Bát khổ là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Bát khổ là gì

Bát khổ là tám nỗi khổ mang tính cương lãnh của kiếp người, bao gồm: Sanh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Kiếp người vốn vô biên khổ, nhưng tám món khổ này nắm phần chủ đạo, ai trong chúng ta cũng ít nhiều gánh chịu.

  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Tam giới là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Chánh kiến tà kiến.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Bát khổ trong Phật giáo
Bát khổ trong Phật giáo

Đại cương về Bát khổ

Bát khổ: 1. Sanh Khổ

Sanh khổ tức chỉ cho nỗi khổ trong cái sanh. Loài người khi ở trong thai đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào, cảm thấy như ở trong giá băng. Lúc ăn thức nóng vào, cảm thấy như bị nung đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, muỗi kiến cắn đốt, chỉ biết kêu khóc mà thôi.

Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên Ngài xác nhận là khổ. Nếu như Sanh không khổ thì khi lọt lòng trẻ đã chẳng kêu khóc oa oa. Vì thế, cổ đức đã than:

Vừa khỏi bào thai lại nhập thai.

Thánh nhơn trông thấy động bi ai!

Huyễn thân xét rõ toàn nhơ nhớp.

Thoát phá mau về tánh bản lai.

Bát khổ: 2. Lão Khổ

Lão Khổ tức sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già rồi, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần đau nhức chuyển rụng. Dù cho bực thanh niên tuấn nhã, hay trang thiếu nữ tiên dung, khi đến tuổi này âu cũng:

Bao vẻ hào hoa đâu thấy nữa.

Một thân khô kiệt nghĩ buồn tênh!

Lắm kẻ tuổi già lờ lẫn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thân, cũng sanh nhàm chán. Kiếp người dường như kiếp hoa, luật vô thường chuyển biến khi đã đem đến cho hương sắc, nó cũng đem đến cho vẻ phai tàn. Xét ra cái già thật không chi vui, thân người thật không chi đáng luyến! Vì thế đức Phật mới bảo: Già là khổ!

Bát khổ: 3. Bịnh Khổ

Bịnh Khổ tức sự khổ trong cơn đau yếu. Có thân là có bịnh, từ những thứ bịnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bịnh nặng của nội thương. Có người vướng phải những bịnh nan y như: Lao, cùi, ung thư, bại xuội. Trong cảnh ấy, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém hoặc không có tiền thuốc thang, chính mình bị khổ lụy, lại gây thêm khổ lụy cho người quyến thuộc. Đó là trên khổ mà gia thêm khổ! Nỗi khổ về bịnh là sự hiển nhiên, chúng ta rất dễ nhận thức.

Bát khổ: 4. Tử Khổ

Tử Khổ tức sự khổ trong lúc chết. Mọi người đều muốn sanh thuận, tử an, nhưng việc ấy rất khó được, mà khi chết phần nhiều sắc thân lại bị bịnh khổ hành hạ đau đớn. Thân đã như thế, tâm thì hãi hùng lo sợ, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải lìa bỏ thân nhơn, muôn mối dập dồn, quả thật là khổ. Đề cập đến chữ Chết mấy ai đã muốn nghe, nói chi là ưa thích.

Bát khổ: 5. Ái Biệt Ly Khổ

Ái Biệt Ly Khổ tức sự khổ khi xa lìa người thân yêu. Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam. Biết bao thanh niên phải dấn thân nơi trận mạc, người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm. Đó chỉ là cái khổ sanh ly.

Lại biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người yêu quý, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh em, con cái bị đạn bom tử nạn. Còn biết bao trẻ em quyến thuộc đều chết, thiếu tình thân mật, sống vất vưởng nơi làng cô nhi! đây là nỗi khổ về tử biệt. Cho nên trong thời buổi này, biển nhớ sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu cũng cao rộng! Cảnh sanh ly tử biệt với người thân yêu, quả thật là khổ!

Bát khổ: 6. Oán Tắng Hội Khổ

Oán Tắng Hội Khổ tức sự khổ về oan gia hội ngộ. Bị những kẻ đối nghịch thù oán ở gần bên gièm pha nói xấu, phá phách mưu hại, làm cho ta phải bực tức khó nhẫn, lo sợ không yên, là một điều khổ. Lại còn nhiều gia đình, cha mẹ anh em hoặc vợ chồng không đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền lẫn nhau. Đó khác nào sự gặp gỡ trong oan gia, đâu có chi là hạnh phúc!

Bát khổ: 7. Cầu Bất Đắc Khổ

Cầu Bất Đắc Khổ tức sự khổ về mong cầu không toại ý. Trong đời sống, con người có rất nhiều ước vọng mong cầu. Đại khái như nghèo muốn cho giàu, xấu muốn cho đẹp, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người thông minh hiếu thuận. Ngàn muôn ước vọng như thế, cầu mong mà không toại ý, đó là nỗi khổ.

Bát khổ: 8. Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ

Ngũ Ấm Thạnh Khổ, tức sự khổ về năm ấm hừng thạnh. Năm ấm là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. Nói một cách đơn giản: Đây tức là sự khổ về thân, tâm. Điều thứ tám này bao quát bảy món khổ trước: Thân thì sanh, già, bịnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn. Tâm thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy.

Luận về Bát khổ

Khi xưa thái tử Sĩ Đạt Ta dạo chơi bốn cửa thành thấy cảnh già bịnh chết, Ngài là bậc trí lự sâu xa, cảm thương đến nổi khổ của kiếp người, nên bỏ hoàng cung tìm phương giải thoát. Trái lại, những kẻ trí tánh dung thường, xét nghĩ cạn cợt, không biết suy tư về cái khổ, nên hằng lấy khổ làm vui.

Có kẻ, nếu nói Sanh là khổ, họ bảo: Khi sanh ra tôi không biết chi, nên chẳng thấy khổ!

Nếu nói Già là khổ, họ bảo: Hiện tại tôi chưa già!

Nếu nói Bịnh là khổ, họ bảo: Từ trước tới giờ tôi thường khoẻ mạnh, rất ít đau yếu, nếu có bịnh cũng chỉ xoàng thôi, không thấy chi là khổ!

Nếu nói Chết là khổ, họ bảo: Cái chết chưa đến, biết đâu đó như là một giấc ngủ yên?

Nếu nói Thương chia lìa là khổ, họ bảo: Gia quyến tôi vẫn đoàn tụ vui vẻ, không có sự biệt ly!

Nếu nói Oán gặp gỡ là khổ, họ bảo: Tôi đâu có làm gì để ai oán ghét mưu hại?

Nếu nói Cầu không được là khổ, họ bảo: Cuộc sống của tôi đầy đủ như ý, không còn mong cầu chi khác.

Thế thì kẻ ấy không có khổ ư? Không họ vận có khổ, tức là là sự khổ về năm ấm, hay thân tâm đều sung thạnh.

Thân tâm cường kiện sung thạnh sao lại khổ? 

Chúng ta thử xem trên xã hội này, những án như: Bắn giết, cướp bóc, hiếp dâm, đánh chém nhau. Các án tích ấy, một phần do hạng người nhàn rỗi, thân tâm quá sung mãn đầy đủ, họ bị những kích thích về tâm lý, sinh lý, ngồi đứng không yên, vô sự sanh sự, gây nên những việc hung tàn.

Như hiện nay từ Âu Mỹ đến Việt Nam, rất nhiều kẻ sống theo trào lưu cuồng loạn, say đắm theo rượu mạnh, nhảy nhót, hút cần sa hoặc chích ma túy, dâm dật, buôn lậu, ưa vũ thoát y hoặc nhạc kích động, ăn chơi đủ cách, cho đến thích nguy hiểm, bạo hành.

Thân và Tâm của họ không yên, như ngọn lửa phừng cháy gây nên nhiều lỗi lầm tội ác, để rồi phải chịu khổ. Đó chính là cái khổ “Năm ấm hừng thạnh.”

Chúng ta thử quán sát mình và người, phải chăng đã chịu ít nhiều trong Bát khổ? Người học Phật nếu biết suy tư đến tám mối khổ lớn của nhơn sanh, có thể gọi là đã đến gần với đạo vậy.

Vì Sao Đức Phật thuyết về Bát Khổ 

Hòa Thượng Thiện Hoa bảo: “Có người sẽ băn khoăn, thắc mắc tự hỏi: Ðức Phật nêu lên một cách rốt ráo những nỗi khổ của thế gian để làm gì? Cuộc đời đã đau khổ như thế, thì nên che dấu bớt đi chừng nào hay chừng ấy, chứ sao lại lột trần nó ra làm gì cho người ta càng thêm đau khổ? Ta cố gắng tạo nên một ảo tưởng tốt đẹp về cuộc đời để sống an ổn trong ấy, có hơn không?

Ðứa trẻ nít sống một cách hồn nhiên, yên ổn trong hạnh phúc, vì nó không biết đến những nỗi đau khổ, xấu xa của cuộc đời. Tại sao ta lại không cố bắt chước như chúng, đừng tìm biết gì cả về những sự xấu xa, khổ sở của cõi đời, để sống một cuộc sống có hạnh phúc hơn?

Ðức Phật là một đấng thường được gọi là đấng từ bi, sao lại làm một việc nhẫn tâm như thế? Những câu hỏi thắc mắc trên, mới nghe thì hình như có lý, nhưng nếu suy xét một cách rốt ráo, sẽ thấy chúng là nông cạn. Ðức Phật không nhẫn tâm khi nêu lên những nỗi khổ căn bản của cõi đời; chính là vì lòng từ bi mà ngài làm như thế. Ðức Phật muốn cho người đời biết rõ những nỗi khổ của trần gian, vì những lợi ích lớn sau đây:

1.- Gặp cảnh không khủng khiếp

Những nỗi khổ mà đức Phật nói ra ở trên là những nổi khổ căn bản, không ai tránh khỏi được. Ðã sống, tất phải gặp chúng. Có ai không ốm, không già, không chết? Có ai suốt đời không gặp chia ly với người thân thuộc; không bị chung sống với những kẻ thù nghịch? Có ai đạt được tất cả những điều mình mong ước?

Cho nên, dù có muốn tạo ra một ảo tưởng đẹp đẽ về cuộc đời để sống cho yên ổn; thì ảo tưởng ấy, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị thực tế phủ phàng xé tan đi mất! Và khi ấy, cuộc thế trần truồng, xấu xí, ghê tởm sẽ hiện ra một cách vô cùng đột ngột, trước mắt những kẻ thường quen sống trong ảo tưởng đẹp đẽ. Bấy giờ những kẻ thiếu chuẩn bị để sống một cuộc sống đau khổ, sẽ hoảng lên; họ sẽ vô cùng tuyệt vọng và có nhiều khi không đủ can đảm để sống nữa.

Trái lại, khi chúng ta biết rõ cảnh Ta Bà này có nhiều điều khổ, thì gặp cảnh khổ, chúng ta không đến nỗi khủng khiếp, tán loạn tinh thần. Trái lại, chúng ta sẽ điềm tĩnh nhẫn nại để tìm phương giải thoát. Tỷ như nhà nông, biết bổn phận mình là phải vất vả với nghề cày sâu cuốc bẫm; tay lấm chân bùn, mới có lúa gạo để sống; nên gặp cảnh mưa tuôn, nắng táp cũng không nao núng chút nào. Trái lại, một kẻ quyền quý, quen sống trong nhung lụa, trong cảnh đền đài nguy nga; rủi gặp thời cuộc hỗn loạn, đổi thay bất ngờ, đâm ra kinh hãi và liều mình tự tử.

2.- Không tham cầu nên khỏi bị hoàn cảnh chi phối

Khi chúng ta rõ biết cuộc đời vui ít buồn nhiều, hễ càng ham muốn nhiều thì lại càng đau khổ lắm,. Khi biết rõ như thế, chúng ta sẽ tiết chế dục vọng của chúng ta và sẽ “biết đủ”. Do đó, chúng ta không bị hoàn cảnh chi phối, không bị sóng đời lôi kéo, vùi dập chúng ta xuống vực thẳm mênh mông của cõi Ta Bà đen tối. Tỷ như người trí, rủi bị giam cầm thì biết lo nghĩ phương kế để thoát ly lao ngục; chứ không như kẻ dại, trong khi ngồi tù, chỉ lo tranh giành những món cơm thừa, canh cặn; quên rằng mình sẽ bị đem xử tử, nếu mình không sớm tìm kế thoát thân.

3.- Gắng sức tu hành để thoát khổ

Khi đã biết thân người nhiều khổ và cảnh Ta Bà ít vui, con người mới mong ước được thoát ly ra khỏi cảnh giới đen tối của mình và sống ở một cảnh giới tốt đẹp hơn. Cũng như lũ trẻ đang chơi mê mẩn trong cảnh nhà đang cháy, may nhờ đấng cha lành báo động, chúng mới biết và gấp rút tìm đường thoát ra.”

 

(Bát khổ là gì – Theo niệm Phật Thập Yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Kim Chỉ Nam Trên Con Đường Tu Tịnh Độ

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog