Ác khẩu tức là lời nói thô ác. Lời này thường được người ta nói ra trong cơn tức giận. Tuôn sổ một tràng cho sướng miệng mình, cho hả cơn giận, mà chẳng biết rằng: Những lời thô ác ấy như con dao bén nhọn hai đầu. Một đầu đâm sâu vào tâm thức của người nghe, gây nên những tổn thương không thể hàn gắn; đầu còn lại đâm thẳng vào chính mình, phá sạch âm đức và phước báu của mình. Bởi thế nên kẻ ác khẩu chịu cái hoa báo thân miệng hôi tanh, thường xông ra mùi xú uế, ít người dám đến bên thân cận; hậu báo đọa trong loài quỷ có miệng thường phun ra lửa.
Phàm phu hừng hực lửa nóng giận thường bốc cháy, gặp duyên dấy lên chướng ngại xúc cảnh phát sinh giận dữ. Vì lẽ đó mở lời giận dữ, miệng buông lời ác tự đốt cháy tâm can, lại làm tổn hại mọi người đau đớn hơn bị dao cắt. Do đó, kinh nghiệp Báo Sai Biệt dạy:
Lời thô làm người ta phiền muộn,
Thích nói điều xấu ngầm người ta,
Cố chấp ngang bướng khó điều phục,
Sanh trong ngạ quỷ miệng phun lửa”.
Lại có người chửi mắng người xong bèn ngụy biện: “Khẩu xà tâm Phật”, ý muốn bảo rằng tuy lời nói ác nhưng tâm không ác. Xin thưa không có chuyện ấy đâu! Lời ấy chỉ để dối gạt kẻ yếu thế mà thôi. Bởi tâm Phật là tâm từ bi, là tâm Bồ đề, là tâm thương xót chúng sanh như con đẻ…Tâm ấy để cứu khổ ban vui, làm gì có chuyện nói ra lời xấu ác cho được?
- Quả báo tội ngoại tình.
- Khẩu nghiệp là gì.
- Ngạ quỷ là gì.
- Kinh Pháp Diệt Tận.
- Ngũ Ấm Ma là gì.
- Tam tịnh nhục là gì.
- 12 Loại quả báo của chúng sanh.
Lời Phật dạy về Ác Khẩu
Luận Địa Trì nói: “Tội lỗi của ác khẩu cũng làm cho chúng sanh rơi vào ba đường ác. Nếu sanh trong loài người thì gặp phải hai loại quả báo: Một là thường nghe thấy âm thanh dữ dằn. Hai là những lời nói thích hợp luôn luôn phát sinh tranh cãi.
Tại sao ác khẩu lại rơi vào địa ngục? Bởi vì ác khẩu đều muốn làm hại người ta, người nghe trở thành khổ sở, cho nên mạng chung nhận chịu khổ báo của địa ngục.
Tại sao ác khẩu sanh ra làm súc sanh? Bởi vì ác khẩu mắng nhiếc người ta cho là súc sanh, vì vậy thoát khỏi địa ngục thì làm súc sanh.
Vì sao ác khẩu lại làm ngạ quỷ? Bởi vì sự keo kiệt làm xúc phạm đến thì mắng nhiếc, cho nên khổ báo của súc sanh kết thúc lại làm ngạ quỷ.
Vì sao ác khẩu làm người mà thường nghe thấy âm thanh dữ dằn? Bởi vì sự phát ngôn thô lỗ mà nghe thấy thường dữ dằn. Vì sao ác khẩu mà những lời nói luôn luôn phát sinh tranh cãi? Bởi vì ác khẩu trái ngược với những phẩm đức, có những lời nói thường dẫn đến tranh cãi…”
*
Trong Tứ Phần Luật, Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Người bình thường muốn có những lời nói, thì nên nói lời tốt lành, không nên nói lời tệ hại. Nói lời tốt lành là thân thiện, nói lời tệ hại thì tự sanh ra phiền muộn bực bội. Vì vậy này các Tỳ kheo! Súc sanh bị người bới móc hãy còn tự mình hổ thẹn không thể không dốc sức tiến lên; huống là đối với người bị người khác hủy nhục mà có thể không có lòng hổ thẹn hay sao?” Do đó trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người ác khẩu mắng nhiếc bới móc đủ loại, thì tùy theo lời nói mà nhận chịu báo ứng”.
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Thà dùng kiếm sắc cắt đứt lưỡi của mình, chứ không vì lời nói thô ác mà chịu rơi vào ba đường ác”. Luận Trí Độ bảo: “Hoặc có ngạ quỷ đời trước ác khẩu, thích dùng lời thô lỗ nói với mọi chúng sanh; chúng sanh đều ghét bỏ, thấy giống như kẻ thù. Bởi vì tội lỗi này nên vào trong ngạ quỷ”.
Luận Trí Độ nói: “Lúc ấy có một con quỷ đầu giống như đầu heo; giòi bọ hôi thối từ trong miệng sinh ra, thân có ánh sáng màu như vàng. Con quỷ này đời trước làm Tỳ kheo, ác khẩu mà mắng nhiếc Tỳ kheo nơi khác đến. Bởi thân giữ giới thanh tịnh cho nên thân có ánh sáng; miệng có nói lời tệ hại cho nên giòi hôi thối từ trong miệng sinh ra”.
Ác khẩu chịu quả báo đọa tam đồ
Theo Kinh Hộ Khẩu: “Thời Đức Như Lai Ca Diếp xuất hiện ở thế gian, giảng thuyết chánh pháp giáo hóa chúng sanh, giáo hóa đã chu toàn, đi vào cảnh giới Vô dư Niết bàn mà nhập Niết bàn. Thời gian sau có Tỳ kheo thông suốt tam Tạng giáo pháp, tên gọi là Hoàng Đầu, chúng tăng bày tỏ rằng: Tất cả mọi việc không để cho thầy phải bận lòng. Chỉ cần Thầy giảng giải những pháp vi diệu cho những người hậu học.
Lúc ấy Tỳ kheo này khởi tâm kiêu mạn. Ông ta lúc giải thích nghĩa lý trong kinh cho hàng hậu học, thường gọi đồ chúng rằng: Đầu voi mau tiến lên trước! Những người sau thường gọi: Đầu ngựa! Lại gọi đầu lạc đà, đầu lừa, đầu heo, đầu dê, đầu sư tử, đầu cọp…! Như vậy gọi chủng loại của các loài thú không thể nào kể hết. Tuy giảng dạy nghĩa lý trong kinh nhưng gieo khẩu nghiệp cực nặng.
Lúc thân hoại mạng chung vào trong địa ngục, trải qua mấy ngàn vạn kiếp nhận chịu vô lượng khổ đau. Tội lỗi khác chưa hết, từ địa ngục thoát ra sanh trong biển lớn, làm thân cá một thân có trăm đầu, hình thể rất lớn; loài khác trông thấy thảy đều bỏ chạy”.
Quả báo ác khẩu vô cùng kinh sợ
Theo Kinh Xuất Diệu: “Thời Đức Phật tại thế, Tôn giả Mãn Túc đến cảnh giới ngạ quỷ. Ngài thấy một ngạ quỷ hình trạng xấu xí khó coi; Thân phát ra ngọn lửa hừng hực, giống như đống lửa lớn; miệng sinh ra giòi bọ, máu mủ chảy đầy; mùi hôi thối không thể đến gần. Thân thể ngang dọc một do tuần, thường lấy tay tự cào cấu, cất tiếng gào khóc, chạy khắp mọi nơi. Thật vô cùng khốn khổ.
Mãn Túc trông thấy bèn hỏi: Ông gây ra tội lỗi gì mà nay chịu khốn khổ như vậy?
Ngạ quỷ thưa rằng: Xưa con xuất gia mà tâm còn tham đắm. Thường cậy thế mình dòng họ cao sang mà buông lời xấu xa tệ hại. Nếu thấy Tỳ kheo tinh tiến trì giới, thì trừng mắt mắng nhiếc làm nhục họ; hoặc gây chuyện rắc rối ác hiểm cho họ, cho nên chịu khốn khổ như vậy. Mong Tôn giả trở về cõi Diêm phù đề, đem hình trạng của con để khuyên nhủ các Tỳ kheo: Gắng giữ gìn lỗi lầm do miệng, đừng tùy tiện nói năng. Thấy người trì giới nên cung kính hoan hỉ, chớ buông lời xấu ác.
Từ khi con nhận chịu hình trạng ngạ quỷ này đến nay đã mấy ngàn vạn năm, thường chịu nỗi đau khổ này. Sau này mạng chung sẽ vào chốn địa ngục. Nói lời này xong, gào khóc rạp mình sát đất. Đây là vì lỗi lầm của miệng khiến phải chịu khổ báo như vậy”.
Năm trăm đời chịu ác báo hôi hám bẩn thỉu
Theo Kinh Bách Duyên: “Có người vợ Trưởng giả vào lúc mang thai, thân thể hôi hám bẩn thỉu; đủ ngày tháng sanh đứa con gầy còm ốm yếu; trên thân luôn xuất hiện phân dơ. Đứa bé lớn lên chỉ ham thích phân dơ. Cha mẹ bà con thân thích ghét bỏ không muốn trông thấy. Họ thường đuổi ra ngoài, không cho sinh hoạt trong nhà. Đứa trẻ ở ngoài thường chỉ thích bốc phân ăn. Bởi thế mọi người đặt cho tên gọi là Giãm Bà La.
Giãm Bà La về sau gặp Phật và xuất gia đắc quả La Hán, kể lại nghiệp duyên của mình: “Vào thời quá khứ có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Câu Lưu Tôn. Ông ta xuất gia làm chủ chùa. Một hôm có thí chủ giặt rửa cho chúng Tăng xong, lại dùng dầu thơm xoa trên thân thể chúng Tăng. Trong số Tăng ấy có một La Hán ẩn mình. Chủ chùa trông thấy cảnh ấy liền giận dữ mắng nhiếc chúng Tăng:” Ông là người xuất gia sao lại dùng dầu thơm xoa ướp thân thể? Trông thật giống như dùng phân người bôi trên thân thể các ông.
La Hán thấy Ông ta gieo đại ác nghiệp liền thương xót hiện bày thần thông. Chủ chùa thấy vậy liền sám hồi tội lỗi, nguyện xin trừ diệt lỗi lầm.
Bởi vì sự mắng chửi tệ hại này, trong năm trăm đời thân thường hôi hám bẩn thỉu, không ai dám đến gần. Nhờ xưa kia hướng về sám hối La Hán kia, cho nên nay được gặp Phật mà xuất gia đắc đạo. Vì thế cho nên chúng sanh cần phải giữ gìn khẩu nghiệp đừng mắng nhiếc làm nhục lẫn nhau”.
Nghiệp báo ác khẩu: Con cá 500 đầu
Theo Kinh Hiền Ngu: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, cùng với các Tỳ kheo đi về thành Tỳ Xá Ly. Đến sông Lê Việt, thấy người đánh cá giăng lưới bắt được một con cá, thân có trăm đầu; có năm trăm người kéo nhưng không ra khỏi dòng nước. Lúc ấy bên sông có năm trăm người đang cùng nhau chăn trâu, liền nhờ kéo giúp cá lên bờ. Cả ngàn người hợp sức mới kéo ra khỏi dòng nước được; trông thấy mà kinh ngạc vô cùng, mọi người tranh nhau đến xem. Đức Phật cùng với các Tỳ kheo đi đến chỗ con cá kỳ lạ.
Đức Phật hỏi cá rằng: Người dạy bảo cho ông nay ở nơi nào?
Cá trả lời Đức Phật rằng: Trong địa ngục A Tỳ.
A-nan thấy rồi thưa hỏi về nhân duyên ấy. Đức Phật bảo với A-nan: Vào thời Phật Ca Diếp, có Bà- la-môn sanh được một bé trai, tên là Ca Tỳ Lê, thông minh hiểu biết đa văn bậc nhất.
*
Sau khi cha mất người mẹ hỏi con rằng: Con thông minh hơn người. Không biết thế gian có thể có ai còn hơn con nữa hay không?
Người con trả lời: Sa môn là bậc thù thắng, trí của con không thể nào bằng được.
Bà mẹ liền nói: Nay con sao không học tập pháp đó?
Người con trả lời: Nếu muốn học tập thì phải làm Sa môn. Nay con là Bạch y, làm sao có thể học được?
Bà mẹ nói: Nay con tạm thời có thể giả làm Sa môn, học thông suốt rồi trở về nhà.
Người con nghe lời mẹ chỉ bày liền làm Tỳ kheo, trải qua một thời gian ngắn liền học hỏi thông suốt ba tạng giáo pháp. Khi con trở về mẹ hỏi: Nay có thể thắng được Sa Môn chưa?
Người con trả lời: Hãy còn chưa thắng được.
Bà mẹ liền bảo: Từ nay trở đi, nếu cùng bàn luận với người. Nếu liệu không thắng được thì có thể mắng chưởi làm nhục họ, con sẽ thắng. Người con nghe lời mẹ chỉ bày. Về sau hễ anh ta tranh luận không thắng thì mắng nhiếc rằng: Sa môn các ông ngu ngốc không biết gì, đầu giống như đầu thú.
Bởi vì mắng nhiếc như vậy cho nên nay nhận chịu thân loài cá này, một thân trăm đầu.
Vì nhân duyên này, nghiệp của thân khẩu ý không thể nào không cẩn thận”.
Ác Khẩu: Chuyện Tôn giả Tu Bồ Đề
Theo Kinh Bách Duyên: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới thành Phật, liền muốn giáo hóa các Long Vương. Ngài đến chân núi Tu Di, hiện ra hình tường Tỳ kheo ngồi yên định. Lúc ấy có chim chúa cánh vàng, vào trong biển lớn bắt một con rồng nhỏ, trở về đỉnh Tu Di để ăn thịt. Lúc con rồng nhỏ kia mạng sống hãy còn chưa chấm dứt; từ xa trông thấy Tỳ kheo ngồi nghiêm trang tư duy, bèn chí tâm cầu cứu.
Trong chốc lát rồng mạng chung, đầu thai vào nhà Bà-la-môn ở nước Xá Vệ, tên gọi là Phụ Lê. Đứa trẻ sinh ra đoan chánh tuyệt vờ,i hiếm có ở thế gian; vì vậy đặt tên gọi là Tu Bồ Đề. Tu Bồ Đề trưởng thành thông minh trí tuệ, không có ai sánh kịp, nhưng tánh tình rất dữ dằn. Hễ mắt nhìn thấy người và súc sanh, thì lập tức giận dữ mắng nhiếc. Cha mẹ thân thuộc đều cùng nhau chán ghét lo sợ, không có ai thích gặp mặt.
Về sau ông ta bỏ nhà đi vào trong chốn núi rừng. Tuy ở nơi thanh u nhưng hễ trông thấy chim thú, cho đến cỏ cây bị gió thổi làm cho lay động, cũng sanh ra giận dữ, mắng chửi không ngớt. Lúc ấy có vị Sơn Thần nói với Tu Bồ đề rằng: Ông vì sao bỏ nhà đến giữa chốn núi rừng này. Sao chốn thanh u không tu thiện mà luôn sân giận như thế?
*
Thần lại bảo: Hiện nay có Đức Thế Tôn ở trong Tinh xá Kỳ Hoàn, có phước đức lớn, luôn luôn dạy cho chúng sanh tu thiện đoạn ác. Nếu bây giờ ông đến nơi ấy thì chắc chắn Ngài sẽ trừ được tánh giận dữ ác độc cho ông.
Tu Bồ đề nghe Sơn Thần nói, thì sanh lòng hoan hỷ, liền hỏi rằng: Bây giờ Thế Tôn đang ở nơi nào?
Thần bảo: Ông chỉ cần nhắm mắt, ta sẽ mang ông đến nơi Thế Tôn.
Lúc ấy Tu Bồ Đề nghe theo lời Sơn Thần mà nhắm mắt lại. Trong chốc lát tự nhiên ở trong Tinh xá Kỳ Hoàn; thấy Đức Phật đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp; ánh sáng chiếu rọi khắp nơi như trăm ngàn vầng mặt trời; tâm tràn đầy hoan hỷ tiến lên lạy dưới chân Đức Phật rồi lùi lại ngồi một bên.
Đức Phật liền giảng cho nghe về lỗi lầm tai hại của nóng giận, ngu si phiền não, đốt cháy tất cả thiện căn, tăng trưởng mọi điều ác, sau phải nhận chịu quả báo rơi vào địa ngục, chịu đủ mọi nỗi đau khổ không thể nói hết, giả sử được thoát ra, hoặc làm rồng rắn-la sát-quỷ thần, tâm thường chứa đầy hiểm độc lại tàn hại lẫn nhau. Lúc ấy Tu Bồ Đề nghe Đức Thế Tôn giảng những lời này, tâm liền kinh hãi, liền tự hối hận trách mình, tức thì ở trước Đức Phật sám hối tội lỗi đã tạo, trong chốc lát đạt được quả vị Tu đà hoàn.
*
Đức Phật liền tiếp nhận và bảo: Hãy cố gắng lên Tỳ kheo! Tức thì râu tóc tự nhiên rụng hết, pháp phục mang trên thân, liền trở thành Sa môn, tinh tiến tu tập đạt được quả vị A la hán, chư Thiên và người thế gian trông thấy đều tôn kính ngưỡng mộ. Lúc ấy các Tỳ kheo thậy sự việc này rồi thỉnh cầu Đức Phật giải thích về duyên vốn có.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Trong Hiền kiếp này có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca Diếp. Ở trong giáo pháp của Phật Ca Diếp có một Tỳ kheo, thường đi khuyến hóa; trong một vạn năm dẫn các Tỳ kheo đi khắp nơi cúng dường. Thời gian về sau Tăng có ít duyên nên cuối cùng không được đi theo, liền phát lời mắng nhiếc tệ hại rằng:
Các ông tàn ác tựa như rồng độc. Phát ra lời này rồi lập tức ra đi. Vì nghiệp duyên này mà trong năm trăm đời chịu thân rồng độc, tâm thường chất chứa hiểm độc xúc chạm làm phiền chúng sanh; nay tuy được làm người mà tập khí trước không trừ bỏ, cho nên lại phát sanh nóng giận.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Cần phải biết rằng Tỳ kheo khuyến hóa mà ác khẩu mắng nhiếc lúc ấy, nay chính là Tu Bồ Đề. Bởi vì lúc bấy giờ cúng dường Tăng, cho nên nay được gặp Ta mà xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe xong hoan hỷ vâng mạng thực hành”.
Ác khẩu chịu hiện báo trong đời.
Theo Minh Tường Ký: Thời nhà Đường có Dương Sư Thao là người làng Đông Dương – Huyện Lễ Tuyền – Ung Châu. Vào đầu thời Đường Trinh Quán nhậm chức Tư trúc giám. Sau vì việc chung nên chuyển đến nhậm chức Huyện úy huyện Lam Điền. Năm thứ 21 niên hiệu Trinh Quán, vì tuổi già nên trở về nhà tự cày cuốc làm ăn sinh sống.
Sư Thao vốn có tánh độc ác và bạo miệng. Từ trẻ đến già chỉ thích tìm hiểu lỗi lầm của người ta. Mỗi lần người trong làng có chuyện gì, ông ta liền ghi chép tố cáo với quan phủ. Ty huyện vì Sư Thao đã từng làm việc trong triều, nên cũng nương tay nhiều lần. Tuy vậy Sư Thao vẫn không chịu hối cải. Ông nhiều lần quấy nhiễu kiện tụng bừa bãi, kiếm chuyện sai sót của người, luôn dọa nạt làm nhiều người sợ hãi.
Ở trong thôn xóm của mình, không có chuyện gì cũng bất ngờ tìm cách xí vào. Thường mỉa mai, chỉ trích chẳng kiêng nể một ai. Từ chuyện bé như trâu dê thả rông; trai gái tranh luận…Ông ta đều tự kiện lên tới huyện. Huyện lệnh Bùi Cù Đàm vì vậy mà rất phiền toái. Ban đầu ông Huyện không để ý. Nhưng về sau thấy sự việc có nhiều điều không hợp lý nên thường bỏ qua.
Sư Thao sau đó gửi đơn thẳng đến châu phủ, hoặc dâng biểu khắp nơi. Ác tâm ngày càng lớn, mọi người đều không ưa gặp mặt. Sư Thao tự biết tánh ác của mình, cũng hướng về mọi người nói rằng: Tánh tôi quả thật là nóng nảy bạo miệng.
*
Từ thời Vũ Đức đến nay ông ta đã bốn lần thọ giới. Cũng giữ gìn thực hành lễ bái, hàng ngày tụng kinh luận, chỉ bày người làm điều thiện. Thế nhưng có điều gì xâm phạm thì Sư Thao không thể nào nhịn được.
Vào đêm mồng bảy tháng tư năm thứ nhất thời Đường Vĩnh Huy. Ông nhìn thấy một người cưỡi ngựa trắng mặc áo đen; từ phía Đông đi thẳng đến nhà. Sư Thao trông thấy liền chào hỏi.
Người ấy nói: Quan Đại giám Đông Dương sai tôi truy tìm ông. Ông từ lúc sinh ra đến nay bị tâm hiểm độc trói buộc mãi, không thể nào từ bỏ được. Gặp người ta thì giảng giải khuyến khích làm thiện, còn bản thân mình thì trì giới không trọn vẹn. Lại tham lam keo kiệt không hề bố thí. Ông thường tự nói rằng mình có thiện tâm cúng dường Tam Bảo, nhưng thực chưa hề bố thí chút tài vật nào; tuy miệng nói là hổ thẹn, mà trong lòng thì nảy sinh mưu kế làm cho người ta khốn đốn. Bởi vậy nên bề trên cho gọi ông!
Người ấy nói xong liền biến mất. Sư Thao đang ở trong cổng bỗng nhiên ngã nhào xuống. Miệng không nói được, chỉ có trên ngực còn chút hơi ấm. Người nhà khiêng vào trong nhà, suốt đêm không tỉnh. Sư Thao tự thấy mình đến chốn Đô lục Đông Dương. Lúc ấy Phủ quân Đại nha đang làm việc.
*
Sư Thao liền lén theo người trong nha môn đi xem mọi nơi. Thấy đâu đâu cũng có bàn ghế đẹp đẽ sang trọng. Lại thấy nhiều người bị cầm tù; hoặc mang gông xiềng từ trên đầu xuống ngang hông; hoặc đứng ngồi đi lại. Sư Thao đi về phía Đông thấy một nơi có lửa nhỏ tóe ra, ngửi thấy mùi khói khét lẹt. Có hai người, tay cầm gậy sắt đang sửa lại cổng vào. Sư Thao nhân đó hỏi người cầm gậy, đây là nơi nào?
Người đó đáp rằng: “Là địa ngục lửa dữ, định sửa sang để giam người trì giới không trọn vẹn; hoặc là người tu thiện nửa chừng ngưng hẳn; hoặc biết sai mà cố tình vi phạm, chết sẽ vào nơi này. Nghe nói có một người tên Dương Sư Thao, cả đời thích nói đến sai lầm của người ta. Cứ mỗi lần tố cáo lên quan phủ là nói chuyện hay dở của họ; gặp người ta thì làm ra vẻ biết hổ thẹn, mà có một chút xâm phạm thì không thể nào nhịn được. Nay sắp đẩy vào chỗ này, cho nên phải sửa chữa lại.
Hôm nay là ngày mồng tám tháng tư. Người nhà vì Sư Thao đã chết mà bố thí cúng lễ trai phạn. Các quan trong phủ đang phân thiện ác, chưa quyết định là tiến hay dừng. Cho nên tôi phải ở nơi này chờ đợi Sư Thao.”
Sư Thao nghe xong liền rập đầu lạy nhận lỗi mà tự nói rằng: “Dương Sư Thao chính là đệ tử này đây. Xin Ngài tìm cách giúp cho, nếu được cứu thoát thì xin sửa mình.”
*
Người ấy đáp rằng: “Ông dốc lòng thành kính lễ lạy chư Phật mười phương; khẩn thiết sám hối chừa bỏ lòng hiểm độc thì sẽ được vãng sanh. Hành trì như thế sẽ không phải đến chỗ này. Tuy nghiệp ác vô biên nhưng nếu biết sám hối vẫn thay đổi được.”
Sư Thao nghe lời lập tức phát tâm sám hối, liền được tha cho về nhà. Lúc tỉnh lại mới hay đã chết được ba ngày. Về sau Sư Thao đến chỗ Thiền sư Huệ Tĩnh sám hối sữa chữa lỗi lầm. 75 tuổi vẫn thường ngày ăn chay lễ sám sáu thời. Một hôm ông ta đến Lam Điền nhân tiện đi thăm ruộng lúa. Ông thấy ba con trâu mặc sức ăn lúa nhưng chỉ khởi tâm hổ thẹn, không đuổi trâu đi. Ngày hôm sau ra xem ruộng lúa thì ruộng lúa không hư hại gì, chỉ có dấu tích của trâu để lại.
Vùng phía Tây của huyện Kinh Dương có ngôi chùa Trần Vương, nhiều người tụ tập. Sư Thao đến giữa đại chúng kể lại đầy đủ việc mình vào Địa ngục. Đạo tục kinh hãi cảm thấy kỳ lạ nên lễ sám càng thiết tha. Một hôm ông nằm mộng thấy sứ giả đến bảo rằng: “Ông đã ngừng hết niệm ác nên tôi không truy bắt nữa. Nhớ chân thành tu thiện, không cần phải lo buồn.”
( Theo Pháp Uyển Châu Lâm )
Tuệ Tâm 2022.