La Hầu La Tôn Giả – Con trai của đức Phật
Pháp Giới 11 tháng trước

La Hầu La Tôn Giả – Con trai của đức Phật

La Hầu La Tôn giả là con của đức Phật Thích Ca. “La Hầu La” dịch là “Phú Chướng”. Ngài xuất gia lúc bảy tuổi, là một trong mười vị đại đệ tử của Ðức Phật, được xưng là mật hạnh đệ nhất.

Trong tiền kiếp, tôn giả là người tu đạo. Một ngày nọ, đang lúc tọa thiền nghe tiếng chuột kêu, bèn khởi tâm sân hận đến bít lỗ hang chuột. Sáu ngày sau mới nghĩ đến chuyện nầy, bèn khởi tâm đại bi thương xót, tâm nghĩ chuột ở trong hang chẳng phải sẽ chết đói chăng? Do đó, mới lấy đá ra. Do quả báo đó, mà sáu năm ở trong bụng mẹ, cho nên gọi là ‘’Phú chướng‘’.

  • Lục Thần thông là gì.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
  • Ngũ Ấm Ma kinh Lăng Nghiêm
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
La Hầu La Tôn Giả – Con trai của đức Phật
La Hầu La Tôn giả – Con trai của đức Phật

La Hầu La Tôn giả

Là con của đức Phật. Khi La Hầu La chào đời thì xảy ra việc thị phi phiền não rất nghiêm trọng. Ðức Phật đã xuất gia sáu năm, mà Da Du Ðà La vợ của Ngài mới sinh ra một đứa con, cho nên quyến thuộc của đức Phật giận dữ vô cùng, cho rằng công chúa không giữ đạo làm vợ, do đó có người muốn trừng phạt công chúa, nhục mạ công chúa, tiếng xấu đồn lan tràn khắp nơi: “Ðức Phật đã xuất gia sáu năm mà vợ của Phật mới mang bầu!”

Tuy nhiên người trong cung nói với phụ vương của đức Phật là bảo đảm công chúa chẳng làm chuyện đó, đứa con nầy chắc chắn là con của đức Phật, nhưng chẳng có ai tin. Thật tế thì La Hầu La ở trong thai mẹ sáu năm. Nhưng duyên bên ngoài bức bách quá, do đó nàng Gia Du Ðà La mới phát nguyện rằng:

“Nếu tôi không giữ đạo làm vợ thì nhảy vào hầm lửa, lửa sẽ thiêu chết mẹ con tôi, nêu tôi trong sạch thì thiên thần hãy bảo hộ tôi khiến cho mẹ con tôi không bị lửa thiêu chết”, mới làm một hầm lửa. Công chúa Gia Du Ðà La bồng Ngài La Hầu La nhảy vào hầm lửa, nhưng lạ thay hầm lửa biến thành hồ sen, có đóa hoa sen lớn đỡ mẹ con hai người.

*

Từ đó về sau mọi người đều biết là Công Chúa Gia Du Ðà La bị oan, ai ai cũng hiểu rõ sự việc nầy chẳng phải là việc tầm thường, cũng chẳng còn ai phỉ báng công chúa nữa. Tên của Ngài La Hầu La dịch là “Phú Chướng” (chướng che đậy), vì trong quá khứ Ngài La Hầu La từng bít miệng hang chuột trong vòng sáu ngày, cho nên đời nầy Ngài phải ở trong thai mẹ sáu năm, đó là quả báo.

Cho nên quả báo tuần hoàn thật là đáng sợ! La Hầu La là con của đức Phật cũng không tránh khỏi ác nghiệp mình đã tạo ra trong quá khứ, mà phải ở trong thai mẹ sáu năm, cho nên gọi là Phú Chướng, vì mang thai La Hầu La mà sinh rất nhiều phiền não chướng ngại.

Cứu kính con của đức Phật ra sao. Có phải con của Phật chăng? Phải. Vậy có phải Phật quan hệ hành vi vợ chồng như người bình thường chăng? Không phải. Vì công chúa Gia Du Ðà La muốn có con, do đó Ðức Phật dùng tay chỉ vào bụng thì nàng mang thai, đó là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, nếu bạn muốn khảo chứng thì hiện tại tôi chẳng có chi làm cho bạn hiểu đặng, chỉ có cách bạn dụng công tu hành, tu đến cảnh giới đó thì sẽ thấy rõ cảnh giới của Phật vi diệu khó nghĩ bàn.(Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Đức Phật thọ ký cho La Hầu La Tôn giả

Tôn giả La Hầu La cùng với Ngài A Nan được đức Phật thọ ký sẽ thành Phật trong vị lai. Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để đọc Phẩm thứ chín trong kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký: 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Hán Dịch

Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch

*

 QUYỂN THỨ TƯ

Đời Diêu-Tần, Ngài Tam-Tạng Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập phụng chiếu dịch.

Phẩm “Thọ Học Vô Học Nhân Ký” Thứ Chín

Bấy giờ, ngài A-Nan và ngài La-Hầu La nghĩ như vầy: “Chúng ta tự suy nghĩ, nếu được thọ ký thời sung sướng lắm”. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật đồng bạch Phật rằng:

“Thế Tôn! Chúng con trong đây cũng đáng có phần, chỉ có đức Như-Lai, là chỗ về nương của chúng con. Lại chúng con là người quen biết của tất cả trời, người, A-tu-la trong đời. A-Nan thường làm vị thị giả hộ trì tạng pháp, La-Hầu-La là con của Phật, nếu Phật thọ-ký đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác cho, thời lòng nguyện cầu của con đã mãn, mà lòng trông của chúng cũng được đủ”.

Lúc đó, hàng đệ-tử Thanh-văn, bậc học cùng vô-học, hai nghìn người đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch vai áo bên hữu đến trước Phật chấp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Thế-Tôn như chỗ nguyện cầu của A-Nan và La Hầu-La rồi đứng qua một phía.

*

Bấy giờ, đức Phật bảo A-Nan: Ông ở đời sau sẽ được làm Phật hiệu là Sơn Hải-Tuệ Tự-Tại Thông-Vương Như Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh hạnh túc, Thiện-thệ Thế-gian-giải, Vô thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật, Thế-Tôn; ông sẽ cúng dường sáu mươi hai ức đức Phật, hộ trì tạng pháp vậy sau chứng được đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, giáo hóa hai mươi nghìn muôn ức hằng hà-sa các chúng Bồ-Tát vv… làm cho thành đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Nước tên là Thường-Lập Thắng-Phan, cõi đó thanh tịnh, đất bằng chất lưu ly, kiếp tên Diệu-Âm Biến Mãn. Đức Phật đó thọ mạng vô lượng nghìn muôn ức vô lượng a-tăng-kỳ kiếp tính đếm số kể chẳng có thể biết được, chánh pháp trụ đời gấp bội thọ mạng, tượng pháp lại gấp bội chánh pháp. A-Nan! Đức Phật Sơn-Hải-Tuệ-Tự-Tại Thông-Vương đó, được vô lượng nghìn muôn ức hằng-hà-sa các đức Phật Như Lai ở mười phương đồng ngợi khen công đức của ngài. Khi đó đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

*

Nay Ta nói trong Tăng

A-Nan, người trì pháp

Sẽ cúng dường các Phật

Vậy sau thành chánh giác

Hiệu rằng: Sơn-Hải-Tuệ

Tự-Tại-Thông-Vương Phật

Cõi nước kia thanh tịnh

Tên Thường-Lập-Thắng-Phan

Giáo hóa các Bồ-Tát

Số đông như hằng sa

Phật có oai đức lớn

Tiếng đồn khắp mười phương

Vì bởi thương chúng sanh

Nên sống lâu vô lượng

Chánh pháp bội thọ mạng

Tượng pháp lại bội chánh

Vô số hàng chúng sanh

Đông như cát sông Hằng

Ở trong pháp Phật đó

Gieo nhân duyên Phật đạo.

*

Bấy giờ, trong hội hàng Bồ-Tát mới phát tâm, tám nghìn người, đều nghĩ thế này: “Chúng ta còn chưa nghe các vị Bồ-Tát lớn được thọ ký như thế, có nhân duyên gì mà các Thanh-văn được thọ ký như thế.” Lúc ấy, đức Thế-Tôn biết tâm niệm của các vị Bồ-Tát mà bảo rằng:

“Các Thiện nam tử! Ta cùng bọn ông A-Nan ở chỗ đức Phật Không-Vương đồng thời phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. A-Nan thường ưa học rộng, còn ta thường siêng năng tinh tấn, cho nên nay ta đã thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà A-Nan hộ trì pháp của ta, ông cũng sẽ hộ trì pháp tạng của các đức Phật tương lai, giáo-hóa thành tựu các chúng Bồ-Tát. Bổn nguyện của ông như thế nên được thọ ký dường ấy.”

Ngài A-Nan tận mặt ở trước Phật, tự nghe Phật thọ ký cùng cõi nước trang nghiêm, chỗ mong cầu đã đủ, lòng rất vui mừng được đều chưa từng có. Tức  thời nghĩ nhớ tạng pháp của vô lượng nghìn muôn ức các đức Phật thuở quá khứ, suốt thấu không ngại như hiện nay nghe và cũng biết bổn nguyện. Khi đó, ngài A-Nan nói kệ rằng:

Thế-Tôn rất ít có

Khiến con nhớ quá khứ

Vô lượng các Phật Pháp

Như chỗ nghe ngày nay

Con nay không còn nghi

An trụ trong Phật đạo

Phương tiện làm thị giả

Hộ trì các Phật Pháp.

*

Bấy giờ, Phật bảo ông La-Hầu-La: Ông ở đời sau sẽ được làm Phật hiệu: Đạo Thất-Bảo-Hoa, Như-Lai Ứng-cúng, Chính-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện thệ Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật, Thế-Tôn.

Ông sẽ cúng dường các đức Như-Lai như số vi trần trong mười phương thế giới. Thường vì các đức Phật mà làm trưởng tử, cũng như hiện nay. Đức Phật Đạo-Thất-Bảo-Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo hóa đệ tử, chánh pháp và tượng pháp cũng đồng như đức Sơn-Hải-Tuệ Tự-Tại-Thông-Vương Như Lai không khác. Ông cũng làm trưởng tử cho Phật này, qua sau đây rồi sẽ được đạo vô thượng chánh-đẳng chánh-giác. Lúc đó đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Lúc ta làm Thái tử

La-Hầu làm trưởng tử. 

Ta nay thành Phật đạo

Thọ pháp làm Pháp-tử.

Ở trong đời vị lai

Gặp vô lượng ức Phật

Làm trưởng tử cho kia

Một lòng cầu Phật đạo.

Hạnh kín của La-Hầu

Chỉ ta biết được thôi

Hiện làm con cả ta

Để chỉ các chúng sanh

Vô lượng ức nghìn muôn

Công đức không thể đếm

An trụ trong Phật pháp

Để cầu đạo vô thượng.

*

Bấy giờ, đức Thế-Tôn thấy bậc hữu-học cùng vô-học hai nghìn người, chí ý hòa dịu vắng lặng trong sạch, một lòng nhìn Phật, Phật bảo A-Nan: “Ông thấy bực hữu-học vô-học nghìn người đây chăng?” 

– Vâng! Con đã thấy.

– A-Nan! Các người sẽ cúng dường các đức Như-Lai như số vi trần trong năm mươi thế giới, cung kính tôn trọng hộ trì pháp tạng. Rốt sau đồng thòi ở cõi nước trong mười phương đều được thành Phật, đều đồng một hiệu la Bảo Tướng Như-Lai Ứng-cúng, Chính-biến tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ Thế gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu. Thiên-nhân-sư, Phật Thế Tôn, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, Thanh-văn, Bồ-Tát, chánh pháp, tượng pháp thảy đều đồng nhau.

Lúc đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Hai nghìn Thanh-văn đây

Nay đứng ở trước ta

Thảy đều thọ ký cho

Đời sau sẽ thành Phật

Cúng dường các đức Phật

Như số trần nói trên.

Hộ trì tạng pháp

Phật Sau sẽ thành Chánh-giác

Đều ở nơi mười phương

Thảy đồng một danh hiệu

Đồng thời ngồi đạo tràng

Để chứng tuệ vô thượng

Đều hiệu là Bảo-Tướng

Cõi nước cùng đệ tử

Chánh pháp và tượng pháp

Thảy đều không có khác.

Đều dùng các thần thông

Độ mười phương chúng sanh

Tiếng đồn vang khắp cùng

Lần nhập vào Niết-bàn. 

Lúc đó, bậc hữu-học cùng vô-học hai nghìn người nghe đức Phật thọ ký vui mừng hớn hở mà nói kệ rằng:

Thế-Tôn đèn tuệ sáng

Con nghe tiếng thọ ký

Lòng vui mừng đầy đủ

Như được nước cam lộ

***

Tôn giả La Hầu La: Lời Kết

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Khi đức Phật làm thái tử, thì La Hầu La làm con của Ðức Phật, hiện tại Phật đã thành Phật. Ngài La Hầu La tiếp thọ pháp của Phật, mà làm đệ tử của Phật. Ở trong đời vị lai, Ngài sẽ gặp vô lượng ức các đức Phật. Khi mỗi vị Phật ra đời, thì Ngài đều làm trưởng tử cho các đức Phật, một lòng cầu Phật đạo.

Tôn giả La Hầu La hành mật hạnh bậc nhất, tôn giả lúc nào nơi nào, cũng đều có thể nhập định, chỉ có Phật mới biết mật hạnh của Ngài tu. Ngài hiện thân làm trưởng tử cho đức Phật, là để thị hiện cho chúng sinh thấy, vì cầu vô thượng Phật đạo. Thệ nguyện công đức của Ngài vô số ức nghìn vạn, không thể lường được. Ngài nguyện an trụ trong Phật pháp, vì cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tín - Hạnh - Nguyện trong kinh A Di Đà

20 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog