Đại Sư Hành Sách – Liên Tông Thập Tổ
Pháp Giới 11 tháng trước

Đại Sư Hành Sách – Liên Tông Thập Tổ

Đại Sư Hành Sách là Tổ Liên Tông thứ mười. Ngài tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng, Cha ngài là bạn phương ngoại với Ðức Thanh Hòa thượng, tức Hám Sơn Ðại Sư.

Niên hiệu Thiên Khải thứ sáu, sau khi Hám Sơn Ðại Sư thị tịch được ba năm, một đêm Tưởng Toàn Xương nằm mộng thấy ngài Hám Sơn vào nhà mình. Cũng trong đêm ấy, Hành Sách Ðại Sư sanh ra, nên nhân đó ngài lại được cha đặt cho ngoại hiệu là Mộng Hám. Ðến khi khôn lớn, cha mẹ kế tiếp qua đời, ngài cảm sự thế vô thường, có ý niệm thoát tục.

  • Liên Tông Sơ Tổ: Đại sư Huệ Viễn.
  • Liên Tông Nhị Tổ: Đại sư Thiện Đạo.
  • Liên Tông Tam Tổ Đại sư Thừa Viễn.
  • Liên Tông Tứ Tổ: Đại sư Pháp Chiếu.
  • Liên Tông ngũ Tổ: Đại sư Thiếu Khang.
  • Liên Tông Lục Tổ: Đại Sư Vĩnh Minh.
  • Liên Tông Thất Tổ: Đại sư Tỉnh Thường.
Đại Sư Hành Sách – Liên Tông Thập Tổ
Đại Sư Hành Sách

Ðại Sư Hành Sách

Năm hai mươi ba tuổi, ngài thế phát xuất gia với Nhược Am Hòa Thượng ở chùa Lý An. Tu hành tinh tấn không đặt lưng xuống chiếu. Trải năm độ nắng mưa, ngài tỏ suốt nguồn chân, ngộ vào pháp tánh. Sau khi Nhược Am Hòa Thượng thị tịch, Ðại Sư trụ trì chùa Báo Ân. Thời gian này, ngài được bạn đồng tham là Tức Am thiền sư khuyên tu Tịnh Ðộ, lại gặp Tiều Thạch Pháp Sư hướng dẫn duyệt lãm về Thiên Thai Giáo Quán. Kế đó, ngài cùng Tiều Thạch Pháp Sư đồng nhập thất tu môn Pháp Hoa tam muội. Nhân đây, túc huệ của Ðại Sư khai phát, ngộ suốt đến chỗ cốt tủy của Thai giáo.

Niên hiệu Khang Hy thứ hai, ngài cất am ở núi Pháp Hoa, bên bờ sông Tây Khê tại Hàng Châu, chuyên tu Tịnh Ðộ. Nhân đó lại đặt tên chỗ ở của mình là Liên Phụ Am. Ðến năm Khang Hy thứ chín, Ðại Sư trụ trì chùa Phổ Nhân ở Ngư Sơn, đề xướng thành lập Liên Xã. Học giả các nơi hưởng ứng tu tập rất đông. Ngài từng làm bài văn khuyên phát lòng tin chân thật rằng:

Khuyến Văn của  Ðại Sư Hành Sách

“Phần đông người tu tập xưa nay đều ưa thích Niệm Phật tam muội. Tuy nói quả cao để tu tiến, mà kẻ sau ít được thành công. Ấy bởi do tín nguyện không chuyên, nên chẳng thể đồng về cảnh Tịnh. Nay đã họp nhiều liên hữu, cùng nhau tu tập Tịnh nhân, nếu không xét kỹ chỗ phát tâm, đâu biết rõ lối đường thoát khổ.

Ðồng nhơn chúng ta dựa vào pháp hội, lòng tin chí nguyện phải thật, phải chân. Nếu không chân chính, tuy ăn chay niệm Phật, tu phước phóng sanh, chỉ là người lành thế gian, duy hưởng nhơn thiên phước báo. Lúc hưởng phước vui, dễ bề tạo nghiệp. Đã tạo nhiều nghiệp ác, phải đọa khổ luân hồi. Ðiều này dùng chánh nhãn xét xem: Chỉ hơn bọn xiển đề một bước! Nếu lòng tin như thế, đâu được gọi là chân? Vậy chân tín là thế nào?

Thứ nhất phải tin: Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác. Chúng ta là Phật chưa thành, Di Ðà là Phật đã thành. Giác tánh đồng một vẫn không có hai. Ta tuy điên đảo mê lầm, giác tánh chưa từng mất. Ta tuy nhiều kiếp luân chuyển, giác tánh chưa từng động. Nên nói: Khi một niệm hồi quang đồng về nơi bản đắc là như thế.

*

Thứ hai phải tin: Chúng ta là Phật danh tự, Di Ðà là Phật cứu cánh, tánh tuy không khác, ngôi cách vực trời. Nếu không chuyên niệm đức Phật kia, cầu về cõi Tịnh; Tất phải chịu theo nghiệp lưu chuyển, chịu khổ vô cùng! Ðây gọi là pháp thân lưu chuyển sáu nẻo, không được thành Phật, mà vẫn cam phận chúng sanh.

Thứ ba phải tin: Chúng ta dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu nơi cảnh khổ, vẫn là chúng sanh trong tâm của Di Ðà. Di Ðà tuy muôn đức trang nghiêm an vui ở cõi Tịnh, cũng là vị Phật trong tâm của chúng ta. Ðã rõ chân tâm vốn không hai, tất biết cảm ứng tự giao tiếp. Như đá nam châm hút sắt, việc này đâu lựa phải nghi? Ðây gọi: Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền hoặc tương lai, quyết định sẽ thấy Phật, cách Phật chẳng xa vậy.

Ðủ lòng tin chân thật như trên, tuy chút phước điểm lành như hạt bụi mảy lông, đều có thề hồi hướng Tây Phương, trang nghiêm Tịnh Ðộ. Huống nữa trì trai giữ giới, bố thí, phóng sanh, đọc tụng Ðại Thừa; Cúng dường Tam bảo, tu các hạnh lành, há chẳng đủ làm tư lương Tịnh Ðộ ư? Chỉ e lòng tin chẳng chân thành, mới khiến bị chìm nơi hữu lậu. Cho nên trong việc tịnh tu, không chước chi lạ. Muốn công không luống uổng, quả được tròn nên, thì ngày đêm khi hành đạo, không rời điều tin trên mà thôi!”

Ðại Sư Hành Sách Khai Thị Về Nhất Tâm Niệm Phật

Ðại Sư thường tổ chức những kỳ đả thất để khuyến thích đại chúng tinh tấn thêm. Trong các kỳ thất, ngài khai thị đại ý rằng: “Bảy ngày trì danh quí nơi giữ một lòng không loạn, chớ để trần lụy xen vào. Không phải niệm mau, niệm nhiều là hay. Cách trì danh cần không huỡn, không gấp, bền bỉ chắc chắn, khiến cho câu Phật hiệu hiện rành rõ nơi tâm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm mặc áo, nên giữ câu hồng danh liên tục chẳng dứt. Không tán loạn hôn trầm dường như hơi thở ra vào nối tiếp. Trì danh như thế gọi là nhứt tâm tinh tấn về phần Sự.

Nếu thể cứu được sâu vào thì muôn pháp đều như, nguyện không hai tướng. Ðó là chúng sanh cùng Phật, mình cùng người, nhân với quả, y báo với chánh báo, nhơ cùng sạch, khổ cùng vui, ưa với chán, lấy với bỏ, Bồ Ðề cùng phiền não, sanh tử cùng Niết Bàn.. Các pháp ấy đều không hai, đều đồng một tướng, đồng một thể thanh tịnh. Như thế cứ thể cứu một cách thiết thật, không cần phải gắng gượng an bài.

Thể cứu đến lúc cùng cực bỗng nhiên khế hợp với bản tâm. Chừng đó mới biết mặc áo, ăn cơm cũng là tam muội, cười đùa, giận mắng đều việc độ sanh. Khi ấy nhất tâm hay loạn tâm trọn thành hý luận, ngày đêm sáu thời tìm một mảy tướng khác cũng không thể được. Liễu đạt như thế mới chân chánh là người học đạo.

*

Và trì danh như thế, gọi là nhứt tâm tinh tấn về phần Lý. Sự nhứt tâm như trước tợ khó mà dễ. Lý nhứt tâm như sau tợ dễ mà khó. Chỉ nhứt tâm được như trước, quyết chắc dự phần vãng sanh. Nếu kiêm thêm cảnh nhất tâm sau, tất có thể lên ngôi Thượng Phẩm. Nhưng hai thứ nhứt tâm đây, đều là phần việc kẻ bác địa phàm phu, người hữu tâm đạo tục trong Liên Xã đều phải sách tấn thân tâm: gần trong bảy ngày, xa suốt một đời, nếu thường tin và tu như thế thì dù không chứng quả, cũng mạnh nhân sen. Ngày kia gởi chất liên trì tất không thuộc phẩm Trung, Hạ vậy.

Ðại Sư trụ trì chùa Phổ Nhân được mười ba năm. Niên hiệu Khang Hy thứ hai mươi mốt, ngày mùng Chín tháng Bảy, ngài thoát hóa, thọ 55 tuổi. Khi ấy có ông Tôn Hàn bị cấp bịnh tắt hơi, hôm sau bỗng sống lại nói:

“Tôi bị minh ty bắt giam cầm nơi điện Diêm La. Bỗng đâu trong chỗ tối tăm thấy ánh sáng rực trời, hương hoa đầy khắp hư không. Vua Diêm La quỳ mọp xuống đất, đưa một vị Ðại Sư về Tây Phương. Tôi thưa hỏi Ðại Sư nào, được đáp là ngài Triệt Lưu. Nhờ ánh sáng của Ðại Sư chiếu đến, tôi mới được tha trở về”. Ðồng ngày ấy có con nhà họ Ngô chết, qua một đêm sống lại, cũng thuật việc mình nghe thấy y như ông Tôn Hàn

Đạo Sư Hành Sách và Tịnh Độ Cảnh Ngữ

Trong tập Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Đại Sư khai thị:

Đại Sư Hành Sách khai thị 1.

“Ngày nay, những người tu học Tịnh nghiệp, suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện mà Tây phương đối với họ vẫn còn xa, không bảo đảm là mình được vãng sanh. Vì sao? Vì gốc ái chưa nhổ, còn bị dây tình buộc ràng. Nếu xem sự ái ân của thế giới Sa Bà này đồng như nhai sáp, thì dù trong lúc bận rộn hay rảnh rang, động hay tịnh, khổ hay vui… đều nương vào câu Phật hiệu vững như núi Tu di, tất cả cảnh duyên không thể làm lay động;

Hoặc khi cảm thấy mệt mỏi biếng nhác, tập khí hiện khởi, liền dùng kiếm tuệ thiên trường chém đứt ngay trong một niệm. Khiến cho tất cả quân ma phiền não tan tác trốn chạy, không còn chỗ dung thân; Như ngọn lửa dữ thiêu sạch hết thảy tình thức vô thỉ, thì người như vậy, tuy ở trong cõi ác năm trược, nhưng đã vận thân ngồi trong đài Liên Hoa của cõi Tịnh độ. Đâu cần phải đợi Phật A Di Đà đưa tay, Quán Âm dẫn dắt mới tin là mình vãng sanh hay sao?”

Đại Sư Hành Sách khai thị 2.

…Thứ nhất là sanh lòng đau tiếc quang âm dù thời gian ba năm chẳng mấy. Cổ nhân đã ví: “Như bệnh sốt rét mỗi ngày đều lên cơn, cứ ba lượt nóng lạnh là xong”. Nếu chẳng siêng gắng, đốc thúc thân tâm đua tranh với từng phút giây, sẽ chẳng khỏi thấy thời gian ba năm là dài. Nếu thấy là dài thì năm tháng dằng dặc, tâm sự ngổn ngang, dễ sanh mệt chán, công phu tịnh nghiệp chẳng đạt, chẳng tiếc lắm ư? Huống hồ mạng trong hơi thở, nào bảo đảm sống được ba năm? Dù sống hơn được ba năm, nào phải là trường cửu?

Như thường nói: “Như tù bị dắt ra chợ, như dê bị đưa đến lò mổ, cứ mỗi bước tiến đến trước là một bước đến gần cái chết”. Ngày đêm đăm đắm, nóng lạnh chẳng sờn, một câu hồng danh không lúc nào gián đoạn; Lẽ nào Di Đà chẳng tiếp dẫn, chẳng quyết định sanh về Tịnh Độ sao? Những người đồng hạnh với tôi hãy dè chừng: Chớ lúc đầu tinh chuyên, về sau biếng nhác. Hãy xem ba năm như một ngày, như một sát na thì mới nên.

*

Thứ hai là phải phát tâm chuyên cầu xuất ly. Công hạnh ba năm chẳng những không cầu những phước báo thấp thỏi của thế gian; Cũng chẳng nên mong cầu công đức, trí huệ, biện tài, ngộ giải; Hoặc cầu đời đời làm tăng để hưng hiển Phật pháp v.v… Chỉ mong khi chết được sanh sang cõi kia, thoát khổ sanh tử.

Nguyện ấy phải hiện hữu trong từng khắc, như xưa có người nọ bị vùi trong cái giếng khô sâu cả ngàn thước, được con cáo dạy cho khẩu quyết theo lỗ hổng mà thoát ra. Do nhất tâm muốn thoát ra, người ấy nhìn vào lỗ hổng tụng khẩu quyết một lúc lâu, lỗ chẳng lớn thêm, thân chẳng nhỏ đi mà tùy ý bay thoát ra.

Đại Sư Hành Sách khai thị 3.

Xưa kia, Hòa thượng Tịch Thất bảo: “Người đời muốn tu Tịnh nghiệp chẳng thể nói tôi nay bận rộn phải đợi đến lúc nhàn hạ; Tôi nay nghèo túng hãy đợi đến lúc giàu có; Tôi nay trẻ mạnh hãy đợi đến lúc già cả. Nếu viện cớ bận rộn, viện cớ nghèo túng, viện cớ non trẻ thì là vô duyên tu tập Tịnh nghiệp. Lỡ đột nhiên chết mất có hối cũng chẳng kịp! Sao không thừa dịp thân đang mạnh mẽ mà nỗ lực tu đi, lại cứ nói như thế?

Đại Sư Hành Sách khai thị 4.

Người đời nay, đừng nói là người tin ưa pháp này đã ít, ngay cả những người tin tưởng sâu xa vào pháp môn Tịnh Độ vẫn cứ do dự, lần chần đến nỗi uổng phí một đời, đa phần là như vậy. Hiện tại, hành nhân Tịnh nghiệp suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện, vẫn còn cách xa Tây phương; Khó chắc được vãng sanh thì không gì khác hơn là chưa nhổ được cọc Ái, chưa dứt được dây Tình.

Đại Sư Hành Sách khai thị 5.

Cổ nhân nói: “Ái chẳng nặng chẳng sanh Ta bà”, lại nói: “Đạo niệm nếu giống như tình niệm thì thành Phật lắm dịp”. Ngũ Thông tiên nhân tinh tấn bao kiếp còn chưa trừ được dục lậu, mất sạch công hạnh. Vì thế biết rằng: Chưa chứng thánh quả vẫn hiếm ai không bị tình ái gây hệ lụy! Nói chung, phiền não vô tận, nhưng căn bản sanh tử chỉ là tham ái; Nó có thể làm cho hành nhân bị chìm đắm, là pháp chướng ngại vãng sanh. Bởi thế, trước kia, trong các kinh chỗ nào Phật cũng quở trách. Cứ hễ đạm bạc được một phần tình ái thì tịnh nghiệp lại được thành thục thêm một phần hòng được giải thoát nơi bờ sanh tử vậy.

Đại Sư Hành Sách khai thị 6.

Cái nghĩa chữ “lữ” lớn lao thay! Chữ “lữ” chỉ người rong ruổi đường xa tạm nghỉ quán trọ. Kẻ lữ thứ phải có bạn, cũng phải có nơi ở trọ, cũng phải có nghiệp riêng. Nay nhìn khắp tam giới hệt như một cuộc lữ du, nhưng mỗi người một nghiệp khác nhau. Bổn nghiệp đã khác nên nơi chốn và bầu bạn cũng khác. Buồn thay! Từ khi có thức đến nay, đã trải trần sa kiếp; Xương chất như núi Phú La, uống sữa quá biển cả. Trong khoảng thời gian ấy, tình trạng lênh đênh, nỗi khổ trôi dạt chẳng thể nói xiết.

Có lúc làm bầu bạn cùng chủng tánh địa ngục, lấy ác nghịch làm gốc nên các ngục Hữu Gián, Vô Gián là chốn trọ.

Có lúc với những kẻ trong đường quỷ làm bạn, lấy keo tham làm gốc nên núi hoang, đầm trống là chốn trọ.

Có lúc bầu bạn cùng súc sanh, lấy ngu si làm gốc nên trên cạn, dưới nước, trên không là chốn trọ.

Có lúc bầu bạn cùng A Tu la, lấy sân mạn làm gốc nên Tu Di, biển cả là chốn trọ.

Có lúc lấy bầu bạn cùng loài người, lấy cương thường làm gốc nên các nước trong bốn châu là chốn trọ.

Có lúc bầu bạn với chư Thiên cõi dục, lấy giới thiện làm gốc nên các tầng trời Địa Cư, Không Cư là chốn trọ.

*

Có lúc bầu bạn cùng trời Sắc Giới, Vô Sắc Giới, lấy thiền định làm gốc nên Tứ Thiền, Tứ Không là chốn trọ.

Ở trọ chốn nào bèn chấp vào chốn ấy chẳng biết là quán trọ.

Than ôi! Giấc mộng quê xưa hãy còn mơ hồ, tạm dung nơi đất khách há là rốt ráo? Chẳng gởi thân nơi An Dưỡng để hoành siêu, chẳng ngộ Tịch Quang để triệt thượng (thấu suốt theo chiều dọc), há có thể vượt khỏi cái nghĩa chữ “lữ” ư? Hiện tại, chỉ nên lấy An Dưỡng làm chốn nương náu, đừng suốt đời cam phận lữ khách. Nếu như hoa nở thấy Phật, chứng đắc chân thường; Lại đoái tưởng Ta-bà, trở vào Ta-bà tạm ngụ để cứu giúp chúng sinh, khuyến dụ quần mê; Lại còn phân thân ứng tích trong phương xa cõi khác, ra vào tam giới chẳng chán mệt. Đó mới gọi là bậc Cứu Cánh Lữ.

Nếu chẳng hiểu được nghĩa này sẽ ngộ nhận trạm đưa thư, chòi truyền tin là quê nhà…Mọi chuyện mưu cầu không chuyện nào chẳng phải là việc trong nhà lửa! Hoặc lại sợ nẻo đường lữ thứ lắm nỗi khổ nạn, lắm phen băn khoăn đi không trở lại, khiến cho tứ sanh cùng hôn mê trong sáu nẻo còn biết nhờ vào đâu? Nếu như vậy thì đều là chẳng đúng với ý nghĩa chữ Lữ vậy.

(Đại Sư Hành Sách – Liên Tông Thập Tổ – Theo Mấy Điệu Sen Thanh)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Ngồi Thiền có tác dụng gì?

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog