Ngài Xá Lợi Phất Tôn Giả là ai
Pháp Giới 5 tháng trước

Ngài Xá Lợi Phất Tôn Giả là ai

Ngài Xá Lợi Phất là một trong 10 đại đệ tử của đức Phật. Ngài được xưng tụng là bậc Đệ Nhất Trí Huệ trong hàng Thanh văn, trí huệ của Ngài không ai sánh kịp.

Xá Lợi Phất là tiếng Phạn. Bởi cha Ngài tên là Đề Xá, Mẹ Ngài tên là Lợi, Phất nghĩa là con. Do đó mà gộp tên cha mẹ lại làm tên của Ngài, cho nên gọi là Xá Lợi Phất.

  • A La Hán là gì.
  • Tôn giả Mục Kiền Liên.
  • Tôn giả A Nan.
  • Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
  • Hàn Sơn Thập Đắc là Bồ Tát thị hiện.
  • Ngài Quả Khanh là Hóa Thân Bồ Tát.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Ngài Xá Lợi Phất Tôn Giả là ai
Ngài Xá Lợi Phất Tôn giả

Điển Tích về Ngài Xá Lợi Phất Tôn Giả

Ngài Xá Lợi Phất khi chưa ra đời, mẹ Ngài và cậu em (Ma ha Câu-hy-la) biện luận, nhưng lần nào bà cũng thua em. Từ khi bà cấn thai thì lập tức kỳ tích xuất hiện: Mỗi lần bà biện luận với em, cậu em đều đuối lý. Cho nên Ma ha Câu-hy-la thông minh kia lập tức biết ngay: Đứa bé trong bụng chị mình nhất định là người có trí huệ!

Xá Lợi Phất là tiếng Phạn, cha Ngài tên là Đề Xá, Lợi là tên của mẹ Ngài, Phất nghĩa là con, cho nên có một số kinh dịch là Xá Lợi Phất hoặc là Ưu Ba Đề Xá. Gộp tên cha mẹ lại làm tên của Ngài, cho nên gọi là Xá Lợi Phất . Ngoài ra tên Ngài còn có nhiều cách phiên dịch. Có người dịch là Thân Tử, hoặc Thu Tử, hoặc Châu Tử.

Sao gọi là Thân Tử? Vì thân thể mẹ của Ngài đẹp đẽ lạ thường (tướng mạo bà đoan chánh) cho nên nói là Thân Tử, có nghĩa là đứa con của người con gái có thân hình rất đẹp.

Thu Tử là gì? Thu Lộ là một thứ chim mà mắt của nó đẹp đẽ lạ thường, mắt của mẹ ngài Xá-lợi-phất cũng đẹp đẽ giống như mắt chim Thu Lộ, cho nên gọi Xá lợi-phất là Thu Tử.

Sao gọi là Châu Tử? Châu Tử cũng là chỉ cho mắt của mẹ Ngài đẹp như hạt bảo châu, bà sanh ra Xá-lợi-phất, đôi mắt cũng đẹp đẽ như vậy cho nên gọi là Châu Tử.

*

Ngài Xá Lợi Phất là người trí huệ bậc nhất trong hàng Thanh văn, trí huệ của Ngài không ai sánh kịp. Đương lúc Ngài ở trong thai mẹ đã giúp mẹ biện luận luôn luôn được thắng. Bà biện luận với ai? Chính là cùng với cậu của Ngài.

Trước kia, khi chưa mang thai ngài Xá Lợi Phất, mẹ Ngài thường cùng em bà biện luận. Tuy nhiên bà càng biện luận càng thua. Nhưng từ khi mang thai Ngài, bà biện luận với em không giống như trước: Những lý lẽ đưa ra hoàn toàn vững chắc. Em của bà cũng rất thông minh, biết rằng đây không phải là chị biện luận hơn mình, mà là do sự giúp sức của đứa trẻ bà mang trong bụng. Lúc đó ông bèn phát tâm đi về Nam Ấn Độ học Luận nghị.

Ông ta cứ học, học mãi trong rất nhiều năm. Ngày xưa không có đèn điện, nhưng ông ta suốt ngày từ sáng đến tối đều siêng năng học luận: Bốn bộ Vệ Đà, bốn thứ Luận học, thậm chí không bỏ qua một giây phút nào. Học như vậy đến mấy năm. y phục rách cũng không kịp vá, mặt cũng không rửa, móng tay cũng không có thì giờ cắt…Cho nên móng tay cứ mọc dài ra mãi, vì thế người ta gọi ông là Trường trảo Phạm chí.

Ông định học xong tất cả những luận học sẽ trở về biện luận cùng cháu mình. Nhưng vì ông là một vị Đại Luận sư nên mới nghĩ rằng: “Nếu không thắng được đứa cháu mình thì còn mặt mũi nào nhìn ai nữa”.

*

Không dè sau khi học thành tài trở về lại phát hiện Ngài Xá Lợi Phất đã theo Phật xuất gia rồi. Ông cảm thấy không vui, cho việc học của mình là vô bổ, và nói: “Phật có đạo đức gì? Chẳng qua chỉ là một ông Sa Môn. Ta phải đi tìm đứa cháu bắt về mới được”. Ông ta bèn đi đến chỗ Phật định bắt cháu về.

Phật nói: “Ông dựa vào lý do gì mà bắt cháu về? Ông lập ra một tông à?”

Ông ta đáp: Tôi lấy “Không thọ” làm tông.

Phật nói: “Phải, ông lấy “Không thọ” làm tông tại sao ông còn thọ cái kiến chấp “không thọ” của ông? Tông của ông lập phải chăng là thọ cái không thọ? Từ trước đến giờ, ông cho tất cả đều không thọ, bây giờ Phật hỏì ông: Phải chăng là thọ cái chấp “không thọ”?”

Ông tự xét: Nếu nói là thọ, thì “lấy không thọ làm tông” đã bị đổ nhào, không còn đứng vững nữa, vì là có thọ rồi. Nếu nói không thọ thì cả đến kiến chấp cũng không thọ nữa. Nhưng khi lập tông này thì đã là có kiến chấp rồi, làm sao nói là không thọ kiến chấp ấy ư? Cho nên trả lời “thọ” cùng “không thọ” đều không đứng vững. Lúc đó ông tự nhận thua rồi.

Trước khi biện luận, ông giao kết với Phật: “Nếu tôi thắng thì tôi mang Xá-lợi-phất về, không cho nó theo ông xuất gia. Còn nếu thua thì tôi sẽ cắt đầu dâng cho ông”. Ông ta đem đầu đánh cuộc, khi thấy mình bại rồi ông ta liền co giò chạy tuốt.

*

Chạy được 3, 4 dặm, ông lại nghĩ: “Chà, bậy bạ quá! Đã nói chắc rồi, hễ thua thì nộp đầu mà bây giờ lại chạy đi. Thế này đâu phải là hành động của đại trượng phu nam nhi hảo hán!” Ông bèn trở lại, xin với Phật Thích Ca cho mượn dao.

Phật hỏi: “Ông mượn dao để làm gì?”

Ông nói: “Tôi thua rồi, tôi phải cắt đầu nộp cho ông”.

Phật nói: “Giáo pháp ta không có cách làm như vậy. Ông đã thua rồi thì không được đi, phải ở đây xuất gia mới đúng”.

Ông hỏi: “Đức Thế Tôn chịu thâu nhận tôi sao?”

Phật gật đầu. Như vậy chẳng những cháu không bắt về được, mà người đòi bắt về cũng xuất gia làm Tỳ-kheo nốt. Sau khi xuất gia, không bao lâu ông được Pháp nhãn tịnh, chứng Thánh quả.

Ngài Xá Lợi Phất ở trong thai mẹ đã có đại trí huệ giúp mẹ biện luận thắng cậu. Bởi Ngài trong 7 ngày liền thông đạt Thật tướng các pháp; Lúc 8 tuổi đã biện luận thắng tất cả Luận sư, cho nên gọi là Đại trí Xá Lợi Phất.

*

Bởi trí huệ của Ngài Xá Lợi Phất vĩ đại như vậy nên đức Phật không ai hỏi mà tự nói ra Kinh Di Đà; Chúng đương cơ lấy ngài làm Thượng thủ. Bởi vì có trí huệ như ngài mới có thể tiếp nhận đạo lý thâm diệu của pháp môn Tịnh độ.

Ngài Xá Lợi Phất chẳng những là trí huệ bậc nhất mà thần thông của Ngài cũng thuộc vào hàng bậc nhất nữa.

Một hôm có vị cư sĩ thiết trai thỉnh Phật cúng dường. Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất đang nhập định. Người ta gọi mà Ngài không xuất định (Không phải giả đò đâu, tình trạng nhập định đó là nhập định thật đấy).

Bấy giờ ngài Mục Kiền Liên, vị thần thông bậc nhất, muốn dùng thần lực của mình để gọi ngài xuất định. Thế nhưng sử dụng tận lực thần thông mà cả đến chéo áo của ngài Xá-lợi-phất cũng không lay động. Điều này chứng tỏ rằng ngài Xá Lợi Phất chẳng những là trí huệ đệ nhất mà thần thông cũng là bậc nhất nữa. (Chẳng giống như chúng ta ngồi nhập định, động tĩnh chung quanh cái gì cũng biết! Như ngài Xá Lợi Phất mới là thiệt nhập định đấy).

Vì sao Ngài Xá Lợi Phật là Đệ Nhất Thí Huệ

Tại sao ngài Xá Lợi Phất có trí huệ bậc nhất? Tại sao gọi Ngài là Đại trí Xá Lợi Phất? Việc này phải xét theo nhơn quả. Khi Ngài còn tu nhơn, lúc mới phát tâm học Phật, gặp một vị Thầy, vị này hỏi: “Con muốn có trí huệ không?”

Ngài đáp: “Con rất muốn”.

Lúc ấy vị Thầy mới bảo ông: “Nếu muốn được trí huệ thì phải học pháp môn Bát Nhã trí huệ; Trì chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, Thập chú, Tâm Kinh … Mỗi ngày trì tụng các chú ấy thời có thể mở được trí huệ”.

Ngài Xá Lợi Phất bèn y giáo phụng hành. Mỗi ngày từ sáng tới tối, đi đứng nằm ngồi đều để tâm ở việc trì tụng, không có gián đoạn. Ngài thậm chí còn phát nguyện đời đời kiếp kiếp luôn kính lễ vị Thầy đã dạy pháp Bát Nhã. Như vậy, đời nào Ngài cũng học tập pháp môn Bát-nhã, đời nào cũng tăng thêm trí huệ. Đến đời Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài mới thành tựu được trí huệ như thế: Có thể trong 7 ngày thông suốt Thật tướng các pháp.

Ai là Thầy của Ngài ở thời tu nhơn? Chính là Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho nên hiện tại Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi, Ngài cũng thành ra bậc đại A La Hán. Đó là nhơn duyên mà ngài Xá Lợi Phất thành tựu đại trí huệ. Chủ yếu là vì lúc nào Ngài cũng không quên lời dạy bảo của bậc thiện tri thức. Thế cho nên pháp đã học nội trong 7 ngày được thông suốt như vậy.

*

Chúng ta tại sao học kinh chú rất chậm, thậm chí mấy tháng trời mà chú Lăng Nghiêm không thuộc? Đó là vì đời trước chúng ta chưa học qua thứ Phật pháp ấy, đến bây giờ mới bắt đầu học. Điều cần nhất là học Phật pháp không nên lười biếng. Cần phải bắt chước sự siêng năng vượt bực của ngài Xá Lợi Phất: Cả ngày đêm không lười biếng để học Phật pháp.

Cho nên người bây giờ nhớ không được kinh chú, cần phải cố sức lên, đó gọi là “cần năng bổ chuyết”. (Siêng năng bù dắp chỗ vụng về). Nếu nhớ được rõ ràng, cũng càng phải nỗ lực gấp bội để tăng thêm trí huệ của chính mình. Tại sao trí huệ của ta kém hơn người khác? Tại vì chúng ta chưa học Phật pháp! Cho nên phải phát nguyện học tập Phật pháp. Được như thế thì tương lai chúng ta sẽ được đại trí như ngài Xá Lợi Phất. Ngoài ra chúng ta còn phải học theo đại trí của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, vì trí huệ của Ngài còn to lớn hơn ngài Xá Lợi Phất nhiều.

(Tôn giả Xá Lợi Phất – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Video Hòa Thượng, Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu ở đâu? Vào năm nào? Vì sao? Tiểu sử là ai?

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog