Hạnh Bồ-tát theo kinh Hoa Nghiêm
Pháp Giới 3 tháng trước

Hạnh Bồ-tát theo kinh Hoa Nghiêm

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

NSGN – Những kiến giải sơ lược về Bồ-tát đạo theo thiển nghĩ của chúng tôi chỉ là phương tiện gợi ý cho các pháp lữ nhận được phần nào thế giới Tỳ Lô Giá Na bất tư nghì, dù chỉ trong một ít phút giây ngắn ngủi cũng đáng quý lắm thay.

Nói đến hạnh Bồ-tát, có nhiều kinh diễn tả khác nhau, như kinh Kim cương, Bát-nhã, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Phương đẳng.

Bước đầu, từ Thanh văn qua Bồ-tát hạnh lấy kinh Bát-nhã làm chuẩn, vì Phật dạy khi tu Thanh văn hay Duyên giác đến đỉnh cao là đắc A-la-hán, hành giả có trí tuệ mới chuyển sang hành Bồ-tát đạo giáo hóa chúng sanh, gọi là tự độ mới độ tha. Đắc La-hán là học xong rồi mới thực tập hạnh Bồ-tát trong cuộc đời là tìm người có nhân duyên để giáo hóa.

Qua kinh Bát-nhã, theo tôi cũng phát xuất từ trí tuệ theo kinh Nguyên thủy là giới định tuệ. Tuệ sanh, hành giả lấy trí tuệ làm mạng của mình. Kinh Bát-nhã dạy quán Không, buông bỏ tất cả, chủ yếu là bỏ phiền não để tâm vắng lặng. Và hành Bồ-tát đạo trên tinh thần vị tha vô ngã, nên buồn giận lo sợ, phải trái hơn thua không tác động tâm hành giả là nhập Bát-nhã môn.

Và Đại thừa phát triển đến đỉnh cao là kinh Pháp hoa Phật dạy các Bồ-tát. Việc làm chính của Bồ-tát là nghĩ đến người khác, quên mình, lấy tiểu ngã của mình hòa nhập vào đại ngã của xã hội, của trời đất, mới chứng được Pháp thân của Phật Thích Ca đã chứng.

Trong quyển 7, kinh Pháp hoa, Phật nói về công hạnh của bốn vị Bồ-tát tiêu biểu là Diệu Âm, Quan Âm, Diệu Trang Nghiêm và Phổ Hiền. Mỗi Bồ-tát có một hạnh khác nhau, để chúng ta ứng dụng và tập làm theo. Mở đầu là Bồ-tát Diệu Âm. Khi Đức Phật thuyết kinh Pháp hoa có 84.000 hoa sen hiện ra, báo hiệu Bồ-tát Diệu Âm từ thế giới phương Đông sắp đến ra mắt Phật.

Bồ-tát Diệu Âm xuất hiện trên cuộc đời qua hình ảnh 84.000 hoa sen nhằm xóa trừ 84.000 phiền não trần lao của chúng sanh. Nói cách khác, tất cả ham muốn, khổ đau của chúng sanh nhiều vô số, dù ở dạng nào, Ngài Diệu Âm cũng có những pháp tương ưng để giải trừ giúp họ.

Ngoài ra, Bồ-tát Quan Âm cũng được nhắc đến. Theo tinh thần vô ngã, nên Ngài không có hình dạng cố định mà trong kinh diễn tả là Quan Âm có 32 Ứng hiện thân. Tu hành không có mô hình cố định, vì có cố định tất có sự đụng chạm với người không thích hợp, với thời gian không thích hợp. Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt cũng vì không thích hợp được ở thế kỷ XII, thời đó không phải là thời kỳ đạo Phật cực thạnh như lúc Phật tại thế.

Và Bồ-tát hạnh trong kinh Pháp hoa đã được triển khai chi tiết rất cụ thể trong kinh Hoa nghiêm. Thật vậy, kinh Hoa nghiêm vẽ ra lộ trình Bồ-tát trải qua 52 chặng đường tu chứng là Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng, từng bước tiến tu lên Bồ-tát Thập địa hay Thập thánh. Và phải hoàn thành mười cấp bậc tu chứng trong Thánh vị là Bồ-tát Đẳng giác, chờ thành Phật, tức Nhứt sanh bổ xứ Bồ-tát.

Bồ-tát Thập tín

Nhập môn theo Hoa nghiêm là bắt đầu bằng niềm tin của hành giả phải vững chãi, đương nhiên có nhiều chông gai mà kinh Pháp hoa gọi là 500 do tuần đường hiểm sinh tử. Nghĩa là từ khi phát Bồ-đề tâm đến khi thành Phật, hành giả sẽ gặp không biết bao ma chướng. nhưng hành giả không sợ, vì tin có Phật lực che chở, tin vào pháp tu hành của mình đúng đắn và dùng trí Bát-nhã quán thấy việc đáng làm thì làm, sống chết không quan tâm. Niềm tin của hành giả kiên cố trải qua mười chặng đường gọi là Thập tín.

Và nếu tâm vững rồi mới bước qua Thập trụ chắc chắn không bị cuộc đời lung lay mà còn chuyển cuộc đời thành công cụ làm đạo, biến ác ma thành pháp lữ. Thể hiện lý này một cách trọn vẹn là Phật đã chuyển hóa hàng ngoại đạo thành đệ tử của Ngài, đó chính là tinh thần Bồ-tát đạo theo Đại thừa.

Thập trụ Bồ-tát

Đại thừa Bồ-tát tu sáu pháp Ba-la-mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, đó là Bồ-tát của Bát-nhã. Nhưng Bồ-tát của Hoa nghiêm tu Thập Ba-la-mật gồm có sáu pháp Ba la mật vừa nói cộng thêm bốn pháp Ba-la-mật là phương tiện, nguyện, lực và trí.

Bồ-tát phải có phương tiện, vì không có phương tiện không thể làm được. Và có phương tiện rồi, phải có nguyện, nghĩa là có muốn làm hay không; vì có phương tiện làm được, nhưng nếu không muốn làm mà chỉ muốn an thân mặc dù Phật pháp cần thì cũng hỏng.

Bước qua lực Ba-la-mật, hành giả muốn làm nhưng làm được hay không. Muốn và làm được thì phải có lực Ba-la-mật. Muốn mà làm không được gọi là lực bất tòng tâm. Hành giả phát triển lực để việc nào cũng làm được.

Và Ba-la-mật thứ mười là trí Ba-la-mật. Bát-nhã Ba-la-mật chỉ là hiểu biết do công phu tu thiền định tất nhiên khác với hiểu biết do kinh nghiệm vào đời làm đạo gặt hái được. Vì vậy, trí Ba-la-mật trong kinh Hoa nghiêm gọi là Nhứt thiết chủng trí nhờ trải qua quá trình hành đạo giáo hóa chúng sanh mà thành tựu.

Thập trụ là trụ tâm ở Bồ-tát đạo và tu mười Ba-la-mật gọi là Bồ-tát trụ tâm từ nhân hướng quả, tập làm theo Bồ-tát lớn. Phát tâm tu thấy kinh ghi làm như vậy, hành giả làm theo, nhưng có người làm được, có người làm không được. Người làm được nhờ có điều kiện. Người không làm được vì chỉ có ý chí muốn làm, nhưng thiếu điều kiện nên gặp trở ngại. Có hiểu biết, có sức khỏe và có người tốt hợp tác là ba điều kiện cần thiết để hành Bồ-tát đạo.

Xem Thêm:   Hiểu để giữ giới tốt hơn

Kinh Nguyên thủy nói mười pháp Ba-la-mật và kinh Đại thừa cũng nói mười pháp Ba-la-mật, nhưng phân tích khác. Kinh Nguyên thủy nói rằng mười pháp Ba-la-mật là quá trình tu Bồ-tát đạo của Đức Phật Thích Ca. Điều này cho chúng ta biết rằng Tỳ-kheo tu Thanh văn đạo, nên chỉ đạt đến quả A-la-hán là cao nhất, trong khi Đức Phật tu Bồ-tát đạo. Hiểu như vậy, xuất gia tu hành theo Thanh văn tạng, chúng ta phải trải qua quá trình tu chứng từ Tu-đà-hoàn đến Tư-đà-hàm và A-na-hàm là tam Hiền vị và A-la-hán là Thánh vị.

Nhưng kinh Hoa nghiêm triển khai Hiền vị gồm có 30 bậc là Bồ-tát Thập trụ, Thập hạnh và Thập Hồi hướng. Đến Bồ-tát Thập địa có mười bậc là Thánh vị. Còn theo kinh Nguyên thủy thì có ba bậc Hiền và chỉ có một bậc Thánh.

Thâm nhập được pháp hành của Bồ-tát Thập trụ là tâm đã an trụ trong nhà Như Lai thì hoàn cảnh bên ngoài dù thế nào, tâm hành giả cũng yên ổn. Tới đây mới hành Bồ-tát đạo, giáo hóa chúng sanh được. Hành Bồ-tát đạo, hành giả thích làm cho người hưởng và nhẫn chịu được những việc xấu ác đổ lên mình.

Xưa kia có một vị Tổ được gọi là Bồ-tát Quan Âm thị hiện, Ngài vào đời giáo hóa chúng sanh. Ngài có điểm đặc biệt là người ta mắng chửi, hạ nhục, tâm Ngài không bị tác động, không thay đổi và có người tệ ác đến mức lấy thùng phân đổ lên đầu Ngài. Đọc tiểu sử Ngài, tôi luôn ám ảnh điều này, nghĩ đến người đổ phân lên đầu mình tất nhiên sợ quá. Anh em phát tâm hành Bồ-tát đạo phải lường trước việc khủng khiếp như vậy. Vị Tổ này vẫn an nhiên đội thùng phân đi và nói rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ! Nghĩa là Ngài quán tưởng thân tứ đại là thùng phân biết đi, hay đãy da đựng đồ ô uế. Quán tưởng thuần thục như vậy, nên Tổ an nhiên tự tại đội thùng phân đi.

Theo tôi, câu nói của Tổ rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ có nghĩa là hành Bồ-tát đạo, ta chấp nhận điều xấu đổ lên mình. Điều xấu ác được cụ thể hóa bằng thùng phân. Người làm việc xấu ác rồi đổ cho mình. Hành giả đi vào đời phải nghĩ đến điều này. Bị đổ việc xấu mà các thầy chịu được và quyết tâm làm là hành Bồ-tát đạo. Không chịu được thì thoái chuyển, trở về Thanh văn, không dính líu đến cuộc đời nữa. Vì cuộc đời muôn mặt, nhưng ta xuất thế thì không dính líu đến cuộc đời.

Vào đời phải có sức chịu đựng được mới có thể hành Bồ-tát đạo. Vì vậy, Bồ-tát Phổ Hiền nói rất dễ thương rằng “Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ”. Nghĩa là hoan hỷ chấp nhận những việc xấu đổ lên mình, vì hạnh Bồ-tát là chịu khổ thế chúng sanh để cúng dường Phật. Họ đổ xấu lên Bồ-tát, vì họ không có sức chịu hay không dám nhận, nên Bồ-tát hoan hỷ vững tâm hành đạo, còn bị đổ điều xấu mà buồn phiền bực tức thì bị đọa.

Trong kinh Hoa nghiêm, Phổ Hiền khẳng định rằng: “Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ. Nguyện thường diện kiến chư Như Lai. Và hàng Bồ-tát vây quanh Phật. Tôi đều cúng dường tứ sự đủ. Tột thuở vị lai không nhàm mỏi”. Vì vậy, không thoái chuyển hạnh Bồ-tát, cứ như vậy mà tiến tu dù có khó khổ. Nhưng qua được chặng đường gian khó này, chúng ta phát tâm, nghĩa là nhờ có thử thách mới luyện được tâm mình.

Cái mõ chạm cá hóa long, vì cá này thấy thác là nhảy vượt qua tiêu biểu cho sức chịu đựng của con người kiên cường. Mỗi ngày đánh mõ, nhìn con cá chạm trên mõ nhắc nhở chúng ta cố gắng vượt qua khó khăn và người quyết tâm tu vượt được một việc khó thì phải chuẩn bị vượt cái khó sau lớn hơn nữa.

Bồ-tát Thập hạnh và Thập hồi hướng

Hạnh Bồ-tát có hai phần là tự hành và hóa tha. Bồ-tát Thập trụ nhắm vô tự hành nhiều hơn, nhưng qua Bồ-tát Thập hạnh đã trụ tâm vững chắc rồi mới nghĩ đến độ người, hành Bồ-tát đạo lấy lợi tha làm chính. Vì vậy, khi tâm chưa vững, công đức chưa có mà độ người không thể đạt kết quả.

Bồ-tát Thập hạnh tu mười môn Ba-la-mật là Bồ-tát tập sự vừa làm vừa học. Phải làm với thầy với bạn để được dìu dắt đi lên, làm một mình bị hư. Vì vậy, hành Bồ-tát đạo phải có quyến thuộc Bồ đề, các Bồ-tát nương nhau làm. Hàng Bồ-tát Thập hạnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên cần có thầy chỉ đạo, giao việc và gặp khó khăn, hành giả mới hỏi thầy chỉ dạy.

Khi đạt được tâm hoan hỷ đối với mọi việc xảy đến, tâm hành giả vẫn không thay đổi thì bước qua pháp hành của Thập hạnh Bồ-tát là hành vô vi nghịch hạnh.

Tu hành chúng ta cố giải được vô vi pháp là hạnh của Bồ-tát. Việc người biết, ta biết là bình thường. Việc thành tựu mà người không biết là bất tư nghì mà chúng ta giải được. Ngài Trí Giả gọi là bất tư nghì sanh diệt Tứ đế.

Xem Thêm:   Bố thí là gì

Đầu tiên, sanh diệt Tứ đế mà ta hiểu được là bình thường. Nhưng bây giờ đi qua bước thứ hai là bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, việc ở trong thế giới sanh diệt nhưng không hiểu được tại sao lại như vậy. Thí dụ ở hoàn cảnh bức ngặt nào đó, tưởng chết nhưng không chết, hoặc nghĩ rằng việc chắc chắn phải thành nhưng thất bại. Tất cả những hệ quả như vậy chúng ta không biết. Tôi từng có kinh nghiệm về điều này, đối với những việc xảy ra trong sanh diệt rất bình thường, nhưng lại không giải được.

Phật Thích Ca từng dạy rằng Phật A Di Đà xây dựng được thế giới Cực lạc là do công đức trang nghiêm. Điều này nhắc nhở tất cả những điều mà chúng ta không hiểu được, nhưng làm được là do công đức làm. Nhận thức lý đạo như vậy, chúng ta nên tích lũy công đức, đừng tiêu hủy công đức.

Khi phạm sai lầm, tiêu hủy công đức thì việc dễ cũng không làm được. Nhìn chiều sâu, nhìn về vô hình, tôi thấy mọi việc đều do công đức quyết định, thí dụ được người kính trọng, cúng dường và làm được Phật sự là do công đức mà thành tựu. Chuyện hơn thua phải trái ta phớt qua, nhìn kỹ thấy chỉ có công đức là cao nhất được Phật giới thiệu qua cảnh Cực lạc do công đức của Đức Phật A Di Đà tạo thành.

Trở về thực tế, hàng ngoại đạo thấy vua Tần Bà Sa La cúng thượng uyển cho Phật Thích Ca, họ không chịu được, vì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là Quốc sư. Ông không hiểu được tại sao ông có công lao lớn nhất và ba anh em Ca Diếp đã hết lòng cho triều đại này, đáng lẽ vua phải cúng thượng uyển cho ông, nhưng lại cúng cho Sa-môn Cù Đàm lúc đó là tu sĩ rày đây mai đó chỉ có một mình. Giải vô vi pháp để thấy tại sao Đức Thích Ca không làm mà được, còn Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp có công lớn mà lại không được.

Không làm thì không được, điều này dễ hiểu. Làm mà được cũng dễ hiểu. Không làm mà được là vô vi pháp, chúng ta phải hiểu điều này để làm đạo. Thực tế cho thấy có thầy lao vô việc xã hội, cuối cùng thân tàn ma dại rồi nói không làm nữa, không hành Bồ-tát đạo nữa. Làm mà không được thì chúng ta suy nghĩ, nên tránh, là đừng tiêu hủy công đức, đem phiền não vô lòng, nhận lầm giặc là con. Người không làm, nên không buồn, có phước bao nhiêu giữ bấy nhiêu. Còn làm mà đem phước đánh đổi phiền não quả là dại dột.

Vì vậy, Bồ-tát Thập hạnh bắt đầu suy nghĩ và ứng dụng pháp Phật, làm bằng công đức, không làm bằng tay chân, đó là vô vi pháp. Bồ-tát làm bằng công đức gợi chúng ta nhớ đến việc Phật đã làm. Trong kinh Bản sanh nói rõ Đức Phật đã xả thân cứu độ chúng sanh, nghĩa là Ngài đã tích lũy công đức từ vô lượng kiếp cho đến nay mới có thành quả là vua cúng dường thượng uyển cho Ngài.

Trên bước đường tu, mục tiêu của Bồ-tát là làm lợi ích cho chúng hữu tình thể hiện hạnh lợi tha của Bồ-tát vì lợi người, không lợi mình. Bồ-tát làm cho người hưởng và không muốn người trả ơn. Theo chân Bồ-tát, mục tiêu của ta là làm cho người, nên họ mang ơn và đủ duyên thì ơn đền nghĩa trả.

Trong vô lượng kiếp Đức Phật hành Bồ-tát đạo và tích lũy công đức nhiều đời mới tạo thành công đức hiện có là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Ngày nay, chúng ta thấy vị nào có công đức lớn, làm được việc lớn, công đức nhỏ thì làm nhỏ. Chưa có công đức thì hiện tướng không có công đức, hoặc hiện tướng nghiệp Tăng đương nhiên khó làm được việc.

Có sức khỏe tốt, có ngoại hình dễ coi và có trí tiếp thu được, nhân những điều kiện tốt này, chúng ta mới phát triển được và phát triển theo chiều hướng tốt càng tốt hơn. Nhưng không may gặp thầy tà bạn ác dẫn đi vào đường xấu, nghiệp ác càng tăng trưởng, hoàn cảnh sống sẽ thê thảm.

Hành Bồ-tát đạo giải được pháp vô vi, ta mới hành vô vi pháp. Có bao nhiêu công đức, chúng ta tận dụng để sanh ra công đức mới. Gom vốn mình có và sử dụng vốn này có ý nghĩa đương nhiên chúng ta có giá trị thặng dư cho kiếp sau. Chúng ta tự kiểm xem trí thông minh, sức khỏe và quyến thuộc Bồ-đề của chúng ta tới đâu.

Thấy bên trong là vô vi pháp, tôi thường quan sát một người nhận ra họ thù nghịch hay cảm tình với mình. Thù nghịch là biết oan gia nghiệp chướng tiền khiên đã đến, nên gặp nhau thì họ khởi tâm giận ghét liền, tu hành tĩnh tâm chúng ta dễ nhận ra điều này. Còn nhìn bề trong biết họ cảm tình, nhận ra đây là quyến thuộc Bồ-đề sẽ hợp tác với ta.

Khi ta khởi ý niệm làm Phật sự nào đó sẽ có người đồng hạnh nguyện đến hợp tác. Nếu anh em khởi ý niệm làm, nhưng không ai tới hỗ trợ là vì không có quyến thuộc Bồ-đề. Hoặc khởi ý niệm tốt, nhưng bị người phản đối là oan gia tiền khiên gặp lại. Bồ-tát Thập hạnh thường quán sát bề trong để hành đạo được kết quả tốt.

Xem Thêm:   Lục Thần Thông là gì

Quán sát kỹ, thấy được việc cần làm và không còn sai lầm là giai đoạn cuối của Bồ-tát Thập hạnh, tròn được hạnh gọi là chân thật hạnh của Bồ-tát. Và khi thành tựu trọn vẹn các sở hành của Bồ-tát Thập hạnh thì bước qua giai đoạn cuối của Hiền vị là Thập Hồi hướng.

Bồ-tát Thập Hồi hướng

Trên lộ trình tiến tu Bồ-tát đạo, chúng ta tạo được bao nhiêu công đức, nhưng nếu không biết giữ gìn, công đức này sẽ mất hết.

Thập Hồi hướng tức mười chỗ chúng ta nên đầu tư. Làm được bao nhiêu công đức phải biết chỗ gởi. Phật dạy người khôn phải biết gởi chỗ không mất, trước nhất là hồi hướng Vô thượng Bồ -đề nghĩa là tất cả công đức mà chúng ta có nên dồn hết cho việc phát huy trí tuệ. Khi bỏ thân xác này, trí tuệ đem theo không mất. Giữ trí tuệ là sự nghiệp chính của người tu. Tu không có trí tuệ thì nguy hiểm, vì bỏ xác này sẽ chui đại vô các loài hạ đẳng. Vì vậy, đầu tư của chúng ta lớn nhất là học và tu, làm sao phát triển trí tuệ cao nhất.

Thứ hai là hồi hướng Pháp giới chúng sanh, tức gởi vô chúng sanh, nói dễ hiểu là chúng ta lựa người để bố thí, giúp đỡ. Người Việt Nam có câu nói rất hay: “Người ta ăn thì còn, con ăn thì mất”. Cho người ăn, họ nhớ ơn mình, sẽ trở thành bạn và hợp tác với mình.

Hồi hướng Pháp giới chúng sanh để kết thành quyến thuộc Bồ-đề. Những người đồng hạnh đồng nguyện cần được giúp đỡ, ta sẵn sàng giúp, đời sau tái sanh gặp lại, họ liền có cảm tình với ta và cùng hỗ trợ nhau làm việc lợi ích. Chúng ta tu hành không có nhu cầu nhiều, lại thêm sống tri túc, tiết kiệm, nên không tiêu xài nhiều, nhờ đó có được thặng dư thì ta quán sát biết người nào có nhu cầu chánh đáng, ta sẵn sàng đầu tư cho họ. Mai kia, họ thành đạt, ta có được bạn tốt, việc hành đạo chắc chắn dễ thành công, đó là lợi ích của pháp tu hồi hướng Pháp giới chúng sanh.

Có người nói rằng tôi phát học bổng mà sao không có ai biết ơn. Đương nhiên có người quý trọng tìm tới, hoặc họ không tới nhưng trong lòng cũng quý mình. Nhờ hạnh này, tôi làm đạo từ Cà Mau đến Móng Cái được nhiều người chấp nhận; đó là hồi hướng Pháp giới chúng sanh không nhứt thiết cho một đồng để họ trả lại hai đồng. Thấy việc cần, ta hỗ trợ. Trên bước đường tu, Phật dạy khi ta chưa cần tiền hoặc vật nào đó, nhưng người cần thì ta giúp. Hoặc ta cần, nhưng người cần hơn, ta cũng giúp, giá trị thặng dư mới cao.

Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề và Pháp giới chúng sanh để chúng ta thấy biết đúng tâm can của chúng sanh, vì nếu không thấy đúng sẽ dễ bị chúng sanh lợi dụng. Nếu họ lợi dụng, ta không cho; nhưng nhìn kỹ, họ cần hơn mình thì sẵn sàng nhường.

Phải có trí tuệ, không phải nói giúp thì ai cũng giúp, ai xin cũng cho rồi nghĩ rằng đó là bố thí bất nghịch như ý, bố thí như vậy là sai lầm phải gánh lấy hậu quả không tốt.

Vì tầm quan trọng của trí tuệ, nên Bồ-tát tu hồi hướng Pháp giới chúng sanh sau khi có trí tuệ. Xưa kia Xá Lợi Phất nghe nói bố thí bất nghịch như ý liền phát tâm bố thí, bấy giờ Ngài gặp người Bà-la-môn xin đôi mắt của Ngài. Nếu không cho thì trái với nguyện, đành để Bà-la-môn móc mắt, nhưng họ làm vậy để Ngài mù, không làm được gì, nghĩa là họ cố tình hại ngài, hại Phật pháp và hại chúng sanh; bố thí như vậy là dại. Nhưng nếu có trí tuệ thấy Bà-la-môn là ác ma thì phải xét xem có nên cho hay không và cho để họ làm gì. Đó là kinh nghiệm sống chết của ngài Xá Lợi Phất.

Có trí tuệ sáng suốt thấy cái gì nên cho, cái gì dứt khoát không cho, thấy người nào nên tiếp xúc, người không nên gần gũi, thấy chỗ nên tới hay không nên tới. Vì vậy, phải hồi hướng trí tuệ trước, cứu độ chúng sanh sau và chuyển hóa chúng sanh trở thành quyến thuộc Bồ-đề.

Sau khi kết hợp được trí tuệ và chúng sanh, lòng hành giả không quan tâm đến thành quả này, gọi là hồi hướng chơn như thật tướng. Nghĩa là tâm Bồ-tát luôn bình ổn và trí sáng quan sát cuộc đời theo sự vận hành của nó cho đến khi tất cả mọi việc đối với hành giả đều diễn tiến theo đúng vận hành của nó là hành giả đã hoàn tất được Hiền vị thứ ba và bước sang pháp hành của hàng Thánh vị là Bồ-tát Thập Địa.

Tóm lại, lộ trình hoàn tất Bồ-tát đạo theo kinh Hoa nghiêm là quá trình thiết thân thể nghiệm không đơn giản mà Bồ-tát phải xả thân hành đạo đến 3.000 đại kiếp mới thành tựu. Như vậy, pháp hành của Bồ-tát chắc chắn không phải là việc bàn suông của phàm phu.

Những kiến giải sơ lược về Bồ-tát đạo theo thiển nghĩ của chúng tôi chỉ là phương tiện gợi ý cho các pháp lữ nhận được phần nào thế giới Tỳ Lô Giá Na bất tư nghì, dù chỉ trong một ít phút giây ngắn ngủi cũng đáng quý lắm thay.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog