Cưu Ma La Thập Pháp Sư
Pháp Giới 11 tháng trước

Cưu Ma La Thập Pháp Sư

Cưu Ma La Thập Pháp Sư hay Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập là người đã phiên dịch rất nhiều kinh Phật từ Phạn văn ra Hán văn. Khi đến Trường An, Trung Hoa, Ngài được tôn làm Quốc Sư. Ngài đứng đầu về trung tâm phiên dịch Kinh, gồm hơn tám trăm vị Tăng và các vị học giả. Ngài dịch được hơn ba trăm quyển Kinh và các bản kinh này đều vô cùng chính xác.

  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Đại sư Huệ Viễn.
  • Đại sư Thiện Đạo
  •  Đại sư Thừa Viễn
  •  Đại sư Pháp Chiếu
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa kể thì Ngài vốn là một Hóa Thân Bồ Tát, phát nguyện đời đời phiên dịch Kinh để lợi lạc chúng sanh. Vào đời Ðường, Ngài Ðạo Tuyên Luật Sư giới hạnh tinh nghiêm, cảm ứng chư Thiên thường đem cơm cúng dường. Một lần Ngài hỏi chư Thiên: “Tại sao người đời thích đọc Kinh điển do Ngài Cưu Ma La Thập dịch ?”

Chư Thiên đáp: “Ngài Cưu Ma La Thập đời đời đều phát nguyện: Mỗi khi Phật xuất hiện ra đời, Ngài đều lãnh trách nhiệm phiên dịch Kinh điển. Bảy vị Phật trong quá khứ cho đến hiện tại, Kinh điển đều do Ngài phiên dịch ra, tuyệt đối chính xác”. Ngài tinh thông Tam Tạng: Kinh, luật, luận, cho nên xưng là “Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập”.

Cưu Ma La Thập Pháp Sư
Cưu Ma La Thập Pháp sư – Ảnh minh họa.

Cưu Ma La Thập Pháp Sư: Cuộc đời Thần Dị

Nhân duyên bản thân của Ngài Cưu Ma La Thập cũng rất kỳ diệu. Phụ thân của Ngài là Cưu Ma La Viêm, là con của thừa tướng một nước ở Trung Ấn Ðộ, bổn lai Cưu Ma La Viêm có thể kế thừa chức thừa tướng, nhưng ông ta không muốn làm quan, mà muốn xuất gia tu đạo. Do đó, đi các nơi du học, đi khắp các nơi tìm minh sư. Vì phụ thân của ông ta là thừa tướng, cho nên đến đâu thì mọi người đều hoan nghênh. Khi ông ta đi đến nước Quy Từ, thì không những vua nước Quy Từ ra ngoài xa đón, mà còn mời ông ta dùng yến tiệc ở trong cung.

Vua có người em gái tên là Kì Bà, khi thấy Cưu Ma La Viêm thì không nỡ rời xa. Kì Bà rất thông minh. Bà khinh thường đàn ông của nước mình, cho rằng họ đều xấu chẳng hợp với bà. Nhưng lần này thấy Cưu Ma La Viêm bèn động tâm. Vua nước Quy Từ cũng là người thông minh. Vua biết em gái mình, rất có hảo cảm đối với Cưu Ma La Viêm. Vì vậy ông gả Kì Bà cho Cưu Ma La Viêm. Chẳng bao lâu thì Kì Bà thọ thai, thì chuyện kỳ lạ cũng phát sinh.

Độ mẹ từ trong Thai

Kì Bà vốn không hiểu ngôn ngữ Ấn Ðộ, nhưng khi mang thai Ngài Cưu Ma La Thập, thì không những nghe được mà còn nói được tiếng Phạn, còn có tài năng biện tài vô ngại.

Ðương thời có vị A La Hán nói với mọi người rằng: “Ðứa trẻ ở trong bụng của bà này chẳng phải tầm thường, là người có đại trí huệ. Trước kia, đệ tử của đức Phật là Ngài Xá Lợi Phất ở trong bụng mẹ, thì mẹ của Ngài cũng có trí huệ biện tài vô ngại. Đại khái đứa trẻ này cũng như Xá Lợi Phất“.

Ðó là lúc Ngài Cưu Ma La Thập ở trong bụng mẹ, giúp cho mẹ của Ngài tăng thêm trí huệ. Mẹ của Ngài sinh Ngài ra rồi, qua ba năm sau lại sinh một người con nữa. Từ đó trở đi, mẹ của Ngài luôn luôn đến Chùa nghe Kinh. Vì căn cơ của bà ta sâu dày, nghe Pháp Sư thuyết pháp: Người ở trên thế gian đều là khổ, không, vô thường, vô ngã thì bà ta phát tâm muốn xuất gia. Nhưng phụ thân của Ngài không cho xuất gia vì tham luyến vợ đẹp, tài sản và địa vị. Không những mình chẳng muốn xuất gia trở lại, mà cũng chẳng cho vợ xuất gia.

*

Nhưng Kì Bà đã quyết tâm muốn xuất gia, bà ta phát nguyện nói: “Nếu không được xuất gia thì tôi sẽ nhịn đói mà chết”. Do đó bà ta chẳng ăn uống gì. Ban đầu bà ta không ăn thì Cưu Ma La Viêm nghĩ chẳng hề gì. Nhưng đến ngày thứ sáu thì ông thấy sự việc chẳng xong. Nếu không cho bà ta xuất gia, thì bà ta chết đói, cho nên bèn nói với bà: “Tôi cho bà đi xuất gia, nhưng bà trước phải ăn uống đã !”

Bà ta nói: “Ông đã cho phép tôi xuất gia thì trước phải xuống tóc cho tôi, sau đó tôi mới ăn. Nếu không xuống tóc, đợi tôi ăn xong thì ông không cho tôi xuất gia, lúc đó biết làm sao?” Cưu Ma La Viêm thấy tình hình như vậy, bất đắc dĩ mới đi thỉnh Hòa Thượng trụ trì ở Chùa gần đó đến xuống tóc cho bà ta. Xuống tóc rồi bà ta mới ăn uống, chính thức bắt đầu đời sống của người xuất gia, học tập Phật pháp.

Học tập Phật pháp nhất định phải có tâm chân thành; Nếu chẳng có tâm thành, thì dù học bao lâu cũng chẳng thành tựu. Vì bà ta quá thành tâm, dù chết cũng muốn xuất gia, xem thường sống chết, buông xả tất cả mọi thứ. Cho nên “tĩnh cực quang thông đạt”, linh quang của bà ta hiện thông, mà chứng được sơ quả. Kì Bà chứng được sơ quả rồi, thì dẫn Ngài Cưu Ma La Thập đến Chùa lễ Phật.

Cưu Ma La Thập Pháp Sư: Giai đoạn học Phật

Ngài Cưu Ma La Thập lúc đó, là cậu bé chỉ mới bảy tuổi. Khi vào Chùa thấy họ lạy Phật, Ngài cũng lạy Phật, thấy họ thắp hương, cũng thắp hương; Lại thấy ở trước bàn Phật có lư hương thật lớn, nhẹ nhất nặng cũng khoảng hơn trăm lạng, nhưng Ngài chẳng phí chút sức lực, bèn bưng lư hương lớn đó để lên đầu, rồi nghĩ :”Ta chỉ là cậu bé bảy tuổi, sao lại có thể bưng nổi lư hương lớn nặng như thế này?”

Trong tâm Ngài vừa mới sinh tâm suy lường phân biệt, thì cảm thấy lư hương đó nặng như ngàn cân, chẳng chịu nổi được nữa, bèn buông lư hương rớt xuống đất. Do đó, Ngài Cưu Ma La Thập ngộ được tất cả trên thế gian đều do tâm tạo. Trước khi Ngài chưa sinh tâm suy lường phân biệt, thì lư hương nặng mà chẳng cảm thấy nặng, nhưng khi sinh tâm phân biệt rồi, thì không nặng cũng nặng trở lại. Ngài ngộ được “tất cả do tâm tạo “.

*

Sau đó, Ngài theo mẹ đi xuất gia, lạy Bàn Ðồ Bồ Ðạt Ða làm thầy, tu học theo tiểu thừa. Mỗi lần đọc tụng một ngàn bài kệ, mỗi bài kệ có ba mươi sáu chữ. Cho nên mỗi ngày học ba vạn sáu ngàn chữ. (Số mục này gấp hơn ba mươi lần Chú Lăng Nghiêm). Ngài mới bảy tuổi mà mỗi ngày học ba vạn sáu ngàn chữ. Sự thông minh trí huệ này, chẳng phải người thường có thể sánh được.

Vì Ngài học nhanh như thế, chẳng bao lâu thì học hết toàn bộ Kinh điển tiểu thừa. Không những như thế mà Ngài còn học pháp thế gian như: Y dược, chiêm tinh, bói quẻ .v.v.. Học hết pháp tiểu thừa và học vấn thế gian rồi, Ngài đến Ấn Ðộ học pháp đại thừa. Khi học pháp tiểu thừa, thì Ngài cảm thấy Kinh điển tiểu thừa rất vi diệu. Về sau học pháp đại thừa, mới biết pháp đại thừa là diệu trong diệu, không thể nghĩ bàn. Ngài rất thông minh, lại siêng tu, do đó sở học Kinh điển và học vấn vừa nhiều vừa nhanh chóng. Ðó là giai đoạn Ngài Cưu Ma La Thập học Phật pháp.

Độ Sanh

Khi Ngài học Kinh điển đại thừa viên mãn rồi, Ngài trở về nước Quy Từ hoằng pháp, giáo hóa chúng sinh. Vì Ngài khác lạ hơn người, cho nên mọi người đều biết, đó là một vị Pháp sư lỗi lạc. Ðương thời, có vị luận sư cho rằng, trên thế gian này chẳng có ai biện luận thắng được ông ta.

Một ngày nọ, ông ta thách thức ra thông cáo nói: “Nếu bất cứ người nào biện luận thắng ta, thì ta sẽ cắt đầu của ta xuống để tạ ơn người đó”. Lúc đó, Ngài đi ngang qua, nghe luận sư nói như thế, thì hỏi ông ta hai vấn đề. Song vị luận sư này bí lối, nói chẳng ra lời. Ðáng lẽ ông ta phải chém đầu để đa tạ, nhưng lúc đó xả chẳng đặng chém đầu. Do đó ông ta lạy Ngài Cưu Ma La Thập làm thầy, học tập Phật pháp.

*

Không lâu sau Ngài trở về nước cậu của Ngài (nước Quy Từ). Cậu của Ngài rất cung kính Ngài. Ông dùng vàng tạo tòa sư tử thỉnh Ngài đăng đàn giảng Kinh thuyết pháp. Nhưng lúc đó, Ngài có ý định chuẩn bị đi độ thầy tiểu thừa của Ngài (Bàn Ðà Ðồ Ðạt Ða).

Vì có rất nhiều người tín ngưỡng thầy tiểu thừa của Ngài. Nếu nếu độ được ông ta, thì cũng có thể độ được rất nhiều người đến học pháp đại thừa. Cho nên cậu của Ngài vì Ngài tạo tòa sư tử bằng vàng, mà Ngài chỉ chẳng để tâm, chỉ có ý định muốn ra đi đến độ thầy của Ngài. Do đó, cậu của Ngài định sẽ khởi ấn tượng chẳng tốt đối với Ngài. Ông ta nghĩ thế này: “Ngài là cháu ngoại tộc, chẳng có chút tình cảm nào. Ta rất cung kính đối với Ngài, còn vì Ngài tạo tòa bằng vàng, mà cuối cùng chẳng giữ Ngài lại được”.

Nhưng vừa đúng lúc đó, Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða đến nước Quy Từ, cho nên Ngài Cưu Ma La Thập và vua đều đi ra ngoài xa đón rước. Vua hỏi Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða rằng: “Tại sao xa xôi mà Ngài đến nước của ta?”

Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða nói: “Thứ nhất, tôi nghe nói vua rất tin Phật pháp, cung kính Tam Bảo, cho nên tôi đến để gặp bệ hạ. Thứ hai, tôi nghe nói Cưu Ma La Thập, pháp sư bây giờ pháp duyên thịnh đại, cho nên tôi đến thăm”. Do đó, vua thỉnh Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða vào cung ở với Ngài.

Cưu Ma La Thập Pháp Sư: Trò độ Thầy

Ngài Cưu Ma La Thập thấy thầy của Ngài đã đến, bèn vì ông ta giảng “Kinh Ðức Nữ Sở Vấn”. Giảng xong thì thầy của Ngài nói: “Ông cảm thấy giáo lý đại thừa có chỗ nào cao siêu? có chỗ nào đặc biệt? Ông bỏ tiểu thừa mà học đại thừa, giáo lý đại thừa là nói về không. Không tức là gì cũng chẳng có, ông học nó có ích gì? Không, vốn là không, sao ông lại đi học?”

Ngài nói: “Trong (cái) không lại có (cái) có; Trong chân không mới có diệu hữu, trong diệu hữu tức cũng là chân không. Pháp đại thừa mới là pháp cứu kính triệt để, chẳng giống như tiểu thừa: Có quá nhiều danh tướng, quá câu thúc, chẳng đắc được giải thoát”. Sư phụ của Ngài đáp: “Bây giờ ta đưa ví dụ ra để bác đạo lý của ông nói.”

Ví như: Có người cuồng nhờ một người thợ dệt để dệt cho y. Thợ dệt xong một tấm lụa mịn vô cùng đưa cho người cuồng xem, nhưng người cuồng còn chê là thô nói: “Dệt chưa được khéo lắm”. Lúc đó người thợ dệt gạt người cuồng nói: “Anh nói tấm này thô, bất quá bây giờ tôi còn có một tấm lụa mịn đẹp ở trong hư không”. Thợ dệt lấy tay chỉ vào hư không kêu người cuồng xem, người cuồng nhìn chẳng thấy bèn nói: “Chẳng có! Trong hư không chẳng có tơ lụa gì hết!” Người thợ dệt đáp: “Tấm lụa đó ở trong hư không, mịn tinh vi lắm. Dù tôi là thợ dệt cũng nhìn chẳng thấy, huống gì anh chẳng phải là thợ dệt, thì làm sao nhìn thấy được !”

*

Người cuồng nghe nói cho rằng rất có lý, do đó thưởng cho người thợ dệt một số vàng. Về sau, rất nhiều thợ dệt cũng như thế, đến gạt người cuồng nói: “Sự dệt lụa của tôi ở trong hư không rất tinh vi, mịn nhuyễn vô cùng. Chẳng có ai có thể sánh được”. Người cuồng nghe nói thì cũng cho họ rất nhiều tiền. Pháp đại thừa mà ông nói tức là không, trong không mới có diệu hữu, mà nhìn chẳng thấy, giống như ví dụ vừa rồi”.

Ngài Cưu Ma La Thập nói chẳng phải. Lại vì thầy của Ngài giảng rất nhiều diệu pháp đại thừa. Mất hơn một tháng mới độ được người thầy tiểu thừa của Ngài. Lúc đó, Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða hiểu đạo lý chân không diệu hữu của đại thừa rồi, nói với Ngài: “Bây giờ ta phải lạy ông làm thầy”.

Ngài liền nói: “Ðó thì không được, trước kia tôi lạy thầy làm thầy, bây giờ sao thầy lại lạy tôi làm thầy ?” Ngài Bàn Ðà Bồ Ðạt Ða nói: “Tôi là thầy tiểu thừa của ông, ông là thầy đại thừa của tôi. Ai nấy đều có thầy của thừa đó, sao không được?” Ông ta nói như thế thì Ngài thu thầy của Ngài làm đệ tử. Từ câu chuyện Thầy trở lại lạy đệ tử làm Thầy, chúng ta có thể biết người xưa chẳng có “ngã tướng” (cái ta), mà là lấy đạo làm thầy. Chỉ cần đạo đức của bạn cao hơn tôi, thì tôi lạy bạn làm thầy mà chẳng có quan niệm về ngã tướng (tướng ta).

Thuyết pháp độ sanh

Khi Ngài Cưu Ma La Thập ở nước Quy Từ, thì có một lần thời tiết hạn hán, không mưa, lúc đó Ngài hiển thần thông cầu mưa. Ngài bày pháp đàn rồi, tiên đoán nội trong ba ngày, chắc chắn sẽ có mưa. Quả nhiên đến ngày thứ ba thì mưa xuống, cho nên phần đông nhân dân càng thêm cung kính tín ngưỡng Ngài.

Từ đó, có nhiều vị quốc vương thỉnh mời Ngài đăng đàn giảng Kinh thuyết pháp. Họ dùng thân làm tòa ngồi; Tức là ông vua dùng thân thể của mình làm tòa, để cho Ngài ngồi lên giảng Kinh thuyết pháp. Ðó là biểu thị sự cung kính, sùng bái nhất đối với Phật pháp. Ngài  đi khắp nơi xứ Ấn Ðộ giảng Kinh thuyết pháp, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh.

*

Lúc thiếu thời, Ngài theo mẹ đi các nơi tham phương, thì gặp một vị La Hán. Vị La Hán này nói với mẹ của Ngài: “Bà phải bảo hộ chú tiểu Sa Di này, chú ấy chẳng phải người thường. Nếu chú tiểu này đến ba mươi tuổi mà không phá giới, thì sẽ giáo hoá độ được rất nhiều người. Như tổ thứ tư Ưu Ba Cúc Ða”.

Ngài rất tin lời của vị La Hán nói với mẹ của Ngài. Mẹ của Ngài chứng đến tam quả A La Hán rồi. Bà quán sát biết được tương lai nhân duyên con của mình, cho nên nói với Ngài: “Tương lai con sẽ độ chúng sinh ở đông độ (Trung Quốc). Nhưng đối với thân con bất lợi vô cùng”.

Ngài nói: “Chỉ cần con lưu truyền hoằng dương Phật pháp đến đông độ, thì gian nan khốn khổ cách mấy con cũng phải thực hành. Vì Bồ Tát phát tâm không vì mình, chỉ vì chúng sinh”. Ðó là lúc đó Ngài Cưu Ma La Thập đã phát đại bồ đề tâm, muốn hoằng dương Phật pháp đến Trung Quốc.

 Đến Trung Hoa

Diêu Tần là thời kỳ Ðông Tấn tại Trung Quốc, lúc ban đầu do Phù Kiên thống trị. Từ Hán Cao Tổ diệt Tần về sau, đến nhà Tấn có những người còn hoài niệm về nhà Tần. Cho nên Phù Kiên (Người sau của Tần Thủy Hoàng) tổ chức một bang phái gọi là Tần Bang. Lập một nước ở tại Trường An gọi là Phù Tần.

Lúc đó Khâm Thiên Giám (nhà thiên văn học) thấy ở trên bầu trời Ấn Ðộ có vì sao trí. Do đó, mới nói với Phù Kiên rằng, đương thời ở Tây vực (Ấn Ðộ) có bậc đại trí huệ. Tương lai người này sẽ đến ủng hộ cho Trung Quốc. Phù Kiên nói: “Ta biết người này nhất định là Cưu Ma La Thập. Chúng ta hãy đem binh đi bắt Ngài đem về !” Do đó, phái đại tướng quân Lữ Quang, dẫn bảy vạn nhân mã đánh nước Quy Từ Tây Vực. (Nay là một khu vực nhỏ cạnh bên Tân Cương của Trung Quốc), đẻ bắt lấy Ngài về.

Khi Lữ Quang chưa đến nước Quy Từ, thì Pháp Sư Cưu Ma La Thập nói với vua nước Quy Từ rằng: “Hiện nay Trung Quốc xuất binh đánh chúng ta, mục đích chẳng phải tranh đất đai. Ngài nên giảng hòa với Trung Quốc, bất cứ điều kiện gì đều đáp ứng họ”. Song, vua nước Quy Từ chẳng nghe lời của Ngài.

*

Khi quân đội của Lữ Quang đến, thì ông ta đốt lửa đánh nhau với. Quân đội của Trung Quốc hùng mạnh, đánh thắng nước Quy Từ nhỏ yếu này rất dễ dàng, giết chết vua nước Quy Từ.

Bổn lai vua nước Quy Từ rất là hạnh phúc, nhưng tại sao ông ta bị quân đội Trung Quốc giết chết? Vì tiền kiếp nghiệp sát của ông ta quá nặng. Cho nên định nghiệp không thể chuyển, không cách chi trốn tránh nghiệp báo xảy đến. Diệt được nước Quy Từ rồi, Lữ Quang đem Ngài Cưu Ma La Thập về ở tạm tại Tây Lương, thì nghe nói trong nước phát sinh biến cố. Phù Kiên đã bị Diêu Trường giết chết. Diêu Trường lên làm Diêu Tần Hoàng Ðế. (Vì ông ta họ Diêu, cho nên cải đổi triều đại Phù Tần thành Diêu Tần). Lữ Quang bèn ở tại đất Lương hạ trại tại chỗ trũng.

Ngài Cưu Ma La Thập nói với Lữ Quang rằng: “Tuyệt đối đừng hạ trại ở chỗ này, chỗ này chủ nguy hiểm lắm. Khi nước lớn xuống thì sẽ ngập chìm hết toàn quân”.

Lữ Quang nói :”Ngài là người xuất gia, hiểu biết gì về việc bày binh bố trận? Hạ trại tại chỗ này sao lại bị ngập chìm chết? Ngài đừng lo lắng !”

Vì anh ta chẳng nghe lời Ngài nên nửa đêm nước lũ từ trên núi tràn xuống. Thế nước dữ dội làm chết hết năm sáu ngàn binh lính. Sáng ngày sau, anh ta mới biết Ngài Cưu Ma La Thập là người có thần thông. Từ đó anh ta rất khâm phục, rất tin tưởng Ngài.

*

Vì Lữ Quang nghe nói Diêu Trường đã giết Phù Kiên, do đó anh ta án binh bất động tại Tây Lương. Qua hai năm Diêu Trường chết, con là Diêu Hưng lên kế vị. Diêu Hưng biết trước kia Phù Kiên phái Lữ Quang đi bắt Ngài Cưu Ma La Thập về kinh. Lữ Quang không chịu, do đó Diêu Hưng phát binh đánh Lữ Quang.

Vừa lúc đó Lữ Quang qua đời, con là Lữ Long lên thay. Hai bên đánh với nhau, quân đội Lữ Long bị thua. Lúc đó, mới thỉnh Ngài về Trường An, làm công tác phiên dịch Kinh điển. Công tác phiên dịch Kinh điển rất to tác khó khăn. Tại sao Phù Kiên muốn Lữ Quang đi bắt Ngài đem về? Tại sao Diêu Hưng lại phát binh đi tiếp Ngài?

Vì lúc đó, Ngài Cưu Ma La Thập đức cao vọng trọng, ai ai cũng đều khâm phục kính ngưỡng Ngài. Ngài còn là nhân tài phiên dịch Kinh điển hay nhất, cho nên Diêu Hưng bắt Ngài đến Trung Quốc để phiên dịch Kinh điển. Ðó là nguyên nhân Ngài đến Trung Quốc.

Phiên dịch Kinh Điển

Bây giờ, nói về tình hình khi Lữ Quang bắt Ngài Cưu Ma La Thập đưa về Tây Lương. Lúc đó, Lữ Quang có một cận thần tên là Trương Tri bị bệnh nặng. Có một vị Bà La Môn gạt nói y có thể trị lành bệnh cho Trương Tri. Ngài La Thập biết người này lường gạt, bèn nói với Lữ Quang rằng:

“Dù ông bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể trị lành bệnh cho Trương Tri, tôi có thể chứng minh cho ông xem. Bây giờ tôi đốt sợi chỉ ngũ sắc thành tro, sau đó bỏ vào trong nước. Nếu tro biến trở lại chỉ ngũ sắc, thì bệnh của Trương Tri không thể chữa khỏi. Còn nếu tro trong nước vẫn là tro, thì Trương Tri sẽ hết bệnh”.

Khi thử xem thì tro chưa vào trong nước đã biến trở lại thành chỉ ngũ sắc. Không lâu quả nhiên Trương Tri qua đời. Ðó là cảnh giới thần thông của Ngài, chẳng phải một số phàm phu dò biết được.

Sau khi Lữ Quang qua đời, con là Lữ Toản lên thay thế. Khi Lữ Toản đương triều năm thứ hai, thì có con heo ba đầu sinh ra. Lại có người thấy một con rồng từ phương đông thăng lên, cuộn tròn chiếm cứ ở trước cung điện, cho đến tối mới ẩn mất. Lữ Toản cho rằng đó là điềm tốt, cho nên đặt tên cho hoàng cung là “Bàn Long” (rồng cuộn tròn).

*

Lại có người nhìn thấy một con rồng đen ở ngoài cửa thành ngự phòng. Lữ Toản lại đem tên “Cửu Cung áp” đổi lại là “Thăng Long áp”. Ngài  nói với Lữ Toản rằng :”Những con rồng này thị hiện là điềm xấu vô cùng. Những thứ rồng này xuất hiện thì cho biết trong nước sẽ có tai nạn. Nếu lập tức tu bồi công đức thì sẽ hóa giải tai hại”. Nhưng Lữ Toản quyết chí đương đầu chẳng biết sợ gì cả.

Một ngày nọ, Lữ Toản đánh cờ với Ngài Cưu Ma La Thập. Lữ Toản ăn con cờ (con chốt) của Ngài và nói: “Tôi chém đầu Hồ Nô”. Ngài ăn con ngựa và nói: “Anh không thể chém đầu Hồ Nô mà Hồ Nô sẽ chém đầu nhà ngươi “. Ngài nói lời đó là để cảnh tỉnh Lữ Toản, nhưng anh ta thủy chung chẳng ngộ. Lữ Quang có người em tên là Lữ Bảo, có con tên là Lữ Siêu, lúc nhỏ tên là Hồ Nô. Lữ Siêu lúc đó đang âm mưu muốn ám sát Lữ Toản.

Chẳng bao lâu, Lữ Siêu quả nhiên giết chết Lữ Toản, lập anh là Lữ Long lên làm hoàng đế. Lúc đó, mới có người biết sự tiên đoán của Ngài là đúng. Lữ Long lên ngôi tại Kinh Châu rồi, Diêu Hưng phát binh đến đánh, rước Ngài trở về Trung Quốc.

*

Ngài Cưu Ma La Thập đến được Trường An, thì được tôn làm Quốc Sư. Ngài đứng đầu về trung tâm phiên dịch Kinh, gồm hơn tám trăm vị Tăng và các vị học giả. Ngài dịch được hơn ba trăm quyển Kinh. Chúng ta có thể chứng minh Kinh của Ngài dịch rất chính xác vô cùng.

Khi sắp viên tịch, Ngài yêu cầu trà tỳ (hoả thiêu) và nói: “Trong cuộc đời của tôi đã dịch rất nhiều Kinh điển. Nhưng chính tôi cũng không biết trong lời Kinh có chính xác hay chăng? Nếu chính xác thì khi thiêu thân của tôi, lưỡi không bị cháy. Còn nếu sai lầm thì lưỡi cũng cháy luôn”. Quả nhiên thiêu xong thì thân thể cháy thành tro, duy chỉ cái lưỡi vẫn an nhiên như sống không hủy hoại.

( Cưu Ma La Thập Pháp Sư – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sự hiểu lầm tai hại về niệm Phật nhất tâm bất loạn

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog