Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong những vị Bồ Tát vô cùng nổi tiếng đối với Phật Giáo Đại Thừa nói chung. Vậy thực sự ngài là ai, có thân thế và địa vị như thế nào, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn thông tin của ngài trong bài viết ngay sau đây.
Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?
Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát rất được tôn thờ trong Phật giáo Á Đông. Ngài thường được mô tả như một vị tỉ khâu phương Đông. Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong Sáu vị Bồ Tát vô cùng quan trọng của Phật giáo Đại Thừa, các vị còn lại có thể kể đến bao gồm các vị Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.
Địa Tạng Vương Bồ Tát được đông đảo Phật tử biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn cho đến khi Bồ Tát Di Lặc hạ sinh, và ngài cũng nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng (chính là câu nói: Địa ngục không trống, Thề không thành Phật). Do đó, Địa Tạng Vương Bồ Tát thường được xem như là vị Bồ Tát của chúng sinh dưới địa ngục hay chính là giáo chủ của cõi U Minh.
Cuộc đời của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Có khá nhiều câu chuyện, sự tích liên quan đến thân thế của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tuy nhiên trong Phật giáo chủ yếu lưu truyền một số câu chuyện sau đây:
1. Sự tích về Địa Tạng Vương Bồ Tát thứ nhất
Mục Kiền Liên vốn được sinh ra trong một gia đình có dòng dõi thuộc Bà La Môn. Ngài là người có rất nhiều tài và đức, tuy nhiên mẹ của ngài chính là bà Thanh Đề, lại là một người mang rất nhiều sát nghiệp. Vì thế khi mẹ của ngài chết đi, bà đã bị đày xuống 18 tầng địa ngục. Dưới đây bà Thanh Đề phải trải qua rất nhiều hình phạt kinh hoàng, vô cùng đau đớn và không thể nào siêu thoát được.
Mục Kiền Liên có lòng hiếu thảo vô cùng lớn và sâu sắc. Ngài đã thiền định và niệm Phật trước linh cữu của bà Thanh Đề liên tục trong suốt nhiều ngày. Nhờ hành động này của Ngài đã giúp chạm tới chân tâm của Đức Phật. Khi đó Đức Phật đã mách bảo cho Ngài một con đường để có thể cứu mẹ. Đó chính là cứ khi nào vào ngày rằm tháng bảy, Ngài hãy làm một buổi lễ cầu nguyện, nhờ các vị chư tăng tổ chức và hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ Thanh Đề.
Mục Kiền Liên đã nghe được sự mách bảo của Đức Phật và làm theo những gì Đức Phật đã mách bảo, nhờ đó mà mẹ của Ngài đã được giải thoát khỏi 18 tầng địa ngục. Từ đó trở đi, Mục Kiền Liên đã đi theo Phật Thích Ca Mâu Ni và được ngài thu nhận làm đệ tử. Lúc này, Mục Kiền Liên đã thuyết phục Đức Phật có thể cho mình xuống địa ngục để giải cứu cho chúng sinh và nguyện rằng khi nào dưới địa ngục hết chúng sinh lầm than thì Ngài mới trở thành Phật. Từ đó Địa Tạng Vương Bồ Tát chính thức được biết đến.
2. Sự tích về Địa Tạng Vương Bồ Tát thứ hai
Sự tích tiếp theo về cuộc đời của Địa Tạng Vương Bồ Tát, đó chính là Ngài là hoàng tử của xứ Tân La. Mặc dù được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, thế nhưng Ngài lại mang vẻ giản dị, đạm bạc và là người thích đọc sách. Vào năm 24 tuổi, Ngài đã xuất gia và có dẫn theo một con chó lông màu trắng có tên là Thiện Thính đi theo.
Ngài đã dẫn chú chó này đi khắp muôn nơi và tìm đến những nơi thanh tịnh để tu hành. Trong suốt hành trình, Ngài cũng đã tìm được một ngọn núi có tên là Cửu Hoa và đã ở trong đó thiền tịnh trong suốt 75 năm. Khi đến năm 99 tuổi, Ngài đã viên tịch, nhưng nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn sau 3 năm. Khi đó những đệ tử của Ngài đã mang nhục thân tới bảo tháp ở trên ngọn Thần Quang Lãnh và cúng Ngài trên đó.
Những tiền thân và hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Ứng với 4 đại nguyện của loài người, Địa Tạng Vương Bồ Tát có tất cả 4 tiền thân và hóa thân. Cụ thể như sau:
1. Vị trưởng giả
Tiền thân đầu tiên của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát vốn là một vị trưởng giả. Trong một lần tình cờ Ngài được nhìn thấy Đức Phật có tướng mạo tốt đẹp, vô cùng trang nghiêm, thế nên vị trưởng giả mới mạnh dạn hỏi Đức Phật tu hạnh nguyện gì mà lại được tốt đẹp như thế? Khi ấy, Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai nói với vị trưởng giả rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”.
Vị trưởng giả nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”. Chính vì lời thề nguyện rộng lớn đó mà cho đến nay, trải qua trăm nghìn muôn ức vô số kiếp, Ngài vẫn còn được làm một vị Bồ Tát.
2. Người phụ nữ dòng Bà La Môn
Địa Tạng Vương Bồ Tát trong vô số kiếp lâu xa về trước có tiền thân là một người con gái thuộc dòng Bà La Môn, phước đức sâu dày, thường có chư Thiên theo hộ vệ. Mẹ của Ngài vốn là người mê tín tà đạo, khinh khi ngôi Tam Bảo, vậy nên dù cho Thánh nữ đã nhiều lời khuyên nhủ nhưng mẹ của Ngài chưa tin hẳn nên khi chết bị đọa vào địa ngục Vô Gián. Vì tin nhân quả, biết mẹ sẽ phải sinh vào đường ác nên Ngài đã bán nhà, đất, sắm hương hoa, lễ quả, phát tâm cúng dường tại các ngôi chùa thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
Trong một lần chiêm bái hình tượng của Đức Phật, Ngài liền sinh lòng kính ngưỡng, thầm nghĩ nếu Đức Phật còn trụ ở đời thì sẽ biết rõ mẹ cô tái sinh vào nơi nào. Bỗng nhiên trên không trung có tiếng vọng rằng: “Ta là Đức Phật Quá Khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thấy cô thương mẹ trội hơn thường tình nên ta đến chỉ bảo cách thức để cô biết nơi mẹ thác sinh”. Vâng lời Đức Phật, sau khi cúng dường, Ngài trở về và đối trước tượng Phật, ngồi ngay thẳng quán tưởng danh hiệu Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
Trải suốt một ngày một đêm, Ngài thấy mình đang đến một bờ biển, ở đó những người con trai cùng con gái đang chìm nổi trong biển sôi sùng sục, bị thú dữ giành nhau để ăn thịt. Khi đó, Quỷ Vô Độc đến và cho Ngài biết rằng đây là địa ngục, những người đọa vào đây là do khi còn sống không gieo nhân lành, tạo bao ác nghiệp, vậy nên khi chết đi trong vòng 49 ngày không có người làm phúc hồi hướng cho thế nên cứ theo nghiệp mà chịu khổ.
Khi Ngài hỏi Quỷ Vương về nơi thác sinh của mẹ thì được hay nhờ có sự hiếu thuận làm phúc của Ngài trước kia, cho nên mẹ của Ngài có đầy đủ phúc duyên thoát khỏi địa ngục, được sinh về cõi Trời. Cũng nhờ công đức ấy mà trong ngày đó những tội nhân nơi địa ngục cũng tái sinh về cõi lành. Bấy giờ, Ngài chiêm bao chợt tỉnh, thấu rõ mọi việc, liền đối trước tháp tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát nguyện rộng lớn rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”.
3. Ông vua một nước
Trong vô lượng kiếp quá khứ trở về trước, có Đức Phật ra đời mang hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Khi chưa xuất gia, Ngài làm vua nước nhỏ và kết bạn với một ông vua nước lân cận. Ngài đã cùng với ông vua nước lân cận đó thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân. Nhân dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác, cho nên hai vị vua cùng nhau bàn tính những phương cách để dắt dìu dân chúng.
Một ông vua phát nguyện rằng: “Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa”. Một ông vua còn lại phát nguyện rằng: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”. Nhà vua phát nguyện sớm thành Phật rồi độ chúng sinh chính là Đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn nhà vua phát nguyện độ hết chúng sinh rồi mới thành Phật chính là Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát mà chúng ta đã biết.
4. Thiếu nữ Quang Mục
Lại vô lượng vô số kiếp về trước, Địa Tạng Vương Bồ Tát từng là người thiếu nữ có tên là Quang Mục. Vì muốn cứu mẹ đã khuất không rơi vào địa ngục khổ đau, cho nên cô làm việc phước thiện, cúng dường vị La Hán để hồi hướng phước báu cho mẹ. Bởi vì khi còn sống, mẹ của Ngài ưa giết hại và ăn thịt các loài cá khác nhau.
Do đó cảm thương trước tâm hiếu hạnh của thiếu nữ Quang Mục, vị La Hán cho biết mẹ cô bị đọa dưới địa ngục và khuyên cô đem lòng chí thành niệm Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, vẽ đắp hình tượng Phật thì kẻ còn người mất đều được phước lợi. Cô vâng lời răn dạy, liền xuất tiền của, tạo tôn tượng Đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai rồi thành kính thờ cúng, đảnh lễ hàng ngày.
Lòng thành kính của Quang Mục đã chạm tới Đức Liên Hoa Mục Như Lai. Vào một đêm, Quang Mục chiêm bao thấy Đức Phật phóng ánh sáng hào quang và dặn rằng: “Chẳng bao lâu mẹ của ngươi sẽ thác sinh vào trong nhà của ngươi, khi biết đói lạnh thì liền biết nói”. Sau đó, đứa hầu gái trong nhà Quang Mục bỗng sinh bé trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói, đứa trẻ buồn khóc và nói với Quang Mục rằng: “Ta là mẹ của ngươi, nhờ phước ngươi tạo nên nay được sinh làm kẻ hạ tiện nhưng đến năm 13 tuổi sẽ bị đọa lại về địa ngục”.
Vì không muốn mẹ và chúng sinh cứ phải chịu khổ đau trong luân hồi sinh tử, thiếu nữ Quang Mục đối trước tượng Đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai và phát lời nguyện Bồ đề rộng lớn: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác”.
Nhờ công đức phát nguyện rộng lớn đó, mẹ của Ngài khi bỏ báo thân tái sinh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu không thể tính kể. Cuối cùng cũng sẽ trở thành Phật, độ nhiều hạng người, Trời nhiều như số cát trên sông Hằng.
Linh thú của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Địa Tạng Vương Bồ Tát thường được biết đến là ngồi trên linh thú Đề Thính. Đây là loại linh thú vô cùng đặc biệt, có khả năng nghe thấy mọi thứ trong Tam Thế, giúp Ngài có thể phân biệt được thật giả, đúng sai. Đề Thính được biết đến vốn là một con chó. Trong Phật pháp thì loài chó đại diện cho nhị độc “Tham Sân”. Chó cũng là loại động vật nổi tiếng nhạy cảm và thông minh, chúng luôn nhờ vào khả năng thính giác của mình có thể phân biệt được mọi thứ.
Đường Tăng có phải là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát?
Có rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc rằng liệu hình tượng Đường Tam Tạng (Đường Tăng) trên phim Tây Du Ký liệu có phải là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát hay không. Thậm chí vẫn còn có nhiều người nhầm lẫn hai người này chính là một. Bởi lẽ khắc họa của Đường Tam Tạng khá giống với Bồ Tát, pháp danh của hai người nghe cũng khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn.
Câu trả lời cho câu hỏi trên chính xác đó là: Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát hoàn toàn không phải Đường Tam Tạng. Hai vị này là hoàn toàn khác nhau và cuộc đời luân trải của cả hai cũng không giống nhau. Đường Tam Tạng đã phải trải qua 81 kiếp nạn cùng với các đồ đệ của mình đó là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã. Đường Tăng nguyện tìm đường tới Thiên Trúc, đánh đổi sinh mạng của mình cùng sự vất vả trong nhiều năm để có thể thỉnh được kinh Phật về quê nhà để phổ độ chúng sinh.
Lợi ích khi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát
– Đối với cuộc sống hiện tại, nếu thành tâm nguyện cầu, tụng niệm danh hiệu thì sẽ được Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát ban cho trí hệ lớn, những ước nguyện sớm ngày đạt được thành tựu. Bản thân cũng như gia đình sẽ được tiêu trừ hoạn nạn, bệnh tật với tội lỗi, luôn được Bồ Tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi.
– Đối với kiếp sau, khi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ được Ngài phù hộ, kiếp sau tránh được khỏi điều xấu, được thân hình xinh đẹp, thoát khỏi kiếp nô lệ. Cuộc sống của kiếp sau sẽ vì thế được an nhàn, sung túc, không còn cảnh nghèo khó.
– Với những người sắp lâm chung, tụng kinh Địa Tạng và quá khứ từng làm điều thiện sẽ giúp kéo dài thời gian sống. Nếu 49 ngày sau khi mất, người nhà thường xuyên tụng kinh Địa Tạng sẽ giúp người đã khuất sớm ngày siêu thoát.
– Với những người đã quá vãng, thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát thì sẽ được siêu độ, gặp lại được người thân đã mất. Trong giấc ngủ nếu như thường gặp ma quỷ, ác mộng thì chí tâm tụng Địa Tạng Kinh sẽ được Ngài phù hộ cho an lành, không còn gặp ác mộng nữa.