Lời phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ kinh điển
Pháp Giới 8 tháng trước

Lời phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ kinh điển

Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ là bánh lái của con thuyền niệm Phật hướng về Tây Phương Cực Lạc. Bởi tánh cách vô cùng trọng yếu của phát nguyện, nên chư Tổ sư đặc cách lưu lại một số bài văn Phát nguyện vãng sanh. Bởi sợ quý đồng tu nhầm lẫn giữa Phát nguyện và Khuyến tu, nên Tuệ Tâm trích đăng lại để cùng nhau gắng sức!

  • Tự lực và Tha lực niệm Phật.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ Quỷ
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
  • Bản nguyện niệm Phật – Trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
Lời phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ kinh điển
Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ

Cần hiểu đúng về lời Phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ 

Trong mỗi thời khóa Tịnh Độ, sau khi trì niệm, hành giả liền lễ Phật cầu chứng minh, rồi quỳ xuống đọc lời văn sám nguyện hồi hướng. Phần này rất quan trọng, vì là lúc dùng tâm niệm mình đem công đức đã tu quy hướng về nơi mình mong muốn. Như chiếc thuyền trôi đi, tuy do kẻ chèo hay động cơ thúc đẩy, nhưng nó đến tiêu điểm nào là bởi người lèo lái.

Phần phát nguyện của người tu Tịnh Độ, tức là giai đoạn dùng tâm niệm lái con thuyền niệm Phật hướng về Tây Phương. Nhưng có nhiều liên hữu không chú ý tới điểm này, lại tuyên đọc những bài văn có tính cách khuyến tu hơn là sám nguyện. Đại để như các bài: “Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh” hay “Cuộc hồng trần xây vần quá ngán”. Kiếp phù sinh tụ tán mấy lăm hồi” chẳng hạn. Đọc như thế là đã đi sai với nghi thức tu Tịnh Độ. Nay xin giới thiệu ra đây ít bài phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ của tiên đức khi xưa.

Về văn phát nguyện, có vị thích lời văn dài để nương theo đó mà sanh tâm khẩn thiết, có vị lại ưa lời văn ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa cầu sanh. Vì thế, bút giả xin chọn lựa hai bài theo tiêu chuẩn trên diễn dịch ra, để mong đáp ứng phần nào sở thích của hàng liên hữu.

Bài phát Nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ của Liên Trì Đại Sư

Cúi lạy phương Tây cõi An Lạc

Tiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,

Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanh

Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!

Nay con khắp vì, bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; Chuyên tâm trì niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành. Nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối.

Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp; Vô lượng vô biên, tội cấu đã gây; Vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo. Siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành chánh giác, thề độ chúng sanh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con.

Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật; Được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể; Tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ; Căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh; Viên giác tâm mầu, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền.

*

Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không tất cả, bịnh khổ ách nạn; Tâm dứt tất cả, tham luyến mê hoặc, các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh; Xả báo an lành, như vào thiền định. Phật A Di Đà, Quán Âm Thế Chí, cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn; Tay báu dắt dìu, lầu các tràng phang, nhạc trời hương lạ; Tây Phương cảnh Phật, bày hiện rõ ràng. Khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ Đề tâm. Bấy giờ thân con, ngồi đài Kim Cang, bay theo sau Phật; Khoảng khảy ngón tay, sanh vào sen báu, nơi ao Thất Bảo, ở cõi Tây Phương.

Rồi khi hoa nở, thấy Phật Bồ Tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng Vô Sanh Nhẫn; Giây phút lại đi, thừa sự chư Phật, nhờ ân thọ ký. Được thọ ký xong, ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông; Vô lượng trăm ngàn, môn Đà Ra Ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu. Từ đó về sau, không rời An Dưỡng, trở lại Ta Bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương; Dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sanh; Đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sanh Tây Phương, lên ngôi Bất Thối.

Nguyện lớn như vậy, thế giới không tận, chúng sanh không tận; Nghiệp và phiền não, thảy đều không tận, đại nguyện của con, cũng không cùng tận. Nay con lễ Phật, phát nguyện tu trì, xin đem công đức, hồi thí hữu tình; Bốn ân khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới chúng sanh, đồng thành chủng trí.

Bài Phát Nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ của Từ Vân Sám Chủ

Một lòng quy mạng, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh, soi chiếu thân con, dùng nguyện từ bi, mà nhiếp thọ con. Nay con chánh niệm, xưng hiệu Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: ‘Nếu chúng sanh nào, muốn về nước ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu ta, cho đến mười niệm; Như không được sanh, ta không thành Phật.’

Nay con nguyện nương, nhân duyên niệm Phật, được vào biển thệ, của đức Như Lai; Nhờ sức Thế Tôn, tiêu trừ các tội, thêm lớn căn lành. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ trước; Thân không bịnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào thiền định. Phật cùng Thánh chúng, tay bưng đài vàng, đến tiếp dẫn con. Trong khoảng sát na, con về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật; Được nghe Phật Thừa, tỏ thông Phật huệ, độ khắp chúng sanh, mãn Bồ Đề nguyện.

Xin đem công đức trì tụng này

Hồi hướng bốn ân và ba cõi

Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh

Đều sanh Cực Lạc thành Phật đạo.

Lời Phát Nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ cần Phải Khẩn Thiết

Ngoài hai bài văn trên, còn có bài văn sau đây mà trong quyển Phật Thất Nghi cho là xưa nay đã có rất nhiều linh cảm. Có vị đang lúc đọc lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ này, bỗng thấy các tướng lành; Có vị trong giấc mơ thấy Phật A Di Đà phóng quang chiếu soi. Những sự cảm ứng như thế rất nhiều, không thể thuật ra hết. Đây là bài nguyện văn ấy:

Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu; Trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di Đà; Một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân Phật, tướng tốt quang minh; Nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia; Thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.

Con nguyện lâm chung không chướng ngại,

A Di Đà đến rước từ xa.

Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu

Thế Chí kim đài trao đỡ gót.

Trong một sát na lìa ngũ trược,

Khoảng tay co duỗi đến liên trì.

Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn

Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.

Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Nhẫn,

Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.

Khéo đem phương tiện lợi quần sanh

Hay lấy trần lao làm Phật sự,

Con nguyện như thế Phật chứng tri.

Kết cuộc về sau được thành tựu.

Lời Phát nguyện cầu Vãng sanh Tịnh Độ

Nếu người dốt chữ, ký ức kém, không thể ghi nhớ dài dòng, nên khuyên dạy họ học thuộc lòng câu phát nguyện sau đây:

“Ngày… tháng… năm…, đệ tử… Nguyện đem công đức này cầu khi mãn phần được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc. Để trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh.”

Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ vắn tắt kèm theo ngày tháng năm như trên, có tác dụng gây ý thức mạnh; Khiến người niệm Phật lúc nào tâm tư cũng hướng về Cực Lạc, hằng nhớ đến sự vãng sanh. Chi tiết nhỏ này cũng là một phương tiện làm cho sức nguyện thêm mạnh mẽ bền chắc.

Phàm lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ, phải từ trong thâm tâm khẩn thiết nói ra. Nếu chỉ tùy tiện đọc cho xong, lòng không khẩn thiết, tất hạnh niệm Phật cũng khó chân thành. Ấn Quang pháp sư đã bảo: “Thành khẩn là yếu tố để đi đến nhất tâm bất loạn. Có một phần thành khẩn, tiêu một phần tội nghiệp, sanh một phần phước huệ. Có mười phần thành khẩn, tiêu mười phần tội nghiệp, sanh mười phần phước huệ.” Người xưa cũng nói: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai”; Ý nói: Sức thành khẩn hướng đến đâu, có thể chẻ núi phá vàng đến đó.

*

Sự quyết tâm có năng lực rất mạnh. Bút giả nhớ trong quyển sách nọ có kể chuyện một vị bác sĩ bên Pháp. Ông này tuổi trẻ góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải khuây. Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp, mới tỏ thật chuyện mình. Rồi xin cưới cô này làm vợ và được chấp thuận. Nhưng lúc chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô thị.

Người thợ rèn thấy con gái bụng ngày một lớn, mà chàng sở khanh tuyệt tích như cánh chim hồng. Nghĩ mình nhà nghèo thế yếu không thể kiện thưa. Bởi tức giận mỗi buổi chiều ông cầm búa đập vào tấm sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm phẫn hận. Nhưng ở đô thành cứ vào năm giờ chiều, vị bác sĩ nọ bỗng ôm đầu rên la, chữa trị đủ cách vẫn không khỏi.

Sau người bạn của bác sĩ trong lúc về thăm quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi tên bạn mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm ra biết nguyên nhân căn bịnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải đến xin lỗi và cưới cô gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bịnh vị bác sĩ mới khỏi.

*

Ấy tâm lực có sức mạnh vô hình như thế. Nếu ý thức câu chuyện trên mà chí tâm phát nguyện niệm Phật, lo gì không được sự cảm thông! Tóm lại, tín nguyện là huệ hạnh, niệm Phật là hành hạnh; Huệ hạnh như đôi mắt, hành hạnh như đôi chân. Chân và mắt phải nương nhau, nguyện cùng hạnh đều khẩn thiết, như thế mới đi đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới.

( Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ – Theo Niệm Phật thập yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tam Thân Phật là gì

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog