Lời Phật dạy về Hiếu đạo
Pháp Giới 11 tháng trước

Lời Phật dạy về Hiếu đạo

Đạo Phật lấy hiếu làm gốc và “Hiếu đứng đầu trăm hạnh”. Cho nên trước khi bạn đến Chùa lễ Phật hãy nhớ rằng: “Cha mẹ chính là hai vị Bồ Tát ở trong nhà”. Đây là Lời Phật dạy về Hiếu đạo căn bản nhất cho hết thảy chúng sanh.

Bởi thế Kinh Tăng Nhất A-hàm, Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Có hai pháp giúp cho người phàm phu đạt được công đức lớn – thành tựu quả báo to lớn, đó là: Một: Cung dưỡng cha mẹ; Hai: Cúng dường bậc Bồ-tát Nhất sanh Bổ xứ. Cung dưỡng hai hạng người này thì đạt được công đức lớn – thọ nhận quả báo to lớn.

Nếu lại có người đặt cha trên vai trái, để mẹ trên vai phải, đến ngàn vạn năm, mặc áo, ăn cơm, giường ghế đồ nằm, bệnh tật thuốc thang, ngay cả ở trên vai mà đại tiện tiểu tiện, hãy còn không thể nào báo ân được. Nên biết rằng ân đức sâu nặng của cha mẹ, luôn luôn phải cung dưỡng mong muốn giữ gìn không trái với thời tiết, hết lòng hầu hạ chu đáo-hiếu thuận không ngỗ ngược!”

  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Thế nào là Tự lực và Tha lực niệm Phật
  • 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Lời Phật dạy về Hiếu đạo
Lời Phật dạy về Hiếu đạo

Lời Phật dạy về Hiếu đạo

Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật dạy: Nuôi cơm một trăm người phàm tục, không bằng nuôi cơm một người tốt; nuôi cơm một ngàn người tốt, không bằng nuôi cơm một người giữ năm giới; nuôi cơm một vạn người giữ năm giới, không bằng nuôi cơm một vị Tu-đà-hoàn; nuôi cơm trăm vạn người Tu- đà-hoàn, không bằng nuôi cơm một vị Tư-đà-hàm; nuôi cơm ngàn vạn người Tư-đà-hàm, không bằng nuôi cơm một vị A-na-hàm; nuôi cơm một ức người A-na-hàm, không bằng nuôi cơm một vị A-la-hán; nuôi cơm mười ức người A-la-hán, không bằng nuôi cơm một vị Bích-chi- Phật;

nuôi cơm một trăm ức người Bích- chi-Phật, không bằng lấy giáo pháp của Tam Tôn độ cho cha mẹ một đời của mình; giáo hóa cha mẹ của ngàn ức người, không bằng cúng dường một vị Phật phát tâm nguyện cầu quả Phật, bởi vì phát tâm nguyện cầu của quả Phật là mong muốn cứu giúp chúng sanh vậy. Nuôi cơm người thiện đạt được phước đức sâu dày to lớn nhất; người phàm trần thờ kính Trời đất quỷ thần không bằng hiếu thuận với cha mẹ của mình, cha mẹ là vị thần bậc nhất vậy”.

*

Tổ Ấn Quang bảo, Phật dạy, Công đức cúng dường cha mẹ bằng với công đức cúng dường Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát”. Cha mẹ còn sống, phải khéo léo khuyên dụ trì trai, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Cha mẹ mất rồi, dùng công đức đọc tụng, tu trì của chính mình; Luôn chí thành hồi hướng cho cha mẹ ngõ hầu cha mẹ vĩnh viễn thoát khỏi ngũ trược, mãi mãi giã biệt sáu đường; Chứng Vô Sanh Nhẫn, đạt đến địa vị Bất Thoái, độ thoát chúng sanh đến tận cùng đời vị lai; Khiến mình lẫn người đều thành đạo Chánh Giác.

Có vậy mới chẳng giống với sự đại hiếu thông thường của thế gian. Hành đạo hiếu thì không còn gì lớn hơn được nữa, hết thảy các điều lành không gì chẳng thâu tóm. Nhưng đạo hiếu có thế gian, xuất thế gian, lớn, nhỏ, bổn, tích sai khác.

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Đạo hiếu thế gian

Tinh lực khí huyết một đời của cha mẹ, quá nửa đều là vì con cái mà hao tổn. Nhưng nếu xét theo những nỗi khổ như chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Cho đến bên ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, thì sự khó nhọc chịu đựng của người mẹ lại có phần nhiều hơn. Tự xét lại hình hài này quả thật đáng trách! Ta mang đến hệ lụy khó nhọc cho cha mẹ quá nhiều, mà báo đáp lo lắng cho cha mẹ lại quá ít.

Chúng ta từ vô số kiếp đến nay, nếu đong lường lượng sữa mẹ đã dùng ắt là nhiều hơn nước trong biển cả; Cho đến đại tiểu tiện làm nhơ nhớp trên thân cha mẹ, thật cũng nhiều hơn nước trong biển cả; Thậm chí những khi sinh ra rồi chết sớm khiến cho cha mẹ phải buồn đau than khóc. Nước mắt ấy cũng lại nhiều hơn nước trong biển cả.

*

Hết thảy những việc ấy, thảy đều do nơi sinh tử luân hồi, khiến chúng ta luân chuyển đầu thai qua nhiều kiếp sống. Ví như đời này sang đời khác đều có thể hết lòng hiếu thảo, đều có thể khiến cho cha mẹ vui lòng, cũng chẳng bằng là không làm khổ lụy đến cha mẹ.

Bởi thế, đạo hiếu thế gian là chăm nom, phụng dưỡng cho cha mẹ được yên ổn, đón trước ý khiến cha mẹ vui vẻ, cho đến lập thân hành đạo để dương danh hậu thế. Dù lớn nhỏ khác nhau nhưng đều là chuyện thuộc về mặt sắc thân; Dẫu cho đại hiếu ngút trời, rốt cuộc chẳng ích lợi gì cho tâm tánh, sanh tử của cha mẹ cả! Muốn hiểu rốt ráo về đạo hiếu tất phải biết về lời Phật dạy về Hiếu đạo xuất thế gian.

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Đạo hiếu xuất thế gian

Đạo hiếu xuất thế gian, xét về mặt Tích cũng giống như thế gian chăm nom, phụng dưỡng… cho đến lập thân dương danh, nhưng cái gốc là khiến cho cha mẹ huân tu đại pháp của Như Lai. Cha mẹ còn sống thì khéo léo khuyên dụ sao cho cha mẹ ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ăn chay ắt chẳng tạo sát nghiệp, vừa diệt được túc ương. Niệm Phật thì ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo.

Nếu quả thật tin sâu, nguyện thiết cầu sanh Tây Phương, ắt đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, gởi thân nơi chín phẩm sen. Từ đấy siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Mãi mãi xa lìa các khổ trong chốn Sa Bà, thường hưởng các sự vui trong chốn Cực Lạc.

Cha mẹ đã khuất bèn thay cha mẹ dốc sức tu Tịnh nghiệp, chí thành hồi hướng cho cha mẹ. Nếu tâm thật sự chân thiết, cha mẹ sẽ được lợi ích; Nếu chưa vãng sanh liền được vãng sanh. Nếu đã vãng sanh, phẩm sen sẽ cao thêm. Đã phát tâm được như thế thì sẽ tương ứng với bốn hoằng thệ nguyện, khế hợp Bồ Đề giác đạo; Há đâu chỉ riêng cha mẹ được lợi ích mà công đức thiện căn, phẩm vị đài sen của chính mình cũng sẽ cao siêu thù thắng! Huống lại dùng chính thân mình thuyết pháp khiến cho khắp mọi đồng luân cùng phát lòng hiếu thuận.

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Hiếu gọi là giới

Đạo hiếu ấy mới là thật nghĩa rốt ráo, chẳng phải như thế gian chỉ mong lợi lạc cho sắc thân và đời này; Bỏ qua tâm tánh và đời sau chẳng buồn bàn tới! Vì thế biết rằng đạo Phật lấy hiếu làm gốc. Do đó, kinh Phạm Võng dạy: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là Giới”.

Lại như trong các giới Giết – Trộm – Dâm – Dối, kinh đều nói phải sanh tâm từ bi, tâm hiếu thuận. Trong giới “Chẳng thực hành phóng sanh, cứu mạng”, kinh Phạm Võng dạy: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, đời đời chẳng lúc nào ta chẳng sanh ra từ họ. Vì thế lục đạo chúng sanh đều là cha mẹ ta, giết chúng sanh để ăn thịt chính là giết cha mẹ mình”.

Bởi thế mới nói đạo Hiếu của Phật giáo gồm khắp tứ sanh lục đạo từ vô thỉ trước đến tận vị lai sau. Chẳng thể đem chuyện chỉ biết một đời một thân ra so sánh được. Biết vậy rồi mà chẳng kiêng giết phóng sanh, ăn chay niệm Phật thì làm sao trọn hết được đạo hiếu chí cực không chi hơn được nữa đây?

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Cần hiểu đúng về hiếu của người Xuất gia

Tổ Ấn Quang bảo: “Hàng Thích Tử chúng ta mới lấy việc thành đạo lợi sanh làm cách báo ân tối thượng. Chẳng những báo đền cha mẹ nhiều đời, mà còn báo đáp hết thảy cha mẹ trong tứ sanh lục đạo từ vô lượng kiếp. Chẳng những chỉ hiếu kính khi cha mẹ còn sống mà còn phải độ thoát linh thức của cha mẹ khiến họ được vĩnh viễn thoát khỏi khổ luân hồi, thường trụ Chánh Giác. Bởi thế mới nói: Đạo hiếu của nhà Phật ẩn mật khó sáng tỏ ra vậy!

Tuy nhiên, đạo hiếu của thế gian lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu. Như đạo Thích từ biệt cha mẹ đi xuất gia, có phải là chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ chăng? Không phải thế! Phật chế định: Xuất gia phải thưa cùng cha mẹ. Nếu có anh em, con cháu để gởi gắm cha mẹ mới được bẩm thỉnh với cha mẹ. Cha mẹ có đồng ý mới được xuất gia. Nếu không, chẳng chấp thuận cho kẻ ấy được xuống tóc.

Sau khi xuất gia xong. Nếu như anh em gặp biến cố, cha mẹ không chỗ nương nhờ, người xuất gia cũng được phép chia sớt y bát để phụng dưỡng song thân. Vì thế, mới có gương thơm hiếu dưỡng với mẹ của ngài Trường Lô Trách; Chuyện lạ chôn cha của ngài Đạo Phi.

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Gương Trường Lô Trách Thiền sư

Ngài Trường Lô Trách thiền sư đời Tống, người xứ Tương Dương. Lúc nhỏ mồ côi cha, mẹ họ Trần, được bảo bọc nơi nhà cậu. Đến lúc lớn, sư thông suốt sách vở thế gian. Năm 29 tuổi xuất gia, hiểu sâu xa yếu chỉ nhà Thiền. Sau trụ trì chùa Trường Lô, đón mẹ về ở phòng phía Đông phương trượng. Ngài khuyên mẹ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ suốt bảy năm trời. Bà mẹ niệm Phật qua đời.

Thiền sư Trương Lô Trách noi theo khuôn phép trước đây của Đại sư Tuệ Viễn mà thành lập Hội niệm Phật. Ngài lấy tên hội là “Thắng hội Liên Hoa”, rộng khuyên hết thảy mọi người cùng nhau niệm Phật. Một đêm, thiền sư nằm mộng thấy có người thiếu niên mặc áo trắng, đội khăn đen; Phong thái thanh cao, diện mạo tuấn tú, chắp tay thưa rằng: “Tôi muốn được vào Thắng hội Liên Hoa của ngài, xin ghi tên.”

Thiền sư hỏi tên, người ấy đáp: “Phổ Tuệ.”

Sau khi ghi tên rồi, lại nói: “Anh tôi là Phổ Hiền cũng xin ghi tên.”

*

Thiền sư tỉnh dậy lấy làm lạ. Chợt nhớ lại trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế gian có hai vị Bồ Tát. Bồ Tát Phổ Tuệ liên tục đưa ra hàng trăm câu hỏi. Bồ Tát Phổ Hiền đều nhất nhất giải đáp. Thiền sư thầm nghĩ: “Các vị đều là Đại Bồ Tát, Hội này làm sao lại nhận được sự tham gia vô tướng của quý ngài?” Sau đó liền ghi tên hai vị lên đứng đầu trong Hội.

Đại sư Liên Trì nói về việc này như sau: “Phàm tăng lập hội, Bồ Tát tham gia. Lành thay! Cho nên biết rằng pháp Tịnh độ không phải nhân duyên nhỏ nhặt. Phải tin chắc rằng khi sự việc xuất phát từ tâm chân thành ắt có thể có sự cảm thông linh ứng, hoàn toàn không phải do gượng ép suy diễn.

Ngài Đạo Phi chôn cha

Đạo Phi thuộc hoàng tộc nhà Đường, người Trường An, mới vừa đầy năm, cha bỏ mình vì việc nước. Bảy tuổi xuất gia, đời loạn lạc, gạo thóc đắt đỏ; Sư bèn cõng mẹ vào Hoa Sơn, tự nhịn ăn, khất thực nuôi mẹ. Năm sau, sư đến chiến trường Hoắc Sơn, thu nhặt xương trắng. Kế đó chí thành tụng niệm kinh chú, cầu tìm được xương cha. Mấy ngày sau, xương cha trồi lên giữa đống xương, hiện ngay trước mặt ngài Đạo Phi. Ngài bèn bọc lấy xương tàn, ôm về chôn cất...

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Khổ lụy đến 5 người mẹ

Theo kinh Ngũ mẫu tử: “Xưa có chú sa di, năm 7 tuổi đã xin mẹ xuất gia học đạo. Chuyên cần tu tập, đến năm 8 tuổi chứng được đạo quả, thấy biết việc đời trước. Nhân khi nhìn thấy việc đời trước liền than rằng:

“Chỉ một thân này của ta mà làm khổ lụy đến 5 người mẹ! Trong đời thứ nhất, khi ta ra đời thì bên nhà hàng xóm cũng có người sinh con. Ta lại chết sớm, mẹ ta nhìn thấy con của người hàng xóm trưởng thành mà đau buồn khổ sở.

Qua đời thứ hai ta sinh ra chưa được bao lâu thì chết. Mẹ ta mỗi khi nhìn thấy người khác cho con bú thì lại nhớ đến ta, đau buồn khôn xiết. Sang đời thứ ba, ta được 10 tuổi thì chết. Mẹ ta mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi ăn uống thì lại nhớ đến ta, đau khổ vô cùng.

*

Sang đời thứ tư, ta chưa đến tuổi lấy vợ thì đã chết. Mẹ ta mỗi khi nhìn thấy những người bằng tuổi ta cưới vợ thì lại nhớ ta mà sinh tâm đau buồn.

Nay là đời thứ năm, ta vừa được 7 tuổi đã xin xuất gia học đạo, mẹ ta ở nhà nhớ mong, lại cũng sinh tâm đau buồn. Cả năm người mẹ đều giống nhau ở một điểm là đau buồn sầu khổ vì mong nhớ ‘con của tôi’. Đều nói rằng mình bị “mất con” mà sinh tâm bi thương buồn khổ không thôi. Ta quán xét cõi luân hồi sinh tử thật mê lầm như thế, phải chuyên cần tinh tấn tu tập Chánh đạo để thoát ra.”

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Báo hiếu như thế nào là rốt ráo

Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân:

Ðiều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng.

Cực đến đâu bền vững chẳng lay. 

Thứ tư ăn đắng uống cay. 

Ðể dành bùi ngọt đủ đầy cho con. 

Ðiều thứ năm lại còn khi ngủ. 

Ướt mẹ nằm, khô ráo con lăn. 

Thứ sáu bú sữa nhai cơm. 

Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê.. 

Lần nào đọc đến đoạn này tôi cũng thấy cay cay nơi khóe mắt. Cảm phận mình nghiệp nặng chướng sâu, đã quá nửa đời người, mà đôi lúc vẫn để mẹ cha lo lắng… ” Hiếu đứng đầu trăm hạnh”. Người đời chẳng biết ruộng phước màu mỡ là đây, tích đức là ở đây, mà tổn đức cũng là ở đây.

Chúng ta cũng nghĩ về Cha mẹ, tổ tiên, cũng muốn cầu siêu, làm lành, hồi hướng cho thân nhân trong sáu nẻo, nhưng phải biết hiếu này còn hữu hạn. Hiếu vô hạn thì phải nên nghe Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy: “Chỉ nên phát đại nguyện, tu pháp xuất thế. Nếu như đạo thành quả mãn thì phước chẳng những ảnh hưởng đến chín đời tổ tiên mà kẻ oán người thân trong bao kiếp cũng nhờ đó được giải thoát.” Như vậy, nếu chỉ theo những phương cách của thế tục thì dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể báo đáp được hết công ơn cha mẹ!

Báo hiếu cho người đã khuất

Kinh Thi có câu: “Muốn báo đáp hết ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức ấy thật mênh mông rộng lớn như trời cao không cùng tận.” Quả thật, con cái báo đáp công ơn cha mẹ, bất luận như thế nào, liệu có thể vượt quá trời cao được chăng?

Kinh Địa Tạng, Bồ Tát bảo đại ý: “Những người vừa mới qua đời, thần thức trong trạng thái trung ấm giống như hôn mê; Phía trước không thấy ánh sáng, nhìn quanh không có ai là bạn bè thân thích. Trong khoảng thời gian 7 tuần thất; Mỗi tuần thất là 7 ngày, cả thảy 49 ngày, luôn ở trong tâm trạng kinh khiếp sợ hãi. Nỗi khổ ấy thật khôn lường. Lúc nào cũng hướng đến những người thân nơi dương thế, cầu mong họ làm điều phước thiện hồi hướng cho mình để giảm bớt tội lỗi.”

*

Vì thế, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, không chỉ lo cho thi hài được có nơi an táng chu đáo; Mà còn phải lo sao cho thần thức người quá cố được có chỗ quay về nương dựa an ổn nữa. Ví như hạt đào hạt mận, có thể dùng để tiếp nối sinh sản không dứt chính là nhờ nơi cái nhân bên trong.

Người đời nay chỉ biết lo việc chí thành phụng dưỡng cha mẹ lúc sinh tiền, an táng chu đáo lúc qua đời. Không biết đến việc lo cho thần thức cha mẹ có chỗ quay về nương dựa an ổn. Như vậy há chẳng phải là chỉ lo giữ gìn bảo vệ phần vỏ bên ngoài mà lại vứt bỏ đi cái nhân bên trong rồi sao? Xin trích dẫn đôi ba câu chuyện về báo hiếu cho người đã khuất.

Tu sám Pháp tìm được mẹ

Đời nhà Tống có người tên Chu Thọ Xương, là con của quan Hình bộ Thị Lang Chu Tốn. Mẹ ông xuất thân từ gia tộc thấp hèn. Năm Thọ Xương lên 7 tuổi, Chu Tốn đến trấn nhậm vùng Ung châu, sắp đặt cho mẹ ông kết hôn với người khác trong dân gian. Đến khi ông lớn lên không có mẹ, buồn thương không dứt, cuối cùng từ bỏ chức quan để đi tìm mẹ.

Tìm khắp bốn phương, trải qua nhiều gian khổ mà vẫn không gặp được mẹ. Chu Thọ Xương trích huyết chép một bộ Thủy Sám. Lại khắc bản in lưu hành khắp nơi, ngày đêm thường trì tụng bộ sám ấy không ngừng nghỉ.

Sau ông đi đến Đồng Châu, bỗng nhiên được gặp lại mẹ. Mẹ con ôm nhau khóc, người đi đường ai nấy nhìn thấy đều cảm động. Ông liền đón mẹ về nhà phụng dưỡng. Không bao lâu sau ông lại ra làm quan, nhận chức Tư nông Thiếu khanh. Hàng trí thức đương thời rất nhiều người đem chuyện của ông viết lại thành truyện để lưu truyền. Trích huyết chép sám pháp, lại ngày đêm trì tụng, thật chí thành biết bao! 

Tích âm đức cho Cha mẹ

Lâm Thừa Mỹ người ở Phúc Kiến, mồ côi cha từ thuở bé. Người mẹ ở vậy thủ tiết thờ chồng, vất vả nuôi con. Thừa Mỹ lớn khôn ngày đêm buồn khổ than khóc, không biết làm cách nào để báo đáp công ơn cha mẹ. Nhân có một vị thiền sư bảo ông rằng: “Người con hiếu thảo nghĩ đến công ơn cha mẹ, buồn khổ khóc lóc cũng chỉ vô ích thôi. Phải tìm cách báo đáp mới được.”

Rồi lại dạy rằng: “Làm việc thiện thì cha mẹ được lợi lạc, làm việc xấu ác thì cha mẹ phải buồn lo. Kẻ làm con muốn báo đáp công ơn cha mẹ, nên tự mình tránh việc giết hại; Cứu vật phóng sinh, rộng tích âm đức, như vậy có thể báo đáp được công ơn cha mẹ.”

Thừa Mỹ nghe lời tỉnh ngộ, từ đó phát nguyện giới sát phóng sanh, rộng làm nhiều điều phước thiện. Sau ông sống thọ đến 96 tuổi. Bình sinh trong việc khoa bảng cũng từng đỗ đầu ở Phúc Kiến.

Lời Phật dạy về Hiếu đạo: Thay cho lời kết

Ở đời có người khéo biết cách hiếu thuận, lại cũng có người không biết cách hiếu thuận. Nếu mình hết sức chí thành và có thể làm cho cha mẹ thật sự nhận được sự lợi lạc: Như vậy gọi là khéo biết cách hiếu thuận. Nếu mình cũng hết sức chí thành nhưng không thể làm cho cha mẹ thật sự nhận được sự lợi lạc: Như vậy gọi là không biết cách hiếu thuận.

Nếu lấy sự buồn đau khóc lóc mà gọi là hiếu thuận. Như thế thì ví như có khóc đến hai mắt tuôn lệ thành sông, liệu có ích lợi gì cho cha mẹ chăng? Nếu lấy việc mặc áo vải thô để tang cha mẹ mà gọi là hiếu thuận. Như thế thì ví như có gom những tang phục bằng vải thô đó thành núi lớn; Nằm ngồi đều ở trong đó, liệu có ích lợi gì cho cha mẹ chăng?

Cho nên, những việc như khóc thương hay để tang cha mẹ chỉ là phương cách để người con hiếu biểu lộ tình cảm đối với cha mẹ. Còn nếu thực sự muốn báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, ắt phải dùng theo cách thiền sư đã chỉ dạy như trên. Không thể dựa vào những hình thức thường tình của thế tục mà rốt ráo được.

(Lời Phật dạy vê hiếu đạo – Theo Ấn Quang Văn Sao)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tưởng niệm 18 năm ngày Ni trưởng Thích nữ Như Bổn, viện chủ chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận) viên tịch

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog