Công đức Phóng sinh vô cùng lớn
Pháp Giới 11 tháng trước

Công đức Phóng sinh vô cùng lớn

Công đức phóng sinh là vô cùng lớn. Bởi chúng sanh từ bé như con trùng cái kiến, cho đến to lớn như con voi, hết thảy đều có Phật tánh. Ta kiếp trước nhờ gieo thiện nghiệp nên được tái sanh làm người, chúng lỡ gieo nghiệp ác nên phải đọa làm thân dị loại. Nay ta lại duyên biết đến Phật pháp, không khởi tâm Từ bi thương xót mà cứu mạng loài vật thì thôi, nỡ lòng nào còn uống máu ăn thịt chúng sanh? Oán oán ân ân, chằng chịt níu kéo nhau trong sanh tử luân hồi, biết ngày nào ra khỏi nhà lửa Tam giới?

Thỉnh thoảng nhà tôi cũng mua vật phóng sinh, dù kinh tế cũng chẳng dư giả gì. Loài vật luôn có tánh linh. Sau khi được nghe tụng Tam Quy và niệm Phật, chúng không bơi đi ngay, mà thường tập trung gần chúng tôi, ngoi đầu khỏi mặt nước rất lâu như để bày tỏ lòng biết ơn. Nhiều việc kỳ lạ vô cùng, mà chỉ có người từng phóng sinh mới tin hiểu được. Bạn cứu mạng tất hưởng phước báo được tiêu tai chướng nghiệp, tăng thọ, cuộc sống bình an dưới sự chở che âm thầm của Tam Bảo và chư tôn Long Tần Hộ Pháp.

  • Cách phòng tránh Tẩu hỏa nhập ma khi Thiền
  • Sự thật về Đồng bóng.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
Công đức Phóng sinh vô cùng lớn
Công đức phóng sinh

Công đức Phóng sinh: Nhớ tiền kiếp là Heo

“Thời Trung Hoa Dân Quốc, cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ. Ông thấy một vị lão Tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt. Cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão Tăng đáp:

– Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Đời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỷ áp giải đến ty Chuyển luân để thọ ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng. Thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó nhẫn, kế đó là cảm hơi mát mẻ… Khi tỉnh ra thì mình đã sinh làm kiếp súc vật trong chuồng heo.

Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cũng biết nhàm gớm. Nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường cũng hỏi han nhau. Trong đồng loại cũng lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không nói cho người hiểu được. Đại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ. Đôi mắt ướt, là tỏ dấu bi sầu.

Loài heo thân thể thô nặng. Vào mùa hạ rất nóng khổ chỉ tìm đống bùn nằm vùi mới đỡ, song cũng không thường có được. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt. Thấy loài dê chó lông nhuyễn dầy, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên.

*

Đến lúc bị bắt tự biết mình không khỏi, nhưng sợ quá nhảy chạy càn. Mong kéo dài mạng sống được phút nào hay phút nấy. Khi bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây huyết đau đến tận xương. Lúc người bỏ lên xe chạy về, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau. Máu huyết ứ đọng, gần như muốn đứt. Khi đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén chảo vạc để hai bên, lòng bắt đầu run sợ. Không biết đến khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào?

Lúc thọc huyết, thân tâm sảng sốt rụng rời. Thấy ánh đao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho huyết chảy xuống bồn. Ban đầu còn kêu la, sau chỉ rên nhỏ trong cổ họng. Cho đến lúc máu chảy đến tắt hơi, sự đau khổ thật không thể hình trạng!

Bấy giờ hoảng hốt mê ly như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sinh làm người, tức là thân này vậy.

Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thương nó đau đớn, nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ độc, rồi tiếc cho người đồ tể tương lai cũng bị nỗi khổ đó. Ba mối niệm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ từ lúc nào! Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sanh lòng sợ hãi. Từ đó về sau đổi nghề đi bán rau đậu”.

Công đức Phóng sinh: Cẩn trọng với tà thuyết hại người

Gần đây xuất hiện một luồng tà kiến cực kỳ nguy hại: Khuyên người không nên phóng sinh, lan truyền rất nhanh trên mạng. Họ chỉ nhìn thấy một khía cạnh hạn hẹp: “Vì có người muốn phóng sinh nên những người săn bắt mới di tìm chim cá”. Họ chia sẻ một vài hình ảnh cảm động rồi kêu gọi không nên phóng sinh…

Chao ôi, không gì trên thế gian ác hơn lời kêu gọi này!!! Quả báo dành cho người kêu gọi thế nào, Tuệ Tâm tôi thực không dám nghĩ đến! Chúng ta cần hiểu rằng: Nếu bạn không phóng sinh, người thợ vẫn săn bắt chim cá như thường. Họ đi săn bắt vì đã lựa chọn nghề mưu sinh như thế, không phụ thuộc nơi bạn có phóng sinh hay không.

Nếu chẳng có từ tâm, xin đừng kêu gọi người khác cũng như mình. Nhà Phật gọi hành vi này là cùng hung cực ác! Quả báo vô cùng thê thảm, ngàn lần xin hãy cẩn trọng, nhân quả không mảy may sai lệch đâu!

Tổ Ấn Quang bảo: “Người đời sinh vào thời đạo đức suy mạt, nghiệp ác ngày càng nhiều thêm, căn lành ngày càng ít ỏi. Khi thấy người khác làm một việc thiện, nói một lời lành, thì chê bai quấy nhiễu? Chẳng hạn như khi thấy người khác giữ giới không giết hại, ắt sẽ nói rằng: “Ấy là làm chuyện viển vông vô ích”. Rằng: “Ấy là kẻ không có phúc được hưởng món ngon”. Hoặc khi thấy người khác làm việc phóng sinh, ắt sẽ nói rằng: “Thả ra thì cũng đã chắc gì chúng được sống”. Rằng “Thả ra rồi chẳng bao lâu cũng bị người khác bắt lại thôi”.

*

Thậm chí có kẻ còn cười cợt chê bai, phỉ báng cho rằng không có nhân quả. Hoặc ở giữa chốn đông người bài bác chỉ trích những chỗ còn nghi hoặc chưa rõ của người làm việc thiện. Hoặc viện dẫn, bới móc những chỗ sai sót khiếm khuyết của người ấy mà cho là ngu si.

Những việc như thế khiến cho người mới phát tâm làm việc thiện không khỏi phải cảm thấy lung lạc trong lòng, thối chuyển tâm thiện rồi không làm việc thiện nữa.

Ôi, những kẻ tâm địa xấu ác như thế, quỷ thần phẫn nộ, chư thiên nổi giận. Sau khi chết sẽ phải đọa lạc thế nào hẳn đã quá rõ không cần phải nói. Vì thế, xin khuyên những ai có tâm lành: Mỗi khi gặp kẻ ngăn trở hoặc phỉ báng việc thiện, cũng xin lẳng lặng mà nghe, đừng để tâm sân hận.

Nếu gặp người có thể khuyên bảo cảm hóa thì chân thành khuyên bảo cảm hóa, đừng nên dùng lời lẽ cao ngạo khinh người. Đối với những người không thể khuyên bảo cảm hóa thì nên khởi tâm thương xót tội nghiệp, đừng sinh lòng ghét bỏ xa lánh.”

Chuyện Công đức Phóng sinh

Tuệ Tâm gom góp những câu chuyện về công đức phóng sinh ở các sách đưa vào bài viết này. Nguyện bạn đọc hữu duyên xem rồi phát tâm từ bi giới sát, phóng sinh. Phước báo dành cho người phóng sinh không bút mực nào tả hết được. Bạn xem những câu chuyện có thật dưới đây mà tự tìm lấy tri kiến cho mình!

Công đức phóng sinh: Tống Giao cứu kiến

Đời nhà Tống, có hai anh em là Tống Giao, Tống Kỳ. Một hôm đang cùng ngồi đọc sách, có vị tăng nhìn thấy, xem tướng mạo rồi nói: “Người em sẽ chiếm bảng khôi nguyên, người anh cũng sẽ đỗ cao.” Mùa xuân năm sau, vị tăng ấy gặp lại, vui mừng nói với người anh là Tống Giao rằng: “Con hẳn đã từng cứu sống được trăm vạn sinh mạng!” Tống Giao bật cười nói: “Con là học trò nghèo khổ, có sức đâu làm được việc như thế!” Vị tăng nói: “Không nhất thiết phải là việc cứu người, dẫu muôn loài trùng bọ có sự sống đều kể là sinh mạng.”

Tống Giao nói: “Có một tổ kiến bị mưa lớn tràn ngập, con lấy cành trúc làm cầu cứu sống đàn kiến. Có lẽ là việc ấy chăng?” Vị tăng nói: “Quả đúng vậy rồi. Do chuyện này mà năm nay em con tuy vẫn chiếm khôi nguyên, nhưng cuối cùng rồi con không thể kém nó.” Đến kỳ công bố kết quả thi, quả nhiên Tống Kỳ đỗ trạng nguyên. Triều đình lập biểu chương trình lên Thái hậu. Thái hậu xem qua, cho rằng em không thể đặt trên anh, liền phóng bút sửa bài Tống Giao thành đệ nhất, còn Tống Kỳ thì từ đệ nhất (一) thêm vào một nét thành đệ thập (十). Khi ấy mới biết lời vị tăng đã nói quả nhiên không sai

Công đức phóng sinh: Khỏi mất mạng

Mạnh Triệu Tường là người đất Giao Hà( Hà Bắc). Vào năm Nhâm Tý thuộc niên hiệu Vạn Lịch thứ 40, tham dự khoa thi Hương trúng tuyển. Bỗng mắc bệnh đau lá lách, nằm mộng thấy đi đến âm phủ, gặp Diêm vương bảo: “Ông có phước lộc lớn, tuổi thọ lâu dài. Chỉ vì giết hại sinh mạng quá nhiều thành tội, nay sẽ trừ vào phước thọ của ông. Nếu kể từ nay ông biết giữ giới không giết hại, làm việc phóng sinh. Lại đem những lời trong giấc mộng này kể lại để khuyên người thì có thể chuộc được tội ấy.”

Mạnh Triệu Tường vâng dạ hứa sẽ làm như vậy, nhưng tỉnh dậy rồi quên, không làm gì cả. Một đêm nọ lại mộng thấy như trước, trong lòng hết sức kinh sợ. Khi ấy vừa gặp lúc dự khoa thi Hội không đỗ. Ông ta liền gấp rút quay về quê nhà thực hiện ngay những lời đã hứa.

Ngay đêm hôm đó, căn nhà Mạnh Triệu Tường ngụ ở kinh thành bị gãy cây đòn dông chính, cái giường ông từng nằm trước đây bị đè nát ra như bụi. Mạnh Triệu Tường nhân đó liền viết lại sự việc này. Khắc in thành sách Mộng giác thiên để khuyên người đời làm lành lánh dữ. Về sau, ông thi đỗ tiến sĩ, làm quan đến bậc khanh lý.

Công đức phóng sinh: Người mẹ kiếp trước

Vào đời nhà Thanh có ông Cố Thuận Chi quê ở huyện Thường Thục. Ông là người ăn chay trường, ngụ cư ở huyện Vô Tích. Ngày mồng một tháng hai năm Canh Tuất thuộc niên hiệu Khang Hy. Ông nhắm mắt ngủ mê đến bảy ngày sau mới tỉnh lại, kể với người chung quanh rằng:

“Tôi mơ thấy một vị đạo nhân đến hẹn tôi đi nghe kinh. Tôi cùng ông ấy đến một chỗ nọ. Thấy ở pháp đường phía trước giảng kinh Kim Cang, pháp đường phía sau giảng kinh Báo Ân. Buổi giảng kết thúc lại nghe có lời dạy rằng: ‘Người ăn chay phải kiên trì giữ tâm niệm Phật. Người ăn mặn thì cốt yếu là phải giữ giới không giết hại. Làm được như vậy, một là có thể cầu siêu thoát cho cha mẹ nhiều đời. Hai là có thể tiêu trừ được tội lỗi nghiệp chướng của bản thân mình.’

“Sau đó giây lát, bỗng nhìn thấy mẹ tôi đang khóc lóc ở trong một cái hồ chứa đầy máu. Có rất nhiều ốc và giun đất vây quanh đầy khắp thân thể bà. Vị đạo nhân bảo tôi: ‘Người mẹ kiếp này của ông đã được siêu thoát rồi, ông nhìn thấy đó là người mẹ trong kiếp trước. Vì lúc còn sống bà thích ăn thịt vịt nên bây giờ phải bị các con vật ấy vây kín quanh thân. Ông nên trì chú Vãng sinh để cầu cho bà ấy siêu thoát.’ Sau đó thì tỉnh dậy.”

Công đức phóng sinh: Nhờ phóng hưởng phước báo

Huyện Cối Kê thuộc tỉnh Chiết Giang có người tên Đào Thạch Lương, một hôm cùng đi với Trương Chi Đình ngang qua chùa Đại Thiện, nhân đó mua lươn phóng sinh lên đến hàng vạn con. Năm ấy vào mùa thu, Thạch Lương nằm mộng thấy một vị thần hiện ra bảo rằng: “Khoa thi này lẽ ra ông chưa đỗ, nhưng nhờ công đức phóng sinh nên sẽ thi đỗ, sớm hơn một khoa.”

Đến khi bảng vàng đề tên, quả nhiên đúng thật. Nhân đó Thạch Lương liền nghĩ: “Việc phóng sinh cũng dựa vào sự tán trợ của Trương Chi Đình. Lẽ nào công đức chỉ mình ta được hưởng?” Cách mấy hôm sau, có danh sách từ Nam Kinh đưa đến, hóa ra Trương Chi Đình cũng đỗ

Công đức phóng sinh: Cứu Dê hóa ra cứu con gái

Vào đời Đường, ở Trường An có phong tục sau tết là mọi người lần lượt thay nhau tổ chức yến tiệc đãi khách. Có ông chủ hiệu văn phòng phẩm tên là Triệu Đại, đến phiên đãi tiệc mời khách về nhà.

Đúng ngày, quan khách vừa tới thì thấy phía trên chiếc cối giã gạo có một bé gái khoảng 13 – 14 tuổi. Cô bị buộc vào một sợi dây, trên người mặc quần xanh, áo trắng. Bé gái ấy khóc lóc nói với quan khách rằng: “Tôi vốn là con gái của ông chủ nhà này. Năm xưa tôi lấy trộm của cha mẹ một trăm quan tiền. Định dùng mua son phấn, nhưng rồi chết đi chưa kịp mua. Số tiền ấy hiện vẫn còn đặt nguyên ở nhà bếp, trong một cái lỗ ở góc phía tây bắc. Tôi vì tội ấy mà nay phải làm thân dê.”

Đứa bé gái vừa nói xong, quan khách nhìn kỹ lại thì chỉ thấy một con dê xanh đầu trắng. Mọi người kinh hoảng báo lại với chủ nhà là Triệu Đại. Họ Triệu gạn hỏi về hình dáng đứa bé, thì quả thật rất giống với con gái của ông, đã chết cách đây hai năm. Lập tức vào tìm trong nhà bếp, quả nhiên có số tiền còn nằm nguyên nơi bé gái đã nói. Triệu Đại liền mang dê vào chùa phóng sinh, lại phát nguyện từ đó cả nhà đều giữ giới, ăn chay.

Công đức phóng sinh: Tào Hàn bị đọa làm Heo

Vùng Tô Châu có Lưu Tích Huyền, tên tự là Ngọc Thụ. Vào mùa thu năm Nhâm Tý, niên hiệu Vạn Lịch triều Minh. Ngọc Thụ đến Quý Châu nhận chức quan khảo thí. Trên đường đi thuyền ngang qua vùng Hồ Quảng ghé vào nghỉ đêm, mộng thấy có một người to lớn, mặt dài, đến nói rằng:

“Tôi là tướng Tào Hàn đời nhà Tống. Trước kia, vào đời nhà Đường, tôi là một người đi buôn. Tình cờ đi ngang qua một ngôi chùa thấy có vị pháp sư đang giảng kinh Tứ thập nhị chương nên phát tâm thiết trai cúng dường. Lại theo ngài nghe kinh trong nửa ngày. Nhờ gieo nhân lành đó nên trải qua nhiều đời đều được làm chức quan nhỏ.

Đến đời Bắc Tống tôi được làm tướng quân, tức là tướng Tào Hàn. Khi ấy từng mang quân vây đánh Giang Châu, suốt ba năm không hạ được. Nhân một lúc nóng giận không kiềm chế đã ra lệnh tàn sát hết nhân dân trong thành. Do nghiệp giết hại đó nên trải qua nhiều đời phải làm thân lợn để đền tội.

*

Năm trước tôi từng sinh ra làm lợn trong một nhà làm thuê ruộng của ông, nhờ ông thương xót đến mà được sống. Nay chỗ ông đỗ thuyền vào đây chính là nơi ngày mai tôi sẽ bị giết. Con lợn bị giết trước nhất trong ngày mai chính là tôi đó. Nay đã có duyên gặp nhau, xin ông rủ lòng thương xót cứu mạng tôi một lần nữa.”

Khi Lưu Ngọc Thụ giật mình tỉnh giấc, liền nhìn ra qua khe hở xem thuyền đậu chỗ nào, quả nhiên đúng là trên bờ có một lò mổ. Trong giây lát liền thấy người khiêng ra một con lợn, kêu la thảm thiết. Lưu Ngọc Thụ liền bỏ tiền xin chuộc lấy, cứu mạng cho lợn. Con lợn này được thả ra, mang đến phóng sinh tại Vườn phóng sinh Xương Môn ở Tô Châu, nếu có ai gọi tên Tào Hàn nó liền nhận biết chạy lại, hàng vạn người đến đó đều tận mắt chứng kiến.

Công đức phóng sinh: Phóng sinh cầu được con trai

Vào triều Nguyên có một nhà buôn giàu có đang muốn cầu con. Nghe nói vị chân nhân ở núi Thái có thể triệu thỉnh thần tiên, đoán việc linh nghiệm. Ông liền tìm đến lễ bái thưa hỏi chuyện cầu con.

Vị ấy nói rằng: “Ông đời trước giết hại vật mạng rất nhiều, nên kiếp này chịu quả báo không có con. Nay nếu ông có thể cứu vật phóng sinh đủ số tám trăm vạn thì có thể chuyển được tội cũ. Nếu vô ý làm chết một con côn trùng, phải phóng sinh đủ số một trăm vật mạng mới đền lại được.

Nếu ông muốn thay đổi vận mạng thì đây là điều thiết yếu phải nhanh chóng làm ngay.” Nhà buôn nọ nghe lời khuyên liền phát nguyện giữ giới không giết hại, lại bỏ tiền mua vật phóng sinh. Không bao lâu liền sinh được một đứa con trai, sau thi đỗ cử nhân, được bổ làm quan

Công đức phóng sinh: Kinh nghiệm phóng sinh

Tại Thẩm Quyến, có một nhóm cư sĩ trẻ học Phật, họ nghiêm trì giới luật, chuyên tu Chú Lăng Nghiêm. Họ hường tổ chức phong sinh, chủ yếu là thả rắn và các loài động vật hoang dã. Phóng sinh thường có nhiều cám ứng hay, xin kể vài câu chuyên có thật như sau:

Mùa đông năm ngoái chúng tôi đi mua rắn phóng sinh. Thấy trong chuồng vô số rắn, có một con rắn mắt kính hung dữ. Chủ trại rắn thấy vậy bèn vạch miệng nó ra cho mọi người xem thì thấy răng đã bị nhổ sạch rồi. Cả nhóm thấy vậy đồng ý mua nó cùng các con khác đem phóng sinh.

Hôm đó thời tiết âm u và lạnh. Vậy mà lúc phóng sinh thì vầng thái dương bỗng xuất hiện khiến mọi người đều cảm thấy ấm áp. Một anh trong đoàn nhìn thấy con rắn mắt kính không răng đã ngạc nhiên kêu lên:

– Chính con rắn này nè, nó giống hệt con độc xà đã báo mộng cho tôi tối qua. Té ra là trong mộng con rắn mắt kinh này đã hướng anh van cầu.

– Xin hãy cứu tôi. Xin hãy cứu tôi.

Qua đây có thể thấy chúng sinh đều rất có linh tính, ngàn vạn lần không nên ăn thịt chúng.

Phóng sinh rùa xanh

Hôm sinh nhật Vương Tú, gia đình em mua mười mấy con rùa để phóng sinh. Khi làm lễ thì phát hiện một bị thương trên lưng nên đem về nhà chữa trị. Cha Vương Tú săn sóc nó hai tuần, con rùa hồi phục rất nhanh. Tối đó ông Vương nằm mộng. Thấy một người mặc áo xanh, hướng ông bày tỏ lòng cảm tạ và nói: Tôi hiện giờ thân thể đã mạnh khỏe xin hãy thả cho tôi về nhà.

Ông Vương thức dậy lấy làm lạ, tự hỏi: “Người mặc y phục xanh nay là ai. Sao thuở giờ ta chưa gặp qua? Lúc này ông đột nhiên nhớ đến con rùa xanh, vội chạy đến giờ thùng nhìn xem. Thấy con rùa đang cố bò ra ngoài, ông Vương mới hiểu minh bạch liền đem ra sông thả rùa xuống. Con rùa ngoái đầu nhìn họ tỏ vẻ bịn rịn lưu luyến rồi chầm chậm bơi đi.

*

Hôm đó là ngày vía Bồ tát Quan Âm thành đạo. Sáng sớm tôi đến chợ mua hai con rùa và một số cá để phóng sinh. Tụng kinh xong thì tôi thả chúng vào con sông gần đấy. Tối đó tôi mơ thấy có hai người lưng đeo cặp sách, mời tôi đến hàn xá của họ uống trà.

Tôi theo họ đến một gian nhà, ngồi trước cái bàn tròn. Trà xong hai người tiễn tôi ra cổng, còn cảm tạ: Hôm nay may được ông cứu mạng, chúng tôi cảm ân vô cùng. Họ nói xong tôi tỉnh giấc.

Ngẫm nghĩ đến lời trong mộng đột nhiên nhớ đến hai con rùa mình đã thả hồi sáng. Đúng là chúng đã đến cảm tạ tôi.

Công đức phóng sinh: Khỉ báo ân

Tại khu rừng rậm Kim Phật Sơn Trùng Khánh, có câu chuyện cảm động giữa khỉ và người như sau:

Cuối tháng 7 năm ngoái, Ông Vương Chí Thành vào rừng hái thuốc, gặp một con khỉ lông màu xanh đen bị thương nới tay trái. Ông liền bồng nó về, lo chăm sóc băng bó vết thương, để nó nghỉ dưỡng trong nhà. Được một tuần, vết thương lành, nó bèn ra đi. Tuy nhiên hằng ngày nó vẫn quay về thăm ông, thậm chí còn giúp làm việc nhà. Thỉnh thoảng có mấy con heo rừng, nhím và các loài thú khác tìm tới trộm thức ăn hoa trái trong vườn. Con khỉ này thường xua đuổi, dọa chúng phải bỏ chạy.

Một ngày cuối tháng 9, khoảng 3 giờ sáng. Vương Chí Thành còn đang say ngủ trong nhà, đột nhiên nghe tiếng đập cửa dữ dội và tiếng la hét chí chóe khiến ông tỉnh giấc. Ông vội mở cửa ra xem, thì thấy con khỉ về thăm. Ông tiếng tới ôm nó, nhưng thái độ nó lộ vẻ cuống quýt lạ kỳ. Nó né khỏi tay ông và gấp rút kêu to. Ông Vương ngơ ngác không hiểu, con khỉ đưa tay chỉ về phía sau núi. Vương nhìn theo, ông kinh hoàng khi thấy trên núi, đất đá đang đổ sụp và từng tảng đá to thi nhau rơi xuống không ngừng. Con khỉ đưa tay kéo ông Vương chạy.

*

Ông Vương cuối cùng đã hiểu: Ông lao vào nhà, lay vợ bồng con, tất cả cùng chạy bay ra ngoài. Tiếp đến ông đi đập cửa từng nhà. Toàn thôn có 5 hộ, hơn hai mươi người kịp thoát. Sau khi thoát chết, nhiều thôn dân xúc động bật khóc, nói: -Thật nguy hiểm quá, nếu không nhờ con khỉ này cứu mạng, thì chúng ta đều chết cả.

Xem xong câu chuyện này, xin mọi người hãy giới sát phóng sinh. Vì ban cho vật sự sống cũng chính là ban cho mình sự sống. Cứu người cũng là cứu mình. Phóng sinh đem lại lợi ích vô cùng, công đức lớn lao không thể kể hết.

Công đức phóng sinh: Lời kết

“Con người ai ai cũng yêu tiếc mạng sống, muôn vật loài nào cũng mong muốn được sinh tồn.” Con gà thấy người làm bếp đến bắt thì hốt hoảng bay đậu lên cao để trốn tránh. Con lợn nghe đồ tể ngã giá mua xong thì hai dòng nước mắt tuôn trào như suối. Cái chết sắp đến chúng đều biết rõ, chỉ vì miệng không thể nói ra lời. Bỗng dưng phải chịu nỗi thống khổ vì đao thớt băm vằm, ruột đứt từng đoạn.

Khi mạng sống còn chưa dứt hẳn, dao sắc ngàn lượt cắt xẻ, nước sôi đun nấu trăm lần. Đem thân xác muôn loài cho vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, lại lấy đó làm món ngon vật lạ trên bàn ăn của mình. Việc làm như thế nếu bảo là vô tội thì liệu có còn gì phải e sợ trời cao? Xưa nay những kẻ giết hại đều phải chịu xoay vòng báo ứng không sai. Xin hãy phát tâm từ bi cứu mạng muôn loài!

(Công đức phóng sinh – Theo An sĩ toàn thư)

Tuệ Tâm 2020. 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phát Triển Lòng Từ

20 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog