Dâng Hoa cúng dường Phật có ý nghĩa gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Dâng Hoa cúng dường Phật có ý nghĩa gì

Nếu bạn thường dâng hoa cúng dường Phật thì chiêu cảm hai loại phước báo:

  1. Hiện báo thần sắc luôn tươi tắn rạng rỡ, ai gặp cũng sanh tâm yêu mến.
  2. Hậu báo được hưởng phước sanh lên cõi trời Hương Lạc.

Còn như biết hồi hướng công đức dâng hoa cúng Phật của mình cho pháp giới chúng sanh, thì phước đức vô lượng vô biên, không thể tính đếm thế nào cho được.

Tuy thế, dâng hoa cúng dường Phật cũng cần phải nắm được những phép tắc căn bản, để không phạm phải cái lỗi khinh nhờn. Thế gian ít người biết cách dâng hoa cúng Phật, nên phước lắm mà tội cũng nhiều, thật vô cùng đáng tiếc. Ví như hoa có hương thơm, nếu để cúng dường Phật, bạn chớ ngửi hương trên hoa ấy; nếu hoa dính bụi, chỉ nên lấy nước sạch rửa, chớ lấy miệng thổi bụi, họa hại vô cùng. Lại hoa cúng Phật nếu biết cách chú nguyện đúng pháp thì có thể dùng để chữa nhiều loại bệnh khổ của thế gian. 

*

Vì thế Kinh Dạ Vấn nói: “Vật dụng cúng dường trang nghiêm, dùng miệng thổi đi bụi đất, thì đọa vào địa ngục Ưu bát la, gần thì chịu quả báo làm Thần Vương của gió”. Kinh Yếu Dụng cũng dạy: “Lỗ mũi ngửi mùi hương, bởi vì làm giảm mùi hương cho nên không có phước đức gì; chánh báo rơi vào địa ngục Ba Đầu Ma, đời vị lai tỷ căn không có hương vị”. 

Còn theo kinh Cúng Dường thì: “Lúc cúng dường hương thơm mà miệng không khép lại, sẽ rơi vào địa ngục Hắc Phẫn Niệu, hết nửa kiếp nhận chịu tội lỗi ấy là báo ứng không có niềm tin phước huệ.”

  • Tỉa chân nhang& lau dọn bàn thờ như thế nào là đúng.
  • Cách cúng đầu năm mới.
  • Sự thật về Hạn Tam Tai.
  • Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
  • Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
  • Trùng Tang, là thật hay cú lừa xuyên thế kỷ.
  • Tiêu Tai cát tường Thần chú – Khai ngộ cho người mê cúng sao giải hạn.
Dâng Hoa cúng dường Phật có ý nghĩa gì
Dâng hoa cúng dường Phật có ý nghĩa gì

Đức Phật dạy về ý nghĩa dâng Hoa cúng Phật

Theo kinh Phật thuyết Hoa Tụ Đà La Ni, Đức Phật dạy: “Nếu lại có người vào sau khi Như lai diệt độ, đi trên đường vắng vẻ trông thấy tháp miếu thờ phụng Như lai; nếu có thể mang một đóa hoa, một ngọn đèn, hoặc một nắm bùn xoa trước hình tượng, lấy đó làm vật cúng dường; thậm chí có thể cầm một đồng tiền bố thí cho tượng Phật, để sửa chữa lúc hư hoại; hoặc lấy một vốc nước dùng để vẩy nơi tháp Phật trừ khử bất tịnh, dùng hương hoa cúng dường; hoặc xưng niệm một tiếng Nam Mô Phật…Muốn khiến cho người này rơi vào đường ác, thì trăm ngàn vạn kiếp rốt cuộc không có điều này xảy ra”.

Kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu có chúng sinh mang hương hoa trên tháp Phật, mạng chung sinh đến cõi Trời Hương Lạc; cùng với các Thiên nữ thường vui vẻ chơi đùa bên nhau; từ cõi Trời mạng chung được thọ nhận thân người, sanh trong gia đình giàu có cao quý”.

Còn trong kinh A-xà-thế Vương nói: “Vô lượng kiếp quá khứ có đức Phật danh hiệu Nhất Thiết Độ, cùng với quyến thuộc đi khất thực. Có ba người con của Trưởng giả áo quần nghiêm trang chơi đùa với nhau. Họ trông thấy đức Phật và các vị Bồ -tát sáng ngời uy nghiêm; liền bảo nhau cùng cúng dường.

*

Hai đứa nhỏ nói: Không có hương hoa thì nên dùng vật gì?

Đứa lớn nhất cởi vòng ngọc trắng trên cổ rồi bảo hai đứa nhỏ: Chúng ta dùng vật quý này để cúng dường đức Phật.

Hai đứa trẻ nghe lời, cùng cởi vòng ngọc trắng đến nơi đức Phật. Đứa lớn lại hỏi hai đứa nhỏ: Công đức này các em cầu mong điều gì?

Một đứa nói: Nguyện được như vị Tỳ-kheo phía bên phải đức Phật.

Đứa còn lại bảo: Nguyện được như vị Tỳ-kheo thần túc phía bên trái đức Phật.

Chúng lại hỏi: Còn anh có nguyện ước gì?

Đứa lớn đáp: Anh muốn giống như đức Phật.

Khi ấy tám ngàn vị chư thiên đều tán thán: Tốt lành thay, tốt lành thay! Nếu được như lời nguyện thì trên Trời dưới đất, tất cả đều được nhờ ân huệ.

Lúc ấy ba đứa trẻ dùng ngọc trắng cúng dường đức Phật. Hai đứa bé phát tâm Thanh văn, thì ngọc nằm trên vai đức Phật. Đứa lớn nhất phát tâm Bồ-đề, thì ngọc ở trên đỉnh đầu đức Phật, hóa làm bức rèm ngọc kết hoa sáng ngời, trong đó có đức Phật.

Đức Phật bảo với Xá-lợi-phất: “Đứa trẻ lớn nhất lúc ấy chính là thân Ta bây giờ; đứa trẻ phía bên phải lúc ấy chính là Xá-lợi-phất bây giờ; đứa trẻ phía bên trái lúc ấy chính là Mục-kiền-liên bây giờ. Bởi vì các ông vốn sợ sanh tử, cho nên không phát tâm Bồ-đề, chỉ mong mau đến Niết-bàn. Quán xét đứa trẻ lớn nhất  phát tâm A nậu Bồ-đề cho nên thành Phật”.

*

Theo kinh Thái Hoa Thọ Quyết: “Lúc ấy có Quốc vương La Duyệt. Có hơn mười người thường xuyên hái các loại hoa đẹp để cung cấp cho Vương gia. Quý nhân trong hậu cung một hôm ra ngoài thành hái hoa, gặp được đức Phật nên phát tâm cúi đầu làm lễ, tự nghĩ rằng: Thà bỏ thân mạng lấy hoa dâng lên đức Phật và rải trên Thánh chúng; cho dù gặp phải tai họa cũng không rơi vào đau khổ. Bèn lấy hoa rải trên đức Phật và Thánh chúng rồi quy mạng nhất tâm lễ lạy.

Đức Phật biết rõ tâm niệm ấy, liền từ bi thuyết pháp cho nghe. Những người hái hoa nghe Pháp đều phát tâm đạo. Đức Phật liền thọ ký cho họ sau này sẽ được thành Phật, danh hiệu là Diệu Hoa. Lúc ấy người hái hoa quay về nhà từ biệt cha mẹ, bảo rằng: Nay con xin từ tạ vì nay mai sẽ bị nhà vua giết hại. Cha mẹ ngạc nhiên hỏi vì tội lỗi gì? Người ấy bảo vì không có hoa dâng lên nhà vua thì ắt phải chịu tội. Cha mẹ nghe xong lo lắng mở giỏ nhìn thì thấy hoa đẹp đầy trong giỏ; mùi thơm sực nức khắp nơi liền bảo: Sao không đem hoa này dâng lên cho vua?

*

Người ấy liền mang hoa đến cung. Tuy thấy vua giận dữ vì đến trễ nhưng vẫn điềm nhiên không sợ trách phạt. Nhà vua cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi: Các người phạm tội nặng, tại sao không sợ hãi? Người ấy thưa: Con người sinh ra thì có chết đi; vạn vật thành tựu thì có hủy hoại, không đều phi pháp thì không tiếc thân mạng. Sáng nay đi hái hoa tôi gặp đức Phật nên dùng hoa dâng cúng. Tuy biết làm trái lệnh vua thì tội phải chết. Nhưng thà rằng vì có đức mà chết, chứ không vì vô đức mà sống. Khi tôi trở về tự nhiên trong giỏ lại đầy hoa như cũ nên mang đến cho Vua. Tất cả đều là nhờ ân đức của đức Phật che chở!

Nhà vua nghe chuyện ngạc nhiên, nhưng không tin, bèn đến nơi đức Phật thưa hỏi. Đức Phật dạy: Thật sự như vậy. Người này chí tâm muốn cứu độ mười phương chúng sinh mà không tiếc gì thân mạng, cho nên lấy các loại hoa để rải cúng dường Phật. Vì thế được thọ ký tương lai thành Phật, danh hiệu là Diệu Hoa. Nhà vua vô cùng hoan hỷ liền sám hối sai lầm của mình. Đức Phật dạy: Tốt lành thay! Người có năng lực tự sửa đổi mình thì giống như không có lỗi lầm gì”.

*

Theo Kinh Bách Duyên: “Đức Phật an trú trong Tinh xá Kỳ-hoàn thuộc vườn Kỳ thọ cấp cô độc, nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn cùng các Tỳ-kheo, khoác y ôm bát, theo thứ tự đi khất thực. Đến trong một ngõ xóm, gặp người phụ nữ ôm một đứa trẻ ngồi bên vệ đường. Đứa trẻ kia trông thấy Đức Thế tôn thì tâm tư rất hoan hỷ, liền xin mẹ mua cho một đóa hoa. Đứa trẻ mang đến nơi đức Phật tung hoa lên cúng dường. Đóa hoa chợt biến thành tán hoa, che mát cho đức Phật.

Đứa trẻ trông thấy cảnh ấy thì vô cùng hoan hỷ; rồi phát thệ nguyện dùng công đức cúng dường này, khiến cho đời sau được thành tựu chánh giác, hóa độ chúng sinh giống như đức Phật không khác. Thế tôn thấy đứa trẻ phát nguyện như vậy liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Ngài phát ra ánh sáng năm màu, vòng quanh đức Phật ba vòng rồi trở lại đỉnh đầu.

Ngài A nan hỏi: Như Lai tôn quý không vô cớ mỉm cười. Vì nhân duyên gì hôm nay Đức Thế tôn mỉm cười?

Đức Phật bảo: Ta thấy đứa trẻ dùng hoa cúng dường, nguyện cầu mình ở đời vị lai thành chánh giác. Đứa bé ấy trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp thành vị Bích-chi-Phật; hiệu là Hoa Thạch, hóa độ nhiều chúng sinh không thể hạn lượng. Vì thế nên ta mỉm cười.”

*

Cũng theo kinh Bách Duyên: “Đức Phật an trú trong Tinh xá Kỳ-hoàn thuộc khu vườn Kỳ thọ Cấp cô độc ở nước Xá-vệ. Bấy giờ hào phú Trưởng giả trong thành cùng nhau tụ tập đến trước dòng suối. Họ đàn ca xướng hát, tổ chức lễ hội Hoa Man cho nước Ba-la-nại. Họ cử một người đi đến khu rừng hái hoa Ba-la-nại. Người hái hoa giữa đường lúc trở về thì gặp Đức Thế Tôn. Nhìn thấy Phật tướng tốt sáng ngời, ông ta hoan hỷ lạy Phật; lấy hoa đã hái tung lên đức Phật mà đi.

Lễ Phật xong, ông trèo lên cây hái hoa thì cành gẫy, bị chết;  mạng chung sanh lên cõi Trời Đao lợi, đoan chánh xinh đẹp vô cùng, cung điện được làm từ hoa Ba-la-nại. Đế Thích thấy vậy hỏi rằng: Người ở nơi nào, tu đạo phước nghiệp gì mà sanh đến đây? Thiên tử kể nhân duyên cho Đế Thích.  Đế Thích dùng kệ khen ngợi rằng:

Thân hình màu sắc như vàng ròng,

Chiếu rọi sáng ngời đẹp biết bao

Dung nhan tướng mạo thật đoan chánh,

Thù thắng nhất giữa những người Trời.

*

Lúc ấy Thiên tử liền nói kệ trả lời Đế Thích rằng:

Tôi được nhờ ân đứa của Phật

Dùng hoa Ba-la-nại cúng dường

Nhờ vào nhân duyên tốt lành này

Hôm nay được quả báo như vậy.

Bấy giờ Thiên tử bèn cùng với Đế Thích đi đến nơi đức Phật. Đức Phật vì họ thuyết pháp làm cho tâm ý thấu hiểu thông suốt; phá trừ hai mươi ức nghiệp chướng tà kiến, đạt đến quả vị Tu-đà-hoàn. Họ vui mừng liền ở trước đức Phật nói kệ ca ngợi rằng: 

Đức Thế tôn uy nghiêm sừng sững,

Tuyệt vời nhất không có ai bằng

Cha mẹ và thầy dạy cao sâu,

Công đức không có ai sánh kịp

Cạn hết nước trong bốn biển lớn,

Vượt lên núi xương trắng cao ngất

Đóng chặt cánh cửa ba đường ác,

Luôn luôn mở thông lối vào ba thiện”.

Cách chú nguyện Hoa cúng dường Phật để trị bệnh

Theo kinh Văn-thù Vấn: “Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi thưa với đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Các loại hoa cúng dường lại còn dùng để chữa trị căn bệnh, phương pháp ấy thế nào? Đức Phật bảo với Văn-thù: Hoa chú nguyện 108 biến khác nhau.

1. Hoa cúng dường Phật, tụng chú rằng:

Nam mô Phật-thát-tả-trị-sa-ha

2. Hoa cúng dường Bát nhã Ba-la-mật, chú rằng:

Na-mạt-kha-lô-lữ-Bát-nhã Ba-la-mật đa-thương-sa-ha.

3. Hoa cúng dường chân Phật, chú rằng:

Na-mạc-ba-đà-chế-điểm-đam-diên-sa-ha.

4. Hoa cúng dường cây Bồ-đề chú rằng:

Nam mô Bồ-đề bức-lực-khám-lam-sa-ha

5. Hoa cúng dường nơi chuyển pháp luân, chú rằng:

Nam mô đạt-ma-chước-kha-la-dạ-sa-ha.

6. Hoa cúng dường tháp, chú rằng.

Na-mạc-du-bạt-da-sa-ha.

7. Hoa cúng dường Bồ-tát, chú rằng:

Nam mô Bồ-đề tát-đỏa-dã-sa-ha.

8. Hoa cúng dường chúng Tăng, chú rằng:

Na mạc Tăng già-dã-sa-ha.

9. Hoa cúng dường hình tượng Phật, chú rằng:

Na-mạc-ba-la-để-da-sa-ha.

*

Đức Phật bảo với Văn-thù-sư-lợi: Dùng hoa này, nếu như bốn chúng luôn luôn tin tưởng tu hành, thì nên vào lúc sáng sớm tắm gội súc miệng sạch sẽ niệm công đức của Phật, cung kính hoa này không dùng chân giẫm đạp và bước qua trên hoa, như pháp cầm lấy đặt vào sạch sẽ.

Nếu người mắc bệnh sốt rét-sốt nóng-trán đau, đều lấy nước lạnh mài vụn hoa dùng để xoa trên thân thể.

Nếu bị kiết lỵ đi ra máu, hoặc trong bụng đau đớn khó chịu, lấy nước uống mài vụn hoa, nên chịu khó uống hoa này.

Nếu miệng có lở loét thì lấy nước ấm mài vụn hoa ngậm, chất lỏng hoa này.

Nếu Trời mưa không dứt, ở nơi trống trải lấy lửa đốt hoa, khiến cho mưa lập tức ngưng lại. Nếu Trời hạn hán thì ở nơi vắng vẻ, lấy hoa bỏ vào trong nước, lại chú nguyện nước lạnh tiếp tục vẩy lên trên hoa, Trời sẽ tuôn mưa.

Nếu các loại trâu ngựa, bản tánh không thuần phục thì lấy hoa cho ăn, sẽ dễ dàng điều phục.

Nếu các loại cây ăn quả hoa trái không sum sê, lấy nước lạnh và phân trâu mài vụn đem trộn lẫn với chất lỏng của hoa để tưới vào gốc cây, không được chà đạp thì hoa trái sẽ nhiều.

Nếu trong ruộng nhiều nước làm cho mầm mạ hư hại, giã hoa cho vạn để rải vào trong ruộng, thì được sinh trưởng tốt tươi.

*

Nếu trong quốc gia có tật bệnh nguy hại thì lấy nước lạnh mài vụn hoa, xoa lên các loại trống kèn, đánh thổi pháp ra tiếng vang, người nghe thấy sẽ khỏi bệnh.

Nếu quốc gia đối địch-giặc thù muốn đến xâm lấn lãnh thổ, lấy nước mài vụn hoa đem đến nơi ấy, dùng để vẩy ra khắp nơi thì nhất định sẽ rút lui.

Nếu ở các núi cao có tảng đá lớn, rất nhiều Tỳ- kheo ở trên đá mài vụn hoa, mài hoa đã xong cùng nhau lễ lạy, lâu sau trên đá tự nhiên sinh ra châu báu…

Đức Phật bảo với Văn-thù: Mỗi một câu chú tụng đủ một trăm lẻ tám biến, chương cú thần chú này ông hướng đến mọi nơi nên giải thích như pháp dùng hoa cúng dường Phật, hoa cúng dường nơi khác cũng như vậy”.

Công đức dâng hoa cúng dường Phật

Theo Kinh Bách Duyên: “Xưa thời Phật còn tại thế, trong thành Ca-tỳ-la vệ có một Trưởng giả, nhà đó rất giàu có, tiền của châu báu vô lượng, không thể tính kể được, sanh ra một bé trai, dung mạo đoan chánh ít có ở thế gian, các lỗ chân lông nơi thân thể phát ra mùi hương Chiên Đàn, từ miệng cậu bé tỏa ra mùi hương của hoa Ưu Bát. Cha mẹ thấy con mà hoan hỷ vô lượng, nhân đó đặt tên cho con là Chiên Đàn Hương. Tuổi dần lớn lên, cầu Phật xuất gia đạt được quả vị A-la-hán.

Tỳ-kheo thấy rồi bèn thưa với đức Phật rằng: Chiên Đàn Hương này, đời trước gieo trồng phước thiện gì mà sanh trong dòng dõi tôn quý, thân miệng tỏa ra mùi hương, lại được gặp Đức Thế tôn xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo với Tỳ-kheo: Trong chín mươi mốt kiếp quá khứ trước kia, sau khi đức Phật Tỳ-bà- thi nhập Niết-bàn, lúc ấy có vị vua tên gọi Bàn đầu Mạt đế, thâu nhận Xá-lợi-phất của Phật xây dựng tòa tháp bằng bốn thứ báu, cao một do tuần mà thường xuyên cúng dường. Lúc ấy có vị Trưởng giả đi vào trong tháp Phật, thấy đất rơi rụng hư hoại bèn nhào bùn đất xoa lên sửa sang lại, dùng hương chiên đàn vẩy lên trên tháp, phát nguyện rồi mà đi.

Nhờ công đức này, từ lúc ấy đến nay trải qua chín mươi mốt kiếp, không rơi vào đường ác, sanh trong loài người hay trên cõi Trời thân-miệng thường tỏa mùi hương, hưởng phước vui sướng, cho đến bây giờ mới gặp được ta nên cầu xin xuất gia đạt được đạo quả”.

*

Theo Luận Đại Trang nghiêm, Đức Phật dạy: Xưa Ta từng nghe, thời đức Phật Ca-diếp có một Pháp sư thuyết pháp cho mọi người, ở giữa đại chúng ca ngợi đức Phật Ca-diếp, nhờ duyên này cho nên mạng chung sanh lên lõi Trời người thường được vui sướng.

Vào một trăm năm sau khi đức Thích Ca văn Phật nhận Niết-bàn, lúc A du ca Vương, làm Đại Pháp Sư, đạt được quả vị A-la-hán, thường có mùi hương kỳ lạ tỏa ra từ miệng mình. Lúc ấy vị Đại Pháp sư cách nhà vua không xa đang thuyết pháp cho mọi người, mùi hương trong miệng lan tỏa đến nơi nhà vua. Nhà vua ngửi thấy mùi hương trong tâm sinh ra nghi hoặc, liền tự nghĩ: Tỳ-kheo ấy ngậm hương trong miệng hay sao?

Nghĩ rồi nói với Tỳ-kheo: Ngài ngậm hương gì trong miệng chăng?

Tỳ-kheo bảo: Không có.

Vua bảo: Ngài có thể cho ta biết tại sao không?

Tỳ-kheo mỉm cười, liền nói kệ rằng:

Trên Trời dưới đất vẫn tự tại,

Nay sẽ nói rõ cho người biết

Đây không phải là hương trầm thủy,

Lại không phải hoa lá thân cành

Các loại hương chiên đàn-huân lục,

Hoà hợp có thể sinh ra được,

Ta sinh tâm vô cùng hy hữu,

Mà dấy lên nói lời như vậy,

Nhờ xưa ca ngợi Phật Ca-diếp,

Đã có được mùi hương như vậy

Thời đức Phật ấy đã có rồi,

Cùng với mùi hương mới không khác

Ngày đêm luôn luôn có mùi hương,

Chưa hề có lúc nào đoạn tuyệt”.

( Dâng hoa cúng Phật có ý nghĩa gì – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật giáo Q.1 hội thu hơn 426 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

35 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog