Công đức là gì, Phước đức là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Công đức là gì, Phước đức là gì

Công Đức là gì? Phước đức là gì? Công đức hay Phước đức đều là “quả” ngọt được cảm thành bởi “nhân” làm các việc thiện lành như:

  1. Việc liên quan đến Thánh đạo, như: Niệm Phật, tụng Kinh, trì chú, cúng dường, in Kinh, tạo Tượng, xây Chùa, bố thí…
  2. Việc liên quan đến Thiện pháp thế gian, như: Giúp người, lợi vật.

Tuy cùng một nhân tạo ra, nhưng Công đức và Phước đức lại hoàn toàn khác biệt nhau. Tuy khác biệt nhau nhưng lại có liên quan mật thiết đến nhau. Lý để phân biệt hai thứ này nhỏ nhiệm nhưng rất vi tế và phụ thuộc nơi chỗ phát tâm của ta. Đại lược thì, cùng một việc làm, dù là thiện pháp thế gian hay Thánh đạo, nếu như: “Tâm ta phát khởi vì chúng sanh, vì cầu quả giác ngộ Bồ đề mà thực hiện, thì gọi là Công Đức. Cũng gọi là công đức Vô lậu. Nếu tâm ta phát khởi vì mình, vì danh lợi, vì cầu sanh Thiên, mà thực hiện thì gọi là Phước Đức”. Phước đức này còn gọi là Phước hữu lậu.

Tà Kiến về Công đức

Tuệ Tâm thấy nhiều bài viết trên mạng giải thích lầm lạc về công đức. Người học Phật chân chánh nên cẩn thận kẻo mắc phải tà kiến. Người ta trích dẫn chuyện Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma khai thị cho Vua Lương Võ Đế để giải thích về Công đức. Chuyện rằng:

“Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp, Ngài đến gặp Vua Lương Võ Ðế. Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi:

“Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”.

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”.

Phải biết rằng: “Ý của Tổ là để giúp nhà vua Phá Chấp. Mong vua nghe lời ấy mà phát tâm cầu quả giải thoát; Chớ không phải chẻ từ tìm nghĩa mà lạm bảo là không có công đức.” Vua Lương Võ Ðế xây cất hằng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông. Ông ta thiết trai bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách nhiều vô số kể.” Công đức ấy vô lượng vô biên, không thể tính đếm được!

Sao lại lầm lạc lấy lời khai thị của Tổ dùng để Phá chấp cho nhà Vua mà bảo là: Những việc ấy không có công đức? Dạy người như thế này thật cô phụ ơn Phật quá lắm!!!

*

Về chuyện này, Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Vua Vũ nhà Lương là người đặc biệt chú trọng gây dựng công đức. Khi vua gặp tổ Bồ Đề Đạt Ma hỏi: “Trẫm xây dựng nhiều đền chùa, độ Tăng vô số người. Trẫm cũng trường trai, xây cầu, làm đường và rất nhiều việc thiện. Nói xem Trẫm có công đức gì không?”

Tổ đáp: “Không có công đức!”.

Nhà vua tỏ ra thất vọng. Thực ra, Tổ Đạt Ma muốn cứu độ vua, nhưng vì nghiệp chướng của vua sâu nặng quá nên Tổ cũng đành chịu; cho dù vua có đối diện với vị Tổ thứ nhất của Trung Quốc. Điều đó giống như nói: “Đức Quán Thế Âm đứng trước mặt ông ta, ông ta cũng không nhận ra”. “Cái tâm từ phương Tây” đối trước Lương Vũ Đế song chẳng được gì.

Tại sao ông ta cần Tổ Đạt Ma cứu độ?

Đấy là vì Tổ biết nhà vua đang gặp nhiều nguy hiểm. Tổ muốn đánh thức ông ta nên bỏ nhà đi tu, hoặc ít ra cũng nhường ngôi cho người khác, tránh nạn chết đói về cuối đời. Về căn bản, Vũ đế là ông vua sùng Phật, trong thời gian trị vị, ông đã dùng địa vị Hoàng đế  ra sức phổ biến Phật pháp, xây dựng chùa chiền nhiều nơi trong nước.

*

Thế nhưng trong các đời quá khứ ông đã tạo nghiệp quá nặng. Trong kiếp sống trước đó của Hoàng đế, ông là một tỳ kheo tu hành trong núi. Ông trồng cây ăn trái, nhưng mỗi lần có trái vừa chín tới thì bị một con khỉ hái trộm mất. Bị nhịn ăn nhiều lần, ông bèn bắt con khỉ giam trong hang đá, định nhốt nó vài hôm cho biết. Không ngờ bận quá, ông quên mất đang giam con khỉ, chừng phát hiện ra thì con khỉ đã chết đói trong động.

Khi vị tỳ kheo kia chuyển sinh làm Hoàng đế thì con khỉ cũng tái sinh như một tinh hầu, hiện thân là võ tướng dẫn quân tiến đánh Nam Kinh. Sau khi lấy được Nam Kinh, tinh hầu đã bắt giam Vũ Đế trong tòa tháp, không có thức ăn, phải nhịn đói đến chết!

Tổ Đạt Ma thấy nhà vua tích lũy nhiều công đức, Ngài nghĩ công đức ấy sẽ làm giảm đi tội chướng. Và khi thời cơ có đủ nhân duyên, Tổ đã đến cùng Vũ Đế. Đấy là lý do Đạt Ma muốn cứu giúp Vũ Đế. Nhưng nhà vua nghĩ mình là quân vương, còn Đạt Ma chỉ là ông tăng nghèo khó, lại nói năng đâu đâu, do đó nên quay lưng với Tổ. Rốt cục, nhà vua phải chịu chết đói dưới tay của tinh hầu.”

  • Thập Thiện nghiệp là gì.
  • Âm đức là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng Kinh tại nhà.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Sự thật về Hạn Tam Tai.
  • Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
Công đức và Phước đức là gì
Công đức và Phước đức là gì

Công đức và Phước đức

Công đức có tánh cách rộng lớn hơn và thâu nhiếp Phước đức ở bên trong. Nói đơn giản thì, Phước đức là một phần biểu tướng của Công đức. Có nghĩa là nếu bạn làm việc có công đức tất sẽ được hưởng phước đức. Còn nếu bạn làm việc chỉ tạo ra phước đức thì công đức vẫn có, nhưng chẳng đáng kể gì. Bởi vậy nên Tổ Ấn Quang dạy:

“Phàm lễ bái, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và làm hết những việc lợi ích người đời…Hết thảy chỉ nên đem hồi hướng Tây Phương Tịnh Độ, cầu vãng sanh thành Phật. Nếu đem các công đức khác hồi hướng về phước báo thế gian thì niệm chẳng quy một mối, càng khó vãng sanh. Phải biết rằng nếu thật sự niệm Phật sẽ chẳng cầu phước báo thế gian, nhưng tự được hưởng phước báo thế gian.  Nếu cầu phước báo thế gian, chẳng chịu hồi hướng vãng sanh thì phước báo thế gian đạt được đó sẽ trở thành tệ kém. Tâm chẳng chuyên nhất nên càng khó quyết định vãng sanh!”

*

Cái lợi của Công đức, nếu biết phát tâm đúng cách thì vô cùng vô tận. Cách phát tâm như thế nào, ta hãy xem Tổ Ấn Quang dạy: “Hết thảy công đức đã tạo: Cúng dường Tam Bảo, giữ giới cả đời… chẳng cầu phước báo đời sau trong cõi nhân thiên; Chẳng cầu đời này trường thọ, khỏe mạnh, yên vui…Chỉ cầu lâm chung vãng sanh Tịnh Ðộ thì phù hợp với thệ nguyện của Phật.” Về Cực Lạc tất an nhiên trong sanh tử, phước báo mầu nhiệm vô lượng vô biên, chẳng gì không được toại nguyện. Còn nếu chỉ cầu phước nhân Thiên tất chỉ được phước hữu lậu nhỏ nhoi hèn kém!

Cái lợi của Phước đức thì ai cũng biết: Giầu có, bình an, thọ mạng lâu dài…hoặc kiếp sau tái sinh làm Thiên nhân ở cõi trời hưởng phúc; Hoặc tái sinh nơi cõi người làm lãnh tụ này, tỉ phú kia…

Nhưng cái hại vô lượng của Phước đức lại hiếm người nhận biết. Tại sao thế? Kinh Nhân quả dạy, đại ý: Người hiển đạt, giầu có, do kiếp trước biết bố thí cúng dường.” Kẻ hưởng phước giầu sang quyền thế thì không ai không tạo tội. Kẻ thế trí biện thông chẳng một ai không khinh rẻ người đời. Thế gian được mấy người giầu sang mà học đạo? Mấy kẻ thông minh mà biết khiêm hạ giữ mình?…Như thế, phước đức hưởng hết rồi ắt trầm luân trong biển khổ. Một mai thọ báo xong lại lấy địa ngục làm nhà. Gương xưa biết bao người, sử sách lưu lại đó, chẳng khiến ta lạnh gáy rùng mình đó ư?

*
  • Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm tăng, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát.
  • Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm. Bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.
  • Truyện một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm. Vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ. Tiếng thanh sắc đẹp nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.
  • Truyện vị cao tăng non Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối. Do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm; Song vì mê quyền quý, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.

Cách tạo Công đức

Khi bạn làm một việc thiện lành, dù bé như hạt cát, tùy nơi dụng tâm mà cảm được quả Công đức hay Phước đức. Hãy lắng lòng thanh tịnh mà nghe đức Phật giảng trong Kinh Địa Tạng:

” Lúc đó Ngài Ðịa Tạng Bồ tát ma ha tát nương oai thần của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chắp tay bạch cùng đức Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sinh trong nghiệp đạo so sánh về sự bố thí có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước trong mười đời. Hoặc đến hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, nghìn đời. Những sự ấy tại làm sao thế? Cúi xin đức Thế Tôn dạy cho”.

Bấy giờ Ðức Phật bảo Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói!”

Ngài Ðịa Tạng Bồ tát bạch cùng Ðức Phật rằng: “Chính con nghi ngờ về việc ấy. Con xin ưa muốn nghe”.

Ðức Phật bảo Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng: “Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn. Hàng đại Trưởng giả, hàng đại Sát Ðế Lợi, hàng đại Bà La Môn v.v…

Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng. Gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế.

*

Lúc các vị Quốc Vương đó v.v… muốn bố thí. Nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình. Tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho. Lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi.

Các vị Quốc Vương, Ðại Thần đó v.v… đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.

Tại làm sao? Chính bởi vị Quốc Vương đó v.v…phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia. Cho nên phước lành được hưởng quả báo như thế này. Trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dùng như y phục đồ uống ăn v.v…

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp chùa tháp thờ Phật. Hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng Bồ tát, Thanh văn hay Bích Chi Phật. Đích thân tự sửa sang, cúng dường bố thí.

Vị Quốc Vương đó, sẽ đặng trong ba kiếp làm vị trời Ðế Thích hưởng sự vui sướng tốt lạ.

*

Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng sinh trong pháp giới. Thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị trời Ðại Phạm Thiên Vương.

Lại thế này nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, nếu có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là kinh điển hay hình tượng bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại.

Vị Quốc Vương đó, hoặc tự mình đích thân lo sửa sang. Hoặc khuyến hóa người khác cho đến khuyến hóa trăm nghìn người khác cùng chung bố thí cúng dường để kết duyên lành.

Vị Quốc Vương đó, trong trăm nghìn đời thường làm Vua Chuyển Luân. Còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ.

Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác. Được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả. Bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.

*

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ. Nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí. Làm cho những kẻ ấy được an vui.

Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được. Trong một trăm kiếp thường làm Vua Trời Tịnh Cư. Trong hai trăm kiếp thường làm Vua sáu từng trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo. Cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo.

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành.

Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Ðề. Thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả. Huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Ðế Thích, Vua Chuyển Luân.

Này Ðịa Tạng Bồ tát, vì thế nên khuyến hóa tất cả chúng sinh đều phải học theo như thế.

*

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được.

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật. Hình tượng Bồ tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường. Thời đặng vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.

Như có thể đem công đức hồi hướng cho cả pháp giới chúng sinh thời phước lợi của người ấy không thể ví dụ thế nào cho được.

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Đại thừa. Hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh. Rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường. Người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên.

Nếu có thể đem phước đức hồi hướng cho khắp pháp giới cho chúng sinh thời phước lợi này không thể ví dụ thế nào cho được.

*

Lại vầy nữa, này Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và kinh điển Đại thừa. Nếu là kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính.

Nếu gặp kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ. Hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm. Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ. Còn vị đàn việt chánh đó thường làm Vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.

Lại vầy nữa, Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật pháp. Hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp. Hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.

*

Những sự lành như thế không luận nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh. Thời công đức của người đó trong nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu.

Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời. Cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.

Này Ðịa Tạng Bồ tát! Những nhơn duyên công đức về sự bố thí như thế đó.

Sự hư giả và nguy hiểm của Phước đức

Bạn chỉ nên tạo Công đức, bởi Phước đức nguy hại vô cùng. Những bậc Đại nhân hào kiệt, từ Tào Tháo, Tử Lộ, cho đến Thánh nhân như đức Khổng Tử: Dù hưởng phước giàu sang, quyền thế, hay lưu danh muôn kiếp…Rốt lại, cũng chẳng để làm gì. Bởi một khi đã mất thân người, chẳng biết vạn kiếp trôi lăn nơi đâu trong sanh tử.

Ta tay không xuất hiện trên thế gian, chết đi cũng tay không, hết thảy mọi lợi danh chẳng thể mang được gì. Lại từ vô thỉ kiếp đến nay bị nghiệp thiện ác chi phối mà xuống lên trong sáu cõi…Chẳng phải là chán mỏi lắm ư?

Nguyện người đọc hữu duyên xem bài luận sau của Tổ Ấn Quang mà ngẫm sự vô thường của kiếp nhân sinh. Rồi hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh, hoặc trì chú; Lại phát nguyện nương nơi Bản nguyện của đức Phật A Di Đà, vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi….

*

“Cái rộng, dày, cao, sáng nhất trong thế gian không gì bằng trời, đất, nhật, nguyệt; Nhưng mặt trời chính ngọ rồi phải xế bóng, trăng tròn rồi phải khuyết; Bờ cao sụp thành hang, hang sâu đùn thành gò; Biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh.

Xưa nay, bậc đạo cao đức trọng không ai bằng Khổng Tử, vẫn bị tuyệt lương ở đất Trần, bị hãm nơi đất Khuông, chu du các nước, chẳng gặp được vua hiền; chỉ có một đứa con, tuổi vừa năm mươi đã chết mất, may còn một cháu để duy trì dòng dõi. Từ đấy tính xuống, Nhan Uyên đoản mạng, Nhiễm Bá Ngưu cũng đoản mạng, Tử Hạ bị mù, Tả Khâu Minh cũng bị mù, Khuất Nguyên trầm mình dưới sông

(Khuất Nguyên tận trung bị gian thần sàm tấu. Về sau vì Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt giữ. Ông khôn ngăn phẫn uất, nhưng chẳng làm gì được bèn tự trầm nơi sông Mịch La vào ngày mồng Năm tháng Năm), Tử Lộ bị bằm nát như tương (Tử Lộ làm quan ở nước Vệ. Vệ Khoái Công hồ đồ bị con giành ngôi, Tử Lộ tử nạn, bị địch quân bằm nát nhừ).

Trời, đất, nhật, nguyệt còn chẳng thể thường hằng bất biến; đại thánh, đại hiền cũng chẳng thể chỉ gặp toàn thuận lợi chẳng có nghịch cảnh; chỉ những ai biết vui theo mạng trời, dù gặp cảnh ngộ nào cũng đều an vui cả; thế nhưng mấy trăm ngàn năm sau, từ thiên tử cho đến thứ dân không ai là chẳng kính ngưỡng những vị ấy.

*

Nếu cứ dựa trên tình cảnh khi ấy mà luận, tựa hồ họ chẳng có phước báo gì; Nhưng nếu dựa trên đạo hạnh lưu truyền hậu thế để luận, ai có phước hơn nổi những vị ấy chăng? Người sanh trong cõi đời ngàn tính vạn toán làm đủ mọi chuyện xét đến cùng cực chẳng qua chỉ để thân mình no ấm, con cháu quý hiển mà thôi! Thế nhưng, vải thô cũng che được thân, cần gì phải lượt, là, the, vóc; miệng dùng rau dưa cho qua bữa, cần gì phải cá, thịt, hải sản? Con cháu thì hoặc đọc sách, hoặc cấy cày, hoặc buôn bán để tự nuôi thân, cần gì phải giàu đến trăm vạn?

Vả những kẻ mưu tính sao cho con cháu được giàu sang đến vạn đời, chắc không ai hơn được Tần Thủy Hoàng! Vua Tần thôn tính sáu nước, đốt sách, chôn Nho sĩ; Thâu binh khí trong thiên hạ đúc thành chuông lớn…Không điều nào chẳng nhằm mục đích khiến dân ngu yếu chẳng thể làm loạn được. Nào ngờ Trần Thiệp vừa đứng lên, quần hùng đua nhau nổi dậy. Họ Tần nhất thống sơn hà chưa quá mười hai, mười ba năm, thân đã diệt, nước đã mất, con cháu bị tru lục hết sạch; Khác nào cắt cỏ nhổ tận rễ, không còn chút gì nữa!

Muốn cho con cháu được an lạc, hóa ra lại khiến chúng mau bị chết sạch hết cả. Tào Tháo làm Thừa Tướng thời Hán Hiến Đế, chuyên quyền, bất cứ điều gì hắn làm không ngoài mục đích giảm thế lực của vua, tăng oai quyền cho mình, mong sau khi mình chết đi, con mình sẽ xưng đế.

*

Tháo vừa chết đi, Tào Phi liền soán ngôi. Thây cha chưa liệm, Phi đã chuyển hết các phi tần của cha sang cung mình. Tào Tháo chết đi, đọa mãi trong ác đạo hơn một ngàn bốn trăm năm. Đến đời vua Càn Long nhà Thanh, ở Tô Châu có kẻ mổ heo, thấy trên gan phổi heo có hai chữ Tào Tháo. Có kẻ láng giềng trông thấy, sanh lòng hoảng sợ lớn, liền xuất gia, pháp danh là Phật An. Về sau nhất tâm niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương. Việc này có ghi trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục.

Tào Tháo phí sạch tâm cơ mưu tính cho con cháu. Tuy con hắn được làm hoàng đế, nhưng chỉ ở ngôi được bốn mươi lăm năm liền bị diệt quốc. Hằng ngày lại còn phải đánh nhau với Đông Ngô và Tây Thục, có bao giờ được hưởng một ngày an vui đâu?

Tiếp đó, hai nhà Tấn (Tây Tấn và Đông Tấn), Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy và các nhà Lương, Đường, Tấn, Hán, Châu thời Ngũ Đại đều chẳng thường gặp trường cửu. Tựu trung nhà Đông Tấn tồn tại lâu dài nhất, nhưng chỉ được một trăm lẻ ba năm. Các triều khác thì hoặc là hai, ba năm; Hoặc tám chín năm, mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm rồi liền diệt vong. Đây mới chỉ kể những triều đại chánh thống. Còn như những kẻ chiếm càn lãnh thổ, ngụy xưng vương triều; Số ấy nhiều lắm, tồn tại còn ngắn ngủi hơn nữa.

*

Xét cái tâm thuở đầu của họ, không ai là chẳng muốn cho con cháu được an lạc, phú quý, tôn vinh; Xét đến kết quả thực sự: Lại khiến cho con cháu càng mau gặp phải kiếp nạn, bị tru lục, diệt môn tuyệt tộc. Dù quý như thiên tử giàu có như bốn biển, vẫn chẳng thể giữ cho con cháu đời đời hưởng phước, huống chi kẻ phàm phu trơ trụi? Từ vô lượng kiếp đến nay, những ác nghiệp đã tạo còn dày hơn đại địa, sâu hơn biển cả. Có ai dám đảm bảo gia đạo thường hưng thạnh, chỉ có phước không tai ương chăng?(Ấn Quang Văn Sao)

(Luận về Công đức và Phước đức)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư hỗ trợ 1.000 phần quà đến bà con vùng bão lụt tại Thái Nguyên, Yên Bái

14 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog