sanh này tăng thêm điều phi pháp, ham thích dao kiếm, bố thí đồ dùng chiến tranh, bố thí tranh chấp quyền lợi, đấu đá làm loạn, nịnh hót quanh co, lừa dối không thật, nói năng xằng bậy, tiếp nhận đủ tà pháp, và phát sinh những pháp bất thiện xấu xa khác, thì gọi là phiền não trược.”

4. Chúng sinh trược

Chúng sinh trược là sự sanh tử hỗn loạn không ngừng. Chúng ta nay cũng đừng cố diễn tả nó làm gì. Sao vậy? Chúng sinh vốn là quá dơ bẩn, quá bất tịnh, quá cấu uế. Quý vị đừng nên cho rằng mình là hạng chúng sinh cực kỳ lớn. Chúng sinh vốn là rất tối tăm và u mê đần độn. Chẳng có gì tốt đẹp về chúng sinh cả. Nhưng chúng sinh lại nghĩ về chính mình như một cái gì rất đặc biệt, mặc dù thực sự họ cấu thành do từ bốn thứ trược nêu trên.

Theo Luận Địa Trì: “Nếu các chúng sanh không biết đến cha mẹ, không biết đến Sa môn-Bà la môn, và người bề trên trong họ hàng, không tu dưỡng nhân nghĩa và đạo lý, không làm những điều đáng làm, không sợ quả báo ác nghiệp của đời nay-đời sau, không tu bố thí ban ơn, không làm việc công đức, không tu trai pháp, không trì cấm giới, thì gọi là chúng sanh trược.”

5. Mạng trược.

Mạng trược là kiếp sống của chúng sanh trên thế gian ngày một mong manh, ngắn ngủi và bất tịnh. Vào thời ngũ trược ác thế, tâm tính chúng sinh cang cường, khó điều phục, nên vào thời kỳ ấy, chư Phật thường xuất hiện để giáo hóa chúng sinh. Theo Luận Địa Trì: “Chúng sanh đời này đoản thọ, người cao nhất thọ được một trăm năm, đây gọi là Mạng trược.”

Ngũ Trược ác thế thệ tiên nhập là gì

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập nghĩa là: Việc đầu tiên thề sẽ xâm nhập vào thời ác thế. Đây là lời Ngài A nan phát nguyện trước hết sẽ thâm nhập vào ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi vào trong ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh. Nay ngài A nan có lẽ cũng muốn theo nguyện lực to lớn Đức Phật và làm theo. A nan không sợ ngũ trược ác thế đầy nhiễm ô, dù thế nào đi nữa, ngài cũng đến đó để giáo hóa chúng sinh.

“Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật. Nguyện chẳng tự mình chứng niết bàn.” Nếu dù chỉ còn một chúng sinh chưa thành Phật, con cũng sẽ chưa thành Phật. Con sẽ không được công nhận như là người đã đạt được quả vị. Con sẽ không nhập niết bàn. Đây cũng giống như lời nguyện của ngài Địa Tạng Bồ Tát.

Ngũ trược ác thế ở Phạm trù thân người.

Phần trên là giảng giải của Hòa thượng Tuyên Hóa về Ngũ Trược Ác Thế thiêu đốt thế gian. Ít người biết thân người cũng thường bị Ngũ trược thiêu đốt. Nơi Kinh Lăng Nghiêm đức Phật có thuyết về năm thứ trược ác này, nay ghi thêm vào cho bạn cùng tham khảo. Về Ngũ trược, Kinh Lăng Nghiêm đức Như Lai giảng:

Ngũ trược của Thân người: 1. Kiếp trược

“A nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, mà chẳng thấy phân ra hư không và tánh thấy. Tuy vậy có hư không mà không có thực thể, có tánh thấy mà không có tánh biết. Hai bên đã đan dệt với nhau mà thành. Đây là lớp thứ nhất, gọi là ” Kiếp trược”.”

Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng:

“A-nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, mà chẳng thấy phân ra hư không và tánh thấy. Ông có thể phân biệt ra cái nào là tánh thấy, cái nào là hư không chăng? Có một đường vạch ngang giữa tánh thấy và hư không hay sao? Có nghĩa là tánh thấy và hư không là một và đồng nhất. Quý vị có thể nhìn thấy, nhưng cơ bản là không có ‘vật’ để thấy.

Tánh thấy chính là hư không và hư không là tánh thấy. (Tuy vậy) có hư không mà không có thực thể–“Thể của nó chính là hư không,” có người lý luận. Được rồi, thế thì hãy giữ cái thể ấy rồi  đưa tôi xem. Quý vị chẳng nắm bắt được nó. Rốt ráo trong đó chẳng có gì cả. Tánh thấy chính là ở trong hư không. Nhưng sẽ không bao giờ có chút nào sự chống trái nhau giữa hư không và tánh thấy. Dù nó đang hiện hữu, nhưng tánh thấy không bao giờ đòi hỏi hư không phải di tản đi nơi khác. Không có sự xung đột nào giữa hai thứ ấy.

Mặc dù bây giờ là thời mạt pháp, là thời kỳ đấu tranh kiên cố, nhưng hư không và tánh thấy chẳng có chút bất hòa nào.

*

Có tánh thấy mà không có tánh biết. Tánh thấy tự nó  vắng bặt cái biết; tánh biết nằm trong chính mình, chứ không nằm trong tánh thấy của quý vị và ngược lại. Trong trường hợp nầy, ở đâu có hư không thì không có thực thể và có tánh thấy thì không có cái biết. Hai bên đã đan dệt với nhau mà thành. Đây là lớp thứ nhất, gọi là kiếp trược. Đó là cách thức mà kiếp, được hình thành.

Người thế gian không có việc gì để làm nên ném ít đất bụi vào trong nước; và bây giờ quý vị đã bị hòa lẫn tánh thấy của mình với hư không cũng tương tự nhau. Kết quả là tạo nên kiếp trược. Chữ kiếp có gốc tiếng Sanskrit  là kalpa, dịch nghĩa là thời phần.

Ngũ trược của Thân người: 2. Kiến trược

“Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể, nên cái thấy nghe hay biết bị ngăn ngại. Trở lại làm cho các thứ đất nước lửa gió thành ra có cái hay biết. Các thứ đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là Kiến trược.”

Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng:

Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể. Ông không có được tự do, vì tứ đại đã hợp thành thân thể ông rồi. Cùng với sự kết hợp nầy, là sự hình thành nên các tánh thấy nghe hay biết. Bốn yếu tố nầy đã khiến cho các tánh thấy nghe hay biết ấy bị ngăn ngại. Trở lại làm cho các thứ đất nước lửa gió thành ra có cái hay biết. Nó chạy tới chạy lui, và một nhận thức sai lầm sanh khởi. Khi điều ấy xảy ra, các thứ đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là kiến trược.  Các nhận thức sai lầm lại giao xen với nhau tạo nên nhận thức sai lầm khác, đó là kiến trược.

Sự giải thích về ngũ trược mà tôi có lần đã nói ở trước là hoàn toàn khác với ở đoạn nầy. Đoạn kinh trước là nói về ngũ trược trong phạm trù thế giới, còn ở đây ngũ trược được giải thích trong phạm trù thân thể của mình. Thực vậy, cái hỗn trược bên ngoài sở dĩ có là do ngũ trược bên trong. Vì vậy nên quý vị nên tịnh hoá các ngũ trược cụ thể hữu hình, thì các ngũ trược bên ngoài sẽ được tiêu trừ.

Ngũ trược của Thân người: 3. Phiền não trược

Lại nữa, trong tâm ông do sự nhớ biết học tập mà tánh phát ra thấy biết. Dung nạp sáu trần, rời tiền trần thì không có tướng, rời cái biết thì không có tánh. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ ba gọi là Phiền não trược

Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng:

Lại nữa, trong tâm ông do sự nhớ biết học tập mà tánh phát ra thấy biết.  Tụng tập hay học tập ở đây có nghĩa là học tập nghiệp chướng cả kinh điển Phật pháp lẫn kinh luận thế gian. Dung nạp sáu trần. Những tác dụng nầy làm thành cái thấy biết–nhận biết được những thứ vốn mình chưa hề hay biết–và quan niệm, nhận thức–hiểu những điều mà mình chưa từng hiểu.

Nhưng kiến thức thu thập được từ sách vở lại thuộc về trí thế gian, chưa phải là rốt ráo, chưa phải là sự khai mở chân thực của tự tánh. Khi mình đã có hiểu biết, thì sáu trần–sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp–liền thành hình. Rời tiền trần thì không có tướng. Nếu quý vị tách rời trần lao ra, thì chẳng có thực thể hoặc tướng trạng. Rời cái biết  thì không có tánh. Đan dệt nhau, hư dối mà thành. Nếu chúng không kết hợp với nhau, thì chẳng có gì hư vọng. Một khi đã có chân thì liền có vọng. Không có chân thì không có vọng. Khi có vọng, thì sẽ có chân.

Chân và vọng là hai khái niệm đối đãi, thuộc phạm trù tương đối. Như  Lão Tử  đã từng nói:

*

Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa

Trí huệ xuất, hữu đại nguỵ

Lục thân bất hòa, hữu hiếu từ

Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần. 

Khi đại đạo đã tiêu trầm thì người ta mới nói về nhân nghĩa. Khi đại đạo vẫn còn lưu hành thì chẳng có ai cần đến điều nhân nghĩa. Khi mọi người đang tu đạo, ai cũng biết rõ là không nên làm cho người khác sinh khởi phiền não. Mọi người đều biết phải tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, thế nên không cần phải nói về nhân nghĩa nữa.

Khi con người đều thông minh trên mức trung bình một tí, thì chẳng có ai trong đó có thể lừa gạt người khác. Chỉ khi nào có người thông minh xuất hiện và nhận thấy rằng những người chung quanh mình sao quá ngu mê. Do sự so sánh như vậy, họ liền quyết định làm trò lừa dối các người kia, ngoại trừ những người thông minh như họ ra, chẳng có ai nhận biết được chuyện đó. Thế nên khi có kẻ thông minh xuất hiện, thì có sự xảo trá hư nguỵ. Nếu họ thực hành đạo ngũ luân, năm đạo lý tôn trọng lẫn nhau giữa: 

Vua và quần thần.

 Cha và con.

Vợ và chồng.

Anh và  em.

Bằng hữu,

 

Xem Thêm:   Ác giả ác báo: Đức Phật dạy về Báo ứng của Thập ác

thì chẳng có ai đả động tới chuyện cha hiền con hiếu. Nhưng khi cha không hiền, con phải tỏ ra có hiếu hơn; thì đây là lúc chữ hiếu được nói tới.  Hoặc nếu khi con bất hiếu, thì cha phải càng hiền từ hơn. Do vậy, ‘khi lục thân bất hòa, thì mới cần người con có hiếu.”

*

Làm sao có thể biết được ai là trung thần trong thời kỳ đất nước yên bình? Ai là người phản nghịch? Khi đất nước yên bình những kẻ trung thàn không bao giờ mang áp phích cổ động với dòng chữ “trung thần,” cũng không ai chụp vào mình cái mũ phản quốc. Nhưng khi quốc gia bị xáo trộn, lòng trung thành trong mỗi vị trung thần tự nổi dậy. Đó là lý do tại sao người thời nay đánh giá rất cao Nhạc Phi. Vì khi đất nước bị xâm lăng, ông dám đương đầu chống trả.

Đạo lý trong đoạn kinh nầy cũng giống như điều của Lão Tử muốn nói. Nếu chỉ có một yếu tố, thì sẽ không có gì trở nên hỗn trược. Nhất chân pháp giới, hoặc Như Lai tạng, hoặc hư không–không bao giờ sinh khởi thành hỗn trược. Nhưng vì chúng kết hợp với nhau và hình thành một khối, nên hư vọng sanh khởi. Điều nầy chứng minh rằng trong mọi pháp, đều có cái chân cái ngụy, cái giả cái thật.

Thế nên, ngay cả trong Như Lai tạng, cũng có cái hư vọng phát sinh từ cái chân thật. Cũng tương tự như vậy, trong thân thể con người vốn là vật hữu hình, thể rắn; nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có một cái bóng. Trong pháp ẩn dụ, cái bóng biểu tượng cho hư vọng sinh khởi từ cái chân thật; cái bóng biểu tượng cho vô minh. Từ vô minh mà các vấn đề khác phát sinh. Và ở đây, cái hư vọng phát sinh từ lớp thứ ba, được gọi là phiền não trược.

Ngũ trược của Thân người: 4. Chúng sinh trược

Lại nữa, tâm ông sớm chiều sanh diệt không ngừng. Cái thấy biết thì cứ muốn lưu mãi ở thế gian, mà nghiệp báo chuyển vần luôn luôn đổi dời từ cõi nầy đến cõi khác. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là Chúng sinh trược.

Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng:

Lại nữa, tâm ông sớm chiều sanh diệt không ngừng. Niệm tưởng của ông sanh rồi diệt suốt ngày không hề dừng nghỉ. Cái thấy biết thì cứ muốn lưu mãi ở thế gian. Cái thấy biết ở đây chỉ cho ý muốn của quý vị, vẫn thích lưu lại mãi ở thế gian nầy. Quý vị muốn bất tử. Quý vị muốn lưu lại nơi nầy mãi mãi và không bao giờ chết, mà nghiệp báo chuyển vần luôn luôn đổi dời từ cõi nầy đến cõi khác.

Cái thân nghiệp báo của quý vị đi đầu thai từ cõi nầy đến cõi khác, từ đời nầy đến đời kia. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là chúng sinh trược. Vì tâm tưởng của quý vị luôn luôn tương tục sanh và tương tục diệt, cũng giống như những chúng sinh tương tục sống chết. Do vậy, gọi là chúng sinh trược.

Ngũ trược của Thân người: 5. Mạng trược

Cái thấy nghe của ông vốn chẳng phải là tánh nào khác, do các trần cách trở nên bỗng nhiên trở thành khác. Tánh thì vẫn biết nhau, nhưng trong phần dụng thì trái nghịch nhau. Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích, cùng đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là Mạng trược.

Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng:

A-nan và tất cả các ông đều chưa chứng được quả vô lậu, cái thấy nghe của ông vốn chẳng phải là tánh nào khác.  Chúng chẳng phải là hai thứ xuất phát từ hai nguồn. Chúng là một và đồng nhất. Do các trần cách trở nên bỗng nhiên trở thành khác. Tánh thì vẫn biết nhau, nhưng trong phần dụng thì trái nghịch nhau. Tánh thấy và tánh nghe cùng chia nhau một nguồn hiểu biết chung. Nghĩa ở đây là:

*

Nguyên y nhất tinh minh

Phân thành lục hòa hợp. 

Thế nên chân tánh sáng suốt có một cái biết chung, nhưng chức năng, tác dụng của sáu thứ thì khác nhau. Sự phân chia thành sáu phương diện gây ra những tác dụng khác nhau mà lại trái nghịch nhau. Mắt có thể thấy chứ không thể nghe. Tai có thể nghe chứ không thể thấy. Mũi có thể ngửi chứ không nghe, không thấy được. Lưỡi có thể nếm biết mùi vị chứ không thấy nghe, ngửi được.

Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích. Nó không có tính nhất định. Vì sáu căn mất hẳn tính đồng nhất với nhau, nên tác dụng của nó cũng mất hẳn tính chính xác. Nó vốn không đồng không khác, nhưng nhìn qua hai  phương diện, thấy thiếu sự phân định rõ ràng dứt khoát. Do vậy nên nói, “Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích.” Cùng đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là mạng trược.

( Ngũ trược ác thế là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Thổ Địa & Bàn Thờ Ông Địa: Sự mê lầm khủng khiếp của chúng ta!

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog