Huệ Viễn Đại Sư là sơ Tổ Liên Tông
Pháp Giới 11 tháng trước

Huệ Viễn Đại Sư là sơ Tổ Liên Tông

Huệ Viễn Đại sư là Tổ Liên Tông thứ nhất. Đại sư sinh vào thời nhà Tấn, thuở nhỏ đã bát lãm Lục Kinh và học thuyết Lão, Trang. Năm mười một tuổi, nhân nghe pháp sư Đạo An giảng kinh Bát Nhã, Sư liễu ngộ mà xuất gia, lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm nghĩa vụ trọng yếu. Sau khi vào Lô Sơn, thấy phong cảnh đẹp đẽ nhàn tịch, Sư bèn kết cỏ tranh làm nhà, giảng kinh Niết Bàn.

  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
  • Ngài Quả Khanh là hóa thân Bồ Tát.
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Đế Thích Thiên là ai.
  • Tứ Đại Thiên Vương gồm những ai.
  • Sự thực về vua A Xà Thế.
  • Chuyện tâm linh có thật.

Huệ Viễn Đại Sư là sơ Tổ Liên Tông

Huệ Viễn Đại sư thần sắc nghiêm dung, tiếng nói êm dịu, khuôn mặt vuông vắn, cương nghị, ai trông thấy cũng kính sợ. Đạo hạnh của sư cảm ứng khiến Long thiên nổi giông tố, chuyển cây đến dựng chùa Đông Lâm. Sư cho đào ao trồng sen, nên gọi là Liên xã. Lại tập hợp chúng, sáu thời niệm Phật cầu sanh Tây phương. 

Đây là sự khởi đầu hình thành Liên tông ở Trung Quốc. Vào cuối đời của Viễn Công, những người nhập Liên xã tu Tịnh nghiệp được vãng sanh Cực Lạc rất nhiều. Từ đó, chùa Đông Lâm trở thành trung tâm Phật giáo phương Nam. Năm thứ mười hai niên hiệu Nghĩa Hi, ngài Viễn Công thấy Phật xuất hiện, liền đoan tọa nhập diệt, thọ tám mươi ba tuổi.

Huệ Viễn Đại Sư

Huệ Viễn Đại Sư là người đầu tiên phát triển pháp môn Tịnh độ hết sức sâu rộng tại Trung Hoa. Bởi thế nên người đời sau tôn xưng ngài là Sơ tổ Tịnh độ tông. Ngài học rộng biết nhiều, tuổi trẻ đã thông suốt sách vở thế gian, hiểu sâu Lục kinh của Nho gia. Khi được nghe Pháp sư Đạo An giảng kinh Bát nhã, ngài bỗng nhiên bừng tỉnh ngộ. Nhân đó liền dứt sạch việc đời, theo hầu ngài Đạo An, chuyên tâm tu học.

Vào niên hiệu Thái Nguyên năm thứ sáu, ngài đến Tầm Dương. Phong cảnh Lô sơn yên tĩnh, rộng rãi. Thấy có thể là nơi tĩnh tâm dứt duyên trần nên ý muốn lưu lại đó. Đạo hạnh của Ngài cảm ứng thấy thần núi Lô sơn hiện ra. Trong một đêm Thần nổi sấm sét mưa gió, sáng ra bao nhiêu cây gỗ cần để dựng chùa đều tự nhiên có đủ ở vị trí ngài chọn. Quan Thứ sử Hoàn Y phát tâm lo việc xây dựng chùa, nhân việc ấy nên đặt tên là Thần Vận.

Lại nhân vì Huệ Viễn Đại sư khi mới đến ở về hướng tây, nên chùa mới xây gọi là Đông Lâm; Gộp chung lại lấy hiệu là chùa Đông Lâm Thần Vận. Đại sư thành lập hội niệm Phật là Bạch Liên Xã, từ đó chuyên tâm tu hành. Trong ba mươi năm không hề rời núi, không vướng chuyện trần tục; Chỉ một lòng hướng về Tây phương Cực Lạc.

Huệ Viễn Đại sư chế Liên Hoa Lậu

Ngài chế ra khí cụ gọi là “Liên hoa lậu” Liên hoa lậu, cũng gọi tắt là liên lậu để phân chia thời khắc trong ngày. Tăng tục theo đó mà hành trì lễ bái, niệm Phật không sai sót. Đây là một loại khí cụ được chế tạo bằng đồng, có hình dạng như hoa sen (liên hoa ); Hoa được thả nổi trên hồ nước, dưới đáy có một lỗ nhỏ để nước thấm rỉ (lậu ) vào. Khi nước thấm vào bên trong dâng lên quá nửa thì hoa sen ấy chìm xuống. Một ngày đêm được tính toán phân chia làm 12 lần hoa sen chìm.

Nhờ khí cụ này, chư tăng tuy ở trong núi sâu nhưng vẫn biết được giờ giấc chính xác để hành trì đều đặn, liên tục. Những người tham gia Bạch Liên Xã có đến hơn ba ngàn. Trong đó riêng các vị cao tăng, danh nho là một trăm hai mươi ba người. Tất cả đều chuyên tâm niệm Phật hết sức tinh tấn. Huệ Viễn Đại sư đã ba lần được nhìn thấy thánh tướng Tây phương Cực Lạc nhưng lặng lẽ không nói cho ai biết.

Mãi đến mười chín năm sau, vào một đêm cuối tháng bảy, ngài nhập định ở đài Bát nhã. Khi vừa xuất định liền nhìn thấy đức Phật A Di Đà. Phật hiện thân giữa vầng hào quang tròn sáng bao trùm khắp cả hư không. Lại thấy có vô số các vị hóa Phật, mỗi vị đều có các Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy có dòng nước chảy tỏa ra ánh sáng rực rỡ, phân thành mười bốn nhánh, uốn lượn lên xuống, phát ra âm thanh diễn thuyết pháp mầu.

Huệ Viễn Đại Sư: Thấy Phật vãng sanh

Đức Phật A Di Đà dạy rằng: “Ta dùng nguyện lực đến đây để giúp ông thêm tín tâm. Trong bảy ngày nữa, ông sẽ vãng sinh về Cực Lạc.” Khi ấy, ngài nhìn thấy các vị Phật Đà Da Xá, Tuệ Trì, Tuệ Vĩnh, Lưu Di Dân… đều đứng hầu bên Phật. Lúc đó mới biết họ đã vãng sinh từ trước. Các vị ấy thấy Ngài liền chắp tay chào và nói: “Ngài phát nguyện trước, nhưng sao lại đến muộn thế?”. Đại sư trong lòng hoan hỷ, hôm sau nói với đồ chúng rằng:

“Ta từ khi đến tu tập ở đất này, đã ba lần nhìn thấy thánh tướng. Hôm nay lại nhìn thấy, nhất định sẽ sinh về Tịnh độ.” Đúng bảy ngày sau, Đại sư an nhiên viên tịch trong tư thế tĩnh tọa. Hôm ấy là ngày mồng sáu tháng tám, niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ 12.

Tuy xiển dương Tịnh Ðộ, Huệ Viễn Đại sư vẫn lưu tâm đến các pháp môn khác. Ngài có lưu lại nhiều bài tựa về kinh luận và hoàn thành nhiều tác phẩm như sau:

  1. Ðại Trí Luận Yếu Lược (20 quyển).
  2. Pháp Tánh Luận.
  3. Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận.
  4. Ðại Thừa Nghĩa Chương (3 quyển).
  5. Thích Tam Bảo Luận.
  6. Minh Báo Ứng Luận.
  7. Sa Môn Ðản Phục Luận.
  8. Biện Tâm Thức Luận.
  9. Phật Ảnh Tán.
  10. Du Lô Sơn Thi.
  11. Lô Sơn Lược Ký.
  12. Du Sơn Ký.

Một bậc tuyệt luân cái thế như vậy, ai cũng kính phục, chẳng phải là người phàm thường, chắc chắn cuộc đời của Ngài rất đặc biệt, thật xứng đáng để chúng ta noi theo.

Huệ Viễn Đại sư khai thị về niệm Phật 

Đại Sư nói: “Thế nào là niệm Phật tam muội? Niệm Phật tam muội là ý chuyên nhất, tưởng vắng lặng. Ý chuyên nhất thì tâm không tán loạn; Tưởng vắng lặng thì thần sáng, khí nhẹ. Khí nhẹ thì thân tâm khinh an, thần sáng thì không gì không thấu triệt. Đây chính là diệu dụng tự nhiên của Định Tuệ hợp nhất.”

Đối với chỗ chính yếu trong sự tu tập, Huệ Viễn Đại sư dạy: “Người phụng hành pháp của bậc hiền Thánh, nên tư duy cho hợp với lẽ phải. Luôn nghĩ thời gian qua mau mà lo tích tụ các công đức; Thường phải tẩy rửa thân tâm cho được thanh tịnh, ngày đêm chuyên cần, thậm chí quên cả ngủ nghỉ; Có vậy công đức mới được viên dung, thông suốt ba thừa, vượt qua tất cả; Có khả năng dẫn dắt kẻ yếu đuối tinh tấn tu tập, làm chỗ nương cho người đời sau.” Ngài còn dạy: “Thân người như huyễn, nguyện giữ giới luật hoàn toàn thanh tịnh.”(Tịnh độ Tập yếu)

Huệ Viễn Đại Sư – Theo Cao Tăng Truyện

Đại Sư Huệ Viễn (334-416): Người Nhạn Môn, Sơn Tây. Thuở nhỏ đi theo cậu là Lịnh Cô Thị du học ở Hứa Xương. Từ thuở thiếu thời Ngài đã tinh thông Nho học, Lão Trang cùng Bách Gia Chư Tử. Khi xuống miền nam tham vấn nhà nho Phạm Tuyên; Được biết ngài Pháp sư Đạo An, chùa Nghiệp Trung, ở Thái Hằng Sơn hoằng dương Phật học, Ngài liền tìm đến yết kiến vấn đạo. Khi nghe Ngài Đạo An giảng Kinh Bát Nhã liền đại triệt đại ngộ. Đạo học cũng như tư cách thiền phong của Đạo An Đại Sư khiến Ngài khâm phục, nên Ngài phát tâm xuất gia học đạo, lễ ngài Đạo An làm thầy. 

Năm 358 theo lời dạy của ngài Đạo An. Ngài đến Kinh Châu tham vấn ngài Trúc Đạo Thái, giải phá luận kiến Tâm Vô Nghĩa của ngài Đạo Hằng. Ngài đăng tòa thuyết pháp khi vừa mới 24 tuổi. Đôi khi Ngài còn dùng cả luận lý của Trang Tử để giải nghĩa thật tướng của Phật Pháp. Năm 361 Ngài theo ngài Đạo An vào Vương Thất Sơn. Năm 366 Ngài đến Nhượng Dương Hồ Bắc và ở đây 12 năm. Năm 378 Ngài phụng mệnh ngài Đạo An xuống miền nam hoằng Pháp. Ngài đến ở chùa Thượng Minh ở Kinh Châu, năm đó Ngài 45 tuổi.

*

Huệ Viễn Đại sư muốn xuống miền nam tham vấn bạn đồng học là ngài Huệ Vĩnh ở chùa Tây Lâm núi Lô Sơn. Sau đó quán xét thời cơ nên Ngài ở lại tu hành tại núi Lô Sơn. Ban đầu Ngài lập Tịnh xá Long Tuyền làm nơi cư trú. Sau đó Pháp sư Huệ Vĩnh trụ trì chùa Tây Lâm ở phía tây núi Lô Sơn muốn mời Ngài cùng ở hoằng truyền Phật Pháp.

Đạo hạnh cũng như trí huệ ngài Huệ Viễn Đại Sư nổi tiếng khắp thiên hạ. Hành giả Tăng chúng về nương Ngài tu học ngày càng đông. Chùa Tây Lâm đất hẹp không thể lập đạo tràng để tiếp Tăng độ chúng. Bấy giờ có Quan Thái Sử Hoàn Y thấy thế, phát tâm cất chùa cho Ngài bên phía đông Lô Sơn. Gọi là Đông Lâm Thần Vận Tự cho Ngài trụ trì hoằng dương Tịnh Độ. 

Đại sư còn sai đệ tử là Pháp Tịnh, Pháp Lĩnh đi Tây Thiên thỉnh Kinh. Sau đó còn cho người đến Trường An thỉnh Tôn Giả Phật Đà Bạt Đà La, họp cùng những vị khác đến Lô Sơn phiên dịch các kinh điển ấy. Đại sư lại viết thư thỉnh cầu tôn giả Đàm Ma Lưu Chi, người Tây Trúc dịch bộ Thập Tụng Luật. Đại sư thành lập Bạch Liên Xã làm nơi tu hành Tịnh Độ, quy tụ hơn ba ngàn người, trong đây có 123 vị được tôn là Hiền. Trong 123 vị Hiền này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền.. Lập luận Sa môn bất bái vương giả có sự ảnh hưởng rất lớn trong Phật Giáo Bắc Truyền.

Giai thoại về Huệ Viễn Đại sư

Huệ Viễn Đại sư và giai thoại Hổ Khê Tam Tiếu nổi tiếng thiên hạ. Chuyện kể rằng Ngài ở Lô Sơn hơn ba mươi năm, chân không bước ra khỏi núi. Ngài khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết với đời, nguyện giải quyết vấn đề sanh tử ngay trong kiếp hiện tại. Khi có khách đến viếng, lúc ra về Đại sư nguyện chỉ tiễn chân tới cầu suối Hổ Khê trước chùa.

Có một lần, hai danh nhân là nho sĩ Đào Uyên Minh và đạo gia Lục Tu Tĩnh tìm đến yết kiến. Vì cơ luận khế hợp, khi dưa khách ra về, bất giác Đại sư bước ra khỏi cầu suối hồi này không hay biết. Vừa lúc ấy, ánh tịch dương chợt rọi đến, in bóng người bên vách núi. Cả ba như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm biệt. Người sau dựng Tam Tiếu Đình tại nơi đây để lưu niệm giai thoại đầy thiền ý này.

Ngày mùng 6 tháng 8 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 12. Huệ Viễn Đại Sư sau hơn 83 năm trụ thế, hơn 30 năm trụ tích ở Lô sơn Hoằng dương Tịnh Độ, Ngài xã báo an tường vãng sanh Tịnh Độ. Quan Thái Thú Tầm Dương là Nguyễn Bảo cùng đại chúng làm lễ an táng và xây tháp Ngài tại phía tây Lô Sơn. Vua An Đế nhà Tấn hay tin rất thương tiếc, sắc phong cho Đại sư thụy hiệu “Lô Sơn Tôn Giả, Hồng Lô Đại Khanh, Bạch Liên Xã Chủ”. Các Vua đời sau đều có phong tặng để cảm niệm công đức hộ pháp an dân của Ngài. (Cao Tăng truyện)

Tuệ Tâm 2021.

Xem Thêm:   Đại lược về Giới Luật Phật Giáo – Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog