A Nan Tôn Giả
Pháp Giới 5 tháng trước

A Nan Tôn Giả

A Nan Tôn giả là Tổ sư đời thứ nhì. Ngài là dân thành Vương Xá, con ông hoàng Hộc Phạn, tức em con chú của đức Phật, là người đa văn bậc nhất. Phật pháp lưu truyền được đến ngày nay là nhờ nơi trí nhớ vô biên của A Nan Tôn giả. Công lao ấy, ơn đức ấy, vĩ đại không gì sánh được! Bởi tất cả những kinh điển Phật nói đều do Tôn giả thuộc lòng mà đọc ra khi kết tập tại núi Kỳ Xà Quật, trước sự ấn chứng của đại chúng. Phật nói pháp nào tôn giả cũng ghi nhớ rành mạch rõ ràng không quên.

  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
  • Ngũ Ấm Ma kinh Lăng Nghiêm
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
A Nan Tôn Giả
Tôn giả A Nan
*

Ơn đức mà Tổ A Nan để lại cho chúng ta ngày nay không bút mực nào có thể tả hết được. Người học Phật đa phần chỉ biết Ngài làm thị giả cho đức Phật, mà không biết nhiều thông tin về Ngài. Thực sự thì theo lời một bậc Chân tu: Ngài là Bồ Tát thị hiện ở ngôi Thanh Văn thưa hỏi để Phật giảng pháp độ thoát chúng sanh.

Tuệ Tâm tôi tin điều này! Bởi chư Phật đều từ Nội viện cung trời Đâu Suất giáng sanh. Mà sanh về nội viện cung trời Đâu Suất toàn bậc Bồ Tát. Khi chư Phật giáng sanh, các Bồ Tát đều cùng giáng sanh để giúp Phật hoằng dương chánh Pháp.(Sau này khi đức Di Lặc thành Chánh giác cũng như thế.) Chuyện về Tổ rất nhiều, nhưng ít người biết Tổ là người duy nhất do bị quở trách mà chứng quả

Vì sao Tôn giả A Nan được Đa Văn Tổng Trì

Theo kinh Hiền Ngu: “Lúc ấy các Tỳ kheo đều nảy sinh nghi ngờ, Hiền giả A-nan vốn tạo ra hạnh gì mà được đa văn tổng trì, nghe Đức Phật thuyết giảng không quên mất một lời. Họ cùng hướng về nơi Đức Phật mà thưa với Đức Phật rằng: “Hiền giả A-nan, vốn tạo ra phước thiện gì mà có được vô lượng tổng trì như vậy? Nguyện Đức Thế Tôn, khai thị cho biết điều ấy!”

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: “A tăng kỳ kiếp quá khứ trước kia, có một Tỳ kheo độ cho một Sa di. Thầy luôn luôn dùng sự chỉ bày nghiêm khắc. Dạy cho tụng kinh luôn hạn định thời khóa hằng ngày. Nếu tụng kinh đầy đủ thì rất hoan hỷ, nếu không đủ số thì quở trách hết sức khắc khe. Vì thế Sa di thường mang lòng buồn phiền, đọc kinh tuy đầy đủ mà ăn uống lại không điều độ được. Nếu đi khất thực, lúc có được thức ăn sớm, thì đọc đủ số. Nếu khất thực được thức ăn muộn hơn, thì đọc kinh không đủ. Nếu đọc kinh không đủ thì sẽ bị quở trách, nên thường buồn rầu khóc tấm tức mà đi.

*

Lúc ấy có Trưởng giả trông thấy khóc tấm tức như thế, liền hỏi: Vì sao chú lại buồn phiền?

Sa di trả lời rằng: Trưởng giả nên biết! Thầy tôi rất nghiêm khắc, dạy tôi đọc kinh thường hạn định thời khóa hằng ngày, nếu đủ số ấy thì rất hoan hỷ, nếu không đủ số ấy thì bị quở trách hết sức khắt khe. Tôi đi khất thực nếu sớm có được thì đọc kinh đủ số, nếu khất thực có muộn hơn thì đọc kinh không đủ số. Nếu kinh không đủ số thì bị quở trách, vì điều này cho nên tôi buồn phiền mà thôi.

Trưởng giả liền nói với Sa di: Từ nay trở đi chú hãy đến nhà tôi, tôi sẽ cúng dường thức ăn khiến chú không còn lo lắng, ăn rồi dốc lòng chịu khó đọc kinh hơn nữa.

Sa di từ đó được ăn uống đủ đầy nên rất tinh tấn tu hành. Thầy trò từ đó luôn luôn được hoan hỷ.”

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: “Vị Thầy lúc bấy giờ chính là Định Quang Phật. Sa di lúc ấy nay chính là thân Ta. Đại Trưởng giả cúng dường thức ăn lúc ấy nay chính là A-nan. Chính là nhờ quá khứ tạo ra công hạnh này, cho nên nay đạt được tổng trì không có gì quên mất”.

Huyền tích A Nan Tôn giả chứng quả

Theo luận Trí độ: “Bấy giờ, Đức Phật đã nhập Niết bàn, đại Ca diếp suy nghĩ thế này: “Ta phải làm sao cho thời kỳ thứ ba dài vô số này, vốn khó gặp được Phật pháp, trụ thế lâu bền. Ngõ hầu chúng sinh mai sau có thể phụng trì? Suy nghĩ xong xuôi, liền đứng trên đỉnh núi Tu di, đánh kiền chùy đồng lên và nói kệ rằng:

Đệ tử của Đức Phật,

Nên nhớ đến Đức Phật,

Phải báo ơn Đức Phật,

Đừng vội nhập Niết bàn.

Tiếng kiền chùy đồng ấy đưa âm thanh của Đại Ca diếp vang dội khắp Đại thiên thế giới. Tất cả đều nghe biết. Các đệ tử có thần thông cùng đến tụ họp. Đại Ca diếp lựa chọn được một ngàn người. Trừ A nan, tất cả đều là A la hán thông thạo nội điển, ngoại điển. Thông thạo mười tám loại kinh lớn của hàng ngũ ngoại đạo; Có khả năng biện luận, hàng phục tà giáo. Đại Ca diếp bảo:

“Trước đây, ta thường đi khất thực, hay gặp kẻ ngoại đạo cố ý đến vấn nạn, khiến phải bỏ dở pháp sự. Nay thành Vương xá đã thường xuyên cúng dường đủ cho một ngàn người ăn. Không nên lấy nhiều hơn. Hãy báo cho vua A xà thế cung cấp thức ăn cho chúng ta. Hằng ngày mang đến đều dặn, không để sai khác.”

*

Đại chúng an cư suốt trong ba tháng mùa Hạ này. Mười lăm ngày đầu kết tập giảng luận giới luật. Đại Ca diếp nhập Định xong, dùng Thiên nhãn quán sát đại chúng, xem ai còn phiền não chưa trừ, cần phải trục xuất. Chỉ có một mình A nan chưa sạch phiền não. Bốn trăm chín mươi chín vị còn lại, mọi phiền não đã hết, thanh tịnh vô cấu. Đại Ca diếp liền xuất Định lấy tay kéo A nan ra khỏi đại chúng bảo rằng: “Hôm nay, đại chúng thanh tịnh kết tập kinh tạng. Phiền não của ông chưa hết không được ở đây.”

Bấy giờ, A nan quá xấu hổ, buồn rầu khóc lóc và suy nghĩ rằng: “Suốt hai mươi lăm năm, ta theo hầu cận bên Đức Thế Tôn, chưa từng nghe những lời gây nên khổ não đến thế. Đức Phật thật là một bậc đại nhân, đại từ, đại nhẫn!” Rồi bạch Đại Ca diếp rằng: “Tôi có khả năng đắc Đạo đã lâu, chẳng qua giới luật không cho phép La hán hầu hạ cung phụng Phật. Vậy nên mới lưu lại kết tập phiền não, không đoạn trừ sạch mà thôi.”

 Tôn giả Ca Diếp phương tiện quở trách A Nan

Đại Ca diếp bảo: “Ông cũng có tội. Đức Phật không muốn cho nữ giới xuất gia. Ông cứ năn nỉ cầu xin. Đức Phật phải xiêu lòng chấp thuận. Vì thế, Chánh pháp của ngài lưu truyền năm trăm rồi sẽ suy vi. Ông phải đi sám hối tội nhỏ này!”

A nan bạch rằng: “Vì tôi thương xót Cù đàm di. Vả lại, Chư Phật ba đời đều có đủ Tứ chúng. Tại sao Đức Phật Thích ca của chúng ta lại không thể có được?”

Đại Ca diếp lại bảo: “Khi Đức Phật sắp nhập Niết bàn gần thành Câu di na kiệt, ngài bị đau lưng, gấp áo giữa kê lên nằm nghỉ. Ngài bảo ông: “Ta muốn uống nước.” Ông không chịu đi lấy. Đấy là một tội nhỏ.

A nan trả lời: “Bấy giờ, có năm trăm chiếc xe chạy qua sông làm cho nước đục bẩn lên. Vì thế, tôi mới không đi lấy nước cho ngài.”

Đại Ca diếp lại bảo: “Dù cho nước đục bẩn, nhưng Đức Phật có thần thông quảng đại, có thể biến nước biển lớn từ đục hóa thành trong kia mà! Tại sao ông không chịu đi lấy cho ngài? Đấy là tội của ông. Ông phải sám hối tội nhỏ này.”

*

Đại Ca diếp lại bảo: “Đức Phật hỏi ông rằng, nếu có người được bốn phép thần thông, khéo tu, có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp. Như Lai có bốn phép thần thông, khéo tu, có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp chăng? Ông im lặng, không trả lời. Ngài hỏi ông đến ba lần, ông cố ý im lặng. Nếu ông trả lời, ngài có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp. Vì ông, nên ngài đã sớm nhập Niết bàn. Ông phải đi sám hối tội nhỏ này.”

A nan bạch rằng: “Do ma chướng che lấp tâm trí, nên tôi đã im lặng. Chẳng phải tôi có ác tâm không trả lời ngài.”

Đại Ca diếp lại bảo: “Ông xếp giúp áo cà sa cho Đức Phật, lấy chân dẫm lên. Đấy là tội của ông. Ông phải đi sám hối tội nhỏ này.”

A nan bạch rằng: “Bấy giờ, có cơn gió lớn nổi lên. Không ai giữ dùm cho tôi. Khi gió thổi đến, áo rơi xuống chân tôi. Không phải tôi bất kính, cố ý dẫm chân lên áo của ngài.”

Đại Ca diếp lại bảo: “Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, ông đem tướng tốt âm vật giấu kín của ngài cho các người nữ xem. Thật đáng sỉ nhục vô cùng! Ông phải sám hối tội nhỏ này.”

*

A nan bạch rằng: “Bấy giờ, tôi có suy nghĩ: Nếu các người nữ thấy được tướng tốt âm vật giấu kín của ngài. Họ sẽ tự hổ thẹn thân phận người nữ của họ và mong có thân tướng của người nam, tu hành đủ loại căn lành như ngài. Vì thế, tôi đã đem cho các người nữ xem, chứ không làm điều vô sỉ phá giới.”

Đại Ca diếp bảo: “Ông có sáu loại tội nhỏ này, cần phải đi sám hối tất cả giữa đại chúng.”

A nan bạch rằng: “Vâng! Xin theo lời chỉ dạy của Trưởng lão Đại Ca diếp và tăng chúng.”

A Nan bèn quỳ dài, chắp tay, bày vai bên phải, lột dép da, thực hiện sáu phép sám hối tội nhỏ. Đại Ca diếp lấy tay kéo A nan ra khỏi tăng chúng, miệng bảo A nan rằng: “Khi nào trừ sạch phiền não, mới được đến gia nhập. Kết tập chưa hết, ông đừng đến đây!”

Nói xong, liền tự tay đóng cửa lại. Bấy giờ, các vị La hán bàn luận rằng: “Ai là người có khả năng kết tập được Luật tạng?” Trưởng lão A nê lô đậu nói: “Xá lợi phất là Đức Phật thứ hai, có đệ tử tên Kiêu phạm ba đề ôn hòa nho nhã, sinh hoạt thanh nhàn, giữ tâm tịch lặng, hiểu rành Luật tạng. Hiện đang ở trên trời, trong vườn cây Thi lợi sa. Hãy sai sứ giả lên mời về đây.”

*

Đại Ca diếp bảo Tỳ kheo bậc dưới: “Phẩm bậc của ông thích hợp làm sứ giả cho tăng chúng.”

Vui mừng hớn hở nhận lãnh sứ mệnh của tăng chúng, Tỳ kheo bậc dưới ấy bạch Đại Ca diếp rằng: “Tôi đến đó trình bày chuyện gì?”

Đại Ca diếp bảo: “Ông đến đó xong, hãy bạch với Kiêu phạm ba đề rằng, các La hán vô lậu Đại Ca diếp cùng kết tập tăng chúng tại Diêm phù đề vì có Phật sự. Ngài nên mau mau đến cho.”

Tỳ kheo cấp thấp dập đầu đảnh lễ tăng chúng, rồi như chim kim sí bay vút lên hư không, đến ngay chỗ Kiêu phạm ba đề. Dập đầu đảnh lễ dưới chân, bạch lại cùng Kiêu phạm ba đề lời Đại Ca diếp đã dạy. Kiêu phạm ba đề lòng chợt sinh nghi, hỏi Tỳ kheo ấy: “Tăng chúng hòa thuận, sao đến gọi ta? Chẳng có tăng phá giới chăng?”

Tỳ kheo ấy trả lời: “Đức Phật đã nhập diệt rồi!” Kiêu phạm ba đề bảo: “Đức Phật nhập diệt quá nhanh! Hai mắt thế gian đã mất! Vị thống tướng kế tiếp Đức Phật để chuyển pháp luân, Hòa thượng Xá Lợi Phất của ta hiện nay ở đâu?” Đáp rằng: “Đã nhập Niết bàn trước rồi.”

*

Kiêu phạm ba đề bảo: “Các vị thống tướng đại sư đều đã ra đi. Biết làm sao đây! Ma ha mục liên hiện nay ở đâu?” Đáp rằng: “Vị này cũng đã nhập diệt.” Kiêu phạm ba đề bảo: “Phật pháp sắp tiêu tan. Chúng sinh thật đáng thương! Các vị đại sư đều đã ra đi.” Cứ thế, lần lượt hỏi thăm các vị La hán xong, Kiêu phạm ba đề bảo:

“Ta đã mất các vị đại sư lìa dục. Các ngài đã cùng nhập diệt hết rồi. Ta không trở lại Diêm phù đề. Ở đây để nhập Niết bàn. Nói xong, thi triển đủ 18 phép thần thông biến hóa, từ nội tâm phát lửa tự thiêu, thành 4 dòng nước đổ xuống bên đại Ca diếp. Trong đó phát ra tiếng kệ nói rằng:

Kiều phạm ba đề dập đầu lễ,

Đệ nhất cao tăng của đại chúng,

Nghe Phật nhập diệt, tôi đi theo,

Giống voi chúa đi, voi con theo.

A Nan Tôn giả đắc quả

Bấy giờ, Tỳ kheo bậc dưới mang y bát trở về, đem mọi chuyện cáo bạch cùng chúng tăng. Khi ấy, A nan đang tư duy các pháp, mong sao trừ sạch kết tập. Đêm ấy, ngồi Thiền xong, đi tản bộ, tinh thành cầu Đạo. Chỉ hiềm trí tuệ của A nan nhiều mà Định lực ít, nên không thể lập tức thành Đạo. Đêm sau sắp tàn, A nan mệt mỏi quá, muốn nghỉ ngơi, bèn nằm xuống. Đầu chưa chạm gối, bỗng nhiên đại ngộ, như luồn điện chớp, khiến người trong tối thấy đường. Liền nhập Định kim cương, phá tan mọi núi phiền não.

Vừa chứng được Lục thông, đang đêm A nan đến tăng đường lên tiếng gõ cửa. Đại Ca diếp hỏi ra: “Ai gõ cửa đấy?”

Đáp: “là A nan tôi đây.”

Đại Ca diếp bảo: “Ông đến làm gì?”

A nan đáp: “Đêm nay, tôi đã trừ sạch mọi phiền não.”

Đại Ca diếp bảo: “Không mở cửa cho ông đâu! Hãy theo lỗ khóa mà vào.”

A nan đáp: “Cũng được.”

Rồi lập tức dùng thần lực luồn theo lỗ khóa vào phòng, lễ bái dưới chân Đại Ca diếp xin sám hối. Đại Ca diếp chẳng trách móc gì nữa, lấy tay xoa lên đầu A nan bảo rằng:

“Ta cố ý giúp cho ông được đắc Đạo. Xin ông chớ giận hờn. Ta cũng thế, dùng ông để tự chứng Đạo. Như lấy tay vẽ giữa không trung, chẳng thể đụng chạm vào đâu. Tâm của A la hán cũng thế, trong tất cả các pháp, phải đạt được cảnh giới không chấp trước vào pháp nào cả. Ta phục hồi cho ông lại phẩm bậc như cũ.”

Tôn giả A Nan kết tập kinh điển

Bấy giờ, tăng chúng lại bàn bạc rằng: “Kiêu phạm ba đề đã nhập diệt. Liệu ai có thể kết tập kinh tạng?” Trưởng lão A nê lô đậu bảo: “Trưởng lão A nan này, trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật, thường hầu hạ cận kề. Nghe kinh nhớ giỏi. Đức Phật hay khen ngợi. Trưởng lão A nan nầy có thể kết tập kinh tạng.” Trưởng lão Đại Ca diếp xoa đầu A nan bảo rằng:

“Đức Phật trăn trối với ông, khiến giữ gìn Pháp tạng. Ông nên báo đền công ơn của ngài. Ngài thuyết pháp lần đầu tiên ở đâu, các đệ tử có khả năng giử gìn Pháp tạng đều nhập diệt hết, chỉ còn lại một mình ông. Nay ông nên vâng theo tâm nguyện của ngài và thương xót chúng sinh, cố gắng kết tập Pháp tạng.”

Như vậy tất cả những ai đã chứng thần thông đều tới thành Vương Xá, núi Kỳ xà quật, tụ tập trong hang Tân bát la. Ca Diếp bèn nói trước đại chúng:

*

“Đây tỳ kheo A Nan, người được nghe nhiều, ghi nhớ hết, có trí huệ lớn, luôn luôn theo Như Lai; Phạm hạnh thanh tịnh; Phật pháp nghe được như nước rót vào bình không rơi rớt. Phật từng khen ngợi là thông tuệ bậc nhất. Tôi nghĩ nên mời A Nan kết tập tạng Tu đa la.” Đại chúng lặng yên.

Ca Diếp nói với A Nan: “Nay ông hãy tuyên pháp nhãn.” A nan nói xin nghe lời, quan sát lòng đại chúng rồi nói kệ:   

Tỳ kheo các quyến thuộc

Vắng Phật chẳng trang nghiêm

Ví như trên không trung

Bầy sao thiếu vừng nguyệt.

Nói xong bài kệ, tôn giả A Nan làm lễ các chúng tăng rồi bước lên pháp tòa, nói: “Tôi nghe như vầy, có một thời đức Phật tại nơi đó, thuyết giảng kinh đó…Cho đến trời, người  làm lễ phụng hành.” Tôn giả Ca Diếp hỏi các tỳ kheo: “Những điều A Nan nói có đúng hay không ?” Tất cả đều đáp rằng: “Không sai những gì đức Thế Tôn đã dạy.”

Tôn giả A Nan nhập Niết bàn

Theo Phật Tổ Đạo Ảnh, một hôm tôn giả A Nan hỏi Tổ Ca Diếp: “Khi Thế tôn truyền lại áo cà sa vàng cho sư huynh, có còn truyền cái gì khác nữa chăng?”

Tổ Ca Diếp bèn gọi : “A Nan”

Tôn giả đáp lại: “Dạ”

Tổ Ca Diếp bảo:” Đổ cột phướn trước cổng”

Về sau Tổ Ca Diếp bảo tôn giả: “Năm nay ta không ở lại lâu nên bây giờ ta giao phó chánh pháp cho ông, ông hãy khéo gìn giữ.”

Sau này tôn giả truyền pháp cho Thương Na Hòa Tu, rồi ra giữa dòng sông Hằng mà nhập Niết bàn. Khi đó thân Ngài nhảy vọt lên không trung, hiện ra mười tám cách biến hóa, rồi vào trong định “Phong phấn tấn”. Thân Ngài chia làm bốn phần, một phần cúng dường trời Đao Lợi, một phần cúng dường long cung Sa Kiệt La, một phần dành cho vua Tỳ Xá Ly, một phần cho vua A Xà Thế. Các nơi đều dựng bảo tháp để thờ Ngài.

*

Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục: “… Tôn giả A Nan lại nghĩ rằng: “Nếu ta tới riêng một nước nào để vào Niết bàn, ắt sẽ có chuyện tranh giành giữa các nước với nhau; Vậy ta phải hóa độ tất cả một cách bình đẳng.” Tổ bèn đi ra giữa dòng sông Hằng để viên tịch. Lúc ấy sông núi đất đai nổi lên chấn động sáu cách. Năm trăm tiên nhân trên núi Tuyết trông thấy điềm lành này liền bay thẳng tới, đảnh lễ dưới chân tôn giả, quỳ xuống bạch rằng:

“Chúng con phải chứng pháp Phật tại nơi trưởng lão, nguyện trưởng lão từ bi độ thoát cho chúng con.” Ngài A Nan lặng lẽ ưng thuận, hóa phép biến sông Hằng thành đất vàng rồi nói các pháp lớn cho các tiên nghe.

Tôn giả lại nghĩ: “Các đệ tử đã được độ nên tới đây tập họp.” Trong chốc lát năm trăm vị la hán ở trên không trung bay xuống để cho các vị tiên xuất gia thọ giới. Trong số tiên nhân có hai vị la hán: Một là Thương Na Hòa Tu, còn vị thứ hai là Mạt Điền Để Ca. Tôn giả biết đây là pháp khí, bèn nói Thương Na Hòa Tu rằng: “Lúc xưa Thế Tôn giao phó chánh pháp nhãn tạng cho Ngài Đại Ca Diếp. Khi Tổ Ca Diếp vào định thì giao phó cho ta. Nay ta sắp vào niết bàn, nên lại giao phó cho ngươi, ngươi thọ giáo nơi ta. Như vậy Thương Na Hòa Tu Tôn giả là Tổ sư đời thứ ba.”

(Theo Pháp Uyển Châu Lâm )

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Giữ giới dâm – cuộc sống viên mãn

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog