Đại Thế Chí Bồ Tát – Ngài là ai
Pháp Giới 5 tháng trước

Đại Thế Chí Bồ Tát – Ngài là ai

Đại Thế Chí Bồ Tát là một trong Tây Phương Tam Thánh. Ngài cùng với đức Quán Thế Âm Bồ Tát hộ trì đức Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật sanh về Thế giới Cực Lạc. Theo kinh dạy thì thần lực của Ngài luôn ở trong cảnh giới bất khả tư nghì: “Mỗi khi Ngài đặt chân xuống liền chấn động tam thiên đại thiên thế giới và cung điện ma. Ngay trong lúc cõi đất rung động có năm trăm ức hoa báu, mỗi một hoa báu trang nghiêm, cao, rạng như Cực Lạc thế giới”

Cũng như đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát duyên rất sâu với chúng sanh nơi cõi Ta bà này. Ngài từng vô số lần dùng hóa thân để giáo hóa chúng sanh. Tại thế giới này có hai hóa thân nổi tiếng bậc nhất của Ngài: Pháp Nhiên Thượng Nhân và Ấn Quang Đại Sư, theo đó:

Hai Hóa Thân nổi tiếng bậc nhất của Đại Thế Chí Bồ Tát

1. Pháp Nhiên Thượng Nhân là sơ Tổ Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản. Suốt cuộc đời, Ngài hoằng dương Tịnh Độ Pháp môn theo mạch pháp truyền thừa từ Tổ Thiện Đạo. Niệm Phật Tông Yếu và Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật của Ngài thực sự là viên châu như ý dành cho chúng sanh thời mạt.

Có thể khẳng định rằng nếu người niệm Phật y theo pháp của Ngài mà hành trì, không ai không được vãng sanh. Điều kỳ đặc của Niệm Phật Tông Yếu là ở chỗ: Người niệm Phật phá sạch mọi kiến chấp, khiến niệm Phật là cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật. Và trên hết, pháp này khiến niệm Phật trở thành niềm vui rất lạ lùng. Pháp vị này ai nếm người ấy tự cảm, không thể dùng lời nói mà diễn tả được! 

2. Ấn Quang Đại Sư là tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông. Suốt cả cuộc đời Ngài hoằng dương Tịnh Độ, chỉ một mực khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh. Cuộc đời, đạo hạnh của Ngài là nguồn cảm hứng bất tận dành cho những hành giả chuyên tu Tịnh Độ. Bộ Văn Sao của Ngài, với lối hành văn đơn giản nhưng vô cùng kỳ thú, là một trong những cuốn sách gối đầu giường của người niệm Phật.

  • Ấn Quang Đại Sư là hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Kinh Vô Tận Ý Bồ Tát.
  • Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
Đại Thế Chí Bồ Tát – Ngài là ai
Đại Thế Chí Bồ Tát là ai

Thân Tướng của đức Đại Thế Chí Bồ Tát 

Đại Thế Chí Bồ Tát còn gọi là Đắc Đại Thế hiệu là Vô Biên Quang Bồ Tát. Thân lượng của Đại Thế Chí Bồ tát cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, đồng như thân lượng của đức Quan Thế Âm Bồ tát. Viên quang nơi cổ mỗi phía rộng 125 do tuần, chiếu xa 250 do tuần. Ánh sáng của toàn thân màu vàng tử kim chiếu thấu thập phương thế giới, người có duyên liền được thấy.

Chỉ thấy được ánh sáng nơi một lỗ chân lông của Bồ tát, thời liền được thấy quang minh tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở mười phương. Vì thế nên Bồ tát có hiệu là Vô Biên Quang. Bồ tát dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sanh thoát khỏi tam đồ đặng thành vô thượng lực nên lại hiệu là Đại Thế Chí.

Thiên quan của Bồ tát có năm trăm bảo hoa. Mỗi bảo hoa có năm trăm bảo đài. Hình tướng những thế giới tịnh diệu của chư Phật ở mười phương đều hiện rõ bóng trong mỗi bảo đài.

*

Trên đỉnh đầu, nhục kế hình như hoa sen hồng. Trên nhục kế có một chiếc bình báu đầy ánh sáng. Ánh sáng trong bình chiếu ra thành những Phật sự. Ngoài ra những tướng hảo khác đều giống như đức Quan Thế Âm Bồ tát.

Lúc Đại Thế Chí Bồ tát đi thời chấn động cả thập phương thế giới. Chính chỗ đất động đó có năm trăm ức bảo hoa. Mỗi bảo hoa cao đẹp trang nghiêm như Cực Lạc thế giới. Lúc Bồ tát ngồi, toàn cõi Cực Lạc đồng thời lay động.

Từ thế giới của đức Kim Cương Phật ở Hạ phương đến thế giới của đức Quang Minh Vương Phật ở Thượng phương, trong đó vô lượng trần số phân thân của Vô Lượng Thọ Phật, phân thân của Quan Thế Âm cùng của Đại Thế Chí tất cả đều vân tập nơi Cực Lạc thế giới, đông chật cả hư không. Mỗi phân thân đều ngồi tòa sen báu, đồng diễn nói diệu pháp, cứu khổ chúng sanh…

Truyền Thuyết về Đại Thế Chí Bồ Tát 

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Đại Thế Chí Pháp vương tử và Bồ Tát Quán Thế Âm đều là con trai của Đức Phật A Di Đà – khi Đức Phật còn là vị Chuyển luân thánh vương. Khi Đức Phật A Di Đà đã thành tựu quả Phật, hai vị Bồ Tát nầy đến để trợ thủ cho ngài. Hai vị Bồ Tát là hai người bạn đồng hành hằng ngày của Đức Phật A Di Đà, một vị bên trái, một vị bên phải.

Khi Đức Phật A Di Đà nhập diệt, không còn là bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây; trong nửa đêm, giáo pháp sẽ suy tàn; và đến cuối nửa đêm đó, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật tại cõi Cực lạc phương Tây.

Khi Bồ Tát Quán Thế Âm nhập diệt, không làm bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây nữa, thì Bồ Tát Đại Thế Chí sẽ thành Phật cùng một cách như Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài làm giáo chủ cõi Tây  phương  Cực lạc. 

Bồ Tát Đại Thế Chí còn được gọi là Đắc Đại Thế. Ngài rất mạnh, đến mức độ mỗi khi ngài nhấc tay, động chân, hay lắc đầu, thì đất bằng chuyển động. Khi ngài đi, thì đất rung chuyển. “Pháp vương tử”  có nghĩa là  Bồ Tát.”

*

Tiền thân đức Đại Thế Chí Bồ Tát là Vương Tử Ni Ma. Theo Kinh Bi Hoa: “Trong kiếp Thiện Trì, Phật hiệu là Bảo Tạng. Lúc ấy đức Phật A Di Đà có hiệu là Ly Tịnh. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện làm Thái Tử thứ nhất, Đại Thế Chí Bồ Tát thị hiện làm thái tử thứ hai, tên là Ni Ma.

Khi vua cha Vô Tránh Niệm – Tiền thân của Phật A Di Đà Phật – Nghe theo lời khuyên của đại thần Bảo Hải – Tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật – đã đến quy y, nghe pháp với Bảo Tạng Phật, phát tâm Bồ Đề và các đại nguyện. Trưởng tử là vương tử Bất Thuấn – Tiền thân của Quán Thế Âm, vương tử Ni Ma – Tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát và 888 vương tử đã cùng phát Bồ Đề tâm. Cả hai vương tử đều phát nguyện khi thế giới Cực Lạc thành tựu sẽ hộ trì Phật A Di Đà thâu nhiếp chúng sanh niệm Phật ở mười phương thế giới về Cõi Cực Lạc..”

Trong Tam Tạng Kinh Điển, Đại Thế Chí Bồ Tát được nhắc đến nhiều nhất trong hai kinh: Kinh Bi Hoa và Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nơi kinh Bi Hoa là nói đến tiền thân của Ngài lúc còn hành Bồ Tát Đạo. Nơi Kinh Lăng Nghiêm là nơi Ngài cùng 24 vị Thánh lược nói về 25 pháp môn viên thông. Cũng trong kinh này, môn Niệm Phật Viên Thông của Ngài được hậu thế tôn xưng là kim chỉ nam để vào được Niệm Phật Tam Muội. Nay xin trích dẫn cả hai phần kinh này cho bạn cùng rộng đọc.

Đại Thế Chí Bồ Tát được thọ ký trong Kinh Bi Hoa

Bạn hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh để đọc đoạn kinh Bi Hoa. Nơi đoạn trích dẫn này, Mười phương chư Phật đều chứng minh thọ ký cho đức Đại Thế Chí Bồ Tát!

“…Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ hai là Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã làm, vì tất cả chúng sinh mà cầu được trí huệ hiểu biết tất cả, vậy nên hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

Thiện nam tử! Khi ấy, vương tử Ni-ma liền đến trước Phật chắp tay bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay tất cả những phước đức có được do trước đây con đã cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với hết thảy những nghiệp thanh tịnh của thân, miệng và ý mà con đã làm, thảy đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không nguyện được thế giới xấu ác bất tịnh, nguyện cho cõi nước của con, cho đến cây Bồ-đề nơi ấy, thảy đều giống như ở thế giới của Bồ Tát Quán Thế Âm; từ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, cây báu Bồ-đề, cho đến việc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng đều như vậy.

*

Lại nguyện khi đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương vừa thành đạo, con sẽ là người trước hết thỉnh Phật chuyển bánh xe chánh pháp. Con theo Phật ấy mà nghe thuyết pháp, ở nơi cõi ấy tu hành đạo Bồ Tát. Sau khi Phật ấy nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt mất, con sẽ nối tiếp thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi con thành Phật, những Phật sự mà con làm, cùng với mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới, cho đến việc nhập Niết-bàn, việc chánh pháp trụ thế, thảy đều giống như đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương, không có gì khác biệt.’

Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vương tử Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay sở nguyện của ông là nhận lấy thế giới lớn lao; vậy trong đời vị lai ông sẽ được thế giới lớn lao như thế, đúng như sở nguyện.

Thiện nam tử! Trong đời vị lai ông sẽ ở nơi thế giới lớn lao nhất mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai; Ứng cúng. Chánh biến tri. Minh hạnh túc. Thiện thệ Thế gian giải. Vô thượng sĩ. Điều ngự trượng phu. Thiên nhân sư. Phật. Thế Tôn.

Thiện nam tử! Do sở nguyện của ông là được thế giới lớn lao, nên ta đặt tên cho ông là Đắc Đại Thế.’

*

Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con kính lễ Phật, nguyện cho các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương thảy đều chấn động đủ sáu cách; không trung mưa xuống hoa tu-mạn-na; và chư Phật hiện tại trong các thế giới ấy mỗi vị đều vì con thọ ký.’

Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế cúi đầu sát đất lễ Phật. Ngay khi ấy, các cõi thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chấn động đủ sáu cách; trời mưa xuống hoa tu-mạn-na; chư Phật Thế Tôn trong các thế giới ấy thảy đều nói ra lời thọ ký.

Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Đắc Đại Thế thuyết kệ rằng:

Bậc công đức kiên cố,

Nay ông hãy đứng lên!

Cõi đất đã chấn động,

Trời mưa hoa Tu-mạn.

Chư Phật khắp mười phương,

Đã vì ông thọ ký.

Sẽ thành bậc tôn quý,

Đứng đầu trong Ba cõi.

Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ; liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông – Kinh Thủ Lăng Nghiêm

“…Đại Thế Chí Pháp vương tử cùng 52 vị Bồ Tát cùng tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:

Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy có 12 Đức Như Lai kế tục nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, ngài dạy con pháp niệm Phật tam-muội.

Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp; dầu thấy cũng không là thấy.

Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nhau thật sâu trong tâm niệm; như thế cho đến đời nầy sang đời khác, như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau.

Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con trốn tránh, tuy nhớ, nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không cách xa nhau.

Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật, tưởng đến Phật, thì đời nầy, đời sau, nhất định thấy Phật.

Họ đã cách Phật không xa, nên không nhờ vào phương tiện mà được tâm khai ngộ.

Như người xông hương thì thân thể có mùi thơm. Đó gọi là hương quang trang nghiêm.

Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà thể nhập vô sanh nhẫn. Nay con trong cõi nầy, tiếp dẫn những người niệm Phật trở về cõi Tịnh độ.

Đức Phật hỏi về viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục. Đó là phương pháp hay nhất.”

*

( Bồ Tát Đại Thế Chí là ai )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tự lực và tha lực niệm Phật là gì

20 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog