Ngài A Nan hay Tôn giả A Nan là một trong 10 vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, vô cùng xuất chúng và được Phật tử tôn sùng đưa lên làm thánh tăng. Ngài không chỉ có kiến thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, mà còn có trí nhớ cực kỳ siêu phàm.
Ngài A Nan là ai?
Ngài A Nan hay còn được biết đến với tên gọi là A-nan-đà. Dựa trên nhiều tài liệu và điển tích trong Phật giáo, ngài được cho là sinh vào năm 605 TCN. Ngài vốn là người anh em con chú bác cùng với Đức Phật, bởi vì cha của ngài là đức vua Amitodana vốn là em trai của vua Suddhodana – tức Tịnh Phạn Vương, thân phụ của Đức Phật.
Ngài A Nan đã gia nhập giáo hội chỉ hai năm sau ngày thành lập, khi đó ngài mới tròn 18 tuổi, trở thành thị giả thân cận nhất của Đức Phật. Ngài tham gia Tăng đoàn cùng hai người anh trai đó là A-na-luật, vị A la hán được xưng tụng là Đệ nhất Đa Văn trong hàng Thanh văn của Đức Phật; và ngài Đề-bà-đạt-đa, người sau này ly khai khỏi Tăng đoàn, phản bội Đức Phật. Hiện ngài A Nan được tôn xưng như là một trong Thập đại đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khả năng xuất chúng của ngài A Nan
Ngài A Nan vốn nổi tiếng với trí nhớ phi thường, ngài thậm chí đã ghi nhớ hết những lời Đức Phật dạy trong suốt hàng chục năm đi truyền đạo. Ngài cũng là người đọc tụng lại tạng Kinh trong lần kết tập thứ nhất để giúp tăng chúng ghi nhớ và truyền lại cho đời sau, đồng thời ngài cũng được xem là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Độ.
Bên cạnh đó, ngài A Nan cũng là người đầu tiên của đạo Phật phát minh ra “áo cà sa”, là bộ trang phục nghi lễ về sau của các chư Tăng, ni nhà Phật sử dụng đến tận ngày nay. Có thể nói không ngoa rằng, đạo Phật vẫn còn được duy trì tới hàng nghìn năm, kinh Phật còn được lưu truyền cho bao thế hệ sau, một phần lớn là nhờ công lao của Ngài A Nan.
Khi trở thành Tu sĩ Phật giáo, Ngài A Nan đệ trình lên tám điều kiện lên Đức Phật để mong không bị người đời soi mói, ganh ghét khi được Đức Phật đặc biệt yêu mến. Tám điều này bao gồm như sau:
– Không mặc áo mà Đức Phật cho, dù cho có mới hay cũ.
– Không dùng thực phẩm mà thiện tín dâng cúng đến Đức Phật, dù đó là thức ăn thừa đi chăng nữa.
– Không ở chung tịnh thất với Đức Phật.
– Không đi theo Đức Phật đến bất luận nơi nào mà thiện tín chỉ cung thỉnh Đức Phật.
– Ðức Phật hoan hỷ cùng đi với Tôn giả đến nơi mà Tôn giả được mời.
– Tôn giả được quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách đến muốn gặp Đức Phật.
– Tôn giả được phép hỏi Đức Phật mỗi khi có hoài nghi phát sinh.
– Ðức Phật hoan hỷ nói lại những bài pháp mà Ngài đã giảng khi không có mặt của Tôn giả.
Ngài A Nan cũng là người bênh vực cho việc nữ giới được phép gia nhập vào Tăng đoàn để học hỏi giáo pháp. Nhờ sự can thiệp của Tôn giả mà Đức Phật chấp nhận thành lập ni đoàn, tạo điều kiện cho nữ giới có thể xuất gia theo đạo Phật như ngày nay.
Trong suốt hơn 25 năm làm thị giả của Đức Phật, ngài A Nan đã nguyện thề một lòng trung thành, tận tụy, chăm chỉ và kính mến Đức Phật, đặc biệt ngài còn nguyện chăm sóc mỗi khi Đức Phật có bệnh và cả những năm Đức Phật đã cao tuổi mà bước chân vẫn không ngừng đi khắp bốn phương.
Tại sao ngài A Nan lại đắc thánh quả muộn màng hơn so với các đệ tử khác của Đức Phật?
Mặc dù là người có trí tuệ vô cùng kiệt xuất, thế nhưng ngài A Nan lại đắc thánh quả vô cùng muộn màng, thậm chí là muộn nhất trong số Thập đại đệ tử của Đức Phật. Cụ thể là mãi cho đến khi Đức Phật nhập Niết bàn khoảng 4 tháng sau thì Ngài mới có thể đạt chứng quả vị A La Hán.
Sở dĩ Ngài A Nan lại đắc thánh quả muộn, thứ nhất là vì Ngài chú trọng pháp học – đa văn hơn là pháp hành. Ngài có thể nghe và ghi nhớ hết tất cả những lời dạy của Đức Phật dạy. Ngay cả khi được Đức Phật chọn làm thị giả thì Ngài A Nan cũng đưa ra 8 thỉnh nguyện với Đức Phật trước khi nhận lời.
Nhờ có trí nhớ siêu phàm, ngài A Nan có thể nhớ được không sai sót một bài pháp nào. Thế nhưng, Ngài lại không thể liễu ngộ được những bài pháp ấy để vận dụng vào con đường tu học của mình. Cho nên dù có ghi nhớ đến hàng vạn bài pháp của Đức Phật nhưng ngài A Nan cũng chưa thể đắc Thánh quả.
Thứ hai, vì tâm thương kính Đức Phật quá mức của ngài A Nan, mà trong suốt 20 năm làm thị giả ngài đã tận tụy chăm sóc, phục vụ cho Đức Phật không biết mệt mỏi. Hạnh nguyện lợi tha của ngài là rất lớn nhưng tự lợi thì chưa đúng nghĩa của một vị Tỳ Kheo. Có thể nói dễ hiểu hơn đó là với vai trò của một thị giả, ngài A Nan có quá nhiều việc phải lo cho Đức Phật, từ việc đối nội, đối ngoại đến việc chăm sóc cho Đức Phật hằng ngày.
Trong kinh thư, Đức Phật cũng đã từng xác nhận rằng, từ quá khứ vị lai đến hiện tại, nếu như có một Thị giả nào xuất chúng thì cũng chỉ bằng với Tôn giả A Nan chứ không thể hơn. Do đó có thể nói rằng, trong suốt thời gian làm Thị giả cho Đức Phật, ngài A Nan đã hết lòng tận tụy phụng sự mà không màng tới lợi ích của bản thân.
Cũng chính vì vậy, ngài A Nan có ít thời gian chú trọng vào pháp hành, chú trọng đến việc tu tập làm sao để chứng đắc Thánh quả. Thế nên mãi đến khi Đức Phật nhập Niết Bàn, ngài mới bắt đầu cảm thấy tủi thân vì chưa đắc thánh quả và trăn trở khôn nguôi vì điều đó.
4 tháng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, trong khi các Thánh tăng tụ họp trong động để kết tập Kinh điển lần thứ nhất thì Ngài A Nan không được vào vì nguyên tắc chỉ có hàng Thánh Tăng mới đủ tư cách. Khi ấy, ngài ở bên ngoài cảm thấy tủi hổ vô cùng vì thân phận chỉ là Thị giả hầu cạnh Đức Phật, có trí nhớ siêu phàm nhưng chưa thể đạt chứng quả Thánh, cũng không được tham dự kết tập Kinh điển. Ngài không dằn lòng được sự hối thúc tu hành thế nên đến gõ cửa động cầu cứu Thánh Tăng Đại-Ca-Diếp.
Bên ngoài, Tôn giả A Nan hỏi lớn rằng: “Trong khi đức Thế Tôn phó chúc và truyền áo Cà sa Kim Lư cho Tôn huynh, vậy đức Thế Tôn còn truyền pháp gì riêng cho Tôn huynh nữa hay không?” Khi đó Tôn giả Đại-Ca-Diếp liền cất tiếng nói lớn vọng ra rằng: “Cây trụ cờ phướn trước cửa đổ rồi!”.
Ngài A Nan khi đó không hiểu Tôn giả Ca-Diếp nói thế với ý nghĩa gì, tại sao lại nói cây trụ cờ phướn đổ rồi trong khi cây trụ cờ phướn thực tế thì không đổ?! Ngài có thắc mắc nhưng không được Đại-Ca-Diếp lý giải.
Trong suốt 7 ngày 7 đêm sau đó, ngài A Nan vẫn còn thắc mắc về điều đó, trong khi ngài đang nghiêng mình nằm xuống về phía bên tay phải, thì đột nhiên giác ngộ, tâm tánh trở nên sáng suốt vô cùng. Và thế là ngài A Nan chính thức chứng quả vị Thánh từ đó. Ngay sau đó ngài liền đến động và tham gia cùng với 500 vị Thánh Tăng kết tập Kinh điển.
Tôn giả A Nan nhập Niết-bàn vào năm 485 TCN ở tuổi 120 tuổi. Hình ảnh Tôn giả A Nan chính là một hình ảnh thật đẹp và là một tấm gương sáng để cho mỗi người con Phật tử có thể noi theo, học hỏi.