A La Hán và 18 La Hán là ai
Pháp Giới 8 tháng trước

A La Hán và 18 La Hán là ai

A La Hán là quả vị người tu hành đạt được sau khi đắc Lậu Tận Thông và Hoặc nghiệp đã được đoạn hết sạch. Phàm đã chứng được quả vị A La Hán là ra khỏi sanh tử luân hồi.

A La Hán là tiếng Phạn, và có ba nghĩa. Vì chứa đựng tới ba nghĩa nên từ ngữ này được xếp vào loại “Đa hàm bất phiên”. (Nghĩa là từ ngữ bao hàm nhiều nghĩa thì không phiên dịch). Do đó vẫn giữ nguyên lối phát âm theo tiếng Phạn là “A La Hán.” Trường hợp giữ lại âm tiếng Phạn này gọi là “Phiên tự bất phiên âm” (Tức dịch chữ, không dịch âm). Nghĩa là chữ thì dịch nghĩa sang Hán-văn, còn âm thì vẫn giữ theo cách phát âm của Phạn ngữ.

  • Tam giới là gì.
  • Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ
  • Thiên ma là loại ma gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
A La Hán và 18 La Hán là ai
A La Hán

A La Hán

“A La Hán” có ba nghĩa là Sát Tặc, Ứng Cúng và Vô Sanh.

Sát Tặc (Kẻ giết giặc).

Bậc A La Hán rất lợi hại. Hễ nơi nào có giặc cướp thì các Ngài liền tìm đến tận nơi để tiêu diệt bọn chúng. Song, như thế chẳng phải là các ngài đã phạm giới sao? Không phải! Bởi vì “Sát Tặc” ở đây không phải là giết những tên giặc ở ngoài, mà giết bọn giặc phiền não ở bên trong! Tại sao lại có bọn giặc ở bên ngoài? Là vì có bọn giặc phiền não, có bọn giặc tham sân si chực sẵn ở bên trong! Tâm tham là một tên giặc, tâm sân là một tên giặc, và tâm si cũng là một tên giặc – Đó là những tên giặc cần phải bị tiêu diệt. Vậy, nghĩa thứ nhất của từ A La Hán là “Sát Tặc.”

Ứng Cúng.

“Ứng cúng” nghĩa là xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường của trời và người. Bậc A La Hán đã chứng quả vị chính là một đấng Thánh nhân đã khai ngộ. Người nào cúng dường cho một bậc A La Hán, thì sẽ được vô lượng vô biên phước báo, không có cách gì tính đếm cho xuể!

Vô Sanh.

Thế nào gọi là “Vô sanh” tức là “liễu sanh tử.” Có nghĩa là sự sanh tử đã kết thúc, không còn cái khổ của sự sanh ra và chết đi nữa. Tuy nhiên, sự sanh tử mà các bậc A La Hán dứt được là Phần đoạn Sanh tử, còn Biến dịch Sanh tử thì các ngài vẫn chưa dứt được. Do đó các ngài chỉ thành A La Hán mà thôi.

Quả Vị A La Hán

Các bậc Sa Môn hành trì 250 giới của Tỳ kheo (Hoặc 348 giới của Tỳ kheo ni). Sự học hỏi về Giới của họ được thành tựu, giữ gìn sự thanh tịnh trong mọi việc, mọi lúc: Tức là làm cho sự học hỏi về Định được thành tựu. Tu tập bốn đạo hạnh chân chánh: Tức là làm cho sự học hỏi về Huệ được thành tựu. Khi việc tu học Giới Định Huệ được viên mãn, thì tham, sân, si cũng bị trừ sạch. Dứt sạch tham, sân, si, thì chứng được quả vị A La Hán.

Quả vị A La Hán có tất cả bốn bậc: Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả. Phải chứng được Tứ quả thì mới chính thức chấm dứt sanh tử!

Người chứng đắc được quả vị thứ tư trong hàng A La Hán tức là ở vào vị trí không cần phải học nữa, nên gọi là Vô học vị. Riêng các bậc La Hán từ Sơ quả đến Tam quả thì đều ở vị trí còn phải học hỏi thêm, gọi là Hữu học vị. Tứ quả La Hán còn được gọi là Chứng Đạo vị, tức là vị trí đắc Đạo; Nhị quả và Tam quả thì đều được gọi là Tu Đạo vị, tức là vị trí đang còn tu Đạo; Sơ quả thì được gọi là Kiến Đạo vị, vị trí thấy được Đạo.

Bậc Thánh nhân đã chứng đắc Tứ quả A La Hán thì không còn ái dục. Các ngài đều đã cắt được lòng tham ái và lòng tham dục.

Bốn quả vị A La Hán

La Hán có bốn bậc: Sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả A La Hán.

  1. Sơ quả A La Hán còn gọi là “Quả Tu Đà Hoàn”. Bậc Sơ Quả còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian mới đoạn sạch được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chứng quả La Hán.
  2. Nhị quả A La Hán, gọi là “Quả Tư đà hàm”. “Tư đà hàm” còn gọi là “Nhất lai”. Nếu như không tiếp tục tu tiến thì sẽ sinh trở lại cõi trời một lần, cõi người một lần, nên mới gọi nhị quả là “Quả nhất lai”
  3. Tam quả A La Hán còn gọi là “Quả A na hàm” hay bậc Bất lai”. Người chứng Tam quả không còn sinh lại cõi dục chịu sinh tử.
  4. Tứ quả A La Hán còn là “Quả vị Vô học”. Vô học ở đây không phải là thất học mà có ý nghĩa là không cần phải học nữa, bởi mọi thấy biết đã trọn vẹn.
*

Vị trí mà bậc Tứ quả A La Hán chứng đắc là Vô học vị. Bậc Tam quả A Na Hàm, bậc Thánh nhân chứng được quả vị thứ ba, thì vẫn còn ở vị trí Hữu học.( Tức còn phải học hỏi thêm). Bậc Nhị quả Tư Đà Hàm đã đoạn trừ sáu phẩm Tư-hoặc đầu của cõi Dục-giới, và vẫn còn phải tiếp tục đoạn trừ nốt ba phẩm Tư- hoặc cuối nữa. Một khi đã đoạn trừ đi ba phẩm Tư-hoặc cuối ấy, ngài sẽ đắc Tam quả La Hán, thành bậc A Na Hàm. Bậc Thánh nhân chưa đoạn trừ được ba phẩm Tư-hoặc cuối ấy, được gọi là Tư Đà Hàm.

Khi bậc A Na Hàm mạng chung, linh-thần sẽ lên trên cõi trời thứ mười chín, và sẽ chứng được quả vị A La Hán.” Linh thần này, nếu làm quỷ, tức là thuộc âm thì gọi là thân trung ấm; Nếu thuộc dương, thì gọi là linh thần, linh hồn, hoặc linh tánh. Vì bậc A Na Hàm chưa chấm dứt được sanh tử, do đó: Khi thọ mạng của ngài chấm dứt, linh thần của ngài sẽ thăng lên trên cõi trời thứ mười chín.

Từ cõi trời Tứ Thiên Vương đếm trở lên cho tới Vô Phiền Thiên; Thì cõi trời Vô Phiền này là ở phía trên cõi trời thứ mười chín. Trên cõi trời thứ mười chín, bậc A Na Hàm sẽ chứng đắc quả vị La Hán. Do đó, tên của ngài có nghĩa là “bất lai” (không trở lại). Ngài không còn trở lại cõi nhân gian nữa! Đó là nói về vị A Na Hàm, bậc Thánh nhân chứng đắc quả vị thứ ba của hàng A La Hán.

Căn cứ để nhận biết người đắc quả A La Hán

Căn cứ vào đâu để biết được đó là một bậc Thánh nhân đã chứng đắc quả vị thứ tư của hàng A La Hán? Khi bậc Thánh nhân hàng Tứ quả bước đi, chân không hề chạm đất. Bàn chân ngài thường ở cách mặt đất khoảng ba phân, vì như thế mới khỏi giẫm chết các côn trùng hoặc kiến. Ngài chẳng phải như phàm phu chúng ta, thường đạp chết côn trùng và kiến trên lối đi. Ngài không hề giẫm lên trùng và kiến ở dưới chân. Điều này chứng minh rằng ngài đã chứng Thánh quả!

Không những bậc Thánh nhân ở hàng Tứ quả, mà ngay cả các bậc ở hàng Sơ quả cũng có được khả năng ấy; Cho nên trong Kinh mới dạy rằng: “Các bậc A La Hán đều có thể phi hành, biến hóa.” Các bậc Tứ quả La Hán muốn đến nơi nào là có thể đến ngay nơi đó. Các ngài đều có khả năng biến hóa khôn lường.

Lúc ở Đài Loan, tôi có viếng thăm ngài Quảng Khâm, một vị sư tu hành đã lâu năm. Khi tôi tỏ ý mời ngài sang Mỹ, thì ngài chỉ vào ngực mình và nói rằng ngài có thể đến bất cứ lúc nào ngài muốn! Ngài muốn đến là đến được; Và ngài tự biết mình có đến, chứ người khác thì vẫn không hay biết gì cả. Chỉ những người đã khai nhãn mới có thể thấy được là ngài có đến mà thôi.

*

Các bậc Tứ quả A La Hán không những chỉ có khả năng chuyển dịch tinh thần mà còn có thể chuyển dịch cả nhục thể. Do vậy các ngài đến bất cứ nơi nào tùy ý. Các ngài không cần mua vé máy bay, mà chỉ du hành trong không trung. Cho nên nói: “Có thể phi hành, biến hóa.” Các bậc La Hán có mười tám phép biến hóa, và những phép biến hóa ấy đều bất khả tư nghì.

Bậc Tứ quả A La Hán muốn sống bao nhiêu lâu cũng được, không trở ngại gì cả. Khi thân thể này hư hoại, già nua cằn cỗi, thì các ngài có thể đổi lấy một thân thể khác. Vì các ngài có thể thay đổi thân thể một cách rất dễ dàng. Cho nên nói rằng các ngài “có thọ mạng lâu dài tới cả khoáng kiếp.”

Các Thánh nhân chứng đắc Tứ quả A La Hán đều đạt được sự tự do về vấn đề sanh tử. Các ngài thật sự được tự do: Muốn sống, thì cứ tiếp tục sống, muốn chết, thì bất cứ lúc nào cũng có thể chết được. Các ngài muốn chết đứng, thì đứng mà chết; Muốn chết ngồi, thì ngồi mà chết; Muốn chết khi đang đi, thì chết khi đang đi; Muốn chết trong lúc ngủ, thì chết trong lúc ngủ! Các ngài rất tự do, không ai có thể cai quản được cả. Chính vì thế mà nói là các ngài “có thọ mạng lâu dài tới khoáng kiếp” và được gọi là bậc “Vô sanh” – Nghĩa là không sanh ra mà cũng chẳng chết đi!

*

Các bậc La Hán trú ngụ ở nơi nào, thì Thiên thần và Địa thần đều sanh lòng cảm động, và đều thọ nhận sự giáo hóa của các ngài. Nơi nào các ngài an trụ cũng đều có Trời, Rồng, cùng Tám bộ chúng thường xuyên lui tới hộ pháp. Hễ nơi nào có một bậc A La Hán an trụ, thì nơi đó rất bình yên. Không hề có các loại tai nạn như gió lốc, gió xoáy, mưa bão, động đất, vỡ đê, sóng thần…xảy ra. Đó là vì các Thiện thần và các vị Hộ pháp luôn luôn ủng hộ bậc La Hán; Làm cho mọi việc có liên quan đến ngài đều được may mắn, thuận lợi.

Tuy nhiên, lắm lúc các bậc La Hán cũng gặp phải chuyện không may. Đó chính là “nghiệp cảm sở hiện” – Sự ứng hiện của những nghiệp chướng mà các ngài đã gây ra trong đời quá khứ. Thỉnh thoảng những tình cảnh như thế cũng có xảy ra. Bởi vì nếu sự tu hành ở nhân địa không được viên mãn, thì lúc ở quả địa sẽ phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ. Cho nên nói rằng:

*

Tu phúc bất tu huệ, tượng thân quải anh lạc,

Tu huệ bất tu phúc, La Hán ứng cúng bạc.

(Tu phước mà không tu huệ, thì cũng như thân voi đeo chuỗi ngọc;

Tu huệ mà không tu phước, thì chẳng khác nào vị La Hán ít được cúng dường.)

Có nhiều khi các bậc La Hán cũng không có cơm ăn, đi hóa duyên khất thực mà chẳng ai cúng dường cả! Đó là vì lúc ở nhân địa các ngài chỉ biết tu huệ chứ không biết tu phước. Cho nên sau khi chứng được quả vị A La Hán, các ngài không có phước báo, rất ít người cúng dường các ngài!

Bất luận bậc A La Hán làm gì, nhất cử nhất động của các ngài cũng đều làm cho trời đất bị chấn động, rung chuyển!

Chuyện về bậc A La Hán

Hòa Thượng Tuyên Hóa kể: “Vừa rồi, khi nghe nói là nơi nào có bậc A La Hán an trụ thì nơi đó không có tai nạn, thì có nhiều người sanh lòng hoài nghi. Họ nghi ngờ rằng nơi bậc La Hán an trụ có thể không được thanh bình, yên ổn! Tôi không giải đáp nghi vấn này cho quý vị; Song, bây giờ tôi sẽ thuật lại một vài sự cảm ứng xảy ra trong cuộc đời của Lão Hòa Thượng Hư Vân tại nước Trung Hoa.

Có lần, trong thời kỳ chiến tranh Trung-Nhật. Khi Lão Hòa Thượng Hư-Vân ở tại Chùa Nam Hoa (gần tỉnh Quảng Đông). Quân đội Nhật cho oanh tạc phi cơ dội bom khu vực ấy. Họ thả xuống mấy quả bom nhưng không có quả nào phát nổ cả!

Có người cho rằng đó chẳng qua chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên; Song, nếu là tình cờ thì người khác cũng phải được gặp sự tình cờ ấy chứ! Nếu sự tình cờ không xảy đến cho quý vị, thì thế là thế nào? Còn nếu nói rằng “tình cờ” nghĩa là gặp phải lúc Nhật ném nhằm loạt bom không nổ; Thế thì tại sao người khác lại không gặp được sự tình cờ như vậy! Tại sao sự tình cờ ấy chỉ xảy ra ở Chùa Nam Hoa mà thôi?

*

Một lần khác, khi Lão Hòa-Thượng Hư-Vân đang truyền Giới tại Chùa Vân-Thê ở tỉnh Vân-Nam, thì cây cối nơi ấy đều trổ hoa sen. Vì sao ở những nơi ngài không đến thì lại không có hiện tượng hoa sen nở rộ trên cây như thế? Chẳng những thế, trên các lá cây, lá rau mọc ở nơi đó đều có hiện lên hình tượng của Phật. Tuy nhiên, người đời vẫn không nhận biết được sức cảm ứng mạnh mẽ ấy. Họ vẫn cứ cho rằng đó chẳng qua chỉ là những điềm lành nhất thời mà thôi!

Lại nữa, khi Lão Hòa-Thượng Hư-Vân ở Chùa Nam-Hoa, có một cây bách chết đã mấy trăm năm bỗng dưng bừng sống trở lại và đâm chồi nẩy lộc rất tươi tốt. Đó quả là một cảnh giới không thể nghĩ bàn. Tương tự như trường hợp con chồn trắng (bạch hồ ly) đến xin quy y với ngài vậy.

Tất cả sự kiện này đều là những trường hợp bất khả tư nghì. Có điều, ngay lúc sự việc xảy ra thì người ta vẫn chưa nhận thức được vấn đề cho lắm; Đợi đến khi Lão Hòa-Thượng Hư-Vân viên tịch rồi, thì ai nấy đều tán tụng. Họ nói rằng Lão Hòa-Thượng là bậc Thánh nhân đã chứng quả, là đấng Bồ-tát tái thế! Chao ôi! Người đời là như thế cả – khi sờ sờ trước mắt thì để cho vuột mất; Vuột mất rồi thì lại hối tiếc, ăn năn. Con người quả là những sinh vật ngu si, kỳ quặc!

18 A La Hán là những La Hán nào

Tổ Ấn Quang bảo: “Khi còn tại thế, Phật sắc truyền các A La Hán thường trụ thế gian. Mục đích là để các La Hán nhận sự cúng dường của trời người để làm phước điền cho chúng sanh. Như năm trăm vị đại A La Hán và mười tám vị La Hán là thủ lãnh của họ. Do vậy tại các Chùa chiền hoặc Phật điện đều đắp hình tượng để người chiêm lễ diệt tội tăng phước

Thập Bát La Hán hay 18 A La Hán thật ra chỉ có 16 vị. Theo Pháp Trụ Ký của tôn giả Khánh Hữu: Lúc đức Phật sắp nhập Niết Bàn, đã phó chúc việc hoằng dương Phật pháp lại cho 16 vị La Hán. Từ đời Đường, người Trung Quốc đã thêm vào hai vị tôn giả, thành ra 18 vị. Tạng truyền Phật giáo lại ghép hai vị cư sĩ Đạt Ma Đa La và Bố Đại Hòa Thượng vào số 16 vị La Hán kể trên thành 18 vị. Hiện thời, danh tánh của 18 La Hán như sau:

  1. Tân Đầu La Phả La Đọa Xà (Pindola-Bharadvaja).
  2. Ca Nặc Ca Phạt Sa (Kanakavatsa).
  3. Ca Nặc Ca Bạt La Đọa Xà (Kanaka-bharadvaja ).
  4. Tô Tần Đà (Suvinda).
  5. Nặc Cự La (Nakula).
  6. Bạt Đà La (Bhadra).
  7. Ca Lý Ca (Karika).
  8. Phạt Xà La Phất Đa La (Vajraputra).
  9. Thú Bác Ca (Svaka).
  10. Bán Tra Ca (Panthaka).
  11. La Hỗ La (Rahula).
  12. Na Già Tê Na (Nagasena).
  13. Nhân Yết Đà (Ingata).
  14. Phạt Ba Bà Tư (Vanavasin).
  15. A Thị Đa (Ajita).
  16. Chú Đồ Bán Tra Ca (Cuda Panthaka).
  17. Ca Diếp tôn giả. 
  18. Di Lặc tôn giả.

Đắc quả A La Hán vô cùng khó

Từ xưa, cao tăng hoặc Phật tái lai hoặc Bồ Tát thị hiện đều giữ phận phàm phu, trọn chẳng nói ta là Phật, ta là Bồ Tát. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Sau khi ta diệt độ, truyền cho các Bồ Tát và A La Hán ứng thân sanh trong thời Mạt Pháp. Hiện đủ mọi hình, độ những kẻ đang luân chuyển. Nhưng trọn chẳng được tự nói mình thật là Bồ Tát, thật là A La Hán, tiết lộ mật nhân của Phật, dễ dãi nói cùng kẻ chưa học. Chỉ trừ khi mạng chung, ngầm để lại dặn dò”.

Nếu dựa theo giáo lý thông thường để tu thì dù đã minh tâm kiến tánh vẫn còn cách liễu sanh thoát tử xa lắm! Bởi minh tâm kiến tánh là ngộ, chứ chưa phải là chứng. Người đời nay ngộ được còn ít, huống chi là chứng! Chứng là Hoặc nghiệp hết sạch, đã đoạn cái nhân sanh tử, tự chẳng cảm lấy cái quả sanh tử. Bậc Sơ Quả bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian mới đoạn sạch được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chứng quả A La Hán.

Ngài Thiên Thai (Trí Giả đại sư) thị hiện ở địa vị Ngũ Phẩm, ngài Nam Nhạc(Tức ngài Huệ Tư, thầy của tổ Trí Khải) thị hiện ở địa vị Thập Tín. Bậc đại sĩ như thế còn tự ẩn đức mình, thị hiện trong địa vị nội ngoại phàm phu, thì việc chứng đạo không phải là chuyện dễ. Đây là ước theo giáo lý thông thường, muốn ngay trong một đời này chứng đạo khó lắm(Ấn Quang Văn Sao)

Nên cẩn trọng với người tự xưng là A La Hán

Bậc tu hành giới hạnh tinh nghiêm để đắc được quả vị khó như thế đó. Lại bậc Chân tu, trì giới tinh nghiêm tất phải là người có đức khiêm hạ. Không có bậc chân tu nào lại tự nhận mình đắc quả này vị kia. Nên phàm những kẻ tự xưng đắc quả trong đời này chắc chắn là lời ma quỷ nói! Bởi ngay đến bậc là Hóa Thân Bồ Tát như: Ngài Tuyên Hóa là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát; Tổ Ấn Quang là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát…Nhưng các Ngài đều rất khiêm hạ ẩn mình, chưa từng một lần từng nói tôi chứng nọ hay đắc kia!

Nay đang thời mạt pháp, nếu bạn nghe có kẻ tự xưng đã chứng đắc quả vị La Hán thì chắc chắn là giả mạo. Xin hãy đọc kỹ lại lời phó chúc của đức Thích Ca ở trên để tránh lạc vào lưới ma. Ở Việt Nam ta gần đây cũng có vị tu hành dám tự xưng như vậy, ngàn vạn lần xin bạn chớ tin!

Xin chép lại câu chuyện của Ngài Tuyên Hóa kể lại, về một kẻ tu hành mạo xưng là A La Hán. Mục đích để bạn đọc hiểu rằng: Đắc quả La Hán vô cùng khó và người chứng đắc ẩn mật trong nhân gian để độ sinh. Các Ngài không bao giờ tự xưng hay khoe khoang mình đạt cái này thông cái nọ…như hạng quỷ mị chuyên mê hoặc người.

Vị A La Hán giả mạo

Lúc bấy giờ tại Hàng Châu, Tô Châu Thượng Hải có vị Pháp sư Vô Tận được người ta xưng là “La Hán Sống”. Nhưng vừa gặp mặt, Hòa Thượng đã quyết đoán vị “La Hán Sống” này sắp sửa chết đến nơi …Hòa Thượng kể:

“Dân Quốc năm thứ 36, ở Trung Quốc có một vị “La Hán Sống” gọi là Vô Tận. Vị La Hán này có bản lãnh gì? Ông ta có thể niệm chú Đại Bi để trị bịnh, bất cứ bịnh gì, ông cũng trị được hết. Có thể nói Thầy ta hiện đại thần thông ở Phổ Đà Sơn.

Lúc bấy giờ có hơn 500 vị xuất gia ở Phổ Đà Sơn, nhưng vì năm đó không có bao nhiêu khách thập phương viếng chùa nên 500 vị Thầy này không có tiền, phải xuống núi. Vị La Hán ở nơi đó trị bịnh rất được người ta tin tưởng, nay lại làm nghĩa vụ sắm hai chiếc thuyền đưa hơn 500 vị thầy đó đến Thượng Hải. Vì vậy danh tiếng ông càng vang dội.

Lúc đó ở Hàng Châu, Tô Châu, Thượng Hải không ai mà không nghe đến danh vị “La Hán Sống” này. Có một số quan chức đã tin ông, nên dân chúng càng tin ông hơn, ngoài ra còn có một số người xuất gia, tại gia trong Phật giáo cũng tôn sùng ông ta nốt. Có lần, tôi gặp ông ta ở Niệm Phật Đường, Linh Nham Sơn, Tô Châu, thấy tướng ông cũng không tệ, giống như một La Hán ăn mặc rách rưới. Nhưng vừa nhìn qua, tôi biết ngay vị La Hán này đã gần chết rồi!

La Hán sống thật chăng?

Lúc đó, tôi hỏi ông: “Thầy là ‘La Hán Sống’ phải không?”

Ông nói: “Thật không dám nhận, có số người gọi tôi như vậy.” 

Tôi nói: “Thầy có bản lãnh gì mà được gọi là ‘La Hán Sống’ vậy?” 

“Tôi trị bịnh cho người ta.” 

“Thầy nên trị chút bịnh của mình trước đi, Thầy đã trị cho mình hết bịnh chưa?” 

Ông ta nhìn tôi chăm chăm, nói: “Tôi bị bịnh gì?”

Tôi nói: “Thầy có bịnh cầu danh, tương lai sẽ có thêm bịnh cầu lợi. Thầy trị bịnh cho người ta, nhưng sau này sẽ không có ai trị bịnh cho Thầy đâu! Tôi nói thật cho Thầy biết, nếu Thầy còn trị bịnh cho người ta, còn hiển bày thần thông này nọ, thì Thầy nhất định sẽ bị đọa, hoặc tạo tội, hoặc không được làm người xuất gia nữa.”

“La Hán Sống” nghe xong liền tới trước mặt tôi.

Tôi nói: “Thầy làm gì vậy?”

Ông đáp: “Nếu tôi đọa lạc, tôi cầu xin Thầy hãy cứu độ tôi.”

Ông ta đã không hỏi tôi cách thức làm sao mới không bị đọa lạc, mà chỉ nói đợi đến khi nào ông ta bị đọa lạc rồi hãy cứu độ cho ông ta. Ôi! Lúc đó tôi không có nghĩ gì thêm liền nhận lời, nói: “Được, khi nào Thầy đọa lạc thì tôi sẽ cứu độ Thầy!”

La Hán giả hiện nguyên hình

Khi đến Hồng Kông, tôi gặp lại La Hán Sống đó. Quả nhiên y không phải là La Hán Sống mà đã biến thành phàm phu, không còn là người xuất gia nữa.

Tôi vẫn nhận ra ông ta, tôi nói: “Hiện ông ra sao thế? La Hán Sống của ông chạy đi đằng nào rồi? Tại sao ông lại ra nông nỗi này?”

Ông nói: “Đều là tại Thầy! Tại Thầy trù tôi đọa lạc, nên tôi mới bị đọa lạc đó! Nếu Thầy không trù như vậy, chắc tôi không đến nông nỗi này? Lời nói của Thầy linh thiệt. Thầy nói tôi đọa lạc, là tôi đọa lạc ngay đó.”

Tôi nói: “Tôi đã hứa với ông, nếu ông đọa lạc thì tôi sẽ cứu ông. Vậy ông nay có còn muốn xuất gia nữa không?”

Ông ta nói: “Xuất gia à? Tôi không có đồng nào!”

Tôi nói: “Ông không có tiền, tôi sẽ cho ông tiền để ông đi xuất gia.”

Tôi lại độ cho ông ta xuất gia. Lúc đó có người cung kính ông ta như Phật sống, sau mỗi khóa công phu khuya, công phu chiều là bái lạy ông ta dài dài. Tôi nói với người đó rằng: “Ông nên cẩn thận một chút! Ông mà cung kính Thầy đó như vậy, tất có ngày Thầy ta lại sẽ sa đọa.” Quả nhiên, sau đó “La Hán Sống” này lại bỏ đi.

Tôi thấy có rất nhiều người tu hành như “La Hán Sống” đây, cũng ngủ ngồi và trì ngọ, nhưng cũng đọa lạc như thường. Cho nên tu hành không phải là chuyện dễ.

(A La Hán và 18 La Hán là ai – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Xem Thêm:   Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Thầy của bảy đức Phật

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog