GNO – Tôi có tham gia một khóa thiền 10 ngày. Trong thời gian ngồi thiền, có lúc tôi cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở. Có lúc tôi thấy cơ thể mình có hiện tượng lắc lư nhẹ theo hướng ngả về trước hoặc sau. Xin hỏi, các hiện tượng đó xảy ra trong lúc ngồi thiền có bình thường không? Tôi có nghe rằng, một số người ngồi thiền rồi không may bị vong nhập. Điều đó có đúng không? Nếu có thì cách nào để phòng tránh?
(NGỌC HÂN,……… @gmail.com)
Bạn Ngọc Hân thân mến!
Tu thiền Phật giáo dù có nhiều đề mục (Chỉ, Quán) khác nhau nhưng hầu hết đều bắt đầu với đề mục niệm hơi thở. Niệm hơi thở căn bản có hai, Sổ tức và Tùy tức. Sổ tức là đếm hơi thở, hơi thở vào-ra (đếm một), tuần tự đếm cho đến mười. Nếu giữa chừng lỡ quên thì quay lại đếm một và duy trì đến mười, cứ liên tục như thế cho đến hết thời thiền. Thường sau một thời gian tu Sổ tức, tâm có phần an tịnh dễ điều phục hơn thì chuyển qua Tùy tức. Tùy tức là chú tâm theo dõi hơi thở vào-ra, rõ biết hơi thở vào-ra-dài-ngắn của mình. Nếu mất dấu hơi thở thì chú tâm theo dõi lại như lúc bắt đầu.
Khá nhiều người lúc mới tu Tùy tức, chú tâm theo dõi hơi thở vào-ra, nhận lầm việc theo dõi thành điều khiển hơi thở. Hành giả cần hết sức chú ý là chỉ theo dõi hơi thở thôi chứ không điều khiển. Nếu điều khiển hơi thở thì ‘cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở’. Mặt khác, dáng ngồi quá căng thẳng, hơi ngửa ra sau cũng tạo nên ‘khó thở’. Thế nên trong lúc ngồi thiền, ngồi thẳng mà thư giãn, hơi thở vào-ra-dài-ngắn thế nào thì biết rõ như thế nấy mà thôi. Hành giả chỉ nhận diện, theo dõi hơi thở đúng như nó đang là mà không thêm thắt bất cứ điều gì khác.
Lúc ngồi thiền hành giả thấy cơ thể mình lắc lư nhè nhẹ ra trước hoặc sau đó là biểu hiện của trạng thái hôn trầm, thụy miên. Dã dượi, dật dờ, mê mờ, buồn ngủ, thậm chí ngủ gật hay ngủ say là những tình huống rất thường xảy ra khi ngồi thiền. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, ngồi không thẳng, ăn no, áo quần quá chật, phòng thiền thiếu dưỡng khí, mất chánh niệm với hơi thở. Khi phát hiện ra trạng thái hôn trầm, hành giả sửa lại tư thế ngồi với lưng và cổ thẳng, mắt cần hé mở thêm một tí, tỉnh giác cao độ, chú tâm vào hơi thở vào-ra. Nếu không cải thiện được tình hình, hành giả có thể đi rửa mặt với nước lạnh, chuyển qua thiền hành một lát rồi trở lại thiền tọa. Nói chung, các biểu hiện như ‘thở nặng, khó thở, thân lắc lư’ là chuyện rất thường xảy ra trong lúc ngồi thiền. Quan trọng là thường xuyên rõ biết các trạng huống của thân tâm để điều phục, trở về với chánh niệm hiện tiền.
Về hiện tượng ‘một số người ngồi thiền rồi không may bị vong nhập’, nôm na là có biểu hiện tâm lý bất thường, đoan chắc những người này đã và đang tự ý hành thiền, hoặc có thầy hướng dẫn hành thiền mà sai với Chánh pháp nên rơi vào các loại thiền ‘bệnh’. Tọa thiền đúng như Đức Phật dạy, tiêu biểu như thiền Tứ niệm xứ (niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp), Chỉ Quán đầy đủ, chánh niệm thêm vững vàng, hành giả thân ngày càng khỏe mạnh, tâm ngày càng an tịnh và sáng suốt, giới định tuệ thêm tăng trưởng, bi và trí đều thăng hoa. Nói chung, hành thiền đúng Chánh pháp của Thế Tôn sẽ mang đến vô vàn lợi ích cho thân tâm, cho cuộc sống và các tương tác xã hội khác; phúc duyên sâu dày mới gặp được.
Vì thế, để hành thiền đúng Chánh pháp, phòng tránh các loại thiền ‘bệnh’, tốt nhất là nên học thiền tại các trung tâm thiền Phật giáo uy tín, có các thiền sư, các vị giáo thọ nhiều kinh nghiệm hướng dẫn. Trong quá trình hành thiền, nên mạnh dạn tham gia ‘trình pháp’ để được vị thầy giải nghi và hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hành giả cần tìm đọc thêm kinh sách để tin hiểu về pháp môn Thiền của Đức Phật Thích Ca sâu sắc hơn. Một khi đã tin hiểu và ứng dụng hành thiền tích cực, nói cách khác pháp Học và pháp Hành đều vững vàng, có các bậc thầy và thiện hữu tri thức hỗ trợ thì sự tu tập ngày càng thăng tiến, thân tâm đều an lạc.
Chúc bạn tinh tấn!