Linh ứng chú Đại Bi
Pháp Giới 11 tháng trước

Linh ứng chú Đại Bi

Nói về sự mầu nhiệm và Linh ứng chú Đại Bi thì không bút nào có thể tả được. Chuyện linh ứng cổ kim đến nay nhiều vô lượng vô biên. Tuệ Tâm do trước đây lúc hoạn nạn, cũng từng tụng chú mà được cảm ứng, thoát khổ. Nay sưu tầm và chép lại những câu chuyện có thật về sự linh ứng của chú Đại Bi trong bài viết này để báo ân Bồ Tát.  

  • Cách tụng chú Đại Bi tại nhà đúng pháp.
  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • 10 Chuyện Tâm linh có thật.
  • Thần linh là gì.
  • Quỷ thần là gì.
  • Cách giải nghiệp phá thai.
  • Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải Chú Đại Bi.
Linh ứng chú Đại Bi
Sự linh ứng của Chú Đại Bi

Linh Ứng Chú Đại Bi

Nguyện người hữu duyên đọc được bài này, xin hãy chia sẻ cho nhiều người biết. Để nơi nơi, hoặc người phát tâm tự tụng chú, hoặc phát qua máy nghe nhạc cũng được, để lợi lạc cho khắp pháp giới chúng sanh. Âm đức tích được vô cùng lớn!

Hiển đạt – Giầu sang

Theo Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết, vào đời Thanh, Tào Thành Tú gặp một vị Tăng bảo: “Nếu ngươi có thể kiêng thịt bò, thịt chó, sẽ có thể hiển đạt”.

Ông Tú nói: “Tôi là hạng bắn cung, cỡi ngựa tầm thường, sao dám mong cầu công danh?”

Vị Tăng bảo: “Nếu có thể sáng tối tụng chú Đại Bi, lo gì chẳng đạt được phước báo ấy?”

Thành Tú bèn giữ giới, tụng chú không gián đoạn. Vào chốn quan trường, dường như có thần giúp, không đầy mấy năm, làm quan đến chức Thiên Tổng. Tự ghi vào năm Càn Long 12 (1747).

Theo Linh Nghiệm Ký, Hứa Nguyên Cát ở Huy Châu nghèo khổ muốn tự trầm. Một cụ già ngăn lại bảo hãy kiền thành tụng chú Bạch Y của Đại Sĩ thì trời sẽ giáng phước. Ông ta liền tụng chú không ngừng, bèn được giàu to, ấn tống càng rộng. Dời nhà sang Dương Châu, con cháu hiển vinh, thịnh vượng.

Lửa không thể chạm

Theo Tín Tâm Lục. Ông Thái Tư Tương được cử giữ chức Thôi Tào Vận (kiểm soát vận chuyển đường thủy). Ông thuê nhà dân để làm công sở, bốn phía không có tường, ở sát với nhà dân. Chợt hàng xóm bốc lửa, mọi nhà đều lo cứu đồ đạc, ông Thái ngồi yên không động đậy. Kẻ hầu nhiều lần van nài ông Thái hãy lánh nạn, nhưng ông ta chẳng đoái hoài.

Lửa cháy lan tới, vượt qua công sở của ông Thái, còn cháy thêm mấy nhà nữa rồi mới tắt. Người ta hỏi ông có thuật gì, ông đáp: “Tôi kiền thành tụng chú Đại Bi”. Người ta bảo: “Thần chú cố nhiên linh nghiệm, lỡ vạn nhất không ứng nghiệm, thì há chẳng phải là chết uổng một mạng ư?” Ông Thái nói: “Nhà tôi nhiều đời trì tụng. Những sự linh ứng chú Đại Bi như thoát khỏi những ách nạn đao binh, nước lửa, nạn gấp v.v… chẳng thể kể xiết.

*

Còn như tôi trì chú Đại Bi đã hai mươi năm, phàm gặp phải nạn gấp, hễ cảm đều thông. Trong thời Càn Long, khi tôi sống ở kinh đô. Nhà hàng xóm ở phía Nam bốc lửa. Lại gặp trận gió nồm, lửa càng cháy mạnh, dọn chạy đồ đạc không kịp. Tôi tụng chưa xong một biến chú này, gió đã đổi chiều. Lửa cháy ngược lại phía Nam, riêng nhà tôi không sao.

Vì thế, biết sâu xa chú này được chư thần ủng hộ, gìn giữ, có thể chuyển biến ách nạn. Nếu lòng tin không chân thành, làm sao dám coi thường hiểm nạn cho được? Nhưng phải sám hối tội trước, tận lực làm chuyện lành. Mỗi ngày sáng tối kiền thành tụng chú năm bảy lượt thì sở cầu không chi chẳng được toại ý!”.

Linh ứng chú Đại Bi: Không chết đuối

Theo Thương Túc Am Tùy Bút, vào đời Thanh. Thái Thú quận Phổ Nhĩ là Trần Đình Dục thờ Đại Sĩ hết sức kiền thành, hằng ngày tụng chú Đại Bi. Trong niên hiệu Đạo Quang, ông Trần theo ngả Giang Hán về kinh, sảy chân té xuống sông.

Khi ấy, gặp cơn gió mạnh, trong chớp mắt đã cách thuyền cả dặm. Kỳ lạ là ông thấy nước chỉ ngập tới gối, hai chân như có vật gì nâng đỡ không bị chìm, chỉ có áo bào bay phần phật trên mặt sóng mà thôi. Ông bèn vội tụng chú Đại Bi. Chưa được ba lượt, đã có người đến cứu, phần trên thân trọn chẳng bị ngấm ướt.

Tăng thọ

Theo Tịnh Độ Thánh Hiền Tục Lục, vào đời Thanh. Ngô Doãn Thăng ở Hổ Khâu, lúc bé, gặp một vị Tăng bảo: “Ngươi có thiện căn, tiếc là năm hai mươi chín tuổi sẽ gặp thủy tai. Chỉ có cách từ nay trở đi hãy kiêng giết, phóng sanh. Mỗi ngày kiền thành niệm Phật, trì chú Đại Bi, may ra sẽ thoát được!”

Ông Thăng tin nhận, phụng hành. Lại còn đem chuyện này khuyên người khác. Đến năm hai mươi chín tuổi, từ đất Hàng ngồi thuyền về thăm nhà. Thuyền đang đi bỗng sông nổi sóng rất nguy hiểm. Ông vội chắp tay niệm Phật. Thuyền lật, rơi xuống nước, trong lúc mơ màng nghe có tiếng nói: “Ngô Doãn Thăng có công khuyên người niệm Phật, được thoát khỏi nạn này”. Mở mắt ra nhìn quanh thì thân đã ở trên bờ, đã được dân chài cứu lên rồi!

Thoát khỏi ma mèo

Theo Báo Ứng Lục, vị tăng đời Nguyên là Huệ Cung bị bệnh bao tử, không ăn uống được. Một đêm sư mộng thấy một con mèo chui vào bụng. Từ đó bệnh ngày càng nặng, lại thèm ăn cá. Sư tự biết là nghiệp báo, nên phát tâm niệm thánh hiệu Đại Sĩ trăm vạn câu. Hằng ngày trì thêm chú Đại Bi 108 biến. Về sau sư mộng thấy đồng tử áo xanh xách giỏ đựng một con gà tới, con mèo bèn từ miệng sư Huệ Cung vọt ra. Sư kinh hãi tỉnh giấc thì đã lành bệnh.

Linh nghiệm dị thường

Theo Báo Ứng Lục, đời Đường, Ngô X… làm lính đi đánh dân thiểu số. Dọc đường nhóm lính bắt được con rùa trắng, liền làm thịt rồi cùng nhau ăn. Mấy năm sau người ông bị mọc ghẻ lở loét, rụng lông mày. Ngón chân, ngón tay đều rụng cả. Ông ta chẳng biết làm gì để sống nên đi ăn xin ở chợ An Nam.

Một hôm có vị Tăng nhìn thấy bảo: “Nếu ngươi niệm Quán Âm Đại Bi Chân Ngôn ắt sẽ được thiện báo”, rồi truyền dạy chú Đại Bi. Người lính ấy tin sự linh ứng của chú Đại Bi nên nhất tâm niệm tụng. Một thời gian sau vết thương dần dần lành. Kỳ lạ nhất là ngón chân, ngón tay lại mọc ra. Về sau cảm ân bồ tát, ông xuất gia làm tăng, hiệu là Trí Ích.

Kệ chữa bệnh mắt

Theo sách Đồ Thuyết. Tăng Xử Thao người Thai Châu mắc bệnh mắt. Ông ta chữa nhiều năm không khỏi. Về sau nghe nói chú Đại Bi linh ứng nên thường trì tụng. Một đêm mộng thấy Đại Sĩ truyền dạy cho cách chữa mắt: Mỗi sáng lấy một chén nước sạch, niệm bảy biến chú rồi dùng nước ấy để rửa mắt. Lại truyền cho bài kệ rằng:

Cứu khổ Quán Thế Âm.

Cho con đại an lạc.

Và ban đại phương tiện.

Diệt trừ ngu si ám.

Hiền kiếp các chướng ngại.

Các tội ác vô minh.

Ra khỏi nhà tăm tối.

Khiến con thấy ánh sáng.

Tôi nay nói cách rửa.

Sám hối, gỡ tội mắt.

Khắp phóng quang minh sạch.

Nguyện thấy tướng vi diệu”.

Bài kệ này được truyền tụng, những người làm theo phần nhiều đều linh nghiệm.

Linh ứng Chú Đại Bi: Trừ Tà Quái

Theo Quảng Dị Ký, đời Đường, Lý Hân trì chú Đại Bi. Có người cùng thôn bị bệnh sốt rét dây dưa không khỏi. Ông Hân đến chơi thấy vậy trì chú Đại Bi thì thấy một con quỷ vụt bỏ chạy, quỷ nói: “Vốn muốn làm khó ngươi, nay sợ Lý Thập Tứ Lang, chẳng dám đến nữa!”

Khi ông Hân sống trọ ở Hà Nam. Nơi quê nhà phát sinh dịch bệnh. Em gái ông ta cũng chết trong nạn ấy. Vì thân cô còn ấm nên người nhà chưa đem chôn. Mấy bữa sau chợt cô sống lại nói: “Thoạt đầu bị mấy người dẫn tới gò mả, muốn làm nhục. Lúc đấy có một người nói: ‘Đây là em gái của Lý Thập Tứ Lang. Hắn trở về sẽ dùng thần chú làm khó bọn ta, nên thả về thì hơn’. Cô nghe xong như mơ như mộng, tỉnh lại thấy mình đã chết mấy ngày.

Trừ yêu xà

Đời Tống, con nhà họ Uông ở Kỳ Môn đi đường. Qua một thôn nọ bị mấy người trói lại đem đi. Chúng buộc thằng bé vào cột của ngôi miếu cổ, thưa rằng: “Xin mời đại vương tự nhận lấy”.

Uông biết là bọn họ giết người tế quỷ, bèn tụng chú Đại Bi. Ban đêm, có tiếng gió rít như tiếng sấm. Rồi thấy một con mãng xà to mắt sáng như đuốc bò tới. Cậu cả sợ nên tụng chú càng gấp hơn. Con mãng xà dăm lần bảy lượt tiến lên rồi lùi lại, cuối cùng hóa gió bỏ đi. Sáng ra, cậu Uông được người khác cởi trói, liền thoát nạn.

Thoát khỏi quỷ

Theo Linh Nghiệm Ký, Trương Thành ở Cát Thủy. Trong niên hiệu Càn Đạo đời Tống, ông ta nghỉ đêm ở vùng ranh giới Lễ Lăng. Chủ quán tiếp đón trọng thể, rượu nồng, cỗ đầy. Ông Trương kinh ngạc, thoái thác không thể uống rượu rồi bỏ đi ngủ.

Nửa đêm thấy đuốc trong gian nhà chính thắp sáng, bèn nhìn trộm. Ông hấy chủ quán lạy lục, khấn trước một bức tranh vẽ. Lại nhiều lần nhắc tới ông khách họ Trương nên biết là hắn sẽ đem mình tế quỷ. Nhìn sang bức tranh vẽ, ông cả kinh khi thấy một con quỷ ẩn hiện, hai tròng mắt như cái chén.

Ông Trương vội trì chú Đại Bi. Vừa được mấy biến, thấy yêu quái từ trong bức vẽ tụt xuống, hình dạng đanh ác. Ông cả kinh bèn đóng cửa, càng dốc sức tụng chú. Giây sau không thấy gì, chỉ nghe ngoài cửa có tiếng đập phá.

Trời vừa sáng, ông Trương chạy ra, nghe thấy người nhà chủ quán kêu khóc. Ông bỏ chạy một hơi đến hai dặm mới tạm nghỉ. Chiều hôm đó nghe người ta nói: “Chủ quán chết bất ngờ”. Ông truy hỏi thì mới biết hóa ra nhà ấy ba đời thờ yêu quái. Thường mỗi năm họ lừa một người khách rồi đem tế quỷ. Nếu không có người ngoài thì sẽ giáng họa xuống chủ nhà.

Linh ứng chú Đại Bi: Trở về từ cõi âm

Theo Cảm Ứng Thiên Tăng Chú, đời Tống. Lý Quận Quân đã sẵn có đức hạnh tốt đẹp, do họ lý tin sự linh nghiệm của chú Đại Bi nên thường trì tụng.

Một hôm do bị bệnh, họ Lý thấy mình đi vào cõi âm. Đến một tòa nhà, thấy hai người quyền cao chức trọng ngồi trên tòa cao ngất ngưởng. Ông ta  liền thầm niệm chú Đại Bi. Ngay lúc ấy điện đường lay động, bên trái, bên phải đều muốn đổ nhào.

Người quyền quý bảo: “Đừng tụng nữa, sẽ thả cho ngươi về. Do lúc ngươi còn sống từng nhặt được hạt châu đánh rơi, trả lại cho người ta, nên tăng thọ hai mươi năm”. Tỉnh dậy bèn lành bệnh.

Sống ác

Theo Hiện Quả Tùy Lục, trong thời Khang Hy nhà Thanh. Hiếu Liêm Đới Ngô Duyệt ở Tô Châu hành vi rất phóng đãng, người bị hại rất nhiều. Sau này ông ta bị bộ Công bắt giữ, không kham được khổ nên chết trong ngục. Đúng lúc ấy, trong thành có người tên X… bị chết bất ngờ, sống lại, kể: “Vua cõi âm sai bỏ họ Đới vào vạc dầu. Từ chỗ đất bằng bỗng trồi lên một vạc dầu. Quỷ lấy chĩa xiên họ Đới bỏ vào vạc.

Ông Đới hô lên: ‘Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da’. Vạc dầu liền vỡ nát, trên mặt đất hoa sen trồi lên. Vua cõi âm phán: “Hắn đã có thể tụng chú Đại Bi cho nên không phạt được. Hãy cho hắn đầu thai vào nhà xấu ác”. Bầy tôi tâu: “Gã X… ở Gia Hưng làm ác, lập đàn cầu con”. Vua liền cho ông ta đầu thai vào nơi ấy. Sang Gia Hưng hỏi thăm, mọi chuyện đều chẳng sai!

Yêu quái hầu vương

Đời Tống, thần rừng hộ sơn chùa Năng Nhân tại Phước Châu trước kia vốn là một con khỉ bị dân chúng bắt sống trói lại. Họ đắp bùn lên thành tượng thờ gọi là Hầu Vương (vua khỉ). Lâu ngày nó tác quái, khiến nhiều người  trong vùng bị hại.

Trưởng lão Tông Diễn thương xót con khỉ oan nghiệt nặng nề bèn tụng chú Đại Bi độ nó. Ban đêm Ngài mộng thấy có người đàn bà chân khỉ lấm lem máu, dẫn con khỉ nhỏ buộc bằng xích sắt, đến bái tạ nói: “Đệ tử là Hầu Vương, nay nhờ pháp lực giải thoát sanh lên trời. Xin hãy cởi trói cho con khỉ nhỏ”. Đến sáng mở khám thờ ra xem, thấy xác khỉ bị xiềng ba vòng, thân có vết bị bọn đồng cốt bắn trúng nách trái. Ngài thấy vậy  bèn phá sạch hết đi, những chuyện tà quái từ đó tuyệt tích.

Linh ứng Chú Đại Bi: Thoát kiếp công vụ cõi âm

Theo Tân Tề Hài. Tưởng Tâm Dư lúc làm quan Trung Hàn nằm mộng thấy lính lệ cầm thiếp đến mời. Ông cưỡi ngựa đất bay lên không trung đến một nơi trông rộng lớn như chỗ vua ngự. Tấm biển bên trái ngôi điện ghi là “Thiên Đường”, từng gian sáng ngời. Tấm biển bên phải ngôi điện đề “Địa Ngục”, sâu tối khó lường. Ông để ý thấy phía Địa ngục có giếng, người ta tự nhảy xuống đó.

Vua truyền mời ông Tưởng vào điện, bảo: “Ta hết nhiệm kỳ sẽ ra đi, ông hãy thay ta”. Ông Tưởng thưa: “Tôi còn mẹ già con thơ, việc chưa xong làm sao có thể đến nhậm chức được?” Vua nói: “Ông có tài đức, tiếng tăm, sao lại chẳng thông đạt đến mức ấy? Chuyện trên đời muốn xong bèn xong. Ta đã tâu lên Thượng Đế, không thể nào vãn hồi được đâu!”

*

Ông Tưởng uất quá, tỉnh giấc, mồ hôi thấm ướt mền. Ngồi dậy, lại mộng thấy vào cõi âm. Trên điện bày năm cái tòa, án từ chất như núi. Nha lại chỉ tòa thứ năm bảo: “Đây là chỗ của ngài”. Ông Tưởng trông thấy thầy dạy là Phùng Tĩnh Sơn, bèn trình bày tình cảnh mẹ già, con thơ. Ông Phùng buồn bã nói: “Tôi vợ dại, con thơ, cũng là kẻ không thể đến nhậm chức. Việc đã đến mức này, đừng nói nhiều nữa! Hãy mau lo liệu hậu sự mà thôi!”

Tỉnh giấc, ông bèn qua nhà vị quan đứng đầu địa phương là Vương Hưng Ngô chào vĩnh biệt. Ông Vương kinh hãi bảo: “Mặt ông xám như trét than, quỷ khí đầy người”. Ông kể lại giấc mộng, họ Vương khuyên nên tụng chú Đại Bi. Cả nhà bèn trai giới tụng niệm. Đến nửa đêm, ông Tưởng thấy một chiếc kiệu từ trên không trung hạ xuống. Có mấy người khiêng kiệu, rõ ràng là kẻ đến đón, bèn tụng chú gấp hơn, họ liền như sương khói tan mất. Ba năm sau, được thăng chức Từ Lâm.

Thoát nạn

Theo Phụ Trì Nghiệm Ký, trong thời Đạo Quang nhà Thanh. Lưu Dực Đình ở Kim Lăng tự nói: “Tôi mỗi sáng thức dậy ắt đối trước tượng Đại Sĩ tụng bảy biến chú Đại Bi, suốt hai mươi năm không lười nhác. Một bữa trời xẩm tối, có một bà cụ bước vào, bảo: ‘Đến ngày nọ sẽ bị tai nạn, nên cẩn thận’ rồi đi ra. Gọi người nhà dâng trà thì ai nấy kinh ngạc, chẳng thấy bà cụ đâu nữa!

Tới hôm ấy, đêm ngủ tôi thức dậy đi tiểu, ngã lăn ra đất. Không may chân phải mắc vào trong ghế, đau không thể chịu nổi. Sau đó tôi trì chú Đại Bi mất mấy ngày mới lành. Ấy là vì thờ Đại Sĩ đã lâu, nên được Ngài linh thiêng che chở. Nay tuổi đã sáu mươi tám, quắc thước dị thường, đều là nhờ sức của Đại Sĩ”.

Linh ứng chú Đại Bi: Minh du xác ký

Theo Minh Du Xác Ký, vào đời Thanh, Châu Triệu Canh ở Trường Châu, vợ là Trình Thị. Vào năm Đạo Quang 12 (1832) bà tự nhiên bị bênh gan, bộc phát rất nặng. Khi hỏi thì đổi giọng ma mị như quỷ dữ. Con quỷ nhập xác này khẩn cầu Triệu Canh hãy tụng chú Đại Bi để giúp siêu độ. Do vậy, ông hỏi quỷ có oán thù đời trước với người bệnh hay không? Nó đáp: “Không có!”

Hỏi: “Bệnh không sao ư?”

Đáp: “Chí tâm niệm Phật ắt sẽ được lành”.

Tháng Tám năm sau, bệnh lại phát ra. Bà vợ hai mươi mấy ngày chẳng ăn uống gì được. Sau đó, bà vợ hôn mê chẳng biết gì, hồn đi vào cõi âm, thấy Diêm Vương thẩm tra tù nhân, thiện ác đều rất rõ rệt.

Do Trình Thị ăn chay niệm Phật, niệm Kim Cang Kinh, chú Đại Bi, nên vua bèn thả về. Bà ta bèn kể tỉ mỉ những điều đã thấy. Triệu Canh ghi lại thành bộ Minh Du Xác Ký để khuyên đời.

Cầu con như nguyện

Theo Khuyến Giới Loại Sao, họ Phùng ở Đồng Hương đời đời tích đức. Phùng Cẩm làm quan ở Sơn Hữu nhưng nhiều năm không có con. Vợ ông ta cầu cúng khắp nơi không được. Về sau được một lão tăng dạy cho Chú Đại bi nên trì tụng hết sức kiền thành. Một hôm mộng thấy bà lão bế hai đứa đứa bé một gầy một béo đến nhà. Bà đưa tay đỡ lấy đứa béo thì nó rớt xuống đất chết, lại đỡ lấy đứa gầy thì bà lão bảo: “Đứa này sẽ trao cho nhà họ Phùng”.

Về sau vợ người hàng xóm sanh con không nuôi được. Còn Phùng phu nhân sanh ra Hạo, thuở bé gầy còm, yếu đuối. Đến lớn, Hạo dần dần trở thành khôi ngô, cao lớn, giỏi giang và hiển đạt từ rất sớm. Ông ta thăng tiến rất nhanh, từ chức quan Hàn Lâm chuyển lên Ngự Sử. Lại siêng năng làm việc thiện, không chuyện tốt lành nào chẳng tận lực thực hiện. Nay đã bảy mươi lăm tuổi, hai vợ chồng hạnh phúc, khỏe mạnh, có ba con trai đều đỗ đạt làm quan.

Thánh Tăng

Theo Cao Tăng Truyện, tập Bốn, đời Thanh. Chú Am là người Dương Châu, lúc bé tánh tình thô lỗ, cục cằn, không giữ giới. Ông bị vị Tăng chủ trì quở trách, phẫn hận muốn báo cừu, tính muốn tiềm tu để rửa thẹn. Ông liền một mình vào Tàng Kinh Các, dứt hết việc bên ngoài, chỉ chuyên tụng chú Đại Bi.

Sư bế quan ba năm mới ra, thần thái khác hẳn, nhún mình, nhũn nhặn. Không ai có thể suy lường Sư đã chứng đắc đến mức nào. Một hôm ngẫu nhiên sư nghe trong quán trà có khách mổ xẻ ý nghĩa kinh, vặn hỏi hết sức khó khăn. Sư cười bảo những lời bàn luận ấy đều có chỗ sai sót, rồi đọc ngay cuốn sách vừa được khách bàn luận. Vừa đọc, vừa giảng, lũ khách kinh hãi kiếp phục.

*

Do vậy, Sư vang danh học rộng, hiểu sâu. Nếu có ai đem những cuốn tiểu thuyết hoa mỹ đến thử. Sư liền ứng tiếng đọc ngay ra. Từ kinh điển nhà Phật hay sách vở thế tục, cửu lưu, bách gia, thậm chí tiểu thuyết. Hết thảy văn tự không gì chẳng từng đọc qua, không gì chẳng thuộc lòng. Do vậy, sự thần dị được lưu truyền, Sư được gọi là “thánh tăng”.

Khi ấy, Văn Đạt Công Nguyễn Nguyên nghe danh Sư muốn thử tài. Sư đối đáp lưu loát khiến Văn Đạt phải kinh ngạc, than thở, bảo: “Sở chứng vượt trỗi mức độ của một bậc thầy trời người”. Sư thấy tăng nhân vui chơi bèn than thở: “Tai hại sắp xảy đến rồi, lão tăng chẳng đành thấy. Các ngươi làm sao thoát được”. Sư thị tịch hơn một năm thì bọn giặc từ Quảng Đông vây hãm Dương Châu.

(Linh ứng chú Đại Bi – Theo Quán Thế Âm Bồ Tát Cảm Ứng Tụng)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Con cái trong liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ

218 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog