Các cảnh giới trên bước đường học Phật
Pháp Giới 10 tháng trước

Các cảnh giới trên bước đường học Phật

Trên đường tu không tinh tấn dụng công thì thôi, nếu tinh tấn dụng công, nhứt định có cảnh giới. Các cảnh giới này bao gồm Nội cảnh giới và Ngoại cảnh giới. Người học Phật phải hết sức lưu tâm để tránh lạc vào Ma cảnh.

  • Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Thiên Ma là loại ma gì.
  • Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng.
  • Chuyện Tâm linh có thật.
  • Chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Các cảnh giới trên bước đường học Phật
Cảnh giới tu tập Phật pháp

Các cảnh giới học Phật

Trước tiên xin nói về phần trong tức là Nội cảnh giới. Nội cảnh giới cũng gọi là Tự tâm cảnh giới. Vì cảnh giới này không phải từ bên ngoài vào, mà chính do nơi công dụng trong tâm phát hiện. Những người không hiểu rõ lý “muôn pháp do tâm”: Cho rằng tất cả các cảnh giới đều từ bên ngoài đến, là lối nhận định sai lầm.

Bởi khi hành giả dụng công đến mức tương ưng, dứt tuyệt ngoại duyên, thì chủng tử của các pháp tiềm tàng trong tạng thức liền phát sanh ra hiện hạnh. Với người niệm Phật trì chú. Khi công năng của Phật hiệu và mật chú đi sâu vào nội tâm, tất gặp sự phản ứng của hạt giống thiện ác trong tạng thức. Cảnh giới phát hiện rất là phức tạp. Các cảnh ấy thường hiện ra trong giấc mơ, hoặc ngay khi tỉnh thức đang dụng công niệm Phật. Nhà Phật gọi trạng thái này là “A lại da biến tướng.”

Trong giấc mơ, nếu do chủng tử ác phát hiện, hành giả hoặc thấy các loài sâu trong mình bò ra. Hoặc thấy nơi thân có loại nhiều chân giống như bò cạp, rết, mỗi đêm gở ra năm bảy con. Hoặc thấy các loài thú ma quái, cảnh tượng rất nhiều không tả xiết được!

Các cảnh giới học Phật: 1. Nội cảnh giới

Đại khái người nhiều nghiệp tham nhiễm, bỏn sẻn, hiểm độc. Thường thấy tướng nam nữ, rắn rết, hoặc dị loại sắc trắng. Người nhiều nghiệp sân hận, thường thường thấy cọp beo, hoặc dị loại sắc đỏ. Người nhiều nghiệp si mê, thường thấy loài súc vật, sò ốc, hoặc dị loại sắc đen. Tuy nhiên, đây chỉ nói với tánh cách ước lược, không phải tất cả đều nhứt định như thế.

Nếu do chủng tử lành phát hiện, hành giả thấy cây cao hoa lạ. Hoặc thấy thắng cảnh tươi tốt trang nghiêm, mành lưới châu ngọc. Hoặc thấy mình ăn các thứ thơm ngon, mặc đồ trân phục. Ở cung điện báu, hay nhẹ nhàng bay vượt lên hư không.

Tóm lại, trong tâm của chúng sanh có đủ chủng tử mười pháp giới. Chủng tử lành hiện thì thấy cảnh Phật, Bồ Tát, Nhơn, Thiên. Chủng tử ác hiện, thấy cảnh tam đồ tội khổ. Như người kiếp trước có tu theo ngoại đạo, thường thấy mình phóng ra luồng điển, hoặc xuất hồn đi dạo chơi. Tiếp xúc với các phần âm nói về chuyện thạnh suy, quốc sự.

Hoặc có khi tâm thanh tịnh, trong giấc mơ thấy rõ việc xảy ra đôi ba ngày sau, hay năm bảy tháng sẽ đến. Đại khái người đời trước có tu, khi niệm Phật liền thấy các cảnh giới lành. Còn kẻ nghiệp nhiều kém phước đức, khi mới niệm Phật thường thấy cảnh giới dữ. Trì niệm lâu ngày ác tướng mới tiêu tan, lần lượt sẽ thấy điềm lành tốt.

Các loại nội cảnh giới

Về các cảnh giới trong khi thức. Nếu hành giả dụng công đến mức thuần thục, có lúc vọng tình thoạt nhiên tạm ngưng, thân ý tự tại. Có lúc niệm Phật đến bốn năm giờ, nhưng tự thấy thời gian rất ngắn chừng đôi ba phút. Có lúc đang trì niệm, các tướng tốt lạ hiện ra. Có lúc trong vô ý, tinh thần bỗng nhiên được đại khoái lạc. Có lúc trong một động một tịnh, thấy tất cả tâm và cảnh đều không. Có lúc trong một phen thấy nghe, liền cảm ngộ lý khổ. Cảm ngộ lẽ không vô thường, vô ngã, dứt tuyệt tướng ta và người.

Những tướng trạng như thế nhiều không thể tả xiết! Có một Phật tử đang khi thức ngồi trong đêm tối niệm Phật. Thoạt thấy dưới đất, khắp nền nhà, mọc lên hai loại hoa đỏ trắng cao tới thành giường, trên hư không hoa rơi xuống như mưa. Có vị đang khi quì niệm Phật, bỗng thấy trước bàn Phật hiện ra đóa hoa sen đỏ. Từ búp lần lần nở tròn, độ mười lăm phút sau liền tan biến.

Có một Phật tử đang khi niệm Phật, cảnh giới xung quanh bỗng ẩn mất. Trước mắt hiện ra biển nước mênh mang, êm tịnh không sóng gió. Trên mặt biển mọc lên vô số hoa sen nhiều màu, đóa nào cũng to lớn. Kế đó tướng biển ẩn mất, hiện ra cảnh núi non cỏ hoa tươi tốt, cổ thụ sum sê, có một ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Tiếp theo tướng chùa núi lại ẩn mất, hiện ra cảnh lưới châu, kết lại rồi đứt, đứt rồi lại kết.

Cẩn thận, đừng xem nội cảnh giới là quan trọng

Đại loại có rất nhiều cảnh tướng như thế, do bút giả đã từng nghe những vị đồng tu trần thuật, nay chỉ kể ra đây ít chuyện để hiển minh.

Những cảnh tướng như thế, gọi là Nội cảnh giới hay Tự tâm cảnh giới, do một niệm khinh an hiện ra. Hoặc do chủng tử lành của công đức niệm Phật trì chú biến hiện. Những cảnh này thoạt hiện liền mất, hành giả không nên chấp, cho là thật có mà để tâm lưu luyến. Nếu sanh niệm luyến tiếc, nghĩ rằng cảnh giới ấy sao mà nhẹ nhàng an vui, sao mà trang nghiêm tốt đẹp. Rồi mơ tưởng khó quên, mong cho lần sau lại được thấy nữa. Đó là điểm sai lầm rất lớn! Cổ nhơn đã chỉ trích tâm niệm này là “gãi trước chờ ngứa.”

Bởi những cảnh tướng ấy do sự dụng công đắc lực tạm hiện mà thôi, chớ không có thật. Nên biết khi người tu dụng công đến trình độ nào, tự nhiên các cảnh giới ấy sẽ hiện ra. Ví như người lữ hành mỗi khi đi qua một đoạn đường, tất lại có một đoạn cảnh vật sai khác hiển lộ. Nếu như kẻ lữ hành chưa đến nhà, mà tham luyến cảnh bên đường không chịu rời bước, tất có ngại đến cuộc hành trình. Rồi bơ vơ giữa đường chẳng biết chừng nào mới về đến nhà an nghỉ.

Người tu cũng thế, nếu tham luyến cảnh giới tạm, thì không làm sao chứng được cảnh giới thật. Thảng như mơ tưởng đến độ cuồng vọng, tất sẽ bị ma phá, làm hư hại cả một đời tu.

Cần hiểu đúng về nội cảnh giới

Kinh Kim Cang nói: “Phàm có những tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai.”. “Có những tướng” không phải “những tướng có” thuộc về pháp hữu vi sanh diệt. Bởi các tướng ấy chẳng tự bảo rằng mình có hay không, thật hay giả. Chỉ do kẻ chưa ngộ đạo lý động niệm phân biệt, chấp cho là có, không, thật, giả, nên mới thành ra hư vọng.

Đến như bậc tham thiền khi nhập định thấy định cảnh mênh mang rỗng không trong suốt, tự tại an nhàn, rồi sanh niệm ưa thích. Hay khi tỏ ngộ được một đạo lý cao siêu, rồi vui mừng chấp giữ lấy. Cũng đều thuộc về “có tướng”.  Mà đã “có tướng” tức là có hư vọng.

“Thấy các tướng” là thấy những tướng: Lành, dữ, đẹp, xấu, dơ, sạch, có, không, Phật, chúng sanh. cho đến cảnh năm ấm, sáu trần v.v. “Chẳng phải tướng”, nghĩa là thấy mà đừng chấp trước cũng đừng phủ nhận, cứ để cho nó tự nhiên. Tại sao không nên phủ nhận? Bởi các tướng tuy hư huyễn, nhưng cũng chẳng phải là không. Ví như bóng trăng đáy nước tuy không phải thật có. Nhưng chẳng phải không có tướng hư huyễn của bóng trăng.

Cho nên trong khi tu, nếu thấy các cảnh giới hiện, đừng lưu ý cứ tiếp tục dụng công; ví như người lữ hành tuy thấy cảnh bên đường, nhưng vẫn tiến bước để mau về đến nhà. “Tức thấy Như Lai” là thấy bản tánh Phật, thấy được đạo vậy.

Thấu tiêu tức và Chân cảnh giới

Kết yếu lại, từ các tướng đã kể trên cho đến Sự nhứt tâm, Lý nhứt tâm, đều là Nội cảnh giới. Các cảnh giới này có hai phương diện là: Tương tợ và phần chứng. Cảnh tương tợ là tạm thấy rồi biến mất. Cảnh phần chứng là một khi được tất được vĩnh viễn, vì đã chứng ngộ được một phần Chân Như.

Không luận Nội cảnh giới hay Ngoại cảnh giới. Phàm tương tợ đều không phải Chân cảnh giới, mà gọi Thấu Tiêu Tức. Nghĩa là thông thấu được một phần tin tức của chân tâm. Người thật phát lòng cầu giải thoát, chớ nên đem tướng Thấu Tiêu Tức nhận làm Chân cảnh giới. “Thấu Tiêu Tức” ví như cảnh trời âm u râm tối, hốt nhiên có trận gió thổi làm mây đen tạm phân khai. Hé ra một chút ánh thái dương, kế đó mây đen lại che khuất.

Lại như người xưa cọ cây lấy lửa, trước khi lửa bật lên, tất có tướng khói phát hiện. “Chân cảnh giới” ví như ánh thái dương sáng suốt giữa trời trong tạnh và như cọ cây đã lấy được lửa. Tuy nhiên, cũng đừng xem thường Thấu Tiêu Tức. Vì được tướng này, mới chứng minh xác thật có Chân cảnh giới. Nên từ mức đó gia công tinh tấn, thì Chân cảnh giới cũng không xa.

Các cảnh giới học Phật: 2. Ngoại cảnh giới

Ngoại cảnh giới là cảnh không phải do nội tâm hiện ra, mà từ bên ngoài đến. Hoặc có hành giả thấy Phật, Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, khuyến tấn khen ngợi. Hoặc có hành giả đang khi niệm Phật, thoạt nhiên tâm khai, thấy ngay cõi Cực Lạc. Hoặc có hành giả đang tịnh niệm thấy chư thần tiên đến, chắp tay vi nhiễu xung quanh tỏ ý kính trọng, hoặc mời đi dạo chơi. Hoặc có hành giả thấy các vong đến cầu xin quy y. Hoặc có hành giả khi mức tu cao, bị ngoại ma đến thử thách khuấy nhiễu…

Như khi xưa có một Phật tử căn tánh ngu tối, song thường kính niệm đức Quán Thế Âm. Một đêm nằm mơ thấy Bồ Tát đến bảo nên thường tham cứu bài kệ sau đây, lâu ngày sẽ được khai ngộ:

Đại trí phát nơi tâm/ Nơi tâm chỗ nào tìm/ Thành tựu tất cả nghĩa/ Không cổ cũng không kim!

Như thời Trung Hoa Dân Quốc gần đây, có cư sĩ Giang Am Nam. Vào tháng ba năm Nhâm Thân (1932), nhân khi bị bịnh được thấy cảnh Cực Lạc. Ông gượng đau viết thư cho anh là cư sĩ Giang Diệt Viên, đại khái như sau:

“Em đau nặng. Vào khoảng ba giờ sáng ngày hai mươi lăm tháng ba, sau một cơn sấm sét mưa to, trời lại trong tạnh tỏ suốt như ban ngày. Nơi phương Tây, bỗng hiện ra chân cảnh thế giới Cực Lạc sáng mênh mang không ngằn mé.

*

Em thấy bảy báu trang nghiêm, bảo thọ, bảo tháp, và vô số tướng trân kỳ. Phật ngồi giữa hư không, bảo em lên bái kiến. Nhưng khi em đến được trước Phật, kim tướng đức Di Đà Thế Tôn lần lần xa. Tiếng nói vọng lại rất nhỏ, kế cảnh giới đều tan biến. Chắc là do định lực của em còn kém. Từ đây em tin chắc cảnh Tây Phương Cực Lạc là xác thật…”

Cũng trong thời Dân Quốc, có cư sĩ Lưu Khai Nan, biệt hiệu là Tây Tiều tiên sinh. Trước khi ông vãng sanh, chư thần mời đến cảnh U Minh xin nhậm quan chức. Kế lại thấy chư thiên thỉnh lên cõi trời. Cư sĩ đều nghiêm sắc khước từ, bảo: “Làm quan dễ tạo nghiệp, phước trời có lúc hết. Tôi chỉ nguyện sanh về Cực Lạc.” Ít ngày sau cư sĩ vãng sanh.

Một sư cô quen với bút giả tu ở gần vùng Đà Lạt. Sau thời trì chú cô đang ngồi tịnh. Bỗng thấy có hai sứ giả phong thái và cách trang phục như thần tiên. Đến cung kính mời lên non viếng cảnh. Trong cơn định, sư cô hỏi:

“Non cao, sức yếu, làm sao đi được”.

Một sứ giả đáp:

“Không ngại, tôi đã có cách.”

*

Sứ giải liền lấy cành cây tợ nhánh dương liễu, đập nhẹ vào mình sư cô và bảo đi theo. Cô bỗng thấy thân thể mình lâng lâng bay lướt trên đầu ngọn cỏ, giây phút sau cùng tiến lên non. Đến đây thấy cảnh tòng bá thanh u, công xòe hạt múa, xa xa có một cung điện lầu các. Vừa khi ấy, cô thị giả ở nhà sau làm rớt đồ vật có tiếng động mạnh. Sư cô liền chợt giác tỉnh, cảnh giới tan mất, cảm thấy hai bắp đùi còn mỏi đau.

Những tướng trạng lược kể như trên, đều gọi là Ngoại cảnh giới. Có người hỏi:

“Thấy Phật thấy hoa sen, có phải là các cảnh giới ma chăng?”

Xin đáp:

“Nếu nhân quả phù hợp, không phải là cảnh ma. Bởi tông Tịnh Độ thuộc về “hữu môn”. Người niệm Phật khi mới phát tâm từ nơi tướng có mà đi vào, cầu được thấy thánh cảnh ở Tây Phương. Đến khi thấy hảo tướng đó là quả đến đáp nhân. Nhân và quả hợp nhau, đâu phải cảnh ma?

Trái lại, như Thiền Tông từ nơi “không môn” đi vào, khi phát tâm tu liền quét sạch tất cả tướng. Cho đến tướng Phật tướng Pháp, cũng đều bị phá trừ. Bậc Thiền Sĩ không cầu thấy Phật hoặc hoa sen. Cho nên khi tướng Phật và hoa sen hiện ra, đó là nhân quả không phù hợp. Quả không có nhân mà phát hiện, đó mới chính thật là cảnh ma.

Lời kết về Ngoại cảnh giới

Cho nên người tu thiền luôn luôn đưa cao gươm huệ: Ma đến giết ma, Phật đến giết Phật, đi vào cảnh chân không, chẳng dung nạp một tướng nào cả.” Tuy nhiên, đó là chỉ nói những hành giả mới tu. Riêng bậc tu thiền cao, có khi thấy các tướng song không phải là ma cảnh.

Bởi những vị đã tu thiền nhiều kiếp. Khi tâm địa khai thông, có thể thấy được cảnh ác đạo, cùng thiên đường, cho đến mười phương Tịnh Độ và Uế Độ. Vì mười phương thế giới đều ở trong ánh sáng của chân tâm. Và người tu Tịnh Độ có khi thấy các tướng, nhưng lại là cảnh ma. Đoạn Biện Ma Cảnh giới sau đây sẽ nói rõ.

Kết lại. Nội cảnh giới và Ngoại cảnh giới, là nói ước theo trình độ người còn đi trên bước đường tu tập. Đến như bậc đã chứng đạo quả, thì tâm tức cảnh, cảnh tức tâm. Vạn vật cùng ta đồng một thể không có trong ngoài chi cả.

Các cảnh giới học Phật: 3. Biện Ma cảnh giới 

Như trên đã nói, người niệm Phật có khi thấy các tướng song lại là ma cảnh. Điều này chỉ cho trường hợp nhân quả không tương ứng. Chẳng hạn như người đang quán tướng Phật, hốt nhiên thấy tướng mỹ nữ. Kẻ tinh tấn niệm Phật mong thấy thắng cảnh ở Tây Phương. Song chợt thấy một vùng nhà cửa ô tạp, nam nữ cùng loài súc vật đi qua chạy lại lăn xăn. Người mong thấy hoa sen báu, nhưng bỗng thấy một cỗ xe nhỏ. Do nhân quả không hợp nhau như thế, nên biết là các cảnh giới  ma.

5 cách phân biệt Ma cảnh giới – Chân cảnh giới

Có năm trường hợp để phân biệt là cảnh giới ma hay các cảnh giới thật như sau:

1. Các cảnh nhân quả không phù hợp, quán tướng này song thấy tướng khác. Cầu cảnh nọ mà lại hiện cảnh kia, như trên đã vừa nói. Và lại, cảnh giới hiện ra không giống như trong kinh diễn tả, đều là cảnh ma.

2. Chư Phật, Bồ Tát tâm từ bi trong sạch. Nên dù hiện tướng quỉ thần đến thử thách, ta vẫn cảm thấy an nhiên thanh tịnh. Trái lại, bản nghiệp các loài ma là phiền não hiểm ác. Nên dù hiện tướng Phật đến khuyên dạy, ta tự cảm thấy xao động nóng nảy không yên.

3. Ánh sáng của Phật làm cho ta cảm thấy êm dịu mát mẻ, lại không có bóng, không chói mắt. Ánh sáng của ma làm cho ta chói xót đôi mắt, bứt rứt không yên, và có bóng. Cho nên Kinh Lăng Già nói: Phật địa là tối thắng./ Trong sạch mầu trang nghiêm./ Chiếu hiệu như lửa hừng./ Ánh sáng đến khắp nơi./ Rực rỡ không tổn mắt./ Xoay vần độ ba cõi.

4. Lời thuyết pháp của Phật, Bồ Tát hợp với kinh điển, thuận theo chân lý. Lời của ma trái lẽ phải, không đúng với kinh Phật đã chỉ dạy.

5. Khi thắng tướng hiện ra, muốn khảo nghiệm. Hành giả chỉ chánh ý tụng Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc nhiếp tâm trì chú niệm Phật. Nếu là thánh cảnh, càng niệm lại càng rõ ràng, vì vàng thật không sợ lửa. Nếu là ma cảnh, trì niệm một hồi nó liền ẩn mất, bởi tà không thể lấn chánh.

Các cảnh giới ma

Phải lấy cả năm điều như trên để xét nghiệm, chớ không thể chỉ một hai điều. Vì có những thiên ma hoặc thần tiên theo ngoại phái. Họ muốn dắt dẫn ta hướng về đường lối của họ, nên giả hiện tướng Phật Bồ Tát để thuyết pháp. Tuy môn tu của họ không phải là con đường cứu cánh giải thoát. Song họ có nghiệp lành, hoặc sức thiền định khá cao. Nên hào quang phát ra cũng làm cho ta được mát mẻ êm dịu.

Lại lối thuyết pháp của họ đôi khi cũng khuyên làm lành giữ giới, ăn chay niệm Phật. Chỉ có một vài điểm sai khác không hợp với kinh Phật mà thôi. Người tu phải nhận định kỹ và phải hiểu giáo lý mới biết được. Chẳng hạn như họ cũng khuyên ăn chay niệm Phật. Nhưng lại dạy phải vận hành câu niệm Phật khắp châu thân. Gọi là “chuyển pháp luân” để khai thông mạch Nhâm, Đốc, và mở Nê Hoàn Cung. Đây là lối thuyết pháp của hàng ma ngoại đạo.

*

Hoặc có loài ma hiện ra tướng cao tăng bảo: “Phật đồng, Phật xi măng không độ được nước, vì xuống nước phải chìm. Phật tượng, Phật gỗ không độ được lửa, vì gặp lửa phải bị cháy. Chỉ có Phật tâm mới không bị vật chi làm hoại. Tu được Phật tâm thanh tịnh thì không cần tu thân và khẩu. Cho nên dù ăn thịt uống rượu, có vợ con cũng vô hại.

Lối tu thân và khẩu như giữ giới, ăn chay, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, là những cách khổ hạnh bó buộc vô ích.” Đây là lời thuyết pháp của hạng tinh mị lâu năm, hoặc loài ma ái dục.

Có những hạng ma ngoại đạo công năng tu khá cao, có thể dùng sức thiền định gia bị. Khiến cho hành giả thân tâm được an định trong vòng bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày. Nhưng lối thuyết pháp của họ không siêu thoát, kết cuộc chỉ trong vòng ngã chấp.

Lời khuyên của Chư Tổ

Cổ đức đã bảo: “Thấy ma không ma, ma liền tự hoại. Thấy quái không quái, quái liền tự bại.” Câu này có nghĩa: Nếu thấy ma quái mà lòng không xao động sợ hãi, giữ chánh niệm được vững vàng. Hoặc chí tâm niệm Phật, loài ma quái ấy không làm chi được, sẽ tự bỏ đi. Chẳng những khi thấy ma quái phải như thế, mà dù cho lúc tu hành được một phần kết quả. Hoặc hay thấy thắng tướng, cũng đừng nên quá bi cảm, kinh ngạc hoặc vui mừng.

Ví như ta có hạt châu làm rớt dưới đáy hồ, vì nước đục nên dò kiếm mãi vẫn mất tích. Nay nước lắng trong lại tìm thấy được, hạt châu ấy nguyên là của đã có. Việc chi đến đổi phải kinh ngạc, vui mừng? Người tu nếu tâm không bình tĩnh, quá bi thương, tất bị loài bi ma ám nhập: Làm cho thương khóc mãi chẳng thôi. Như quá vui mừng, cũng bị loài ma hoan hỷ ám nhập: Làm cho cười mãi như điên cuồng.

Lại, hành giả niệm Phật tuy cũng mong được thấy các cảnh giới thánh cảnh. Nhưng đừng quá mơ tưởng ước ao, bởi niệm tức là đã cầu rồi. Nên giữ tâm trạng điềm tĩnh: “cầu mà không cầu, không cầu mà cầu”, mới không bị sự cầu mong làm xao động. Cứ chí tâm niệm Phật, lâu ngày niệm lực thanh tịnh đạo cảm ứng giao thông, tất thấy được thánh cảnh. Nếu mãi để lòng mong ước, đó tức là vọng tưởng, ma sẽ thừa cơ len lỏi vào để phá hoại.

***

Gương nhắc nhở về các cảnh giới

Vào khoảng Thanh mạt bước sang thời Dân Quốc, ở Trung Hoa có ông Ngụy Tịch Phủ vốn là thiền hữu của cư sĩ Dương Nhân Sơn, Ngụy Tịch Phủ tu tập thiền định gần ba mươi năm, một hôm bỗng được Thiên Nhãn Thông.

Ban sơ ông thấy những vật ngoài tường vách, kế lại thấy rõ những việc xung quanh vài ngoài mươi dặm như ở trước mắt. Biết mình đã đắc Thiên Nhãn, ông rất kinh ngạc vui mừng! Ban đầu chỉ thấy thôi, sau lại nghe rõ cả tiếng người và cầm thú ở ngoài xa. Đó là Thiên Nhĩ Thông tùy theo phát hiện.

Lần hồi những sự vật ngoài mấy ngàn dặm, cũng đều thấy nghe được. Sau đó những việc chưa phát hiện, ông vẫn thấy nghe và hiểu biết rõ ràng. Đây là cảnh chứng của Túc Mạng Thông.

*

Bấy giờ phe đảng của Hồng Tú Toàn thuộc nhóm Thái Bình Thiên Quốc chưa khởi sự đánh Thanh triều, nhưng Ngụy Tịch Phủ đã thấy trước chiến cuộc xảy ra ở Quảng Tây lần hồi đến Tô Châu, nhơn dân chết vô số. Bởi mục kích nhiều trạng thái chết chóc rất thê thảm, ông quá xúc động, gặp ai cũng thương khóc bảo: “Đại loạn sắp đến nơi rồi, dân chúng sẽ bị tàn lục khổ sở đáng thương xót, biết làm sao?” Lúc đó mọi người nghe ông nói thế, ai cũng cho là điên.

Cư sĩ Dương Nhân Sơn bấy giờ ở kinh sư thường gần gũi ông, nên biết rõ việc ấy. Kế đó giặc xảy ra thật. Đến khi loạn bình rồi, Dương Nhân Sơn cư sĩ gặp Ngụy Tịch Phủ ở Dương Châu mấy lần, thấy ông vẫn còn khóc lóc. Sau Nhân Sơn gặp cư sĩ Đinh Phước Bảo, trần thuật lại sự việc và nói: “Đó là cảnh bi ma ám nhập.

Phàm người tu đến lúc đắc lực, Thiên Nhãn Thông ngẫu nhiên phát hiện, nên soi về tự tánh, đừng để cho sắc trần làm lay chuyển. Nên biết các thần thông ta vẫn sẵn có, không nên quá mừng rỡ kinh ngạc cho là sự lạ kỳ.”

*

Trong Trúc Song Tùy Bút Lục, Liên Trì đại sư có thuật lại câu chuyện: Một thiền sư cất am tu gần khe suối. Đêm nọ đang lúc tĩnh tọa, sư nghe thấy hai con quỷ ngồi bên bờ suối nói với nhau rằng:

“Ngày mai vào lúc xế chiều, có người đội mão sắt đi qua cầu suối này, tôi sẽ dìm cho chết đắm để thay thế.”

Con quỷ kia bảo:

“Mừng giùm anh sẽ được thoát ly, tôi còn phải chịu lạnh lẽo chờ đến hai năm sau mới có người thế mạng.”

Thiền sư nghe xong lưu ý. Trưa hôm sau, một trận mưa to đổ xuống, nước dâng ngập cả suối cầu. Xế lại mưa còn lâm râm, quả nhiên có người đầu đội cái chảo gang, lần dò muốn vượt qua cầu suối về nhà. Sư liền đón lại thuật rõ sự việc nghe thấy. Người này cả kinh quay trở lại. Tối hôm đó, thiền giả nghe con quỷ nói: “Sắp được thoát ly mà bị ông thầy tu này phá hoại, đêm nay tôi phải báo thù mới được!”

Sư nghe xong, liền nhiếp tâm nhập chánh định, thấy quỷ ra vào và đi xung quanh am mấy lượt như có ý tìm kiếm. Do sức chánh định, quỉ tìm mãi không thấy được thiền sư, sau cùng chán nản bỏ đi. Trên đây là hai câu chuyện “bi ma” và “khước ma”. Xin ghi lại cho chư liên hữu thêm phần ý thức trên đường tu niệm.

( Các cảnh giới học Phật – Theo Niệm Phật Thập Yếu )

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Kết hợp kinh Pháp hoa và kinh Nguyên thủy

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog