Cúng dường Tam Bảo là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Cúng dường Tam Bảo là gì

Cúng dường Tam Bảo là ta đem công sức hoặc vật chất, không kể nhiều ít, đắt rẻ, cùng với tâm cung kính, thanh tịnh dâng lên hộ trì Tam Bảo. Công đức cúng dường Tam Bảo vô cùng lớn. Nhưng bạn cần biết một điều vô cùng trọng yếu: Pháp cúng dường quan trọng nhất ở Tâm, chớ không phải ở tài vật. Bởi thế nên có người đem vài tỉ cúng dường mà công đức cúng dường chẳng bằng người dâng cúng chút hương hoa bằng tâm thanh tịnh.

  • Bố thí là gì.
  • Thần thông trong Phật pháp.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Cúng dường Tam Bảo là gì
Cúng dường Tam Bảo là gì
*

Ruộng phước của Tam Bảo là nơi để người ta gieo trồng căn lành, phước đức. Lại giáo pháp của Như Lai vượt ngoài thế tục. Người tu hành chân chính rau đậu nuôi thân, vốn không còn chấp vào ngon dở, nhiều ít. Người cúng dường một ngàn với người dâng lên một tỉ vốn chẳng khác chi nhau, phước đức cúng dường không có hơn kém. Có hơn kém chăng là do tâm của người dâng cúng có thanh tịnh hơn hay không mà thôi. Vậy nên nếu bạn lên Chùa, muốn cúng dường Tam Bảo, chỉ nên: Hoặc mua hương hoa dâng cúng rồi lễ Phật; Hoặc bỏ chút tiền nho nhỏ nơi hòm công đức là được rồi, vậy mới đúng với pháp cúng dường. 

Nhiều người lên chùa không hiểu lý này. Vì tham phước nên sanh tệ nạn mang tiền lẻ rải khắp nơi. Không ít người còn đặt tiền lên bàn thờ cúng Phật. Chẳng biết rằng tiền là vật bất tịnh, bạn đem vật bất tịnh cúng Phật là phạm tội nặng. Chư Phật từ bi không quở trách, nhưng chư Hộ pháp thì không, bạn sẽ bị trách phạt!

Công đức cúng dường Tam Bảo

Phật, Pháp và Tăng-già là Ba ngôi báu, là thửa ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức. Nhưng muốn cúng dường Tam bảo, ắt chỉ có thể thực hiện được ở nơi chùa chiền, tu viện. Nếu không có chùa chiền, tu viện, ắt không có tượng Phật, Kinh điển giáo pháp. Hàng tăng ni nói riêng, bốn chúng Phật tử nói chung. Dù muốn gieo trồng vào ruộng phước như: Lễ bái dâng hương, thọ trì đọc tụng Kinh điển, cũng không có nơi để thực hiện. Xét theo đó thì biết, công đức của người xây dựng, tu sửa chùa chiền, tu viện là hết sức lớn lao.

Kinh Chánh pháp niệm xứ dạy: “Nếu chúng sanh nào nhìn thấy chùa chiền, tháp miếu hư hỏng liền ra sức tu sửa. Lại khuyên dạy người khác cùng làm việc tu sửa. Sau khi mạng chung được sinh về cõi trời, thân thể tươi sáng đẹp đẽ. Khi nghiệp cõi trời đã hết, liền được sinh làm người, thân thể cũng được tươi sáng đẹp đẽ.”

Trong kinh Pháp diệt tận lại có nói rằng: “Về sau, khi thế giới khởi sinh tai kiếp lửa thiêu. Nơi nào đã từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật sẽ không bị thiêu đốt.” Đức Phật có dạy: “Ví như có người bỏ ra trăm ngàn lượng vàng để xây dựng một ngôi chùa; Lại được một vị tỳ kheo giữ giới từng trụ trì nơi đó; Thì cho dù ngôi chùa ấy về sau có bị lửa cháy, nước lụt mà hủy hoại mất đi. Công đức của người xây dựng chùa ấy cũng không bị mất.”

*

Theo đó mà xét thì việc xây dựng chùa chiền và tu viện. Nếu được thành tựu, trở thành ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức. Công đức cúng dường sẽ lớn lao biết đến dường nào!

Kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói rằng: “Ngay như hóa độ vô số ức chúng sinh thành Bích-chi Phật; Cũng như có người hằng ngày cúng dường đức Phật và chư Tăng: Y phục, thức ăn, thuốc men, phòng ốc suốt hằng trăm năm, công đức sẽ rất nhiều. Nhưng tất cả đều không bằng người đem lòng hoan hỷ tán thán đức Phật một bài kệ bốn câu. Công đức người này sẽ nhiều vô lượng.”

Lại nữa, như kinh Thiện-giới nói: “Đem tất cả châu báu của bốn đại châu cúng dường đức Phật và đem thành tâm tán thán đức Phật. Hai công đức này sẽ như nhau, không chút khác biệt.”

Lại nữa, kinh Đại-bi nói: “Chỉ cần niệm danh hiệu Nam-mô Phật. Nhờ vào thiện căn này, sẽ được nhập Niết-bàn không cùng tận. Hơn nữa, nếu biết thành khẩn tâm niệm công đức của chư Phật; Thậm chí rải một bông hoa cúng dường giữa hư không. Vào kiếp sau sẽ được làm các Phạm vương, hưởng phước báo vô tận. Nhờ phước báo vô tận ấy, cuối cùng sẽ được nhập Niết-bàn.”

Công đức cúng dường Tam bảo: Bát cơm cúng Phật

Khi đức Phật đang ở tại thành Xá-vệ, có người phụ nữ với tâm chí thành dâng cúng một bát cơm. Đức Phật dạy rằng phước đức của người phụ nữ ấy rất lớn. Chồng của người phụ nữ ấy nghe rồi trong lòng rất hoài nghi. Anh ta không tin rằng chỉ cúng dường một bát cơm nhỏ bé mà lại được phước rất nhiều như lời Phật dạy. Đức Phật liền gọi người ấy đến hỏi rằng: “Ông thấy cây ni-câu-đà cao lớn như thế nào chứ?”

Người kia thưa: “Dạ thấy, cây ấy cao chừng 4 đến 5 dặm, mỗi năm rụng quả xuống ước chừng vạn hộc.”

Đức Phật lại hỏi người ấy hạt cây ni-câu-đà lớn hay nhỏ?

Người ấy đáp: “Chẳng qua cũng chỉ nhỏ bằng hạt cải.”

Đức Phật dạy: “Lòng đất chỉ là sự vật vô tình mà gieo vào đó một hạt giống nhỏ bằng hạt cải, về sau có thể thu được mỗi năm đến vạn hộc quả. Huống chi con người vốn có tâm thức, nếu có thể chí thành dâng cúng lên đức Như Lai một bát cơm, sao lại nghi ngờ là không thể được phước báo lớn lao?”

Hai vợ chồng người kia nghe lời Phật dạy tâm ý liền thông suốt thấu rõ, không còn hoài nghi nữa. Những người phước mỏng sinh vào thời mạt pháp, kiến giải hết sức hẹp hòi. Nghe chuyện “năm dặm bồn đồng” này làm sao có thể không khởi lên mối nghi: “Bát cơm nhỏ, phước báo lớn” như người xưa? 

Cúng dường Tam Bảo như thế nào là đúng

Theo An sĩ Toàn Thư: Ngày xưa có một cô gái đến chùa, muốn cúng dường nhưng không có nhiều tiền. Cô chỉ còn vỏn vẹn 2 đồng xu, liền mang ra cúng hết cho chùa. Vị tăng trụ trì thấy vậy đích thân làm lễ sám hối cho cô. Nhờ công đức cúng dường Tam Bảo ấy, không lâu sau cô được tuyển vào cung vua, thọ hưởng giàu sang phú quý.

Ít năm sau cô lại viếng chùa, mang theo một ngàn lượng bạc đến cúng dường. Vị tăng trụ trì chỉ sai đồ chúng làm lễ hồi hướng rồi thôi. Cô ấy liền hỏi: “Ngày trước con cúng dường chỉ có 2 đồng xu, thầy đích thân làm lễ sám hối cho con. Nay con cúng dường đến cả ngàn lượng bạc mà thầy không tự thân làm lễ hồi hướng là vì sao?”

Thầy trụ trì đáp: “Số tiền trước đây tuy ít nhưng tâm cúng dường hết sức chân thành. Nếu lão tăng này không đích thân làm lễ sám hối thì không xứng với công đức ấy. Nay số tiền cúng dường tuy nhiều, nhưng tâm cúng dường không được chí thiết như trước. Vì vậy có người thay ta làm lễ sám cũng đã đủ rồi.”

Như thế, cúng dường một ngàn lượng bạc nhưng thiếu tâm thành thì vẫn chỉ là việc thiện một phần; Mà cúng dường chỉ 2 đồng xu với tâm chí thành được xem là trọn vẹn.

Cúng dường Tam Bảo quan trọng nhất ở Tâm

Trong thành Xá-vệ có một nhà kia hết sức nghèo khổ. Trong sân nhà có một cây nho, muốn hái một chùm để dâng lên cúng dường các vị tỳ-kheo. Lúc ấy, nhằm khi quốc vương đã có lời cầu thỉnh chư tăng thọ nhận cúng dường trong suốt một tháng. Do ngày nào vua cũng dâng cúng đồ ăn thức uống nên người nhà nghèo không có cơ hội để cúng dường. Phải chờ đợi hết một tháng đó mới có thể mang chùm nho đến dâng cúng lên một vị tỳ-kheo. Vị tỳ-kheo thọ nhận rồi bảo rằng:

“Ông đã cúng dường được một tháng rồi.”

Người nghèo không hiểu, thưa hỏi lại: “Con chỉ dâng cúng một chùm nho, sao ngài lại nói đã cúng dường được trọn một tháng?”

Vị tỳ-kheo dạy: “Tuy chỉ một chùm nho này, nhưng ông đã khởi tâm từ một tháng trước. Ông luôn nghĩ nhớ đến việc cúng dường không lúc nào gián đoạn, như vậy chẳng phải là đã cúng dường được một tháng rồi sao?”

Xem tích trên ta thấy việc thì cúng dường Tam Bảo vốn có thể gián đoạn, nhưng tâm niệm bố thí cúng dường thì không nên gián đoạn. Phải giữ cho niệm niệm nối nhau không dứt thì mới có thể vun bồi được hạt giống Bồ-đề. Việc cúng dường cơm nước cho các chùa chiền, tự viện… mang lại lợi ích lớn lao nhất. Vì nó giúp cho người cúng dường kia trong chỗ tự mình không hay biết mà tự nhiên mỗi ngày đều cúng dường Tam bảo.

Cúng dường Tam Bảo: Cúng thuốc trị bệnh

Người thế tục, lúc tuổi già hay khi có bệnh đều được vợ con, người thân chăm sóc. Nhưng các vị tăng ni khi mắc bệnh phải nằm liệt giường thì hoàn toàn không có ai chăm sóc. Nhìn quanh chẳng có ai thân cận, hoàn cảnh thật hết sức thê thảm. Cho nên, trong Kinh điển khuyến khích mọi người nên cúng dường các vị tăng ni bị bệnh. Việc này sẽ được phước báo lớn lao nhất.

Vào thời đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, tôn giả Bạc-câu-la là một người nghèo khổ. Tôn giả nhìn thấy một vị tỳ-kheo mắc chứng đau đầu, liền phát tâm chí thành dâng cúng một quả a-lê-lặc. Vị tỳ-kheo nhờ đó được khỏi bệnh. Do nhân duyên ấy, từ đó về sau trong suốt 91 kiếp, Tôn giả dù sinh trong cõi trời hay cõi người cũng đều không mắc phải bệnh khổ.

Cúng dường Tam Bảo: Cúng nước được phước báo sanh Thiên

Ở nước A-bàn-đề một có ông trưởng giả hết sức giàu có, của cải nhiều không kể xiết, nhưng keo kiệt. Tỳ nữ trong nhà phải sống hết sức nghèo hèn. Áo mặc không đủ che thân, cơm ăn không đủ no bụng, lại thường bị đánh đập hành hạ dù đã già yếu. Người ấy muốn chết đi cho thoát khổ mà không chết được. 

Một hôm, người nữ tỳ già nua ấy mang bình ra bờ sông lấy nước, tủi thân khóc lóc thảm thiết. Một vị đệ tử Phật là ngài Ca chiên-diên thấy vậy thương xót liền hỏi: “Nếu như bà cụ chán ghét kiếp nghèo khổ, sao không mang bán nó đi?”

Lão nô tỳ thưa: “Có ai lại chịu mua cái nghèo?”

Ngài Ca-chiên-diên nói: “Được, cái nghèo khổ của bà cụ quả thật có thể bán đi được.”

Lão nô tỳ liền hỏi: “Làm cách nào để bán được?”

Ngài Ca-chiên-diên dạy: “Nếu lão bà quả thật muốn bán cái nghèo đi, thì phải hết lòng tin theo lời ta. Trước hết hãy súc rửa bình này cho thật sạch. Sau đó lấy nước sạch vào bình mang đến cúng dường chư tăng.”

Lão nô tỳ hỏi: “Bình này là tài sản của chủ nhân, chẳng phải của tôi, làm sao có thể mang cúng dường?”

Ngài Ca-chiên-diên đáp: “Cái bình tuy không phải của bà. Nhưng nước trong bình chẳng lẽ bà không có quyền sử dụng hay sao?”

*

Lão bà hiểu ra, liền mang bình lấy nước cúng dường. Ngài Ca-chiên-diên đích thân thọ nhận sự cúng dường đó. Kế đó ngài truyền dạy Tam quy, Ngũ giới cho bà, sau đó lại dạy bà niệm Phật.


Đêm hôm ấy, lão bà mạng chung trong nhà chủ nhân. Sáng ra, người chủ thấy vậy nổi giận, mang xác vứt vào rừng Lạnh. Thần thức lão bà khi ấy đã sinh lên cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân. Thiên nhân từ xa nhìn thấy thân xác cũ liền cùng quyến thuộc hiện đến rải hoa trời lên thi thể ấy.

Công đức cúng dường Tam Bảo: Lời kết

Nếu biết thực hành bố thí cúng dường Tam Bảo có thể “bán đi sự nghèo khổ”, thì chắc chắn rằng: 

  • Việc kính lễ chư Phật có thể “bán đi sự hèn kém”.
  • Thực hành phóng sinh có thể “bán đi sự chết yểu”.
  • Siêng năng học hỏi có thể “bán đi sự ngu si”.

Người có trí tuệ, chỉ nghe qua một điều có thể hiểu thấu ra trăm ngàn lẽ. Đối với hết thảy những nghịch cảnh bất như ý trong chốn thế gian này, há có điều gì lại không thể “bán đi” như thế?

(Cúng dường Tam bảo là gì)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Niệm Phật vãng sanh Tây Phương

24 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog