Chớ Hủy Báng Tam Bảo, quả báo vô cùng nặng nề!
Pháp Giới 8 tháng trước

Chớ Hủy Báng Tam Bảo, quả báo vô cùng nặng nề!

Tam Bảo là phước điền của Tam giới, là chánh lộ để pháp giới chúng sanh nương vào mà ra khỏi sanh tử luân hồi. Vậy nên: Dù bạn có tin Phật hay không cũng xin đừng bao giờ hủy báng Tam Bảo, quả báo thực vô cùng nặng nề! Trước sẽ phải đọa nơi Địa ngục đền tội trong muôn kiếp, sau nếu được làm người sẽ bị câm ngọng, ngu si.

Dù thời mạt pháp có không ít con cháu ma vương phá hoại chốn già lam. Nhưng đức Phật dạy: “Y pháp bất y nhân” – Người hư chớ Pháp không hư. Cho nên ai làm nấy chịu. Ta chớ vì một vài vị phá giới, hư hỏng, mà buông lời hủy báng Tam Bảo để tự chuốc họa vào mình. Nên chăng, thay vì buông lời hủy báng, ta hãy nên tự trách mình phước bạc nên chẳng gặp được bậc Chân tu.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Cư sĩ quả khanh là hóa thân Bồ Tát.
  • Quả báo tội ngoại tình.
  • Từ bi hỉ xả là gì.
  • Thủ dâm tác hại khôn lường.
  • Cách thai giáo cho bé tại nhà.
  • Cách tụng chú Đại Bi tại nhà đúng pháp.
Chớ Hủy Báng Tam Bảo, quả báo vô cùng nặng nề!
Chớ Hủy Báng Tam Bảo
*

Ngài Quả Khanh bảo: “Chư Phật, Bồ-tát đều có nguyện lực thay chúng sinh thọ khổ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều thứ tám của Bồ tát là: “Sinh tử mênh mông, khổ hải vô lượng, phát tâm phổ độ tất cả, nguyện thay chúng sinh thọ vô lượng khổ, khiến chư chúng sinh an lạc”.

Chúng ta thường nghe chư cao tăng đại đức phát nguyện: “Nguyện bệnh khổ chúng sinh trong thiên hạ mình tôi chịu thay; nguyện phúc báu hiện đời xin thí hết cho chúng sinh trong thiên hạ…” Như Hòa thượng Hư Vân, Quảng Khâm, Tuyên Hóa, v.v… đều là từng phát tâm thay chúng sinh chịu khổ mà thị hiện thân bệnh.  Việc này vốn là để gánh bớt nghiệp thay chúng sinh, giảm nhẹ thống khổ cho họ.

Dù có gặp chuyện gì cũng xin đừng Hủy Báng Tam Bảo

Hòa thượng Hư Vân, lúc tuổi cao còn bị ngược đãi, bị đánh đến ngất đi, cũng là thay chúng sinh tiêu nghiệp. Nếu không có bậc thánh nhân như ngài thay chúng sinh gánh bớt nghiệp khổ, thì lúc đó bá tính bị thảm nạn còn trầm trọng hơn. Thay chúng sinh gánh nghiệp, giống như “Kinh Địa Tạng” từng mô tả: “Nếu gặp thiện tri thức ra sức gánh phụ, hoặc gánh vác hết dùm, là vị tri thức ấy có đại lực…”

Người tu hành đức hạnh cao, chỉ cần phát nguyện chia sớt nghiệp tội giúp chúng sinh, thì khổ đó sẽ gánh ngay trên thân mình. Giống như người dốc toàn lực chăm sóc bệnh nhân, thì thân cũng bị mệt nhọc ảnh hưởng lây vậy. Tình huống các hành giả khi gánh nghiệp phụ cho người khác thường bị sinh bệnh hoặc thọ khổ rất thường xảy ra. Chỉ người nghiêm trì giới luật, có đủ định huệ mới là Thiện tri thức có đại lực.

Cho nên người đại tu hành mà bị bệnh nặng, cũng có thể do “đại nguyện tạo thành”. Chuyện này trong sử Phật giáo ghi rất nhiều. Nhưng liệu có được mấy người tin và hiểu? Có người chẳng những không tin, lại còn phỉ báng: – Thấy chưa? Tại Sư X tu hành không tốt nên mới bị bệnh nặng vậy đó! Và họ thốt lên lời gièm chê chỉ trích đủ hết… Đây là lời của người cống cao ngã mạn. Bọn họ nào biết: “Phỉ báng bậc đại Thiện là tạo tội địa ngục; là đang bị vô minh che huệ, tự cắt đứt đường tu của mình”.

*

Trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Ngài Văn Thù hỏi: – Nay bệnh của cư sĩ dễ chịu không? Điều trị có bớt mà chẳng thêm không? Thế Tôn gởi lời vô lượng ân cần để hỏi thăm cư sĩ. Bệnh do đâu mà khởi? Đã bao lâu rồi? Làm sao mới khỏi được?

Cư Sĩ Duy Ma Cật đáp: – Từ Si có Ái thì bệnh Ngã sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh, nếu tất cả chúng sanh chẳng bệnh thì tôi khỏi bệnh. Tại sao? Bồ Tát vì độ chúng sanh nên vào sanh tử, có sanh tử thì có bệnh. Nếu chúng sanh được lìa bệnh thì Bồ Tát chẳng còn bệnh. Ví như trưởng giả chỉ có một đứa con, con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh, nếu con lành bệnh thì cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng như thế, đối với chúng sanh thương mến như con ruột, nếu chúng sanh bệnh thì Bồ Tát bệnh, chúng sanh lành bệnh thì Bồ Tát cũng lành…

Cư sĩ Duy Ma Cật đã giảng giải rõ như thế, chúng ta tuyệt không nên vừa nghe Hòa thượng X hay Cư sĩ Y… bị bệnh, thì liền khởi tâm khinh dễ miệt thị: “Tại họ không tu hành!”. Đây có thể là nghiệp tiền sinh hoặc do họ phát nguyện thay chúng sinh gánh bệnh. Những người đối với chư đại đức cao tăng bị bệnh mà sinh nghi, thốt lời hủy báng, thì nên mau mau sám hối. Như lỡ buông lời phỉ báng qua sách hoặc băng đĩa, thì phải lập tức đính chính sám hối sửa sai ngay, mới có thể làm tiêu tan ảnh hưởng chẳng lành, bằng không sẽ đọa A tỳ địa ngục.

Không nên vì Cống cao Ngã mạn mà Hủy Báng Tam Bảo!

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Theo đạo Phật thì người tại gia phải kính trọng người xuất gia, chứ không được “coi trời bằng vung,” không được khinh thường người xuất gia, không được phê phán người xuất gia.

Người tại gia phải biết cúng dường và tán thán người xuất gia, như vậy thì mới không tạo ra mạn nghiệp (nghiệp kiêu mạn); nếu không, người tại gia sẽ trở nên cống cao ngã mạn, chẳng những không được công đức mà còn tạo tội nữa, theo định luật nhân quả thì chắc chắn sẽ bị đọa vào ba đường ác.

Ngược lại, khi thọ nhận sự cúng dường của người tại gia, giúp họ trồng ruộng phước, thì người xuất gia cần phải hồi quang phản chiếu, suy xét hằng ngày mình có tu hành đàng hoàng hay không, bởi vì:

Thí chủ nhất lạp mễ,

Trọng như Tu Di sơn,

Thực hậu bất tu Ðạo,

Bị mao đái giác hoàn!

Dịch là:

Một hạt cơm thí chủ,

Nặng như núi Tu Di,

Ăn rồi không tu hành,

Mang lông, đội sừng trả!

Người xuất gia khi thọ nhận sự cung kính của kẻ khác thì phải biết tự phản tỉnh. Phải xem bản thân mình có xứng đáng để nhận sự cung kính chăng?

*

Thân mình mặc áo của người tu, nhưng phải chăng mình chẳng khác gì kẻ đời? Phải chăng hằng ngày mình thường khởi những vọng tưởng vô ích? Phải chăng từ sáng tới tối mình luôn nóng giận, bực dọc? Phải chăng từ sáng tới tối mình luôn đố kỵ hoặc chướng ngại sự tu hành của kẻ khác? Người xuất gia nếu phạm những điều như trên thì không đủ tư cách để thọ sự cúng dường của người tại gia. Dù cho miễn cưỡng mà thọ nhận, thì vẫn thấy thẹn với lòng.

Người xuất gia tu Ðạo cần phải luôn luôn chú ý; không được hồ đồ ở trong đạo tràng lãng phí thời gian. Nếu sống như thế mà lại thọ nhận sự cúng dường của kẻ tại gia thì thật là điều hết sức sai lầm!

Vì sao người tại gia nên cúng dường người xuất gia hoặc là hộ trì người xuất gia? Là bởi vì người xuất gia chuyên tâm tu Ðạo, không có vọng tưởng, phiền não hay tật đố như kẻ đời.

*

Nếu được như vậy thì mới xứng đáng với sự cung kính và cúng dường của người tại gia, mới có thể thọ nhận mà lòng không hổ thẹn. Nếu người xuất gia mà không chân thật tu hành; thậm chí không cung kính và thành khẩn như người tại gia, thì không có tư cách để thọ nhận sự cung kính và cúng dường của kẻ khác! Ðây là điều mà mọi người cần phải giác ngộ sâu xa, không thể “lẫn lộn mắt cá với hạt ngọc”. Không nên ở trong đạo Phật mà kiếm miếng ăn.

Khi người tại gia cúng dường cho người xuất gia thì không được có tâm phân biệt, không được có tâm lựa chọn: “Vị Thầy này có tu hành nên tôi muốn cúng dường. Vị Thầy kia không có đạo hạnh nên tôi không cúng dường.” Ðừng nên có tâm trạng không chánh đáng như vậy. Bất luận ở đâu chúng ta cũng đều nên cúng dường Tam Bảo. Đừng bới lông tìm vết, đừng tìm kiếm lỗi lầm của Tam Bảo. Nếu bạn cứ luôn tìm kiếm lỗi lầm của Tam Bảo, thì đó chính là tánh cống cao ngã mạn của bạn tác quái. Dứt khoát bạn không đủ tư cách hộ trì Tam Bảo!

*

Ở trong đạo tràng, chúng ta đừng nên tạo tội lỗi mà cần phải làm nhiều việc công đức, như thế mới bù đắp được những tội lỗi mình đã tạo khi xưa. Ðầu tiên, chúng ta cần phải sám hối, bởi:

Di thiên đại tội,

Nhất sám tiện tiêu.

Dịch là: 

Tội lỗi dẫu lớn đầy trời,

Nếu biết sám hối, tội thời tiêu tan.

Vậy phải sám hối như thế nào? Chúng ta phải ở trước tứ chúng mà kể ra tất cả tội lỗi mình đã làm. Phải nói rõ mọi chi tiết của các tội; và phải phát nguyện rằng từ nay về sau tuyệt đối sẽ không tái phạm. Như vậy thì chư Phật và chư Bồ Tát mới có thể tha thứ cho chúng ta và giúp ta trừ sạch nghiệp tội.

Những tội lỗi trước kia của chúng ta đều là “vô tâm sở phạm,” tức là do vô ý mà phạm. Song từ nay về sau, nếu chúng ta tái phạm thì đó là “minh tri cố phạm”- biết rõ mà vẫn cố ý vi phạm – thì dù có sám hối cũng không có tác dụng; bởi nó thuộc loại định nghiệp, tương lai chúng ta tất sẽ chịu quả báo. Chúng ta không nên có tư tưởng: “Ban ngày tạo tội, ban đêm cầu nguyện, kể như vô tội!”; rồi cứ gây nghiệp luôn luôn, mà gây xong thì tiếp tục cầu nguyện, và dần dà tạo thành một thói quen máy móc. Nếu cứ như thế thì tương lai nghiệp tội của chúng ta sẽ chất chồng như núi Tu Di; không đọa địa ngục sao được!

*

Trong đạo tràng của chúng ta có hóa thân của mười phương chư Phật; hóa thân của mười phương chư Bồ Tát; hóa thân của chư Bích Chi Phật; hóa thân của chư Thánh nhân A-la-hán, và cả Thiên Long Bát Bộ cũng ở đây hộ pháp nữa. Vì thế, nếu chúng ta ở trong đạo tràng mà cứ luôn gây phiền phức cho người khác, soi mói lỗi lầm của mười phương vậy! Sống trong đạo tràng mà một mặt tu hành, một mặt tạo nghiệp. Công đức tu được không bằng ác nghiệp tạo ra thì cũng giống như tiền gởi trong ngân hàng không bằng tiền chi tiêu; nếu không bù được sự thâm thủng thì tương lai sẽ bị phá sản. Bởi vậy:

Thiện ác lưỡng điều đạo,

Tu đích tu, tạo đích tạo.

Dịch là: 

Thiện ác hai con đường,

Tu thì tu, tạo vẫn tạo.

Nghĩa là thiện, ác hai con đường, một mặt mình tu, mà ác nghiệp thì vẫn tạo. Do đó, đừng nên ở chùa mà chỉ biết tạo nghiệp ác. Hãy nên thường xuyên tìm kiếm lỗi lầm của chính mình; đừng soi mói sự sai trái của người khác. Nếu cứ chuyên tìm lỗi người tất sẽ chướng ngại kẻ khác tu hành. Thế thì chẳng những bản thân mình không được điều gì tốt lành, mà tương lai mình còn phải gánh chịu quả báo, hậu quả khó lường! “

( Chớ hủy báng Tam Bảo, quả báo vô cùng nặng nề )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tứ Đại Thiên Vương là những ai

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog