Tìm hiểu “Lời tựa” trong Dị bộ tông luân luận
Pháp Giới 3 tháng trước

Tìm hiểu “Lời tựa” trong Dị bộ tông luân luận

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

NSGN – Quá trình phát triển Phật giáo là một dòng chảy tương tục, mỗi thời kỳ đều mang một sứ mệnh quan trọng. Phật giáo muốn tồn tại bắt buộc phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh xã hội.

Sau khi Đức Phật diệt độ hơn 100 năm, Tăng đoàn bị phân chia thành 18 đến 20 bộ phái. Các bộ phái chủ trương những quan điểm bất đồng, có lúc chống đối lẫn nhau. Dị bộ tông luân luận của luận sư phái Thuyết nhất thiết hữu bộ là tác phẩm trình bày tường tận quá trình phân chia và diễn tiến của Phật giáo trong thời kỳ phân chia này. “Lời tựa” mở đầu của Dị bộ tông luân luận dù nội dung rất ngắn và mang tính chất tổng quát, song mang nhiều ý nghĩa ẩn tàng, thúc đẩy người viết bắt tay vào việc tìm hiểu nội dung “Lời tựa” đó thôngbản Hán dịch của ngài Huyền Trang.

Tác giả trước tác Dị bộ tông luân luận được cho là Thế Hữu1. Nguyên bản Phạn văn của tác phẩm này vẫn chưa tìm thấy, chỉ có thể tìm hiểu thông qua nguồn tư liệu Hán tạng từ ba dịch bản hiện có:

1- Thập bát bộ luận, tác giả được ghi nhận là Chân Đế (Paramārtha, 499-569), nhưng qua tiến trình truy nguồn, đối chiếu, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 344-413) là tác giả của bản dịch này. Hơn thế, đó còn là tác phẩm được xác định dịch trước hết trong ba dịch bản.

2- Bộ chấp dị luận của Chân Đế vào thời nhà Trần.

3- Dị bộ tông luân luận được Huyền Trang (602-664) dịch vào thời nhà Đường.

Nội dung của ba bản dịch này phần lớn giống nhau, lấy giáo nghĩa Hữu bộ làm cơ sở để trình bày về quá trình hình thành và phát triển cũng như những điểm dị đồng của 18 đến 20 bộ phái Phật giáo trong khoảng thời gian từ 100 đến 300 năm sau Phật nhập diệt. Vẫn tồn tại nhiều điểm dị biệt giữa các tác phẩm này. Tuy nhiên, giới hạn phạm vi đề tài không đi sâu vào nội dung của bộ luận mà chỉ khảo sát phân tích những thông tin được đề cập trong phần “Lời tựa”.

Toàn bộ nội dung “Lời tựa” như sau:

“Sau Phật nhập Niết-bàn,

Tròn hơn một trăm năm,

Kiến giải khác thánh giáo,

Phát sinh điều không lợi

Càng lúc chấp không đồng

Bộ phái theo đó tăng.

Căn cứ kinh A-hàm,

Chỉ rõ sự cố chấp,

Để chúng tự tiêu diệt.

Đại Bồ-tát Thế Hữu,

Bậc đại giác, đại tuệ,

Đúng là chân Tỷ-kheo

Là người theo họ Thích.

Quán sát và nghĩ suy,

Thấy rõ khắp thế gian,

Các kiến chấp phân tranh,

Tổn hại lời Phật dạy,

Do lý thuyết các tông,

Cần xem lại lời Phật,

Lấy thánh đế nương tựa.

Như đãi cát tìm vàng,

Lựa lấy sự chân thật”.2

Tác giả lời tựa

Điều đầu tiên cần xác định là “Lời tựa” của Dị bộ tông luân luận trên không phải do Thế Hữu viết, vì lẽ Thế Hữu không thể tự xưngmình là “Đại Bồ-tát Thế Hữu”. Trong bản dịch của ngài La Thập, tức Thập bát bộ luận, không thấy xuất hiện câu này. Câu này chắc chắn không phải Thế Hữu tự xướng mà có nhiều khả năng được đưa vào khi ngài Huyền Trang dịch sang Hán văn hoặc giả người đời sau thêm vào khi biên tập.

Thời gian Tăng-già bất đồng về kiến giải

Thời gian phát sinh sự bất đồng tư tưởng, “kiến giải khác thánh giáo” dẫn đến phân chia bộ phái được Dị bộ ghi nhận là “sau Phật nhập Niết-bàn, tròn hơn một trăm năm”. Điều này cũng được nhiều nguồn tài liệu đề cập.3

Ai kiến giải khác thánh giáo? Chủ ngữ tất nhiên chỉ cho các vị Tỷ-kheo trong Tăng đoàn của Đức Phật. Cho nên, phải nói đầy đủ là các thành phần của Tăng-già kiến giải bất đồng về thánh giáo, lý giải lời Phật dạy khác nhau, từ đó dẫn đến “phát sinh điều không lợi”.

Ở đây cần làm rõ hai vấn đề. Một là, có phải đợi đến sau Đức Phật nhập diệt hơn 100 năm Tăng đoàn mới bắt đầu phát sinh những kiến giải bất đồng hay trước đó đã xảy ra? Hai là, “phát sinh điều không lợi” mang ý nghĩa như thế nào?

Đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng năm bộ kinh Nikāya và A-hàm được xem là nguồn tư liệu tiêu biểu phản ảnh giai đoạn Tăng-già sống trong sự hòa hợp của Phật giáo thời kỳ nguyên thủy. Tuy nhiên, trong nguồn tư liệu này có không ít bản kinh mô tả khi Đức Phật còn tại thế đã ẩn chứa sự bất hòa trong Tăng-già.

Trước hết có thể nói đến là trường hợp Đề-bà-đạt-đa muốn lãnh đạo Tăng đoàn sau khi Đức Phật nhập diệt.4 Yêu cầu này dĩ nhiên bị Đức Phật từ chối bởi không thể lấy quan điểm của một cá nhân để thay thế Chánh pháp, cho nên Đề-bà-đạt-đa bất mãn và tìm cách phá hoại Tăng đoàn. Hay kinh Kosambiya có đề cập đến việc các Tỷ-kheo sống bất hòa: “Các Tỷ-kheo ở Kosambī sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải”.5 Theo kinh này, sự bất hòa giữa các Tỷ-kheo đã xuất hiện ngay khi Đức Phật còn tại thế. Mặc dù Đức Phật khuyên can nhưng vẫn không có hiệu quả.

Xem Thêm:   Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông là ai? Vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Một sự kiện quan trọng khác, đó là sự phủ bác của Ca Diếp đối với quan điểm giới nhỏ không quan trọng có thể bỏ của Đức Phật, được A Nan thuật lại trước đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Sự phủ quyết này rõ ràng không phù hợp với tinh thần giáo dục của Đức Phật, bởi vì Đức Phật chế giới tùy vào hoàn cảnh và đem lại sự giải thoát khi trì giới. Khi môi trường tu tập thay đổi, đồng nghĩa một số giới luật không còn phù hợp, không liên hệ đến đời sống phạm hạnh, không đem lại sự an lạc giải thoát khi hành trì, nếu cố chấp giữ giới đó hẳn nhiên đi ngược lại tinh thần trì giới của Đức Phật. Thậm chí, thái độ khư khư chấp chặt một giới điều không đưa đến sự giải thoát còn rơi vào một trong năm kiết sử, giới cấm thủ, mà Đức Phật dạy cần phải đoạn trừ: “Này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện… Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng”.6

Sự phủ quyết quan điểm “tiểu tiểu giới khả xả” rồi đưa đến kết luận “Phật không chế không được thêm vào những quy định mới, Phật đã chế không được bỏ” của Ca Diếp hướng Phật pháp phát triển theo khuynh hướng trọng luật của Ca Diếp. Quan điểm đó không được đại đa số Tăng-già chấp nhận và trở thành nguyên nhân sâu xa nảy sinh sự tranh cãi về “10 việc” của nhóm Tỷ-kheo Bạt-kỳ trong lần kết tập kinh điển lần thứ hai.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, không phải đợi đến 100 năm sau Đức Phật nhập diệt Tăng-già mới bắt đầu phát sinh những bất đồng, kiến giải lời Phật dạy khác nhau mà trước đó, ngay trong khi Phật còn tại thế, cũng đã xuất hiện.

“Phát sinh điều không lợi” mang ý nghĩa gì?

Từ bất đồng quan điểm đó dẫn đến phát sinh điều bất lợi. Điều không lợi ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa.

Một là, phát sinh điều không lợi thể hiện một Tăng-già đang ôn hòa thống nhất, sau Phật nhập diệt hơn 100 năm phát sinh những kiến giải bất đồng, tạo nên những lý giải khác biệt về lời Phật dạy. Từ đó, Tăng-già bị phân chia thành các bộ phái, đây là một điều không tốt. Điều đáng nói ở đây, nếu như các luận sư Hữu bộ xem sự phân chia bộ phái là một điều không nên xảy ra và cực lực lên án những đối tượng có hành vi chia rẽ Tăng-già, đáng lẽ ra họ phải chung sống hòa hợp mới đúng. Song, tình hình lại không phải như vậy. Thực tế cho thấy, phái Hữu bộ của hệ Thượng tọa bộ liên tục trải qua 7 đến 8 lần phân chia và phân thành 11 bộ phái hơn hẳn sự phân chia của Đại chúng bộ.7 Phải chăng, ở phái Hữu bộ tồn tại những quan điểm độc đoán, cho nên sự phân chia mới diễn ra mạnh như thế.

Hai là, phát sinh điều không lợi mang ý nghĩa tích cực đối với sự tồn tại và phát triển của Phật giáo. Mỗi giáo đoàn của Tăng-già sống ở mỗi địa phương khác nhau, chứ không phải tập trung ở một trú xứ, co cụm tại một chỗ, cho nên từng giáo đoàn chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán khác nhau. Mỗi giáo đoàn có một cách thực hành, cách lý giải lời Phật dạy theo hoàn cảnh của mình sao cho phù hợp với môi trường tập quán nơi mình cư trú, giáo hóa. Đây cũng là một minh chứng biểu hiện thời kỳ Phật giáo đã phát triển, chuyển hướng sinh hoạt, hoằng hóa phù hợp với thời đại, sống theo từng nhóm, từng giáo đoàn, từ đó bắt đầu hình thành những quan điểm lý giải khác nhau.

Nguyên nhân phân chia bộ phái

Cuối cùng, hệ quả của việc kiến giải khác thánh giáo đó làm cho Tăng đoàn “càng lúc chấp không đồng, bộ phái theo đó tăng”. Bàn về nguyên nhân phân chia bộ phái, các học giả thường đưa ra hai quan điểm liên quan đến giới luật và tư tưởng. Quan điểm dựa vào phương diện giới luật, cho rằng sự tranh cãi về “10 việc” giới luật xảy ra một thế kỷ sau Đức Phật diệt độ phải được xem là nguyên nhân của “căn bản phân ly”, chia Tăng đoàn thành hai bộ phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Đồng thời, xem sự tranh luận về 5 việc của Đại Thiên chỉ là sự phân hóa về sau thuộc phương diện tư tưởng.

Xem Thêm:   Ủy ban MTTQVN TP.HCM làm lễ xuất quân chuyển 30 tấn hàng hóa hỗ trợ đồng bào miền Bắc

Trong nhiều tác phẩm và bài viết nghiên cứu Phật học chuyên sâu, thầy Thích Hạnh Bình cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự phân chia bộ phái Phật giáo là sự tranh cãi về 5 việc của Đại Thiên chứ không phải là 10 việc. HT.Ấn Thuận cũng nhấn mạnh tính quan trọng của tư tưởng trong nguyên nhân phân chia bộ phái hơn là liên quan đến giới luật.8

Một điều đáng chú ý, nếu như 10 việc liên quan đến giới luật là nguyên nhân dẫn đến phân chia bộ phái thì hẳn nhiên giới luật phải là trung tâm tranh luận của các bộ phái. Song, trong các tác phẩm ghi chép lại sự phân phái Phật giáo hiện có như Dị bộ tông luân luận, Đại Tỳ-bà-sa luận hay Kathavatthu, nội dung tranh luận giữa các bộ phái chỉ là sự tranh luận về quan điểm tư tưởng mà không thấy đề cập gì đến giới luật. Ngay cả khi đối chiếu nội dung của các bộ luật của Bắc truyền vẫn không có nhiều sự khác biệt cho lắm.

Như vậy, sự tranh cãi về 10 việc liên quan đến giới luật có lẽ không phải nguyên nhân dẫn đến phân chia bộ phái, nhưng cũng không thể kết luận là không có sự liên quan nào ở đây. Có nhiều khả năng chính sự bất đồng về giới luật này mà Tăng-già Phật giáo bắt đầu rạn nứt, ngấm ngầm ẩn chứa khuynh hướng phân chia thành hai hệ tư tưởng:9 hệ phía Đông thuộc Đại chúng bộ, những vị Tỷ-kheo trẻ có khuynh hướng tự do tư tưởng và điều chỉnh để phù hợp với nếp sinh hoạt thực tế của xã hội nhân sinh; và, hệ phía Tây thuộc Thượng tọa bộ, những vị Trưởng lão bảo thủ kinh nghĩa nguyên thủy, ủng hộ một cách hiểu nghiêm khắc hơn về giới luật. Tuy nhiên, Tăng-già vẫn chưa chính thức công khai phân chia bộ phái cho đến khi Đại Thiên đưa ra “5 việc”.

Phân tích câu “Căn cứ kinh A-hàm”

Nội dung cần làm rõ kế tiếp là nguồn tư liệu được sử dụng để xác định, loại trừ những tư tưởng, quan điểm sai lệch được Dị bộ đề cập là“Căn cứ kinh A-hàm, chỉ rõ sự cố chấp, để chúng tự tiêu diệt”.

A-hàm hay A-cấp-ma dịch âm của từ Agama, tức là chỉ cho bốn bộ A-hàm của Phật giáo Bắc truyền, tương đương bốn bộ Nikāya của Phật giáo Nam truyền. Nguyên văn câu “Căn cứ kinh A-hàm” trong Hán dịch là “依自阿笈摩” (Y tự A-cấp-ma). Chữ “tự” trong câu này, một số nhà nghiên cứu giải thích là “tự mình”, “của mình”, có nghĩa là căn cứ vào bộ A-hàm của mình làm điểm căn cứ, từ đó đả phá những quan điểm không phù hợp. Nói cách khác, vào thời điểm này mỗi bộ phái đều có bộ A-hàm riêng và chỉ căn cứ vào bộ A-hàm của mình chứ không căn cứ vào bộ A-hàm của bộ phái khác. Cách lý giải này không mấy thuyết phục, bởi vì không thể lấy kiến giải của mình làm tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề bất đồng ý kiến. Ở đây, nguyên tắc đúng để giải quyết bất đồng quan điểm giữa các bộ phái là phải căn cứ cái gì đó thuộc của chung, các bên cùng chấp nhận, xem đó là cái tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề ý kiến bất đồng.

Theo thầy Thích Hạnh Bình, chữ “tự” này mang ý nghĩa là “từ” chứ không phải là “của mình”, có nghĩa là căn cứ từ A-hàm, kinh này là kinh chung của các bộ phái, lấy đó làm điểm căn cứ chung để đả phá quan điểm không đúng. Cách giải thích này mang ý nghĩa, lúc đầu các bộ phái còn sử dụng chung bộ A-hàm hay Nikāya, chưa kết tập thành các bộ kinh riêng của mình. Quan điểm này được nhiều sự hậu thuẫn và phù hợp với sự thật lịch sử. Theo kết quả nghiên cứu của học giả Charles Eliot, Tam tạng kinh điển được truyền đến Tích Lan bằng hình thức khẩu truyền, và hơn 150 năm sau, tức vào khoảng năm 20 tr.TL, tại Tích Lan lần đầu tiên biên tập kinh điển thành chữ viết. Walpola Rahula cũng cho rằng kinh Phật được kết tập bằng chữ viết vào khoảng từ năm 29 đến năm 17 tr.TL dưới triều vua Vattagamani tại Sri Lanka.

Như vậy, ở thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, 5 bộ Nikāya và 4 bộ A-hàm được lưu truyền dưới hình thức khẩu truyền, không phải bằng chữ viết. Từ sự xác định này, tác phẩm “Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên” xem đây là chứng cứ để giải thích tại sao 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Đại Thiên đưa ra năm việc trong đó việc thứ năm, “Đạo nhân thanh cố khởi”, được giải thích “Đạo lý này nhờ âm thanh mà có”10. Chữ “âm thanh” ám chỉ cho kinh điển được ghi nhớ bằng ký ức, truyền trao cho nhau bằng miệng, vì thời này kinh điển vẫn chưa kết tập thành chữ viết. Đại Thiên đưa ra vấn đề thứ năm này, bởi vì khi các vị Thượng tọa Trưởng lão chất vấn bốn việc trước, được Đại Thiên trả lời một cách thông suốt, cho nên họ mới tiếp tục chất vấn về xuất xứ của bốn quan điểm này. Câu trả lời Đại Thiên hẳn là: Đạo lý mà bốn việc tôi đưa ra đều dựa vào kinh A-hàm, tức kinh điển được lưu truyền bằng cách thầy nói trò nghe, dùng ký ức để ghi nhớ.

Xem Thêm:   Hưng Yên: Khai giảng các lớp học Huynh trưởng bậc Kiên, Trì, Định Gia đình Phật tử miền Bắc

Kết luận

Quá trình phát triển Phật giáo là một dòng chảy tương tục, mỗi thời kỳ đều mang một sứ mệnh quan trọng. Phật giáo muốn tồn tại bắt buộc phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, đại bộ phận Tăng-già có khuynh hướng phát triển Phật pháp ở xã hội để duy trì và xiển dương Chánh pháp. Sự chuyển biến về đời sống du cư trong rừng núi sang định cư ở các tự viện đòi hỏi chư Tăng phải có một số thay đổi về hình thức cũng như tư tưởng, giới luật sao cho thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội, phong tục ở từng khu vực. Từ đó tạo nên những bất đồng về tư tưởng và cách lý giải lời Phật dạy giữa các giáo đoàn Phật giáo.

Công tác nghiên cứu Phật học giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại các tư tưởng, sự kiện hay nhân vật liên quan. Tuy nhiên, để công tác nghiên cứu đó có kết quả, tư liệu và cách xử lý tư liệu đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ một lời tựa vỏn vẹn 22 câu nhưng qua quá trình phân tích cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng. Điều này cho thấy, công việc tiếp cận và xử lý tư liệu luôn giữ vị trí then chốt trong công tác nghiên cứu Phật học.

Nhật Hướng

_____________________________

(1) Thế Hữu tiếng Phạn là Vasumitra, dịch âm Phạt-tô-mật-đát-la, cựu dịch là Ba-tu-mật-đa, Hòa-tu-mật-đa, một trong bốn đại luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ (gọi tắc là Hữu bộ). Đại Đường Tây Vức ký đề cập đến Thế Hữu là vị trước tác Phẩm loại túc luận và ngài là một trong năm trăm vị A-la-hán tham gia biên tập Đại Tỳ-bà-sa luận, tác phẩm tổng kết học thuyết của Hữu bộ. Ngoài ra, công trình trước tác của ngài còn có Giới thân túc luận, Tôn ba tu mật Bồ-tát sở tập luận. Trong những tác phẩm đó, Phẩm loại túc luậnGiới thân túc luận được tôn như thánh điển quý báu của Hữu bộ.

(2) Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, tr.37-39.

(3) Xem Hirrakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ – Từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, tr.126-132.

(4) Thích Minh Châu dịch (2012), Trung bộ kinh, tập I, kinh Vương tử Vô Úy, tr.481.

(5) Thích Minh Châu dịch (2012), Trung bộ kinh, tập I, kinh Kosambiya, tr.393.

(6) Thích Minh Châu dịch (1996), kinh Tăng chi, tập I, tr.338.

(7) Xem Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, tr.43-49.

(8) HT.Ấn Thuận, Thích Quảng Đại dịch, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ,tr.77.

(9) Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ,tr.117-120, 203.

(10) Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên,tr.179-187.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Thích Hạnh Bình (2016), Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, NXB.Phương Đông, TP.HCM.

2- Thích Hạnh Bình (2014), Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB.Phương Đông, TP.HCM.

3- Thích Hạnh Bình dịch (2020), Nghiên cứu về các luận sư và các tác phẩm của phái Nhất thuyết hữu bộ, NXB.Hồng Đức, TP.HCM.

4- Thích Hạnh Bình và Thích Huệ Hải dịch (2019), Bộ phái Phật giáo và A-tỳ-đạt-ma, NXB.Hồng Đức, TP.HCM.

5- Hirrakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch (2018), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ – Từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, NXB.Văn Hóa – Văn Nghệ, TP.HCM.

6- HT.Ấn Thuận, Thích Quảng Đại dịch (2018), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, NXB.Hồng Đức, TP.HCM.

7- Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch (2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB.Phương Đông, TP.HCM.

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog