Đới nghiệp là mang theo nghiệp, vãng sanh là sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ. Đới nghiệp vãng sanh là mang theo nghiệp mà vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Đây là siêu thế nguyện của đức Phật A Di Đà dùng để độ thoát chúng sanh thời mạt. Bởi chúng sanh nghiệp lực tích tụ lại từ vô thỉ kiếp đến nay là vô lượng vô biên. Nghiệp lực này “nếu có hình tướng thì hư không cũng không thể chứa hết cho được”. Mà trong giáo pháp của Như Lai, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi chỉ có hai cách:
1. Trì giới tinh nghiêm mà Tu Thánh Đạo Môn như Thiền, Mật; Đoạn Hoặc chứng Chân, diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp mà chứng quả A La Hán.
2. Tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật. Nương Đại Nguyện Lực của đức Phật A Di Đà mà Đới Nghiệp Vãng Sanh Tây Phương Tịnh Độ.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Lời Phật dạy về Đạo hiếu.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- Chuyện tâm linh có thật.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Sự thật về Cầu cơ.
- Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
- Cách trị trẻ khóc dạ đề linh nghiệm nhất.
Đới Nghiệp Vãng Sanh trọng yếu như thế nào
Tổ Ấn Quang bảo: “Các giáo lý tu chứng thông thường trong cả một đời đức Như Lai đã nói tuy có nhiều pháp khác nhau, nhưng không có một pháp nào khiến cho kẻ còn đầy rẫy Hoặc nghiệp có thể liễu sanh thoát tử cả! Riêng một pháp Tịnh Ðộ: Chỉ cần lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Chẳng luận là Hoặc nghiệp dày hay mỏng, công phu cạn hay sâu; Khi lâm chung đều cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Ðã vãng sanh liền siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.
Từ đấy, lần lượt tấn tu, liền chứng được Vô Sanh, thậm chí viên mãn Phật Quả! Ðây chính là pháp môn đặc biệt thương xót chúng sanh căn cơ hèn kém, muốn cho họ mau thoát khỏi luân hồi của đức Như Lai”.
*
Tổ Ấn Quang là hóa thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Lời dạy của Ngài đơn giản và dễ hiểu như thế. Không hiểu tại sao nhiều người vẫn còn rao giảng: “niệm Phật được nhất tâm mới được vãng sanh”. Không hiểu sao vẫn có kẻ rao giảng: “Phải tụng bao nhiêu biến kinh A Di Đà, niệm bao nhiêu câu Phật hiệu đó mới được vãng sanh; Không hiểu sao nhiều người vẫn còn nghi hoặc chuyện: “Còn nghiệp là chẳng thể vãng sanh”? … Thật đúng là bội phản lại lời Phật dạy, vô cùng đáng trách!
Đới nghiệp vãng sanh, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi vô cùng đơn giản. Chỉ sợ bạn thích làm việc khó nên không làm được việc đơn giản mà thôi. Việc đơn giản ấy được Tổ Ngẫu Ích dạy thế này: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn“. Bạn chỉ cần nắm chắc lời này của Tổ, chắc chắn được vãng sanh!
Đới Nghiệp Vãng Sanh – Pháp duy nhất ra khỏi sanh tử trong thời mạt
Tu Thánh Đạo Môn như Thiền, Mật phải trì giới cực tinh nghiêm mới mong Đoạn Hoặc chứng Chân. Diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp mới mong chứng được quả A La Hán. Người tu trì chỉ dùng tự lực của mình, không nương nơi Phật lực. Lại cậy tự lực tu hành, đoạn Hoặc chứng Chân thật chẳng dễ dàng! Ðoạn Kiến Hoặc như cắt ngang dòng nước rộng bốn mươi dặm, huống hồ là Tư Hoặc! Kiến Hoặc đoạn được liền chứng Sơ Quả, dự vào dòng thánh, vẫn còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian mới đoạn sạch được Tư Hoặc để chứng Tứ Quả.
Tuy nói là mười bốn lần sanh tử, nhưng trên trời tuổi thọ dài lâu, cố nhiên chẳng thể dùng năm tháng để luận. Thánh nhân Sơ Quả muốn liễu sanh tử còn khó khăn như thế, huống hồ là phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp ư? Nếu chứng Tứ Quả sẽ vĩnh viễn đoạn được căn bản sanh tử, siêu xuất lục đạo luân hồi.
*
Nếu phát tâm Ðại Bi, nhập thế độ sanh, nương theo nguyện thị hiện hạ sanh, sẽ chẳng giống như kẻ đầy dẫy Hoặc nghiệp bị nghiệp thiện ác lôi kéo thăng trầm trong lục đạo, tự mình chẳng mảy may làm chủ được!
Tự lực liễu sanh tử nếu chẳng phải là hạng túc căn thâm hậu sẽ chẳng thể làm được; Chúng sanh đời mạt mong bằng được sao? Bởi thế, Như Lai đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Ðộ để hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn cùng được liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Lòng từ bi cứu hộ ấy tột bậc không chi hơn được!
Ðể tu trì pháp này chỉ cần sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm lực tinh thuần, ngay trong hiện đời cũng có thể chứng thánh, lâm chung lên ngay thượng phẩm, dự vào địa vị Bồ Tát, chứng địa vị Bất Thoái.
Nếu như căn cơ hèn kém, chưa làm được như thế, cứ chí thành niệm Phật thì tâm và Phật khế hợp nhau, cảm ứng đạo giao. Lúc lâm chung ắt được Phật rủ lòng từ tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Thậm chí kẻ ngũ nghịch, thập ác, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện; Nếu tâm thức chẳng mê, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật. Người ấy sanh lòng sợ hãi lớn lao, sanh lòng hổ thẹn lớn sám hối; Dù niệm mấy tiếng rồi liền mạng chung, cũng vẫn được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh.
*
Chúng ta luân hồi trong sanh tử, trải kiếp số đã lâu, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Nếu cậy vào sức tu trì của mình, muốn diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp để liễu sanh tử, còn khó hơn lên trời! Nếu tin được pháp môn Tịnh Ðộ do Ðức Phật đã giảng: Dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, cầu sanh Tây Phương; Chẳng luận là nghiệp lực lớn hay nghiệp lực nhỏ, đều có thể nhờ vào Phật lực đới nghiệp vãng sanh.
Ví như một hạt cát gieo xuống nước liền chìm. Dù đem hòn đá nặng cả mấy ngàn vạn cân đặt lên chiếc đại hỏa luân thuyền sẽ chẳng bị chìm, còn chở được sang chỗ khác để tùy ý sử dụng. Ðá ví như nghiệp lực sâu nặng của chúng sanh. Ðại hỏa luân thuyền ví như từ lực rộng lớn của Phật Di Ðà. Nếu chẳng niệm Phật, cậy vào sức tu trì của chính mình hòng liễu sanh thoát tử, cần phải đạt đến chỗ nghiệp tận tình không mới làm được. Nếu không, dù cho phiền não Hoặc nghiệp chỉ còn chút mảy may chưa đoạn cũng chẳng liễu nổi. Ví như một hạt cát bé tí cũng bị chìm trong nước, quyết chẳng thể tự nó thoát ra ngoài nước được!
Pháp môn Tịnh Độ toàn cậy vào Phật lực. Ví như người thọt một ngày chỉ đi được mấy dặm; Nếu ngồi trên luân báu của Chuyển Luân Thánh Vương liền trong khoảnh khắc đến khắp bốn đại châu. Ðấy là sức của Luân Vương, chẳng phải do sức mình.
*
Người đời tu hành cố nhiên giống vậy. Dù là kẻ ngũ nghịch thập ác tội lỗi cực nặng, lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện, nếu có thể chí tâm niệm Phật, liền được Phật tiếp dẫn. Ấy là vì Phật xem chúng sanh khác nào con một. Ðứa nào thiện thuận, dĩ nhiên từ ái dưỡng dục. Ðứa nào ác nghịch, càng thêm xót thương. Nếu con hồi tâm hướng về mẹ, ắt mẹ sẽ rủ lòng từ tiếp nhận.(Ấn Quang Văn Sao)
Nay xin chép vào đây ít câu chuyện về đới nghiệp vãng sanh, được chư Tổ sư ghi chép lại. Nguyện người đọc hữu duyên tăng trưởng tín tâm. Chỉ cần nguyện thiết, tin sâu, trì danh hiệu Phật. Nếu cả đời chỉ trì sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật, không tạp tu thêm bất cứ môn gì, chắc chắn sẽ được vãng sanh như nguyện.
Đới Nghiệp Vãng Sanh: Đức Phật A Di Đà hóa làm thân cá, độ ngư dân niệm Phật
Theo Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Về hướng Tây Nam xa thẳm của nước Chấp Sư Tử( tức nước Tích Lan bây giờ) có một hòn đảo. Trên đảo ấy, có hơn năm trăm nhà, dân chúng chuyên nghề bắt cá để sinh sống và chẳng biết gì về Phật pháp. Một ngày nọ, có vài ngàn con cá khá lớn bơi đến xung quanh đảo, giống cá này đều biết nói tiếng người, xưng to: Nam mô A Di Đà Phật. Người trên đảo không rõ do nguyên cớ gì, nên cứ gọi là cá A Di Đà Phật.
Có một ngư dân đến gần bờ biển nhại liên tiếp Nam mô A Di Đà Phật theo tiếng của cá, cá tiến vào gần bờ, bơi quanh quẩn không chịu đi. Người này liền bắt cá đem về nấu ăn thì thấy thịt rất ngon. Việc này lan truyền khắp đảo, nên dân trên đảo, ai muốn ăn cá ấy liền đến bờ biển niệm Phật dụ cá đến gần để bắt. Có điều kỳ lạ, ai niệm Phật nhiều mới bắt cá để nấu ăn, thì mùi vị cá tuyệt ngon; trái lại, ai niệm Phật ít thì mùi vị cá rất dở, vừa cay vừa đắng.
Do vậy, những người tham đắm vị ngon của cá, lại càng siêng năng niệm Phật nhiều hơn. Một thời gian sau, người ăn cá đầu tiên già chết. Sau đó ba tháng, người này cưỡi mây tím bay về đảo ấy, phóng chiếu hào quang quy tụ dân chúng và bảo rằng:
*
Tôi là người ăn cá đầu tiên và niệm Phật cũng nhiều nhất, sau khi lâm chung, tôi đã được sanh về thế giới Cực lạc. Các con cá lớn hồi ấy chính là do đức Phật A Di Đà hóa hiện. Đức Phật ấy thương xót chúng ta ngu muội, nên hóa làm thân cá để hướng dẫn chúng ta tu pháp Niệm Phật. Nếu quý vị không tin, hãy trở về xem xương cá đã ăn đều là hoa sen cả.
Mọi người nghe vậy, vui vẻ trở về đến chỗ vất bỏ xương cá, thì đều thấy đã biến thành hoa sen. Họ rất cảm động, phát khởi thiện tâm nguyện bỏ Nghiệp sát sanh và chuyên tâm niệm Phật. Sau đó, mọi người trên đảo đều được vãng sanh về Tịnh Độ, đảo này trở thành hoang vắng không người trong một thời gian dài lâu. Một vị đại A La Hán nước Chấp Sư Tử, Tôn giả Sư Tử Hiền, dùng thần thông bay đến đảo ấy, khi trở về thuật lại sự kiện này.
Lời bàn về đới nghiệp vãng sanh:
Không biết tâm tin tưởng là gì,
Không biết tâm phát nguyện là gì,
Chỉ đam mê mùi vị thịt cá,
Nhưng thường xưng niệm danh hiệu Phật.
Vì nhờ xưng niệm danh hiệu ấy,
Hết thảy đều vãng sanh Cực lạc,
Đây là do năng lực công đức,
Của Bản nguyện Phật A Di Đà.
Đức Phật A Di Đà nguyện rằng,
Ai xưng niệm danh hiệu của Tôi,
Nếu không được vãng sanh Cực lạc,
Thì Tôi chẳng giữ ngôi Chánh giác.
Hiện nay đức Phật A Di Đà,
Đã thành Phật tại thế giới ấy,
Nên chúng sanh nào chuyên niệm Phật,
Nhất định vãng sanh về Cực lạc.
Đới Nghiệp Vãng Sanh: Chim Nhồng niệm Phật, mỏ phát hoa Sen
Theo Phật Tổ Thống Ký, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Vào triều đại nhà Tống, khoảng niên hiệu Nguyên Hữu (1086-1093), có một người ở quận Trường Sa nuôi một chim nhồng, thường gọi là chim Bát Kha. Ngẫu nhiên, chim nghe một vị Sư niệm A Di Đà Phật, nó liền bắt chước niệm theo, từ đó suốt ngày chim thường xuyên niệm Phật không dừng. Qua sự kiện này, gia đình nuôi chim trở nên thân thiện với nhà Sư.
Sau đó một thời gian khá lâu, chim già chết, mỏ chim xuất hiện một đóa sen. Nhà Sư mua quan tài liệm và chôn như một con người. Sư làm bài tụng rằng:
Có một chim linh tên Bát Kha,
Học Sư niệm Phật A Di Đà,
Chết chôn, trên mộ hoa sen nở,
Chúng ta là người há không tu!
*
Thêm nữa, sư Quán ở chùa Chánh Đẳng trên chóp núi Thiên Thai, có nuôi một chim nhồng, nó thường niệm A Di Đà Phật theo chúng Tăng. Vào một ngày kia, đột nhiên chim chết trong lồng, ở mỏ xuất hiện một đóa sen hồng, nhà chùa đem chôn cất nó. Luật sư Đại Trí làm bài kệ khen chim rằng:
Chim chết, lồng không việc bình thường,
Lạ thay xuất hiện đóa sen hồng!
Lời bàn:
Đức Di Đà nguyện rằng,
Chúng sanh trong mười phương,
Xưng danh hiệu của Tôi,
Nhất định sanh nước Tôi.
Được gọi là chúng sanh,
Trên kể từ Trời, Người,
Dưới đến loài Địa ngục,
Ngạ quỷ và Súc sanh.
Qua đây để nhận xét, Chim nhồng- Bát Kha kia, Nhất định sanh Cực lạc, Chứng ngộ đại Niết-bàn. Là người mà chẳng biết, Biết rồi lại không niệm, Tệ hèn hơn Súc sanh, Thật đáng tiếc lắm thay!
Đới Nghiệp Vãng Sanh: Niệm Phật quỷ tránh xa
Cư sĩ họ Lưu là người Thiên Tân, nhà ở tại Vạn Đức trang. Ông vốn là người biết Phật pháp, nhưng chưa bao giờ niệm Phật lại còn làm nghề đồ tể. Vào khoảng trung tuần tháng ba năm ấy, ông bị bệnh rất nguy hiểm, vợ ông là người tin Phật, niệm Phật, nên thỉnh các Liên hữu đến trợ niệm. Niệm Phật từ trước giờ ngọ mười phút cho đến trước mặt trời lặn mười phút.
Trong nhóm Liên hữu có vị đã chứng được Thiên nhãn, nên thấy rõ hai con Quỷ hắc-bạch vô thường, tay cầm kim bài đang đứng gần giường ông Lưu, nhưng vì nghe âm thanh niệm Phật A Di Đà, bèn từ từ rút lui. Chúng trưởng chúng trợ niệm là Cư sĩ họ Quan, đại diện bệnh nhân đến trước bàn Phật sám hối những tội lỗi mà ông đã làm, và cầu nguyện đức Phật đến tiếp dẫn.
Trợ niệm đến hai giờ, Cư sĩ Quan thấy hào quang của đức Phật đã chiếu tới, lập tức đức Phật A Di Đà và Thánh chúng xuất hiện. Tất cả chúng trợ niệm đều quỳ xuống đảnh lễ và càng niệm Phật lớn tiếng hơn. Cư sĩ Lưu trong khi đang được trợ niệm, liền xả báo thân ngồi vào tòa sen theo sau đức Phật và Thánh chúng đi về phương Tây. (Thiên Tân Thị, Hà Đông Cư sĩ Lâm Cung Cảo).
Lâm chung được khai Đạo, niệm Mười Niệm đới nghiệp vãng sanh.
Theo Nhiễm Hương Tập -Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Vào triều đại nhà Thanh, có ông Thi Tĩnh Nham người ở Hoa Đình. Ông vốn là người đứng đắn cẩn thận, làm việc gì thì rất chu tất tốt đẹp, ai nhờ gì cũng rất tận tụy, bà con họ hàng khá nhiều người đều nhờ cậy ông ta. Đột nhiên, ông lâm bệnh rất trầm trọng, biểu huynh Trịnh Huệ Am thương xót bảo rằng:
“Em bệnh nặng như thế, tại sao không niệm Phật? Trong Kinh đã dạy: Khi lâm chung chỉ niệm mười niệm, cũng được vãng sanh.”
Ông Thi nói: “Em bực là khi mạnh khỏe chưa từng niệm Phật, thì bây giờ làm sao niệm được đây! Nói xong, ông khóc to rất thảm thiết.”
Ông Trịnh bảo: “Không có gì trở ngại! Em nghe anh niệm, tâm em tưởng niệm theo là được.”
Vừa dứt lời, ông Trịnh liền cất tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật rất lớn, ông Thi cũng niệm lớn theo anh, khoảng được mười câu, đột nhiên nói:
“Đức Phật A Di Đà cùng chư vị Bồ Tát đang xuất hiện trước mắt. Vừa nói dứt lời, ông lâm chung.”
Mười Niệm đới nghiệp vãng sanh, cảm ứng đức Phật đến nghinh đón.
Ở tỉnh Giang Tô, huyện Cao Thuần, xóm Đông, làng Phụng Sơn, có Cư sĩ Châu Bảo Hoa giới thiệu tại đây có một giáo viên Trung học tên là Hàn Hữu Tài, vào năm ông 41 tuổi, bà mẹ và em của ông đều đã quy y Tam Bảo, ông vẫn không tin tưởng nhưng không phỉ báng. Sau đó mấy tháng, ông bị khối u trong bao tử đau đớn vô cùng, tánh mạng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Qua đây, ông đột nhiên tỉnh ngộ.
Có người khuyên ông niệm Phật, ông đồng ý và nói: Không tin thì thôi, mà tin thì không nghi ngờ. Vốn biết không thể ngồi dậy được, nên ông nằm nghiêm trang nhiếp tâm niệm Phật. Bỗng nhiên ông vùng dậy, mọi người hỏi lý do, ông bảo: Đức Phật đến rồi, nằm như thế là bất kính.
Rồi hỏi: Quý vị không thấy sao?. Nói xong độ năm phút thì ông xả báo thân.
Do vì chí tâm niệm Phật, nên cảm ứng mà đức Phật đến nghinh đón. Điều này chứng tỏ rằng, khi lâm chung niệm mười niệm thì được vãng sanh, chẳng phải là việc hư dối. (Sự kiện xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 12 tháng 12 Âm lịch của năm 1991). (Chơn Từ Pháp Sư Cung Cảo)
(Đới Nghiệp Vãng Sanh là gì – Theo Ấn Quang Gia Ngôn Lục)
Tuệ Tâm 2021.