Bố thí là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Bố thí là gì

Bố thí là cho những gì mình có, mình biết, để lợi lạc cho chúng sanh. Đây là hạnh tu hàng đầu trong “Lục Độ Ba La Mật” và  “Tứ Nhiếp Pháp”. 

Bố thí có ba loại: Tài thí( Bố thí tiền bạc), pháp thí( Bố thí phật pháp), vô úy thí( Giúp người không sợ hãi). Dùng tâm thành từ bi giúp người, cho dù bố thí rất nhỏ cũng có phúc báo lớn. Kẻ được giàu sang là do gieo nhân bố thí. Nhưng công đức bố thí không phải là độc quyền của người giàu, công đức không quyết định nơi tiền của nhiều ít, mà ở chỗ phát tâm. Cho nên chiếu theo điều trên, kẻ nghèo hèn vẫn có thể bố thí tu phúc.

Bố Thí là chánh nhân của giàu có. Theo Nhân quả báo ứng hiện đời, Ni Sư Hạnh Doan dịch: “Vào năm 1990, ở Thiên Tân có một thanh niên trúng số đến mấy vạn. Chuyện này làm chấn động vùng này một thời. Đài truyền hình còn làm một màn phỏng vấn đặc biệt. Té ra mấy năm trước, anh từng gặp một cô bé ăn xin gầy ốm giơ xương, y phục lam lũ. Anh động lòng xót thương nên đã vét hết số tiền hai đồng hiện có trên mình cho cô bé. Chính nhờ hai đồng bố thí này mà anh chiêu cảm phúc báu trúng số lớn hiện tại.”

  • Cách đi lễ Chùa đúng pháp..
  • Âm đức là gì.
  • Sự thật về Trùng Tang.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Cách hồi hướng công đức.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
Bố thí là gì
Bố thí là gì

Bố Thí Là Gì

Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Bố thí chính là nguồn cội của các hạnh, đứng đầu trong Lục Độ và Tứ Nhiếp Pháp. Sách vở thế tục dạy: “Sẻ áo nhường cơm xoa đầu đến đón, ngựa xe áo quần bạn bè cùng hưởng. Không ai không trọng nghĩa khinh tài yêu hiền chuộng sĩ”. Vả lại tài vật vô thường, nào quan hệ đến việc người.

Phàm phu ngu dại tham tiếc gia tài, không có tâm buông xả mà đánh mất thân mạng. Chỉ vì ham sống mà luôn lo sợ không sống, liền khiến cho vợ con khinh rẻ anh em bất hòa, quyến thuộc chia ly, thân bằng ngăn cách. Hết thảy đều vì nhân bủn xỉn, duyên bủn xỉn, pháp bủn xỉn, nghiệp bủn xỉn, không biết bố thí mà ra. Vì vậy nên kinh Bồ Tát Xử Thai, Đức Phật thuyết kệ rằng:

Người đời nhiều ngu si mê hoặc.

Bủn xỉn giữ gìn không bố thí,

Tích lũy tiền của ngàn vạn ức,

Nói ra là của mình vốn có,

Đến lúc thọ mạng sắp chấm dứt,

Mắt trông thấy quỷ thần hung ác,

Dao gió cắt thân thể mình,

Không còn hơi thở ra vào nữa,

Thần thức tham tùy theo thiện ác,

Nhận chịu báo ứng thật khổ đau,

Dẫn đến nơi nhận chịu tội lỗi,

Ăn năn hối hận đã muộn rồi”.

*

Nếu dùng đầy đủ sắc-hương vị-xúc, bố thí những người ấy, thì gọi là bố thí thanh tịnh. Nếu chỉ vì ruộng phước tốt lành mà bố thí chứ không thích bố thí thường xuyên. Người này ở đời vị lai lúc đạt được quả báo mà không thích ban ân bố thí. Nếu người bố thí rồi sinh lòng ân hận, hoặc cướp đoạt đồ vật của người khác dùng để bố thí. Người này ở đời vị lai tuy có được tiền bạc của cải nhưng thường hao tổn không quy tụ.

Nếu làm phiền quyến thuộc có được đồ vật để bố thí. Người này ở đời vị lai tuy đạt được quả báo to lớn nhưng thân thể thường bệnh tật khổ sở. Nếu người trước đó không tự mình cung dưỡng cha mẹ, làm phiền vợ con mình và gây khốn khổ cho tôi tớ hầu hạ, mà thực hành bố thí, thì đó gọi là người ác, là giả danh bố thí chứ không gọi là bố thí hợp với chính nghĩa. Người bố thí như vậy, gọi là không có lòng thương xót và  không biết báo đền ân nghĩa. Người này ở đời vị lai tuy có được tiền bạc châu báu, mà thường mất mát chứ không quy tụ, không thể nào có để sử dụng. Thân mang nhiều bệnh tật khổ sở”.

Thế nào là Tài Thí

Tài thí là dùng tiền tài vật dụng đem ra bố thí. kinh Đại Bảo Tích nói: “Tài thí có năm loại: 1. Chí tâm mà bố thí. 2. Tín tâm mà bố thí. 3. Đúng lúc mà bố thí. 4. Tự tay mình mà bố thí. 5. Như pháp mà bố thí.”

Tuy vậy, tiền bạc đã bố thí, có đúng có sai. Vật phi pháp cho dù mang ra để bố thí cũng cảm được phước rất ít. Tiền của như pháp thì cảm được phước báo rộng lớn. Bởi vậy kinh Đại bảo Tích nói: “Vật không nên bố thí có năm điều: 1.Tiền bạc mong cầu không hợp lý không nên bố thí cho người. Bởi vì vật ấy bất tịnh. 2. Rượu và thuốc độc không nên bố thí cho người. Bởi vì làm cho chúng sinh hỗn loạn. 3. Lưới giăng cung tên không nên bố thí cho người. Bởi vì não hại chúng sinh. 4. Dao gươm gậy gộc không nên bố thí cho người. Bởi vì làm hại đến chúng sinh. 5. Âm nhạc và nữ sắc không nên bố thí cho người. Bởi vì làm hỏng tâm thanh tịnh.” 

Theo luận Trí Độ: “Nếu người dùng cách đánh đập-tra khảo-giam cầm có được tiền của mà làm bố thí, thì sinh trong loài voi ngựa trâu bò. Tuy nhận chịu thân hình súc sinh mang nặng còn bị quất roi- yên cương ràng buộc để người cưỡi đi lại.

*

Lại như người ôm ấp nhiều tâm địa nóng giận. Vì không đứng đắn mà hành bố thí, sẽ đọa vào trong loài rồng. Có được cung điện bảy báu- ăn uống ngon lành-sắc thân tốt đẹp.

Còn như người kiêu ngạo. Do tâm địa nhiều khinh mạn nóng giận mà bố thí, đọa lạc vào trong loài chim cánh vàng. Tường được tự tại. Có ngọc báu như ý để làm chuỗi ngọc. Các loại cần sử dụng đều được tùy ý, không có gì không như ý muốn. Lại biến hóa không lường chẳng có điều gì không làm được.

Còn như người làm quan đứng đầu lạm dụng chức quyền, gây oan trái cho nhân dân, mà lấy tiền bạc của cải dùng để bố thí. Người này rơi vào trong loài quỷ thần làm quỷ Cưu bàn trà. Có năng lực biến hóa đủ loại, lấy 5 trần làm sự vui thích của mình.

Còn như người nhiều nóng giận tàn bạo, ham mê rượu thịt mà thực hành bố thí. Người này rơi vào trong loài quỷ Dạ xoa ở mặt đất. Thường có được các loại đồ ăn thức uống và âm nhạc vui vẻ.

*

Còn như có người ngang ngạnh cố chấp mà có thể bố thí ngựa xe thay cho đi bộ. Người này rơi vào trong loài quỷ Dạ xoa ở giữa hư không. Có sức mạnh vô cùng, đi lại nhanh như gió.

Còn như có người tâm địa luôn luôn ganh tị, thích tranh cãi mà có thể đem nhà cửa phòng ốc- giường chiếu chăn màn-áo quần ăn uống tốt đẹp để bố thí. Do đó sinh vào trong loài quỷ dạ xoa có cung điện lâu đài bay lượn đi lại. Có các loại đồ vật vui thú luôn luôn bên thân.

Nếu người não hại người trước mặt, dùng sức mạnh uy hiếp cầu lấy đồ vật của người ta mà làm phước, thì trái lại phải chuốc lấy tội lỗi…”

*

Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Nếu như não hại quyến thuộc có được đồ vật để bố thí, thì người này ở đời vị lai tuy cảm được báo to lớn mà thân phải mang bệnh tật khổ sở. Nếu người trước đó không luôn luôn cung dưỡng cha mẹ, làm phiền vợ con-tôi tớ mình thật khốn khổ mà bố thí thì đó gọi là người ác, là giả danh bố thí, không gọi là bố thí hợp với chính nghĩa. Bố thí như vậy thì gọi là không có lòng thương xót, không biết đền đáp ân tình, người này ở vị lai tuy có được tiền của châu báu, mà luôn luôn mong cầu chứ không quy tụ, không có thể đem ra sử dụng, thân thể mang nhiều bệnh tật khốn khổ.”

Lấy văn này chứng minh cưỡng bức sử dụng vật của người ta để mưu cầu tu phước, thì trái lại chuốc lấy khổ báo, đâu gọi là có lợi ích? Hiện nay là thời mạt pháp, kẻ Tăng người Tục suy tàn sai lạc, tranh nhau tổ chức trai hội thuyết giảng, gượng gạo áp chế chạy theo tiền của, xây dựng chùa tháp theo kinh không hợp đạo lý, trái lại chuốc lấy tội lỗi ở tương lai; không bằng ngồi yên lặng trong tâm tu dưỡng thực hành, tốt đẹp nhất trong sự lìa xa không có gì hơn được điều này.

Thế nào là Pháp Thí

Kinh Ưu Bà tắc Giới nói: “Nếu có Tỳ kheo – Tỳ kheo Ni – Ưu bà tắc – Ưu bà di, có năng lực giáo hóa người đầy đủ giới thí đa văn trí tuệ. Hoặc dùng giấy mực khiến người khác viết chép. Hoặc tự mình viết chép kinh điển đích thực của Như Lai. Sau đó bố thí cho người khiến có thể đọc tụng, đó gọi là pháp thí.

Người bố thí như vậy, đời vị lai sanh lên cõi trời có được sắc thân tốt đẹp. Tại vì sao? Bởi vì chúng sanh nghe pháp mà đoạn trừ tâm nóng giận. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai được thành tựu sắc thân tốt đẹp. Chúng sanh nghe pháp sinh ra tâm Từ không giết hại. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai có được thọ mạng lâu dài. Chúng sanh nghe pháp nên không trộm cắp tài sản báu vật của người. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai có nhiều tài sản châu báu.

Chúng sanh nghe pháp nên tâm tư mở mang vui thích bố thí. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai thân có được sức mạnh tràn trề. Chúng sanh nghe pháp xa rời những điều phóng túng. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai thân được an lành vui sướng. Chúng sanh nghe pháp trừ bỏ tâm nóng giận ngu si. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị la có được biện tài vô ngại. Chúng sanh nghe pháp nên tâm tin tưởng không còn nghi ngờ. Nhờ nhân duyên này ở trong đời vị lai có tâm tin tưởng rõ ràng. Giới thí đa văn trí tuệ cũng lại như vậy”. 

So sánh Tài Thí và Pháp Thí

Theo Trí Độ Luận: “Đức Phật giải thích pháp thí là đứng trong mọi hạnh thí. Tại vì sao? Bởi vì tài thí là hữu lượng, pháp thí là vô lượng. Tài thí là báo cõi Dục, pháp thí là báo vượt ra ngoài ba cõi. Tài thí không có năng lực đoạn trừ lậu, pháp thí rõ ràng lên đến bờ giải thoát. Tài thí chỉ cảm được báo ứng trời-người, pháp thí cảm được tất cả quả của ba Thừa. Tài thí thì ngu-trí cùng làm được, pháp thí chỉ hạn chế trong phạm vi người có trí.

Tài thí chỉ có người hành bố thí được phước, pháp thí thì người thí và người nhận đều ích lợi. Tài thí thì người ngu và súc vật đều có thể nhận được, pháp thí thì hạn chế trong phạm vi người thông minh nhanh nhạy. Tài thí chỉ có ích cho sắc thân, pháp thí có năng lực lợi ích cho tâm tư thần thức. Tài thí có thể tăng thêm bệnh tham lam, pháp thí luôn luôn loại trừ ba độc”.

Vì thế kinh Đại Tập nói: “Bố thí châu báu tuy nhiều nhưng không bằng chí tâm tụng trì một bài kệ. Pháp thí tuyệt vời nhất và hơn hẳn mọi đồ ăn thức uống vi diệu hiếm có”.

*

Theo kinh Vị Tằng Hữu Nhân Duyên: “Thiên Đế hỏi: Bố thí ăn uống và bố thí pháp có công đức thế nào. Xin giải thích cho biết điều ấy.

Dã Can đáp rằng: Bố thí đồ ăn thức uống có ích cho mạng sống một ngày. Bố thí châu báu ngọc ngà có ích cho sự thiếu thốn của một đời. Nhưng những việc ấy làm tăng thêm ràng buộc hệ lụy. Thuyết pháp giáo hóa gọi là pháp thí, có năng lực làm cho chúng sanh thoát ra ngoài quỹ đạo của thế gian”.

Còn trong luận Đại Trượng Phu nói: “Tài thí là có trong đạo làm người, pháp thí là có trong tâm Đại Bi. Tài thí là trừ diệt nỗi khổ nơi thân chúng sanh, pháp thí là trừ diệt nỗi khổ trong tâm chúng sanh. Tài thí đối với người nhiều ái thì bố thí cho tiền bạc châu báu, người ngu si nhiều thì giúp cho họ phương pháp tỉnh ngộ. Tài thí là làm cho tiền bạc của cải trở thành vô tận, pháp thí là làm cho đạt được trí tuệ vô tận. Tài thí là làm cho đạt được niềm vui nơi thân, pháp thí là làm cho đạt được niềm vui trong tâm.

*

Tài thí làm cho chúng sanh yêu mến, pháp thí là làm cho thế gian cung kính. Tài thí là làm cho người ngu si yêu mến, pháp thí là làm cho người trí tuệ yêu mến. Tài thí là có năng lực ban cho niềm vui hiện tại, pháp thí là có năng lực giúp chi niềm vui của cõi trời và cảnh giới Niết bàn.

Như kệ nói:

Trí Phật rộng lớn như hư không,

Đại Bi là vầng trăng dày đặc,

Pháp thí như làn mưa giữa đời,

Chứa đầy ao hồ cõi u minh.

Bốn nhiếp pháp dùng làm phương tiện,

Nhân của niềm an lạc giải thoát,

Tu tập dựa theo tám chánh đạo,

Có thể đạt được quả Niết bàn”.

Tại sao không nên chỉ tu Pháp Thí

Hỏi: Đã biết pháp thí hơn hẳn tài thí. Vậy chúng sanh chỉ học pháp thí mà không thực hành tài thí có được không? 

Đáp: Bởi vì không hiểu tài thí mà dùng tâm sai lạc để bố thí, mong cầu quả báo vui thú trong cảnh giới trời – người, thì sợ rằng rơi vào ba đường xấu ác, không thành tựu quả báo xuất thế. Vì lẽ đó bậc Thánh nhân ân cần ca ngợi pháp, khiến cho hiểu rõ Thể Không của ba mối quan hệ mà thực hành tài thí. Lâu dài thì thành tựu quả vị thù thắng của Bồ tát Niết bàn.

Lại trong luận Trí Độ nói: “Năm độ trước đều ví như người mù, độ thứ sáu là Bát Nhã hệ giống như có mắt. Nếu như không được Bát Nhã dẫn dắt làm thông suốt 5 độ trước, thì sẽ rơi vào ác đạo mà không thành tựu quả báo xuất thế. Nếu nghe pháp thí hơn xa tài thí, người ngu si không hiểu thì lập tức gác lại tài thí, chỉ vui thích đọc tụng kinh pháp. Nếu thực hành pháp này, thì không bằng có người dùng tâm hiểu biết bố thí một đồng bạc, hơn hẳn tâm mê muội đọc tụng kinh pháp cả trăm ngàn vạn quyển.

Vì vậy Như Lai thiết lập giáo pháp với ý nghĩa thuộc về hiểu biết mà thực hành. Nếu chỉ hiểu biết mà không có thực hành, thì sự hiểu biết sẽ trống rỗng. Nếu chỉ thực hành mà không có hiểu biết, thì sự thực hành sẽ lẻ loi. Cần phải đầy đủ hiểu biết và thực hành mới đến được bến bờ an lạc giải thoát”.

Thế nào là Bố thí có hạn chế?

Bố thí có hạn chế gọi là Cục Thí, nghĩa là: Hoặc lại có người hứa giúp cho người nghèo thiếu khiến họ hoan hỷ, mà sau đó hối hận không cho, gây ra khổ sở càng nhiều hơn. Hoặc có chúng sanh tự mình không có niềm tin bố thí, thấy người khác thực hành bố thí đã không thể nào tùy hỉ, mà lại nảy sinh chê bai bới móc làm cho người ta không bố thí, thì mắc phải tội nặng nhất. 

Hoặc có chung đồ vật mà lại sử dụng nhiều hơn, như tiền của đồ vật trong gia đình thì vợ con cùng sử dụng, nhiều người có phần chứ không phải là chỉ một mình dùng được. Nếu trong đó một mình bủn xỉn, không chịu ban ân bố thí, ngăn cản người ta tu phước, thì mắc phải ác nghiệp sâu đậm nhất. Hoặc lại ở trong gia đình cùng có sự cung cấp, mà cứ ăn một mình chứ không cho người khác, cũng mắc phải tội nặng.

*

Hoặc suy nghĩ rằng không có tiền bạc thậm chí cỏ cây nước uống, cũng không đem ra bố thí, về sau nhận chịu nghèo khổ đời đời không chấm dứt. Vì vậy trong kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: “Người không có tiền bạc tự nhiên nói là không có tiền bạc, thì nghĩa này không đúng. Tại vì sao? Bởi vì tất cả nguồn nước, đồng cỏ thì con người không có ai là không có phần. Tuy là vua chúa đứng đầu đất nước không hẳn đã có năng lực luôn bố thí. Tuy là người nghèo khó cùng cực, nhưng không phải là không có thể bố thí.

Tại vì sao? Bởi vì người nghèo khó cùng cực cũng có phần ăn. Ăn rồi rửa đồ dùng, lấy nước chùi rửa đã bỏ đi, bố thí cho những loài cần ăn, cũng có được phước đức. Hoặc dùng chút bột bố thí cho loài kiến, cũng có được quả báo phước đức vô lượng. Người nghèo khó nhất trong thiên hạ, ai sẽ không có một chút bột như mảy bụi chăng? Người nghèo túng cùng cực thì ai sẽ để thân thể trần trụi không có áo quần? Nếu có áo quần, thì lẽ nào không có một sợi chỉ hay một mũi kim bố thí cho người. Hoặc chút tiền bạc băng bó vết thương nơi một ngón tay để làm bấc neon hay sao?

Này người thiện nam! Người trong thiên hạ thì ai hiện tại nghèo khó cùng cực không có thân hình? Nếu như có thân hình, thì thấy người khác làm phước mình nên đến để giúp đỡ, cho đến tự mình quét rác vẩy nước cũng có được phước báo”. 

Thế nào là Bố Thí Thông Suốt( Bố Thí Ba La Mật )

Bố thí thông suốt hay Thông Thí, còn gọi là Bố Thí Ba La Mật. Bố thí Ba la mật là khi ta đem của cải vật chất hay sự hiểu biết cho người khác vô điều kiện. Ta phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh. Kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng. Tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau. Thực hành cho đi với tấm lòng như thế thì gọi là bố thí Ba la mật.

Như kinh Niết bàn nói:

“Bồ tát lúc bình thường thực hành bố thí, không thấy người nhận là trì giới hay phá giới, là ruộng phước hay không phải ruộng phước, đây là tri thức hay đây không phải là tri thức. Lúc bố thí không thấy là đức độ hay không phải đức độ, không chọn ngày giờ hay chỗ đúng chỗ sai, lại cũng không suy nghĩ là mất mùa đói kém hay được mùa vui sướng, không thấy nhân quả, đây là chúng sanh hay đây không phải chúng sanh, là phước hay không có phước.

Tuy là không thấy người bố thí người nhận thí, cùng với tiền bạc đồ vật, thậm chí không thấy đoạn đứt và quả báo, mà luôn luôn thực hành bố thí không có đoạn tuyệt. Nếu Bồ tát còn thấy trì giới hay phá giới cho đến quả báo, thì rốt cuộc không thể nào bố thí… ”

Bố thí đúng lúc được Hiện báo trong đời

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với các Tỳ kheo: Bố thí đúng lúc có năm điều lợi ích. Thế nào là năm đều? Đó là: 1. Bố thí cho người từ xa đến. 2. Bố thí cho người sắp đi xa. 3. Bố thí cho người bệnh tật. 4. Bố thí lúc mình tiết kiệm. 5. Nếu lần đầu có được hoa quả hoặc các loại đậu và thóc lúa, trước hãy mang cho người tinh tấn trì giới rồi sau đó tự mình mới ăn.

Vì thế cho nên muốn thực hành năm loại bố thí này, nên nghĩ đến bố thí đúng lúc. Nếu người bố thí thanh tịnh đúng lúc, thì cũng cảm được quả báo đúng lúc. Gọi là đúng lúc mà thích hợp với tâm thanh tịnh để bố thí. Nếu lúc giá lạnh thì bố thí những thứ như nhà cửa ấm áp, chăn đắp, củi lửa, đồ ăn nóng ấm. Nếu lúc nóng nực thì bố thí những thứ như nhà cửa mát mẻ, áo mỏng nước quạt, vật dùng mát lạnh. Lúc khát thì giúp cho nước uống.  Lúc đói cung cấp cho cơm ăn. Gió mưa thì chuyển đến để cung cấp. Trời dễ chịu thì mời Tăng đến nhà. Đúng lúc như vậy thì thích hợp tình thế khiến cho vui vẻ, đời vị lai cảm được phước cũng nhận quả báo thuận như ý.”

*

Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: “Nếu dùng áo quần để bố thí thì cảm được sắc thân tuyệt vời nhất. Nếu dùng thức ăn mà bố thí thì cảm được sức lực không gì hơn. Nếu dùng đèn nến mà bố thí thì cảm được mắt nhìn trong sáng tuyệt vời. Nếu dùng xe cộ mà bố thí thì thân cảm thọ sự an lành vui sướng.

Nếu dùng nhà cửa mà bố thí thì những nhu cầu cần thiết không bao giờ thiếu thốn. Nếu dùng đồ vật sạch sẽ tuyệt vời mà bố thí, đời sau cảm được sắc diện tốt đẹp, mọi người đều thích nhìn, danh tiếng tốt lành truyền đến mọi nơi, mong cầu đều được như ý, sinh trong dòng dõi cao quý, đó không gọi là ác.

Nếu vì tự thân mình làm ra áo quần trang nghiêm đẹp đẽ và các loại đồ dùng. Làm xong hoan hỷ tự mình chưa sử dụng ăn mặc, mang ra mà bố thí cho người, thì người này ở đời vị lai cảm được cây như ý.

*

Nếu có người có thể hằng ngày lập ra yêu cầu: Trước hãy bố thí cho người khác ăn, sau đó tự mình mới ăn. Nếu làm trái yêu cầu này thì thề quyên tặng Bồ tát cúng Phật; phạm vào thì sinh lòng hổ thẹn. Nếu như không làm trái chính là nhân duyên của trí tuệ vi diệu. Bố thí như vậy là cao đẹp nhất trong các loại bố thí, người này cũng được gọi là người bố thí thuộc bậc cao.

Nếu cung cấp cơm ăn áo mặc cho vợ con-tôi tớ, luôn luôn dùng tâm thương yêu hoan hỷ mà cho, thì ở đời vị lai cảm được vô lượng phước đức. Nếu như nhìn thấy trong ruộng lúa hay kho tàng có nhiều chim chuột phá hại thóc lúa đậu mè làm cho hoang phí, luôn luôn sinh lòng thương xót lại dấy lên suy nghĩ như vậy: Chim chuột như vậy dựa vào mình mà sống được. Nghĩ rồi hoan hỷ không có ý tưởng làm não hại chúng. Nên biết rằng người này cảm được phước thiện vô lượng.” 

*

Kinh Đại Bảo Tích nói: “Nếu dùng hoa để bố thí, thì đã có nhân duyên đầy đủ bảy đóa hoa giác ngộ Đà la ni. Nếu dùng hương bố thí, thì đầy đủ giới định tuệ xông ướp xoa vào thân. Nếu dùng quả bố thí, thì thành tựu đầy đủ quả vô lậu. Nếu dùng thức ăn bố thí, thì đầy đủ mọi niềm vui về thọ mạng-biện tài-sắc lực. Nếu dùng áo quần bố thí, thì đầy đủ sắc thân thanh tịnh, ngoại trừ không có tàm quý.

Nếu dùng đèn nến bố thí, thì đầy đủ Phật nhãn hiểu rõ ràng tất cả tánh của các pháp. Nếu dùng voi ngựa xa cộ bố thí, thì cảm được đầy đủ thần thông Vô thượng thừa. Nếu dùng chuỗi ngọc bố thí, thì đầy đủ tám mươi vẻ đẹp tuỳ theo hình tướng. Nếu dùng châu báu bố thí, thì đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân. Nếu dùng sức lực của tôi tớ sai khiến mà bố thí, thì đầy đủ mười lực và bốn vô úy của Phật. Lấy điều quan trọng mà nói, cho đến đất nước-vợ con-đầu mắt tay chân toàn thân mà bố thí, tâm không có gì luyến tiếc, vốn là vì đạt được Vô thượng Bồ đề hóa độ chúng sinh.” 

Thế nào là Tùy Hỷ Bố Thí

Tùy Hỷ là pháp tu bố thí đặc biệt phù hợp với người nghèo. Như kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: “Đức Phật dạy: Nếu người có tiền của thấy có người đến cầu xin, mà vội vàng nói không có, nên biết người này đã nói rằng mình ở đời sau sẽ nghèo túng ít phước đức. Người như vậy gọi là trốn tránh bừa bãi, tự nói mình không có tiền của, nghĩa này không đúng tại, vì sao? Bởi vì tất cả nguồn nước cỏ cây thì không người nào không có. Tuy là hàng vua chúa nhưng không phải là có năng lực bố thí, tuy là người nghèo túng mà không phải không có thể bố thí.

Tại vì sao? Bởi vì người nghèo túng cũng có phần ăn, ăn xong rửa dọn đồ dùng, lấy nước chùi rửa đã bỏ đi để bố thí cho những loài cần ăn, cũng cảm được phước đức. Nếu dùng một chút bột rang bố thí cho loài sâu kiến thì cũng cảm được quả báo phước đức vô lượng. Nghèo nhất trong thiên hạ thì ai mà không có một chút bột rang này chăng? Có ai một ngày không ăn ba nắm bột rang mà mạng sống không giữ được? Vì vậy mọi người nên lấy một nửa phần ăn của mình bố thí cho người cầu xin.

Này người thiện nam! Người nghèo túng nhất có ai lõa lồ thân thể mà không có áo quần? Nếu có áo quần, há không có một mảnh vải bố thí cho người buộc chặt vết thương, hoặc một chút tiền bạc để làm bấc đèn hay sao? Người trong thiên hạ có ai nghèo túng đến nỗi không có thân hình?

*

Nếu như có thân hình thì thấy người ta làm phước, tự mình nên đi đến phụ giúp hoan hỷ không chán, cũng gọi là người bố thí, cũng cảm được phước đức, hoặc là có phần, hoặc có giúp như nhau, hoặc có người gánh vác. Vì nhân duyên này, Ta nhận đồ ăn của vua Ba Tư Nặc thì cũng chú nguyện, nhà vua và người nghèo túng đều cảm được công đức như nhau không có gì sai biệt. Như người mua hương, hương xoa hương bột-hương rải hay hương thắp, bốn loại hương như vậy có người tiếp xúc, người mua-người bán cùng ngửi thấy không có sai khác, mà các loại hương không mất đi chút nào.

Đức của tu hạnh bố thí cũng lại như vậy, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc to hay nhỏ, hoặc là tâm tùy hỷ mà  thân hướng về phụ giúp, hoặc từ xa thấy hay nghe mà tâm sinh ra hoan hỷ, tâm ấy như nhau cho nên cùng cảm được quả báo không có gì sai biệt. Nếu như không có tiền của vật dụng mà thấy người ta bố thí rồi tâm không vui mừng tin tưởng, nghi ngờ đối với ruộng phước, thì gọi là nghèo túng chẳng có gì. Nếu như nhiều tiền bạc châu báu tự tại vô ngại có ruộng phước tốt lành, mà bên trong không có tín tâm không có thể cúng dường bố thí, thì cũng gọi là nghèo túng chẳng có gì.

*

Vì vậy cho nên người trí tự quán xét còn lại một nắm cơm, mình ăn thì sống, cho người ta thì mình chết, mà còn phải bố thí, huống là nhiều hay sao? Người trí lại quán xét, thế gian nếu có người trì giới đa văn cho đến đạt được quả vị A La Hán, còn không thể nào ngăn chặn được những nỗi đói khát khổ đau, hoặc nhà cửa-áo quần-ăn uống-giường chiếu-bệnh tật-thuốc thang, đều do nhân duyên đời trước không bố thí. Người phá giới nếu vui với hạnh bố thí, người này tuy rơi vào ngạ quỷ súc sanh, nhưng luôn được no đủ không hề thiếu thốn; tuy giàu có nhất bốn thiên hạ, thọ nhận vô lượng niềm vui, mà hãy còn không biết đầy đủ.

Vì vậy cho nên Ta phải vì đạo Vô thượng mà thực hành bố thí, chứ không vì quả báo trời người. Tại vì sao? Bởi vì vô thường, bởi vì có giới hạn. Nếu người bố thí hoan hỷ không hối tiếc, thì gần gũi với người thiện, của cải tự nhiên tùy ý, sanh vào gia đình dòng dõi cao quý, cảm được niềm vui của trời người, đạt đến quả Vô thượng, có năng lực xa lìa tất cả phiền não ràng buộc muôn đời.

Nếu người bố thí luôn luôn tự tay mình bố thí, thì sanh vào gia đình dòng dõi cao quý gặp được thiện tri thức, có nhiều tiền của châu báu, quyến thuộc thành tựu tốt đẹp, luôn luôn sử dụng tự mình bố thí, tất cả chúng sinh vui mừng thích được gặp mặt, gặp rồi cung kính tôn trọng ngợi ca.”

Tâm Bố Thí quan trọng hơn Vật Bố Thí

Luận Đại Trượng Phu nói: “Nếu người nhiều tâm keo kiệt, thì tuy là bùn đất mà nặng hơn vàng ngọc. Nếu người nhiều tâm thương xót, thì cho dù bố thí vàng ngọc mà nhẹ tựa cỏ cây. Nếu người tâm nhiều keo kiệt, mất đi tiền của châu báu, thì tâm vô cùng phiền muộn. Nếu người thực hành bố thí, khiến cho người nhận vui sướng, thì tự mình cũng vui sướng.

Giả sử có đồ ăn ngon, nếu không bố thí mà ăn một mình, thì không lấy làm ngon. Giả sử có đồ ăn dở mà thực hành bố thí, sau đó mới ăn thì trong tâm vui sướng cho rằng rất ngon. Nếu bố thí xong có thừa lại tự mình ăn uống, thì tâm của bậc trượng phu tốt lành sinh ra niềm vui thật sự, như đạt đến cảnh giới Niết bàn. Người không có tín tâm thì ai tin được lời này?

*

Giả sử có đồ ăn dở, có người đói lả ở trước mặt, hãy còn không thể nào bố thí cho họ, huống là những thứ ngon lành tuyệt diệu mà có thể cho người ta ư? Như người ở bên dòng nước lớn, hãy còn không thể nào lấy chút nước bố thí cho chúng sinh, huống là tài sản tốt đẹp nào khác, người này ở thế gian thì rác rưởi dễ dàng có được hơn là nước. Người tham lam keo kiệt nghe xin rác rưởi thì trong lòng hãy còn tiết rẻ, huống là tiền của đồ vật hay sao?

Như có hai người, một người rất giàu có, một người rất nghèo túng, có người ăn xin đến, hai người như vậy đều cảm thấy khổ não trong lòng. Người có tiền của đồ vật thì sợ người ta cầu xin, người không có tiền của đồ vật thì nghĩ rằng mình nên làm sao có được chút tiền của đồ vật giúp cho họ. Hai người như vậy ưu sầu khổ não tuy giống nhau, nhưng quả báo đều khác biệt. Người nghèo suy nghĩ thương xót thì sanh trong trời người nhận được vô lượng niềm vui, những giàu tham lam keo kiệt thì sanh trong ngạ quỷ nhận chịu vô lượng khổ đau. ”

 Thế nào là Thí Phước

Về Thí Phước. Như kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Đức Phật dạy: Nếu có Bồ tát tin tưởng vui với Đàn ba la mật thì có mười điều lợi ích. Những gì là mười điều? Đó là:

1. Làm cho phiền não keo kiệt phải hàng phục. 2. Tiếp tục tu tập tâm buông xả. 3. Cùng các chúng sinh có chung tài sản, thâu nhiếp giữ gìn kiên cố cho đến lúc diệt độ. 4. Sanh vào gia đình giàu có. 5. Ở nơi sinh ra tâm bố thí hiện rọ trước mắt. 6. Thường được bốn chúng yêu mến vui vẻ. 7. Ở giữa bốn chúng không luống cuống không sợ hãi. 8. Thanh danh tốt đẹp truyền đến khắp mọi nơi. 9. Tay chân mềm mại, bàn tay bàn chân đầy đặn bằng phẳng. 10. Cho đến đạo quả không xa rời bậc thiện tri thức.”

 Còn trong kinh Đại Bảo Tích nói: “Người vui với hạnh bố thí có được năm loại danh lợi, đó là: 1. Thường được gần gũi với tất cả Hiền Thánh. 2. Tất cả chúng sinh đều tiếp xúc. 3.Vào giữa đại chúng thì mọi người đều tôn kính. 4. Thanh danh tốt đẹp nổi tiếng khắp nơi. 5. Có năng lực làm nhân tuyệt diệu nhất cho Bồ đề.”

*

Kinh Bồ Tát Thiện Giới nói: “đầy đủ ba loại ân huệ bố thí mới có thể thọ trì cấm giới của Bồ tát. Đó là: 1. Bố thí. 2. Bố thí vĩ đại. 3. Bố thí vô thượng.

Thứ nhất là bố thí: Đối với bốn thiên hạ hãy còn không tiếc rẻ gì, huống là đối với vật nhỏ nhoi, đó gọi là bố thí.

Thứ hai là bố thí vĩ đại: Đó là có thể bố thí cả vợ con thân yêu.

Thứ ba là bố thí vô thượng: Đó là đầu mắt tủy não xương thịt máu mủ cũng hoan hỷ bố thí.

Bồ tát đầy đủ ba loại bố thí như vậy, mới có đủ nhẫn nại để có thể giữ gìn cấm giới.” 

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Nếu người đàn việt bố thí ban ân hằng ngày thì cảm được năm điều công đức. Những gì là năm đều? Đó là: 1. Bố thí mạng sống. 2. Bố thí sắc thân. 3. Bố thí sự an lành. Bố thí sức lực. 5. Bố thí sự biện giải.

Bố thí mạng sống thì mong muốn cảm được thọ mạng lâu dài.

Bố thí sắc thân thì mong muốn cảm được hình hài đoan chánh.

Bố thí sự an lành thì mong muốn cảm được không có bệnh tật.

Bố thí sức lực thì mong muốn cảm được không ai có năng lực hơn hẳn.

Bố thí biện giải thì mong muốn cảm được biện tài chân chính vô thượng.” 

So sánh các loại quả báo được hưởng nhờ Bố Thí

Miễn cưỡng Bố Thí: Có quả báo tốt đẹp nhưng không thể thụ hưởng 

Một số người tuy có lụa là gấm vóc chất đầy trong rương, nhưng trên thân thể chẳng qua chỉ khoác lên đôi ba mảnh vải thô xấu; có vàng ngọc châu báu chứa đầy trong tủ, nhưng miếng ăn hằng ngày chẳng qua cũng chỉ dùng những món hơn kẻ bần hàn đôi chút, cho rằng như thế là an nhàn. Lại ưa thích những việc làm lụng cực nhọc, cho đó là thích thú, khoái lạc.

Những người như thế, chỉ thấy họ suốt ngày ưu tư phiền muộn. Rõ ràng có được phước báo tốt đẹp nhưng không thể hưởng dụng như người khác. Đó là do đời trước tuy làm việc bố thí nhưng không phát tâm chí thành, hoan hỷ. Chỉ do có người khuyến khích, khuyên bảo nên mới miễn cưỡng mà bố thí. Hoặc nếu không phải thế thì là sau khi bố thí lại sinh tâm tiếc nuối, hối tiếc việc đã làm.

Không tự làm Bố Thí: Được thụ hưởng nhưng không có quả báo tốt đẹp

Có những người gia cảnh bần hàn, nhưng thường được sống trong nhà cao cửa rộng của người khác; bữa ăn ở nhà mình thì canh rau qua bữa, nhưng lại thường được dùng những món sơn hào hải vị do người khác chiêu đãi. Người như thế tuy được hưởng thụ nhưng không gọi là có phước báo. Đó là do đời trước không tự mình làm việc bố thí, chỉ biết khuyên bảo, khuyến khích người khác làm việc phước thiện; hoặc do khi nhìn thấy người khác làm việc bố thí liền sinh tâm hoan hỷ, ngợi khen tán thán.

Bố Thí xong sanh tâm hối tiếc: Trước giàu sau nghèo

Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước nghe theo lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí, sau lại sinh tâm hối tiếc. Do nhân duyên như thế, người ấy đời sau sẽ được giàu có một thời gian, nhưng sau đó lại phải chịu cảnh bần hàn.”

Bố Thí sanh tâm hoan hỉ: Luận về giàu sang phú quý: Trước nghèo sau giàu

Kinh văn cũng dạy rằng: “Lại nữa, nếu có chúng sinh nào, do nghe lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí nhỏ nhoi. Nhưng sau khi bố thí rồi sinh tâm hoan hỷ. Người ấy đời sau sinh ra làm người, trước chịu nghèo khổ nhưng sau được giàu có.”

Bố Thí cúng dường khiến Tăng nhọc sức: Giàu có nhưng phải lao nhọc

Giàu có là nhờ gieo nhân giàu có. Nhưng phải lao lực khổ nhọc cũng là do gieo nhân lao khổ. Như trong kinh dạy rằng: “Người cúng dường trai tăng ắt sẽ được giàu có vô hạn, ấy là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu có người thỉnh chư tăng đến nhà mình để cúng dường, khiến cho chư tăng phải nhọc sức đi lại vất vả, rồi sau mới dâng cúng thức ăn. Người ấy đời sau tuy vẫn được giàu có vô hạn, nhưng lại phải lao nhọc cần khổ.”

Mang đồ đến chùa bố thí cúng dường: Nhàn hạ mà được giàu có

Nếu người phát tâm cúng dường chư tăng. Mang thức ăn đến tận am viện, chùa chiền. Khiến cho chúng tăng có thể an nhàn thọ dụng. Người ấy sẽ được phước báo đời sau sinh ra trong hai cõi trời người, tự nhiên được thụ hưởng mọi điều khoái lạc.

Nghèo khổ nhưng có thể bố thí do đâu

Kinh văn cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước đây từng làm việc bố thí nhưng không gặp được những bậc là ruộng phước của thế gian, mãi lưu chuyển trong luân hồi sinh tử. Những chúng sinh ấy khi được sinh ra làm người, do không được gặp bậc phước điền nên việc bố thí chỉ mang lại phước báo rất nhỏ nhoi, thoạt có thoạt không chẳng lâu bền. Tuy nhiên, do đã từng tu tập quen theo hạnh bố thí, nên khi sinh ra dù sống trong cảnh nghèo khó vẫn thường có thể làm việc bố thí.”

Vì sao giàu có nhưng không bố thí

“Lại có những chúng sinh vốn không thường làm việc bố thí, nhân gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo nên nhất thời cũng bố thí được một lần, may mắn lại gặp được bậc phước điền đức cao đạo trọng. Nhờ công đức cúng dường bậc phước điền cao trọng, nên đời sau sinh ra được giàu có sung túc. Tuy nhiên, bởi không tập quen hạnh bố thí, nên dù sống trong cảnh giàu sang mà tâm thường keo lận, không làm việc bố thí.”

Bố thí nhiều, được phước ít

Kinh Bồ Tát bản hạnh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh làm việc bố thí nhưng không hết lòng. Hoặc cúng dường mà không có lòng cung kính. Hoặc khi bố thí, cúng dường mà tâm không hoan hỷ. Hoặc khi bố thí lại khởi tâm kiêu mạn, tự cao tự đại. Hoặc bố thí cúng dường cho những kẻ theo tà kiến điên đảo. Bố thí cúng dường như thế cũng giống như người gặp phải mảnh ruộng cằn cỗi bạc màu. Tuy gieo giống xuống rất nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu.”

Bố thí ít, được phước nhiều

Trong kinh này lại cũng dạy rằng: “Nếu vào lúc thực hành bố thí có thể khởi tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, chẳng mong cầu được phước báo, hoặc được cúng dường cho các bậc Bồ Tát, thánh tăng. Bố thí cúng dường được như thế cũng giống như người gặp đám ruộng tốt, tuy gieo giống ít cũng thu hoạch được rất nhiều.”

Bố thí lớn lao, phước báo nhỏ

Kinh Bát-nhã dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát chỉ buông xả tài bảo trân quý; nhưng không phát tâm cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh; thì dù tu tập trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng; cũng chỉ được phước báo rất ít.”

Bố thí nhỏ nhoi, phước báo lớn lao

Kinh Bát-nhã cũng dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát trong khi thực hành bố thí; có thể hồi hướng cầu quả Vô thượng Bồ-đề; để cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương; thì cho dù việc bố thí có nhỏ nhoi cũng vẫn được phước đức vô lượng.” Đối với vị Bồ Tát này, từ lúc phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật; tâm địa không có gì tăng thêm, mà ruộng phước cũng không có gì tăng thêm; vì vốn đã viên mãn.

Gặp hoàn cảnh thuận lợi, chính là lúc nên tu phước

Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, nên tự suy nghĩ như thế này: “Nhà ta nay được giàu có, nhất định là đời trước đã thường tu hạnh bố thí, nên đời này lại càng phải cứu người giúp vật nhiều hơn nữa. Thân thể ta không có bệnh tật, nhất định là đời trước đã thường tu tập từ bi, nên đời này lại càng phải tránh sự giết hại và phóng sinh nhiều hơn nữa.” Cũng giống như khi đã thắp lên một ngọn đèn sáng, cần phải tiếp tục châm thêm dầu thì mới có thể duy trì ánh sáng.

Gặp hoàn cảnh trái nghịch vẫn có thể tu phước

Khi gặp hoàn cảnh trái nghịch, nên tự suy nghĩ như thế này: “Ta nay gặp cảnh khốn khổ tai ách này, đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà có. Nếu vui lòng nhận chịu ắt là đền trả hết được nợ nần xưa kia.” Cũng chẳng riêng việc ấy. Nếu mình gặp cảnh nghèo túng khốn cùng, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được giàu sang sung túc. Nếu mình phải chịu nhiều bệnh khổ, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được khỏe mạnh an ổn. Nếu mình thường gặp cảnh đấu tranh giành giật, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được hòa hợp an vui.

Nếu tự mình ngu si hôn ám, thường nguyện cho tất cả mọi người đều được trí tuệ sáng suốt. Nếu tự mình không được trọn đủ các giác quan, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được thân tướng tốt đẹp. Mỗi khi gặp một hoàn cảnh hoạn nạn nào đó, liền nguyện trong đời vị lai sẽ cứu độ cho người gặp hoạn nạn như thế. Như vậy chẳng phải là ngay nơi phiền não tức hiện Bồ-đề, độc dược hóa thành cam lộ đó sao? Nếu người không biết tu phước thì ắt là ngược lại.

Người khác làm việc thiện, ta có thể được phước

Khi người khác làm việc thiện chưa thành tựu mà mình tùy theo để khuyến khích, thúc đẩy, đó gọi là khuyến khích được phước. Khi người khác làm việc thiện đã thành tựu, mình cũng tùy theo mà vui mừng hoan hỷ, đó gọi là tùy hỷ được phước. Thường ngợi khen xưng tán điều thiện, khiến người khác bắt chước làm theo, đó gọi là tán thán được phước. Suy cho cùng thì khắp cả trên trời dưới đất, từ xưa đến nay, hết thảy các điều thiện trong thiên hạ đều có thể tạo phước cho ta.

Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền phát khởi 10 nguyện lớn, thì nguyện thứ 5 chính là “tùy hỷ công đức”. Trên từ vô lượng phước báo nhiều đời nhiều kiếp của chư Phật, Bồ Tát; dưới cho đến chỉ một việc thiện nhỏ nhoi của bất kỳ chúng sinh nào trong sáu cõi luân hồi; khi mình biết được thì đối với tất cả đều phát tâm tán thán, tùy hỷ. Làm được như thế rồi thì bao nhiêu phước báo trong tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới; đâu đâu cũng có thể trở thành phước báo của mình; mà tự thân mình cũng được như Bồ Tát Phổ Hiền không khác.

Người khác làm việc xấu ác, ta có thể được phước

Khi người khác làm việc ác chưa thành mà mình gắng sức khuyên bảo; nếu khiến người ấy ngưng lại, ắt mình sẽ được phước. Khi người khác làm việc ác đã xong; mình thấy vậy sinh tâm buồn lo, không vui, ắt cũng sẽ được phước. Khi việc ác chưa truyền rộng; mình cố gắng tìm mọi phương cách để chặn đứng, ngăn cản, ắt sẽ được phước. Nếu việc ác đã lan truyền; nên lấy đó làm bài học để răn ngừa, cảnh giác không phạm vào, ắt cũng sẽ được phước.

Nếu việc xấu ác làm hại đến mình mà có thể nhẫn nhục chịu đựng, ắt sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến người khác mà mình có thể khuyên người nhẫn nhục chịu đựng, ắt cũng sẽ được phước.

Vật đem bố thí thế nào là đúng

Vật đem bố thí thanh tịnh là vật: Không giết hại, không trộm cắp, không lừa dối mà có. Tùy khả năng sở hữa ít nhiều vật tinh khiết, đem ra thí, gọi là vật bố thí tốt.

Nếu bố thí đức Phật, lập tức sẽ được mọi phước báo. Nếu bố thí chư Tăng, được thọ dụng, sẽ được mọi phước báo. Nếu chư Tăng chưa thọ dụng, sẽ không được mọi phước báo. Nếu cúng dường pháp, sẽ được mọi phước báo. Nếu đem pháp cúng dường những người tu học thông minh, trí tuệ sáng láng, gọi là cúng dường pháp.

Bố thí thì được giàu có, thọ thì lại càng được vui vẻ, sức khỏe và tuổi thọ. Công đức càng cao, sẽ được phước báo càng lớn. Nếu thí cho loài vật, sẽ hưởng được phước báo trăm đời. Nếu thí cho người xấu sẽ được phước báo nghìn đời. Nếu  thí cho người tốt sẽ được phước báo nghìn vạn đời. Nếu thí cho kẻ phàm đã lìa dục, sẽ được phước báo nghìn vạn ức đời. Nếu thí cho bậc đắc đạo, sẽ được phước báo vô lượng kiếp. Nếu bố thí cho đức Phật, sẽ được nhập Niết bàn.

So Sánh hiệu quả Công đức bố thí

Trong Kinh Địa Tạng, phẩm thứ mười, khi Bồ Tát Địa Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con xem chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh công đức bố thí, hiệu quả có sự nhiều ít khác nhau, có người được hưởng phước một đời, có người được hưởng phước mười đời, có người được hưởng phước hàng trăm, ngàn đời, lợi lạc lớn lao. Tại sao như thế, cúi xin đức Thế Tôn từ bi giảng trạch cho chúng con được biết”.

Đức Phật dạy tóm lược như sau:

“Bất cứ ai gặp những người già yếu, bần cùng, hèn mạt, tàn tật, câm ngọng, đui mù, ngây điếc, không được toàn vẹn. Tự tay đem bố thí cho họ với lòng từ bi, thương xót. Dùng lời mềm mỏng an ủi họ tử tế, khiến cho họ được an ổn, vui vẻ, thì được hưởng phước báo vô lượng.

*

Tuy nhiên, nếu làm được những việc thiện như thế mà đem hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, thì những người làm công đức ấy được hưởng những sự vui sướng nhiệm mầu hàng trăm ngàn đời. Nếu đem công đức ấy hồi hướng cho quyến thuộc nhà mình; hoặc muốn tự mình hưởng những lợi ích, thì ba đời được vui vẻ. Làm một phần thì được hưởng vạn phần”.

Tại sao vậy? Bởi vì những người làm phước đó đã phát tâm rộng lớn đem “hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh”. Không cứ công đức ít nhiều, không dành riêng cho mình và người thân của mình. Đó chính là những người đã “diệt được lòng tham”, cho nên được sự “giải thoát hoàn toàn”. Cho nên được hưởng quả “phước báo lớn lao” như vậy.

Còn những người chỉ phát tâm hạn hẹp; chỉ muốn đem công đức ấy hồi hướng cho người thân, hay cho chính mình mà thôi; họ sẽ được hưởng quả phước báo hạn chế hơn, tùy theo tâm lượng còn nhỏ hẹp của chính mình.”

( Bố thí là gì )

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chép kinh Phật cảm ứng chuyện

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog