Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả
Pháp Giới 8 tháng trước

Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả

Ma Ha Ca Diếp Tôn giả là Sơ Tổ, người nhận tâm truyền từ đức Phật Thích Ca. Ngài hiện vẫn còn sống và đang nhập định nơi núi Kê Túc, chờ đức Từ Thị xuất thế. Tôn giả là người nước Ma kiệt đà, thuộc dòng Bà la môn, mang thân hình sắc vàng. Khi gặp Phật, tôn giả xin xuất gia, mong độ các chúng sanh. Ngài được đức Phật gọi là đệ tử bậc nhất trong đại chúng.

  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Cách trị Bóng đè.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả
Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả

Một hôm, tại hội Linh Sơn, Phật cầm bông hoa Bát la sắc vàng nhìn đại chúng. Lúc ấy, mọi người đều lặng yên, duy một mình tôn giả thì nét mặt rạng lên mỉm cười. Phật bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, tâm nhiệm mầu niết bàn, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, đặc biệt truyền ngoài giáo lý, giao phó cho Ma ha Ca Diếp.” Phật còn đưa áo Tăng già lê vàng cho Tôn giả mà dặn rằng :”Hãy chuyển lại cho đức Phật Từ Thị (Danh hiệu của Bồ Tát Di Lặc khi thành Phật).”Tôn giả đáp lễ nói: “Xin vâng lời Phật dạy.” Về sau, tôn giả truyền pháp cho Ngài A Nan rồi mang tấm áo Tăng già lê đi vào núi Kê Túc nhập định, chờ ngày đức Phật Từ thị hạ sanh.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Ma ha” nghĩa là lớn, nên người ta còn gọi Tôn giả là Đại Ca Diếp. Thân hình của tôn giả sáng rực hào quang, át hết các thứ ánh sáng khác và dường như hào quang đó có khả năng hút trọn mọi nguồn sáng khác. Bất kể là thuộc nguồn sáng nào, ánh đèn, ánh mặt trời, mặt trăng, ánh sao v.v. hễ đến gần tôn giả thì đều bị lu mờ hết ! Bởi vậy Ngài còn được tôn xưng là “Ẩm Quang thị”, người uống ánh sáng. Nguyên do nào mà có hiện tượng đó ?

Ma ha Ca Diếp Tôn giả: Nhân lành tiền kiếp

Thuở xa xưa, sau thời đức Phật Tỳ Bà Thi nhập diệt. Có một ngôi chùa đổ nát kia, tháp thì nghiêng sụp, tượng Phật thì phơi lộ ra, mặc sức cho nắng mưa vùi dập. Lúc ấy có một cô gái nghèo, trông thấy cảnh chùa tang thương như vậy lấy làm xót xa. Cô lập nguyện xây chùa và giát vàng tượng Phật. Bởi cảnh nhà bần cùng, cô gái bèn đi các nơi xin cơm hóa duyên và dành dụm tiền mua vàng.

Trải qua mười năm hóa duyên như vậy, thấy số vàng dành dụm được có thể xây được chùa và trang nghiêm tượng Phật. Cô bèn đi kiếm một ông thợ có nghề làm vàng, nhờ ông ta giát vàng tượng Phật. Trước lòng chí thành của cô gái này, người thợ vàng dần thấy hảo cảm với nàng. Ông từ đó sẵn sàng bỏ công sức trang nghiêm tượng Phật mà không đòi tiền công phí nữa. Khi công tác hoàn thành, người thợ vàng cầu hôn với nàng rồi cả hai phát nguyện đời đời kết nghĩa vợ chồng; Cùng rủ nhau tu học, quy y tam bảo, xuất gia liễu đạo.

Tôn giả Đại Ca Diếp chính là người thợ vàng năm xưa. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn mà biết phát tâm trang nghiêm tượng Phật. Cho nên về sau, đời đời kiếp kiếp cả hai vợ chồng – Tỳ kheo ni Tử Kim Quang là tên hiệu của người vợ khi xuất gia – đều có thân hình một mầu vàng sáng.

Gặp Phật xuất gia nhận truyền Tâm ấn

Khi đức Thích Ca ra đời thì tôn giả Ca Diếp đương là một ông già tu ngọai đạo, có rất đông các đệ tử tin theo. Khi gặp Phật, tôn giả tự nhận thấy mình lầm đường, bèn xin bái Phật làm thầy, mặc dầu khi ấy tôn giả đã hơn 120 tuổi. Sau đó tôn giả xuất gia theo Phật, mong được độ hết thảy các chúng sanh. Trước mặt đại chúng Phật tôn xưng Ma ha Ca Diếp là đại đệ tử bậc nhất.

Một hôm tại núi Linh Thứu, Phật cầm một bông hoa Bát la mầu vàng ngước nhìn mọi người. Lúc bấy giờ chẳng ai biết đây là ý nghĩa gì, không biết nói ra sao cho phải, nên tất cả đều lặng yên. Duy có một mình tôn giả là mỉm cười. Dung mạo của tôn giả vốn là trang nghiêm, cử chỉ thì trịnh trọng, vậy mà ngay khi ấy, nét mặt tôn giả lại rạng ra tươi cười. Thấy tôn giả mỉm cười, Phật bảo:

“Nay ta có chánh pháp nhãn tạng, đó là tâm nhiệm mầu của Niết bàn, chẳng sanh, chẳng diệt, các vị nghĩ thế nào? Nó có hình tướng gì chăng? Không, nó là vô tướng; Các vị bảo nó chẳng có tướng gì ư ? Nó lại có hình tướng đó ! Cho nên thực tướng là vô tướng, chẳng chỗ nào là chẳng tướng. Đó là một pháp môn vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, văn tự không thể tả ra được. Lọai pháp môn mà nay ta chỉ dạy các vị là một thứ đặc biệt truyền thọ ngoài giáo điển và pháp môn đó ta đã truyền cho Ma ha Ca Diếp rồi !’

 Đại Ca Diếp Tôn Giả Phó Phật Niết Bàn

Theo Kinh Ca Diếp Phó Phật Niết Bàn: “Bấy giờ, Ca Diếp từ biệt Đức Phật, đi vào núi Y trà lê cách nước Xá vệ hai vạn sáu nghìn dặm. Núi ấy sản xuất nhiều thất bảo, quả ngọt, đủ thứ cây hương, nhiều loại cây thuốc, không thể tính hết. Cũng có kỳ lân, phụng hoàng, sẻ đỏ, đạo sĩ ngoại giáo. Bấy giờ, có khối đá vuông vức bằng phẳng, sắc óng vàng như lưu ly, ngang dọc rộng một trăm hai mươi dặm. Trên mặt đất mọc đầy cây lá ngũ sắc, xanh tốt suốt các mùa Đông, Hạ. Trước sau, Ma Ha Ca Diếp dạy dỗ một ngàn đệ tử, đều chứng được quả La hán. Thường ngồi trên tảng đá này tụng kinh hành đạo.

Cùng một đêm nọ, bảy đệ tử đều nằm mơ. Một Tỳ kheo mơ thấy chính giữa phiến đá bể nát, cây cối bật gốc. Một Tỳ kheo lại mơ thấy nước suối trong trẻo suốt bốn mươi dặm đều cạn kiệt, bông hoa đều rơi rụng. Một Tỳ kheo lại mơ thấy bên tòa Câu la nghiêng ngửa, sụp đổ. Một Tỳ kheo lại mơ thấy núi Tu di đổ xuống. Một Tỳ kheo lại mơ thấy vua Kim luân băng hà. Một Tỳ kheo lại mơ thấy mặt trời mặt trăng rơi rụng, mặt đất tối tăm.

Sáng mai thức dậy, mỗi vị đều đem giấc mơ bạch lại cùng Ca diếp. Ca diếp nói rằng: “Trước đây, chúng ta từng thấy sáng sủa mà đất còn chấn động. Các ông nằm mơ như thế, phải chăng Đức Phật sắp nhập diệt?” Lập tức bảo các đệ tử cùng trở về nước Câu di na.”

*

Lúc đức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, Ca Diếp không có mặt trong hội chúng. Phật bảo các đại đệ tử: “Khi nào Ca Diếp đến, dặn Ca Diếp tuyên dương chánh pháp nhãn tạng.” Lúc bấy giờ Ma Ha Ca Diếp đương ở trong hang Tân bát la, núi Kỳ xà quật, thấy một nguồn sáng rực, tức thời vào định, dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy đức Thế Tôn nhập niết bàn ở bên sông Hy liên. Tôn giả bảo các đồ chúng : “Như Lai vào niết bàn, mau quá vậy thay!” Tôn giả liền đi đến nơi hai cây, khóc rất là bi thiết.

Lúc ấy Ca Diếp bảo các tỳ kheo rằng: “Đức Phật đã trà tỳ, xá lợi kim cương chẳng phải việc của chúng ta. Việc chúng ta là kết tập pháp nhãn, không để cho nó bị tuyệt.” Tôn giả nói bài kệ rằng :  

Đệ tử Như Lai

Chớ vội niết bàn

Người có thần thông

Phải đến kết tập.  

Ca Diếp Tôn Giả vẫn còn sống

Hiện nay tôn giả vẫn còn sống trên thế gian đó! Ngài vào núi Kê Túc ở Vân Nam nhập định, chờ ngày đức Di Lặc hạ sanh, đặng có thể truyền lại tấm áo cà sa vàng cho Phật Di Lặc. Áo này nguyên là của chư Phật truyền lại cho nhau, nên đó là lý do tôn giả vẫn còn sống để chờ ngày ra đời của vị Phật tương lai. Vậy là tính từ ngày ấy đến nay trải qua 2, 3 ngàn năm, tôn giả hãy còn nhập định trong núi kê Túc! Hòa Thượng Hư Vân lúc còn sống từng đến núi Kê Túc, nơi Tôn giả nhập định, triều bái. Chuyện dưới đây được trích từ Biên Niên Tự Thuật của Ngài.

Linh dị Hư Vân Hòa Thượng triều bái Tôn giả Ma Ha Ca Diếp

Hòa Thượng kể: “.. Năm Quang Tự thứ 15(1889/90). Tôi không muốn ở lại Tây Tạng. Xuân đến, đi về hướng nam, qua Lạp Cát, Á Đông, là quan ải lớn nhất giữa Tây Tạng và Ần Độ. Tới nước Bất Ban, vượt bao núi cao vách đứng, không biết tên chi, hoặc gọi là Thông Lĩnh hay Tuyết Sơn. Đến thành Dương Bộ, lễ bái thánh tích Phật đà, rồi tới hải cảng Mãnh Gia Lạp. Vượt biển đi Tích Lan, lễ bái các thánh tích xong liền dùng thuyền đến Miến Điện, triều bái tháp Đại Kim; Qua Ma La Điện Cát Xá Lợi; Nơi đây có một tảng đá lớn kỳ dị, gọi là chỗ ngồi của tôn giả Đại Mục Kiền Liên, có rất nhiều người đến lễ bái…

Nguyện đầu tiên khi trở về nước là đi tham bái núi Kê Túc, nơi tôn giả Ma Ha Ca Diếp đang nhập định đợi Phật Di Lặc ra đời. Băng qua hồ Nhĩ Hải, hướng phía đông bắc mà đi, đến Hoán Sắc, Bá Đam, Bình Sa, Sơn Giác, miếu của An Bang Đại Vương; tới Linh Sơn nhất hội phường tức núi Kê Túc. Giữa núi là đất Ô Ca. Tương truyền lúc tôn giả Ca Diếp vào núi, có bảy vị vua đi theo hộ tống, không đành lòng trở về, ở tại đây tu hành, thành thần hộ pháp, tức miếu Đại Vương. Tôi đi thẳng lên chánh điện của núi; trong ngôi chánh điện có thờ tôn tượng tôn giả Ca Diếp. Tương truyền, khi tôn giả A Nan đến lễ bái thì cửa đá tự nhiên mở.

Cảm ứng Đạo hạnh bậc Chân Tu

Thánh cảnh trang nghiêm huyền diệu. Thạch đá tự biến thành cửa đá gọi là cửa Hoa Thủ. Ngài Ma Ha Ca Diếp đang nhập định bên trong. Cửa đá lớn tựa như cửa thành, cao cả vài trăm thước, rộng hơn trăm thước. Hai cánh cửa đều đóng nhưng đường lằn giữa hai cửa hiện rõ ràng. Hôm ấy, du khách cùng người địa phương dẫn đường đến rất nhiều. Lúc tôi dâng hương lễ bái, tự nhiên nghe âm thanh của ba tiếng đại hồng chung; người địa phương đều vui mừng lễ bái theo và nói:

“Hể mỗi lần có bậc dị nhân đến thì đều nghe tiếng chuông trống, mõ khánh vang lên. Chúng tôi đã từng nghe tiếng khánh mõ, mà chưa từng nghe tiếng đại hồng chung. Nay Sư Phụ đến đây lễ bái lại nghe tiếng đại hồng chung, chắc đạo hạnh của Ngài cao lắm.” Tôi cảm tạ không dám nhận lời tán tụng ấy.

Từ núi Lương Vương, Cửu Phong, đến huyện Vân Nam, qua núi Thủy Mục, Linh Thứu núi Tử Khê, tới phủ Sở Hùng, trú tại chùa Cao Đỉnh. Lúc vừa mới đến chùa, nghe mùi hương hoa lan bay khắp cả; vị tăng tri sự chúc mừng: “Thượng Tọa đến, vị thần hoa lan phóng ra hương thơm, thật là kỳ diệu. Trong gia phả của phủ viết rằng có vị thần hoa lan, vô hình dạng, nếu có cao tăng chân nhân đến thì phóng tỏa hương thơm. Nay mùi hương hoa lan bay đầy khắp núi, chắc là do âm đức của Thượng Tọa cảm nên vậy.”

Ma ha Ca Diếp Tôn Giả cứu nạn

Hòa Thượng Hư Vân kể: “…Năm Quang Tự thứ 33(1907/08) Tôi trú tại chùa Long Tuyền, giảng kinh Địa Tạng. Trong lúc giảng kinh, ông ta đến chùa gặp tôi, cúng dường ba ngàn đồng. Để xây điện thờ Đại Tạng kinh, cần phải có một số tiền cả hơn vài ngàn đồng. Trước khi ông lãnh sụ cúng dường, tôi chỉ quyên được chút ít thôi. Sau khi giảng kinh Địa Tạng xong, tôi lại tiếp tục giảng phẩm Phổ Môn. Thính giả có đến vài trăm vị.

Ngày nọ, khi đang ngồi thiền, tôi bỗng dưng nhập định, quên rằng mình đang giảng kinh. Tôi nhập định suốt bảy ngày. Tin này lan tràn cả thủ đô Xiêm La. Từ Quốc Vương, đại quan, cho đến thiện nam tín nũ, đều đến lễ bái. Sau khi xuất định, giảng kinh xong, Quốc Vương thỉnh tôi đến hoàng cung thiết lễ cúng dường, chí thành quy y. Quan thân sĩ thứ cùng dân chúng quy y tôi cả vài ngàn người.

Sau khi xuất định, chân tôi bị tê liệt, đi đứng không nỗi. Kế đến, toàn thân tê cứng như cây khô, không thể nói năng chi được. Ắn phải nhờ người đút. Chư hộ pháp mời bác sĩ đông tây đến chữa trị, châm cứu uống thuốc, nhưng vô hiệu quả. Thậm chí, miệng không nói được lời nào, mắt không thấy chi. Các bác sĩ đều bó tay chịu thua. Tuy vậy, thân tâm tự tại, không chút đau khổ, buông xả hết mọi việc, duy chỉ còn một việc chưa yên lòng là trong áo tôi còn một ngân phiếu, không ai biết cả.

 Cầu cứu Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp

Miệng không thể nói. Tay không thể viết. Lúc nhắm mắt, thân này được hỏa táng thì ngân phiếu đó chắc cũng sẽ bị đốt luôn. Đại Tạng kinh không thể đem về Vân Nam, điện các tại núi Kê Túc không thể kiến lập. Nhân quả này bút mực nào viết cho hết được. Nghĩ đến đó, nước mắt tuôn trào, thầm lặng cầu mong tôn giả Ma Ha Ca Diếp gia hộ.

Lúc ấy, có thầy Diệu Viên là pháp hữu tại núi Chung Nam thuở xưa, thấy tôi rơi lệ, miệng nhấp nháy, liền kê tai gần miệng để lắng nghe. Ra hiệu nhờ thầy đem trà cho tôi uống. Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Uống trà xong, thân tâm lắng trong, liền nhập mộng, thấy một lão tăng tướng mạo giống Ngài Ma Ha Ca Diếp, ngồi kế bên chỗ tôi nằm, lấy tay phải xoa đầu và bảo: “Nầy Tỳ Kheo! Y bát chớ để xa thân. Thầy đừng quá ưu sầu. Hãy lấy y bát lót đầu nằm, rồi mọi việc sẽ an lành!”

*

Nghe xong, tôi liền đưa tay lấy y bát làm gối nằm, rồi xoay đầu lại thì không thấy tôn giả Ma Ha Ca Diếp đâu cả. Lúc đó, toàn thân đều toát mồ hôi. Thân tâm khỏe khoắn, an lạc không lời chi diễn tả. Tôi lại nói được chút ít. Nhờ thầy Diệu Viên đến trước điện Hoa Đà cầu thuốc uống, nhưng chỉ được hai vị Mộc Trát và Dạ Minh Sa. Lúc ấy, mắt tôi mở ra chút ít, nói chuyện lại được. Lại cầu thêm một toa thuốc nữa, chỉ được vị Xích Tiểu Đậu. Lấy đậu nầy nấu với cháo mà ăn. Không được dùng thức ăn cứng. Ắn như thế hai ngày, đầu động đậy được đôi chút.

Lại cầu nguyện xin thuốc, vẫn là vị Xích Tiểu Đậu. Từ đó, lấy đậu này nấu với cháo mà ăn. Đại tiểu tiện đều thông. Ra phẩn đen ngòm. Từ từ, thân thể cảm giác đau chút ít. Có thể ngồi, và có thể đi. Bịnh tình như thế trước sau, trải qua hơn hai mươi ngày. Thật đa tạ đại chúng, đã mệt thân phí sức vì tôi. Thầy Diệu Viên ngày đêm túc trực lo lắng. Tôi thật cảm ân hết sức. Tôi lễ tạ Bồ Tát Hoa Đà; nguyện sau này sẽ xây cất điện già lam để thờ Ngài. Tôi lấy vài thẻ, tất cả đều được như ý.

(Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả)

Tuệ Tâm 2021.

  

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Lai lịch của Lương Hoàng Bảo Sám

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog