Chặt Cây Xanh cần hết sức lưu ý!
Pháp Giới 8 tháng trước

Chặt Cây Xanh cần hết sức lưu ý!

Chuyện chặt cây xanh tưởng chừng đơn giản, tuy nhiên bạn cũng chớ tùy tiện cẩu thả mà làm. Người thế gian không hiểu pháp chẳng nói làm chi, nhưng nếu bạn là người học Phật thì cần phải biết điều này: Không phải là tất cả, nhưng phần lớn cây cối, đặc biệt là những cây lâu năm, đều là nơi trú ngụ của Quỷ thần, Thọ thần và quyến thuộc. Muốn chặt những cây ấy, bạn cần niệm Phật ít câu rồi tác bạch, thông báo trước ngày giờ cho họ biết để họ và quyến thuộc chuyển nhà. Nếu tùy tiện không thông báo trước dễ rước họa vào thân như chơi.

Chuyện này không phải đùa đâu, xin chớ cẩu thả! Thầy tôi thường bảo: Các cây lớn ở đền chùa đều có quỷ thần cư ngụ. Ngay cả ở Chùa, quý Thấy muốn tỉa một cành nhỏ cũng cần phải tác bạch xin phép, cho họ có thời gian thu xếp nơi ở mới, nếu không thì rắc rối to. Bởi họ cũng như ta, cần phải có thời gian để thu xếp chuyện chỗ ở cho con cháu. Nếu đang yên đang lành ta phá nơi ở của họ, họ nổi tâm sân lên, lúc ấy khổ thật khó mà kham nhẫn được.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Cách đi lễ chùa đúng pháp.
  • Bát khổ là gì.
  • Hoa Ưu Đàm là hoa gì.
  • Cách tụng chú đại bi tại nhà.
  • Gieo nhân nào gặt quả ấy.
  • Trùng Tang là thật hay cú lừa thế kỷ nhân danh tâm linh.
Chặt Cây Xanh cần hết sức lưu ý!
Chặt cây xanh cần hết sức lưu ý

Chặt cây xanh cần hết sức lưu ý

Dân gian có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những người đi rừng lấy gỗ hoặc săn bắt, khi ốm đau hoặc gặp xui xẻo chỉ biết do “rừng thiêng nước độc”. Họ chẳng biết cái thiêng ấy ở đâu ra, cái độc ở đâu ra, nên nói vậy. Chớ thực ra phần lớn đều do quỷ thần và các loài tinh mị gây nên vậy!

Khi giảng kinh Địa Tạng, Ngài Tuyên Hóa dạy: “Ở những cây to đều có thần linh cư ngụ. Cỏ có thần cỏ (thảo thần), gỗ có thần gỗ (mộc thần), và cây có thần cây (thụ thần). Khi cây cối trở nên to lớn, già cỗi, thì được gọi là “quỷ thần thôn.” Tức là chỗ trú ẩn của quỷ thần. Vì quỷ thần thường chọn những cây đại thụ làm nơi nương náu. Nếu không có các loại đại thụ này thì quỷ thần sẽ rất khốn khổ; bởi chỉ có nương náu nơi những cây to, um tùm, thì quỷ thần mới cảm thấy an ổn và vui sướng. Vì thế, những cây cổ thụ to lớn được gọi là “quỷ thần thôn.”

Thời Tam Quốc, có một cây đại thụ lâu năm được mọi người gọi là “thần thụ”(cây thần). Tào Tháo bấy giờ chẳng những không tin, lại còn sai người đến đốn cây ấy đi. Sau đó, Tào Tháo bỗng dưng bị mắc chứng đau đầu dữ dội, suốt ngày đau đớn khổ sở; về sau phải mời Hoa Ðà đến chữa trị cho. Ấy là do ông ta đã đắc tội với quỷ thần – thần cây – mà ra vậy.

*

Trong Tứ Phần Luật có nói rằng Tỳ Kheo không được phép đốn hoặc chặt những cây cối to lớn, um tùm, vì ở những cây đại thụ như thế đều có quỷ thần cư ngụ. Lại còn có loại tiểu ác quỷ nữa. Các tiểu ác quỷ thường nương náu trên cây cối và thị hiện thần thông, khiến cho người ta tin tưởng chúng.

Ðiển hình là chuyện thọ Giới của cây long não (chương thọ) ở Chùa Nam Hoa (Trung Hoa). Lúc chưa thọ Giới, vị thần cây thường hiển thị thần thông—hễ ai có việc gì mà đến thắp nhang khẩn cầu thần cây thì đều được cảm ứng; cảm ứng như thế nào? Ví dụ như người bị đau ốm đến cầu xin, thì chỉ cần thắp nén nhang là liền được khỏi bệnh ngay; hoặc có người bị mất đồ, bèn thắp hương cầu khẩn, thì liền tìm lại được những đồ đã mất—những chuyện “linh ứng” như vậy xảy ra rất nhiều.

Những người đến cầu xin tưởng rằng đó thật là sự linh cảm, là Bồ Tát hiển linh, nên họ liền giết gà, mổ heo, mang thịt của đủ loại súc sanh đến cúng tế để tạ ơn, và thế là thần cây được hưởng “lộc ăn.” Song, thật ra, đó là một loại tiểu ác quỷ tác quái.

*

Vừa rồi tôi có nói rằng nếu quý vị tin là có thần, thì thần tồn tại; mà không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại! Có nhiều người cho rằng “tin thì có, không tin thì không có”; nhưng trong trường hợp này thì “tin cũng có, không tin cũng vẫn có” như thường!

Thí dụ dưới đất có mỏ vàng, thì bất luận quý vị biết hay không biết, tin hay không tin, mỏ vàng vẫn nằm sờ sờ ở đó. Quý vị tin, tức là quý vị biết rằng có thần; còn quý vị không tin, có nghĩa là quý vị không biết rằng có những vị thần như thế, chứ không phải là không có thần! Ðó chẳng qua là vì quý vị hoàn toàn không có tri thức, không có trí huệ để nhận biết mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng, không nên hùa theo những kiến giải sai lầm, lệch lạc của người khác!”

Muốn chặt cây cần nhớ lời Phật dạy về Quỷ Thần

Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Luật Tăng Kỳ nói: “Thời Đức Phật tại thế, có Tỳ kheo Xiền-đà, cần cây gỗ làm phòng ốc, có rừng cây Tát-la, liền đến khu rừng chặt cây, mang về sử dụng làm thành phòng ốc. Lúc bấy giờ trong rừng có quỷ thần nương dựa tại rừng này, nói với Xiền-đà rằng: Ngài đừng chặt cây ở đây, làm cho con cái bé nhỏ yếu đuối của tôi, phơi bày giữa mưa gió không có nơi nào nương nhờ!

Xiền-đà đáp rằng: Quỷ chết lập tức rời xa, đừng ở lại trong này, ta không thích gặp ông. Nói rồi vẫn tiếp tục chặt cây như trước. Lúc ấy quỷ thần này liền khóc nỉ non khổ sở, dẫn các con nhỏ đi đến nơi Thế Tôn. Đức Phật biết rõ mà cố ý hỏi: Vì sao ông khóc vậy?

Thưa rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Tôn giả Xiển-đà chặt cây rừng của con mang về dùng làm phòng ốc. Việc ấy khiến quyến thuộc của con gặp gió mưa thì phơi bày không nơi nương nhờ, phải nhờ cậy nơi nào?

*

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, vì quỷ thần này, tùy thuận thuyết pháp cho nghe, buồn lo khổ sở lập tức trừ diệt. Cách chỗ Đức Phật không xa cũng có cây rừng, Đức Thế Tôn chỉ về nơi ấy để họ đến đó cư trú. Xong xuôi, đức Phật trách Ngài Xiển-đà rồi khuyên răn các đệ tử rằng: Như Lai cư trú một đêm ở nơi này, hai bên có cây cối và mọi người, thì làm thành tháp miếu, vì vậy thần linh vui mừng đến nhờ cậy, làm sao lại thô lỗ mắng nhiếc họ?”

Còn luật Tứ Phần nói: “ Đức Phật cũng không cho phép chặt cây thần linh cư trú, nếu chặt thì mắc tội Đột kiết la.”

Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu có chúng sanh trì giới tách rời tà kiến, thấy người chặt phá cây lớn là nơi cư trú của quỷ thần – Dạ xoa, La sát thì người ấy che chở bảo vệ khiến không chặt phá, các quỷ thần này không làm não hại đến người, nhờ vào cây thọ hưởng vui vẻ, không có cây thì khổ sở phiền muộn. Người này mạng chung sanh đến cõi trời Hoan Hỷ, cùng với các Thiên nữ thọ nhận sung sướng vui vẻ; từ cõi trời mạng chung, nếu được làm thân người thì giàu có yên ổn.”

Các loại cây không được chặt phá

Kinh Tỳ Ni Mẫu nói: “Có năm loại cây, Tỳ kheo không được chặt phá. Đó là:

  1. Cây Bồ đề
  2. Cây quỷ thần
  3. Cây Diêm phù đề
  4. Cây A-tư đà
  5. Cây rừng Thi Đà.

Nếu Tỳ kheo vì Tam Bảo thì trồng ba loại cây: 1/ Cây ăn trái; 2/ Cây có hoa; 3/ Cây lá. Như vậy chỉ có phước thiện chứ không có lỗi lầm.

Có Tỳ kheo an cư trên cây, buộc cây làm giường, thế là không xuống dưới cây, mà ở trên cây đại tiện-tiểu tiện xuống gốc cây. Cây này có con quỷ lớn, tức giận đánh chết Tỳ kheo này. Đức Phật dạy: Từ nay trở đi không cho phép Tỳ kheo an cư trên cây – đại tiểu tiện xuống gốc cây. Có năm loại cây không được chặt phá: 1/ Cây Bồ đề; 2/ Cây có thần linh; 3/ Cây to giữa đường; 4/ Cây rừng Thi Đà; 5/ Cây Ni Câu Đà. Nếu tháp Phật hư hại, hoặc Già lam Tăng bị hư hoại, vì gỗ bị lửa cháy thì được phép chặt bốn loại, trừ ra cây Bồ đề.

Có năm loại cây thích hợp có thể lấy sử dụng: 1/ Lửa đốt cháy; 2/ Rồng phun lửa đốt cháy; 3/ Tự nhiên khô héo; 4/ Gió thổi đến; 5/ Nước trôi đến. Những loại cây như vậy thì được tiếp nhận sử dụng.”

Yêu quái trên cây

Thái Thú Quế Dương-Giang Hạ-Trương Di, là Thủ Thăng Cao, ở vùng Yên Lăng. Trong ruộng nhà ông có cây lớn, hơn mười vòng tay, che kín sáu mẫu. Cây này cành lá sum sê tươi tốt, tán rộng tròn. Vì thế đất quanh đó cây cỏ hoa màu không sống nổi. Thăng cao sai lính chặt cây. Khi búa rìu chặt chưa đổ cây lớn thì có máu chảy ra. Lính chặt cây kinh hãi trở về thưa với Thăng Cao. Thăng Cao nổi giận nói rằng: Cây già có mủ đỏ điều này có gì kỳ quái?

Vì vậy ông ta tự mình chặt cây thì máu chảy ra rất nhiều. Khi Thăng Cao chặt cành, có một ông lão đầu tóc bạc phơ cao bốn-năm thước, từ hư không bỗng nhiên hiện ra đi đến chỗ Thăng Cao. Thăng Cao dùng đao quay lại chém chết ông lão to lớn ấy. Mọi người đều kinh hãi nằm rạp xuống đất. Thăng Cao vẫn thản nhiên như thường không thấy làm lạ. Mọi người từ từ nhìn lên, thấy tựa như người mà không phải người, tựa như thú mà không phải thú. Điều này vốn gọi là yêu ma quỷ quái biến thành gỗ đá chăng?

Trong năm chặt cây ấy, Thăng Cao làm Tích Tư Không Ngự Sử-Thứ Sử Châu Duyễn.”

Không nên mặc tình làm hại cây cỏ.

Sách Nhân quả báo ứng hiện đời(Ni sư Hạnh Doan dịch), có câu chuyện điển hình như thế này: “Một ngày vào năm 1993. Một nông dân tên Thi khoảng 33 tuổi, đến ngôi chùa lớn…xin gặp Hòa thượng Diệu Pháp.

Hai năm trước, nơi vách thực quản ông Thi mọc một ung bướu lành tính. Khi phẫu thuật, bác sĩ đã cắt bỏ một đoạn thực quản và cho may lại nối với bên trên rồi. Nhưng chẳng bao lâu chỗ cắt tuy đã lành, song bên trong thực đạo (nơi tiếp giáp với vòm miệng) chẳng biết vì sao lại mọc ra một mầm thịt tròn ngăn cản thức ăn. Việc này khiến ông nuốt gì cũng bị nghẹn, khó khăn. Mặc dù không đau, nhưng bịnh nhân phải ăn từng chút, từng chút một mới được.

Được một năm thì ông Thi phải nhập viện phẫu thuật. Nào ngờ sáu tháng sau, mầm thịt lại mọc ra tiếp, không thể phẫu thuật nữa. Ông Thi vì bịnh này mà hết sức thống khổ. Mỗi lần dùng bữa giống như thọ cực hình vậy.

*

May gặp ông bạn họ Chương, nhân vật chính trong câu chuyện “Gà Trống Lông Vàng” giới thiệu. Cho nên ông mạo muội tìm đến, cầu Hòa thượng chỉ giúp cho.

Hòa thượng hỏi: – Ông có chặt qua một cây nhỏ nào không? Đại khái thân to cỡ cái chày? (Hòa thượng dùng tay diễn tả)…

Nông dân nhớ lại, đáp: – Dạ con chỉ đốn có một lần. Cây này mọc tại bãi đất trống trước cổng nhà con. Nó mọc độ hơn một năm, sau đó bị con dùng rìu chặt đi. Hiện giờ cái rìu vẫn còn. Nhưng… lẽ nào do chặt cái cây nhỏ đó mà con bị ung bướu thực quản sao ạ?

Việc này quá lạ, ngoài sức tưởng nên bịnh nhân rất hoài nghi. Cho dù thắc mắc lắm nhưng ông Thi không thể không tin. Bởi chuyện chặt cây xảy ra đã rất lâu (từ mười mấy năm về trước), nhưng vì sao Hòa thượng xa lạ này lại có thể biết rõ vanh vách như thế?

*

Hòa thượng khai thị: – Cây cối sinh trên đời là tạo phúc cho nhân loại. Chẳng hạn như các việc xây chùa, dựng nhà, bắc cầu… Nghĩa là có tạo dựng chi đa phần đều nhờ đến nó. Trong “Kinh Địa Tạng” từng kể rất rõ: “Sơn có sơn thần, địa có địa thần, thủy có thủy thần”. Như vậy thảo mộc vẫn có linh thần gá nương vào tu hành. Cho nên trong lúc cây chưa trưởng thành không nên tùy tiện chặt bỏ.

Thứ nhất: Làm lãng phí tài nguyên. Thứ hai: Làm thương hại thọ thần gá nương khiến họ có thể ôm hận, hành ông mắc bịnh để trả quả. Từ nay về sau ông khống nên mặc tình làm thương hại cây cối, hoa cỏ. Cho dù có phải phát trừ cỏ hoang thì cũng phải vì nó niệm mấy câu Phật rồi mới chặt gốc dẹp trừ. ( Bởi vì ở nơi gốc cỏ, cũng có nhiều sinh mệnh tồn tại.)

Ông phải biết là các vị tu hành thời xưa, mỗi khi muốn chặt cây cối trưởng thành, cũng phải lên tiếng thông báo xin thỉnh thọ thần dời nhà. Hơn nữa, ông nên phát tâm ăn chay. Phải vì cây nhỏ đã chặt kia mà tụng ba bộ “Kinh Địa Tang” thì ung bướu nơi thực quản sẽ dần dần tiêu trừ. Ông có tin hay không vậy?

– Dạ có! Con đến đâu để mua “Kinh Địa Tạng” về tụng đây ạ?

– Tới phòng kinh sách phổ thông của chùa mà thỉnh.

– Dạ cám ơn sư phụ!

( Chặt cây xanh không nên tùy tiện )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bảy Bước Yêu Thương

29 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog