Bạn có biết Quỷ thần là gì không
Pháp Giới 12 tháng trước

Bạn có biết Quỷ thần là gì không

Quỷ Thần sống trong chiều không gian bất đồng cùng chúng ta, họ là hạng quỷ có uy phước trong một cõi giới vô cùng rộng lớn: Cõi Ngạ Quỷ. Họ xuất hiện khắp mọi nơi, chỉ là: Họ thấy ta nhưng ta không thấy họ!

  • Người chết đi về đâu sau khi mất.
  • Quỷ La sát là loài ác độc.
  • Ác quỷ là gì
  • Quỷ dạ xoa là gì
  • Lệ quỷ là quỷ gì
  • Cách giúp người bị Ma nhập.
  • Cách phòng tránh tẩu hỏa nhập ma khi thiền.

Quỷ thần tồn tại với hình dáng sinh mệnh muôn vàn sai biệt, ta không thấy họ nhưng họ thấy ta. Đặc biệt trong cảnh giới này, họ có tha tâm thông, ít thôi nhưng biết hết mọi điều thiện ác bạn nghĩ ở trong đầu. Thế nên, chúng ta đối với quỷ thần nhất định phải cảnh giác lưu ý. “Trên đầu ba thước có thần minh”, nhất cử nhất động của ta chư quỷ thần đều nhìn thấy! 

Quỷ thần
Quỷ thần

Loài quỷ bình thường như quỷ lang thang trôi nổi, như loại quỷ đói khát, đều không có nhà cửa. Loài này tạm nương náu nơi mồ mả, đắp đổi dựa chân trong chốn chùa chiền, hay trong hang hốc, cỏ cây. Đây không phải là quỷ thần đâu nhé!

Quỷ Thần là gì

Quỷ có nghĩa là “úy”, tức là hay khiếp sợ. Thần có nghĩa linh thông biến hóa. Quỷ thần uy phước có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc. Thức ăn của họ hoặc là thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng.

Hạng Quỷ thần có uy phước thân hình cao lớn xinh đẹp như chư thiên. Các Quỷ thần ở non núi, sông ngòi, biển cả, phần nhiều thân thể đều trang nghiêm đoan chánh. Về dục nhiễm thì Quỷ thần có giá thú, đôi bạn, hoặc si mê giao hợp xen tạp không khác chi loài người.

Quỷ thần lại chia ra làm hai hạng: Chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhân gian; Hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. 

Xứ sở của Quỷ thần

Xứ sở của quỷ thần có hai nơi: Chánh trụ và Biên trụ.

  1. Chánh trụ là nơi Quỷ Vương thống lãnh, như trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số Ngạ quỷ. Thành nầy ở dưới châu Diêm Phù Đề, nơi đây không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng”.
  2. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố. Hoặc ở đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà cùng các nơi bất tịnh.

Chánh trụ là nơi ở của Quỷ Thần Vương, còn gọi là Diêm La Vương cai quản toàn bộ về thế giới Ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các Quỷ thần có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người.

Quỷ thần cũng giầu nghèo nhiều sai biệt như loài người, tất cả đều do tạo phước nghiệp khi còn làm người. Đa phần đây là loài Quỷ thần được thọ hưởng đồ cúng tế.

Quỷ thần thọ hưởng đồ cúng tế

Quỷ thần được cúng tế là loại quỷ thần thường ngày đến trong đền thờ, hưởng lộc của người cúng tế, sẵn có tự nhiên. Đôi khi du lịch phương xa, như chim tung cánh giữa trời, đi về thỏa thích.

Nhờ vào kiếp trước, hiểu biết cao xa, hy vọng thế này: “Một mai, nếu ta mệnh chung, tất cả con cháu chắc hẳn sẽ cúng tế cho ta đầy đủ cho ta phẩm vật ăn uống”. Do nghiệp lực của nhận thức ấy, được sinh vào loại quỷ này. Theo nhân lành của kiếp trước, nên thọ lãnh được sự cúng tế. Hoặc có kẻ, kiếp trước vốn yêu quý người thân. Vì muốn cho ai nấy đều được giàu có no đủ, nên đã không theo chánh pháp, gom góp báu vật, nuôi lòng keo kiệt, không biết bố thí. Theo ác nghiệp này, phải sinh làm quỷ thần ít phước, ở bên cạnh nhà cũ.

Nếu người thân nhớ đến, tạo phước rồi hồi hướng cho thì hạng quỷ thần này ngày càng giầu có. Thậm chí có kẻ được khai tâm, tưởng vào chuyện cúng dường tạo phước. Phát tâm tu chánh pháp mà sớm thoát thân quỷ. 

Quỷ thần có uy đức thế lực

 Hạng Quỷ thần có uy đức luôn luôn giàu có đẹp đẽ. Áo quần tự nhiên có sẵn. Thân mặc áo trời, miệng ăn mỹ vị của trời. Hình dáng lớn cao phóng khoáng, dong xe thong thả lướt đi. Chơi đùa thỏa thích, không khác gì Thiên nhân cõi trời. Tuy vậy Kinh Phật dạy: Đường Quỷ thần không bằng đường người bởi có hai lý do:

Một là hưởng báo phần hiển hiện không bằng người. Vì quỷ thần ở đấy ngày núp đêm đi, nên không bằng người.

Hai là nhút nhát, nhiều lo sợ, nên không bằng người. Tuy có uy đức, nhưng vì phước báo yếu kém nên thường lo sợ người. Giả sử đêm ngày gặp người, thường phải ẩn núp né tránh”.

Vậy Quỷ thần đã yếu kém hơn người, tại sao lại có phước báo uy đức bằng chư Thiên? Lý do là bởi hạng Quỷ thần do lúc làm người đã bố thí nhiều, nên hưởng được báo thân có uy đức. Do kiếp trước đã ton hót, không thành thật, nên phải sinh vào đường quỷ này.

Quỷ có uy đức thì có đền đài trang hoàng bằng bảy loại châu báu. Tất cả các vị Thần linh trong nhân gian đều thuộc cảnh giới quỷ thần có uy đức này!

Loài Quỷ thần ác hại người

Trong kinh Phật dạy: Nhà làm ác tất có hiện tượng “ác quỷ trú môn”. Những ác quỷ này đều là do túc thế cùng bạn có nghịch duyên oan gia trái chủ. Nay do ác niệm, ác hạnh của bạn chiêu cảm mà chúng tìm tới bên bạn.

Nếu bạn có thể nhìn thấy họ ở chiều không gian bất đồng này, bạn sẽ phát hiện rằng: Trong nhà, trên trên, dưới dưới đều hiện hữu chật kín những ác nhân ác quỷ đáng sợ kia. Hễ làm ác tức là cùng ác quỷ kết duyên, gọi là đồng thanh đồng khí tương tụ, tương cầu. Do vậy mà vận khí của kè thủ ác ta có thể tưởng tượng ra được: Sự nghiệp không thuận, gia đình bất hòa, cháu con bất hiếu… Đây hoàn toàn là do ác nghiệp bạn chiêu cảm, dẫn dắt tới.

Nơi cu ngụ nhiều nhất của quỷ thần ác

Hiện nay ở các tụ điểm ăn chơi như: Vũ trường, quán bar, massage, nhà nghỉ…xuất hiện vô thiên lủng các loại ác quỷ, không thể tính đếm. Nguyên do là: Nhân tâm ở những nơi này đều bất chính, nên sẽ chiêu gọi bọn ác quỷ tìm tới trú đóng.

Qua đó mà suy, thì những kẻ lập nên vũ trường, quán bar, hộp đêm… Những vị kinh doanh: Ma túy, tình dục, luyến ái lệch lạc, túng tình, lạm dục… Tất cả đều sẽ chiêu lấy kết cục: Sự nghiệp mai hậu càng lúc càng bất lợi, chưa kể sẽ xảy ra các tai nạn cháy nổ, chém giết v.v… Nghĩa là họa ương bất ngờ thường xảy ra khiến mất mạng, thương vong.

Lý do là: Tại các tụ điểm ăn chơi trác táng, tiêu hoang, lãng phí. Sẽ khiến người tổn giảm rất nhiều phúc báu. Ngoài ra nơi đó còn là môi trường chiêu mời rất nhiều ác quỷ tới. Chúng đeo bám người tới đây khiến cho vận khí suy bại.

Loài Quỷ thần thiện giúp người

Người chuyên hành thiện, sống thiện. Người có tâm địa quang minh chính đại, sẽ chiêu cảm thiện quỷ, thiện thần đến. Bạn không nên kinh sợ, tuy gọi là quỷ thần nhưng họ là những thiện quỷ. Thiện quỷ thần này chỉ ưa làm việc phúc thiện, ưa thành nhân toàn mỹ mà thôi.

Do bạn sống thiện lương làm cảm động họ, chiêu cảm họ tìm đến ngự trong nhà. Họ khiến vận khí của bạn càng thêm tốt đẹp hài hòa. Họ sẽ phù trợ bạn tăng trưởng đức hạnh bản thân. Vì đó mà trong sinh hoạt công tác, bạn sẽ được thuận lợi vừa lòng. Tương nhiên, quỷ thần chỉ là trợ duyên, bởi nguyên nhân chính vẫn là ở nơi đức hạnh của bạn.

Ngôn hạnh của bạn ảnh hưởng đến những quỷ thần thiện. Khi họ nhìn thấy tư tưởng hành vi thiện của bạn, sẽ rất hoan hỉ. Ngược lại nếu họ thấy bạn nói tốt, mà hành xấu, ngôn hạnh bất nhất. Họ sẽ thất vọng chán nản, rời xa, từ bỏ bạn. Thay vào đó, bạn sẽ chiêu cảm đám quỷ ác tìm tới. Và tất nhiên bọn này sẽ làm cho gia đình bạn bất hòa, sự nghiệp lụn bại…

Chuyện Quỷ thần

Tư Mã Văn Tuyên đời Tống, người Hà Nội. Vào năm Nguyên Gia thứ chín, đang có tang mẹ thì em mất. Sáng ngày rằm, bỗng thấy em mình hiện nguyên hình trên linh vị, không khác ngày thường, thở dài, xin cho ăn uống. Văn Tuyên hỏi: “Lúc còn sống, em tu hạnh thập thiện. Theo kinh nói, phải được sinh lên trời hay sinh làm người. Tại sao lại sinh vào đường ngạ quỷ thế này?”. Người em cúi xuống nhìn lên, trầm ngâm im lặng, không chịu trả lời.

Ngay đêm ấy, Văn Tuyên mơ thấy em mình về nói: “Công phu tu thiện của em đã được quả báo sinh lên trời rồi. Con quỷ sáng nay hiện ra trên bàn thờ chỉ là loại quỷ mị, không phải là em. Sợ anh ngờ vực, nên phải đến nói rõ cùng anh”.

Sáng hôm sau, Văn Tuyên mời tăng đến tụng kinh Lăng Nghiêm và sai người đánh đuổi đi. Con quỷ ấy trốn dưới giường rồi chạy ra ngoài cửa, hình thù xấu xí. Cả nhà kinh hãi, mắng nhiếc đuổi đi. Quỷ bảo: “Đói quá phải đến xin ăn thôi. Ít lâu sẽ đi!”. Một lát sau, trên đầu bàn thờ của mẹ ông lại có một con quỷ khác, da dẻ hình dung màu đỏ, thân thể rất cường tráng. Văn Tuyên thở dài, gợi chuyện qua lại, đều trả lời rành mạch. Lúc đầu còn sợ sệt, cuối cùng cũng hơi quen thuộc. Con quỷ cũng lân la lại gần, ăn ở vào ra  như người nhà.

Ma quỷ
Chuyện Quỷ thần
Đàm luận với Quỷ

Bấy giờ, ở kinh đô cùng nhau truyền miệng đồn đãi. Người xem đi về, dấu chân chồng chéo đầy cửa. Lúc ấy, tại chùa Nam Lâm có một tăng sĩ là Sa môn Hàm đã cùng với con quỷ đàm luận. Quỷ nói: “Kiếp trước, tôi cũng từng là người tôn quý. Vì phạm nhiều tội ác, phải chịu quả báo, chưa trả xong nên làm quỷ thần. Đến năm Dần, sẽ có đám quỷ bốn trăm đứa, bọn chúng làm ra bệnh dịch. Trong những người phải chịu nạn, không liên can đến các vị tu hành.

Nhưng bọn quỷ ngang ngược đông quá, sẽ lạm dụng ra uy thiện phước, nên trên sai tôi đến giám sát bọn chúng”. Tăng sĩ đưa đồ ăn đến cho. Quỷ nói: “Tôi đã có đồ ăn, không cần phải đem cho những thứ này”. Sa môn Hàm nói: “Quỷ biết nhiều chuyện, hãy nói thân ta từ đâu đến? Tại sao làm Sa môn?”. Trả lời: “Từ đường người đến. Nhân duyên xuất gia vốn do lời thệ nguyện”. Hỏi về chung cuộc của những lẽ tồn vong, sinh tử. Quỷ trả lời đại khái, đều có hiệu nghiệm rõ ràng.

Người đã mất ngụ ở đâu

Sa môn hỏi: “Ông vốn không đến xin ăn, tại sao ở lâu đến thế?”. Quỷ trả lời: “Tại đây có một cô gái, đáng lẽ phải bị bắt. Nhưng vì giữ gìn giới hạnh tinh tiến, nên không thể bắt được. Lâu nay, tôi nấn ná ở đây là vì chuyện ấy. Làm quấy rối chủ nhà, thật đáng hổ thẹn!”.

Từ đó về sau, rất ít thấy bóng dáng. Những kẻ đến xem sau, chỉ còn được nghe tiếng nói. Bấy giờ là năm Nguyên Gia thứ 10, đến ngày 28 tháng 3, quỷ nói với Văn Tuyên rằng: “Lâu nay đến ở nhờ, thấy ông xuất hết của cải làm phước. Đáng nể như thế, làm sao ở lâu?”.

Văn Tuyên bảo: “Đã cho ông ở nhờ, tại sao lại ở trên bàn thờ tổ tiên của người ta?”. Trả lời: “Những người đã mất trong nhà ông đều có chỗ ở cả. Chỗ này chỉ bày suông ra thôi. Thế nên, tôi mới ở tạm”. Liền đó, từ biệt ra đi.

Chuyện về cuộc sống của Quỷ thần

Vương Hồ đời Tống, người Trường An: Có người chú mất đã vài năm, đến năm Nguyên Gia thứ hai mươi ba, bỗng hiện hình về nhà, trách Hồ chỉ lo tu hành, bỏ phế việc nhà không lo liệu, đánh phạt năm mươi gậy. Những người hai bên và làng xóm đều nghe tiếng nói và tiếng gậy đánh phạt của người chú, lại thấy cả vết roi, nhưng không thấy hình dáng của người chú. Chỉ một mình Hồ là thấy được.

Người chú bảo: “Số ta chưa đáng chết. Thần bảo cần ta để coi sóc bọn quỷ. Nay ta phải đi theo đoàn quan binh đông đảo, sợ kinh động hàng xóm nên không cho vào”. Hồ cũng thấy đoàn quỷ náo động ở ngoài làng. Giây lát, người chú từ biệt ra đi, và bảo rằng: “Ngày mồng bảy tháng bảy sang năm, ta sẽ trở về đưa cháu đi tham quan cõi âm, để biết sự báo ứng của tội phước. Không cần bày vẽ tốn kém, nếu cháu không bỏ ý định, chỉ mang theo trà thôi”.

Tham quan cõi âm

Đến kỳ hẹn, quả nhiên người chú trở về nói với người nhà của Hồ: “Nay ta đưa Hồ đi tham quan xong sẽ cho về. Chẳng có gì đáng lo ngại”. Hồ lập tức nằm lên giường, lặng bặt như chết. Liền đó, người chú đưa Hồ đi tham quan khắp các chỗ núi non, xem đủ các loài yêu quỷ. Cuối cùng, đến Tung Sơn, bọn quỷ gặp Hồ, đều làm tiệc thết đãi. Những món ngon đem mời không khác với thế gian, chỉ có món gừng thì rất giòn và ngon tuyệt. Hồ muốn giấu đem về.

Bọn ngồi hai bên cười Hồ và nói: “Chỉ nên ăn tại đây, không được mang về”. Đến cuối, Hồ thấy một chỗ nhà cửa đẹp đẽ, rộng rãi. Màn chiếu sạch sẽ, chỉnh tề. Có hai tăng sĩ nhỏ tuổi ở đó. Hồ bước đến, hai tăng sĩ nhỏ tuổi dọn mời trái cây và trầu cau. Hồ đi tham quan cũng lâu, thấy đủ báo ứng của tội phước khổ vui, bèn xin từ biệt trở về. Chú của Hồ bảo: “Cháu đã biết thiện rất đáng tu, không nên tu tại gia. Ngài chân trắng như lụa, giới hạnh tinh tiến cao siêu. Thật xứng đáng làm thầy!”.

Quỷ thần học chánh pháp

Ở Trường An có vị Sa-môn chân trắng không dơ, nên người đương thời gọi là Bạch túc a luyện (chân trắng như lụa bạch), được giặc Ngụy rất tôn kính. Vua giặc Ngụy tôn làm thầy. Hồ đã đến xin quy y với ngài trong chùa, liền thấy hai tăng sĩ nhỏ tuổi từng gặp năm trước trên Tung Sơn đang theo học trong đại chúng.

Hồ thất kinh, đem kể lể chuyện xa cách, hỏi thăm đến đây từ lúc nào. Hai tăng sĩ trả lời: “Bần đạo lâu nay vẫn ở chùa này, không nhớ trước đây có quen biết với huynh”. Hồ nhắc lại chuyện gặp gỡ trên Tung sơn. Hai tăng sĩ nói: “Huynh lầm với ai rồi! Đâu có chuyện ấy!”. Đến sáng hôm sau, hai tăng sĩ tự nhiên đi mất.

Hồ đem kể rõ cho các Sa-môn chuyện gặp mặt trước đây trên Tung sơn. Đại chúng đều kinh ngạc, lập tức đi tìm hai tăng sĩ, không biết ở chỗ nào. Mới hiểu ra, họ chính là thần nhân. Cuối niên hiệu Nguyên Gia, có tăng sĩ ở Trường An tên là Thích Đàm Sảng đến chơi Giang Nam, kể rõ đầu đuôi như thế. (Chuyện này từ sách Pháp uyển châu lâm)

Làm bạn với Quỷ Thần

Huề Nhân Thiến là người Hàm Đan ở quận Triệu đời Đường: Thuở nhỏ theo học sách Nho, không tin quỷ thần. Thường muốn xem quỷ thần có thực hay không, đã đến một người dạy cho thấy quỷ học hơn mười năm, cũng chẳng thấy gì.

Về sau dời nhà sang huyện Hướng. Trên đường đi, gặp một người giống quan lớn, áo mão rất lộng lẫy, cưỡi ngựa tốt, có hơn năm mươi tùy tùng, nhìn Nhân Thiến nhưng chẳng nói gì. Sau đó, vẫn thường gặp người ấy, nhưng thái độ vẫn như thế. Suốt hơn mười năm, cả thảy mấy chục lần.

Sau nữa, bỗng dừng ngựa gọi Nhân Thiến, nói: “Thường gặp ông luôn, lòng ta rất hâm mộ. Xin được kết giao cùng ông”. Nhân Thiến liền vái chào, hỏi: “Ông là ai thế?”. Đáp: “Ta chính là quỷ đây. Họ là Thành, tên Cảnh, vốn người ở Hoằng Nông, làm Biệt giá thời Tây Tấn, hiện làm Trưởng sử ở nước Hồ”. Nhân Thiến hỏi: “Nước ấy ở đâu? Nhà vua tên họ gì? Đáp: “Phía Bắc Hoàng Hà đều là lãnh thổ của nước ấy. Kinh đô đóng tại phía Tây Bắc Lâu Phiền, là Sa Thích đấy mà! Nhà vua chính là Vũ Linh vương của nước Triệu ngày xưa, nay cai trị nước ấy, dưới sự thống lãnh của Thái Sơn.

Quỷ Thần no đói cũng như người

Hằng tháng, nhà vua đều sai Thượng tướng về chầu Thái Sơn. Thế nên, ta thường đi qua nơi đây và cùng ông gặp gỡ. Ta cũng có thể giúp cho ông biết trước tai họa để tránh né, thoát khỏi thiệt hại. Chỉ trừ định mệnh sống chết và báo ứng của họa phước lớn lao thì không thể thay đổi được mà thôi”. Nhân Thiến bằng lòng. Do đó, Thành Cảnh tặng cho một viên tùy tùng là thư ký họ Thường, sai đi theo Nhân Thiến và dặn dò: “Có chuyện sắp xảy ra, hãy báo trước cho Nhân Thiến biết. Chuyện gì nhà ngươi không biết nổi, phải đến báo cho ta hay”.

Liền đó, từ biệt ra đi. Thường thư ký luôn luôn đi theo Nhân Thiến, giống như người hầu. Mỗi khi có chuyện cần tham vấn, chắc chắn đều biết trước. Bấy giờ, vào đầu niên hiệu Đại Nghiệp, Chi Tượng ở Lăng Sầm lành lệnh doãn tại Hàm Đan. Con là Văn Bản, tuổi còn niên thiếu. Chi Tượng mời Nhân Thiến đến nhà giảng sách cho Văn Bản.

Nhân Thiến đem chuyện này kể cho Văn Bản nghe, rồi nói: “Thành Trưởng sử nói với ta, có một chuyện xấu hổ với ông lắm, không thể nói ra được. Nhưng đã chơi thân với ông, không thể không nói cho ông hay. Đường quỷ thần cũng có ăn uống thật, nhưng ăn không được no, luôn luôn khổ vì đói. Nếu ăn được một bữa của người, thì sẽ no suốt một năm. Vì thế, phần đông bọn quỷ đều đi ăn trộm của người. Ta đã có địa vị cao sang, không thể làm chuyện trộm cắp như thế. Xin ông cho một bữa ăn”.

Tiền bạc và vật dụng của Quỷ Thần

Khi Nhân Thiến đem chuyện ấy nói với Văn Bản, Văn Bản cho làm cỗ đủ các món ăn ngon quý. Nhân Thiến nói: “Quỷ không muốn vào nhà người, phía ngoài bờ sông, nên giăng màn trải chiếu, bày tiệc dọn rượu lên trên”, Văn Bản làm theo lời ấy.

Đến ngày, Nhân Thiến thấy Cảnh và khách khứa cùng đến, hơn trăm tùy tùng cũng đã ngồi yên. Văn Bản đứng lên vái chào, tạ lỗi vì cơm rượu chưa mấy tinh mỹ, đồng thời cũng truyền đạt lòng cảm tạ của Cảnh. Trước đó, khi Văn Bản sắp thết đãi, Nhân Thiến xin sắm vàng lụa để làm quà tặng.

Văn Bản hỏi: “Đó là những thứ gì?”. Nhân Thiến nói: “Vật dụng của quỷ đều khác với người, chỉ có vàng và lụa thì thông dụng như nhau, nhưng tốt nhất là đồ giả. Lấy màu vàng bôi lên thiếc trắng làm vàng, lấy giấy làm bạc là giá trị nhất. Văn Bản theo lời mà sắm sửa. Khi Cảnh đã ăn uống xong, mới cho các tùy tùng ăn uống.

Văn Bản đem tặng các thứ vàng lụa chế tạo, Cảnh rất hoan hỷ, cám ơn: “Nhân ông Huề nói ra, khiến cậu phải bận lòng sắm sửa mọi thứ! Cậu muốn biết tuổi thọ không?”. Văn Bản từ chối: “Không mong biết đến!”. Cảnh cười rồi ra đi.

Chuyện họa phước quỷ thần đều biết

Mấy năm sau, Nhân Thiến mắc bệnh, tuy không nặng lắm, nhưng không gượng dậy nổi. Đã hơn một tháng trôi qua, Thiến hỏi Thường thư ký, nhưng Thường không biết, liền hỏi trưởng sử. Trưởng sử trả lời: “Hiện không biết được việc trong cả nước, chờ tháng sau, nhân đi chầu Thái Sơn, hỏi thăm tin tức rồi sẽ báo lại”.

Đến tháng sau, trưởng sử báo rằng: “Do chính người làng là ông Triệu làm chủ sự ở Thái Sơn, vì còn thiếu một viên, đã tiến cử ông vào chức ấy, nên làm báo cáo trình bày, xin triệu ông. Khi báo cáo làm xong thì sẽ chết”. Nhân Thiến hỏi: “Xin đem báo cáo cho xem”. Cảnh nói: “Tuổi ông thọ hơn sáu mươi, nay mới bốn mươi, chỉ vì chủ bạ họ Triệu xin trưng dụng ông mà ra nông nỗi này thôi! Phải xin lại giúp ông mới được!”.

Rồi nói thêm: “Chủ bạ họ Triệu có hỏi thăm, nói anh Huề là bạn học ngày xưa, tình sâu nghĩa nặng. Tôi may mắn được làm chủ bạ ở Thái Sơn. Vừa rồi có thiếu một viên ở đó. Vua Diêm La ra lệnh kiếm người. Tôi đã đem bẩm với ngài, và được chấp thuận.

Mách người cách tăng tuổi thọ

Lại bảo: Anh ấy không thể sống mãi, chắc chắn phải chết. Chết đi, dù có cơ may, chưa chắc đã được làm quan. Tiếc chi một vài mươi năm kéo dài cuộc sống tạm bợ? Nay văn thư đã ban hành, không thể chậm lại. Mong anh ấy quyết định ý hướng đến đây, đừng nên chần chờ gì nữa!”.

Nhân Thiến lo sợ, bệnh càng nặng thêm. Cảnh bảo Thiến rằng: “Chủ bạ họ Triệu chắc chắn muốn mời ông đến. Ông có thể thân hành lên Thái Sơn, đến trước vua Diêm La kêu cầu, may ra có thể thoát được”. Thiến hỏi: “Làm sao có thể ra mắt vua Diêm La?”. Cảnh bảo: “Chỉ loài quỷ mới có thể gặp được mà thôi. Đến miếu Thái Sơn, vượt qua một dãy núi nhỏ về phía Đông, đến chỗ đất bằng, đó là kinh đô của ngài. Ông tự mình đến ra mắt ngài đi”. Thiến đem báo cho Văn Bản, Văn Bản sửa soạn giúp hành trang.

Được mấy hôm, Cảnh lại báo với Thiến: “Văn thư sắp xong rồi, sợ ông kêu cầu cũng không thoát khỏi. Hãy mau mau làm một tượng Phật, văn thư ấy tự nhiên sẽ tiêu tan”. Thiếu báo cho Văn Bản, rồi đem 3 nghìn tiền mướn vẽ một tượng Phật lên vách phía Tây nhà chùa, vừa xong, Cảnh lại đến báo: “Thoát rồi!”.

Quỷ dạy lý nhân quả báo ứng

Thật tình, Thiến không tin Phật. Trong lòng vẫn còn hồ nghi, nên hỏi Cảnh rằng: “Phật pháp nói có nhân quả ba đời, điều này hư thật ra sao?”. Cảnh trả lời: “Đều thật cả”. Thiến lại hỏi: “Đã như thế, thì người chết sao phải phân chia sáu đường, lẽ nào tất cả đều làm quỷ? Tại sao Vũ Linh vương và ông đến nay vẫn còn làm quỷ?”. Cảnh hỏi: “Trong huyện của ông có bao nhiêu nhà?”. Thiến đáp: “Hơn vạn nhà”. Lại hỏi: “Trong ngục có bao nhiêu tù?”. Thiến đáp: “Bình thường, dưới hai mươi đứa”.

Lại hỏi tiếp: “Trong vạn nhà ấy, có bao nhiêu người làm quan ngũ phẩm?”. Thiếp đáp: “Không có ai cả”. Lại hỏi nữa: “Từ cửu phẩm trở lên. Có bao nhiêu người làm quan?”. Thiến đáp: “Vài chục người”. Cảnh nói: “Ý nghĩa của sự phân chia vào trong sáu đường cũng như thế mà thôi. Được sinh lên đường Trời, vạn người chưa có được một, giống như trong huyện của ông không có ai được làm quan ngũ phẩm.

Được sinh vào đường người, vạn người có được vài ba, giống như trong huyện của ông có vài chục người làm quan cửu phẩm. Đọa vào địa ngục, vạn người cũng có mấy chục, giống như số tù nhân trong nhà ngục của huyện ông. Chỉ có ngạ quỷ và súc sinh là nhiều nhất, giống như số nhà phải chịu thuế má phu phen trong huyện của ông. Ngay trong đường này cũng có thứ bậc”. Nhân đó, Cảnh chỉ vào kẻ tùy tùng rồi nói: “Người ấy hoàn toàn không giống như ta. Những kẻ không bằng người ấy, lại càng nhiều hơn nữa”.

Quỷ thần có chết không

Thiến hỏi: “Quỷ có chết không?”. Trả lời: “Có chứ”. Thiến hỏi: “Chết xong sẽ sinh vào đường nào?”. Trả lời: “Không biết. Giống như người chỉ biết chuyện sống mà không biết chuyện sau khi chết xong”. Thiến hỏi: “Đạo gia đặt ra sớ chương cúng vái, liệu có cầu khẩn thêm được gì không?”. Cảnh đáp: “Đạo gia chủ trương Thiên đế quản lảnh khắp cả sáu đường, gọi đó là Thiên tào. Vua Diêm La giống như Thiên tử của thế gian. Chúa của Thái Sơn giống như Tể tướng.

Những vị thần coi năm đường giống như các Thượng thư. Còn nước của bọn ta giống như châu, quận lớn. Mỗi khi nhân gian có chuyện cầu xin, gọi là dâng chương sớ. Như chuyện cầu phước, cũng giống cầu thần ban cho ơn phước. Thiên tào nhận lấy, giao xuống cho Diêm La, bảo ngày tháng đó, có người đó kêu cầu chuyện đó. Cần xem xét tận tình, đừng để oan uổng, lạm phép. Vua Diêm La nhận lấy và tuân hành theo, giống như người ta tuân theo chiếu chỉ. Chuyện phi lý, không thể cầu khẩn van nài. Có oan uổng, chắc chắn được làm sáng tỏ. Làm gì có chuyện cầu khẩn thêm được!”.

Thiến còn hỏi: “Nhà Phật tu phước thì thế nào?”. Cảnh đáp: “Phật là bậc đại Thánh. Không có văn thư sai khiến xuống dưới. Hễ ai tu phước thì sẽ được thiên thần kính nể. Phần đông đều được hưởng khoan hồng. Như người nào phúc hậu, dẫu có tên trong sổ bộ của bên đường ác, cũng không được phép bắt bớ. Đó là điều ta không biết và cũng không hiểu tại sao lại như thế”. Cảnh nói xong, liền ra đi.

Thay cho lời kết

Một vài ngày sau, Thiến có thể ngồi dậy nổi và lành bệnh hẳn. Sau khi Văn Bản mất cha, liền trở về quê. Thiến gửi thư nói: “Quỷ thần thật giỏi tham lam ton hót. Ngày trước, muốn cậu cho ăn uống, nên rất thân thiết ân cần. Khi biết không còn lợi dụng được nữa, liền tỏ ra rất lạnh nhạt xa lạ. Tuy thế, Thường thư ký vẫn còn họp mặt. Vừa qua huyện nhà bị giặc vây, số người chết chóc, thất tán gần hết. Ta nhờ Thường thư ký báo trước, nên cũng bình tâm. Giặc không bắt gặp, nên vẫn được an toàn”.

Ngày mồng 8 tháng chín năm Trinh Quan thứ mười sáu, các văn thần được nhà vua ban cho tập bắn ở cửa Huyền Vũ. Bấy giờ, Văn Bản làm Trung thư thị lang, cùng đi với anh ruột làm Thái thường khanh và Thị thư thị ngự sử Mã Châu, Cấp sự trung Vi Côn. Khi ngồi vào chỗ với nhau, Văn Bản tự mình đem kể với các đồng liêu nghe như thế. (Chuyện trên đây rút từ Minh Báo Ký).

( Quỷ thần là gì – Theo Pháp uyển châu lâm )

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật giáo Q.Bình Thạnh ủng hộ 150 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

44 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog