Ngồi Kiết Già có lợi ích như thế nào
Pháp Giới 11 tháng trước

Ngồi Kiết Già có lợi ích như thế nào

“Ngồi kiết già trợ giúp rất nhiều cho việc tu đạo, không khiến cho người hôn trầm ngủ gục, mà dễ sinh ra định lực, có định thì tự nhiên sẽ phát huệ. Ai ngồi thẳng ngay ngắn được, thì giới thể vốn có sẽ hiện tiền, tất cả Thiên Long bát bộ đều đến ủng hộ, còn yêu ma quỷ quái tự nhiên sẽ xa lánh. Cho nên ngồi kiết già là một pháp ngồi tu đạo viên mãn nhất. – Hòa Thượng Tuyên Hóa”

  • Tự lực niệm Phật và tha lực niệm Phật
  • Âm đức là gì.
  • Thiền Tông là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách tụng kinh cho người mới mất.
  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
Ngồi Kiết Già có lợi ích như thế nào
Ngồi Kiết già có lợi ích như thế nào

Ngồi Kiết Già

Hòa Thượng Trí Tịnh dạy: Khi dụng công tu tập cần giữ thân cho được ngay thẳng và vững vàng. Nghĩa là làm thế nào mà khi quên nó, không nghiêng ngã hay lay động. Muốn được như vậy, chỉ có cách duy nhất là ngồi, vì đi, đứng hay nằm không thể đạt được mục đích vừa nói trên. Chỉ có cách rút chân xếp bằng lại, là giúp cho chúng ta ngồi ngay thẳng và vững vàng mà thôi. Có ba cách ngồi:

  1. Ngồi Kiết già còn gọi là Toàn hay Kim Cang tọa: Đó là cách ngồi gác bàn chân trái lên đùi bên mặt, gác bàn chân mặt lên đùi bên trái, gót hai bàn chân đều phải sát vào bụng. 
  2. Ngồi Bán già theo lối Hàng ma tọa: Gác bàn chân mặt lên đùi bên trái (như ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát).
  3. Ngồi Bán già theo lối Kiết tường tọa: Gác bàn chân trái lên đùi bên mặt (như ngài Phổ Hiền Bồ tát).

Trong ba cách ngồi, khi ngồi phải tập cho đầu gối đồng sát xuống chiếu như nhau, hai mông cùng chịu đều như nhau thì mạch máu không bị cấn, chân không bị tê, cũng không nên dùng nệm quá dày.

Một điều nên để ý, là thường lúc ban sơ, khi vừa ngồi kiết già hay nghe một chân nặng một chân nhẹ. Để sửa chữa khuyết điểm đó, chỉ có một cách là dùng hai tay chống xuống chỗ ngồi để nâng toàn thể thân lên và hạ bên chân hay mông nhẹ xuống trước, bên nặng xuống sau, đôi ba lần thì hai chân hoặc hai mông sẽ đều, không còn cảm tưởng nặng nhẹ nữa.

Cách Ngồi Kiết Già

Cách ngồi kiết già như sau:

Chân: Dùng chân bên trái gác lên đùi bên phải, sau đó gác bàn chân phải lên đùi bên trái. Nhớ rằng gót của hai bàn chân đều phải sát vào bụng. 

Tay: Hai bàn tay để ngửa, bàn tay mặt đặt lên trên bàn tay trái, vừa sát bụng và để nhẹ trên hai bàn chân, hai đầu ngón tay cái đâu lại (Tam muội ấn). Phương pháp để bàn tay như vậy, theo cổ đức nói, làm cho điện lực trong thân lưu thông đều đặn, không biến thoát ra ngoài, giúp cho tâm dễ an ổn.

Lưng: Tay chân đều đâu vào đó rồi, phải lay chuyển thân thể độ ba, bốn lần cho được ung dung và phải giữ xương sống ngay thẳng, chẳng khác nào một cây cột đối với cái nhà. Nếu cột xiêu thì nhà đổ vậy. Đầu, cổ: Đầu và cổ cũng phải giữ cho ngay, nhưng không được ngước thẳng quá.

Mắt: Mắt hơi nhắm lại, để chỉ còn thấy tướng trắng hay sáng sáng bên ngoài thôi, đừng mở hẳn sẽ tán loạn; mà cũng đừng nhắm hẳn sẽ bị hôn trầm.

Miệng: Miệng phải ngậm lại, chót lưỡi để trên chân răng hàm trên, răng phải để cho thong thả, đừng cắn cứng lại, nhờ đó hơi thở sẽ nhẹ nhàng.

Ngồi Kiết Già: Điều hòa hơi thở

Khi thân đã nghiêm chỉnh rồi, bấy giờ hành giả mới bắt đầu thở ra nhẹ nhàng nhưng cho dài, tâm nghĩ tất cả ô trược trong thân đều tựa theo không khí mà ra ngoài hết. Đến khi hít vô cũng phải nhẹ nhàng và cho dài, nghĩ bao nhiêu điều thanh tịnh bên ngoài đều vào trong hết. Làm như vậy được hai ba lần hay đến năm bảy lần nếu cần, cho trong thân được khoan khoái. Sau đó phải giữ hơi thở nhẹ nhàng thong thả, suông êm, dài ngắn cho quân bình.

Nên để ý, khi điều hòa hơi thở, hành giả thường gặp hai lỗi sau:

  1. Phong tướng: Tức là hơi thở ra hít vào, nghe có tiếng gió, do vì hơi thở quá mạnh.
  2. Suyễn tướng: Tức là tuy thở ra vào không nghe tiếng nhưng lại gấp rút hoặc rít sáp không thông. Nếu khi ngồi tĩnh tọa mà thấy hai tướng trên đây, đó là triệu chứng tâm không được an định. Nếu khéo điều nhiếp, dùng sổ tức thở ra hít vào thong thả, ít lâu sẽ thuần thục, tự nhiên hơi thở sẽ điều hòa, huyết mạch được lưu thông, trong người sẽ được ung dung khoan khoái. Thế nên, điều hòa hơi thở là một công phu hệ trọng đối với phép tĩnh tọ

Công đức của Ngồi Kiết Già

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: Công đức ngồi kiết già hay sinh giới lực, định lực và huệ lực, đầy đủ ba lực. Hết thảy Thần Kim Cang hộ pháp đều đến bảo hộ bạn, tất cả thiên ma biết đều lìa xa bạn. Hết thảy ác ma hướng về bạn mà đảnh lễ. Nay chúng ta hãy nghe nói về công đức của tư thế ngồi kiết già.

Công đức Ngồi Kiết Già: Quỷ Bức Thiền Sư

Có một vị tăng bị thúc ép buộc phải tụng kinh và sám hối, có nghĩa là vị tăng này thường phải nhận lời tụng kinh sám hối khi gia đình có người chết đến chùa thỉnh cầu để giúp cho người chết vượt qua biển khổ. Chư tăng ở Trung Hoa thường thích gọi những người này là “tang-tang-pi”, xuất phát từ âm thanh của một loại pháp khí.

Lý do của sự mời thỉnh tụng kinh này, dĩ nhiên là gia chủ sẽ phải trả một số tiền sau mỗi lần tụng kinh. Chẳng hạn mức giá hiện thời ở Hồng Kông cho một ngày tụng kinh ít nhất là một trăm đô-la Hồng Kông và dù muốn thỉnh một vị tăng cũng rất khó kiếm.

Các vị tăng thích xoay xở tụng kinh như thế thực sự phải luân phiên đến nhiều nơi trong ngày, vì số người chết quá đông nên chư tăng thường được mời đảm nhiệm những buổi lễ cầu nguyện cho người chết.

Không đơn giản như ở nước Mỹ, chỉ cần một vị linh mục hoặc một vị mục sư cử hành lễ tang và chỉ như thế là đủ. Ở Hồng Kông, họ muốn thỉnh cho được năm hoặc bảy hoặc mười hoặc bốn mươi, năm mươi vị tăng đến nhà để tụng kinh cầu siêu cho người chết. Vậy mà, hôm đó có một vị tăng thuộc dạng này trở về chùa sau một ngày tụng kinh cầu nguyện cho người chết. Khi đi qua một ngôi nhà, con chó trong sân sủa vang.

*

Ông nghe tiếng người vợ từ trong nhà nói với người chồng vọng ra: Ông ra xem thử ai?”

Vị tăng thấy người chồng nhìn qua bức màn rồi đáp: “Ồ! Chỉ là con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.”

Vị tăng đã qua, nhưng lời nói ấy cứ vang mãi trong tai ông. Tại sao người ấy gọi vị tăng là “con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.” Tại sao ông ta không gọi là “Đức Phật chuyên xoay xở tụng kinh đám”? Khi vị tăng tiếp tục trên đường về chùa thì bất chợt trời mưa ông ta phải núp mưa dưới một cây cầu.

Vị tăng suy nghĩ: “Ta nên ngồi thiền.”

Rồi ông ta ngồi thiền theo tư thế kiết già. Sau khi ngồi một lúc, có hai con quỷ đi tới. Khi nó đến nơi vị tăng đang ngồi thiền thì bọn quỷ đột nhiên dừng lại. Một con quỷ nói với con kia: “Có một ngôi chùa vàng ở đây. Nhanh lên! Hãy đảnh lễ đi! Có xá-lợi của Đức Phật ở trong ngôi chùa vàng. Nếu chúng ta đảnh lễ xá-lợi Phật, nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu trừ.”

Thế là hai con quỷ bắt đầu đảnh lễ, sau khi chúng nó đảnh lễ hồi lâu thì cái chân của vị tăng được gọi là “con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám” bắt đầu bị đau.

*

Để có thể ngồi thoải mái hơn, vị tăng chuyển thế ngồi kiết già thành thế ngồi bán già, đó là tư thế chân trái nằm trên bắp đùi phải. Lần này hai con quỷ đến đảnh lễ, nó thấy có chuyện lạ.

“Nè”!

Một con quỷ nói: “Ngôi chùa vàng kia vừa chuyển thành ngôi chùa bạc. Mày có nhận ra không?”

“Thì sao nào?”, con quỷ kia đáp lại, “Chùa bằng bạc vẫn quý rồi, chúng ta nên đảnh lễ đi!”

Rồi cả hai con quỷ đồng đảnh lễ, nó đảnh lễ một giờ rưỡi hoặc một giờ hay chỉ 20 phút, chẳng có đồng hồ nên không thể nào biết được. Dù vậy, cho đến khi chân của vị tăng lại bị đau và ông ta uể oải duỗi ra nghỉ, giống như khi quý vị từng làm mỗi khi ngồi thiền mệt mỏi. Vị tăng suy nghĩ: “Ta nên nằm nghỉ chốc lát.” Nhưng ngay lúc đó, hai con quỷ thoáng thấy ngôi chùa mình đang lạy biến thành một vũng bùn.

Một con quỷ kêu lên: “Nè! Coi kìa, nhanh lên! Hãy đánh nó đi!” Nhận thấy hai con quỷ sắp đánh mình, vị tăng sững người vì sợ hãi. Ông ta nhẹ nhàng trở lại ngồi gọn gàng trong tư thế kiết già.

*

Vừa đúng lúc hai con quỷ đồng thanh la lên: “Ồ! Thật đúng là xá-lợi của Đức Phật ở trong đó. Thật là trò biến hóa như yêu quỷ. Phút trước đó là ngôi chùa vàng, phút sau là chùa bạc, rồi trở thành vũng bùn. Chúng ta tốt hơn chỉ nên đảnh lễ bất luận chuyện gì xảy ra.” Rồi chúng lạy không nghỉ cho đến khi trời sáng.

Sự kiện này có một ảnh hưởng tác động đến vị tăng – “Con ma chuyên xoay xở tụng kinh đám.” Ông ta ngồi suy nghĩ: “Nếu ta ngồi trong tư thế kiết già thì đó là ngôi chùa bằng vàng. Nếu ta ngồi với tư thế bán già thì đó là ngôi chùa bằng bạc. Còn nếu ta không ngồi với hai tư thế ấy thì chẳng có gì khác ngoài một vũng bùn. Tốt hơn là nên bắt đầu tu tập, không nên xoay xở tụng kinh đám nữa.”

Rồi ông ta vùi mình trong đề tài ấy ngay và công phu tham cứu rất nghiêm mật. Sau một thời gian, ông được ngộ đạo, được tặng danh hiệu “Quỷ Bức Thiền Sư.” Vì nếu vị ấy không bị hai con quỷ dọa đánh, vị ấy chắc hẳn sẽ còn trì hoãn công phu và sẽ không bao giờ thành công trong việc tu tập.

Công đức Ngồi kiết già: Đạo sĩ luyện Ngồi kiết già

Khi tôi ở tại Ðông Bắc bên Tàu, có vị ngoại đạo tên là Quan Trung Hỉ. Lúc đó, anh ta có hơn ba ngàn đệ tử theo anh ta học đạo. Học đạo gì ? Chỉ cần dùng tiền mua bảo bối của anh ta, khi đến lúc gặp đại nạn thì có thể chuyển hung hóa cát.

Mọi người đều tin anh ta chẳng hoài nghi gì cả, ngoại đạo có thứ pháp thuật gạt người như thế. Kỳ thật, anh ta chẳng có bảo bối gì hết, chỉ là trò chơi đùa, song những kẻ ngu tin cho là thật, rất sùng bái anh ta. Anh ta nói với đệ tử: ‘’Bây giờ thời cơ chưa đến, không thể đem bảo bối đưa cho các con, đến khi nào thế giới đại loạn, thì mới đưa bảo bối cho các con sử dụng, có thể sẽ không chết, qua khỏi tai nạn‘’.

Về sau, anh ta cảm thấy thời kỳ chết sắp đến, không thể gạt người được nữa, bèn dẫn người cháu bỏ đi tìm thầy học đạo. Trải qua ba năm cũng chẳng tìm được thiện tri thức, cũng chẳng học được chân đạo. Do đó, hằng ngày lo buồn rũ rượi, chẳng biết thế nào là tốt.

*

Một ngày nọ, tôi đến nhà của anh ta (lúc đó tôi còn là Sa di). Người cháu khi nhìn thấy tôi, thì bèn nói với anh ta rằng: Thúc thúc! Vị Hoà thượng nầy, con đã gặp qua ở trong mộng. Vị nầy lột da heo ở trên thân của con xuống, làm cho con sợ mà tỉnh dậy. Nguyên lai là một giấc mộng‘’. Anh ta nói với người cháu: ‘’Vị đó là người có đức hạnh. Hôm nay đạo đã vào cửa, chúng ta không thể bỏ qua‘’. Do đó, chú cháu hai người thương lượng rồi lập tức quỳ xuống trước mặt tôi cầu đạo.

Lúc đó, tôi nói với họ: ‘’Tôi chẳng có đạo để truyền cho các vị. Nếu các vị thật tâm cầu đạo, thì tôi giới thiệu vị thiện tri thức và tôi đưa các vị đi‘’.

Trải qua hai năm, đi học hỏi mấy vị thiện tri thức đều chẳng lý tưởng. Do đó, hai người trở về lạy tôi làm thầy. Tôi thấy họ thành tâm mà cảm động, đáp ứng truyền thọ tư thế ngồi kiết già, song chẳng nhận làm đệ tử.

*

Lúc đó tôi còn là Sa Di nên không muốn thâu đệ tử. Nhưng hai chú cháu Quan Trung Hỉ đã quỳ trước mặt tôi không chịu đứng dậy. Tôi nói: “Tôi không có đạo. Tôi chỉ có thể dạy cho hai người một phương pháp tu hành là ngồi kiết già. Trước hết hai người thử xem, coi mình có thể ngồi kiết già không? Và hai vị luyện cho tới khi nào ngồi mà chân không còn đau nữa thì tôi sẽ dạy tiếp.”

Xong, tôi dạy hai chú cháu cách ngồi kiết già. Người cháu ngồi được, còn người chú vì lớn tuổi, đầu gối lại là một đốt xương lớn, nên lúc ngồi kiết già, hai đầu gối ông nhổng cao cách mặt kháng đến cả nửa thước ta. Tôi dạy họ luyện tập cách ngồi này rồi bèn ra về.

Đợi đến hơn 70 ngày sau, tôi lại đến nhà Quan Trung Hỉ. Đầu gối của ông vốn rất lớn, nay lại bị sưng vù lên gấp hai, gấp ba lần. Vì thế nên ông không thể bước đi được.

Tôi nói: “Ông sao vậy? Nay ông có còn ngồi kiết già nữa không?”

Ông ta đáp: “Thưa có! Tôi luyện ngồi kiết già, luyện đến nỗi đầu gối sưng lớn như vậy. Hiện không đi được, cũng không bước qua được cả vết bánh xe. (Ở phương Bắc lúc xe sắt chạy, bánh xe vạch ở dưới đất một vết rộng khoảng hai tấc.) Ngay cả ngạch cửa cũng không thể bước qua được!”

*

Trông thấy ông ta khó khăn đến thế, tôi liền nói : “Ông làm như vậy đau đớn quá đi. Thôi đừng luyện nữa, ông ngưng tập được rồi!”

Ông ta đáp: “Trừ khi tôi chết tôi mới không tập luyện. Nếu như tôi không chết, dù chân có sưng đến đâu, tôi cũng quyết luyện tập. Tu hành nếu không nhẫn chịu được sự đau khổ thì làm sao tu hành? Ngay cả luyện kiết già cũng luyện không được, như vậy tôi còn tu đạo gì nữa đây? Tôi nhất định phải luyện cho thành công!”

Tôi nói: “Hiện nay chân của ông bị sưng như vậy, ông chịu không nổi đâu.”

Ông nói: “Chịu không nổi, chịu không nổi, thì càng phải ráng chịu!”

Tôi nghe ông ấy nói cũng có chút khí khái! Tôi bèn nói: “Tôi mặc kệ ông, tùy ý ông, nếu ông không sợ chết, thì cứ luyện đi!”

Sau đó tôi đi về.

*

Qua một trăm ngày sau, tôi lại đến nhà ông. Lúc bấy giờ ông có thể đi được, đầu gối cũng không sưng nữa. Tôi lại hỏi: “Hiện nay phải chăng ông không còn luyện ngồi kiết già nữa?”

Ông ấy đáp: “Còn chứ! Sau khi Thầy đi, tôi tiếp tục ngồi kiết già, chân từ từ bớt sưng và cũng hết đau luôn. Hiện tôi có ngồi bao lâu đi nữa đầu gối cũng không đau, không sưng.”

Tôi nói: “Vậy thì tốt quá rồi!”

Kế đó tôi dạy ông ta phương pháp ngồi thiền. Ông ta rất đỗi vui mừng. Về sau, ông ta ở nhà mỗi ngày đều ngồi thiền tu hành.

Tu được 5 năm, ông ta biết trước được ngày giờ mình lâm chung, nên bảo với người nhà rằng: “Còn 3 tháng nữa, ngày tháng giờ đó, tôi muốn đi. Hiện tôi chỉ còn một điều duy nhất không xả được là không được gặp Sư Phụ. Nếu tôi gặp được Sư Phụ thì tôi vui mừng nhất, nhưng bây giờ tôi không biết Sư Phụ đang ở đâu? Tất cả các việc khác tôi đều buông xả hết cả rồi, chỉ có một việc này là tôi chưa mãn nguyện mà thôi!”

*

Đến ngày giờ đó, ông tự ngồi kiết già vãng sanh, mà cũng không có bịnh đau gì. Tối hôm đó, ở trong thôn có rất nhiều người nằm mơ thấy có hai vị Đồng Tử mặc áo xanh, tiếp dẫn ông vãng sanh Tây phương. Đây là chuyện mà sau này vợ ông ta kể lại cho tôi nghe.

Tuy ông là một ngoại đạo, nhưng biết tìm cầu chánh pháp. Ông đã không sợ khổ, cũng chẳng sợ đau; thà chết cũng phải tu hành, phải luyện ngồi kiết già cho bằng được. Kết quả là ông đã được thành công. Nếu như lúc chân ông bị sưng, ông không luyện tập nữa, thì tin rằng ông sẽ không có thành tựu này.

Cho nên chúng ta tu đạo phải nhẫn sự đau khổ, mới luôn được sự khoái lạc vô cùng. Nếu các vị không nhẫn sự đau khổ tạm thời, các vị sẽ không được sự an vui vĩnh cửu. Quan Trung Hỉ là tấm gương cho chúng ta noi theo. Nếu chúng ta chân chánh muốn được định, được trí huệ, thì nhất định phải hy sinh cái đau đớn nhất thời. Có vậy mới được thành tựu và khoái lạc vĩnh viễn.

( Ngồi Kiết già có lợi ích như thế nào – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Đại Sư Liên Trì – Liên Tông Bát Tổ

286 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog