Ngũ Triền Cái là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Ngũ Triền Cái là gì

Ngũ Triền Cái là gì? Ngũ Triền Cái còn gọi là Năm Triền Cái hay Ngũ Cái, bao gồm: 

  1. Tham dục cái.
  2. Sân hận cái.
  3. Thụy miên cái.
  4. Trạo hối cái.
  5. Nghi cái.

Trong năm pháp này thì tên gọi tuy là giống như hạn hẹp mà nghĩa lý bao gồm ba độc, cũng thâu nhiếp tất cả tám vạn bốn ngàn trần lao. Thứ nhất là Tham dục Cái, chính là Tham độc. Thứ hai là Sân hận Cái, chính là Sân độc. Thứ ba là Thụy miên Cái, chính là Si độc. Còn một loại là Trạo Hối Cái, chính là thâu nhiếp tất cả các phạm vi. Hợp lại làm thành bốn phần phiền não, trong một thì có hai vạn một ngàn, trong bốn hợp lại thì có tám vạn bốn ngàn các phần trần lao.

Vì vậy nếu như có thể loại trừ năm cái này, thì có thể từ bỏ tất cả các pháp bất thiện. Ví như mắc nợ được trừ nợ, bệnh nặng được chữa lành; như người đói khát đến được đất nước giàu có, như ở giữa giặc cướp hung giữ mà tự mình được cứu khỏi an ổn không lo sợ. Hành giả cũng như vậy, loại trừ năm cái này thì tâm tư được thanh tịnh. Ví như mặt trăng bị 5 sự che lấp, khói – mây- bụi – sương mù- tay của Tu La che chắn, thì không sáng tỏ được; tâm cũng như vậy, kết hợp thí dụ có thể biết.

*
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Phân biệt Công đức và Phước đức.
  • Thập Thiện Nghiệp là gì.
  • Từ Bi Hy Xả là gì. 
  • Báo ứng của Thập Ác.
  • Cách hồi hướng Công đức.
  • Sinh lão bệnh tử là căn bản khổ của kiếp người.
Ngũ Triền Cái là gì
Ngũ Triền Cái là gì

Ngũ Triền Cái: 1. Tham Dục Cái

Tham Dục Cái nghĩa là ngồi ngay thẳng tu thiền mà tâm sanh ra ham muốn hiểu biết. Vọng niệm do đó liên tiếp sanh khởi mong cầu mãi không thôi, liền khiến cho phát sanh ưu sầu. Như luận Trí Độ nói: “Thuật Bà Già vì nghĩ đến Vương Nữ, tâm dục bên trong bùng phát hãy còn có thể đốt cháy thân hình, lan dài đến miếu thờ trời, huống hồ phát sanh dục vọng hiểm ác, hừng hực mà không cháy ư? Các thiện pháp nếu như tâm đắm vào dục vọng thì không biết do đâu mà đến gần đạo. Cho nên Luận có kệ rằng:

Người tám quý tiến vào trong đạo

Ôm bình bát nhiếp phục chúng sanh

Tại sao phóng túng theo dục trần,

Chìm đắm vào tình chấp năm dục?

Đã từ bỏ năm thứ dục lạc,

Bỏ đi mà không quay lại nhìn,

Tại sao vẫn mong muốn đạt được,

Như người ngu tự ăn đồ bỏ.

Các dục cầu mong thì khổ sở,

Có được thì thêm nhiều sợ hãi,

Mất đi thì sanh nhiều phiền muộn,

Tất cả không nơi nào vui được.

Các tai họa như vậy chấm dứt,

Tại sao có thể từ bỏ,

Được phước thiện thiền định yên vui,

Thì không bị mọi điều lừa dối”.

Ngũ Triền Cái: 2. Sân Hận Cái

Sân Hận Cái: Sân hận là nguồn gốc làm mất đi các thiện pháp, là nhân duyên rơi vào các đường ác, là kẻ thù của pháp lạc, là giặc lớn của thiện tâm, là kho tạng của ác khẩu, là đao búa của tai họa. Nếu lúc tu đạo, suy nghĩ người này làm phiền đến mình, và làm hại người thân của mình, ca ngợi kẻ thù của mình, toan tính vượt qua quá khứ vị lai cũng lại như vậy, thì bởi vì 9 loại não hại cho nên sanh ra sân hận. Ý niệm sân hận che lấp tâm tư cho nên gọi là Cái, hãy gấp rút từ bỏ nó chứ không để cho nó tăng thêm. Như trong luận Trí Độ, Thích Đề Bà Na dùng kệ thưa hỏi Đức Phật rằng:

Vật gì giết chết sự an ổn,

Vật gì giết chết sự vô ưu,

Vật gì là gốc của độc hại,

Nuốt mất tất cả các điều thiện?

*

Đức Phật thuyết kệ trả lời rằng:

Giết chết sân hận thì an ổn,

Giết chết sân hận thì vô ưu,

Sân hận là gốc của độc hại,

Sân hận diệt đi mọi điều thiện”.

Biết như vậy rồi nên tu Từ Ba, lấy Nhẫn Nhục trừ diệt khiến cho tâm thanh tịnh, quán xét âm thanh trống rỗng không thật thì không nên dấy lên sân hận. Vì vậy luận Trí Độ nói: “Bồ tát biết các pháp bất sanh bất diệt, tánh ấy đều rỗng không. Nếu như người sân hận mắng nhiếc, hoặc đánh hoặc giết, thì giống như mộng ảo như huyễn hóa”. Quán xét âm thanh vốn không có, chỉ là tiếng gió thuận theo duyên mà có, đâu cần phải đáng sân hận? Do đó Luận nói: “Như lúc người sắp nói thì gió trong miệng gọi là Ưu Đà Na, vào lại đến rốn, chạm đến rốn phát ra tiếng vang, lúc tiếng vang phát ra tiếp xúc với bảy chỗ mà dấy lên, thì gọi là ngôn ngữ. Như kệ nói:

*

Hơi gió gọi là Ưu Đà Na,

Chạm đến rốn mà phát lên trên,

Hơi gió này tiếp xúc bảy chỗ,

Đỉnh đầu và lợi răng cùng môi,

Lưỡi yết hầu cho đến phần ngực,

Trong này ngôn ngữ phát sanh ra,

Người ngu si không hiểu như vậy,

Mê muội chấp trước nổi sân si”.

Còn trong Kinh Ưu Bà Tắc nói: “Người có trí, nếu gặp mắng chửi tệ hại nên dấy lên nghĩ rằng: Chữ mắng chửi này không cùng lúc phát sinh, chữ đầu phát sinh thì chữ sau chưa có, chữ sau sanh rồi thì chữ đầu lại diệt đi. Nếu không cùng lúc thì thế nào là mắng, dứt khoát là tiếng gió thì tại sao mình sân hận”? vì vậy trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát quán xét chúng sanh, tuy rằng trăm ngàn kiếp mắng chửi mà không sanh tâm sân hận, nếu trăm ngàn kiếp ca ngợi thì cũng không vui sướng, bởi vì biết rõ âm thanh sanh biệt như mộng ảo như tiếng vang”.

Ngũ Triền Cái: 3. Thụy Miên Cái

Thụy Miên Cái, nghĩa là trong tâm mê muội u tối thì gọi đó là ngủ. Năm tình che lấp tối tăm mọi bộ phận, ngang nhiên làm càn, nằm ù rũ mệt mỎi thì gọi là ngủ say. Thụy Miên Cái này có thể phá hủy niềm vui chân thật của đời này và đời sau, ác pháp như vậy thật là không tốt lành, tại vì sao? Bởi vì tình giác của các Cái khác có thể trừ diệt, mà thụy miên Cái giống như người chết, không cảm giác tiếp xúc gì cả. Vì không cảm giác cho nên khó có thể trừ diệt. Như trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát chỉ dạy nhắc nhủ đệ tử về chuyện ngủ say sưa, thuyết kệ rằng:

Các ông đừng ôm thây chết mà nằm ngủ,

Các loại bất tịnh giả danh là con người,

Như gặp bệnh nặng hay mũi tên đâm thân,

Những nỗi đau khổ quy tụ sao đáng ngủ?

Như người bị trói chặt dẫn đi giết chết,

Tai họa sắp đến lẽ nào có thể ngủ?

Giặc phiền não không diệt tai họa chưa trừ,

Như cùng rắn độc trú ngụ chung một nhà,

Cũng như lâm trận giữa gươm dao sáng lòe,

Lúc bấy giờ làm sao mà có thể ngủ?

Ngủ là tối tăm không trông thấy được gì,

Ngày ngày lừa dối giành ánh sáng con người,

Vì ngủ che tâm không trông thấy điều gì,

Mất mát lớn như vậy sao có thể ngủ?”

Ngũ Triền Cái: 4. Trạo Hối Cái

Trạo hối cái có ba loại:

1- Khẩu Trạo, ấy gọi là thích ngâm nga; tranh cãi đúng sai vô ích; hý luận mọi chuyện thế tục, …đây gọi là khẩu trạo.

2- Thân Trạo, nghĩa là thích cưỡi xe rong ruổi; phóng túng gân cốt; vung tay múa chân, … đây gọi là Thân trạo.

3- Tâm Trạo, nghĩa là tâm tình phóng đãng mặc ý theo duyên; suy nghĩ về văn chương nghệ thuật tài hoa kỹ xảo của thế gian; các sự giác quán xấu ác,… đây gọi là Tâm trạo.

Trạo cử là pháp phá hoại tâm xuất gia, cho nên trong luận Trí Độ có kệ rằng:

Ông đã cạo đầu mặc pháp y hoại sắc,

Tay ôm bình bát đi khắp nơi khất thực,

Tại sao thích đắm theo đùa vui bỡn cợt,

Mặc tình phóng đãng làm mất đi pháp lợi?”

Đã không có pháp lợi ích, lại còn đánh mất niềm tin thế gian, biết sai lầm ấy rồi thì hãy gấp rút từ bỏ. Vốn nói là Hối, nếu Trạo mà không có Hối thì không trở thành Cái, tại vì sao? Bởi vì lúc Trạo hãy còn ở trong duyên, sau đến lúc muốn tiến vào Định, mới hối hận việc đã làm trước đó, ưu não che lấp tâm tư, cho nên gọi là Cái. Điều này có hai loại:

1- Bởi vì Trạo sau đó sanh ra Hối, như trước đã nói.

2- Người gây ra tội nặng, thường ôm lòng sợ hãi, mũi tên độc ghim vào tâm, giữ chặt không rút ra được.

Như luận Trí Độ kệ rằng:

*

Điều không nên làm mà cứ làm,

Điều đáng làm mà lại không làm,

Lửa hối hận phiền muộn đốt cháy,

Đời sau đạo vào trong đường ác.

Nếu người lỗi lầm luôn hối hận,

Hối hận rồi không còn ưu sầu,

Như vậy thì tâm được an lạc,

Không cần phải thường xuyên suy nghĩ,

Nếu như có hai loại hối hận,

Như điều nên làm mà không làm,

Điều không nên làm mà cứ làm,

Đây là tướng của người ngu si.

Bởi vì không có tâm hối hận,

Không làm mà lại có thể làm,

Những điều xấu ác đã gây ra,

Không có thể khiến cho không làm”.

Ngũ Triền Cái: 5. Nghi Cái

Nghi cái, nghĩa là vì nghi ngờ lấp tâm tư, cho nên ở trong các pháp không thể nào định tâm được, vì định không có cho nên ở trong Phật pháp trống rỗng không có gì đạt được. Như người đi vào núi châu báu, nếu không có tay thì không thể lấy được thứ gì. Vả lại tất cả nghi ngờ rất nhiều chưa hẳn đã chướng ngại đến định. Nay điều chướng ngại cho định, có ba loại nghi ngờ:

  1. Nghi chính mình.
  2. Nghi đến thầy dạy.
  3. Nghi đến đối với pháp.

Nghi chính mình mà dấy lên suy nghĩ rằng: Mình là hạng các căn ám độn tội lỗi xấu xa sâu nặng, như thế chẳng phải là con người chăng? Dấy lên nghi ngờ chính mình như vậy thì định tuệ không phát ra được. Nếu muốn học pháp thì đừng nên tự khinh mình, bởi vì thiện căn của đời trước khó mà biết được.

Nghi đến thầy dạy, là nghi rằng oai nghi tướng mạo của người ấy như vậy, tự bản thân hãy còn vô đạo, sao có năng lực dạy dỗ mình? Dấy lên nghi ngờ khinh mạn này, tức là làm chướng ngại cho định, pháp này cần phải lọai trừ. Như vàng ròng chưa trong đãy da hôi thối, vì tham tiếc vàng ròng cho nên không thể vất đi đãy da; hành giả cũng như vậy, thầy dạy tuy rằng không thanh tịnh, mà cũng nên sanh khởi ý tưởng như đối với Phật.

*

Nghi đối với pháp, là như người thế gian phần lớn chấp vào tâm vốn có, đối với pháp đã thọ nhận không có thể ngay nơi tâm tin tưởng cung kính mà tiếp nhận thực hành, nếu như sanh ra lưỡng lự thì pháp không dính được trong tâm, tại vì sao?

Bởi vì như trong luận Trí Độ kệ rằng:

Như người đứng ở giữa đường rẽ,

Nghi hoặc không biết chọn ngã nào,

Đứng giữa thật tướng của các pháp,

Mối nghi ngờ cũng lại như vậy.

Nghi ngờ cho nên không chịu khó,

Cầu tìm thật tướng của các pháp,

Nghi này từ ngu si sanh ra,

Là điều ác trong những điều ác.

Trong các pháp thiện và bất thiện,

Hay là sanh tử và Niết- bàn,

Chắc chắn có pháp thật rõ ràng,

Ở trong đó đừng sanh nghi ngờ.

Nếu như người ôm lòng nghi hoặc,

Chết bị ngục tốt trói mang đi,

Như sư tử vồ lấy con hươu,

Không có cách nào chạy thoát được.

Ở thế gian tuy có nghi ngờ,

Mà nên tùy theo pháp thiện diệu,

Ví như quan sát mọi ngã rẽ,

Lợi ích tốt lành thì hãy theo”.

Tụng rằng:

Năm Dục làm mê mờ thần thức

Năm Cái che phủ phước thiện

Sáu Căn tạo thành nghiệp khổ đau

Sáu loại giặc làm loạn tâm sắc.

Sáng Dục đuổi tình trơi nổi,

Lưới Ái giăng trùm theo tâm thức,

Ba độc làm chướng ngại Nhân Không

Bốn Lưu bập bềnh không dừng lại.

Cho đến bây giờ tuy sửa đổi

Thẻ chặt đầu còn chưa chấm dứt

Nhìn chim bồ câu đã vô cùng

Vượn trèo cây sao ngã ở đây?

Tự mình không đoạn tuyệt Dục Cái

Sao có thể đến chỗ cao xa

Cùng nhau tiến vào nơi Bảo Thành

Cùng nhau nhìn thấy Đức Năng Nhân?

( Ngũ Triền Cái là gì – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Xem Thêm:   Tịnh độ ngũ kinh

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

44 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog