Âm đức là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Âm đức là gì

Phàm khi ta làm việc thiện, lợi lạc cho người, những việc mà người đời thấy biết được, đó là tạo phước ở đời. Những việc mà người đời không hay biết, đó là tích âm đức. Tích âm đức thì được quỷ thần ủng hộ, trời báo đáp, còn tạo phước ở đời thì được hưởng tiếng tốt. Tiếng tốt đó cũng là phước báo vậy.

Nhưng danh tiếng vốn là chỗ đối kỵ với lẽ tự nhiên của tạo vật. Người nào được thọ hưởng danh tiếng tốt đẹp mà không thực xứng đáng thì đa phần đều phải chuốc lấy tai họa. Người nào không có lỗi lầm xấu ác gì mà phải oan ức nhận lấy tiếng xấu thì con cháu lại thường được nhanh chóng phát đạt. Sự khác biệt giữa tích âm đức với tạo phước ở đời thật hết sức tinh tế, nhỏ nhặt khó thấy.

  • Cách chữa khóc Dạ đề linh nghiệm Nhất.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Cách thai giáo cho bé tại nhà .
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Âm đức là gì
Âm đức là gì, cách tích âm đức.

Tổ tiên tích Âm đức con cháu hiển vinh

Thời nhà minh có Quan Thiếu sư họ Dương, tên Vinh, quê ở huyện Kiến Ninh. Tổ tiên nhiều đời làm nghề chèo thuyền đưa người sang sông để sinh sống. Gặp lúc trời mưa lâu, nước sông suối dâng cao. Dòng chảy rất xiết, cuốn trôi cả những vùng dân cư. Người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những thuyền khác đều tranh nhau vớt lấy tài sản quý giá trôi trên sông. Riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người. Hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người trong làng đều cười chê họ là ngu dại.

Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có vị thần hóa hình thành một đạo nhân đến bảo người nhà rằng: “Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển. Nên cải táng mộ tổ phụ vào chỗ đất này…” Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố.

Về sau sinh ra Thiếu sư, năm 20 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan tước vị lên đến Tam công. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy. Con cháu về sau đều được hưng thịnh, tốt đẹp. Cho đến nay vẫn còn nhiều người hiền đức.

Dòng họ Lâm ở Phúc Kiến

Thời nhà Minh, ở huyện Bồ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến có nhà họ Lâm. Đời trước có một lão bà ưa thích làm điều thiện, thường làm bánh bột gạo rồi đem bố thí cho người. Ai đến xin cũng cho, không chút phiền hà. Có một vị tiên hóa hình làm đạo nhân, sáng nào cũng đến xin đến 6, 7 cái bánh. Lão bà ngày nào cũng đưa cho, trải qua 3 năm đều đặn như vậy.

Vị tiên thấy được tấm lòng chân thành của bà rồi, liền nói: “Ta ăn bánh của bà đã 3 năm, biết làm sao đền đáp? Sau nhà bà có một chỗ đất, khi nào bà mất đi, dặn trước người nhà hãy chôn cất bà nơi ấy. Con cháu về sau sẽ được hưởng quan tước nhiều như số hạt mè trong một thăng mè.”

Người con trai theo lời mẹ dặn, chôn cất lão bà nơi chỗ đất ấy. Ngay đời sau đó đã có 9 người đỗ đạt. Trải qua nhiều đời sau nữa thì những người quyền quý quan tước trong họ ấy rất nhiều. Tỉnh Phúc Kiến có lưu truyền câu tục ngữ rằng: “Không có họ Lâm thì không lập được bảng vàng”. ( Ý nói không một khoa thi nào lại không có người họ Lâm đỗ đạt.Tích âm đức con cháu hiển vinh như thế đó).

Thế nào là làm việc thiện tích âm đức

Chúng ta đa phần không phân biệt được thế nào là làm việc thiện. Nên nhiều khi làm ác mà cứ tưởng là mình đang làm việc thiện. Do đây mà phước lành không đến. Lâu ngày dễ sanh tâm thối thất mà buông lung làm ác, cho rằng ” làm việc thiện chẳng có lợi ích gì”.

Thế nào là làm thiện

Xưa có một nhóm các nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong, thưa hỏi rằng: “Nhà Phật đưa ra thuyết nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Nhưng nay thấy người kia làm việc thiện mà con cháu họ không được hưng thịnh. Lại thấy người nọ làm việc ác mà con cháu họ sung túc thịnh vượng. Như vậy, thuyết của nhà Phật thật chẳng lấy gì để làm bằng cứ cả.”

Hòa thượng Trung Phong đáp: “Khi cảm xúc trần tục chưa dứt sạch thì con mắt chân chánh chưa thể khai mở. Đối với việc thiện mà xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện. Những việc như thế rất thường gặp. Sao các ông không tự trách chỗ thấy biết điên đảo sai lầm của mình mà ngược lại oán trách sự báo ứng của đạo trời cho là sai lệch?”

Các nho sinh liền hỏi: “Thiện và ác là hai điều trái ngược nhau, sao có thể nhận biết điên đảo như thầy nói?” Hòa thượng liền bảo họ mỗi người hãy đưa ra sự mô tả để phân biệt thiện ác.

Một người nói: “Mắng nhiếc, nhục mạ người khác là ác; cung kính, lễ phép với người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Một người khác nói: “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; ngay thẳng thanh bạch không lừa gạt lấy của người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong lại nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

*

Mỗi người trong nhóm nho sinh đều nói ra cách hiểu của mình, hòa thượng Trung Phong đều bảo là chưa đúng. Cuối cùng, cả nhóm cùng thưa thỉnh ngài nói ra lý lẽ đúng thật.

Hòa thượng bảo họ: “Việc làm mang lại lợi ích cho người khác, đó gọi là thiện. Việc làm chỉ mưu lợi ích riêng cho bản thân mình, đó gọi là ác. Nếu có thể mang lại lợi ích cho người, thì việc mắng nhiếc, nhục mạ người cũng đều là thiện. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình thì việc cung kính, lễ phép với người khác cũng đều là ác.

“Vì thế, người làm việc thiện lấy sự lợi ích cho người khác làm việc chung, thì việc chung ấy là chân thật. Xem lợi ích của bản thân mình là việc riêng tư, việc mưu lợi riêng tư ấy ắt là giả dối”. Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật. Không xuất phát từ bản tâm, chỉ bắt chước làm theo là giả dối.

“Làm việc thiện mà hoàn toàn không vướng chấp vào hình tướng là chân thật. Vướng mắc nơi hình tướng phân biệt là giả dối.“ Đối với hết thảy những việc tương tự khác, các ông đều nên dựa theo các nguyên tắc nêu trên mà tự mình khảo xét phân biệt giữa thiện hay ác, chân thật hay giả dối.”

Đức trọng quỷ thần kinh

Người phàm mắt thịt chỉ có thể nhìn thấy hình dạng bên ngoài của con người, nhưng quỷ thần có thể nhìn thấu cả tâm can. Trời đất từ trên soi thấu, quỷ thần không dễ dối lừa. Trên đầu ba thước thực có quỷ thần. Nay ta làm điều sai trái, tuy là ở nơi ẩn khuất không ai thấy biết, nhưng trời đất quỷ thần thật soi xét thấy rõ. Nếu là tội nặng, ắt sẽ giáng xuống trăm tai ngàn họa. Nếu là tội nhẹ, ắt sẽ hao tổn phước đức hiện có. Như thế làm sao có thể không lo sợ? Người có âm đức, trong vô hình, luôn luôn được quỷ thần coi trọng, hộ vệ, khiến họa chẳng đến thân.

Âm đức lớn quỷ thần kính sợ

Quan Thượng thư họ Ưng người Đài Châu( thuộc tỉnh Chiết Giang). Thuở còn thanh niên học tập trong vùng núi. Ban đêm có bọn ma quỷ tụ tập kêu rú, thường khiến mọi người kinh sợ, riêng ông không chút sợ sệt.

Một đêm nọ, ông nghe tiếng quỷ nói: “Có một phụ nữ kia vì chồng đi xa đã lâu không về. Cha mẹ chồng nghĩ là con mình đã chết nên ép cô ấy phải lấy chồng khác. Cô ấy không chịu nên đêm mai sẽ thắt cổ tự tử ở nơi ấy. Vậy là ta có người thế thân rồi.”

Họ Ưng nghe biết được tên người phụ nữ trong câu chuyện. Ông liền ngầm bán ruộng nhà được 4 lượng bạc. Sau đó viết một bức thư giả làm thư của người chồng gửi về nhà, kèm theo cả 4 lượng bạc. Cha mẹ chồng của người phụ nữ kia được thư, xem chữ viết không phải của con mình nên nghi ngờ, nhưng rồi lại nghĩ: “Thư có thể giả, nhưng tiền làm sao giả được?” Vì thế, họ cho rằng con mình vẫn bình an không xảy ra chuyện gì. Người phụ nữ kia nhờ vậy không bị ép lấy chồng khác.

*

Về sau, người chồng quay về, vợ chồng lại được đoàn tụ như xưa. Một đêm, họ Ưng lại nghe quỷ nói với nhau: “Ta đã sắp có người thế thân, chỉ do gã tú tài này phá hỏng chuyện của ta.” Có con quỷ gần đó hỏi: “Sao mày không hại nó?” Quỷ kia đáp rằng: “Thượng đế thấy người này tâm địa tốt lành nên đã truyền lệnh ghi âm đức cho ông ta sau này sẽ làm quan Thượng thư, tao làm sao có thể hại được?”

Họ Ưng nghe như vậy càng thêm nỗ lực. Việc thiện ngày càng làm được nhiều hơn, âm đức càng thêm sâu dày. Gặp năm mất mùa đói kém, ông liền mang gạo của nhà ra cứu giúp cho người đói. Gặp người thân thích có việc nguy cấp, ông liền ân cần giúp đỡ họ vượt qua. Gặp những hoàn cảnh trái nghịch, ông thường quay lại tự xét lỗi mình rồi vui vẻ chấp nhận. Con cháu của ông đỗ đạt thành danh, tính đến nay số lượng rất nhiều.

Họ Từ tích âm đức

Huyện Thường Thục( thuộc tỉnh Giang Tô) có người tên Từ Thức, hiệu Phượng Trúc. Cha ông vốn là người giàu có. Gặp một năm mất mùa đói kém, cha ông là người trước tiên trong toàn huyện đề xướng việc hủy bỏ không thu tô của nông dân. Sau đó lại mang lúa gạo trong nhà ra phân phát cứu giúp người đói thiếu. Đến đêm nghe tiếng quỷ thần nơi cửa trước hô to rằng: “Ngàn vạn lần quyết không lừa dối, tú tài nhà họ Từ sẽ đỗ cử nhân.” Nhiều đêm liên tiếp đều nghe tiếng hô to như vậy. Năm ấy, Phượng Trúc dự kỳ thi Hương quả nhiên đỗ cử nhân.

Cha ông nhân đó càng nỗ lực làm thiện, âm đức tích ngày càng nhiều hơn, không chút biếng trễ. Những việc như tu sửa cầu đường, cúng dường trai tăng, cứu giúp người nghèo đói… Cho đến hết thảy những việc mang lại lợi ích cho người khác ông đều cố hết sức làm. Về sau lại nghe tiếng quỷ thần hô to nơi cửa trước rằng: “Ngàn vạn lần quyết không lừa dối, cử nhân nhà họ Từ sẽ làm quan đến chức Đô Đường( Thượng thư).” Về sau, Phượng Trúc quả nhiên làm quan đến chức Tuần phủ Lưỡng Chiết.

Âm đức lớn hỏa thần cũng tránh

Vào triều Minh, năm đầu niên hiệu Gia Tĩnh. Có người họ Kim ở huyện Nghi Chân, tỉnh Giang Tô, mở một hiệu cầm đồ trong trấn. Bấy giờ giặc cướp ẩn trú trên sông Trường giang, đêm đêm thường xuyên xuất hiện cướp đoạt những nhà giàu có, gần như không một nhà nào thoát được. Duy nhất chỉ có nhà họ Kim chưa từng bị chúng động đến.

Quan địa phương do đó nghi ngờ rằng họ Kim có sự thông đồng với bọn giặc cướp. Đến lúc bắt được một tên cướp liền tra hỏi xem vì sao bọn chúng không cướp nhà họ Kim, tên cướp nói: “Trước đây cũng có lần đến đó định cướp, chợt thấy phía trên nhà ấy có vô số các vị thần mặc giáp vàng. Chúng tôi sợ không dám phạm đến.”

*

Quan huyện không tin, cho gọi những người ở gần nhà họ Kim lên hỏi, họ đều nói: “Nhà họ Kim đúng là rất nhân đức, tích âm đức rất nhiều. Các hiệu cầm đồ khác thảy đều cân ra non, cân vào già. Chỉ có nhà họ Kim là giữ đúng mực công bình. Định giá cho người lại hết sức rộng rãi, mà thời hạn chuộc lại cũng được kéo dài, không gấp rút. Nếu biết được có những người gần gũi mà già yếu, có con nhỏ hoặc nghèo khó, khi có việc phải mang đồ đến cầm liền phá lệ không lấy lãi.

Nhà ấy còn có lệ mùa đông không tính lãi áo ấm, mùa hè không tính lãi áo mát. Năm nào cũng vậy, cốt để người ta dễ dàng chuộc về mà dùng. Ấy là trời giúp người hiền, nên có thiện thần bảo vệ.”

Quan huyện nghe như vậy rồi hết sức ngợi khen tán thán. Quan Trực chỉ biết được sự việc liền đặc biệt tuyên dương khen thưởng nhà họ Kim.

Âm đức ẩn mật

Trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức triều Minh, triều đình thường sai thái giám đưa người sang phương Tây tìm châu báu. Tiêu tốn tiền bạc nhiều vô kể, lại khiến cho vô số người phải bỏ mạng trên đường. Đến thời vua Anh Tông niên hiệu Thiên Thuận, có người tâu lên vua xin lặp lại. Hoàng đế liền hạ lệnh cho Binh bộ Thượng thư là Hạng Trung tìm lại quyển sách ghi việc ấy để thực hiện.

Bấy giờ, Lưu Đại Hạ đang giữ chức Lang trung, liền lẻn vào thư khố trước giấu sách đi. Các quan lại đến sau không tìm được gì, việc ấy cuối cùng phải bãi bỏ. Về sau, Thượng thư Hạng Trung đem việc sách bị mất ra khiển trách các quan thuộc cấp, Lưu Đại Hạ liền cười mà nói rằng: “Ấy là chính sách tệ hại. Ví như sách ấy hiện còn cũng  nên hủy đi để trừ bỏ cho tận gốc. Huống chi lại còn truy hỏi sách còn hay mất để làm gì?”

Hạng Trung nghe nói hoảng sợ, tạ lỗi rồi nói rằng: “Âm đức của ông quả là cảm động thấu trời. Chức quan của tôi nên thuộc về ông mới đúng.” Quả nhiên về sau Lưu Đại Hạ làm đến chức quan Thái Bảo Đại Tư Mã, con cháu nhiều đời cũng đều được vinh hiển phú quý.

(Âm đức là gì – Theo An sĩ toàn thư)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nhân quả ba đời là gì

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog