Nam mô A Di Đà Phật là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Nam mô A Di Đà Phật là gì

Nam mô A Di Đà Phật là gì? Nam mô có nghĩa là Quy Y, là quay về nương tựa. A Di Đà là danh hiệu của đức Phật A Di Đà, Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Nam mô A Di Đà Phật nghĩa là cung kính đem cả thân mạng quay về nương tựa đức Phật A Di Đà. Khi tâm hoặc miệng của bạn khởi một niệm sáu chữ hồng danh này; Do bản nguyện của Phật A Di Đà, trong vô hình có một luồng hào quang thâu nhiếp lấy bạn, che chở cho bạn. Nếu bạn thường xuyên niệm thì được ánh hào quang này “nhiếp thủ bất xả”, không một giây rời bỏ. Vì sao thế? Vì đấy là Bản nguyện của đức Phật A Di Đà vậy!

Sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật liên quan mật thiết đến sự trường tồn của chánh pháp. Bởi vào thời kỳ cuối, khi Phật pháp hoại diệt, các kinh sách ẩn diệt, chỉ còn Kinh A Di Đà lưu truyền trên thế gian. Sau khi lưu truyền trên thế gian chừng 100 năm nữa thì Kinh A Di Đà cũng biến mất. Phật pháp chỉ còn lại một câu, đó là sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật vẫn còn lưu truyền.

*
  • Thế nào là Tự Lực và Tha lực niệm Phật.
  • Niệm Phật tam muội là gì.
  • Những hiểu lầm tai hại về niệm Phật nhất tâm bất loạn.
  • Hội Long Hoa Là gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
  • Đức Phật A Di Đà có thật không.
  • Chuyện Tâm linh có thật tại Việt Nam.
Nam mô A Di Đà Phật là gì
Nam mô A Di Đà Phật là gì
*

Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật còn gọi là Vạn đức Hồng Danh, là Pháp duy nhất để đưa chúng sanh thời mạt Pháp thoát khỏi sanh tử luân hồi. Bởi thế trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy:

“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi. Thì hiện tiền chiêu cảm được Y Báo và Chánh Báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau. Lập tức vào Phổ Đẳng Tam Muội của Đức Phật A Di Đà. Được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sanh tử luân hồi…Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ lúc ấy nhẫn về sau, vượt qua Thập Địa, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Nam mô A Di Đà Phật là gì

Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy: “Danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chính là Pháp Thân Viên Mãn Chu Biến Nhất Thiết Xứ, là Phật Tánh Thậm Thâm. Có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất tư nghị. Có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán, để chuyển hóa vô minh thành giác ngộ, sinh tử thành niết bàn. Là phương tiện vi diệu bậc nhất, thường cải biến hết thảy sở y và sở hành của mọi chúng sinh. Đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc trở về với bản tánh vô lậu giải thoát.

Ngài lại dạy: “Muốn vãng sinh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm Danh Hiệu Phật là đủ. Vì Danh Hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân. Cho nên Niệm Danh Hiệu tức là Niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi Danh Hiệu Nam Mô A Di Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng, vô biên công đức. Vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực… không thể nghĩ bàn.”

Nam mô A Di Đà Phật nghĩa là gì

Cũng trong Kinh này, đức Phổ Hiền Bồ Tát dạy: “Danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật vốn đầy đủ vô lượng vô biên hằng hà sa công đức. Vô lượng vô biên hằng hà sa ý nghĩa. Vô lượng vô biên hằng hà sa lực dụng, cứu cánh, cảnh giới, giác tánh… Dẫu trăm ngàn muôn ức na do tha vi trần đại kiếp, cũng không thể diễn nói hết được. Nay tôi vì chúng sinh nơi thời kỳ chánh pháp cuối cùng, mà tôi sẽ lược nói, để chúng sinh thu hoạch nhiều lợi ích. Này Phật tử, Nam Mô A Di Đà Phật nghĩa là gì?

Nam là Thủy Giác. A Di Đà là Tương Tục Giác. Phật là Bản Giác.

Nam Mô là Năng Niệm. A Di Đà là tương Tục Niệm. Phật là Sở Niệm.

Nam Mô là Giới Luật. A Di Đà là Thiền Định. Phật là Trí Tuệ.

Nam Mô là Thế Gian Giới. A Di Đà là Pháp Giới. Phật là Vô Sai Biệt Giới, Vô Sở Hữu Cảnh Giới, Vô Trụ Xứ Cảnh Giới.

Nam Mô là Thường. A Di Đà là Tịch. Phật là Quang.

Nam Mô là Diệu Quán Sát Trí. A Di Đà là Bình Đẳng Tánh Trí. Phật là Đại Viên Cảnh Trí.

Nam Mô là Phi Hữu. A Di Đà là Phi Vô. Phật là Không Tánh. Phi Hữu Phi Vô Định Tánh.

Nam Mô là Như Thực Hữu. A Di Đà là Như Thực Không. Phật là Như Thực Bất Không.

Nam Mô là Sai Biệt Trí. A Di Đà là Vô Sai Biệt Trí. Phật là Pháp Hải Tuệ Công Đức Vô Tận Tạng Viên Mãn Trí.

Nam mô A Di Đà Phật là gì

Nam Mô là Phương Tiện Lực. A Di Đà là Cứu Cánh Lực. Phật là Dung Thông Phương Tiện Siêu Việt Cứu Cánh Lực.

Nam Mô là Ly Trần. A Di Đà là Ly Căn. Phật là Ly Thức.

Nam Mô là Chuyển Y Tạng. A Di Đà là Vô Tận Thiện Căn Tạng. Phật là Quyết Định Chính Giác Tạng

Nam Mô là Ly Cẩn Tạng. A Di Đà là Niết Bàn Tạng. Phật là Như Huyễn Giải Thoát Tạng.

Nam Mô là Trang Nghiêm Phật Quốc Độ. A Di Đà là Thành Tựu Vô Biên Phật Quốc Độ. Phật là Như Huyễn Thập Phương Hoa Tạng Thế Giới Hải.

Nam Mô là Gia Trì Lực. A Di Đà là Tiếp Dẫn Lực. Phật là Tự Tánh Tương Ưng Nhiếp Thọ Lực.

Nam Mô là Khai Thị Vô Lượng Trí. A Di Đà là Thâm Nhập Chánh Giác Trí. Phật là Quang Minh Phổ Chiếu Trí.

Nam Mô là Thế Gian Giải. A Di Đà là Giác Ngộ Giải. Phật là Nhất Thiết Trí Chiếu Thập Phương Viên Mãn Giải.

Này Phật tử, danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật có vô lượng vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu như thế. Dẫu ba đời mười phương chư Phật diễn nói cũng không cùng tận.

Lại nữa, không thể chấp trước nơi ngữ ngôn, văn tự, âm thanh, tri kiến, biện luận… mà bảo rằng Danh Hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là hữu niệm hoặc vô niệm. Vì sao vậy? Bởi vì danh hiệu ấy chính là Không Tánh, là Vô Sở Đắc, là Vô Sở Y, là Vô Cấu Nhiễm. Là Vô Sở Tương Ưng, là Vô Sở Bội Nghịch, là Vô Công Dụng Hạnh, là Vô Sở Cầu Hạnh.”

Một niệm Nam mô A Di Đà Phật được vô lượng công đức.

Kinh Phật Thuyết A Di Đà Phật Căn Bản Bí Mật Thần Chú ghi: “Danh hiệu đức Phật A Di Đà, đầy đủ vô lượng vô biên công đức vô thượng, không thể nghĩ bàn, cực kỳ bí mật, thù thắng vi diệu. Tại sao như thế? – Vì trong ba chữ A Di Đà hàm chứa vô lượng pháp tu của toàn bộ Kinh điển, toàn bộ Đà Ra Ni thần chú mà hết thảy ba đời chư Phật trong mười phương, hết thảy chư Bồ-tát, Thanh văn, A la hán đã tu tập và giảng thuyết.

Thế nên, danh hiệu của đức Phật ấy, chính là pháp Đại thừa cực kỳ chân thật vô thượng, chính là diệu hạnh liễu nghĩa thù thắng, thanh tịnh vô thượng, chính là Đà Ra Ni tối thắng vi diệu vô thượng. Nên thuyết kệ rằng:

Chữ A là ba đời chư Phật trong mười phương,

Chữ Di là hết thảy chư Bồ-tát,

Chữ Đà là Tám vạn các Thánh giáo,

Trong ba chữ là đầy đủ tất cả.

Này Xá Lợi Phất! Nếu chúng sanh nào nghe nói về đức Phật A Di Đà có công đức không thể nghĩ bàn, vui mừng hớn hở, chí tâm xưng niệm danh hiệu, tin sâu không giải đãi, thì trong đời này gặp được sự an lạc không thể so sánh: Hoặc chuyển nghèo hèn trở thành phú quý, hoặc chứng đắc quả vị giác ngộ, thoát khỏi sự khổ đau do bệnh hoạn bức bách của Nghiệp quá khứ, hoặc chuyển yểu mạng trở thành sống lâu, hoặc kẻ thù oán hận trở thành con cháu đông đúc vinh hiển, thân tâm an lạc, ý nguyện trọn vẹn như ý. Những công đức như thế không có thể tính đếm được”.

*

Chính thế, chúng ta nên biết rằng: Một câu A Di Đà là vua Phật, vua Pháp, vua Thần chú, vua mọi công đức. Chuyên niệm chỉ một danh hiệu đức Phật Nam mô A Di Đà Phật chính là tổng trì, tổng niệm hết thảy chư Bồ-tát, hết thảy các Kinh chú, hết thảy các pháp môn tu tập.

Khế Kinh dạy: “Nếu có người lấy bảy thứ châu báu trong bốn châu thiên hạ đem cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát, chư Duyên giác, chư Thanh văn thì được phước đức rất nhiều, nhưng không bằng khuyến khích người khác niệm một câu danh hiệu Phật, phước đức này lớn hơn phước đức trước”.

– Kinh Niết Bàn dạy: “Đức Phật bảo Đại Vương: Giả sử mở kho báu lớn đem bố thí cho hết thảy chúng sanh trong một tháng, công đức này không bằng có người niệm một câu danh hiệu Phật, công đức niệm Phật này vượt quá công đức trước, không thể so sánh được”.

– Kinh Tăng Nhất A-Hàm dạy: “Đem Tứ sự cúng dường cho tất cả chúng sanh trong Diêm-phù-đề, nếu có người xưng niệm danh hiệu Phật một câu, thì công đức này vượt hẳn công đức trước, không thể suy nghĩ được”.

– Luận Đại Trí Độ ghi: “Ví như có người vừa mới chào đời, mỗi ngày đi một dặm, trải qua một ngàn năm, với đầy đủ bảy thứ châu báu trong số dặm đường ấy đem cúng dường chư Phật, thì phước đức này không bằng có người ở trong đời ác trước, xưng niệm một câu A-di-đà Phật, phước đức này thắng vượt phước đức trước”.

Nam mô A Di Đà Phật là gì: Lời khai thị của Đức Phật A Di Đà

Năm xưa khi Nhất Biến Thượng Nhân nhập thất 100 ngày nơi Hùng Dã Điện; Bi tâm độ sanh khẩn thiết của Ngài đã cảm được đức Phật A Di Đà hiện thân khai thị: “Thệ Nguyện của ông thì không thể nghĩ bàn vì đã thương xót hết thảy chúng sanh, bằng cách khuyến khích họ tu một pháp niệm Phật. Đây là thiện căn tối thượng, Từ bi cực độ.

Tuy nhiên, ông đã phân biệt người tin hay không tin? Pháp hợp căn cơ hay pháp không hợp căn cơ? Vấn đề này thì trái với Bổn nguyện. Trong tương lai, khi Chánh pháp và Kinh điển tận diệt. Dựa vào đâu để phân biệt đức tin? Dựa vào đâu để phân biệt căn cơ? Bấy giờ chỉ căn cứ vào việc xưng niệm danh hiệu nhiều hay ít. Tùy theo niệm nhiều ít này mà tội chướng được trừ diệt tương xứng.

Hiện nay, Phật pháp đang phổ biến, mà người tin thì ít, người không tin thì rất nhiều. Xét hết thảy chúng sanh, đa phần chưa được nghe Phật pháp; Ngoài ra, còn có nhiều hạng người, như cô độc, hèn hạ, độc ác, bệnh tật…Huống gì đến thời điểm Chánh pháp và Kinh điển tận diệt thì như thế nào nữa?

*

Mong rằng, từ đây về sau, ông hãy lấy Trí tuệ gánh vác chúng sanh, lấy Từ bi để tự quản lý. Không kể người thanh tịnh hay cấu uế, người thiện hay ác, người tin hay nghi…

Tóm lại, không thể bàn về tâm chánh hay tâm tà. Bởi đã là tâm phàm phu dù thiện hay ác cũng nằm trong vòng mê, nên không thể dùng pháp tu căn bản (Giới, Định, Huệ) giúp họ ra khỏi sanh tử. Chỉ có xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật thì được vãng sanh mà thôi” (Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh).

Rất nhiều người có nhân duyên đọc được lời khai thị này đã đoạn hết nghi: Tin chắc mình “Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh”! Sau bao nhiêu năm ẩn tu, Thầy tôi đã khóc nửa ngày trong núi khi đọc được những lời khai thị này.

Nam mô A Di Đà Phật là gì: Là đường tắt ra khỏi sanh tử luân hồi.

Đại sư Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà chỉ dạy người chuyên tu niệm Phật. Quán Kinh Sớ của Ngài khuyến khích người nhất tâm nương tựa đức Phật A Di Đà; Để thuần nhất xưng niệm danh hiệu, nhằm xả bỏ những quán niệm vọng động của tâm. Nghĩa là:

Xả bỏ những tư duy về thiện – ác, tịnh – uế;

Xả bỏ những chấp trước về tin- nghi, mê – ngộ;

Xả bỏ các sự phân biệt Tăng – tục, trí – ngu.

Tất cả những quán niệm của tâm đều xả bỏ, chỉ duy nhất trú tâm vào một câu Nam mô A Di Đà Phật. Vậy nên:

Khi cảm ân hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật;

Khi xót thương bản thân, không cảm ân không hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật;

Khi tàm quý sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật;

Khi rất xấu hổ cho bản thân, không tàm quý không sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật;

Khi tâm thanh tịnh cũng Nam mô A Di Đà Phật, khi tâm tán loạn cũng Nam mô A Di Đà Phật.

Không kể thiện – ác, tội – phước; Không kể trí – ngu, mê – ngộ; Không kể tịnh – uế, tin – nghi; Không kể thời gian, nơi chốn, mọi công việc; Không kể mười phương, ba đời, thanh thoát tự tại, tánh linh sáng suốt để mà xưng niệm danh hiệu.  Bởi người nguyện sanh về thế giới ấy cần biết rõ: Danh hiệu tức tín tâm, tín tâm tức xưng danh hiệu. Xưng danh hiệu tức vãng sanh.

*

Trong danh hiệu vốn đầy đủ hết thảy công đức, còn hàng phàm phu hư vọng thì điều gì cũng không viên mãn, nên Đại sư Thiện Đạo khuyên buông xả chấp thủ Căn cơ và Chánh pháp, độc nhất nêu lên ngọn cờ “Thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà”. Ngài  nêu lên hai điểm trọng yếu:

1. “Gọi là Hoằng nguyện như Đại kinh dạy: “Hết thảy phàm phu dù thiện hay ác đều được vãng sanh, điều ấy không phải không nhờ vào năng lực đại nguyện của đức Phật A Di Đà làm Tăng thượng duyên hay sao!”

2 “Ở trước, tuy có trình bày về lợi ích của hai hạnh tu Định thiện và Tán thiện; Nhưng tâm ý chúng sanh hướng về Bổn nguyện đức Phật A Di Đà, thì chỉ thuần nhất chuyên xưng niệm danh hiệu của Ngài”.

Câu trước là phần khai tông xiển dương nghĩa lý, câu sau là phần chỉ rõ chỗ quy thú, tức phần kết luận, đầu – đuôi tương ứng, trước – sau nhất quán. Cũng tức là, hết thảy phàm phu thiện hay ác đều được vãng sanh thế giới Cực lạc, tất cả đều nương vào năng lực cứu độ của đại nguyện đức Phật A Di Đà.

Thế nên, Vãng Sanh Lễ Tán bảo: “Chỉ thực hành thuần nhất chuyên xưng niệm. Trên từ suốt đời, dưới đến mười niệm. Nhờ năng lực đại nguyện của đức Phật, không ai là không được vãng sanh. Niệm Phật vãng sanh được gọi là pháp dễ tu là như thế!!!”.(Theo Niệm Phật nhất định được Vãng sanh)

(Nam mô A Di Đà Phật là gì)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Đồ gia dụng bằng Tre – Cho cuộc sống thêm xanh

87 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog