Hôn trầm là một thuật ngữ của Phật pháp, chỉ cho trạng thái buồn ngủ khi dụng công. Người tu có lúc tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ: Đó là vọng chướng hôn trầm. Hoặc có lúc miệng tuy niệm Phật, song tâm lại vẩn vơ tưởng chuyện đâu đâu: Đó là vọng duyên tán loạn. Hôn trầm và tán loạn hai chướng duyên này rất nguy hại, vì nó phá hoại người tu, khiến cho không thể vào chánh định.
- Thập thiện là gì
- Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ
- Thiên ma là loại ma gì.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
Kinh nghiệm về Hôn trầm
Nhiều vị trong lúc đang hành trì, vọng tưởng thoạt nhiên chìm lặng, câu niệm Phật vẫn nghe đều đều. Tâm tư êm dịu quên cả nóng bức, hoặc sự cắn đốt của muỗi mòng. Trạng thái này thường thường kéo dài từ nửa giờ đến một giờ đồng hồ, có khi ra mồ hôi ướt cả áo mà không hay. Đến lúc chợt giác tỉnh mới cảm biết trong người nóng bức khó chịu. Hành giả thấy thế đừng vội mừng cho rằng tâm mình được an định, công phu đã có đôi phần thành tích. Thật ra đó chỉ là trạng thái hôn trầm thuộc phần vi tế nhẹ nhàng. Cổ nhơn đã bảo:
“Nhè nhẹ hôn trầm khôn phát giác.
Trọn ngày hạng quỉ mãi sinh nhai!”
Trong trường hợp này hành giả phải đề khởi tinh thần, dụng công chặt chẻ, vừa niệm vừa soi vào bên trong mới phá trị nó được. Theo chỗ kinh nghiệm: Khi hôn trầm sắp kéo đến, tất trước tiên có vọng niệm tán loạn nổi lên. Cũng có lúc hôn trầm và vọng tưởng đồng thời sanh khởi.
Nhưng đây là hiện tượng thô, rất dễ phát giác. Đến khi hôn trầm vi tế sắp hiện, trước tiên một loại tạp tưởng vi tế nổi sanh. Hành giả cảm biết có một điểm mê mờ từ sau ót kéo lên đỉnh đầu. Kế xuống đôi mắt và sau rốt vào tâm tạng. Hôn trầm đi đến đâu tất nơi đó bị ảnh hưởng, như đến đầu thì hơi gục xuống, đến mắt, đôi mắt nhắm lại. Khi đến tâm tạng, tâm liền mê mờ. Về loại hôn trầm nhẹ, phải có trí tinh tế mới nhận xét được.
Cách đối trị Hôn trầm
Hôn trầm và vọng tưởng vi tế, người tu lâu tự biết lối giải trừ. Nơi đây, chỉ lược bàn qua cách đối trị về phần thô. Thông thường, khi loạn tưởng nhiều, hành giả nên ngồi yên nhiếp tâm niệm Phật. Lúc hôn trầm đến, nên đứng lên vừa niệm vừa kinh hành. Cứ dùng hai oai nghi này thay đổi mãi, lâu ngày hai chướng duyên ấy sẽ tiêu trừ.
Theo chỗ kinh nghiệm, lắng tai ghi nhận rành rõ từ tiếng từ câu niệm Phật theo lối Phản Văn Trì Danh, có lẽ là phương pháp kiến hiệu nhứt để đối trị tán loạn. Và, Lễ Bái Trì Danh, là phương thức tối thượng để đối trị với mối chướng hôn trầm nặng nề. Nhưng, mỗi hành giả đều có chỗ kinh nghiệm và thích hợp riêng. Trên đây chỉ lược đưa ra vài quan điểm để góp phần khuyến ích.
Khi hôn trầm và nghiệp tướng phát hiện
Có người trong lúc tu tập, bỗng khởi lên những tâm niệm tham lam, giận hờn, dục nhiễm, ganh ghét, khinh mạn, nghi ngờ, hoặc si mê dễ hôn trầm buồn ngủ. Những tâm niệm ấy đôi khi phát hiện rất mãnh liệt, gặp duyên sự nhỏ cũng dễ sanh cau có bực mình. Nhiều lúc trong giấc mơ, lại thấy các tướng thiện ác biến chuyển. Trong đây những tình tiết chi ly không thể tả hết được.
Gặp cảnh này, hành giả phải ý thức đó là do công năng tu hành nên nghiệp tướng phát hiện. Ngay lúc ấy, nên giác ngộ các nghiệp tướng đều như huyễn, nêu cao chánh niệm, tự nhiên những tướng ấy sẽ lần lượt tiêu tan. Nếu không nhận thức rõ ràng, tất bị nó xoay chuyển làm cho thối đọa. Tiên đức bảo: “Chẳng sợ nghiệp khởi sớm, chỉ e giác ngộ chậm,” chính là điểm này.
Có người đang lúc dụng công, bỗng phát sanh tán loạn mỏi nhọc khó cưỡng nỗi. Ngay khi ấy, nên đứng lên lễ Phật đi kinh hành, hoặc tạm xả lui ra ngoài đọc một vài trang sách, sửa năm ba cành hoa, chờ cho thanh tĩnh sẽ trở vào niệm Phật lại. Nếu không ý thức, cứ cưỡng ép cầu cho mau nhứt tâm, thì càng cố gắng lại càng loạn. Đây là sự uyển chuyển trong lúc dụng công, ví như thế giặc quá mạnh tợ nước tràn, người chủ soái phải tùy cơ, nên cố thủ chớ không nên ra đánh.
Có vị tu hành, khi niệm Phật bỗng thấy cô tịch như bản đàn độc điệu dễ sanh buồn chán, thì không ngại gì phụ thêm trì chú, quán tưởng, hoặc tụng kinh.
Kinh nghiệm trị hôn trầm buồn ngủ khi niệm Phật
Tổ Ấn Quang dạy: “Mỗi ngày ước định bốn thời tụng niệm, hoặc sáu thời, chỉ bắt đầu bằng niệm Kệ Tán Phật rồi niệm Phật. Nếu chỉ thực hiện lễ tụng trong một thất thì chẳng cần chú trọng lễ bái. Nếu làm lâu ngày mà lười nhác, lan man không chương trình, sẽ khó thể tinh tấn được!
Khi lễ bái chẳng cần phải niệm ra tiếng, chỉ niệm thầm trong tâm. Khi nhiễu niệm hãy nên niệm ra tiếng, nhưng âm thanh chớ nên quá to để khỏi bị tổn khí. Khi ngồi niệm nếu chẳng hôn trầm thì niệm thầm. Nếu bị hôn trầm thì niệm ra tiếng rõ ràng. Bất luận niệm kinh, niệm Phật, niệm chú Vãng Sanh đều phải tâm và miệng niệm cho rõ ràng, rành rẽ, tai nghe cho rõ ràng, rành rẽ, chẳng để cho có hết thảy ý niệm khởi lên, giống như sắp chết, bất cứ chuyện gì cũng đều gác ra ngoài.
Mỗi phen ăn cơm, trước hết phải cúng Phật, cúng xong rồi mới ăn. Chớ nên ăn quá no, hễ no sẽ hôn trầm. Nói đến nhất tâm thì không phải là chuyên niệm một câu Phật hiệu mới có thể nhất tâm. Nếu tâm đã chịu quy nhất rồi, dù niệm kinh, niệm chú, lễ bái cũng đều là nhất tâm.
*
Hòa Thượng Thiền Tâm kể: “Nhân tiện, xin thuật ra đây một việc để cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức. Có một nữ Phật tử đến chỗ bút giả buồn khóc thưa thật rằng: Mỗi khi cô niệm Phật tụng kinh độ vài mươi phút là hôn trầm rồi ngủ gục lúc nào không hay, có khi tiểu tiện ngay trước bàn Phật. Do đó cô sợ tội bỏ luôn không dám tụng niệm.
Bút giả khuyên cô nên chuyên sám hối trong một thời gian. Quả nhiên ít lâu sau cô dứt hẳn nghiệp tướng ấy, lại nằm mơ thấy nhiều vỏ ốc, đập mỗi vỏ ốc ra thấy một hạt sen. Cô này nghiệp si nặng, vỏ ốc là hiện tướng của nghiệp si, đập vỏ ốc thấy hạt sen là phá si mê mà thành tựu nhân lành giác ngộ vãng sanh về cõi Phật.
(Hôn trầm là gì – Theo Phật học tinh yếu)
Tuệ Tâm 2021.