Chú Đại Bi là một báu vật vô giá của Phật pháp, dành cho cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Bởi là một “siêu tốc thánh địa Đà ra ni”, nên sức phá nghiệp chướng của chú Đại Bi là vô cùng vô tận. Lại bởi” được mười phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt. Ngay đến cả tội cực nặng, không thể sám hối, như Ngũ nghịch cũng được tiêu trừ
- Chú Đại Bi giảng giải
- Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
- Cảnh tỉnh về tu tập 42 Thủ nhãn Ấn pháp
- Kinh Địa Tạng.
- Chú Đại Bi Linh nhiệm mầu.
- Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Có nhiều trang web đã đăng tải Chú Đại Bi. Tuệ Tâm thoạt đầu cũng không định đăng lên, nhưng rồi vẫn quyết định đăng tải bởi bốn điều quan trọng:
*
- Tất cả các bản Chú Đại bi được lưu hành và trì tụng tại Việt Nam đều bị thiếu mất câu: “Na ma bà tát đa“. Thần chú là bí mật của Chư Phật. Khi trì tụng mà thiếu một câu thì thật vô cùng đáng tiếc! Câu này được Hòa Thượng Tuyên Hóa bổ sung trong “Chú Đại Bi giảng giải”.
- Hầu hết người trì tụng đều không biết đến “Đại Bi Ấn”.
- Một số bản Chú Đại Bi dạng PDF và trực tiếp trên web. Do lỗi biên tập mà thiếu mất câu chú “ma ha phạt xà da đế“.
- Nhiều người bởi phân vân chuyện “tụng chú Đại Bi bằng tiếng Phạn hay tiếng Việt tốt hơn”. Phạm vào điều tối kỵ khi tụng chú, chẳng được hưởng sự thanh lương nơi giáo pháp của Như Lai.( Bạn xem rõ hơn ở dưới).
*
- Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
- Nam mô hắc ra đát na, đá ra dạ da.
- Nam mô a rị da
- Bà lô Yết đế thước bát ra da
- Bồ đề tát đỏa bà da.
- Ma ha tát đỏa bà da
- Ma ha ca lô ni ca da.
- Án
- Tát bàn ra phạt duệ
- Số đát na đát tỏa.
- Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da
- Bà lô Yết đế, thất Phật ra lăng đà bà.
- Nam mô na ra cẩn trì
- Hê rị, ma ha bàn đa sa mế
- Tát bà a tha đậu du bằng
- A thệ dựng.
- Tát bà tát đa, na ma bà tát đa, na ma bà đà
- Ma phạt đặc đậu
- Đát điệt tha, Án
- A bà lô hê
- Lô ca đế
- Ca ra đế.
- Di hê rị
- Ma ha bồ đề tát đỏa
- Tát bà tát bà
- Ma ra ma ra
- Ma hê ma hê, rị đà dựng.
- Cu lô cu lô kiết mông
- Độ lô độ lô phạt xà da đế
- Ma ha phạt xà da đế.
- Đà ra đà ra
- Địa rị ni
- Thất Phật ra da
- Giá ra giá ra.
- Ma mạ phạt ma ra
- Mục đế lệ
- Y hê y hê
- Thất na thất na.
- A ra sâm Phật ra xá lợi
- Phạt sa phạt sâm
- Phật ra xá da.
*
- Hô lô hô lô ma ra
- Hô lô hô lô hê rị
- Ta ra ta ra.
- Tất rị tất rị
- Tô rô tô rô
- Bồ đề dạ, bồ đề dạ.
- Bồ đà dạ, bồ đà dạ
- Di đế rị dạ
- Na ra cẩn trì
- Địa rị sắt ni na.
- Ba dạ ma na
- Ta bà ha
- Tất đà dạ
- Ta bà ha.
- Ma ha tất đà dạ
- Ta bà ha.
- Tất đà du nghệ
- Thất bàn ra dạ
- Ta bà ha.
- Na ra cẩn trì
- Ta bà ha.
- Ma ra na ra
- Ta bà ha.
- Tất ra tăng a mục khư da
- Ta bà ha.
- Ta bà ma ha, a tất đà dạ
- Ta bà ha.
- Giả kiết ra a tất đà dạ
- Ta bà ha.
- Ba đà ma kiết tất đà dạ
- Ta bà ha.
- Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ
- Ta bà ha.
- Ma bà rị thắng yết ra dạ
- Ta bà ha.
- Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.
- Nam mô a rị da
- Bà lô kiết đế
- Thước bàn ra dạ
- Ta bà ha.
- Án tất điện đô
- Mạn đa ra
- Bạt đà dạ.
- Ta bà ha.
Chú Đại Bi: Kiết Đại Bi Ấn
Bạn nếu tụng Chú Đại Bi đã nhuần nhuyễn thì cũng nên biết kiết “Ấn Chú Đại Bi”. Theo Quán Thế Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, được Tổ Ấn Quang giám định: Trúc Lý Lão Nhân Hà Nhị Như thường tụng chú Đại Bi. Một hôm con gái và đầy tớ cùng mộng thấy trên đỉnh đầu ông ta phóng quang. Trong quang minh có người râu đỏ và cô gái xõa tóc, bảo hãy cùng ngồi lên lưng sư tử đi gặp Phật, nói: “Cha ngươi chưa biết ấn quyết, ngươi hãy truyền lại:
Tụng chú thì chắp hai tay lại, hai ngón cái đan vào nhau, ngón cái bên phải bấm vào gốc ngón trỏ bên trái, ngón cái bên trái thì áp lên đốt ngón trỏ bên phải. Đó gọi là Đại Bi Ấn.
Tụng chú đến chữ Sa-bà-ha lần thứ nhất thì ngón út từ từ tách ra. Từ đó trở đi, mỗi khi tụng đến chữ Sa-bà-ha thì lần lượt ngón vô danh (ngón đeo nhẫn), ngón giữa, ngón trỏ từ từ tách ra. Đến câu chú kết thúc là “nam-mô hát-ra-đát-na” thì tréo hai ngón giữa lại, co ngón giữa bên phải gác lên mép ngoài ngón giữa bên trái, ngón giữa bên trái áp lên mép trong ngón giữa bên phải.
Tụng đến câu “nam-mô A-rị-da” hai ngón giữa giao nhau, co ngón giữa bên phải gác lên mép ngoài ngón giữa bên trái, ngón giữa bên trái áp lên mép trong ngón giữa bên phải. Tụng đến câu “sa-bà-ha kiết-đế” hai tay chắp chặt lại như lúc ban đầu. Đấy là ấn quyết Đại Bi”.
Chú Đại Bi: Bản chú đầy đủ vô cùng quan trọng!
Tôi tụng chú Đại Bi cũng nhiều năm. Về sau đọc “Chú Đại Bi giảng giải” của Tuyên Hóa Thượng Nhân( Ngài là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát) mới biết rằng trước nay mình tụng bị thiếu một câu. Lúc đầu tôi cũng không lưu ý lắm, vì nghĩ rằng: Tụng chú cốt ở sự nhuần nhuyễn và thanh tịnh. Nhưng về sau duyên đọc Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni mới biết sự sai lầm của mình. Nay xin trích đăng lại để bạn đọc cùng hiểu rằng: Bản chú đầy đủ vô cùng quan trọng trong tụng đọc:
“…Trong niên hiệu Khai Nguyên, có vị cư sĩ tinh tu ở non Ngũ Đài. Người thường gọi là Vương Sơn Nhơn, cũng trì tụng chú này. Sau vì cầu siêu cho cha, ông tụng chú đến vài mươi muôn biến, cầu xin được biết nghiệp báo lành dữ và chỗ sanh của phụ thân. Nhưng kết cuộc không thấy chi, ông thối tâm muốn ra khỏi núi. Bỗng gặp một lão nhơn đón lại, bảo: “Hiền giả tụng trì thật là cần mẫn. Nhưng vì cách Phật lâu xa, văn cú thất lạc, thiếu sót nhiều. Nên không mau được ứng nghiệm. Nay gặp nhau đây, tôi xin truyền lại toàn bản của thần chú”.
*
Vương Sơn Nhơn mời về đảnh lễ và thọ pháp. Lão nhơn dạy: “Hiền giả tụng chú bản này độ một ngàn biến sẽ thấy hiệu lực”. Cư sĩ trì niệm y theo lời. Vài hôm sau lúc ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọc hoàn bội khua thanh thao, giọng tiêu cầm dìu dặt, lần lần giáng xuống trước sân nhà. Cư sĩ kinh lạ bước ra xem, thấy mấy mươi thiên nhơn vây quanh ủng hộ một vị thiên tiên tướng mạo siêu phàm đi đến.
Vị thiên tiên hỏi: “Người biết ta chăng?”
Cư sĩ thưa: “Kẻ dung phàm này mới được hân hạnh diện kiến”.
Thiên tiên nói: “Ta là phụ thân của người. Năm rồi người trì tụng Tôn Thắng đà ra ni, ta được nhờ phước lực sanh lên cõi trời. Mấy hôm nay, y phước lại tăng gấp bội hơn trước, ta được làm vua trong hàng thiên tiên. Bản chú ngươi vừa trì tụng công hiệu thật không thể nghĩ bàn!” Nói xong, tất cả đồng bay về thượng giới. Cư sĩ vui mừng, cúi lạy tiễn đưa. Từ đó về sau càng thêm tinh tấn.
*
Cũng vào thời đó, tại Đông Đô có ông Vương Thiếu Phủ tụng chú Tôn Thắng theo bản của ngài Phật Đà Ba Lỵ đã vài muôn biến. Một đêm, ông mộng thấy vị Phạn tăng đi đến bảo: “Nhơn giả tụng niệm rất tinh thành, nhưng tiếc vì chú văn còn thiếu, nên công hiệu kém!”
Thiếu Phủ đảnh lễ cầu thỉnh bản chú văn đầy đủ. Phạm tăng từ bi chấp thuận, khẩu truyền từng câu chân ngôn. Sau khi đã thông thuộc tất cả, ông bái tạ đưa vị Phạm tăng ra khỏi cửa, nhìn qua trời sáng như ban ngày. Thiếu Phủ trở vào nhà thấy tôi tớ còn đang nằm ngủ. Vừa lúc ông chợt tỉnh giấc, vội gọi kẻ đồng bộc trách bảo trời đã sáng sao chưa thức dậy? Chúng đáp rằng mới vừa nửa đêm. Lúc ấy ánh sáng bỗng tắt, trở lại đêm tối như cũ.
Thiếu Phủ nhớ cơn thần mộng, lấy làm lạ, nhắm mắt tụng thần chú mấy biến thấy vẫn thông suốt. Từ đó, ông y theo khẩu truyền của vị Phạm tăng mà thọ trì.
*
Trong niên hiệu Thiên Bảo năm đầu, Thiếu Phủ đang nằm nơi tư thất, chợt tắt hơi. Vì nơi ngực còn ấm, người nhà không dám tẩm liệm. Đến 7 hôm sau, ông bỗng sống lại. Lúc ấy, kẻ háo sự trong thành bảo nhau đến hỏi về duyên cớ tái sanh. Tiếng đồn lan ra, Vương Khai Sĩ và Vương Sơn Nhơn lúc ấy ở Đông Đô không quen biết nhau, cũng đồng đến thăm viếng. Trước mặt các quan khách, Vương Thiếu Phủ trần thuật như sau:
– Tôi vừa nằm nghỉ, chợt hôn mê, thấy có 2 sứ giả đến dẫn đem đi. Được vài mươi dặm, đến một gốc đại thọ, 2 sứ giả dùng lại tạm nghỉ, tôi cũng ngồi xuống theo. Bỗng nhớ tới chú Tôn Thắng, tôi liền nhắm mắt tụng luôn 21 biến. Lúc mở mắt nhìn quanh, không thấy 2 sứ giả đâu cả. Giây lát, có 4 vị khác đi đến quỳ thưa rằng: “Không biết ngài tu theo diệu pháp nào, khiến cho 2 sứ giả dẫn độ đều được sanh lên cõi trời?”
Tôi đáp: “Tệ nhơn chỉ tụng Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni”.
Bốn vị ấy cầu thỉnh: “Xin ngài vì chúng đệ tử tụng trì, cứu vớt cho khỏi vòng khổ nạn!”
Tôi cũng nhắm mắt tụng 21 biến, lúc mở mắt ra, lại không thấy bốn vị đó.
*
Khoảnh khắc giữa hư không, có tiếng binh đao; Một vị thần mặc tử bào, mang giáp trụ, quân thị vệ đông đảo, đến trước quỳ thưa rằng: “Tôi là thần Ngũ Đạo Minh Ty, địa vị tuy tôn quý, nhưng vẫn còn nhiếp về thần đạo. Sáu vị kia nhờ pháp lực của ngài, đều được sanh lên cõi trời. Xin mời ngài hạ cố đến tệ cư trì tụng, khiến cho đệ tử và chúng sanh nơi đó được nhờ phước ấm, đồng sanh lên thiên giới”.
Theo vị thần, tôi đi đến một khu thành quách to rộng, chu vi ước độ vài mươi dặm. Trong thành có rất đông tội nhơn, mang gông xiềng họp lại nơi sân rộng trước cung điện, có lẽ đang chờ khảo tra xử phạt. Vị thần dạy quân bày tòa cao đẹp, làm lễ thỉnh tôi lên ngồi, còn chính mình quỳ nơi trước, phía dưới, chắp tay lắng nghe. Tôi liền định tâm chí thành tụng đủ 49 biến. Khi mở mắt ra nhìn bốn bề không thấy một ai cả, chỉ có gông xiềng đứt nát nằm ngổn ngang chung quanh.
Còn đang kinh ngạc, bỗng có 4 sứ giả đến bảo tôi rằng: “Đức vua dạy mời ông đi nơi khác, vì ông đã làm rối loạn, phá hư trật tự chốn minh ty của chúng tôi”.
Kế đó họ đưa tôi vào một hang núi, và tôi được hoàn hồn sống lại. Sự tái sanh này chắc cũng nhờ oai lực không thể nghĩ bàn của Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni.”
Chú Đại Bi 21 Biến – Bản chuẩn đọc tụng tại gia
Chú Đại Bi tiếng Phạn và điều tối kỵ cần tránh.
Phật tử sơ cơ, nhiều người hay có suy nghĩ rằng: Phải tụng chú Đại Bi tiếng phạn mới tốt hơn và nhanh linh ứng. Điều này không đúng! Bởi trong Phật pháp, điều kiện để được cảm ứng gói gọn trong hai chữ Chí Tâm: “Chí tâm là điều quan trọng nhất”. Nếu chí tâm cung kính tụng chú Đại Bi. Dù bạn tụng bằng tiếng nào cũng đều linh nghiệm như nhau, không có sai khác!
Như khi xưa lúc đức Phật còn tại thế. Ngài giảng pháp bằng Phạm âm, mà tất cả pháp giới, từ vô hình đến hữu hình.. Từ Thiên nhân, người, Quỷ thần, Súc sanh, Ngạ quỷ… loài nào nghe cũng đều hiểu hết.
*
Trong kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni. Tổ Thiền Tâm cũng đã giải thích điều này rất rõ, nhưng ít ai để tâm lưu ý. Thành ra vướng phải điều tối kỵ khi tụng chú: Khởi nghi tâm phân biệt hơn kém. Xin hãy đọc kỹ lời Tổ dặn: “Theo trong Hiển Mật Viên Thông, người tu Chân ngôn về sắc trần cần phải rõ rệt. Như quán nước phải ra nước, quán lửa phải ra lửa, chớ không thể khác được.
Riêng về thinh trần thì dù tiếng tăm đọc tụng có trại với Phạm Âm đôi chút cũng không sao. Miễn có lòng tin tưởng chí thành là được công hiệu. Vì thế, từ trước đến nay, hàng Phật tử ở Trung Hoa cho đến VN ta. Khi đọc tụng chú, thật ra đều trại với chánh âm, song vẫn cảm được oai thần công đức không thể nghĩ bàn. Vậy người học Phật, muốn trì chú, đừng lấy điểm này làm nghi, mà mất phần lợi ích.
Cách tụng chú Đại Bi đúng pháp
Trong kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni. Tổ Thiền Tâm có dạy rõ cách tụng Chú Đại Bi đúng pháp. Đây là nói về “cách lập đàn kiết giới tụng niệm để cầu cho được mau hiệu nghiệm. Nếu người thường tụng trì, không bắt buộc phải theo lệ ấy”. Tuy vậy, nếu bạn thường xuyên trì tụng thì trong 2 phương diện này, gắng giữ được phần nào lại càng hay phần đó. Vậy trì chú Đại bi đúng pháp là sao? Trong đây xin chia ra hai phương diện:
1.Về mặt giữ gìn giới hạnh
Người trì chú cần phải giữ trai giới, trừ sát, đạo, dâm, vọng. Kiêng cữ rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi cùng các thức ăn hôi hám. Thân thể thường phải năng tắm gội, thay đổi y phục cho sạch sẽ, chớ để trong người có mùi hôi. Khi đại tiểu xong, phải rửa tay đọc chú. Trước khi trì chú phải súc miệng cho sạch.
Lại nữa, trong thời gian kiết thất trì chú, người ấy chớ nên nói chuyện hí hước tạp nhạp. Không nên khởi tâm hờn giận, hoặc tham tưởng sự ăn uống ngủ nghỉ hay sự dục lạc ngoài đời. Phải giữ lòng thanh tịnh, tin tưởng, thành kính.
2.Về mặt lập đàn tụng niệm
Theo đúng pháp, người trì chú nào phải thờ vị Bổn Tôn của chú ấy. Như trì chú Đại Bi thì phải thờ tượng Thiên Nhãn. Hoặc tượng Quán Âm 24 tay, 18 tay, 8 tay, 4 tay. Hoặc ít lắm là tượng Quán Âm thường cũng được. Nên để tượng day mặt về phương Tây.
Theo quyển Bách Lục Thỉnh Quán Âm Nghi. Nếu có tượng Bổn Sư nên để tượng Thích Ca hướng về phương Nam, tượng Quán Âm hướng về phương Đông. Đàn tràng nên lựa chỗ vắng lặng sạch sẽ. Thường dùng hương, hoa, nước trái cây, cùng các thứ ăn uống cúng dường tôn tượng. Nếu có phương tiện, treo tràng phan, bảo cái lại càng tốt. Thời gian cầu nguyện hoặc 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày nên giữ cho đúng. Trước khi vào đàn, phải kiết giới y như kinh đã chỉ dạy.
*
Trong một ngày đêm, chia ra làm 3, 4 hoặc 6 thời, tụng niệm tiếp tục. Tiếng tụng cần phải rành rẽ, rõ ràng. Ngoài ra, nghi thức lễ bái, trì niệm cũng cần phải biết và học thuộc trước. Trên đây là nói về cách lập đàn kiết giới tụng niệm để cầu cho được mau hiệu nghiệm. Nếu người thường tụng trì, không bắt buộc phải theo lệ ấy. Nhưng trong 2 phương diện trên, gắng giữ được phần nào lại càng hay.
Chú Đại Bi Linh Nghiệm
1. Thanh Biện Luật sư, người xứ Tây Thiên Trúc, sức học uyên bác, rất thâm về vô tướng tông. Các ngoại đạo nghe danh, đến vấn nạn đều bị ngài dùng nghĩa không mà phá tất cả. Có một lần, luận sư gặp một nhà ngoại đạo nổi tiếng là giỏi. Hai bên tranh biện nhau hơn nửa ngày, ngoại đạo bị khuất lý mà vẫn cố chấp không chịu thua. Do đó, tự thân bỗng biến thành đá. Đến 6 tháng sau, nghe sấm nổ mới phục nguyên lại thành người như trước.
Về sau, ngài xem bộ luận về Hữu Tướng Tông của Hộ Pháp Đại Sư. Đem nghĩa học của mình đối chiếu vẫn không phá hoại được, mới than rằng: ‘Nếu không phải đức Di Lặc ra đời, thì ai giải quyết được mối nghi ngờ của ta?’ Nhân đó, ngài đến trước tượng Quán Tự Tại Bồ Tát, tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni 3 năm.
*
Một đêm, đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hiện sắc thân tốt đẹp đến hỏi: ‘Ngươi tụng chú để mong cầu điều chi?’ Luận sư đáp: ‘Con nguyện lưu trụ thân đợi đến lúc Từ Thị Như Lai ra đời để thưa hỏi về giáo nghĩa’. Bồ Tát nói: ‘Thân người mong manh, cõi đời hư huyễn. Sao không tu thắng hạnh cầu mong lên trời Đâu Suất, chẳng là mau gặp gỡ hơn ư?’
Ngài thưa: ‘Đức Di Lặc tuy hiện trụ nơi nội viện cung trời thứ tư, nhưng chưa thành Phật. Vì thế con muốn đợi đến lúc ngài hiện thành chánh giác nơi cõi nhơn gian. Chí con đã quyết định, không thể lay chuyển’.
Bồ tát bảo: ‘Đã như thế, ngươi nên đi qua thành phía nam xứ Đại An Đạt La, thuộc về miền nam Thiên Trúc. Cách đó không xa, có một tòa sơn nham, chính là chỗ ở của thần Chấp Kim Cang. Sau khi đến nơi, ông nên đối trước sơn nham tụng chú Chấp Kim Cang Thần đà ra ni, sẽ được toại nguyện’.
*
Luận sư vâng lời, đi đến nơi, hành trì như thế. 3 năm sau, thần hiện ra và hỏi: ‘Ông cầu nguyện điều chi?’ Đáp : Tôi vưng lời đức Quán Thế Âm Bồ Tát mách bảo, đến đây trì tụng. Nguyện lưu thân này sống mãi đợi đến khi Phật Di Lặc ra đời. Xin tôn thần cho tôi được thành tựu như ý muốn’.
Chấp Kim Cang thần bảo: ‘Trong sơn nham này có cung điện của thần A Tu La. Ông nên gia trì chú Đại Bi trong hạt cải trắng, rồi liệng vào thì cửa đá sẽ mở. Sau khi ấy, ông nên đi thẳng vào trong, sẽ có phương tiện để cho ông trụ thân lâu dài mà chờ đợi’. Luận sư hỏi: “Trong cung động, cách biệt ngoài trần, khi Phật ra đời làm sao tôi được biết?” Thần nói: ‘Chừng ấy, tôi sẽ cho ông hay’.
Ngài Thanh Biện lại y lời, tinh thành tụng chú Đại Bi. Gia trì trong hạt cải 3 năm, rồi liệng vào sơn nham. Bỗng thấy vách đá mở ra, trong ấy hào quang chiếu sáng. Lúc bấy giờ, có rất đông đại chúng tề tựu đến xem, bàn bàn luận luận quên cả trở về. Luận sư tướng trạng an lành, buớc vào cửa đá, rồi day lại nói:
*
‘Tôi nguyện cầu đã lâu, muốn trụ thân này chờ đức Từ Thị ra đời. Nhờ sức thánh linh, bổn nguyện từ đây đã toại. Vậy đại chúng nên theo tôi, để được ngày kia thấy Phật nghe pháp. Trong chúng nghe nói sợ hãi, cho là hang loại độc long, đi vào chắc mất thân mạng. Luận sư đôi ba phen gọi bảo, chỉ có 6 người chịu đi theo mà thôi. Ngài từ tạ rồi dẫn 6 người thong thả đi vào trong, cửa đá liền khép lại.
Lúc ấy đại chúng ở ngoài thấy vậy hết sức hối tiếc, trách mình đã nghĩ nói lỗi lầm. (trích Đường Tây Vực Ký)
2. Nước Ma Già Đà xứ Tây Thiên Trúc, có một người phật tử tại gia, tánh ưa sắc đẹp. Một hôm, nhân xem kinh thấy nói hàng A Tu La, người nam tuy xấu, nhưng người nữ lại xinh tốt tuyệt bậc. Trong lòng sanh niệm mến thích, ước làm sao cùng được kết mối lương duyên. Không bao lâu, lại nghe nhiều vị bảo trong núi nọ có cung điện A Tu La rất nguy nga tráng lệ, báu lạ như thiên cung. Liền quyết tâm trì chú Đại Bi 3 năm, cầu mong được viếng cảnh mầu để thỏa lòng ước nguyện khi trước.
*
3 năm đã mãn, người ấy từ tạ thân hữu, và gọi một tên đệ tử cùng đi theo. Khi thầy trò đi đến trước núi, chí tâm tụng chú cầu nguyện. Bỗng cửa đá vụt mở, trong ấy lộ ra cung điện có quỷ thần canh giữ cực nghiêm. Vị phật tử liền bước đến nói rõ bổn nguyện của mình: Trì chú muốn kết duyên cùng thần nữ A Tu La. Xin nhờ thông báo, và thỉnh ý giùm.
Kẻ giữ cửa vào thưa lại. A Tu La nữ nghe nói tỏ ý vui đẹp, hỏi: Đi đến có mấy người? Đáp: Thưa hai người. Thần nữ bảo: Ngươi ra thuật lại ý ta đã thuận. Thỉnh người trì chú mau vào, còn ông đồng bạn hãy tạm đứng ngoài cửa. Kẻ giữ cửa ra thưa lại, vị Phật tử liền đi vào trong.
Nhìn theo thầy mình đi rồi, người đệ tử còn đang bàng hoàng, bất giác bỗng tự thấy đã trở về đứng ở phía nam của nhà mình hồi nào không hay. Từ ấy về sau, ông này đã mấy lần đến chỗ cũ, song chỉ thấy vách đá đứng sững. Mây khói mịt mù, không còn được nghe biết tin tức gì bên trong nữa. Nhân đó, người đệ tử phát tâm lìa nhà tu hành, nguyện trọn đời ở nơi già lam cúng dường ngôi Tam bảo.
*
Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ du học, đến trụ ở chùa Na Lan Đà, nghe chính người đệ tử này thuật chuyện lại (trích Tây Quốc Chí).
3. Đời nhà Tống, Huệ Tài pháp sư, người huyện Lạc Thanh, đất Vĩnh Gia. Xuất gia hồi thuở còn bé. Sau khi thọ đại giới, ngài đi tham học nhiều nơi mà không thông hiểu. Tự hận mình nghiệp chướng sâu dày, pháp sư thường tụng chú Đại Bi cầu cho được trí huệ. Hành trì đã lâu, một đêm ngài nằm mộng thấy một vị phạm tăng cao vài trượng, cởi áo ca sa đắp lên mình. Sau khi thức dậy, pháp sư thấy tâm trí tỏ sáng. Những kinh nghĩa đã nghe từ trước đến giờ, một lúc đều nhớ rõ ràng thông suốt.
Về sau, ngài tham yết Từ Vân Sám chủ, hằng theo phục dịch gần bên, chỗ giải ngộ càng thêm sâu sắc. Niên hiệu Trị Bình năm đầu, ngài trụ ở Pháp Huệ bảo các, được vua tứ hiệu Quảng Từ. Không bao lâu, pháp sư lại thối cư về ở bên tháp Lôi Phong, tinh tu về môn Tịnh Độ.
Ngài thường đứng co một chân trì chú Đại Bi 108 biến, lấy đó làm thường khóa. Lại đứng dở chân 1 ngày 1 đêm niệm thánh hiệu Di Đà. Một đêm, pháp sư mộng thấy mình đến chỗ cảnh giới sáng suốt, nhiều cung điện lâu các trang nghiêm, có người bảo: ‘Tịnh độ trung phẩm là nơi thác sanh của ông’.
*
Mùa xuân niên hiệu Nguyên Phong năm đầu, ngài vì hàng đạo tục ngàn người, truyền giới ở Lôi Phong. Khi vừa mớì làm phép yết ma, nơi đỉnh tượng đức Quán Thế Âm bỗng phóng ánh sáng rực rỡ, đèn đuốc cùng ánh mặt trời thảy đều lu mờ. Ngài Thủ Nhứt Thiền Sư ở chùa Tịnh Từ vì đó làm bài Giới Quang Ký. Ngày 21 tháng 5 niên hiệu Nguyên Phong thứ 6. Pháp sư tắm gội thay y phục lên giảng tòa, đề bài kệ khen Phật, rồi bảo đại chúng: ‘Ta chắc chắn được sanh về Tịnh Độ’, nói xong, ngồi yên lặng mà tịch, thọ được 86 tuổi. (trích Phật Tổ Thống Ký)
4. Đời nhà Thanh, Ngô doãn Thăng người ở Huy Châu, huyện Hấp. Lúc tuổi trẻ thường qua lại buôn bán ở 2 châu Tô, Hàng. Một hôm, nhân có dịp đi qua Hồ Khâu, tình cờ gặp vị tăng đang hóa trai. Vị này nhìn chăm chú vào mặt ông một lúc lâu rồi nói: Ngươi cũng có căn lành, nhưng tiếc vì đến lúc 29 tuổi bị nạn chết đắm. Biết làm sao? Doãn Thăng sợ quá, cầu phương pháp giải thoát. Vị tăng trầm ngâm giây phút rồi bảo: Từ đây về sau, ngươi nên giới sát, phóng sanh, niệm Phật và trì chú Đại Bi, may ra có thể khỏi được.
*
Ngô Doãn Thăng y lời, về nhà trì chú, niệm Phật và thường lấy đó khuyên người. Qua năm 29 tuổi, ông thuê thuyền từ Hàng Châu về quê quán, bạn đồng hành có 16 người. Thuyền ra đi được vài mươi dặm, bỗng gió to sóng lớn nổi lên, thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị tăng nói khi trước, vội vã chắp tay tụng chú, niệm Phật. Giây phút thuyền chìm, tất cả người đi trong ấy đều bị sóng gió trôi giạt.
Trong lúc hôn mê, ông bỗng nghe tiếng nói: Ngô Doãn Thăng có công trì chú niệm Phật và khuyên người, được khỏi tai nạn này! Mở mắt tỉnh ra, nhìn xung quanh, ông thấy mình đã được dân chài lưới vớt lên bờ. Y phục ướt đẫm, mũ giày đều bị nước cuốn đi mất. Duy nơi tay còn cầm chắc xâu chuỗi 18 hột thường dùng để tụng niệm hằng ngày. Hỏi ra, thì 16 người kia đã bị nước cuốn đi không tìm thấy tung tích.
Từ đó về sau, ông tin tưởng công đức niệm phật, trì chú không thể nghĩ bàn. Từng dùng hương viên đốt nơi cánh tay thành bốn chữ ‘cầu sanh Tây phương’. Khi gặp ai ông cũng nói lý nhân quả, khuyên việc tu hành. Có được tiền, ông làm những công đức: Tạo tượng, cất chùa, phóng sanh, bố thí, cùng các việc phước thiện khác.
*
Danh lành của ông càng lúc càng truyền xa, cho đến tại vùng Hàng châu. Tên Ngô Doãn Thăng đàn bà, trẻ con đều biết. Ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ 9. Khi lâm chung, ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: ‘Tôi thấy vô số Bồ Tát đi kinh hành ở trước mặt tôi. Nói xong, ngồi yên mà qua đời, năm đó ông được 66 tuổi (trích Nhiễn Hương Tục Tập).
5.Thời Trung Hoa Dân Quốc, ở Thai Châu có vị tăng hiệu Thích Kim Trược. Xuất gia nơi chùa Diên Thọ hồi 8 tuổi, đến 20 tuổi. Thọ đại giới tại chùa Quốc Thanh. Trên đường tu hành, vị đại đức thầy thế độ của ông, chỉ khuyên tụng chú Đại Bi và trì thánh hiệu Quán Thế Âm. Y lời mỗi ngày sư tụng chú Đại Bi 48 biến, ngoài ra chỉ chuyên tâm niệm thánh hiệu không cho gián đoạn.
Trì tụng lâu ngày, những thói quen trần nhiễm lúc trước lần lần tiêu mòn, tâm tánh lần lần tỉnh sáng. Ông xem danh lợi cuộc đời như mây bay bọt nước. Sư thường vì người trị bịnh rất là hiệu nghiệm, nhưng không thọ tiền thù đáp. Có nhiều kẻ cầu hỏi xin truyền cho phương pháp, ông bảo: ‘Tôi chỉ trì chú Đại Bi và niệm Quán Thế Âm mà thôi’.
*
Trong năm Mậu Thìn (dân quốc), sư trụ ở một am nhỏ, ban đêm bị ăn cướp vào khảo tiền. Sau khi chúng xét khắp am, thấy không có chi. Chúng nổi giận, đâm ông một dao ở tay mặt và hai dao ở bên trán. Thương thế tuy nặng, nhưng sư không chết. Vết đâm cũng dần lành, để lại ba dấu thẹo lớn ăn sâu vào. Đây cũng là nghiệp trái nhiều kiếp, do công đức trì niệm, nên chuyển quả báo nặng thành ra quả nhẹ ở hiện đời.
Mùa hạ năm Kỷ Tị, sư đến Ninh Ba định an cư ở chùa A Dục Vương. Vì số dự chúng đã đủ, mấy lần xin gia nhập, cũng không được hứa nhận. Chưa biết sẽ đi về đâu, ông ngồi tĩnh tọa trọn nửa ngày, không có lời hờn trách, sắc oán hận. Vị giám tự tăng thấy thế, đưa sư đến tạm ở nơi Dưỡng tâm đường.
Ngày mãn hạ, vị tăng quản đường lại theo quy lệ, không cho ở. Sư bảo: ‘Chẳng bao lâu tôi sẽ sanh về Tây phương, xin từ bi cho tôi lưu lại trong một thời gian ngắn nữa’.
*
Đến ngày 19 tháng 10, sư nói với đại chúng rằng: ‘Trong vòng 3 hôm nữa, tôi sẽ thoát ly biển khổ, sanh về Cực Lạc. Xin khuyên bạn đồng tu thành tâm trì chú niệm Phật hoặc niệm Quán Âm, quyết định sẽ được vãng sanh. Vì Phật không bao giờ nói dối’. Lại bảo đức Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm đài bạc thường hiện ở trước tôi. Chúng cho là lời nói phô, tỏ vẻ không tin.
Qua ngày 21, trước giờ ngọ, sư đắp y lên chánh điện lễ Phật. Lại đến trước vị tăng quản đường từ tạ, nói sau giờ ngọ thời mình sẽ vãng sanh. Lúc ấy, mọi người còn cho là lời nói dối. Đến giờ ngọ, sư cùng đại chúng thọ trai, ăn đủ hai chén như mọi ngày không giảm. Lại bảo bạn đồng liêu rằng: ‘Theo quy lệ của nhà chùa, người chết đưa thi hài vào núi sâu, tiền công khiêng đi phải bốn giác. Nay tôi không có vật chi, chỉ còn đôi dép, xin phụng tặng, nhờ thầy lo liệu giùm việc ấy’. Quả nhiên, sau thời ngọ một giờ, sư ngồi day mặt về Tây, an ổn mà hóa. (trích Du Huệ Úc Sao Tập)
6. Ấn Quang đại sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa. Thuở sanh bình, hết sức tự tu và hoằng hóa pháp môn tịnh độ. Thường khóa của ngài ngoài thời niệm Phật chánh thức, lại kiêm trì chú Đại Bi. Đại sư tu hành tinh tấn, sức từ bi cảm hóa đến hàng dị loại.
*
Năm Dân quốc thứ 19, ngài trụ ở chùa Báo Quốc, tại Thái Bình. Trong tịnh thất, bỗng sanh ra vô số rệp, nhiều cho đến nỗi nó bò lên song cửa, trên mặt bàn. Có mấy vị đệ tử lo nghĩ đại sư già cả, không kham chịu sự quấy nhiễu, đôi ba phen xin vào trong thất dọn bắt.
Ngài không cho và bảo: ‘Việc này chỉ trách mình kém đạo đức mà thôi. Thuở xưa một vị cao tăng cũng bị loài rệp phá rối, chịu không kham. Quở bảo nó phải dời đi nơi khác, chúng liền đem nhau bò đi. Nay ta tu trì bất lực, nên không được sự cảm ứng như thế, lại còn nói gì?’ Rồi đại sư vẫn an nhiên mà ở, không để ý đến. Ít lâu sau, loài rệp bỗng nhiên tuyệt tích, ngài cũng không nói cho ai biết.
Lúc ấy, gần tiết Đoan Ngọ, Đức Sum pháp sư chợt nhớ đến việc trước hỏi thăm. Ngài bảo: ‘đã đi hết từ lâu, không còn con nào nữa’. Pháp sư cho là ngài lớn tuổi, mắt mờ yếu nên không thấy, quyết ý xin vào trong xem lại, quả nhiên chúng đã đi đâu hết sạch. Hay là nó cũng vì ngài dời chỗ ư?
*
Đại sư thường gia trì chú Đại Bi vào nước, gạo hoặc tro sạch để cứu những chứng bịnh mà các y sư đều bó tay. Hiệu nghiệm lạ lùng! Một ngày, nơi lầu Tàng Kinh của chùa phát hiện ra vô số mối trắng. Đại sư ở trong thất, nghe nói, liền trì chú vào nước bảo rưới lên chú nguyện. Loài mối cũng kéo nhau đi mất. Những đệ tử ở xa bị bịnh dây dưa không hết, ngài khuyên nên trì chú vào gạo nấu ăn cho đến chừng nào hết bịnh mới thôi.
Phương pháp đó gọi là Đại Bi Phạn. Cách nấu cơm, theo đại sư, nên khéo nấu gạo nước cho vừa chừng, đừng đổ nước nhiều rồi chắt ra, vì như thế đã hao củi lại mất chất bổ trong cơm, làm phí phạm của tiền mà tổn phước.
Thuở còn nhỏ, ngài hay đau yếu, có người giỏi về tướng pháp cho rằng chỉ thọ đến 38 tuổi là cùng. Nhưng sau đại sư sống khoẻ mạnh đến 80 tuổi mới vãng sanh. Người chí tâm tu niệm hay cải đổi số mạng. Việc ấy quả có như thế ư? (trích Ấn Quang Đại Sư truyện ký).
Về phiên dịch chú Đại Bi
Phiên dịch và giảng chú Đại Bi, cổ kim đến nay duy chỉ có một người thực hiện, đó chính là một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài Tuyên Hóa Thượng Nhân. Nếu đủ nhân duyên, sau này Tuệ Tâm sẽ đăng quyển chú giải này lên cho người hữu duyên tham học.
Về phiên dịch chú Đại Bi, theo Tổ Thiền Tâm thì từ trước đến nay, chú ngữ không phiên dịch vì 5 duyên cớ:
1. Vì tâm niệm bí mật nên không phiên dịch.
Như chúng sanh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành kính mà niệm chú. Tất sẽ khế hợp với chân tâm của Phật, Bồ Tát mà được cảm ứng. Nếu biết nghĩa lý thì dễ sanh niệm phân biệt, cho đoạn này nghĩa như vầy, đoạn kia nghĩa như thế, kết cuộc vẫn ở trong vòng vọng tưởng, làm sao thông cảm với Phật tâm?
2. Vì nghĩa lý bí mật nên không phiên dịch.
Trong một chữ chân ngôn có nhiều nghĩa, nếu dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia. Không được toàn vẹn. Thí dụ, riêng một chữ A đã hàm súc những nghĩa như bất sanh, bất diệt, không, căn bản, chân thể, và nhiều nghĩa khác nữa.
3. Vì danh tự bí mật nên không phiên dịch:
Nhiều chữ trong chân ngôn, hoặc chỉ cho danh hiệu Phật, Bồ Tát, Thiên, Long, Quỷ Thần, như chữ Hồng gồm 4 chữ Hạ, A, Ô, Ma hiệp thành, chỉ cho chủng tử của chư thiên. Hoặc có thứ ở phương này không có, như danh từ Diêm Phù thọ chẳng hạn.
4. Vì âm thanh bí mật nên không phiên dịch:
Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên có sức linh động, nên để nguyên âm. Thí dụ: câu tô rô tô rô là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi xuống. Hoặc như chữ Án (Aum), đọc lên có năng lực thầm kín, làm rung chuyển không gian. Hay như chữ Ta Bà Ha (svaha) có sức truyền cảm như một sắc lịnh. Lại có nhiều danh từ nguyên chữ Phạn sẵn từ trước đến nay, vì thuận theo xưa, nên không dịch ra.
5. Vì sự sanh thiện bí mật nên không phiên dịch:
Như danh từ bát nhã, người đọc lên sanh lòng tin tưởng, phát ra niệm lành. Nếu dịch là trí huệ thì sanh lòng khinh thường, không quí trọng. Trên đây là những nguyên nhân vì sao chú ngữ không dịch ra, chớ chẳng phải là không có ý nghĩa. Người học Phật phải nên xét nghĩ, chớ vội theo chỗ thấy hiểu cạn hẹp của mình, sanh lòng khinh mạn mà mang tội. Lại trong kinh có câu: ‘Nếu tụng trì đúng pháp, tự nhiên sẽ được hiệu quả’.
Chúng sanh căn cơ, tâm bịnh, sở thích vô cùng. Giáo môn của Phật, Bồ Tát cũng chia ra vô lượng, dịch ra quyển này. Tôi chỉ kính vâng theo bi nguyện của chư Phật, Bồ Tát, và thuận với sự mong cầu, thích hợp của hành nhơn mà thôi. Nếu vị nào lấy tâm Bồ Đề làm nhân, tùy theo chí nguyện, lựa một pháp môn tu đều có thể giải thoát.
*
Nhưng, chúng sanh đời mạt pháp, phần nhiều là hàng trung, hạ, ít có bậc thượng căn. Cần nương nhờ nơi tha lực mới mong được kết quả chắc chắn. Tịnh tông và Mật Tông đều thuộc về tha lực pháp môn, mà Tịnh tông lại là chỗ quy túc cho các tông khác.
Nguyện xin các đồng nhơn, từ đây dứt dữ làm lành, tin sâu lý nhân quả. Rồi hoặc chuyên niệm Phật. Hoặc lấy niệm Phật làm chánh, tụng kinh, trì chú, tham thiền làm trợ, để tự tu và khuyên người. Như thế mới là mưu hạnh phúc cho chính mình, cho thân nhơn và tất cả sanh loại.
Như thế mới có thể chuyển họa thành phước, đổi cảnh trạng thống khổ trước mắt thành cảnh giới an ổn, vui tươi. Để rồi ngày lâm chung, lại được cùng nhau chân bước lên chín phẩm liên đài, thân ra khỏi 3 ngàn thế giới. Thấy Di Đà trong hiện kiếp, chứng đạo giác nơi tương lai. Như vậy chẳng quý hơn ư?
(Chú Đại Bi – Theo Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni)
Tuệ Tâm 2020.