Tôn Giả Đề Bà Đạt Đa vốn là em chú bác của Ðức Phật Thích Ca, nhưng ông lại thường xuyên gây khó dễ cho Phật, chuyên môn chống đối Phật. Phật thuyết pháp này thì ông phá hoại, Phật thuyết pháp kia thì ông đả kích. Nói tóm lại, bất cứ điều gì Phật làm ông cũng bài bác và cho là không đúng cả!
Năm xưa lúc Tuệ Tâm mới mon men học Phật, khi đọc về Tôn giả, cũng khởi tâm giận giữ ghét khinh như bao người khác. Về sau biết thêm một chút mới hay Ngài là bậc Bồ Tát thị hiện. Sau đọc lời giảng của Tuyên Hóa Thượng Nhân mới hay: Đề Bà Đạt Đa vốn là Cổ Phật! Lúc ấy mới thấu hiểu lời chư Tổ thường dạy: “Phật pháp như Đại dương mênh mông, càng vào sâu càng không thấy đáy”.
- Vua A Xà Thế là Bồ Tát thị hiện.
- Tôn giả A Nan.
- Tôn giả Nan Đà
- Xá Lợi Phất Tôn giả
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
- Tôn giả Mục Kiền Liên.
Tôn giả là người duy nhất khiến thân Phật chảy máu, phạm vào một trong năm trọng tội thuộc “Ngũ nghịch”. Nếu chẳng phải bậc Bồ Tát thị hiện nghịch hạnh để Thế Tôn chế điều luật, giảng pháp; Thì ai có thể làm được điều ấy với đấng Đại giác Thế Tôn? Cũng bởi thị hiện gieo đủ ác nghiệp nên Tôn giả cũng là người hiếm hoi, khi đang sống mà bị đọa thẳng vào Địa ngục.
Đề Bà Đạt Đa là ai
Đề Bà Đạt Đa là anh em chú bác với Ðức Phật, song ở đâu Ngài cũng làm ngược lại với Ðức Phật. Có người nói Ngài có cừu hận với Ðức Phật. Kỳ thật, Ðức Phật thành đạo, Ngài thuộc về người “nghịch tăng thượng duyên trợ đạo“, mà đời đời kiếp kiếp Đề Bà Đạt Đa còn đến trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp. Do đó, Ngài dùng nhân vật phản diện để giúp thành Phật đạo, đó là người ‘’nghịch trợ giúp’’ vậy.
Đề Bà Đạt Đa là tiếng Phạn, dịch là ‘’thiên nhiệt’’, vì khi Ngài tại thế thì chuyên môn phản diện để trợ giúp người, khiến cho người cảm thấy rất nhiệt não, khí trời cũng biến thành nóng bức, do nhân duyên đó mà được tên. Tại sao Ngài phải phản diện để trợ giúp Ðức Phật thành đạo? Ðó cũng có một nhân duyên.
*
Vào thuở xa xưa về quá khứ, có một vị trưởng giả giàu có tên là Tu Ðàn. Ông ta có hai người con. Người con lớn tên là Tu Ma Ðề, người con kế tên là Tu Tỳ Gia. Sau khi ông ta qua đời, thì hai người con tính toán thừa kế di sản của cha. Ông anh cả Tu Ma Ðề bèn nghĩ: ‘’Nếu mình chia một nửa tài sản cho Tu Tỳ Gia, thì chẳng phải là mình bớt đi một nửa tài sản chăng?’’ Do đó, anh ta hẹn với người em Tu Tỳ Gia, đến núi Linh Thứu để du ngoạn.
Khi đến tới đỉnh núi, thì Tu Ma Ðề xô người em xuống hang núi, người em tan thân nát xương qua đời, sau đó người anh còn lấy đá đập thi thể, vì sợ người em bị thương tích không chết. Một người anh dùng phương pháp tàn ác để giết em mình, chỉ vì đoạt lấy tài sản của cha để lại.
Tu Ma Ðề thuở đó, tức là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tu Tỳ Gia tức là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa, người cha Tu Ðàn tức là Vua A Xà Thế. Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa Thọ ký, Phật nói nhân duyên Ngài trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp.
*
Đề Bà Đạt Đa là tiếng Phạn. ‘’Ðề Bà‘’ dịch là “Thiên”, ‘’Ðạt Ða‘’ dịch là ‘’Nhiệt‘’, tức là ‘’Thiện nhiệt‘’. Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức của Ðức Phật trong đời quá khứ, cũng từng làm thầy của Ðức Phật. Ðức Phật từng làm tôi tớ cho Ngài, cuối cùng đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đề Bà Đạt Đa chuyên môn phản đối Ðức Phật, phá hoại tăng đoàn, lập riêng ra năm pháp:
1. Suốt đời đi khất thực.
2. Suốt đời mặc y phấn tảo.
3. Suốt đời ngồi ngoài trời.
4. Suốt đời không ăn muối.
5. Suốt đời không ăn cá thịt.
*
Chuyên môn làm ngược lại với Ðức Phật, muốn cao hơn Ðức Phật một bậc. Có những Tỳ Kheo tham danh háo lợi theo Ðề Bà Ðạt Ða học tập. Đề Bà Đạt Đa cũng từng làm thân Phật chảy máu. Một ngày nọ, Phật đi ngang qua núi Linh Thứu, Đề Bà Đạt Đa ở trên đỉnh núi dùng một tảng đá lớn lăn xuống núi. Lúc đó, thần hộ pháp cấp tốc đứng dậy dùng bảo chùy đập nát tảng đá, song có một mảnh đá nhỏ rớt trúng chân Ðức Phật.
Ðề Bà Ðạt Ða đã giết Tỳ Kheo ni Liên Hoa Sắc, một vị đã chứng quả A La Hán. Ông ta dùng bàn tay chưởng một cái làm cho Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc phải qua đời.
Ông ta còn phá hòa hợp tăng, khiến cho chúng Tỳ Kheo bất hòa. Lại xúi vua A Xà Thế giết cha giết mẹ.
Vậy cho nên ông ta phạm đủ năm tội nặng. Tuy ông ta là một vị ác tri thức, chuyên môn phá hoại Ðức Phật, song tương lai ông ta cũng sẽ thành Phật. Trên thật tế thì, ông ta đã thành Phật trong vô lượng kiếp.
Cần nhìn nhận đúng về Ðề Bà Ðạt Ða Tôn giả
Nếu có ai phê bình Đề Bà Đạt Đa là người ác, đó là sai lầm. Kỳ thật, Ngài thật là một vị đại Bồ Tát, chỉ bất quá Ngài hiện tướng tôn giả phản diện để giúp Phật độ người. Phải tin rằng người mà đời đời kiếp kiếp đến phản đối bạn, hoặc là người nhiễu loạn bạn, đều là đang trợ giúp bạn thành Phật. Ðó cũng giống như ở trong lò đúc rèn luyện, rèn luyện đến lúc, một chút tập khí mao bệnh đều chẳng còn, tâm tính nhu hòa.
Nếu được như thế thì mới là ‘’Thật tin‘’. Nên coi những oán hận sân nhuế phiền não, sẽ thành chân chánh thiện tri thức của mình. Ví như chuông cần phải dùng dùi bằng gỗ để đánh nó, thì mới phát ra âm thanh. Vàng thật phải dùng lửa để nung mới thành vàng ròng. Hoa mai phải trải qua một phen rét lạnh mới tỏa hương thơm ngào ngạt, do đó có câu:
Không trải qua một phen lạnh thấu xương
Sao được hoa mai thơm ngát mũi.’’
Ðề Bà Ðạt Ða Tôn Giả: Nghịch Hạnh Bồ Tát
Lúc Phật còn ở đời, thì Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế liên kết hại Phật, lợi dụng uy lực của voi say để đạp chết Phật. Khi Phật đến thành Vương Xá khất thực, thì thả bầy voi say ra, để thực hành quỷ kế của họ. Voi say đó xông đến ở trước Phật, lúc đó thập phần nguy hiểm, Phật bèn dùng định lực, cũng chẳng tránh né, duỗi tay hướng ra ngoài, năm ngón tay lập tức biến thành năm con sư tử, hống lên một tiếng, thì bầy voi nghe tiếng bèn quỳ xuống. Cảnh giới này cảm động đến các dân chúng, bèn quy y với Ðức Phật.
Đề Bà Đạt Đa tuy thông minh đĩnh ngộ, thuộc sáu môn pháp tạng, luyện thành năm phép thần thông. Nhưng bởi tham danh lợi chẳng thiết thật tu hành, nên kết quả bị đọa địa ngục.
*
Có một lần, Đề Bà Đạt Đa tìm một phụ nữ gia cảnh rất nghèo khó, và nói với cô ta rằng: “Cô hãy giúp ta một việc này; khi xong việc, ta sẽ thưởng cho cô một món tiền rất lớn!”
Con người trong cảnh túng thiếu thường dễ bị đồng tiền lung lạc, có kẻ miễn có tiền là chịu làm tất cả. Người phụ nữ này cũng không thoát khỏi lẽ thường tình đó. Vì thế, cô ta sốt sắng hỏi: “Ngài cần tôi làm việc gì?”
Ông ta bảo: “Cô hãy độn một cái gối trong bụng, giả vờ là đang mang thai. Sau đó, đợi đến lúc Phật thuyết pháp thì cô hãy ra trước mặt các đệ tử của Phật mà tuyên bố rằng: Đứa bé trong bụng cô là con của Phật; Như thế, thanh danh của Phật sẽ bị hoen ố và các đệ tử của Phật sẽ không còn tin tưởng ở Phật nữa. Việc thành rồi ta sẽ thưởng cho cô rất hậu hĩnh.”
*
Người phụ nữ ấy y lời, răm rắp làm đúng theo lời dặn. Cô độn bụng cho lớn và ngang nhiên nói với đệ tử của Phật rằng đứa bé trong bụng cô ta là con của Phật, cố ý bôi nhọ thanh danh của Phật.
Nhưng Ðức Phật có thần thông, Ngài dùng thần thông làm cho cái gối độn bụng của cô ta tuột ra và rớt xuống trước sự chứng kiến của mọi người. Nhờ đó ai nấy đều hiểu ra là cô ta muốn vu oan giá họa cho Phật. Ðây là một trong những cách Ðề Bà Ðạt Ða dùng để ám hại Phật trong lúc Phật giảng Kinh thuyết Pháp.
Đề Bà Đạt Đa đọa Địa ngục ngay khi còn sống
Lại có một lần Đề Bà Đạt Đa dùng thần thông để ám hại Phật. Bởi ông ta cũng có thần thông, cho nên một hôm nọ, nhân lúc Phật đang trên đường tới núi Linh Thứu; Ông xô núi cho lở ra để đá lăn đổ xuống, chủ ý là đè Ðức Phật đến tan xương nát thịt. May thay, ngay khi ông ra tay đẩy núi, thì vị Kim Cang Lực Sĩ (Là vị sơn thần giữ núi Linh Thứu, tên là Bối Lạp) trông thấy; và thế là từ đàng xa, Thần Bối Lạp giơ chùy Kim Cang ra đỡ lấy núi, khiến bao nhiêu đá núi đều văng ngược trở lại.
Ðá bị vỡ vụn văng tung tóe, và có một hòn đá nhỏ văng trúng đầu ngón chân út của Phật, làm cho rách da chảy máu—đây chính là “làm thân Phật chảy máu.” Lần này thân Phật có bị chảy máu song cũng không hề gì; Tuy nhiên, liền ngay lúc đó, có một chiếc xe hừng hực lửa của địa ngục chạy đến. Ðề Bà Ðạt Ða bị bắt sống và áp giải về địa ngục.
Đề Bà Đạt Đa vừa “làm thân Phật chảy máu” thì liền bị đọa địa ngục ngay lúc còn sống, phải mang nhục thân vào địa ngục. Người đời nay, nếu thiêu đốt hình Phật, phá hủy tượng Phật, hoặc đập phá chùa chiền, tháp miếu thờ Phật, thì đều bị xem là phạm cùng một tội với Ðề Bà Ðạt Ða—tức là “làm thân Phật chảy máu” vậy.
Sau đây là Phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ mười hai trong kinh Pháp Hoa. Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để nghe đức Phật giảng:
Phẩm “Đề Bà Đạt Đa” Thứ Mười Hai – Kinh Pháp Hoa
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Hán Dịch
Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch
*
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các vị Bồ Tát và hàng trời, người, bốn chúng: “Ta ở trong vô lượng kiếp về thời quá khứ cầu kinh Pháp-hoa không có lười mỏi. Trong nhiều kiếp thường làm vị Quốc-vương phát nguyện cầu đạo vô thượng Bồ-đề, lòng không thối chuyển. Vì muốn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật nên siêng làm việc bố thí; lòng không lẫn tiếc, bố thí voi, ngựa, bảy báu, nước thành, vợ, con, tôi tớ, bạn bè; cho đến đầu, mắt, tủy, óc, thân, thịt, tay, chân, chẳng tiếc thân mạng.
Thuở đó, nhân dân trong đời sống lâu vô lượng, vua vì mến pháp nên thôi bỏ ngôi vua, giao việc trị nước cho Thái-tử. Đánh trống ra lệnh cầu pháp khắp bốn phương: “Ai có thể vì ta nói pháp Đại-thừa, thời ta sẽ trọn đời cung cấp hầu hạ.” Khi ấy có vị tiên nhơn đến thưa cùng vua rằng: “Ta có pháp Đại-thừa tên là kinh “Diệu-Pháp Liên-Hoa”. Nếu Đại vương không trái ý ta, ta sẽ vì Đại vương mà tuyên nói.”
Vua nghe lời vị tiên nhơn nói, vui mừng hớn-hở, liền đi theo vị tiên nhơn để cung cấp việc cần dùng: hoặc hái trái, gánh nước, hoặc lượm củi, nấu ăn cho đến dùng thân mình làm giường ghế, thân tâm không biết mỏi. Thuở đó theo phụng thờ vị tiên nhơn trải qua một nghìn năm, vì trọng pháp nên siêng năng cung cấp hầu hạ cho tiên nhơn không thiếu thốn. Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
*
Ta nhớ kiếp quá khứ
Vì cầu pháp Đại-thừa
Dầu làm vị Quốc vương
Chẳng ham vui ngũ dục
Đánh chuông rao bốn phương
Ai có pháp Đại-thừa
Nếu vì ta giải nói
Thân sẽ làm tôi tớ.
Giờ có tiên Trường-Thọ
Đến thưa cùng Đại-vương
Ta có pháp nhiệm mầu
Trong đời ít có được
Nếu có thể tu hành
Ta sẽ vì ông nói.
Khi vua nghe tiên nói
Sanh lòng rất vui đẹp
Liền đi theo tiên nhơn
Cung cấp đồ cần dùng
Lượm củi và rau trái
Theo lời cung kính dâng
Lòng ham pháp Đại-thừa
Thân tâm không lười mỏi,
Khắp vì các chúng sanh
Siêng cầu pháp mầu lớn
Cũng không vì thân mình
Cùng với vui ngũ dục
Nên dầu làm vua lớn
Siêng cầu được pháp này
Do đó được thành Phật
Nay vẫn vì ông nói.
Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: “Thuở ấy, vua đó thời chính thân ta, còn tiên nhơn đó nay chính là ông Đề-Bà-Đạt-Đa. Do nhờ ông thiện-tri-thức Đề-Bà-Đạt-Đa làm cho ta đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, từ-bi hỷ-xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp, thân sắc vàng tía, mười trí lực, bốn món vô-sở-úy, bốn món nhiếp pháp, mười tám món bất cộng, thần thông đạo lực, thành bậc chánh đẳng chánh-giác rộng độ chúng sanh, tất cả công đức đó đều là nhân thiện-tri thức Đề-Bà-Đạt-Đa cả.
*
Phật bảo hàng tứ chúng: “Qua vô lượng kiếp về sau, ông Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ được thành Phật hiệu là Thiên Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chính biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế Tôn. Cõi nước đó tên là Thiên-Đạo, lúc Thiên-Vương Phật trụ ở đời hai mươi trung kiếp, rộng vì các chúng sanh mà nói pháp mầu, hằng-hà-sa chúng sanh được quả A-la-hán, vô lượng chúng sanh phát tâm Duyên-giác, hằng-hà-sa chúng sanh phát tâm vô thượng đạo, được vô-sanh-nhẫn đến bậc Bất-thối chuyển.
Sau khi đức Thiên-Vương Phật nhập Niết-bàn, chánh-pháp trụ lại đời hai mươi trung kiếp, toàn thân xá-lợi dựng tháp bằng bảy báu, cao sáu mươi do tuần. Các hàng trời nhân dân đều đem hoa đẹp, hương bột, hương xoa, hương đốt, y phục, chuỗi ngọc, tràng phan, lọng báu, kỹ nhạc, ca tụng để lễ lạy cúng dường tháp đẹp bằng bảy báu đó. Vô lượng chúng sanh được quả A-la hán, vô lượng chúng sanh ngộ Bích-chi Phật, bất-khả tư-nghì chúng sanh phát tâm Bồ-đề đến bậc Bất thối-chuyển”.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện-nam, người thiện-nữ nghe kinh Diệu-Pháp Liên-hoa phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa; sanh lòng trong sạch kính tin chẳng sanh nghi lầm, thời chẳng đọa địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh; được sinh ở trước các đức Phật trong mười phương, chỗ người đó sanh ra thường được nghe kinh này. Nếu sanh vào cõi nhân thiên thời hưởng sự vui thắng diệu; nếu sanh ở trước Phật thờì từ hoa sen hóa sanh”.
*
Bấy giờ, ở hạ phương vị Bồ-Tát theo hầu đức Đa-Bảo Như-Lai tên là Trí Tích bạch với đức Đa-Bảo-Phật nên trở về bổn quốc. Đức Thích -Ca Mâu-Ni Phật bảo Trí-Tích rằng: “Thiện-nam-tử! Chờ giây lát, cõi đây có Bồ-Tát tên Văn-Thù-Sư-Lợi có thể cùng ra mắt nhau luận nói pháp mầu rồi sẽ về bổn độ”.
Lúc đó, ngài Văn-Thù-Sư-Lợi ngồi hoa sen nghìn cánh lớn như bánh xe; các vị Bồ-Tát cùng theo cũng ngồi hoa sen báu, từ nơi cung rồng Ta-Kiệt-La trong biển lớn tự nhiên vọt lên trụ trong hư không, đến núi Linh-Thứu; từ trên hoa sen bước xuống đến chỗ Phật, làm lễ xong, qua chỗ Trí-Tích cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi một phía. Ngài Trí-Tích Bồ-Tát hỏi ngài Văn Thù-Sư-Lợi rằng: “Ngài qua cung rồng hóa độ chúng sanh số được bao nhiêu?”
*
Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi nói: “Số đó vô lượng không thể tính kể, chẳng phải miệng nói được, chẳng phải tâm lường được; chờ chừng giây lát sẽ tự chứng biết”. Ngài Văn-Thù nói chưa dứt lời, liền có vô số Bồ-Tát ngồi hoa sen báu từ biển vọt lên đến núi Linh-Thứu trụ giữa hư không. Các vị Bồ-Tát này đều là của ngài Văn-Thù-Sư-Lợi hóa độ, đủ hạnh Bồ-Tát đều chung luận nói sáu pháp Ba-la-mật. Những vị mà trước kia là Thanh-văn ở giữa hư không nói hạnh Thanh-văn nay đều tu-hành “nghĩa không” của Đại-thừa.
Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi nói với ngài Trí Tích rằng: “Tôi giáo hóa ở nơi biển việc đó như thế”. Lúc ấy, ngài Trí-Tích Bồ-Tát nói kệ khen rằng:
Đại trí đức mạnh mẽ
Hóa độ vô lượng chúng
Nay trong hội lớn này
Và tôi đều đã thấy
Diễn nói nghĩa thật tướng
Mở bày pháp nhứt thừa
Rộng độ các chúng sanh
Khiến mau thành Bồ đề.
*
Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi nói: “Ta ở biển chỉ thường tuyên nói kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa”. Ngài Trí-Tích hỏi ngài Văn-Thù-Sư Lợi rằng: “Kinh này rất sâu vi diệu là báu trong các kinh, trong đời rất ít có vậy có chúng sanh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này mau được thành Phật chăng?
Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi nói: Có con gái của vua rồng Ta-Kiệt-La mới tám tuổi mà căn tính lanh lẹ, có trí huệ; khéo biết các căn tính hành nghiệp của chúng sanh, được pháp tổng-trì; các tạng pháp kín rất sâu của các Phật nói đều có thể thọ trì, sâu vào thiền định, rõ thấu các pháp. Trong khoảnh sát-na phát tâm Bồ-đề được bậc Bất-thối-chuyển, biện tài vô ngại; thương nhớ chúng sanh như con đỏ, công đức đầy đủ; lòng nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi nhân đức khiêm nhường, ý chí hòa nhã, nàng ấy có thể đến Bồ-đề”.
*
Trí-Tích Bồ-Tát nói rằng: “Tôi thấy đức Thích-Ca Như-Lai ở trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo Bồ-đề chưa từng có lúc thôi dứt: Ta xem trong cõi tam-thiên đại-thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hạt cải, mà không phải là chỗ của Bồ-Tát bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới được thành đạo Bồ-đề; chẳng tin Long-Nữ đó ở trong khoảng giây lát chứng thành bậc Chánh-giác”.
Nói luận chưa xong, lúc đó con gái của Long-vương bỗng hiện ra nơi trước đầu mặt lễ kính Phật rồi đứng một phía nói kệ khen rằng:
Thấu rõ tướng tội phước
Khắp soi cả mười phương
Pháp thân tịnh vi diệu
Đủ ba mươi hai tướng
Dùng tám mươi món tốt
Để trang nghiêm pháp thân
Trời, người đều kính ngưỡng
Long thần thảy cung kính
Tất cả loài chúng sanh
Không ai chẳng tôn phụng
Lại nghe thành Bồ-đề
Chỉ Phật nên chứng biết
Tôi nói pháp Đại-thừa
Độ thoát khổ chúng sanh.
*
Bấy giờ, ngài Xá-Lợi-Phất nói với Long-Nữ rằng: “Ngươi nói không bao lâu chứng được đạo vô thượng, việc đó khó tin. Vì sao? Vì thân gái nhơ uế chẳng phải là pháp khí, thế nào có thể được thành vô-thượng chánh-giác? Đạo Phật xa rộng phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ chứa nhóm công hạnh, tu đủ các độ, vậy sau mới thành được.
Lại thân gái còn có năm điều chướng: Một, chẳng được làm Phạm-thiên-vương; hai, chẳng được làm Đế-Thích; ba, chẳng được làm Ma-vương; bốn, chẳng được làm Chuyển-luân thánh-vương; năm, chẳng được làm Phật. Thế nào thân gái được mau thành Phật?”
Lúc đó, Long-Nữ có một hột châu báu, giá trị bằng cõi tam-thiên đại-thiên đem dâng đức Phật. Phật liền nhận lấy. Long-nữ nói với Trí-Tích Bồ-Tát cùng tôn giả Xá-Lợi-Phất rằng: “Tôi hiến châu báu, đức Thế-Tôn nạp thọ, việc đó có mau chăng?”
– Đáp: “Rất mau”.
– Long-Nữ nói: “Lấy sức thần của các ông xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó”.
*
Đang lúc đó cả chúng hội đều thấy Long-Nữ thoạt nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ-Tát; Liền qua cõi Vô Cấu ở phương Nam, ngồi tòa sen báu thành bậc Đẳng-chánh-giác; Đủ ba mươi hai tướng, tám mươi món đẹp; khắp vì tất cả chúng sanh trong mười phương mà diễn nói pháp mầu.
Khi ấy trong cõi Ta-bà hàng Bồ-Tát, Thanh-văn, trời, rồng, bát-bộ, nhơn cùng phi-nhơn đều xa thấy Long-Nữ kia thành Phật khắp vì hàng nhơn, thiên trong hội đó mà nói pháp, sanh lòng vui mừng đều xa kính lạy; Vô lượng chúng sanh nghe pháp tỏ ngộ được bậc Bất thối-chuyển; Vô lượng chúng sanh được lãnh lời thọ ký thành Phật. Cõi Vô Cấu sáu điệu vang động, cõi Ta-bà ba nghìn chúng sanh phát lòng Bồ-đề mà được lãnh lời thọ ký. Trí-Tích Bồ-Tát và ngài Xá-Lợi-Phất tất cả trong chúng hội yên lặng mà tin nhận đó.
(Đề Bà Đạt Đa Tôn giả – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)
Tuệ Tâm 2021.