Chớ bẫy Chim, bắt chim, quả báo rất nặng nề
Pháp Giới 12 tháng trước

Chớ bẫy Chim, bắt chim, quả báo rất nặng nề

Bẫy chim, bắt chim là kế sinh nhai của những người nghèo khó, nghiệp nặng. Tôi mỗi khi đến những miền quê, nhìn thấy người nghèo khó bẫy bắt chim thú, cũng chỉ biết khởi tâm thương xót, thầm niệm Phật ít câu, chớ cũng chẳng biết làm gì. Bởi mình cũng là phàm phu nghiệp nặng, trí huệ không, định lực không, làm sao có thể nói chuyện nhân quả, khuyên bảo mà họ chịu nghe cho được! 

Người bẫy chim, bắt chim để mưu sinh đều là do bị nghiệp chướng ngăn che, cho nên phải kiếm sống bằng cái nghề tổn phước hại thân. Nhưng nếu bạn bẫy bắt chim, hoặc mua về nuôi nhốt để tiêu khiển thì thật không nên. Bởi giam nhốt chúng sanh, dù cho chúng nó ăn uống đủ đầy trong lồng vàng bể bạc, cũng là gieo cái nhân bị tù đày. Nếu phước mình ít ắt chịu báo ứng ngay trong hiện đời; còn như phước dày ắt kiếp sau sẽ bị trả báo. Cho nên Lương Hoàng Bảo Sám dạy: “Làm người hay bị bắt giam, là do đời trước hay giam nhốt chúng sinh trong lồng trong chậu.

Tôi sưu tầm chuyện báo ứng do bẫy chim, bắt chim, nuôi chim… trong các sách để viết bài này. Nguyện có người nào đang vô tình làm những việc ấy sanh tâm kinh sợ mà tỉnh ngộ; lại phát tâm sám hối, làm lành lánh ác, mà vĩnh viễn không phải chịu cái quả báo đáng sợ của lao tù!

*
  • 12 Loại quả báo của chúng sanh.
  • Quả báo tự sát.
  • Quả báo câu cá.
  • Quả báo tội bất hiếu.
  • Sự thật về Cầu Cơ.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • Cầu mưa linh nghiệm ký.
  • Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
Chớ bẫy Chim, bắt chim, quả báo rất nặng nề
Bẫy chim, bắt chim quả báo rất nặng nề

Chớ bẫy Chim nuôi chim, quả báo thật kinh sợ

Theo Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám( Ni Sư Hạnh Doan dịch.), Ngài Quả Khanh bảo: “Đã có người vô duyên vô cớ bị án liên lụy và bị bắt tống giam oan, sau đó qua điều tra họ được phán vô tội và phóng thích. Đây là do đời quá khứ hoặc hiện tại bản thân họ từng giam nhốt chúng sinh.

Tôi từng gặp một nữ Viện trưởng Viện Nhi, chồng bà là lãnh đạo một cơ quan nọ. Mấy năm trước, ông bị người vu cáo tham ô nên bị bắt tống giam 3 năm. Sau nhờ điều tra phán ông vô tội và được thả về nhà. Tuy được cấp lương lại nhưng cũng đã nên ba năm tù tội. Bà muốn biết nguyên nhân là do đâu?

Tôi hỏi: – Nhà bà có ưa nuôi chim cảnh không?

Bà kể lúc họ kết hôn, nơi nhà mới có treo lồng chim đủ loài đủ dạng, mãi đến khi chồng bị giam, bà mới tặng hết cho người.

Tôi quán sát tìm xem nguyên nhân do vì sao chồng bà bị giam ba năm khổ sở thì thấy rõ từ đời quá khứ đến hiện tại ông rất ưa nuôi chim, do dùng lồng giam cầm chúng sinh mà phải thọ quả báo này!

Xin kể thêm câu chuyện do đệ tử ngài Hư Vân là Thích Quán Bổn ghi:

Con Chồn trắng

Năm Dân Quốc 25, Bính Tý. Sau khi Nam Hoa đã mở Đại giới đàn, truyền ba đàn xong. Lúc sắp giải giới, thì Lâm Quốc Canh – Đoàn trưởng Sư đoàn 16 đang đóng quân tại Tào Khê đến thăm, tay xách cái lồng, trong nhốt một con vật, toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen, lông mướt rượt, mõm nhô, đuôi dài, đích thị là một con chồn.

Đoàn trưởng nói: – Con vật này có lý lịch ly kỳ lắm, mới đầu nó bị thợ săn ở núi Bạch Vân – Quảng Châu bắt được. Người ta kể rằng khi phá bức tường thành Quảng Châu để mở con đường cái thì thấy nó từ trong thành phóng ra và bị bắt. Bạn tôi mua nó với giá 40 đồng, tính đem về nấu ăn cho bổ và khoái khẩu. Nhưng nhìn thấy mắt nó linh động, long lanh, có vẻ hiểu được ý người nên ông ta không nỡ làm thịt, bèn nhốt lại và đem bán cho Vườn Sở Thú Quảng Châu.

Rồi sau đó, tự nhiên ông ta bị bắt, bị tống vào tù mà không rõ nguyên do tội trạng, án cứ lưu như thế mãi mà không ai giải quyết. Tình cờ, vợ ông ta tham dự một buổi cầu cơ, chưa mở miệng hỏi gì thì đã thấy quẻ chạy, đề cập đúng chóc điều bà đang thắc mắc trong lòng và giải thích rằng ông nhà hiện đang bị nhốt, là do chiêu cảm quả báo của việc bán con chồn cho sở thú giam giữ, còn chỉ cho bà rằng hiện có bậc cao tăng đang chủ trì hoằng pháp tại chùa Nam Hoa, hãy mau đem con chồn đến đó phóng sinh thì người chồng ắt sẽ được thoát nạn.

*

Bà vợ giật mình cả kinh, vội đem tiền chuộc con chồn. Do Lâm Đoàn trưởng là bạn thân của chồng bà, sẵn dịp ông đang đóng quân ở Tào Khê nên bà nhờ ông mang con chồn đến chùa phóng sinh giùm.

Ngài Hư Vân nghe kể chuyện, liền thu nhận con chồn. Ngài thuyết Tam Quy Ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm phía sau chùa. Hằng ngày, nó đều vào chùa để Tăng chúng cho ăn. Từ khi thọ giới xong, nó không chịu ăn thịt nữa, chỉ ăn chay và rất thích ăn trái cây.

Những người thợ xây chùa muốn trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn khi biết mình ăn nhầm liền nhổ ra. Nó dùng móng chân trước cào vào thức ăn, kiểm soát mấy lượt, nhìn tới nhìn lui, mắt lườm mấy ông thợ, tỏ vẻ giận dữ bất bình, vì họ đã dối gạt nó. Sau đó nó bỏ đi thẳng suốt mấy ngày mà không trở về.

Một hôm, do bị người trong làng đuổi bắt, nó leo lên một ngọn cây cao chót vót ngót mấy chục trượng, ôm cành kêu khóc. Chú Sa-di thấy vậy vào bạch với Phương trượng. Ngài Hư Vân liền đi ra đến dưới gốc cây đứng nhìn lên. Vừa thấy Ngài, con chồn liền tuột xuống, đeo ngay vào tay áo Ngài, vẻ rất mừng rỡ. Hòa thượng đem nó về. Sợ nó bị người rình bắt, Ngài đóng cho nó một cái chuồng. Sau đó khi thả vào rừng, nó chỉ đi quanh quẩn trong chùa, không vào rừng nữa.

*

Một hôm, ông Tưởng Giới Thạch đi cùng mười lính hầu đến thăm chùa nhưng không thấy báo trước. Họ vừa đến cổng Tào Khê thì thấy con chồn, thị vệ định bắn nhưng ông Tưởng ngăn lại. Chồn lúc lắc đầu, ve vẫy đuôi, dắt ông Tưởng đi vào. Đến đại điện, nó chạy như bay vào Phương trượng, cắn áo Hòa thượng kéo xuống lầu gặp ông Tưởng. Nghe kể chuyện đó, ai cũng cười.

Mỗi khi Hòa thượng ngồi thiền, chồn thường nằm dưới thiền sàng. Thấy Hòa thượng nhắm mắt ngồi lâu quá thì nó bắt đầu táy máy, kéo râu Ngài đùa nghịch. Hòa thượng mở mắt nhìn nó, bảo: – Con có linh tánh, chớ vào rừng, đừng ra ngoài sơn môn hay tới gần nhà dân mà bị bọn trẻ quấy phá!

Một hôm, chẳng biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, nằm nhẹp, không đứng dậy nổi. Thấy Hòa thượng đến thăm, nó ráng chìa vết thương ra cho Ngài xem. Hòa thượng biết không cứu được, thương nó đau đớn, bèn khai thị:

“Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa! Con đừng bám víu vào, hãy buông xả và sám hối tất cả nghiệp duyên quá khứ. Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây, quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát”. Chồn hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng, rồi tắt hơi.

*

Thi thể nó để hai ngày vẫn không biến đổi. Hòa thượng nhớ đến câu chuyện Tổ Bách Trượng độ chồn hoang, nên cho tổ chức tang lễ nó như một vị Tăng, chôn nó ở phía Nam núi. Việc này xem ra ly kỳ, nhưng sở dĩ những điều đó phát sinh trong cuộc sống, nguyên nhân cũng giống như trong sám văn đã tả thôi.

Chúng ta là phàm phu, thường hay lý luận việc nuôi chim, cá là trò tiêu khiển cực kỳ thú vị. Đa số còn có quan niệm ngu muội rằng hễ đã phát tài chút ít thì có quyền ra ngoài giải trí chơi bời hưởng lạc tha hồ bằng cách mua hoa, bao gái và họ lập luận rằng nhà thổ lầu xanh vốn là chốn mua vui, để mình tiêu khiển giải trí. Họ nào biết hưởng phúc kiểu này chính là tạo họa, đâu hay rằng chính hành vi mê tối này đã vô tình tạo nhân xấu khiến họ phải sa vào địa ngục vô biên vô tận, đợi đến khi ác báo trổ trên thân, vô thường ập tới, lúc đó có hối cũng đã muộn! “

Quả báo bẫy bắt chim: Phá tổ chim bị đốt khô chân

Theo An Sĩ Toàn Thư: “Ở huyện Ký Châu có một đứa trẻ thường tìm kiếm các tổ chim rồi bắt lấy trứng đem về ăn. Một hôm, có người nói với nó: “Chỗ kia có trứng chim, cháu có thể đi cùng ta đến bắt.” Đứa trẻ liền đi theo người ấy đến một ruộng trồng dâu. Bỗng nhiên nó nhìn thấy phía bên trái đường có một cái thành. Trong thành có nhà cửa đường sá hết sức đẹp đẽ đông đúc, lại có tiếng ca nhạc rộn ràng huyên náo. Đứa trẻ lấy làm lạ, liền hỏi: “Cái thành này có từ lúc nào?”

Người cùng đi quát bảo rồi dẫn nó vào thành. Vừa bước vào thì cửa thành đột nhiên đóng lại. Trong thành đầy những sắt nóng lửa hồng dưới chân, nóng hực không sao chịu nổi.

Đứa trẻ gào khóc la thét chạy nhanh về bốn cổng thành. Nhưng hễ nó đến vừa đến nơi thì cổng thành tự nhiên đóng chặt lại.

Bấy giờ, trong ruộng dâu có một người đang hái lá. Nhìn thấy đứa trẻ ấy vừa chạy vừa gào khóc la thét trong ruộng dâu nên nghĩ là nó bị điên, liền chạy về báo với cha nó. Người cha ra đến nơi, cất tiếng gọi tên đứa trẻ. Nó vừa đáp lại liền ngã lăn ra đất. Cả tòa thành với lửa nóng đều không còn thấy nữa.

Người cha nhìn hai chân con thì thấy từ đầu gối trở xuống cháy khét như bị nướng trên lửa. Gạn hỏi, nó liền kể lại những gì đã xảy ra. Người cha đưa về nhà lo việc chữa trị. Cuối cùng đôi chân đứa bé từ đầu gối trở xuống chỉ còn như hai que xương khô.

Vì lo bữa ăn làm hại đến con

Tại huyện Thường Thục, Giang Tô,  có một người dùng súng bắn chim rất giỏi, đã giết hại không biết bao nhiêu con chim. Đến năm 40 tuổi sinh được một đứa con trai dáng vẻ khôi ngô tuấn tú, trong lòng hết sức thương yêu, nhân đó liền tự hối lỗi ngày trước, từ bỏ không bắn chim nữa.

Đến khi con lớn mời thầy dạy học, vì lo bữa ăn cho thầy nên quay lại nghề cũ. Được hơn một năm thì đứa con mắc bệnh đậu mùa, toàn thân nổi đầy những mụn bọc đỏ, da thịt cháy bỏng, các lỗ chân lông trên người đều trồi ra những viên sắt nhỏ như đạn bắn chim rồi chết

Lòng thương con của chim cảm động người

Tướng Đặng Chi mang quân đi đánh Phù Lăng. Một hôm nhìn lên cây thấy chim mẹ đang mớm mồi cho chim con. Ông giương cung bắn nhưng không trúng. Chim mẹ bị bắn trượt, nhưng vì có những chim con ở đó nên không nỡ bay trốn đi.

Đặng Chi bắn lần nữa trúng chim mẹ. Nó trúng tên vẫn mang mũi tên trên thân mà tiếp tục mớm cho con ăn. Lúc yếu đi lại ngậm mồi nhả bên cạnh, kêu gọi chim con tự lấy mồi ăn. Cuối cùng nó mới kêu lên một tiếng bi thương rồi chết. Mấy chú chim con cũng kêu tiếng bi thương không ngừng.

Đặng Chi hết sức hối hận, tự nói: “Ta làm trái với bản tính muôn loài, ắt sắp phải chết rồi!” Quả nhiên, không bao lâu sau ông bị Chung Hội hại chết.

Quả báo bẫy bắt chim: Khuyên những người đánh bắt chim! 

Chim chóc tuy là loài vật nhỏ nhoi, nhưng khi chim trống đi xa, chim mái cũng kêu lên những tiếng buồn thương; khi chim mẹ không về, chim con cũng biết chiêm chiếp kêu ran đợi mớm mồi. Những tình cảm ấy so với con người thật không khác biệt. Ví như rơi vào cảnh đôi bạn chia lìa, mẹ con ly tán, ắt phải kêu tiếng bi thương, bỏ ăn mất ngủ, sầu thảm không nơi nương tựa.

Cho nên có câu rằng: “Chia rẽ trống mái trong loài vật, phải chịu quả báo vợ chồng ly tán; giết hại con cái của loài vật, phải chịu quả báo con cháu mình chết yểu.” Nhân quả rõ ràng không hề sai dối. 

Đức Phật dạy rằng: “Trong lòng luôn nghĩ đến từ bi nhân hậu, tu tập pháp lành; đó là tạo nhân ngày sau được sinh vào hai cõi trời, người, được hưởng phước đức. Trong lòng luôn nghĩ đến việc giết hại vật mạng để ăn thịt, đó là tạo nhân ngày sau phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.”

Những người làm nghề săn bắn, từ sáng đến tối, nhìn thấy chim thì nghĩ chuyện bắn chim, nhìn thấy thú thì nghĩ chuyện bắt thú, không thể tìm được một ý niệm nào trong tâm tưởng họ không liên quan đến việc giết hại. Vì thế nên oán cừu nối nhau không dứt, cứ dần dần sa đọa, trầm luân đến muôn kiếp, không có lúc thoát ra. Những kẻ thường giết hại, xem mạng sống muôn loài như cỏ rác, sao không suy ngẫm điều này? 

Ba con chim én nhớ ơn

Vào đời nhà Tống, ở Nghiêm Châu có người phụ nữ tên Vương Á Tam. Một hôm cô nhìn thấy con mèo vồ chết chim én mẹ. Cô liền mang cơm đến nuôi ba con chim én con trong tổ. Đến khi chim lớn bay đi mất. Mùa đông năm ấy, Vương Á Tam qua đời. Tiếp đến mùa xuân năm sau, có ba con chim én bay về lượn mãi quanh nhà.

Người mẹ của Vương Á Tam liền nói: “Có phải chim én tìm Á Tam chăng? Á Tam đã chết, chôn ở sau vườn.” Ba con chim én liền bay vào vườn. Chúng kêu tiếng đau thương rồi nằm chết cả trên mộ Vương Á Tam. 

Con người liệu có ai biết nhớ ơn xưa, tình sâu nghĩa nặng được như ba con chim én này chăng? Xem qua chuyện này rồi thật buồn đau mà hổ thẹn.

Chim khách chọn huyệt táng

Huyện Vũ Tấn có Cù Công là người nhân hậu, đức độ sâu dày. Một hôm, ông nhìn thấy con chim khách mang trên mình một mũi tên, cất tiếng kêu bi thương đau đớn. Ông thương xót liền nói: “Nếu mày muốn tao giúp nhổ tên ra thì mau đáp xuống đây.” Chim khách quả nhiên bay đáp xuống trước mặt ông. Cù Công nhổ mũi tên ra, nuôi dưỡng chim cho bình phục rồi thả bay đi.

Về sau, khi Cù Công muốn cải táng cha mẹ, đã tìm được chỗ đất tốt nhưng không biết chọn huyệt nơi nào. Khi ấy bỗng nhiên có một bầy chim khách tụ tập đến. Một con chim khách bay đến ngậm chéo áo Cù Công rồi bay lại một chỗ đất trong phần mộ, liên tiếp ba lần như vậy. Cù Công liền nói: “Nếu nơi ấy đúng là huyệt tốt, mày hãy kêu lên ba tiếng.” Chim khách lập tức y lời kêu lên ba tiếng.

Cù Công cho mời thầy địa lý đến xem xét lại. Quả nhiên chỗ đất ấy rất thích hợp, liền cho đào huyệt táng vào. Về sau, hai con ông là Cù Sĩ Đạt và Cù Sĩ Tuyển dự thi Hương đều đỗ. Con cháu về sau ngày càng hưng thịnh.

Lời bàn: Huyệt táng tốt xấu đều do nơi tâm mình mà ra. Tổ tiên hung bạo mà tự tâm mình không biết tích đức tu nhân, chỉ hướng ra bên ngoài mang linh cữu đi tìm chỗ đất táng cho tốt đẹp, đó chỉ là kẻ ngu muội mà thôi.

Quả báo bẫy bắt chim: Lưới bắt chim bị mắc bệnh lạ

Ở Bà Dương có người thợ nhuộm họ Đổng, ưa thích việc lưới bắt chim. Bắt được rồi dùng que trúc xiên qua đầu chim. Kế đặt trên lửa rơm thui chín, xong làm sạch lông rồi đem bán. Số chim đã bị ông giết hại như thế thật nhiều không đếm xuể. Về sau họ Đổng bỗng nhiên mắc một chứng bệnh kỳ lạ: Da dẻ toàn thân hóa thành thô ráp như vỏ cây; ngứa ngáy lạ lùng không sao chịu nổi. Ông phải dùng rơm khô đốt lên hơ nóng cả người mới đỡ.

Sau đó ông lại mắc chứng đau đầu. Lạ là cứ hễ nhờ người dùng que trúc đánh vào đầu mới chịu được. Họ Đổng bị hành hạ đau đớn như vậy đến ba năm rồi mới chết.

Lời bàn: Dùng que trúc mà đánh vào đầu, dùng lửa rơm mà hơ toàn thân, đều là những chuyện khổ sở đau đớn. Vì sao họ Đổng lại muốn được chịu đựng những điều như vậy? Ấy là vì bản tính con người vốn hiền thiện. Lưới bắt chim chóc để giết hại, đó là làm những việc người ta không nên làm; do đó phải chịu quả báo dùng que trúc đánh vào đầu, đốt lửa rơm hơ nóng toàn thân. Đấy đều là muốn những việc người khác không hề muốn.

Quả báo bẫy bắt chim: Cả bầy chim mổ xé thân xác

Vào cuối triều Minh, ở Vũ Tấn, Giang Tô. Có người tên Cố Mưu, từng bắt chim chóc nhiều vô số. Về sau ông ta mắc bệnh nằm liệt trên giường, tự nói với người nhà rằng: “Hôm nay có chim đến mổ vào tay tôi.” Rồi lại nói: “Có chim đến mổ vào chân tôi.”

Mỗi ngày lại thay đổi nơi bị chim mổ, cho đến lúc cảm thấy toàn thân bị chim mổ nát. Khi ấy đã ngã bệnh được bốn mươi chín ngày, lại nói với người nhà: “Hôm nay có chim đến mổ mắt tôi.” Nói xong liền chết. Người nhà đến nhìn, quả nhiên trong mắt không còn đồng tử.

Lời bàn: Người nuôi nhốt chim chóc trong lồng gieo nghiệp ngục tù. Tuy không lấy mạng chúng, cũng không tránh khỏi tạo nhân giam cầm trong lao ngục. Phải nên kiêng sợ chớ phạm vào.

Quả báo bẫy bắt chim: Đạn sắt xuyên vào bụng

Huyện Côn Sơn có người tên Cung Phúc, dùng súng bắn chim rất giỏi. Vào mùa hạ năm Nhâm Dần thuộc niên hiệu Thuận Trị. Một hôm ông tự nhiên cầm que lửa soi vào chỗ thuốc súng. Ngay lập tức tàn lửa bay ra rơi vào thuốc súng bốc nên cháy dữ dội. Râu tóc ông do đó đều cháy sạch; lại bị một viên đạn sắt xuyên qua ngực vào tận trong bụng, chết một cách hết sức thê thảm.

Lời bàn: Hạng người này chắc chắn sẽ phải đọa vào địa ngục thiết hoàn. Sau khi ra khỏi địa ngục, nếu sinh làm người ắt phải chịu một trong ba loại quả báo. Một là chết vì lửa cháy, hai là chết vì súng đạn và ba là vì sợ hãi, phát cuồng mà chết.”

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Hòa thượng Viện trưởng sách tấn tân sinh viên trong Lễ khai giảng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog