Ngũ Dục là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Ngũ Dục là gì

Ngũ Dục là năm nhu cầu căn bản và thiết yếu của tất cả chúng sanh, không phân biệt già trẻ, sang hèn, ai ai cũng có, đó là:

  1. Tiền tài.
  2. Sắc đẹp.
  3. Danh vọng.
  4. Ăn uống.
  5. Ngủ nghỉ.

Năm món dục nầy nếu chẳng để nó sai sửa chi phối thì cuộc sống luôn được an vui. Bằng nếu để nó chi phối thì Ngũ dục biến thành năm mũi tên độc thiêu đốt tâm can. Tổ Ấn Quang bảo: “Người thế gian chẳng biết rằng: Hết thảy những giàu nghèo, sang hèn, vinh nhục được mất…Dù là do người khác gây ra, nhưng thật sự đều là do những nghiệp lực thiện hay ác của chính mình đã gieo trong tiền kiếp.” Hiếm người biết lý này, hoặc dù có biết cũng chẳng tin. Vậy nên suốt cuộc đời trầm luân trong khổ hải, chẳng được chút an vui.

  • Sự thật về Đồng bóng.
  • Sự thật về Cầu cơ.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát được vô lượng công đức.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
Ngũ dục là gì
Ngũ dục là gì
*

Ví như Tiền tài chẳng hạn: Một thương vụ làm ăn. Bạn nhọc lòng ủ mưu tính kế. Chạy đông ngược tây, gặp người này, tiếp người nọ; Tối ngày vắt tay lên trán nghĩ, ăn không ngon, ngủ chẳng yên…Tính toán trăm bề, chỉ cốt sao được nhiều lãi nhất.

Bạn chẳng biết rằng: Thương vụ ấy, thành hay bại, lời nhiều hay lãi ít, vốn cũng đã định trước cả rồi! Nếu đối tác trước đây nợ bạn, trong mạng của bạn lại có phước báo do bố thí từ trước, thì thương vụ không cầu cũng được. Bằng ngược lại, bạn có có lao tâm khổ trí đến đâu, việc ấy cũng vô phương thành tựu.

Nói điều này ra nhiều người bảo là tiêu cực. Chẳng phải thế đâu, bạn tĩnh tâm nghĩ lại xem: Bao nhiêu thăng trầm trong thế cuộc, rốt lại kết cục đều chẳng bao giờ xảy ra như tính toán ban đầu đó sao? Cổ nhân bảo: “Người tính chẳng bằng trời tính”. Lại bảo: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”…Ngẫm thử mà xem, chẳng phải là không có lý đâu!

Vậy nên người thông đạt ắt sẽ dụng tâm bình thản mà làm việc. Chỉ gắng tận lực vào việc mình làm, còn thành hay bại, chẳng một niệm vọng cầu sanh khởi ở trong tâm; Như thế, cuộc sống lúc nào cũng an vui.

Vì sao Ngũ Dục lại là năm mũi tên độc

Ngũ dục sở dĩ từ nhu cầu căn bản của chúng sanh trở thành năm mũi tên độc là bởi ta chấp trước mà nên. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Hữu tình chúng sinh phóng dật, chẳng giữ quy củ mà chấp trước Ngũ dục. Ngũ dục là gì? Ngũ dục là năm món: Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.

1. Người chấp trước tài, tham mà chẳng biết chán. Vàng bạc chất đầy như núi, cũng chẳng biết đủ. Kết quả tay không mà đến, tay không mà đi. Chỉ có nghiệp đã tạo ra, theo thân mà đi, theo nghiệp mà sinh.”

Gương xưa biết bao người còn đó, thế nhân mấy ai nhìn mà tỉnh ngộ? Như một ông bầu khá nổi tiếng ở Việt Nam. Hiện ngồi tù nhưng mỗi năm tài sản vẫn tăng thêm ngàn tỉ. Ngàn tỉ chứ triệu tỉ ấy mà thân tù đày thì phỏng có lợi lạc gì? Ngàn tỉ ấy so với anh nông dân chân lấm tay bùn, cơm rau tương cà, ăn no ngủ kỹ. Sai biệt thế nào ắt đứa trẻ lên ba cũng biết!

*

2.”Người chấp trước sắc: Mê sắc đẹp, tham luyến sắc đẹp, cho rằng sắc đẹp là vật quý giá nhất trên đời. Kết quả một cũng chẳng có, hoặc thân bại danh liệt, cuối cùng chẳng còn gì hết. Sắc nầy là chỉ nam nữ mà nói.”

Tuyệt thế giai nhân, cổ kim đều ẩn tàng tai họa, bởi kiếp “hồng nhan bạc mệnh”. Trong bộ chữ của người Tàu: Trên đầu chữ “Sắc” là chữ Dao. Không thể tính đếm được bao nhiêu anh hùng gục trước ải mỹ nhân mà thân bại danh liệt, nước mất nhà tan. Gương những Đắc Kỷ, Helen còn đó. Bên trong lớp da bóng bẩy cũng đồng một máu mủ hôi tanh, có chi mà tham luyến?

Nếu một ngày đẹp trời bạn khai mở được “Túc Mạng Thông”. Khi ấy bạn chỉ nhìn hình ảnh của những Hoa hậu, người đẹp, chân dài…ắt hẳn không khỏi kinh tâm động phách. Tại sao thế? Bởi không quảng cáo nào của họ không hở hang, không kích thích người khởi tâm dâm. Cái quả báo tà dâm nặng nề ấy, hiện phải chịu đủ thứ tật bệnh, hoa liễu…Chết đi không phải qua Trung Ấm Thân mà đọa thẳng vào Địa ngục.

Cái họa sắc dục nặng đến mức Tổ Ấn Quang bảo: “Người thời nay hết 9 phần chết vì sắc dục, cực hiếm người hưởng được đúng thọ mạng của mình”. Tổ nói vậy thật chẳng phải là vô cùng đáng sợ hay sao?

*

3.”Người chấp trước danh: Vì muốn dương danh trong thiên hạ, bèn dùng đủ thứ phương pháp để đề cao danh dự. Hoặc là làm những việc có danh, khiến cho mọi người đều biết; Trở thành nhân vật danh cao tột đỉnh, hoặc là làm chánh trị gia, nhà giáo dục, nhà đại từ thiện, nhưng cuối cùng khó tránh cái chết.”

Món dục này nó tàn phá và hủy hoại con người cũng vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt trong cuộc sống mà người người sống ảo, nhà nhà sống ảo hôm nay. Ai cũng muốn mình nổi tiếng, cũng tự cho mình là trung tâm Vũ trụ mà chẳng biết rằng: Danh tiếng là chỗ tối kỵ của tạo vật và quỷ thần. Người có danh tiếng mà không xứng với hạnh ắt sẽ tự chuốc họa vào thân. Nếu trong mạng mình có thanh danh, chức tước, ắt sớm muộn gì cũng được. Bằng ngược ngạo cưỡng cầu, không ai không thân bại danh liệt!

Tuệ Tâm nhớ dăm năm trước có một chính trị gia nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Ông này rốt cuộc bị bắt vào tù với đủ tội danh. Nhớ lúc vị này mới nhăm nhe vào bộ phận to nhất nước. Trong một buổi trà dư, một vị ẩn tu bảo: “Ông này đến đây là tột đỉnh rồi. Nếu cố thêm một chút nữa e rằng cái mạng cũng phải khó khăn lắm mới giữ được.” Về sau quả thật chẳng sai. Cái danh phù phiếm mà nó mê hoặc người như thế. Người học Phật ngàn lần nên cẩn trọng!

*

4.”Người chấp trước ăn: Cho rằng sơn trân hải vị là thức ăn bổ dưỡng nhất, ăn để cho cường thân sống lâu. Nào ai biết được sinh ra đủ thứ bệnh, nào là mỡ quá nhiều, tạo thành hiện tượng não đầy ruột phì; Chẳng phải bệnh máu cao, thì là bệnh tiểu đường. Kết quả ngược lại bị chết sớm, trước hết đi gặp Diêm Vương.”

Sơn hào hải vị hay khoai lang, một khi đi qua cổ họng là bằng nhau. Qua một đêm ngủ dậy, thức ăn ngon hay dở, ra khỏi thân mình đều đồng một chất hôi thối. Vậy nên ta có cái mà ăn đã là phước rồi. Đừng phân biệt ngon dở làm chi.

Nhìn sang châu Phi mới thấy: Mình có ăn, có mặc, có nước uống là một ân huệ lớn rồi. Người chấp trước vào ăn uống tự làm khổ mình bởi phân biệt món ăn ngon dở. Lúc ăn ngon thì vui vẻ, gặp món không vừa ắt cạu cọ không vui. Ta vì cái ăn mà bực dọc, ôm phiền não vào người như thế, liệu có đáng hay chăng?

Những người ham ngon, săn đủ đặc sản trên đời, rốt cuộc cũng chỉ làm nô lệ cho cái miệng. Lại tham ăn nên ưa thích mùi thịt, gieo sát nghiệp kiếp này ắt kiếp sau đền trả. Mạng đền mạng, nên chúng sanh oán oán ân ân, chằng níu nhau muôn kiếp trong sanh tử luân hồi là như thế! 

*

5.”Người chấp trước ngủ: Có thể buông xả đặng tài, sắc, danh, ăn, bốn thứ, chẳng tham cầu, nhưng ngủ buông xả chẳng đặng, vẫn tham luyến. Ban ngày ngủ, ban đêm ngủ, ngủ suốt ngày, làm cho hồ đồ, chẳng đi làm việc có ích cho xã hội. Mê hồ một đời như thế, cũng chẳng biết ra khỏi biển khổ.” Người ham ngủ không nói thì ai cũng biết là lười biếng. Mà kẻ lười biếng thiết nghĩ chẳng cần phải luận bàn thêm làm chi cho thêm nhọc lòng.

Trong ngũ uẩn, tham ngủ thì thành đệ tam cái, che tấp tâm tánh, chẳng sinh ra được pháp lành. Có câu rằng:

Tài sắc danh ăn ngủ.

Điạ ngục năm gian phòng. “

Chúng sinh đều chấp vào năm dục, chẳng minh bạch năm dục, chẳng có thật thể mà là tướng hư vọng. Vì nhận thức chẳng rõ mà chấp trước, cho nên tạo ra rất nhiều nghiệp chướng, tương lai chắc chắn thọ quả khổ. Do đó: “Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo”, ba pháp nầy có quan hệ với nhau. Nếu phụng hành theo Phật giáo, thường thường nhiếp tâm, quản lý tâm của mình, đừng khởi vọng tưởng, chẳng tham năm dục. Hãy nhớ vô thường, đừng có phóng dật, phải phát thệ nguyện, hóa độ chúng sinh. Đây là hành vi phải có Ðại hoạn, tức là đại ưu hoạn, tức cũng là bệnh tật.

*

Chúng ta có bệnh ưu hoạn, vì sao? Vì chúng ta có thân thể. Có thân thể rồi thì sinh ra tâm ích kỷ. Vì thân thể nầy mà tất cả đều lo cho nó, vì nó mà tìm nhà ở, vì nó mà tìm quần áo, vì nó mà tìm đồ ăn uống. Ăn, mặc, ở, ba vấn đề nầy nhất định phải đầy đủ, không thể thiếu một. Nếu không đầy đủ, thì cảm thấy có bệnh lo lắng sầu muộn, vì có thân ta mà có đại hoạn. Nếu chẳng có thân ta thì chẳng có cái ta. Ðến được cảnh giới không có cái ta, thì ta còn lo sầu gì nữa?

Sự giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, trên thế gian nầy đều vì có thân nầy. Nếu nhìn thấu thân nầy, chẳng vì thân thể trừ tham, dứt sân, diệt si, thì chẳng có lo sầu hoạn nạn. Nếu chẳng có tâm ích kỷ thì thân thể cũng chẳng tích lũy nghiệp xấu. Nếu tu đạo, mượn giả tu chân, tức là mượn thân thể giả tạm nầy để tu pháp thân huệ mạng mà thành tựu Phật quả. Nếu chẳng mượn giả tu chân, thì Phật quả chẳng thể thành tựu. Cho nên Phật tùy thời, tuổi thọ, thân của chúng sinh mà giáo hóa.” 

Cách đối trị Ngũ Dục

Trong niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm thảo riêng một chương để dạy người về cách đối trị tham đắm ngũ dục. Ngài dạy: “Các phiền não về tham không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Từ cội gốc tham, sanh ra các chi tiết xấu khác như: Bỏn sẻn, ganh ghét, lường gạt giả dối… gọi là Tùy phiền não.

Ngũ dục, chỉ cho năm món nhiễm gồm: Sắc dục, tiền của, quyền danh, ăn mặc, ngủ nghỉ. Lục trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trong lục trần đã thâu nhiếp ngũ dục, nhưng sở dĩ lập riêng danh từ ngũ dục, là muốn nêu ra năm món nhiễm nặng của chúng sanh trong cảnh lục trần.

Lục trần nói với tánh cách bao quát, ngũ dục với tánh cách đặc biệt. Nơi đây nói thêm lục trần là để chỉ cho các thứ nhiễm khác mà trong ngũ dục không có như: Thích âm nhạc ca hát, mê tiểu thuyết nhãm nhí v.v… Khi tâm tham nhiễm ngũ dục lục trần khởi động, cách đối trị tổng quát, là nên quán sát thuần thục bốn lý: Bất Tịnh, Khổ, Vô Thường, Vô Ngã.

Cách đối trị ngũ dục: 1. Quán Bất Tịnh

“Bất Tịnh” là chỉ cho thân không sạch, tâm không sạch, và cảnh không sạch. Thân không sạch, là phải quán xét thân ta và người bên ngoài nhờ có lớp da che giấu, bên trong chỉ toàn những thứ hôi tanh nhơ nhớp như: thịt, xương, máu, mủ, đờm, dãi, phẩn, nước tiểu v.v… Đã thế mà các thứ nhơ nhớp bên trong còn bài tiết ra cửu khiếu bên ngoài. Suy xét kỹ, sắc thân của chúng sanh không có chi đáng ưa thích.

Tâm không sạch, là khi tâm sanh tham nhiễm tất nó đã thành xấu xa nhơ bợn, chẳng khác chi hồ nước trong bị cáu bùn làm bẩn đục. Hồ nước đục không thể soi bóng sắc cây núi trời mây, tâm nhơ bợn mất hết thần thông trí huệ. Nên nhớ câu:

Biết tu hành chớ phí uổng công.

Tâm bình tịnh thần thông trí huệ!”

Người đã phát nguyện bước lên đường tu, phải lập chí lần lần dứt trừ tâm phiền não nhiễm dục từ thô đến tế. Cảnh không sạch, là cảnh giới cõi ngũ trược này dẫy đầy bùn đất, đá sỏi, chông gai, lại dung chứa vô số chúng sanh từ thân đến tâm đều nhơ bợn. Cho nên cảnh Uế Độ này không có chi đáng say mê tham luyến.

Cách đối trị ngũ dục: 2. Quán sát về Khổ

“Khổ” là chỉ cho thân khổ, tâm khổ và cảnh khổ. Thân khổ, là thân này đã nhơ nhớp, lại bị sự sanh già bịnh chết, nóng lạnh, đói khát, vất vả cực nhọc chi phối, làm cho khổ sở không được tự tại an vui. Tâm khổ, là khi tâm ta khởi phiền não, tất bị lửa phiền não thiêu đốt, giây phiền não trói buộc, roi phiền não đánh đuổi sai khiến, khói bụi phiền não làm tăm tối nhiễm ô.

Cho nên người nào khởi phiền não tất kẻ đó thiếu trí huệ, vì tự làm khổ mình trước nhứt. Cảnh khổ, là cảnh này nắng lửa mưa dầu, chúng sanh vất vả trong cuộc mưu sinh, mỗi ngày ta thấy trước mắt diễn đầy những hiện trạng nhọc nhằn bi thảm.

Cách đối trị ngũ dục: 3. Quán Vô thường

“Vô Thường” là thân vô thường, tâm vô thường và cảnh vô thường. Thân vô thường là thân này mau tàn tạ, dễ suy già rồi kết cuộc sẽ phải đi đến cái chết. Người xưa đã than:

Nhớ thuở còn thơ dong ngựa trúc.

Thoát trông nay tóc điểm màu sương.”

Mưu lược dõng mãnh như Văn Chủng, Ngũ Tữ Tư; sắc đẹp dễ say người như Tây Thi, Trịnh Đán, kết cuộc:

Hồng nhan già xấu, anh hùng mất.

Đôi mắt thư sinh cũng mỏi buồn.”

Tâm vô thường, là tâm niệm chúng sanh thay đổi luôn luôn, khi thương giận, lúc vui buồn. Những niệm ấy xét ra huyễn hư như bọt nước. Cảnh vô thường, là chẳng những hoàn cảnh xung quanh ta hằng đổi thay biến chuyển, mà sự vui cũng vô thường. Món ăn dù ngon, qua cổ họng rồi thành không; cuộc sum họp dù đầm ấm, kết cuộc cũng phải chia tan; buổi hát vui rồi sẽ vãng; quyển sách hay, lần lượt cũng đến trang cuối cùng.

Cách đối trị ngũ dục: Quán Vô Ngã

“Vô Ngã” nghĩa là không có ta, không tự thể, tự chủ. Điều này cũng gồm có thân vô ngã, tâm vô ngã và cảnh vô ngã. Thân vô ngã là thân này hư huyễn không tự chủ, ta chẳng thể làm cho nó trẻ mãi, không già chết. Dù cho bậc thiên tiên cũng chỉ lưu trụ được sắc thân trong một thời hạn nào thôi.

Tâm vô ngã, chỉ cho tâm hư vọng của chúng sanh không có tự thể; như tâm tham nhiễm, niệm buồn giận thương vui thoạt đến rồi tan, không có chi là chân thật. Cảnh vô ngã là cảnh giới xung quanh ta như huyễn mộng, nó không tự chủ được, và bị sự sanh diệt chi phối. Đô thị đổi ra gò hoang, ruộng dâu hóa thành biển cả, vạn vật luôn luôn biến chuyển trong từng giây phút, cảnh này ẩn mất, cảnh khác hiện lên.

*

Khi quán xét từ thân tâm đến cảnh giới đều bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, hành giả sẽ dứt trừ được tâm tham nhiễm. Bởi chúng sanh thiếu mất trí huệ, thường sống trong sự điên đảo, không sạch cho là sạch, khổ cho là vui, vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, rồi sanh ra mê say đắm nhiễm, nên đức Phật dạy phải dùng bốn pháp này để quán phá bốn sự điên đảo đó.

Chẳng hạn như phẩn uế, ta cho là thối tha nhơ nhớp, nhưng loài chó lợn vì nghiệp mê nhiễm, thấy là thơm sạch ngon, nên đua nhau tranh giành. Sự dục nhiễm ở nhơn gian, loài người cho là vui sạch đáng ưa thích, nhưng chư thiên cho là hôi tanh nhơ nhớp, chẳng khác chi ta thấy loài chó lợn ăn đồ ô uế. Sự dục nhiễm của chúng sanh rất si mê điên đảo đại khái là như thế, nên người tu phải cố gắng lần lượt phá trừ.

Cách đối trị tham đắm Ngũ Dục ở mức Vi Tế

Như trên đã lược nói qua sự tham ngũ dục thô phù dễ thấy. Ngoài ra còn mối tham nhiễm ẩn sâu vi tế, mà người tu cần phải lưu tâm. Chẳng hạn như số tiền trăm vạn không làm cho tham, nhưng số bạc triệu tỷ có thể khiến phải động tâm; Sắc đẹp tầm thường dễ dàng lướt qua, song giai nhân tuyệt mỹ có năng lực giục người mê lụy. Cho đến các vị tu mà còn đắm ưa chuỗi tốt, tượng đẹp; Hoặc mong gặp cảnh giới lành, cũng thuộc về tâm tham nhiễm.

Phải nên xem đó là những phương tiện, hoặc cảnh nhân duyên như huyễn, chớ sanh lòng tham trước. Để phân tích tâm trạng này, xin đưa ra ba câu chuyện với tánh cách hiểu dụ từ cạn đến sâu:

Tham đắm Ngũ dục mức tế

Thuở xưa bên Trung Hoa có một vị quan nổi tiếng là thanh liêm, ai đưa vàng bạc lo lót, cũng đều nghiêm trách không nhận. Nhưng độ nọ, một nhà hào phú vì muốn nhờ giải quyết việc riêng có tánh cách đặc biệt, nên hối lộ đến mười vạn quan tiền. Vị quan liền thâu nhận.

Sau đó người bạn hỏi duyên cớ, ông đáp: “Số tiền mười vạn có thể thông cảm với thần minh”. (Tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần). Vị quan trên chỉ có thể thanh liêm được với số tiền nhỏ, nhưng không thanh liêm nổi với số tiền quá lớn. Đây là lòng tham nhiễm ẩn sâu.

Tham đắm Ngũ dục mức Vi tế: 1.

Lại câu chuyện đời Minh. Một hôm Liên Trì đại sư ngồi nói chuyện với khách tăng. Ông khách than: “Người tu đời nay hầu hết đều đắm nhiễm về danh lợi. ”

Đại sư nói: “Tôi thấy Ngài là bậc thanh khiết, vì từ trước đến nay đã chối bỏ hết danh lợi người ta đem đến cho mình.”

Khách tăng nghe xong gương mặt thoáng lộ nét hoan hỉ. Vị tăng này tuy không thích những danh vọng thông thường, nhưng còn ưa được tiếng thanh cao tuyệt tục. Đây là tâm tham nhiễm thâm trầm vi tế.

Tham đắm Ngũ dục mức Vi tế: 2.

Thêm một chuyện trong thiền môn. Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng: “Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: “Lúc này như thế nào? Sư trả lời ra sao, con vào đây thuật lại cho mẹ rõ.”

Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi. Sư đáp: “Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.”

Với câu này, ý sư muốn bảo: “Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có.”

Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo: “Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!”

Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am. Thật ra, tu đến trình độ của sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát. Hành động đốt am là muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh. Còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không của thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ.

*

Để phân tích thêm cho rõ, thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý tây lai; Nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là “Phá Bản Tham”. Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng. Cổ đức bảo:

Chớ gọi vô tâm nguyên thật đạo.

Vô tâm còn cách một trùng quan!”

Chính là ý này. Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.

Người niệm Phật cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn. Dù tu đến cảnh giới nhứt tâm, thấy hoa sen báu, các tướng tốt; Hoặc chư Phật Bồ Tát hiện thân…Nên biết đó chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành. Cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: “Như thật bất không” của tạng tâm.”

(Ngũ dục là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tinh tấn là gì

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog