Nghiệp Chướng là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Nghiệp Chướng là gì

Nghiệp chướng là gì? Nghiệp là quả bảo thiện ác được gây ra bởi thân khẩu ý, chướng nghĩa là ngăn che, cản trở. Như thế Nghiệp chướng nghĩa là sự cản trở, ngăn che bởi nghiệp lực, khiến chúng ta không nhận ra được chân tướng của sự vật và bị nó âm thầm dẫn dắt, khiến cuộc sống chẳng được an yên.

Trong các loại nghiệp thì sức tàn phá của nghiệp chướng là vô cùng nặng nề. Về mức độ, thì nghiệp chướng phần lớn mang hàm ý tiêu cực và nó chỉ kém định nghiệp một chút mà thôi.

  • Thập Thiện nghiệp là gì.
  • Đế Thích Thiên là ai.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
  • Cách cắt duyên âm tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
Nghiệp chướng là gì
Nghiệp chướng là gì
*

Như câu chuyện tai nạn tàu hỏa ở Tứ Hiệp, Hà Nội là một ví dụ điển hình: Một buổi trưa cách đây hơn 10 năm xảy ra một vụ tai nạn tàu hỏa, khiến nạn nhân là một thanh niên khoảng 35 tuổi mất mạng. Điều lạ lùng trong vụ tai nạn này là: Tiếng còi tầu từng tràng dài rất to, người xung quanh hốt hoảng đưa tay ra hiệu, nhưng thanh niên này không hay biết gì. Anh vẫn đi qua đường tàu để rồi mất mạng.

Một vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra ở một tỉnh miền trung mấy năm về trước cũng tương tự như thế. Vụ tai nạn chỉ chết có một người. Thế nhưng khi dừng tàu, người lái Tàu lại quả quyết với những người xung quanh rằng: Tàu vừa tông chết 3 người! Chính mắt anh nhìn thấy 3 người trên đường ray. Anh đã bấm còi liên tục nhưng họ dường như không nghe thấy!.

Trong hai vụ điển hình do sự ngăn che của nghiệp chướng ở trên: Trường hợp đầu là do nghiệp chướng ngăn nên nạn nhân không nghe, không thấy. Trường hợp sau là do nghiệp chướng đã đến lúc chín muồi nên bị 2 vong quỷ là oan gia trái chủ, một bịt tai, một bịt mắt mà gây nên.

Nghiệp chướng cờ bạc rượu chè

Người ham rượu chè cờ bạc thường đổ tại nghiệp chướng. Họ chẳng biết rằng thật ra chẳng có nghiệp chướng cờ bạc nào dẫn dắt họ nghiện ngập cả. Khoa học thường giải thích rằng: “Khi người nghiện cờ bạc hay rượu chè, trong não bộ sinh ra một loại hoạt chất giúp tăng hưng phấn”. Đại khái thì hoạt chất này gây nghiện và khiến người nghiện u mê.

Sự thật là như thế này: Tại những nơi cờ bạc, rượu chè, thường xuất hiện rất nhiều quỷ. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo đại ý: “Người nghiện ngập chết đi làm con quỷ nghiện ngập, xong kiếp quỷ đói khát trong muôn năm là đọa thẳng vào địa ngục…”

Người sống nghiện cờ bạc, chết đi làm con quỷ ham cờ bạc. Bởi tâm thức nó chứa đựng toàn chủng tử cờ bạc, ăn thua, nên phàm cứ có người đánh bạc là chiêu cảm loài này đến. Chúng đến làm gì? Chúng đến để thỏa mãn cảm giác ăn thua, say mê như lúc còn sống. Chúng ở cạnh những kẻ đánh bạc, tác động và xúi giục họ. Dù người chơi thắng hay thua thì cũng bị loài này và quyến thuộc của chúng đeo bám hàng ngày. Giống như quỷ hấp tinh, chúng đeo bám nạn nhân 24/24 và liên tục tác động, xúi giục, khiến họ lúc nào cũng muốn lao vào đỏ đen. Đây là lý do tại sao người nghiện cờ bạc không cách chi bỏ được!

*

Người sống nghiện rượu chè, chết đi làm con quỷ ham rượu chè. Bởi loài quỷ này ham mùi rượu nên chúng xuất hiện khắp các bàn nhậu. Người có Thiên nhãn nếu nhìn vào quán nhậu, tất không thể tính đếm số lượng của loài này. Chúng nó đến chỗ nhậu làm gì? Xin thưa: Bạn cầm ly uống, chúng ghé miệng sát miệng bạn. Bạn thở ra mùi bia rượu, thì trong vô hình, chúng kê mồm mũi sát mặt bạn để thưởng thức. Khi bạn nôn ra cũng có quyến thuộc của loài quỷ này tới thưởng thức bãi nôn…

Các tệ nạn nghiện ngập khác cũng đồng một nguyên nhân như thế. Cho nên thời mạt pháp này ma quỷ lộng hành là như vậy. Người nghiện ngập bị chúng trường kỳ đeo bám nên nhiễm âm khí nặng. Đến một lúc nào đó thì họ bị chúng ám nhập điều khiển. Đây là lý do tại sao nhiều kẻ nghiện rượu chè bài bạc thường gây ra những tội ác kinh thiên động địa.

Trong rất nhiều thảm án do rượu chè, cờ bạc…Người ta chỉ thấy bề nổi là người nghiện ngập ra ra, nhưng không, phần lớn do khổ chủ bị quỷ gá nhập gây ra đấy bạn ạ!

Nghiệp chướng nợ nần

Bài viết đáng nhẽ không nên lan man nhiều quá. Ngặt vì khi định viết chủ đề nghiệp chướng thì có bạn nhắn hỏi: Thế nào là nghiệp chướng nợ nần? Nay xin chép lại câu trả lời của Tuệ Tâm:

Tại sao cũng một một kiếp người mà người ta thảnh thơi vui sống, còn bạn thì đầu tắt mặt tối vẫn ngập trong nợ nần? Xin thưa rằng: Chẳng có điều gì trong cuộc sống này không nằm trong vòng nhân quả, luân hồi!

Kiếp trước bạn nợ người người ta nên kiếp này duyên gặp lại nhau thì phải đền trả. Nợ một xu trả một xu, nợ một hào trả một hào, như thế cho đến nợ mạng trả bằng mạng. Hễ còn thiếu nợ thì vẫn phải đền trả. Không thể khác được, cũng không cách chi trốn chạy hay quỵt nợ được.

*

Lại kiếp này thiếu trước hụt sau, sống trong nợ nần âu lo, phần lớn là bởi kiếp trước không biết bố thí mà ra. Chẳng cần nhìn ở đâu xa, bạn cứ nhìn thế gian này thì biết: Trong hơn 7 tỷ người trên thế gian, mấy người bỏ được chút tiền ra bố thí cho người nghèo? Bởi thời đại nào cũng có rất ít người có tâm biết bố thí cho người. Cho nên thế gian, người giàu thì ít mà kẻ nghèo lại vô lượng vô biên là như thế! Mà người nghèo trên thế gian này có ai chẳng nợ nần?

Rốt cuộc thì, nguyên nhân rốt ráo của nghiệp chướng nợ nần là do không biết bố thí đó thôi!

Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để chuyển hóa được nghiệp chướng nợ nần? Xin thưa với bạn, chỉ có một cách duy nhất: Sám hối với oan gia trái chủ và niệm Phật để sớm tiêu trừ chướng nghiệp! Chư Tổ thường dạy người:

Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng.

Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa.

Cách thoát nghèo, thoát khổ, đơn giản như thế, nhưng người ta bị chướng nghiệp ngăn che nên chẳng tin. Mà chẳng tin thì đến Phật cũng không cách chi giúp cho được!

Nghiệp Chướng do đâu mà có

Nghiệp thiện ác chúng ta đã gây ra trong vô thỉ kiếp đến nay là vô lượng vô biên. Sự vô lượng vô biên này được Kinh Hoa Nghiêm mô tả là: “Nếu chúng có hình tướng thì nghiệp lực của mỗi chúng sanh ngay cả hư không cũng không chứa đựng nổi.” Nay ta nhờ phước duyên được làm người, nhưng bị chướng nghiệp ngăn che nên suốt đời khổ hải mà chẳng tự biết. Nghiệp cũ chưa trả được chút nào, đã tạo ra vô biên nghiệp mới.

Nghiệp mới này tạo ra ở đâu? Xin thưa, từ nơi Thân khẩu, ý của chúng ta mà ra. Bởi vậy Kinh Địa Tạng bảo: “Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi, huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi.” Ngài lại dạy: “Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.

Bởi nghiệp chướng của chúng sanh nặng nề nên gần như cả cuộc đời chìm trong biển khổ, cực hiếm người hưởng được chút an vui. Người chẳng biết đến Phật pháp để chuyển hóa nghiệp lực thì chẳng nói làm chi: Suốt cuộc đời bị nó âm thầm chi phối mà nổi chìm trong biển khổ!

Phật tử sơ cơ nhiều người cũng chẳng tường tận sự hung hiểm của nghiệp chướng. Cho nên khi tu trì phát sinh nhiều chướng ngại, kế đó dần dần thối mất đạo tâm, để muôn kiếp trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Thật vô cùng đau xót!

Đại lược về chuyển hóa Nghiệp chướng

Các bậc tiền bối trong làng tu thường bảo: “Khi phát nguyện làm những công đức rộng lớn, hay tu hành, thường gặp nhiều chướng duyên khảo đảo thử thách.” Người xuất gia có bốn giai đoạn mà chướng duyên thường phát hiện là: Khi cạo tóc vào chùa, lúc thọ giới, khi học kinh điển nhứt là kinh Đại Thừa, và lúc gác bỏ mọi việc để tịnh tu.

Có nhiều vị đã gieo sẵn duyên lành, hoặc do sức cố gắng tinh tấn nên dễ dàng vượt qua ba giai đoạn trước, bước sang mức thứ tư. Nhưng đến khi tu hành tiến lên trình độ khá cao, tất khó tránh khỏi chướng duyên phát hiện. Như Hư Vân thượng nhơn, một cao tăng cận đại, trong khi tinh tấn dụng công tham thiền, nghiệp chướng bỗng phát hiện làm cho ngài bị đui, điếc và câm trong ba tuần nhựt.

Duyệt qua truyện cũ, bút giả nhớ một vị họ Tô, cất am riêng ở chỗ thanh vắng tham thiền, đem một người theo giúp việc. Ban sơ ông tập ngồi từ một, hai giờ rồi lần lần tăng tiến có thể ba ngày đêm ở luôn trong định. Một độ nọ, Tô cư sĩ thiền định luôn hai mươi mốt ngày không ăn uống. Người tùy cận thấy ông ngồi quá lâu, đến gần dò xem thì hơi thở ra vào đã tuyệt, không còn thoi thóp như mấy lần trước. Y không biết đó là trạng thái sâu mầu của thiền định, lầm tưởng cư sĩ đã chết, liền đem ông đi chôn sống luôn.

*

Lại có một vị tăng tu Tịnh Độ, niệm Phật mỗi ngày đêm đến mười muôn câu. Do công đức niệm Phật, chỗ đất của sư đi đều hóa ra sắc vàng ròng. Một hôm có người nạn dân đến xin tá túc. Sư nhìn người ấy rồi nói riêng với thị giả: “Gã này có tướng đạo tặc, ngươi nên cho y ăn no rồi hãy bảo ra khỏi nơi đây.” Ông đạo nhỏ vì lòng thương xót, thấy người kia nài nỉ mãi, lưu luyến chưa nở đuổi. Quả nhiên ít hôm sau, người ấy nửa đêm lén vào phòng sư, bẻ gảy chân tay giết ông chết, trộm một ít đồ trong am rồi bỏ đi luôn.

Hai trường hợp trên cổ đức bình luận cho là sức định nghiệp không thể tránh khỏi. Người tu có ba chướng là: Phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng, mà sức nghiệp chướng lại nặng nề nguy hiểm hơn hai thứ kia. Nhưng tại sao khi chưa tu thì chẳng có chi, đến lúc tu hành càng cao lại thường gặp nhiều chướng nạn?

Đó cũng bởi chúng ta là phàm phu thời mạt pháp, cố nhiên phần đông chướng duyên đều nặng. Nếu chúng ta nghiệp nhẹ, tất đã sanh vào thời tượng pháp hoặc chánh pháp rồi. Nhưng không phải do tu hành nên phát sanh chướng nạn, mà đó là sức chuyển nghiệp, chuyển quả báo nặng thành quả báo nhẹ, chuyển quả báo đời sau thành quả báo hiện tại.

Nghiệp chướng tiêu trừ dần

Giả sử ta có mười phần nghiệp chướng, do công đức tu nên tiêu trừ được bảy phần, còn phát hiện ra ba phần. Và đáng lẽ quả báo ấy đến sau mới trả, nhưng nhờ sức tu niệm, nên chỉ chịu quả nhẹ trong kiếp này để mau được giải thoát.

Như Giới Hiền luận sư tiền kiếp là một vị quốc vương đem binh đi đánh dẹp các nơi, tạo nghiệp sát quá nhiều, đáng lẽ đến đời này sau khi hưởng phước thừa rồi chết, sẽ phải bị đọa vào địa ngục. Nhưng nhờ luận sư chí tâm tu hành và hoằng dương Phật pháp, nên mỗi ngày ông bị một cơn bịnh trạng như có nhiều lưỡi gươm vô hình đâm chém trong thân. Như thế trải qua hai năm bịnh mới dứt. Do duyên đó mà luận sư tiêu được nghiệp địa ngục, sanh lên cõi Đâu Suất Đà Thiên.

Lại như ông Ngô Mao tiền nhân cũng tạo nghiệp sát, đáng lẽ phải đọa làm heo bảy kiếp cho người giết. Nhưng nhờ ông trường trai niệm Phật, nên khi thọ số mãn, bị giặc đâm bảy dao trả nghiệp xong một lần, rồi được vãng sanh về Cực Lạc. Nói tóm lại, lời tục gọi đó là trạng thái dồn nghiệp.

Tuy nhiên, không phải mỗi người tu đều bị trả quả. Có người càng tu càng có điểm tốt, càng được an thuận, không bị trở ngại chi. Đó là do vị ấy những kiếp về trước không tạo nghiệp chi quá nặng, hoặc đã từng tu niệm và có nhiều căn lành. Nhưng luận theo phần đông, đại khái nếu không gặp những chướng ngại lớn, cũng vấp phải những chướng ngại nhỏ.

03 nguyên nhân phát sanh Nghiệp chướng

Ngoài những trở ngại của ngoại duyên, lại còn có ba nguyên nhân phát sanh chướng nghiệp:

1. Cứ theo tông Pháp Tướng, trong tạng thức của ta có chứa lẫn lộn những nghiệp chủng lành dữ. Khi niệm Phật hay tham thiền, ta huân tập hạt giống công đức vô lậu vào, tất các nghiệp chủng kia phải phát hiện. Ví như một khu rừng rậm nhiều thú, nếu có dân cư đến khai hoang, tất cây cối bị đốn, các loài thú đều chạy ra. Cảnh tướng và phiền não chướng duyên do nghiệp chủng phát hiện cũng thế. Đây gọi là sức phản ứng của chủng tử nghiệp.

2. Có những vị tu hành chẳng am tường giáo lý, không hiểu những tướng của nội tâm và ngoại cảnh đều như huyễn, chưa phát minh thế nào là chân và vọng, nên nhận định sai lầm. Do đó đối với cảnh duyên trong ngoài sanh niệm tham chấp, vui mừng, thương lo, sợ hãi, mà tự gây chướng nạn cho mình.

3. Lại ví như người theo họa đồ đi tìm mỏ vàng, đường sá phải trải qua non cao, vực thẳm, đồng vắng, rừng sâu, bước hành trình tất phải nhiều công phu và gian lao khổ nhọc. Nếu người ấy không vững lòng, không biết tùy sức tùy hoàn cảnh mà nhẫn nại uyển chuyển, tất phải thối lui. Hoặc có khi bỏ cuộc ghé vào một cảnh tạm nào đó, hay chết giữa đường. Lộ trình tu tập cũng thế, hành giả tuy y theo kinh giáo mà thật hành, song nếu không biết tùy sức tùy hoàn cảnh nhẫn nại uyển chuyển, sự lập chí không bền lâu, tất sẽ thất bại. Chướng nạn đó cũng do chính mình gây ra.

06 Nghiệp chướng duyên khảo người tu

Khi nghiệp chướng phát hiện, chư Tổ thường gọi là các Duyên Ma Khảo. Những duyên nghiệp khảo đảo gây chướng ngại cho người tu, có rất nhiều chi tiết sai biệt. Nay chỉ xin tóm tắt đại cương qua sáu điểm:

Nghiệp chướng khảo người tu: 1. Nội Khảo

Có người trong lúc tu tập, bỗng khởi lên những tâm niệm tham lam, giận hờn, dục nhiễm, ganh ghét, khinh mạn, nghi ngờ, hoặc si mê dễ hôn trầm buồn ngủ. Những tâm niệm ấy đôi khi phát hiện rất mãnh liệt, gặp duyên sự nhỏ cũng dễ sanh cau có bực mình. Nhiều lúc trong giấc mơ, lại thấy các tướng thiện ác biến chuyển. Trong đây những tình tiết chi ly không thể tả hết được.

Gặp cảnh này, hành giả phải ý thức đó là do công năng tu hành nên nghiệp tướng phát hiện. Ngay lúc ấy, nên giác ngộ các nghiệp tướng đều như huyễn, nêu cao chánh niệm, tự nhiên những tướng ấy sẽ lần lượt tiêu tan. Nếu không nhận thức rõ ràng, tất bị nó xoay chuyển làm cho thối đọa.

Tiên đức bảo: “Chẳng sợ nghiệp khởi sớm, chỉ e giác ngộ chậm,” chính là điểm này. Có người đang lúc dụng công, bỗng phát sanh tán loạn mỏi nhọc khó cưỡng nỗi. Ngay khi ấy, nên đứng lên lễ Phật đi kinh hành, hoặc tạm xả lui ra ngoài đọc một vài trang sách, sửa năm ba cành hoa, chờ cho thanh tĩnh sẽ trở vào niệm Phật lại.

Nếu không ý thức, cứ cưỡng ép cầu cho mau nhứt tâm, thì càng cố gắng lại càng loạn. Đây là sự uyển chuyển trong lúc dụng công, ví như thế giặc quá mạnh tợ nước tràn, người chủ soái phải tùy cơ, nên cố thủ chớ không nên ra đánh. Có vị tu hành, khi niệm Phật bỗng thấy cô tịch như bản đàn độc điệu dễ sanh buồn chán, thì không ngại gì phụ thêm trì chú, quán tưởng, hoặc tụng kinh.

*

Nhân tiện, xin thuật ra đây một việc để cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức. Có một nữ Phật tử đến chỗ bút giả buồn khóc thưa thật rằng: Mỗi khi cô niệm Phật tụng kinh độ vài mươi phút là ngủ gục lúc nào không hay, có khi tiểu tiện ngay trước bàn Phật. Do đó cô sợ tội bỏ luôn không dám tụng niệm.

Bút giả khuyên cô nên chuyên sám hối trong một thời gian. Quả nhiên ít lâu sau cô dứt hẳn nghiệp tướng ấy, lại nằm mơ thấy nhiều vỏ ốc, đập mỗi vỏ ốc ra thấy một hạt sen. Cô này nghiệp si nặng. Vỏ ốc là hiện tướng của nghiệp si. Đập vỏ ốc thấy hạt sen là phá si mê mà thành tựu nhân lành giác ngộ vãng sanh về cõi Phật.

Lại có một vị sa di trần thuật lại rằng: Cứ ít đêm chú nằm mơ, thấy ba bốn mươi người cầm dao gậy đến đánh chém. Chú thay đổi trì Đại Bi rồi Chuẩn Đề chân ngôn đều không thành tựu. Vì mỗi lần tụng độ ít biến là nhứt đầu cả ngày, uống thuốc cũng không khỏi. Biết mình nghiệp nặng, chú phát nguyện lạy Tam Thiên Phật để sám hối. Nhưng khi lên chùa lễ Phật thì thấy một người tướng mạo cao lớn hung dữ đến xô té không cho lạy. Do đó chú đến buồn khóc bảo: Có tội thì sám hối tu hành, nhưng sám hối tu hành không được, chẳng biết phải làm sao?

*

Bút giả nghe xong suy nghĩ, biết vị này nghiệp sát nặng. Bởi chú Đại Bi cùng Chuẩn Đề có sức phá nghiệp khá mạnh; Tâm nguyện lạy Tam Thiên Phật là điều nguyện rộng lớn. Đây là lỗi ở chỗ chỉ biết cầu riêng phần mình mà không cầu cho các vong oan trái; Và cách dụng công phá nghiệp không khéo uyển chuyển.

Ví như người yếu bị bịnh phong nặng: Phải dùng các vị thuốc nhẹ như Phòng Phong Kinh Giới lần lượt tiêu trừ; Trái lại vì muốn cho mau lành, dùng đến các vị thuốc mạnh như Mã Tiền Bả Đậu để khu phong. Như thế tất con bịnh bị hành hạ chịu không nổi. Do đó bút giả khuyên chú mỗi đêm nên thử lạy Tiểu Sám Hối theo Kinh Pháp Hoa. Sau đó quỳ tụng Vãng Sanh hăm mốt biến, đoạn niệm Phật độ năm trăm câu để cầu tiêu tội, và nguyện cho các mối tiền oan được mau siêu thoát.

Cứ hành trì như thế trong một thời gian, nếu thấy yên ổn, có thể lần lượt tăng thêm. Chú sa di y theo lời, quả nhiên trạng thái ấy dứt tuyệt. Trên đây là những nghiệp tướng khảo đảo bên trong. Nếu không biết giác ngộ uyển chuyển phá trừ, tất sẽ thành ra chướng nạn.

Nghiệp chướng khảo người tu: 2. Ngoại Khảo

Đây là những chướng cảnh bên ngoài làm duyên khó khăn thối đọa cho hành giả. Chứng cảnh đó là sự nóng bức, ồn ào, uế tạp; Hoặc chỗ quá rét lạnh hay nhiều trùng kiến muỗi mòng. Gặp cảnh này cũng nên uyển chuyển, đừng chấp theo hình thức, chỉ cầu được an tâm.

Chẳng hạn như ở cảnh quá nóng bức, chẳng ngại gì mặc áo tràng mỏng lễ Phật. Rồi ra ngồi chỗ mát mà trì niệm, đến khi xong lại trở vào bàn Phật phát nguyện hồi hướng. Hoặc gặp chỗ nhiều muỗi, có thể ngồi trong màn thưa mà niệm Phật.

Như ở miền bắc Trung Hoa vì thời tiết quá lạnh, các sư khi lên chánh điện tụng kinh, cũng phải mang giày vớ và đội mũ cẩn thận. Có hàng Phật tử vì nhà nghèo, làm lụng vất vả; Hoặc đi sớm về khuya, hoặc nợ nần thiếu hụt; Hoặc rách rưới đói lạnh; Hoặc vợ yếu con đau, không có chỗ thờ cúng trang nghiêm. Trong hoàn cảnh ấy sự tu tập thật ra rất khó. Phải có sự nhẫn nại cố gắng như bà lão ăn xin niệm Phật, mới có thể thành công.

*

Hoặc có người vì nhiều chướng nghiệp: Lúc không tu thì thôi, khi sắp vào bàn Phật lại nhức đầu chóng mặt sanh đủ chứng bịnh; Hoặc có khách viếng thăm và nhiều việc bất thường xảy đến. Gặp những cảnh như thế, phải cố gắng và khéo uyển chuyển tìm phương tu hành. Sự cố gắng uyển chuyển tùy trường hợp sai biệt mà ứng dụng không thể nói ra hết được.

Nên nhớ gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải chú trọng phần tâm đừng câu nệ phần tướng mới có thể dung thông. Cõi Ta Bà ác trược vẫn nhiều khổ lụy. Nếu không có sức cố gắng kham nhẫn, tất sự tu hành khó mong thành tựu.

Nghiệp chướng khảo người tu: 3. Nghịch Khảo

Trên đường đạo, nhiều khi hành giả bị nghịch cảnh làm cho trở ngại.

Có người bị cha mẹ anh em hay vợ chồng con cái ngăn trở hoặc phá hoại không cho tu.

Có vị thân mang cố tật đau yếu mãi không lành.

Có kẻ bị oan gia luôn theo đuổi tìm cách mưu hại.

Có người bị vu oan giá họa, khiến cho ngồi tù chịu tra khảo hoặc lưu đày. Có vị bị sự tranh đua ganh ghét, hoặc bêu rao nhiều tiếng xấu xa, làm cho khó an khó nhẫn.

Điều sau này lại thường xảy ra nhiều nhứt. Những cảnh ngộ như thế đều do sức nghiệp. Lời xưa từng nói:

Hữu bất ngu chi dự, hữu cầu toàn chi hủy.

Câu trên hàm ý nghĩa: Có những tiếng khen, những vinh dự bất ngờ, không đáng khen mà được khen; Và có những sự kiện thật ra không đáng khinh chê, lại diễn thành cảnh khinh hủy chê bai trọn vẹn.

*

Để chứng minh điểm này, bút giả xin thuật một vài việc nhỏ: Trước đây vào thời Pháp thuộc. Một vị hòa thượng được triều đình Huế ban cho bằng Tăng Cang. Triều đình còn phong tặng hiệu chùa là Sắc Tứ. Do đó đi đâu hòa thượng đều có xe ngựa và bê son tích trượng theo hầu. Thậm chí lúc Hòa thượng lên xuống đò cũng có người võng.

Một tên du đãng thấy thế bất mãn chưởi thề. Hắn tuyên bố đến ngày rằm tháng bảy sẽ lên chùa mắng hòa thượng một trận. Đến ngày ấy, tên du đãng sau khi uống rượu xong, ở trần vắt áo lên chùa. Gặp dịp một người Phật tử đem con Quy nhờ hòa thượng chú nguyện thả nơi ao sen.

Thấy quang cảnh ấy, y bỗng cảm động, liền trở về kêu đồng bọn lên chùa quy y. Từ đó đi đâu cũng khen hòa thượng là bậc hiền lành đạo đức. Cho đến việc hầu hạ võng giá, y cũng nói là do thầy mình có phước.

*

Lại câu chuyện xảy ra cách đây không lâu: Có hai Phật tử ở xa đến viếng thăm một vị thượng tọa đồng hương đã từng quen thân từ trước. Khi đến chùa thì vị thượng tọa vừa đi khỏi cách đó độ mười lăm phút. Hai người gạn hỏi, ông thị giả nói thầy vừa đi khỏi; Hỏi mấy vị khác, họ không biết bảo là mới thấy thầy ở đây.

Chỉ một chút đó mà hai Phật tử ấy sanh lòng nghi ngờ vị thượng tọa không muốn tiếp mình. Họ từ biệt luôn không đến chùa, rồi đi đâu cũng chê bai vị thượng tọa nọ gồm những điều không đức hạnh. Thật ra, cung cách của vị hòa thượng trên không đáng khen mà được khen. Và hành động vô tâm của vị thượng tọa kể sau không có gì đáng chê, lại bị hiểu lầm khinh hủy.

Thế gian cho đó là điều may rủi, thuyết nhân quả nhà Phật nhận định là lúc nghiệp duyên tội phước hiện ra. Cổ thi có câu:

Vẻ chi ăn uống sự thường.

Cũng là tiền định khá thương lọ là.

Một việc nhỏ đã như thế, thì tất cả các nghịch cảnh khác đều do túc nghiệp; Hoặc đây là do hiện nghiệp xui khiến. Khi gặp những cảnh này hành giả chỉ nên ẩn nhẫn sám hối. Chớ buồn phiền oán trách mà thối thất đạo tâm.

Nghiệp chướng khảo người tu: 4. Thuận Khảo

Có người không gặp cảnh nghịch mà lại gặp cảnh thuận, như cầu gì được nấy. Nhưng sự thành công đều thuộc duyên ràng buộc chớ không phải giải thoát. Có vị khi phát tâm muốn yên tu bỗng cảnh danh lợi sắc thanh chợt đến; Hoặc nhiều người thương mến muốn theo phụng sự gần bên.

Thí dụ như người xuất gia khi phát tâm tu, bỗng có kẻ đến thỉnh làm tọa chủ một ngôi chùa lớn; Hoặc như người tại gia thì có thơ mời làm tổng, bộ trưởng; Hoặc mời tham gia một cuộc làm ăn mau phát tài. Đây là những cảnh thuận theo duyên đời quyến rủ người tu. Nó dẫn lần lần đến các sự phiền toái khác làm mất đạo niệm.

Người ta chết vì lửa thì ít, mà chết vì nước lại nhiều. Nên trên đường tu cảnh thuận thật ra đáng sợ hơn cảnh nghịch. Cảnh nghịch đôi khi làm cho hành giả tỉnh ngộ dễ thoát ly niệm tham nhiễm; Hoặc phẫn chí lo tu hành. Còn cảnh thuận làm cho người âm thầm thối đạo lúc nào không hay; Đến  khi bừng tỉnh mới thấy mình đã lăn xa xuống dốc. Người xưa nói: “Việc thuận tốt được ba. Mê lụy người đến già.” Lời này đáng gọi là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Thế nên duyên thử thách của sự thuận khảo rất vi tế, người tu cần phải lưu ý.

Nghiệp chướng khảo người tu: 5. Minh Khảo

Đây là sự thử thách rõ ràng trước mắt mà không tự tỉnh ngộ. Chẳng hạn như một vị tài đức không bao nhiêu, nhưng được người bưng bợ khen là nhiều đức hạnh, tài năng, có phước lớn…Vị này nghe thế sanh ra tự kiêu tự đắc, khinh thường mọi người; Lại ngược ngạo làm những điều càn dở, kết cuộc bị thảm bại.

Hoặc một vị có đủ khả năng tiến cao trên đường đạo, nhưng bị kẻ khác gàn trở, như bảo: Ăn chay sẽ bị bịnh, niệm Phật trì chú nhiều sẽ bị đổ nghiệp; Hoặc tu sẽ gặp nhiều việc không lành, rồi sanh ra e dè lo sợ, thối thất đạo tâm. Hoặc có những cảnh tự mình biết nếu tiến hành dễ rước lấy sự lỗi lầm thất bại. Nhưng vì tham vọng hay tự ái, vẫn đeo đuổi theo. Hoặc đối với các duyên bên ngoài, tuy biết đó là giả huyễn nhưng không buông bỏ được. Như thế, bị cuốn vào rồi tự chuốc lấy sự buồn khổ vào tâm.

Như có một vị sư đổ ra nhiều công của mướn thợ chẻ đá, thợ mộc, thợ hồ, xây cất một cảnh chùa to trên núi. Khi ngôi tự viện vừa hoàn thành, thì sư cũng vừa kiệt sức mang bịnh nặng. Lúc sắp chết, ông sai đệ tử võng đi quanh chùa rờ từ viên đá buồn khóc tiếc than!

*

Lại trước đây có một tăng sĩ địa vị trong đạo khá cao. Vị này tánh tình chân thật rộng rãi ưa bố thí, nhưng vấp phải một khuyết điểm là hay tự đắc tự kiêu. Vài chánh khách thấy được chỗ đó liền đem một nhà tướng sĩ đến giả vờ thăm chơi. Họ nhìn qua khen sư nhiều phước tướng, tất được vô số người ủng hộ, danh vọng càng thành đạt tiến cao. Ông ấy lại nói thêm: Nếu sư thích hoạt động, sẽ thành một tay lãnh tụ…Nếu sư ở ngoài đời có thể làm đến tổng thống.

Sư nghe xong tuy khiêm nhường đôi tiếng, nhưng lộ vẻ cực kỳ hoan hỷ. Nhân đó, các chánh khách than vãn thời thế; Thương dân chúng khổ não, vận nước suy đồi. Kế dần dà thuyết phục lôi cuốn sư vào một cuộc vận động chánh trị. Và cũng bởi đó, sư bị tai nạn trong một thời gian khá lâu.

Thế nên kẻ dễ dãi nhẹ dạ thường hay bị phỉnh gạt. Khi chưa diệt được tham vọng dễ bị người khác dùng tiền tài, sắc đẹp hoặc danh vị cuốn lôi. Cho đến nếu còn tánh nóng nảy khí khái, tất dễ bị người khích động, gánh vác lấy những việc phiền phức vào thân. Đây là những cạm bẫy của đời mà cũng là của đạo, xin nêu ra để khuyên nhắc cùng nhau. Nếu không dè dặt những điểm đó, sẽ vương vào vòng chướng nghiệp. Đối với những duyên thử thách như thế, hành giả phải nhận định cho sáng suốt. Và sanh lòng quả quyết tiến theo đường lối hợp đạo mới có thể thắng nó được.

Nghiệp chướng khảo người tu: 6. Ám Khảo

Điều này chỉ cho sự thử thách trong âm thầm không lộ liễu, hành giả nếu chẳng khéo lưu tâm, tất khó hay biết:

Có người ban sơ tinh tấn niệm Phật. Rồi bởi gia kế lần sa sút, làm điều chi thất bại việc ấy. Do đó nên sanh lòng lo lắng chán nản trễ bỏ sự tu.

Có vị công việc lại âm thầm tiến triển thuận tiện rồi ham mê đeo đuổi theo lợi lộc mà quên lãng đường lối tu hành.

Có kẻ trước tiên siêng năng tụng niệm, nhưng vì thiếu sự kiểm điểm, phiền não ở nội tâm mỗi ngày tăng thêm một ít, lần lượt sanh ra biếng trễ…Có khi đôi ba tháng hay một vài năm không niệm Phật được một câu.

Có người tuy sự sống vẫn điều hòa đầy đủ. Nhưng vì thời cuộc bên ngoài biến chuyển, thân thế nhà cửa nay đổi mai dời; Tâm mãi hoang mang hướng ngoại, bất giác quên bỏ sự trì niệm hồi nào không hay.

Nghiệp chướng: Lời kết

Trên đây đều là ảnh hưởng diễn biến của nghiệp thiện ác, nhưng nó có sức thầm lôi cuốn hành giả làm cho bê trễ sự tu trì, nên gọi là “khảo”.

Khi mới tu ai cũng có một xuất phát điểm hảo tâm. Nhưng lần lượt bị những duyên nghiệp trong ngoài, một trăm người đã rớt hết chín mươi chín. Lời xưa nói: “Tu hành nhứt niên Phật tại tiền, nhị niên Phật tại tây thiên, tam niên vấn Phật yếu tiền.”

Câu này có ý nghĩa: Sự tu hành năm đầu Phật như ở trước mặt. Năm thứ hai Phật đã về tây. Sang năm thứ ba ai muốn hỏi đến Phật hay bảo niệm Phật, phải trả tiền mới chịu nói tới, hoặc niệm quá ít câu. Lời ngụ ngôn này cũng chỉ vào những điểm ở trên, hành giả cần phải lưu tâm chú ý.(Theo Niệm Phật Thập Yếu)

(Nghiệp chướng là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quán Bất Tịnh là gì

103 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog