Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn
Pháp Giới 11 tháng trước

Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn

Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn. Ai trong chúng ta cũng một hành trình: Sanh ra, lớn lên, già, bệnh, rồi chết. Những vinh nhục được mất, phú quý với vinh hoa, rốt cuộc như mây bay, cũng chẳng để làm gì. Ta từ đâu sanh ra? Ta đến với cuộc đời này để làm gì? Và khi chết ta sẽ đi về đâu?

Ngài Trang Tử bảo: “Sự ra đời của một người cũng là ra đời nỗi khổ của y. Càng già con người càng ngớ ngẩn, vì nỗi lo sợ cái chết không thể tránh càng thêm mãnh liệt. Thực cay đắng làm sao! Ta sống để đuổi theo những gì luôn luôn ở ngoài tầm tay. Lòng khao khát sống còn trong tương lai làm cho ta không thể sống trong hiện tại.”

  • Quả báo tội ngoại tình tà dâm.
  • Thủ dâm tác hại khôn lường.
  • Lời Phật dạy về Hiếu đạo.
  • Chết là một tiến trình.
  • Người chết đi về đâu.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn
Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn

Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn

Đôi lúc ta chợt thấy rằng đời người như giấc mộng và cuộc cống thực trống rỗng vô vị làm sao, khi nó được căn cứ vào một niềm tin sai lạc về trường cửu và tương tục. Khi sống kiểu ấy thì chúng ta đã vô tình tự biến thành những cái xác sống. Nhưng đấy là kiểu sống của phần đông chúng ta: 

Chúng ta sống theo một kế hoạch đã định. Nhỏ thì được giáo dục. Lớn lên kiếm việc làm, rồi gặp một người nào đó, rồi kết hôn, rồi có con cái. Chúng ta mua một cái nhà, rán cho làm ăn trúng mánh, mơ ước có một ngôi nhà ở miền quê hoặc thêm được một chiếc xe hơn. Vào dịp nghỉ thì đi du lịch xa cùng với bạn bè. Chúng ta dự định kế hoạch cho lúc về hưu.

Những vấn đề trọng đại nhất mà một vài người trong chúng ta từng gặp phải chỉ là: Không biết nên đi chơi đâu vào kỳ nghĩ tới, hoặc nên mời ai vào dịp lễ Giáng sinh. Cuộc đời ta thật đơn điệu, tầm thường, lặp đi lặp lại; ta phí cả một đời để theo đuổi những chuyện nhỏ nhen, bởi vì dường như ta không biết có cái gì hơn thế.

*

Nhịp điệu đời sống chúng ta rộn ràng tới nỗi ta không có thì giờ để nghĩ đến cái chết. Ta ém nhẹm những nỗi sợ hãi thầm kín của ta về vô thường bằng cách bao vây quanh mình thêm nhiều đồ đạc, của cải, tiện nghi, chỉ để tự thấy mình biến thành tên nô lệ cho chúng. Mọi thời giờ và năng lực của ta đều kiệt quệ chỉ vì phải bảo trì những thứ ấy.

Chẳng bao lâu mục đích duy nhất của ta trên đời hóa ra chỉ là giữ cho mọi thứ ta sở hữu càng được bảo đảm an ninh càng tốt. Khi có biến chuyển gì xảy đến, ta tìm cách đối phó mau lẹ nhất, một giải pháp hiệu nghiệm tạm thời.

Cứ thế đời ta tiếp tục trôi giạt cho đến khi một cơn trọng bệnh hay tai nạn nào đó lay ta ra khỏi cơn mê. Cũng không hẳn là ta dành nhiều thì giờ hay suy nghĩ cho cuộc đời này. Hãy nghĩ đến những người đã làm việc bao nhiêu năm rồi phải hồi hưu, để thấy không biết mình phải làm gì cả. Vì họ càng ngày càng già và tiến gần cái chết.

*

Mặc dù ta luôn luôn hô hào phải thực tế, thực tế ở Tây phương có nghĩa là thiển cận một cách vô minh và thường ích kỷ. Sự tập trung thiển cận của chúng ta vào đời này và chỉ đời này mà thôi, chính là một ảo tưởng lớn, nguồn gốc của nền duy vật đen tối và phá hoại của thế giới ngày nay. Không ai bàn tới sự chết và đời sau, vì người ta có thói tin rằng chuyện ấy chỉ làm đình trệ cái gọi là “sự tiến bộ” của ta trên thế giới.

Nhưng nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta quả là sống và tiếp tục sống, thì tại sao ta lại cả quyết một cách mù quáng rằng chết là hết chứ? Ít nhất cũng nên thử thám hiểm xem có thể có đời sau hay không đã chứ? Nếu quả thực chúng ta có óc thực nghiệm như ta tuyên bố, thì tại sao ta không khởi sự tự đặt câu hỏi cho mình một cách nghiêm chỉnh: “Tương lai thực sự của ta nằm ở đâu?” Chung quy, chẳng có mấy ai sống lâu trên trăm tuổi. Và sau thời gian đó là cả một thời gian vô tận trải dài, không được giải thích…

Đời người như giấc mộng: Vô thường

Cuộc sống đầy rẫy những hoạt động hấp dẫn, và chúng ta, một cách vô thức, bị nó cuốn đi trong bất tận. Nếu nhìn vào cuộc đời mình ta sẽ thấy biết bao nhiêu công việc không quan trọng. Những cái gọi là “trách nhiệm” cứ dồn dập độn đầy cuộc đời ta. Ta tự nhủ là muốn dùng thì giờ vào những chuyện quan trọng trong đời. Thế nhưng không bao giờ có thì giờ ấy cả.

Thức dậy buổi sáng là đã có bao nhiêu việc: Mở cửa sổ, làm giường, tắm, chà răng; cho chó mèo ăn, giặt đồ; khám phá đã hết cà phê hoặc đường, đi mua, làm thức ăn sáng – cả một dọc dài bất tận. Rồi lại có áo quần phải lựa ra mà ủi và xếp. Rồi còn tóc tai, trang điểm nữa thì sao? Không còn biết sao hơn, chúng ta nhìn ngày tháng đầy những cú điện thoại và chương trình, và bao nhiêu trách nhiệm – hay ta nên gọi là “vô trách nhiệm”?

Cuộc đời ta dường như xâm chiếm lấy ta, như có một tối hậu thư oái ăm của nó, lôi tuốt chúng ta đi. Để cuối cùng ta cảm thấy mình không có quyền kiểm soát nó nữa. Dĩ nhiên thỉnh thoảng ta cũng cảm thấy khó chịu về điều này. Ta chiêm bao ác mộng và thức dậy mồ hôi ướt đẫm, tự hỏi: “Ta đã làm chi đời ta?” Nhưng nỗi kinh hoàng của ta chỉ kéo dài tới bữa ăn sáng, rồi đâu vẫn hoàn đấy.

*

Đôi khi tôi có ý nghĩ rằng: Thành tựu vĩ đại nhất của nền văn hóa tân tiến chính là nó bán sinh tử, luân hồi một cách xuất sắc; và có những lối giải trí trống rỗng. Xã hội ngày nay đối với tôi dường như là cuộc lễ mừng. Tất cả mọi thứ gì dẫn ta đi xa sự thật, làm cho người ta khó mà sống vì chân lý; và nó lại còn không muốn cho người ta tin rằng có chân lý hiện hữu.

Tất cả điều này thoát thai từ một nền văn minh tự cho là tôn thờ sự sống, nhưng kỳ thực đã tước hết ý nghĩa đích thực của cuộc đời; một nền văn minh luôn luôn nói làm cho người ta “hạnh phúc” – mà kỳ thực – đã làm bế tắc con đường dẫn đến suối nguồn của hạnh phúc chân thực. Xã hội tân tiến được tổ chức tinh vi, thông bác. Nó tấn công ta từ mọi góc cạnh bằng tuyên truyền, và gây một môi trường nghiện ngập khó gỡ xung quanh ta. Càng cố thoát, ta dường như càng vướng sâu vào cạm bẫy tinh vi nó đặt ra cho chúng ta.

Bậc thầy Jikmè Lingpa vào thế kỷ 18 nói: – Chỉ vì bị cách tưởng sai biệt làm cho mê hoặc mà hữu tình lang thang bất tận, trong vòng lẩn quẩn của sinh tử. Bị ám bởi những hy vọng sai lầm, mộng mị, tham vọng. Chúng ta như người đang bò qua một sa mạc bất tận, đang khát cháy cổ. Và cái duy nhất mà thế giới tân tiến này đưa ra cho ta uống là một cốc nước muối, chỉ cốt để làm cho ta thêm khát.

Kiếp nhân sinh như mộng như huyễn

Toàn thể vũ trụ, theo các nhà khoa học hiện nay, chỉ là sự chuyển biến, hoạt động, tiến trình, một tổng thể biến thiên làm nền tảng cho mọi sự vật. Mỗi tác động hỗ tương trong một hạt nhân nguyên tử gồm có sự hủy diệt và tái tạo những hạt nguyên tử.

Thế giới bên trong một nguyên tử là cuộc luân vũ liên tục của sinh và diệt. Vật chất chuyển thành năng lượng và năng lượng thành vật chất. Những hình dạng phù du thoạt hiện thoạt mất tạo thành một thực thể bất tuyệt mãi mãi được tái tạo. Đời chúng ta là gì nếu không phải là cuộc luân vũ của những hình dạng phù du ấy?

Há chẳng phải mọi sự luôn luôn thay đổi: Lá trên cành cây trong công viên, ánh sáng trong phòng bạn lúc đang xem sách này. Những mùa, khí hậu, thời gian trong ngày, người qua lại trên đường. Còn bạn thì thế nào: Không phải mọi sự ta làm trong quá khứ bây giờ chỉ như một giấc mộng đó sao? Những bạn bè thuở bé, những chỗ ngày nhỏ ta thường lui tới; những quan niệm, ý tưởng mà có một thời ta đã say mê ấp ủ: Đời người như giấc mộng và ta đã bỏ lại tất cả sau lưng…

*

Bây giờ, trong giây phút này, bạn thấy sự đọc những trang sách này dường như rất thực. Nhưng rồi nó cũng chỉ còn là một ký ức. Những tế bào trong cơ thể ta đang chết, những tế bào não ta đang tàn tạ. Cả đến sự biểu hiện trên gương mặt ta cũng luôn thay đổi tùy theo tâm trạng ta. Cái mà ta gọi là tính tình của ta chỉ là một dòng tâm thức, không gì khác.

Hôm nay ta cảm thấy thoải mái vì mọi sự tiến triển tốt đẹp, ngày mai ta cảm thấy ngược lại. Vậy thì cái cảm giác thoải mái đi đâu rồi? Những ảnh hưởng mới xâm chiếm lấy ta, mỗi khi hoàn cảnh thay đổi: Chúng ta đã vô thường, hoàn cảnh cũng vô thường. Không một thứ gì chắc chắn bền bỉ ở bất cứ đâu, mà ta có thể chỉ ra. Không gì khó tiên liệu hơn là những ý tưởng và tình cảm của ta:

Bạn có bao giờ biết được bạn sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào trong thời gian sắp tới không? Tâm ta quả thực trống rỗng, vô thường, phù du như một giấc mộng. Hãy nhìn một ý tưởng: Nó đến, ở và đi. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới. Và ngay cái ý nghĩ hiện tại khi ta cảm nhận nó, nó đã thành dĩ vãng. – Điều duy nhất ta thực sự có được là cái bây giờ, là hiện tại.(Tạng Thư Sống Chết)

Đời Người Như Giấc Mộng, Hãy Thức Tỉnh!

Trong Khai Thị, Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Tại thế giới này con người lại buông cái chân thật để nắm giữ cái giả dối. Do đó đời đời kiếp kiếp quay lưng với sự giác ngộ để hoà hợp với bụi trần, túy sanh mộng tử. Túy sanh có nghĩa rằng trong lúc sống thì như kẻ uống rượu say – không biết mình từ đâu sanh về đây. Mộng tử có nghĩa rằng đến lúc chết thì như kẻ đang nằm mộng – không biết chết sẽ về đâu. Ai ai cũng sống trong mộng. Lấy cái giả mà cho là thật. Ham danh ham lợi, lòng tham không bao giờ ngừng dứt.

Ở trong mộng thì bạn thấy mình làm quan; hoặc phát tài, hoặc có địa vị, quyền lợi, danh dự; hoặc có vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, vinh hoa phú quý, hưởng thọ không hết. Giả như trong lúc mộng ấy mà có người nói với bạn rằng: “Ông ơi! đây chỉ là hư vọng thôi, không phải thật đâu,” thì bạn sẽ chẳng bao giờ tin. Chờ đến khi bạn tỉnh dậy rồi thì chẳng ai nói với bạn là bạn đã nằm mộng, bạn cũng biết rõ là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao.

Ðêm qua nằm mộng thấy đậu trạng nguyên, làm tể tướng, làm hoàng đế, thành thần tiên, hạnh phúc vô cùng. Ngày hôm nay tỉnh lại: “Ôi! Tất cả chỉ là một trường xuân mộng!” (xuân mộng tức là giấc mộng rất ngắn ngủi). Ðó là sự tỉnh thức.

*

Nếu không tỉnh mà chọn mộng là thật, thì sẽ tham luyến, không buông bỏ; sẽ chấp trước sự mê mờ, và chẳng bao giờ được giác ngộ. Bây giờ mình chính là đang chiêm bao giữa ban ngày mà chưa thức tỉnh. Do đó sống một cách hồ đồ, rồi cũng hồ đồ mà chết đi. Sanh ra đây là từ đâu tới? Chết rồi mình sẽ đi đâu? Không biết! Cả một đời chẳng bao giờ tỉnh. Các vị hãy nghĩ xem, như vậy thì có ý nghĩa gì? Có gì mình phải lưu luyến? Có gì đáng để mình không buông bỏ tất cả ?

Cả đời mình đều bị sợi dây tam độc và ngũ dục trói buộc vô cùng chặt chẽ. Trói chặt đến nổi không có tự do để chuyển hóa bản thân, nói chi đến chuyện giải thoát? Do đó bạn phải phát tâm xuất gia tu đạo, dụng công ngồi thiền; hoặc nỗ lực lạy Phật, tức là mình tự cởi mở sợi dây tam độc và ngũ dục. Cuối cùng sẽ có một ngày sẽ được hoàn toàn giải thoát.

Lúc ấy mình sẽ thức tỉnh, quay đầu nhìn lại mới nhận ra: Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn. Những điều mình đã làm trong quá khứ đều hoàn toàn như ảo mộng, tất cả đều chẳng phải là chân lý. Nay thức tỉnh rồi mình mới thoát ra khỏi vòng tam giới, không còn bị hạn chế trong sanh tử. Tự do muốn sanh thì sanh, muốn chết thì chết, tự do tới và đi theo ý mình. Ðó mới là chơn chính giải thoát, đó là: “Ðại mộng sơ tỉnh” vậy.

*

Thói thường chúng ta cứ giữ chặt cái hư giả dối trá mà quên mất cái chân thật. Thế nào là cái hư giả dối trá? Chính là sự khoái lạc sung sướng của ngũ dục: Tài sắc danh thực thùy. Thế nào là cái chân thật? Tức là sự sung sướng của Niết bàn ở trong bốn đức: Thường, lạc, ngã, tịnh. Tuy nhiên con người rất quái lạ: Điều chân thật mất đi thì không sợ, nhưng khi điều giả dối mất đi thì lại sợ hãi vô cùng. Vì sao vậy? Bởi vì người đời ai cũng nhận giặc làm con, bỏ gốc chạy theo ngọn; lấy cái giả cho là thật, không thức tỉnh. Do đó vẫn còn trong mộng, tham luyến cảnh giới của giấc chiêm bao.

Bởi do nhân duyên mình dấy khởi sự mê mờ, tạo ra ác nghiệp rồi thọ sự báo ứng. Giống như một hạt bụi bay lượn trên không trung, không tự làm chủ mình được. Hạt bụi ấy cứ tùy theo nghiệp lực rồi luân chuyển trong lục đạo luân hồi không lúc nào ngừng nghỉ. Cho nên nói rằng: “Ðả bất phá danh lợi quan, khiêu bất xuất luân hồi khuyên.” Nghĩa rằng đánh không sập cửa danh lợi thì nhảy không thoát vòng luân hồi. Ðến lúc nào bạn không bị cảnh giới làm động tâm, lúc ấy bạn mới thoát ly khỏi cái vòng lục đạo luân hồi.”

( Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn)

Tuệ Tâm 2021.

Xem Thêm:   Hưng Yên: Khai giảng các lớp học Huynh trưởng bậc Kiên, Trì, Định Gia đình Phật tử miền Bắc

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

80 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog