Giàu sang Phú quý do đâu mà có? “Giàu sang phú quý là do thường khởi tâm hiền thiện bố thí cho người, hoặc đời trước cúng dường nơi phước điền thanh tịnh của Tam Bảo mà ra…”
Người thế gian chẳng biết điều này. Cho nên từ đứa trẻ lên ba cho đến ông già tám mươi, từ hạng bình dân cho đến hàng tỉ phú, cực hiếm người biết bớt chút tiền bạc mà cứu giúp cho người. Thường chỉ thấy người ta thu gom tiền của về mình, hiếm kẻ khởi được cái tâm thương xót những phận đời cơ cực. Người ngoài không thương, âu cũng lẽ thường, chẳng nói đến làm chi; nhưng ruột thịt ở trong nhà, cũng chẳng mấy kẻ giầu sang mà biết thương anh em nghèo khó…
Bởi người biết cho đi rất hiếm, kẻ tham tiếc lại nhiều. Cho nên thế gian người giàu có thì ít, mà người nghèo lại vô lượng vô biên là như thế!
*
Có người bảo: Giàu sang phú quý do siêng năng cố gắng mà có.
Tôi bảo: Siêng năng, cố gắng cố nhiên là tốt. Nhưng nếu bảo do đó mà giàu có thì không phải. Bởi ở ngoài kia có hàng tỉ người cần cù siêng năng, làm việc ngày đêm mà vẫn chỉ đủ ăn đủ mặc.
Lại có người bảo: Giàu sang phú quý là do may mắn.
Tôi bảo: Cũng có khả năng. Nhưng cái may mắn ấy ở đâu ra? Tại sao cũng một kiếp người mà người này gặp may, người khác lại không?
Lại có người bảo: Tôi thấy có người thường phóng sinh, bố thí, từ thiện, nhưng nhà họ nào có giàu chi đâu?
Tôi bảo: Cái nhân quả ông đang hiểu là nhân quả trong một đời. Thứ nhân quả này đức Phật dạy là tà kiến. Bởi nhân quả mà đức Phật dạy là nhân quả ba đời, thông suốt quá khứ, hiện tại và vị lai. Ông chỉ nên tự trách cái thấy biết tà kiến, điên đảo của mình, chớ nên hủy báng lời Phật dạy.
*
“Ví như có người làm việc ác nhưng cuối đời lại được hưởng kết quả tốt đẹp, ấy là vì nghiệp quả của việc ác đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời trước lại chín muồi trước. Có người suốt đời thường làm việc thiện, nhưng cuối đời phải gánh chịu những kết cục bi thảm, ấy là vì nghiệp quả của những việc thiện đã làm trong đời này còn chưa chín muồi, mà nghiệp quả của những việc ác đã làm trong đời trước lại chín muồi.”
Con người phú quý hoặc bần tiện, cũng do tự mình tạo tác. Gây nhân ngũ giới được sinh làm người. Tạo mười điều lành được sinh thiên. Tham xẻn đọa làm quỷ đói. Sát hại sinh mạng sân si phải đọa địa ngục, tà kiến vô nhân đạo làm loài súc sinh…
- Công đức là gì, phước đức là gì.
- Thập Thiện Nghiệp là gì.
- Âm đức là gì.
- Chánh kiến là gì.
- Vì sao cuộc đời là bể khổ.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
Luận về Giàu sang Phú quý và Nhân quả
Người giàu sang nên tự có suy nghĩ rằng: “Đều cũng một kiếp làm người, vì sao người kia phải chịu cảnh nghèo khổ, vì sao ta được giàu sang? Ắt hẳn là do đời trước ta đã biết gieo trồng đôi chút phước lành, còn người kia thì không. Ví như đời trước ta chưa từng làm điều hiền thiện, đời nay làm sao được thụ hưởng như thế này?” Nghĩ như thế thì trong lúc đang được hưởng phước ắt phải lo tính việc gieo trồng phước đức. Cũng giống như ăn quả phải giữ lại hạt và gieo trồng cho năm sau; hoặc cũng giống như thắp một ngọn đèn dầu, phải nghĩ đến việc châm thêm dầu trước khi đèn tắt.
Người thế gian thường cho rằng sự giàu sang thể hiện ra dung mạo con người: Nếu gặp lúc nguy nan gấp rút vẫn giữ được dung mạo ung dung, không lộ vẻ quẫn bách ra mặt, ắt phải là người giàu sang. Nhưng với những kẻ nô lệ cho tiền bạc, lúc nào cũng lo sợ những người thân thích đến phiền nhiễu vay mượn, nên trước đã tự làm ra vẻ túng quẫn khốn khó, khiến người khác dù muốn nhờ cậy cũng khó lòng mở miệng. Với những kẻ ấy, nếu xét về tiền bạc của cải thì quả là giàu có, mà xét theo dung mạo thì e rằng không đúng thật.
Luận Trang nghiêm nói rằng: “Người biết đủ là người giàu có nhất.” Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu có nhiều tiền bạc của cải nhưng không thể làm việc bố thí giúp người, thì vẫn chỉ là kẻ nghèo khốn mà thôi.” Những lời ấy thật đúng lắm thay!
Có quả báo tốt đẹp nhưng không thể thụ hưởng phước giàu sang
Một số người tuy có lụa là gấm vóc chất đầy trong rương, nhưng trên thân thể chẳng qua chỉ khoác lên đôi ba mảnh vải thô xấu; có vàng ngọc châu báu chứa đầy trong tủ, nhưng miếng ăn hằng ngày chẳng qua cũng chỉ dùng những món hơn kẻ bần hàn đôi chút, cho rằng như thế là an nhàn; lại ưa thích những việc làm lụng cực nhọc, cho đó là thích thú, khoái lạc.
Những người như thế, chỉ thấy họ suốt ngày ưu tư phiền muộn; rõ ràng có được phước báo tốt đẹp nhưng không thể hưởng dụng như người khác. Đó là do đời trước tuy làm việc bố thí nhưng không phát tâm chí thành, hoan hỷ; chỉ do có người khuyến khích, khuyên bảo nên mới miễn cưỡng mà bố thí. Hoặc nếu không phải thế thì là sau khi bố thí lại sinh tâm tiếc nuối, hối tiếc việc đã làm.
Luận về giàu sang phú quý: Được thụ hưởng nhưng không có quả báo tốt đẹp
Có những người gia cảnh bần hàn, nhưng thường được sống trong nhà cao cửa rộng của người khác; bữa ăn ở nhà mình thì canh rau qua bữa, nhưng lại thường được dùng những món sơn hào hải vị do người khác chiêu đãi. Người như thế tuy được hưởng thụ nhưng không gọi là có phước báo. Đó là do đời trước không tự mình làm việc bố thí, chỉ biết khuyên bảo, khuyến khích người khác làm việc phước thiện; hoặc do khi nhìn thấy người khác làm việc bố thí liền sinh tâm hoan hỷ, ngợi khen tán thán.
Luận về giàu sang phú quý: Trước giàu sau nghèo
Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước nghe theo lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí, sau lại sinh tâm hối tiếc; do nhân duyên như thế, người ấy đời sau sẽ được giàu có một thời gian, nhưng sau đó lại phải chịu cảnh bần hàn.”
Luận về giàu sang phú quý: Trước nghèo sau giàu
Kinh văn cũng dạy rằng: “Lại nữa, nếu có chúng sinh nào, do nghe lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí nhỏ nhoi, nhưng sau khi bố thí rồi sinh tâm hoan hỷ. Người ấy đời sau sinh ra làm người, trước chịu nghèo khổ nhưng sau được giàu có.”
Luận về giàu sang phú quý: Giàu có nhưng phải lao nhọc
Giàu có là nhờ gieo nhân giàu có; nhưng phải lao lực khổ nhọc cũng là do gieo nhân lao khổ. Như trong kinh dạy rằng: “Người cúng dường trai tăng ắt sẽ được giàu có vô hạn, ấy là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu có người thỉnh chư tăng đến nhà mình để cúng dường, khiến cho chư tăng phải nhọc sức đi lại vất vả, rồi sau mới dâng cúng thức ăn, người ấy đời sau tuy vẫn được giàu có vô hạn, nhưng lại phải lao nhọc cần khổ.”
Luận về giàu sang phú quý: Nhàn hạ mà được giàu có
Nếu người phát tâm cúng dường chư tăng, mang thức ăn đến tận am viện, chùa chiền, khiến cho chúng tăng có thể an nhàn thọ dụng, người ấy sẽ được phước báo đời sau sinh ra trong hai cõi trời người, tự nhiên được thụ hưởng mọi điều khoái lạc.
Luận về giàu sang phú quý: Nghèo khổ nhưng có thể bố thí
Kinh văn cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước đây từng làm việc bố thí nhưng không gặp được những bậc là ruộng phước của thế gian, mãi lưu chuyển trong luân hồi sinh tử. Những chúng sinh ấy khi được sinh ra làm người, do không được gặp bậc phước điền nên việc bố thí chỉ mang lại phước báo rất nhỏ nhoi, thoạt có thoạt không chẳng lâu bền. Tuy nhiên, do đã từng tu tập quen theo hạnh bố thí, nên khi sinh ra dù sống trong cảnh nghèo khó vẫn thường có thể làm việc bố thí.”
Luận về giàu sang phú quý: Giàu có nhưng không bố thí
“Lại có những chúng sinh vốn không thường làm việc bố thí, nhân gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo nên nhất thời cũng bố thí được một lần, may mắn lại gặp được bậc phước điền đức cao đạo trọng. Nhờ công đức cúng dường bậc phước điền cao trọng, nên đời sau sinh ra được giàu có sung túc. Tuy nhiên, bởi không tập quen hạnh bố thí, nên dù sống trong cảnh giàu sang mà tâm thường keo lận, không làm việc bố thí.”
Luận về giàu sang phú quý: Bố thí nhiều, được phước ít
Kinh Bồ Tát bản hạnh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh làm việc bố thí nhưng không hết lòng, hoặc cúng dường mà không có lòng cung kính; hoặc khi bố thí, cúng dường mà tâm không hoan hỷ; hoặc khi bố thí lại khởi tâm kiêu mạn, tự cao tự đại; hoặc bố thí cúng dường cho những kẻ theo tà kiến điên đảo. Bố thí cúng dường như thế cũng giống như người gặp phải mảnh ruộng cằn cỗi bạc màu, tuy gieo giống xuống rất nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu.”
Luận về giàu sang phú quý: Bố thí ít, được phước nhiều
Trong kinh này lại cũng dạy rằng: “Nếu vào lúc thực hành bố thí có thể khởi tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, chẳng mong cầu được phước báo, hoặc được cúng dường cho các bậc Bồ Tát, thánh tăng. Bố thí cúng dường được như thế cũng giống như người gặp đám ruộng tốt, tuy gieo giống ít cũng thu hoạch được rất nhiều.”
Cúng dường được hưởng phước giàu có như Thiên Nhân
Theo Kinh Thọ Đề Già: “Vua Tần-bà-sa-la ở Ấn Độ có một quan đại thần tên Thọ-đề-già. Ông này giàu có vô cùng, mọi thứ muốn dùng đều tự nhiên có đủ. Một hôm, quốc vương đang lâm triều bỗng có một cơn gió lớn nổi lên; gió thổi đến trước cung điện một chiếc khăn tay bằng loại vải trắng. Khăn cực kỳ mịn màng xinh đẹp, không giống bất kỳ loại vải nào ở thế gian. Vua lập tức mang đưa cho tất cả các quan trong triều xem qua; ai cũng cho rằng đất nước sắp được hưng thịnh nên trời ban điềm lành. Chỉ có Thọ-đề-già lặng im không nói gì.
Vua hỏi vì sao không nói, ông thưa: “Thật không dám nói dối bệ hạ, cái khăn đó là của nhà tôi dùng để lau mình. Do giặt phơi bên bờ hồ, tình cờ bị gió thổi đến đây.”
Mấy hôm sau lại có một bông hoa chín màu tuyệt đẹp, lớn như bánh xe, từ đâu bay đến rơi xuống ngay trước điện của vua. Vua lại gọi đến hỏi, Thọ-đề-già thưa: “Thật không dám nói dối bệ hạ. Đó là bông hoa héo ở vườn sau nhà tôi, tình cờ bị gió thổi đến đây.”
Vua hết sức kinh ngạc, liền nói với Thọ-đề-già: “Ta định dẫn theo chừng 200.000 người đến nhà ông thăm viếng xem chơi. Nhà ông có đủ chỗ không?”
Thọ-đề già thưa: “Xin tùy ý bệ hạ.”
Vua lại nói: “Ta nên đến vào ngày nào? Ông có thể chuẩn bị kịp không?”
*
Thọ-đề-già thưa: “Xin tùy bệ hạ chọn ngày, tôi không cần phải chuẩn bị. Nhà tôi có giường ghế tự nhiên xuất hiện theo ý muốn, không cần người mang ra; thức ăn tự nhiên mà có, không cần người nấu nướng; khi muốn ăn thì thức ăn tự nhiên hiện đến; khi ăn xong thì tự nhiên mất đi, không cần dọn dẹp.”
Vua liền dẫn theo 200.000 người đến nhà Thọ-đề-già, theo cửa phía nam đi vào. Vừa bước vào liền gặp một đứa trẻ dung mạo hết sức xinh đẹp dễ thương, vua hỏi: “Đây là con cháu của ông phải không?”
Thọ-đề-già đáp: “Thưa không! Đó là đứa đầy tớ giữ cửa nhà tôi.”
Vua lại đi tiếp vào đến cửa trong. Nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, liền hỏi: “Đây là vợ ông phải không?”
Thọ-đề-già đáp: “Thưa không, đây là đứa nữ tì lo việc giữ cửa trong.”
Vua lại đi tiếp, vào đến trước sân nhà, thấy vách nhà bằng bạc trắng, nền đất bằng thủy tinh trong suốt; vua nhìn tưởng là nước nên không dám bước chân lên. Thọ-đề-già liền nói: “Nền thủy tinh này cứng chắc lắm, không gì có thể phá vỡ được.” Liền đi trước dẫn đường cho vua bước vào; bên trong đã có giường vàng, ghế ngọc sẵn sàng.
Phu nhân của Thọ-đề-già từ bên trong rẽ qua một tấm trướng che có 120 lớp toàn bằng bảy món báu, thong thả bước ra. Bà đến thi lễ trước mặt vua, vừa ngẩng đầu lên thì tự nhiên chảy nước mắt.
*
Vua liền hỏi Thọ-đề-già: “Phu nhân của ông vì sao nhìn thấy ta lộ vẻ không vui?”
Thọ-đề-già thưa: “Không phải. Chỉ vì trên thân bệ hạ có mùi khói. Vợ tôi không quen nên bị chảy nước mắt đó thôi.”
Vua nói: “Dân thường dùng mỡ làm dầu thắp đèn, chư hầu dùng đèn bằng sáp; thiên tử như ta dùng nhựa sơn để thắp, không hề nhìn thấy khói; vậy mà trên thân ta lại có hơi khói khiến vợ ông chảy nước mắt sao?”
Thọ-đề-già nói: “Ấy là vì nhà tôi không quen thắp đèn bằng những thứ như bệ hạ vừa nói; chỉ dùng một viên thần châu minh nguyệt treo ở giữa nhà, tự nhiên tỏa sáng, đêm cũng như ngày.”
Thọ-đề-già lại đưa vua đi xem các nơi. Trước nhà có một lầu cao đến 12 tầng, rộng lớn mênh mông; dọc ngang hoành tráng, nhìn từ bên này thấu suốt bên kia. Lần lượt thăm thú các nơi trong nhà, thấm thoát đã qua một tháng mà vẫn chưa đi khắp. Các quan đại thần cùng tâu xin vua hồi cung; vua không thèm để ý, tiếp tục đi thăm những chỗ vườn, hồ quanh nhà, lại trải qua đến một tháng nữa.
Đến khi vua hồi cung. Thọ-đề-già liền mang ra các thứ lụa là quý báu làm quà tặng cho hết thảy 200.000 người cùng đi.
*
Vua về cung rồi, nói với các vị đại thần rằng: “Thọ-đề-già là bầy tôi của ta. Vì sao nhà cửa, vợ con, tài sản các thứ đều vượt trội hơn ta? Nay ta muốn mang 400.000 quân đến đánh lấy những tài sản ấy có được chăng?”
Các đại thần đều cho là được. Vua liền cất quân đến vây kín nhiều vòng quanh nhà Thọ-đề-già. Bỗng thấy từ trong nhà có một lực sĩ mở cửa bước ra; tay cầm cây gậy bằng vàng, vung lên múa quanh một vòng; tất cả 400.000 người ngựa đều đồng loạt ngã lăn xuống đất, không sao đứng dậy được.
Khi ấy, Thọ-đề-già từ trong nhà ngồi trên xe bằng gỗ quý có khảm xa cừ đi ra, hỏi mọi người rằng: “Các vị có muốn đứng dậy chăng?”
Mọi người đều nói muốn. Thọ-đề-già liền vẫy tay một cái, tự nhiên tất cả người ngựa đều đứng dậy được. Vua biết không thể dùng sức mạnh để cướp đoạt, liền tự lui binh về.
*
Sau đó, vua Tần-bà-sa-la cùng với Thọ-đề-già đi đến chỗ đức Thế Tôn. Họ cùng thưa hỏi về nhân duyên đời trước của Thọ-đề-già.
Đức Phật dạy: “Cách đây vô số kiếp về trước. Có một người khách buôn, khi đi qua một con đường núi, nhìn thấy một vị tăng đang bị bệnh; ông liền phát tâm cung kính cúng dường; lo lắng cho vị tăng ấy có chỗ ở, đồ ăn thức uống và đầy đủ tất cả mọi thứ cần dùng, không để thiếu thốn bất cứ món gì. Sau đó lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện trong đời sau tôi sẽ có được sự cung ứng mọi thứ tự nhiên như trên cõi trời; lại nguyện tôi được sớm thành quả Phật, cứu vớt tất cả chúng sinh trong ba đường dữ.’
“Nhờ phước lành của sự bố thí cúng dường đó mà đến đời này, tuy sống trên mặt đất nhưng được hưởng phước như ở cõi trời. Khách buôn ngày đó nay chính là ông Thọ-đề-già; vị tăng có bệnh ngày đó nay chính là ta.”
( Giàu sang phú quý do đâu mà có – Theo An Sĩ Toàn Thư )
Tuệ Tâm 2022.