Đức trị và pháp trị từ một góc nhìn Phật giáo
Pháp Giới 1 tháng trước

Đức trị và pháp trị từ một góc nhìn Phật giáo

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

NSGN – Nhìn từ lịch sử, việc trị quốc bằng “pháp trị” hay “đức trị” là một vấn đề được đặt ra từ rất sớm. 

Có thể nói châu Âu dùng “pháp trị” trên cơ sở văn bản pháp luật đầu tiên của nhà nước La Mã cổ đại, còn ở Đông Á, thuyết “đức trị” dựa trên Nho giáo của Khổng tử đã được lựa chọn. Đức Phật mặc dù không chủ trương làm chính trị, nhưng vì lợi ích của nhân loại, Ngài đã đề xuất lấy Chánh pháp để cai trị, với suy nghĩ rằng qua đó thiên hạ sẽ được thái bình. Bài viết này bàn về một vài khía cạnh liên quan đến đức trị và pháp trị như được thể hiện trong kinh điển Phật giáo.

Đức trị

Đức trị là học thuyết cai trị con người theo đạo đức. Việc cai trị cũng chính là việc giáo dục đạo đức, làm cho con người nhận ra sự suy đồi của mình, từ đó sửa chữa bản thân để trở nên có đạo đức, nhờ vậy xã hội sẽ trở nên ổn định, trật tự và tốt đẹp hơn. Học thuyết này coi tư cách người cầm quyền quan trọng hơn luật lệ, hễ có người yêu dân, làm gương cho kẻ dưới thì nước sẽ an bình. Khổng Tử nói: “Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dắt dẫn dân chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chứ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy, muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ – tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa mà trở nên tốt lành”.1

Pháp trị

Pháp trị là học thuyết cai trị con người dựa trên luật pháp buộc mọi người phải tuân theo. Những người chủ trương pháp trị đa số cho rằng, bản chất con người là tư lợi, nên giáo dục đạo đức là không cải thiện gì nhiều, cách duy nhất cai trị hiệu quả là dùng pháp luật, hình phạt nghiêm khắc, thưởng phạt công bằng, như vậy nhà cầm quyền chẳng cần tài đức mà nước cũng được yên. Các nhà tư tưởng ở phương Tây cho rằng: Nhân dân phải đấu tranh bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của chính mình (Democritos 460 – 370 tr.TL). Xã hội không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật. Nhà nước phải tôn trọng, phục tùng pháp luật, tôn trọng pháp luật là tôn trọng lý trí, công bằng và trí tuệ phổ biến, nếu không quyền lực sẽ lạc lối (Sokrates 470 – 399 TCN). Aristoteles (384 – 322 tr.TL), nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại, cũng khẳng định rằng pháp luật thống trị tất cả và đã đưa ra lý thuyết về sự tổ chức hợp lý quyền lực nhà nước…

Vấn đề trị nước theo kinh sách Phật giáo

– Kết hợp đức trị và pháp trị

Muốn cho xứ sở được thanh bình, thịnh trị thì trước hết những người cầm quyền phải công minh, chính trực. Với trí tuệ và lòng từ vô hạn, Đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, Đức Phật thường khuyên họ phải trau dồi đạo đức của mình. Trong Jātaka số 385, Bồ-tát đưa ra lời khuyên nhằm giúp cho việc cai trị đất nước của nhà vua được hưng thịnh:“Bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chính: bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức”.2

Đức Phật nói rằng nếu người lãnh đạo có phẩm chất đạo đức kém thì điều đó sẽ đưa chính họ và những người khác vào cánh cửa bại vong. Do đó, người lãnh đạo đất nước cần luôn cân nhắc, xem xét mọi việc làm, lời nói và suy nghĩ của mình, cố gắng lắng nghe ý kiến của dân chúng, để ngăn chặn kịp thời bất kỳ sai lầm nào trong việc trị nước, bởi vì: “Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi đúng hướng/ Cả đoàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường”.3

Không thể chỉ sử dụng đạo đức để trị nước mà Ngài còn khuyên các vị vua biết kết hợp giữa pháp trị và đức trị. Vì nếu chỉ nghiêng về đức trị thì những thành phần xấu sẽ lợi dụng lòng nhân từ của vua để làm loạn, còn nếu quá đặt nặng pháp trị mà thiếu đức thì pháp đó dù có thể đem đến sự ổn định cho một đất nước nhưng lại mang tính hà khắc và tàn bạo. Trong kinh Kim quang minh tối thắng vương, khi Kiên Lao Địa Thần chắp tay cung kính thưa hỏi Đức Thế Tôn làm thế nào để quản trị quốc gia, an dưỡng quốc dân, bảo đảm bản thân ngồi lâu vương vị khi có nhiều người hành ác nghiệp, Ngài đã dạy rằng:

Xem Thêm:   Đức Pháp chủ giáo giới cho chư Ni, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm và Ban Trị sự tỉnh Ninh Thuận

Quốc dân tạo ác nghiệp,

Quốc vương không cấm đoán,

Thế là phi Chính pháp

Không đúng cách trị đuổi”.

(國人造惡業

王捨不禁制

斯非順正理

治擯當如法).4

Người làm vua không nên để sự tư lợi, tư dục nào xen vào; việc thu thuế, việc xét xử phán quyết… đều nên y theo pháp luật. Chính trị tuy xây dựng trên tinh thần nhân ái nhưng đối với những kẻ cố tình phạm pháp thì vua phải nghiêm trị.

Nếu trong quốc gia mình

Thấy ai làm phi pháp,

Phải trị phạt đúng phép

Không nên bỏ cho qua”.

(若於自國中

見行非法者

如法當治罰

不應生捨棄).5

Chúng sinh đa bệnh nên Đức Phật vận dụng nhiều phương tiện để chuyển hóa; có trường hợp Ngài khuyên dùng đức trị và có trường hợp Ngài khuyên dùng pháp trị. Tuy nhiên trong kinh sách, chúng ta thấy “đức trị” có phần được nhấn mạnh hơn: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai… lúc xưa làm người là vị lãnh đạo Đại chúng về các thiện pháp, là vị tiên phong Đại chúng về thiện hành thuộc thân, khẩu, ý, phân phát bố thí, thủ hộ giới luật, tham dự các lễ Bố-tát, hiếu kính cha mẹ, lễ kính Sa-môn, cung kính bậc trưởng thượng trong gia đình và về các thiện pháp đặc biệt khác”.6Nếu lãnh đạo là người có tài năng và đạo đức, đưa ra những đường lối, chủ trương tích cực, đúng hướng thì mọi người nhờ đó sẽ có cuộc sống an vui hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng, thái bình.

Trị nước bằng con đường trí tuệ và hòa bình trên cơ sơ duyên sinh

Khi người cai trị luôn tôn trọng Pháp mà vẫn có vô số việc phi pháp xảy ra trong quốc độ, như trộm cắp, dối trá, bạo lực, tàn ác, hận thù, thì nguyên nhân phát sinh từ đâu? Vua chúa thời xa xưa, cũng như chính quyền ngày nay, chỉ cố gắng dẹp trừ các tội ác bằng hình phạt. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo, không phải mọi hình phạt đều có thể dẹp trừ được tội phạm. “Này các Tỷ-kheo, như vậy vì không cho người nghèo tiền của, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm được tăng thịnh; và đao kiếm được tăng thịnh, nên sát sinh tăng thịnh; vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên tuổi thọ của loài hữu tình giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu…”.7

Theo đoạn kinh trên, nghèo khổ, bất bình đẳng tài sản là nguyên nhân dẫn đến xã hội bất an và suy đồi đạo đức. Cho nên phục hồi các tiêu chuẩn đạo đức thì trật tự xã hội cũng được khôi phục.Nhưng khôi phục bằng cách nào? “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này khi chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”.8 Hay: “Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, đàn bà cho những ai cần đàn bà, bạc cho những ai cần bạc và vàng cho những ai cần vàng”.9

Những đại diện tiêu biểu cho việc trị nước theo con đường Phật giáo

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosada

Trị vì vương quốc Kosala, đóng đô tại Sāvatthī (Xá Vệ), vua Pasenadi đem hết tài năng cùng với nhiệt tâm để điều hành đất nước, đồng thời ông cũng thực hiện chính sách bang giao tốt đẹp với các nước láng giềng. Nhà vua cùng tuổi với Đức Phật. Ông quy y vào những năm đầu tiên sau khi Đức Phật hoằng dương giáo pháp. Trong kinh tạng Nikāya, có nhiều lời dạy của Đức Phật dành cho vua Kosala được ghi lại.

Sau khi nghe những lời giải đoán mười sáu điềm chiêm bao, vua Pasenadi cảm thán: “Cảm ân nhị vị Tôn giả Đại đức đã khai tâm, đã mở mắt cho trẫm nhìn thấy rõ hầu như toàn bộ viễn cảnh tương lai khi đạo đức và lẽ phải suy đồi, kéo theo sự suy đồi của con người và xã hội! Vậy thì, trách nhiệm của một vị vua lớn lắm, cao cả lắm mà cũng nặng nề lắm! Vận mệnh của đất nước, sự vui khổ của muôn dân tùy thuộc đạo đức, giới hạnh bản thân của vị vua ấy cùng cán cân nghiêm minh của công lý. Thiếu một trong hai, không được; nghiêng lệch bên này, bên kia, không được! Toàn thể triều đình, các quan hãy ghi nhớ lời trẫm hôm nay”.10Đoạn kinh này cho thấy, nhà vua nhận ra rằng đạo đức, giới hạnh (đức trị) và cán cân nghiêm minh (pháp trị) là hai điều không thể thiếu trong việc lãnh đạo đất nước. Thiếu một trong hai thì vận mệnh đất nước sẽ đi xuống. Vua Pasenadi sau nhiều lần được Đức Thế Tôn giáo hóa đã có những tư tưởng thiện khởi lên và ông đã suy nghĩ như sau: “Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù”.11

– Vua Asoka (A Dục)

Xem Thêm:   32 Tướng Tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật là gì

Hoàng đế A Dục (304-232 TTL) đã sống và thực hành các bổn phận đạo đức của một vị vua khi trị vì đất nước với mong muốn bảo đảm an sinh cho tất cả mọi người dân trong vương quốc của ông. Trong bia ký XIII, vua A Dục tuyên bố rằng ông thực hành Chánh pháp (Dharma), yêu mến Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Ông quảng bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, yêu cầu họ tôn trọng các thiện ý của ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động. “Trong lịch sử cũng đã có một vị vua cai trị lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng lời dạy này của Phật về bất bạo động, hòa bình và yêu thương trong sự cai trị một đế quốc rộng lớn về cả nội bộ lẫn ngoại giao – đó là A Dục vương, vị hoàng đế Phật tử của xứ Ấn (thế kỷ thứ III trước Tây lịch), ‘người con yêu quý của các thần linh’ như ông đã được mệnh danh”.12

Áp dụng triệt để giáo lý Đức Phật vào việc cai trị đất nước, ông đã lấy lòng nhân từ làm cơ sở cho việc trị vì, giúp đỡ dân chúng, dùng thiện nghiệp để loại bỏ ác nghiệp. Ông khuyến khích ứng dụng các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bất bạo động, không hoang phí, không chiếm đoạt, không gây hại cho mọi loài vật, và không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay tín ngưỡng. Điều đặc biệt là đích thân nhà vua thực hành trai giới, khuyên mọi người không nên sát sinh, dạy họ biết sống theo thiện pháp, tôn trọng lẫn nhau, kính trọng những người già cả, cha mẹ anh em, thương yêu kẻ tàn tật, tôi tớ, và khuyến khích làm việc thiện. Qua đây chúng ta thấy rằng, vua A Dục là một người thấm nhuần Chánh pháp, là một vị vua có tấm lòng khoan dung, một vị vua Bồ-tát cai trị vì lợi ích của muôn dân.

– Vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca)

Kanishka là một vị vua nổi bật của đế quốc Kushan. Những người Kushan đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa. Ông được kinh sách Phật giáo tán dương không kém gì vua A Dục của đế quốc Maurya vào 3 thế kỷ trước.

Vua Kanishka tiếp nối vua A Dục xây dựng đế quốc lớn, chi phối toàn miền Bắc Ấn Độ. Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Kanishka và A Dục đều được ca tụng là hai vị vua hộ trì Phật pháp. Nhà vua dời thủ đô từ Trung Á đến thành Phú-lâu-sa ở vùng Kiện-đà-la phía Tây bắc Ấn Độ. Do tiếp xúc mật thiết với các nền văn hóa như Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp và La Mã, triều đại của ông có sự dung hợp giữa các nền văn hóa Đông và Tây. Lúc đầu nhà vua tôn sùng dị giáo, không tin tội phúc, khinh rẻ Phật pháp, sau nhờ sự cảm hóa của Bồ-tát Mã Minh nên ông đã quy y Phật giáo. Nhưng Đại Đường Tây Vực ký quyển 2 và kinh Tạp bảo tạng quyển 7 ghi chép nhân duyên quy y của vua lại khác. Về sau vua ra sức bảo hộ Phật giáo, xây dựng chùa chiền, hộ trì kết tập và chú thích Tam tạng kinh điển. Vào thời vua Kanishka, Phật giáo được truyền bá rộng rãi, nhiều cao tăng xuất hiện, công cuộc biên soạn các kinh điển Đại thừa được xúc tiến. Đến thời con của ông là Phú-tây-sắc-ca vương (Huviwka), do chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Hy Lạp, mỹ thuật Phật giáo Kiện-đà-la (Gandhara) đã phát triển rất rực rỡ.13

Xem Thêm:   Dược Vương Bồ Tát: Ngài là ai

– Các vị vua thời Lý-Trần

Với xu hướng hòa quang đồng trần, đạo Phật thời Lý-Trần đã dấn thân tích cực trong việc làm lợi ích cuộc đời. Vào thời nhà Trần, tư tưởng này được thực hiện triệt để vì nhu cầu bức thiết của đất nước lúc bấy giờ là đang đối đầu với sự xâm lược của quân Nguyên Mông hung hãn và thiện chiến. Bấy giờ cả nước từ vua quan cho đến thần dân đều đoàn kết một lòng, tập trung năng lực và trí tuệ để bảo vệ đất nước. Những nhà lãnh đạo bấy giờ vừa giữ vai trò những người đứng đầu quốc gia, vừa có tâm thế là một nhà lãnh tụ Phật giáo. Phần lớn họ là những bậc anh hùng, có tài cai trị, giỏi chiến lược, và có kiến thức quảng bác. Ngoài ra họ cũng là những nhà Phật học uyên thâm. Họ vừa có tư cách một Bồ-tát tại gia, quên mình phụng sự chúng sinh, vừa có phong độ của một thiền sư siêu phàm thoát tục, cho dù sống trong vàng son nhung lụa mà vẫn không bị phù hoa cám dỗ. Khi đất nước lâm nguy, họ cầm gươm lên ngựa, đi trước ba quân, xông pha giữa lằn tên mũi đạn, cứu đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm; khi đất nước hòa bình, họ dùng đức trị dân, đưa ra những đường hướng, chính sách đúng đắn để xây dựng đất nước…

Phật giáo đời Lý-Trần quả thật mang tinh thần nhập thế năng động, đáp ứng những nhu cầu bức bách của đất nước, đem đạo hòa vào đời, làm cho đời thêm tươi sáng. Chính những nguyên nhân này đã khiến cho thời đại Lý-Trần trở thành thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Không có hệ thống chính trị nào có thể mang lại hòa bình và hạnh phúc thực sự khi mà con người trong hệ thống ấy bị thống trị bởi tham lam, sân hận và si mê. Phật giáo không nhằm vào việc hướng dẫn hình thành các tổ chức chính trị hay thay đổi, cải cách định chế chính trị. Phật giáo chỉ tiếp cận các vấn đề của xã hội, nhận ra bản chất xã hội để cải đổi bằng cách chuyển hóa hành nghiệp của cá nhân, những yếu tố cấu thành xã hội đó. Dựa vào một số nguyên tắc chung, Phật giáo hướng dẫn cho xã hội theo chiều hướng nhân văn hơn, cải thiện phúc lợi của các thành viên, và chia sẻ công bằng hơn các nguồn lực.

Thích Quảng Tiến Nhẫn

______________

(1) Khổng Tử, Luận ngữ, Đoàn Trung Còn dịch và chú, NXB.Trí Đức Sài Gòn, 1950, tr.15.

(2) ĐTKVN, kinhTiểu bộ, tập 6, chương VI, phẩm Sáu bài kệ 385, chuyện Lộc vương hoan hỷ, VNCPHVN ấn hành, 2002, tr.680.

(3) ĐTKVN, kinh Tăng chi bộ,tập 1, chương IV, Bốn pháp VII, phẩm Nghiệp công đức, VNCPHVN ấn hành, 2002, tr.697.

(4) 《金光明最勝王經》卷8: (CBETA 2019.Q2, T16, no. 665, p.442c8-9).

(5) 《金光明最勝王經》卷8:(CBETA 2019.Q2, T16, no. 665, p.443b20-21).

(6) ĐTKVN, kinhTrường bộ, tập 2, 30. Kinh Tướng, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.513.

(7) ĐTKVN, kinhTrường bộ, tập 2, 26. Kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.370.

(8) ĐTKVN,kinhTrường bộ, tập 1, 5. Kinh Kutadanta, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.241.

(9) KinhTrường bộ, tập 2, 17. Kinh Đại Thiện Kiến vương, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.22.

(10) https://thuvienhoasen.org/a25411/giai-doan-16-diem-trieu-cua-duc-vua-p-senadi.

(11) KinhTương ưng 1, thiên Có kệ, chương III Tương ưng Kosala I. Phẩm Thứ nhất,VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.167.

(12) Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, NS. Thích nữ Trí Hải dịch, NXB.Tôn Giáo, 1998, tr.92.

(13) Xem thêm: HT.Thích Quảng Độ, Phật Quang đại từ điển, NXB.HVHGDLSĐB, 1999, tr.734b.

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

0 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog