Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ – Liên Tông lục Tổ
Pháp Giới 5 tháng trước

Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ – Liên Tông lục Tổ

Đại sư Vĩnh Minh là Tổ Liên Tông thứ sáu, đời Tống. Đại Sư người Tiền Đường, họ Vương, hiệu Diên Thọ, tự Sung Huyền.

  • Liên Tông Sơ Tổ: Đại sư Huệ Viễn.
  • Liên Tông Nhị Tổ: Đại sư Thiện Đạo
  • Liên Tông Tam Tổ Đại sư Thừa Viễn
  • Liên Tông Tứ Tổ: Đại sư Pháp Chiếu
  • Liên Tông ngũ Tổ: Đại sư Thiếu Khang
  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ – Liên Tông lục Tổ
Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ

Vào thời Ngũ Đại, Sư làm quan giữ kho, lấy tiền của quan quân mua chim cá phóng sanh, nên bị xét xử tử hình. Sắp đến giờ hành hình mà thần sắc của Sư vẫn không biến đổi. Trước tinh thần vô úy của Sư, Ngô Việt Vương rất cảm phục nên phóng thích. Sau đó Sư xuất gia, nương thiền sư Thúy Nham tu học. Kế đến tham chiếu với Thiền Quốc sư.

Đại sư Vĩnh Minh

Sư từng tinh cần miên mật hành Pháp Hoa sám hai mươi mốt ngày. Một hôm mộng thấy đức Bồ Tát Quán Thế Âm dùng cam lồ rưới vào miệng, liền được biện tài vô ngại. Sư đã trước tác Tông cảnh lục, Vạn thiện đồng quy tập … đều nói về tông chỉ Tịnh độ. Năm Kiến Long thứ hai, đời nhà Tống, vua Trung Ý thỉnh Sư trụ trì chùa Vĩnh Minh. Sư lập thời khóa công phu thật miên mật. Ban ngày làm trăm lẻ tám việc, tối đến lên một ngọn núi gần chùa niệm Phật. Tiếng niệm Phật hòa cùng với tiếng nhạc trời trổi trên hư không lúc trầm lúc bổng, mọi người ở đây ai cũng cảm phục.

Sư ở chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ được một ngàn bảy trăm đệ tử xuất gia. Vào Thiên Đài, Sư truyền giới cho hơn vạn người. Thường cùng bảy chúng thọ Bồ-tát giới, chiều tối thí thực cho các loài quỷ thần, và thường mua chim, cá … phóng sanh. Sư hành đạo cả sáu thời, trọn đời đã tụng một vạn ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Ðại Sư lại vì người đương thời còn phân vân giữa Thiền và Tịnh, chưa biết tu môn nào được kết quả chắc chắn, nên làm kệ Tứ Liệu Giản để so sánh sự lợi hại như sau:

Bài kệ Tứ liệu giản của Đại sư Vĩnh Minh

Có Thiền, không Tịnh độ

Mười người, chín người lạc,

Khi ấm cảnh hiện ra

Liền phải đi theo nó.

Không Thiền, có Tịnh độ

Vạn người tu đồng thành,

Thấy được đức Di Đà

Lo gì không khai ngộ.

Có Thiền, có Tịnh độ

Giống như hổ thêm sừng,

Hiện tại làm thầy người

Tương lai làm Phật, Tổ.

Không Thiền, không Tịnh độ

Đời đời nằm giường sắt,

Kiếp kiếp ôm trụ đồng

Chẳng có nơi nương tựa

Sư giảng nói lưu loát, kiến giải tinh thâm tột đỉnh. Những tác phẩm của Sư có giá trị bất hủ, đúng là một bậc học Phật trí đức viên dung, tài hoa trước thuật. Niên hiệu Khai Bảo thứ tám, ngày 26 tháng 2 vào buổi sáng sớm. Ðại Sư lên chánh điện đốt hương lễ Phật. Lễ xong, ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo. Kế Ngài ngồi kiết già trên pháp tòa mà thị tịch, thọ được bảy mươi hai tuổi.

Tổ Liên Tông thứ sáu: Đại sư Vĩnh Minh

Ngài Diên Thọ là người đại biểu cho thời đại hưng thịnh của Thiền Tông. Ngài chủ trương “Phật tổ bất nhị”, “Thiền Giáo nhất thể”. Chiết trung về Pháp Tướng, Tam Luận, Hoa Nghiêm, Thiên Thai, rồi dùng Thiền dung hòa tất cả; Giữ luật thanh tịnh trang nghiêm, trì chú, niệm Phật vui cầu vãng sanh; Nhóm tất cả Phật pháp ở trong một thân, nhưng lấy Nhất thừa của Hoa Nghiêm làm cứu cánh viên diệu. Lấy linh minh diệu tâm của chúng ta làm bổn nguyện vạn pháp, đó là lý luận cao viễn hùng dũng.

Đây là nét đặc sắc riêng biệt của ngài Diên Thọ, về vấn đề tự học bằng phương pháp tổng hợp so sánh tất cả. Về sau các tông có xu hướng dung hợp cũng theo tư tưởng, đường hướng của ngài Diên Thọ. Đại Sư lại soạn ra tập Vạn Thiện Đồng Quy. Trong đó lời lẽ chỉ dạy về Tịnh độ rất thiết yếu, đại lược như sau:

*

Hỏi: Cảnh duy tâm Tịnh độ đầy khắp mười phương, sao không hướng nhập, mà lại khởi lòng thủ xả, cầu về Cực Lạc gởi chất ở đài sen. Như thế đâu hợp với lý vô sanh, và đã có tâm chán uế ưa tịnh thì đâu thành bình đẳng?

Đáp: Sanh duy tâm Tịnh độ là phần của các bậc đã liễu ngộ tự tâm, chứng được pháp thân vô tướng. Tuy nhiên, theo kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới: Những bậc chứng Sơ địa vào Duy tâm độ, cũng nguyện xả thân để mau sanh về Cực Lạc. Thế thì biết ngoài tâm không pháp, cảnh Cực Lạc đâu ngoài Duy Tâm? Còn về Phần “Lý vô sanh mà môn bình đẳng” tuy lý thuyết là như thế. Nhưng kẻ chí lực chưa đủ, trí cạn tâm thô, tập nhiễm nặng; Lại gặp cảnh trần lôi cuốn mạnh mẽ, dễ gì mà chứng nhập được.

Những kẻ ấy cần phải cầu sanh Cực Lạc. Nhờ cảnh duyên thắng diệu ở đó, mới mau chứng vào Tịnh độ duy tâm và thực hành Bồ Tát. Đại sư Vĩnh Minh còn dạy thêm: “Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về chín phẩm có sự cao thấp. Tuy gồm đủ Thượng phẩm và Hạ phẩm nhưng chẳng ra ngoài hai thứ tâm:

1. Định tâm hay định thiện

Định tâm hay định thiện, là những vị tu tập quán pháp thành công, hoặc trì danh hiệu được vào tam muội. Các vị này sẽ sanh về thượng phẩm.

2. Tán tâm hay tán thiện

Tán tâm hay tán thiện, là những người chỉ niệm danh hiệu chưa được vào tam muội, hoặc tu các công đức lành khác trợ giúp, rồi phát nguyện hồi hướng. Hạng người này cũng được dự vào các phẩm thấp hơn. Nhưng cần phải trọn đời quy mạng Tây phương và chuyên cần tu tập. Lúc ngồi nằm thường xoay mặt về Tây phương. Khi niệm Phật, lúc phát nguyện, phải chí thành không xao lãng.

Tâm niệm khẩn thiết ấy ví như kẻ bị gông xiềng tù ngục cầu mau thoát ly; người lâm cảnh lửa cháy, nước trôi, hoặc giặc cướp rượt đuổi mong được thoát khỏi nạn. Lại phải vì sự sống chết, phát lòng Bồ đề, cầu sanh Tây phương, mau thành Thánh đạo để đền đáp bốn ân, nối thạnh Tam Bảo, độ khắp muôn loài. Chí thành như thế, quyết chắc sẽ được kết quả.

Trái lại, nếu lời và hạnh không hợp nhau, sức tín nguyện yếu kém, tâm không chuyên nhất; Sự tu hành không tương tục thì khó hy vọng thành công. Bởi kẻ biếng trễ như thế e khi lâm chung bị nghiệp chướng trở ngăn, chẳng gặp bạn lành; Lại thêm thân thể đau nhức, tâm thức hôn mê, không thành chánh niệm. Vì sao? Bởi hiện tại là nhân, khi lâm chung là quả. Cần phải nhân cho chắc thật, quả mới không hư luống. Như tiếng hòa nhã thì âm vang dịu dàng, hình ngay tất bóng thẳng vậy. Nếu muốn khi sắp chết mười niệm thành công, thì ngay lúc hiện tại phải một lòng chí thiết tinh tấn tu hành, tất không còn điều chi lo ngại.

Đại sư Vĩnh Minh khai thị về tán tâm

Đại khái, chúng sanh bởi tâm chia thiện ác, nên báo có khổ vui. Do nơi ba nghiệp tạo thành, mới khiến sáu đường luân chuyển. Nếu tâm sân hận, tà dâm, đó là nghiệp địa ngục. Tâm tham lam, bỏn sẻn là nghiệp ngạ quỷ. Tâm ngu si, tà kiến là nghiệp súc sanh. Tâm ngã mạn, tự cao là nghiệp A Tu La. Giữ bền Ngũ giới, là nghiệp người. Tiến tu Thập Thiện là nghiệp Trời. Chứng ngộ nhân không, là nghiệp Duyên Giác. Tu trọn Lục độ, là nghiệp Bồ Tát. Chân từ bình đẳng là nghiệp Phật.

Nếu tâm thanh tịnh niệm Phật, thì hóa sanh về Tịnh độ, ở nơi bảo các hương đài. Như ý mê tối đục nhơ, tất gởi chất cõi uế bang, nương cảnh nổng gò hầm hố. Cho nên lìa được tự tâm không còn biệt thể, muốn được quả tịnh, phải trồng nhân mầu. Như tánh nước chảy xuống, tánh lửa bốc lên, lý thế tất nhiên, có chi mà ngờ vực. Đại sư Vĩnh Minh lại vì người đương thời còn phân vân giữa Thiền và Tịnh, chưa biết tu môn nào được kết quả chắc chắn, nên làm bài kệ Tứ Liệu Giản để so sánh sự lợi hại.

Tổ Ấn Quang giảng về bài Tứ liệu giản

Ấn Quang Đại sư nói: “Có Thiền là tận lực tham cứu, niệm bặt tình mất, thấy tột cùng vẻ mặt sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra, minh tâm kiến tánh. Có Tịnh Ðộ là chơn thật phát Bồ Ðề tâm, sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây phương. Nếu như tham Thiền chưa ngộ hoặc ngộ chẳng triệt để thì đều chẳng được gọi là “có thiền”

Nếu niệm Phật mà thiên chấp duy tâm, chẳng có tín nguyện, hoặc có tín nguyện nhưng chẳng chơn thành, thiết tha, chỉ hờ hững, lững lờ, hành qua loa cho có; hoặc hành tuy tinh tấn nhưng tâm mê đắm trần cảnh, hoặc cầu đời sau sẽ sanh trong nhà phú quý, hưởng vui ngũ dục; hoặc cầu sanh lên trời để hưởng vui phước trời; hoặc cầu đời sau xuất gia làm Tăng nghe một ngộ cả ngàn, đắc đại Tổng Trì, hoằng dương pháp đạo, phổ lợi chúng sanh thì đều chẳng đáng gọi la “có Tịnh Ðộ” vậy.

*

Còn bảo kẻ “không Thiền, không Tịnh” là nói đến kẻ vùi đầu tạo nghiệp, chẳng tu thiện pháp thì thật là lầm lẫn lớn. Pháp môn vô lượng nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là thích ứng với các căn cơ nhất. Kẻ nào chưa triệt ngộ mà lại chẳng cầu vãng sanh, cứ loay hoay tu đủ các pháp môn khác thì chẳng những đã không thể giữ cho Định và Huệ được cân bằng hòng đoạn hoặc, chứng chân; Mà lại còn chẳng nương theo Phật lực để đới nghiệp vãng sanh!

Đem công đức tu trì trọn đời mong cảm lấy phước báo trời – người, cậy phước làm ác, sẽ đọa địa ngục; muốn có lại thân người thì thật là khó nhất trong những sự khó vậy! Câu “trọn không ai nương dựa” vẫn chỉ là lời nói còn nhẹ lắm do bị hạn cuộc trong âm vận bài kệ đó thôi! Đại sư Vĩnh Minh sợ đời chẳng hiểu nên đặc biệt viết bài liệu giản này để chỉ dạy đời tương lai. Xin các hành nhân chuyên tâm trì danh, cầu sanh Tây phương thì mới chẳng uổng phí.”

(Đại sư Vĩnh Minh – Theo Tịnh Độ Tập Yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tuyệt Vọng là gì? Đừng bao giờ Tuyệt Vọng!

22 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog